Phỏng vấn nhà báo Gerolamo Fazzini

Ngày mùng 3 tháng 5 tới đây tổng giáo phận Olinda và Recife bên Brasil sẽ chính thức mở án phong chân phước cho ĐC Helder Câmara, nguyên TGM giáo phận từ năm 1964 tới 1985. ĐC Câmara sinh ngày mùng 7 tháng 2 năm 1909 tại Fortaleza, và là con thứ 11 trong một gia đình rất khiêm tốn, có 13 người con. Thân phụ là ông João Eduardo Tores Câmara Filho, làm nghề bán sách. Mẹ là bà Adelaide Pessoa Câmara, giáo viên trường tiểu học. Ông Câmara quyết định lấy tên thành phố cảng nhỏ Den Helder bên Hòa Lan đặt tên cho con. Chú bé Helder mất đi 5 người anh khi tuổi còn nhỏ, vì bệnh dịch bạch hầu. Thụ phong linh mục năm 1931 tại Rio de Janeiro cha Helder được chỉ định làm Giám Mục phụ tá giáo phận này năm 1952. Tại đây ĐC Helder Câmara thành lập “Ngân hàng Quan Phòng thánh Sebastiano” để trợ giúp người nghèo và những người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. ĐC cũng là người tổ chức Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 36 tại Rio de Janeiro, và là thư ký rất năng nổ của Hội Đồng Giám Mục Brasil. Cùng với nhiều Giám Mục khác ĐC Câmara đã tham dự Công Đồng Chung Vaticăng II và đã đóng góp nhiều ý kiến cho Công Đồng. Ngài cũng đã là người đề xướng điều sẽ được gọi là “ưu tiên lựa chọn người nghèo”. Ngày 12 tháng 3 năm 1964 ĐC được ĐGH Phaolô VI chỉ định làm Tổng Giám Mục Olinda và Recife. Được các bề trên thúc đẩy ĐC đã hăng say làm việc để giải quyết các vấn đề của dân nghèo sống trong các khu xóm ổ chuột vùng ngoại ô. Chính vì thế ngài cũng được gọi là vị “Giám Mục của các xóm nghèo ổ chuột”. ĐC Helder Câmara cũng tổ chức cuộc gặp gỡ của các tôn giáo lớn cũng như phát động chiến dịch “Một năm 2000 không còn bần cùng nữa”. Ngài cũng đã là một trong các vị đi tiên phong của nền thần học giải phóng mỹ châu la tinh, và là một trong những người đã bao gồm trong nền thần học này cả chiều kích chính trị và chiều kích tu đức của lòng tin kitô.

Dưới sự hướng dẫn của ngài Giáo Hội Brasil trở thành tiếng nói phê bình chế độ quân phiệt độc tài thống trị Brasil từ năm 1964 tới 1985, và dấy lên phong trào thay đổi xã hội. ĐC Câmara lên tiếng và viết chống lại việc sử dụng bạo lực đàn áp sự nổi loạn của dân chúng, nảy sinh từ cảnh sống nghèo túng và bất công mà họ phải gánh chịu. Ngài cũng cho ấn hành tập sách nhỏ tựa đề “Ốc xoáy bạo lực”, trong khi Hoa Kỳ leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Trong tập sách nhỏ này ĐC Câmara gắn liền cơ cấu bất công là loại bạo lực mức độ 1, với sự nổi loạn là bạo lực mức độ 2, với việc đàn áp là bạo lực mức độ 3. Ngài kêu gọi giới trẻ toàn thế giới dấn thân bẻ gẫy vòng xoáy bạo lực đó, vì các thế hệ già đã đầu hàng các bước leo thang ấy. ĐC Câmara đã nhận được nhiều giải thưởng. Năm 1973 ngài đã được Ủy ban phục vụ thân hữu Mỹ chỉ định cho giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1975 ĐC nhận giải thưởng Hòa Bình Dưới Thế do Hội đồng Công Giáo liên chủng tộc giáo phận Davenport bang Iowa Hoa Kỳ trao tặng

Năm 1985 ĐTGM Câmara từ chức về hưu vì tới tuổi theo giáo luật định. Nhưng ĐC vẫn tiếp tục sống trong căn hộ bình dân tại Recife, khi ĐC được chỉ định làm TGM giáo phận, và ngài đã qua đời tại đây ngày 27 tháng 8 năm 1999.

ĐTGM Helder Câmara đã là một gương mặt chủ chăn có cuộc sống khó nghèo đơn sơ ngoại thường, hoàn toàn dành trọn mọi sức lực cho việc thăng tiến cuộc sống của dân nghèo. Đây có lẽ là nét khiến cho ĐC giống ĐTC Phanxicô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị thính già một vài nhận xét của ông Gerolamo Fazzini, nhà báo chuyên nghiên cứu về vấn đề tôn giáo.

Hỏi: Thưa ông Fazzini có người cho rằng ĐC Helder Câmara giống ĐTC Phanxicô vì yêu thương và chú ý tới người nghèo, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi, có sự tương tự rất lớn giữa ĐTC Phanxicô và ĐC Helder Câmara. Ngoài ra ĐC Câmara cũng sang Argentina, vì thế ngài cũng đã được biết đến bởi môi trường Giáo Hội Argentina, mà Đức Bergoglio là thành phần. Chắc chắn là có sự đồng thanh giữa hai vị liên quan tới đề tài người nghèo. Đức Bergoglio nói về người nghèo như là “thịt xác Chúa Kitô” và ĐC Câmara thì nói về người nghèo như là một người anh chị em, trong đó người ta gặp gỡ sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy có một sự đồng thanh rất lớn giữa hai vị. Các vùng ngoại biên, các xóm nghèo lao động lại là một đề tài khác nữa liên kết hai vị với nhau, và nói chung hai vị cũng có một chút ý tưởng của Giáo Hội có cái nhìn của lòng thương xót, của niềm hy vọng, rộng mở 360 độ, nghĩa là cho tất cả mọi phía.

Hỏi: Sứ điệp “chống lại tinh thần thế tục” của ĐTC Phanxicô gây ấn tượng rất mạnh và sâu đậm trên xã hội ngày nay. Thế sứ điệp của ĐC Helder Câmara đã đánh động xã hội thời của ngài như thế nào, thưa ông?

Đáp: ĐC Câmara đã là một trong những vị đầu tiên tố cáo thế không quân bình giữa các nước kỹ nghệ giầu miền bắc bán cầu và các nước nghèo chậm tiến miền nam bán cầu. Chúng ta hãy nhớ là trên bình diện huấn quyền ngài đã chiếm được địa vị nổi tiếng quốc tế giữa các năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Vì thế việc tố cáo tinh thần thế tục là tại sự kiện có một phần của thế giới giầu theo đuổi các huyền thoại của tiến bộ, của giầu có kinh tế, để lại sau lưng các đám đông nghèo khổ, bị loại bỏ khỏi xã hội vv… Nhưng điều này là sự tố cáo trên bình diện xã hội tổng quát cũng như bên trong lòng Giáo Hội. Trong thời Công Đồng Chung Vaticăng II ĐTGM Câmara đã là một trong những người thăng tiến cái gọi là “Hiệp ước Hang Toại Đạo”. Hồi đó ĐC Câmara đã cũng 40 nghị phụ khác đồng tế thánh lễ tại Nghĩa trang kitô cổ, tức tại Hang Toại Đạo Thánh Callisto và cũng nhau ký vào một hiệp ước hứa sẽ nỗ lực làm nảy sinh ra từ Công Đồng Chung Vaticăng II một Giáo Hội được canh tân một cách sâu rộng trong dấu chỉ của sự nghèo khó, của sự lột bỏ các biểu tượng bề ngoài. Chính ĐC Câmara đã đeo một cây thánh giá không có một chút giá trị gì trên bình diện kinh tế, vì ngài đã muốn phát động loại sứ điệp này của tinh thần khó nghèo. Chính tôi khi đến thăm phòng ngài, tôi đã trông thấy các khung cảnh rất trần trụi, nghèo nàn. Trong phòng có một cái võng nơi ĐC ngủ, vài đồ đạc nhỏ thô sơ, một thư viện rất là hạn chế. Cả trong cuộc sống cụ thể thường ngày nữa, ngài cũng hơi giống ĐTC Phanxicô hiện nay trong nhà trọ Thánh Marta vậy. ĐC Câmara làm chứng cho kiểu sống vô cùng đạm bạc này, chống lại tinh thần thế tục.

Hỏi: Người ta đã nói về ĐTC Phanxicô cũng như trước kia người ta đã nói về ĐC Câmara cho rằng là ngài một linh mục “cộng sản”, bởi vì chú ý phục vụ dân nghèo. Tại sao cái nhãn hiệu này không bao giờ chết thưa ông?

Đáp: Bởi vì trong lịch sử đã có các giai thoại, và không chỉ là một giai thoại thôi, của vài giới chức trong Giáo Hội rơi trượt vào ý thức hệ một cách thực tiễn: khi phục vụ người nghèo, các vị đã rơi vào khuynh một hướng chiến đấu chính trị hơn, và đã phản bội các lý tưởng phúc âm. Nhưng điều này không cho phép ai có quyền dán các nhãn hiệu không thiện cảm như nhãn hiệu giám mục “cộng sản” cho ĐC Câmara hồi đó, và cho ĐTC Phanxicô bây giờ. Đó là các kiểu nói máy móc khó mà chết, chúng ta cần phải gột bỏ không để cho nó dính vào mình. Nếu một người đọc các thư, mà ĐC Câmara gửi đi từ Công Đồng Chung Vaticăng II, thì sẽ tìm thấy một người có một nền tu đức rất sâu xa, một con người cầu nguyện rất nhiều, và yêu cầu người ta cầu nguyện, một con người có một kiểu tiếp cận với xã hội, không phải từ các lý thuyết ý thức hệ, hay từ các lược đồ trừu tượng tạo ra từ bàn giấy, nhưng khởi hành từ một sự phân định dưới ánh sáng của Lời Chúa, và như thế có một cái nhìn tuyệt đối thuộc loại thiêng liêng, nhưng đòi hỏi có các thay đổi xã hội. ĐC Câmara đã yêu cầu một loạt các lựa chọn rất cụ thể. Nhưng điểm khởi hành đã rất là rõ ràng, nhân danh giáo huấn của Chúa Giêsu và Tin Mừng yêu thương.

Hỏi: Theo ông, ĐC Helder Câmara đã để lại cho chúng ta gia tài nào?

Đáp: Có một gia tài cụ thể trên bình diện huấn quyền, bởi vì bên Brasil Học viện Helder Câmara đang từ từ cho in các bút tích của ĐC Câmara. Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ khi ngài qua đời, và nhất là kể từ thời gian nóng bỏng nhất trong giáo huấn của ngài, những gì ngài viết vẫn còn rất thời sự. Sự kiện này chứng minh cho thấy ĐC Câmara đã tiếp nhận dấu chỉ thời đại, và việc đọc hiểu dấu chỉ đó đã không đâm rễ nơi một cái gì ngẫu nhiên, nhưng đã đi sâu hơn nhiều. Thế rồi còn có một gia tài sâu xa hơn nữa trong kiểu, qua đó Giáo Hội Brasil nói riêng và Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh nói chung, đã ưu tiên lựa chọn người nghèo. Nếu Giáo Hội Công Giáo Brasil và Giáo Hội Công Giáo tại châu Mỹ Latinh nói chúng, đã làm một lộ trình nào đó, mặc dầu có sự soi mòn trong môi trường tin lành, Giáo Hội hiện vẫn đang được sự đồng tình của dân chúng chính bởi vì Giáo Hội đáng tin cậy, vì Giáo Hội là bạn của dân nghèo, vì là một Giáo Hội thực sự sống các giá trị của Tin Mừng. Và điều này sở dĩ có được cũng là nhờ ĐTGM Helder Câmara. (RG 13-4-2015)