Những ngày gần đây các tin tức về Syria là những đề tài sôi nổi từ Nga sang Mỹ và nhất là ở bên Âu Châu.

Phiá Nga, vũ khí và binh lính (gọi là huấn luyện viên) đã được đổ sang Syria một cách ào ạt, gây lo ngại không ít cho Tây Âu và Hoa Kỳ, nhưng song song với việc leo thang quân viện đó, Nga đưa ra một bàn tay thân thiện, không đề cập gì đến phe đối lập cuả Assad mà chỉ đề cập đến giải pháp làm sao để tiêu diệt đám ISIS. Nga kêu gọi Mỹ đàm phán về vấn đề hợp tác quân sự.

Phiá Mỹ, những đòi hỏi rằng Bashar al-Assad phải từ chức bỗng nhiên im bặt, tướng tá cuả Ngũ Giác Đài tiết lộ cho Quốc Hội biết rằng chương trình 5 năm và 500 triệu đô để huấn luyện quân nổi dậy đã thất bại, ngày nay họ chỉ còn có vài (từ 3 đến 5) người chiến đấu, và ông bộ trưởng Ngoại Giao Kerry bỗng đề cập đến đề nghị cuả Nga về hợp tác quân sự một cách nồng ấm.

Về phiá Châu Âu thì thê thảm hơn, dân tỵ nạn từ Syria đổ xô về vô số gây tắc nghẽn các cửa ải biên giới...và có vẻ như người Âu Châu đã cảm thấy hậu quả cuả chiến tranh xảy ra ngay tại sân nhà ...rõ ràng họ không biết phải giải quyết ra sao và mọi người đều cảm thấy mỏi mệt.

Còn ở Vatican thì những lời kêu gọi hoà bình và vấn đề tị nạn cũng được đặt lên hàng đầu. Đức Thánh Cha Phanxicô mới đây lên tiếng kêu gọi mọi giáo xứ và các dòng tu hãy mở cửa đón tiếp những nạn nhân chiến tranh.

Trong bối cảnh đó, đã có một số tin đồn 'bong bóng' được tung ra. Dựa vào sự kiện Vatican đã làm môi giới thành công cho việc xáp lại gần nhau giữa Cuba và Hoa Kỳ, thì liệu lần này, nhân dịp viếng thăm Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có thể mai mối cho một cuộc 'xáp lại gần nhau' giữa Tổng Thống Mỹ và Tổng Thống Nga không?

Được biết ông Putin cũng sẽ có mặt ở New York để tham dự đại hội đồng LHQ, và tháng này nước Nga lại là chủ tịch luân phiên cuả Hội Đồng Bảo An.

Tờ báo National Catholic Register, cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, vừa đăng một bài bình luận cuả phóng viên Edward Pentin về những tin đồn đó. Ông Pentin là phóng viên thường trực ở Vatican từ 10 năm nay, ông được LM Federico Lombardi S.J., giám đốc sở báo chí cuả Vatican đánh giá là một phóng viên có thành tích "nghiêm chỉnh và cân bằng...kiểm tra kỹ lượng các tin tức thu thập được".

Xin giới thiệu bài viết như sau:


Edward Pentin 2015/09/17

Việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sẽ gây áp lực ngoại giao để giúp mang lại một nền hòa bình cho Syria, Iraq và các khu vực xung đột khác khi Ngài viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào tuần tới là một điều không vượt quá thực tế và khả năng. Những tin đồn đã tăng thêm sau khi có báo cáo là Ngài sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin cuả nước Nga, là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong tháng này.

Nước Nga đang có một liên hệ chặt chẽ với Tổng thống Syria Bashar Al Assad và ông Putin đang mong muốn đóng một vai trò trung tâm trong những cố gắng hình thành một liên minh giữa phương Tây và khối Ả Rập, trong đó có cả chế độ Assad của Syria, để chống lại mạng lưới khủng bố Hồi giáo là ISIS. Đức Giáo Hoàng cũng có thể sử dụng cuộc họp để thúc giục ông Putin giúp mang lại một nền hòa bình cho Ukraine, điều mà Ngài đã từng làm khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào tháng Sáu vừa qua.

Các suy đoán cho rằng Đức Thánh Cha có tiềm năng thúc đẩy hòa bình đặt căn bản trên một thực tế là ĐTC Phanxicô đang có một danh tiếng rất lớn trên toàn cầu, đặc biệt là trong thế giới chính trị, điều này làm cho Ngài có một cân lượng rất lớn trong nền ngoại giao quốc tế, hơn bất cứ lúc nào kể từ những năm đầu của triều đại Đức Thánh Giáo Hoàng John Paul II.

ĐGH và Quốc Vụ Khanh Hồng Y Pietro Parolin sẽ sử dụng một thể thức đàm phán như thế nào thì chưa ai biết được, nhưng chắc chắn điều đó sẽ phù hợp với sự mong muốn của Đức Giáo Hoàng là xây dựng những cầu nối giữa các quốc gia và môi giới các hiệp định quốc tế, như đã được chứng tỏ khi Ngài làm trung gian khôi phục lại quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba. Một thí dụ có thể xảy ra là Đức Thánh Cha sẽ kéo dài cuộc hội kiến với Tổng thống Putin để thảo luận thêm về Syria và nhân tiện lôi kéo theo cả Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuộc.

Khu vực (Trung Đông) này là mối quan tâm lớn cho ĐGH: hai năm trước đây, năm 2013, nhiều người cho rằng Ngài đã giúp ngăn chặn cuộc xung đột Syria leo thang bằng cách tổ chức một buổi cầu nguyện trên toàn thế giới cho hòa bình. Vào thời điểm đó, chính quyền Obama và các quốc gia khác đều muốn lật đổ chế độ Assad sau khi chế độ này bị buộc tội sử dụng vũ khí hóa học. Nhiều người bây giờ cho rằng chế độ tệ hại đó thì "ít tệ hơn chế độ ISIS", và có thể là một bức tường thành chiến lược chống lại sự lây lan của ISIS.

Các khu vực đang bị chiến tranh tàn phá, nơi mà nhiều Kitô hữu đang bị bách hại, đang chiếm một vị trí quan trọng nhất trong tâm trí của Đức Giáo Hoàng khi Ngài chuẩn bị lên đường đi tới Hoa Kỳ.

Hôm nay, Ngài kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria và Iraq, gọi đó là "một trong những thảm họa áp đảo nhất của con người trong những thập niên gần đây" và nhấn mạnh rằng "hàng triệu người đang ở trong một tình trạng đau khổ rất là cấp bách".

Bày tỏ sự thất vọng với cộng đồng quốc tế, Ngài cho biết các quốc gia trên thế giới dường như "không thể tìm ra giải pháp thích hợp trong khi các nhà buôn vũ khí tiếp tục đạt được những lợi nhuận (khổng lồ)".

Trong một cuộc họp ngày hôm nay, với hội đồng Giáo hoàng "Cor Unum" (Đồng Tâm, Cùng Một Lòng) và có sự tham dự của các tổ chức từ thiện và các giám mục Công Giáo ở Trung Đông, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tình trạng đặc biệt tàn nhẫn của các Kitô hữu trong những quốc gia bị chiến tranh tàn phá "nơi mà nhiều anh chị em đang bị áp bức vì đức tin, bị xua đuổi khỏi đất đai, bị giam giữ hoặc thậm chí bị giết chóc".

Chỉ vào những hình ảnh và những câu chuyện thảm thương được các phương tiện truyền thông phát sóng trực tiếp, ĐTC Phanxicô nói: "Không ai có thể giả vờ là không biết! Mọi người đều biết rằng cuộc chiến này càng ngày càng đè nặng lên vai những người nghèo. Chúng ta cần phải tìm cho ra một giải pháp, một giải pháp không bạo lực, vì bạo lực chỉ tạo ra những vết thương mới ".