Tội ác diệt chủng người Armenia năm 1915 "đặt trước chúng ta bóng tối của mysterium iniquitatis - mầu nhiệm sự ác". Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói như trên hôm 09 tháng Tư với một nhóm các giám mục thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia.

Các giám mục Armenia đang ở thăm Rôma để chuẩn bị tham dự lễ tuyên phong Thánh Grêgôriô thành Narek là tiến sĩ Hội Thánh vào ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa 11 tháng Tư.

Trong buổi gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ hy vọng rằng buổi lễ này, diễn ra trong bối cảnh của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, có thể "chữa lành mọi vết thương và đẩy mạnh các cử chỉ cụ thể của sự hòa giải và hòa bình giữa hai quốc gia mà đến nay vẫn chưa đạt được một sự đồng thuận hợp lý về việc giải thích những sự kiện đáng buồn này."

Đức Giáo Hoàng đã vinh danh dân tộc Armenia đã đón nhận đức tin Kitô vào năm 301, là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một lịch sử lâu dài và đáng tự hào đã đem lại cho các Kitô hữu ngày nay "một gia sản đáng ngưỡng mộ về tâm linh và văn hóa."

Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay một số các Kitô hữu Armenia sinh sống tại hải ngoại lại một lần nữa gặp nguy hiểm. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu sinh sống tại Aleppo, Syria, nơi "mà một trăm năm trước đây đã là một nơi trú ẩn an toàn cho những người sống sót" nạn diệt chủng gây ra bởi những người cai trị Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ một mối quan tâm đặc biệt về tiến trình đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền, là hai Giáo Hội đã chia sẻ cùng những đau khổ, bách hại và tử đạo 100 năm trước đây. Ngài gọi đó là "đại kết bằng máu".

Hôm 5 tháng Sáu năm 2013, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Thánh Cha đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 và gọi đó là “cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20.”

Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến một ngày trước đó, tức là hôm 04 tháng 6 năm 2013 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.

Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.

Đức Thánh Cha đáp lại:

-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ 20.

Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Thánh Cha lúc đó là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là “tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại.”

Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia đã bị giết chết từ ngày 23/4/1915 đến khi kết thúc thế giới chiến tranh lần thứ nhất trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất ra sa mạc cho chết đói... Tuy nhiên, do những dàn xếp chính trị lắt léo, không ai trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm vào tội ác chống nhân loại nghiêm trọng như thế bị đưa ra xét xử sau chiến tranh. Nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, luôn phủ nhận tội ác này, coi như chưa từng xảy ra. Không chỉ Đức Thánh Cha Phanxicô, các triều Giáo Hoàng trong và sau thế giới chiến tranh lần thứ nhất đều lên án tội ác diệt chủng này.

Cho đến nay có 22 quốc gia chính thức dùng từ “diệt chủng” để đề cập đến tội ác của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Armenia trong đó có thể kể đến Uruguay, Đảo Cyprus, Nga, Đức, Á Căn Đình, Pháp, Ý, và Venezuela.

Chính trị lắt léo cho nên Hoa Kỳ và Anh không công nhận mặc dù tại Hoa Kỳ 43 tiểu bang đã thông qua các nghị quyết coi tội ác này là “diệt chủng”.