Năm phụng vụ Hội Thánh Công Giáo

„Cuối năm ngồi tính lại sổ đời“. Câu hát quen thuộc chất chứa hương vị có chút gì vừa hãnh diện, nhưng cũng tiềm ẩn niềm tư lự suy tư.

Người tín hữu Chúa Kitô vào thời điểm cuối của năm phụng vụ Hội Thánh có thắc mắc về nếp sống năm phụng vụ trong Hội Thánh

1 .Vào dịp cuối năm người ta thường tính sổ nhìn lại năm vừa qua đã trôi qua như thế nào, và suy nghĩ rút ra bài hóc hay đưa ra giải pháp kế họach cho năm năm mới sắp tới. Còn đời sống đức tin trong Giáo Hội thì sao, có như thế không?

Niên lịch nếp đời sống đức tin trong Giáo Hội có tên là lịch phụng vụ. Niên lịch phụng vụ không khởi đầu ngày 01.01. và kết thúc vào này 31.12. Nhưng lịch phụng vụ bắt đầu vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng, và kết thúc vào Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật thứ 34. mùa thường niên. Niên lịch phụng vụ cũng theo ngày tháng của Dương lịch, nhưng sắp xếp theo chu kỳ ngày lễ phụng vụ đức tin đạo giáo.

Nếu tính theo ngày tháng năm dương lịch, niên lịch phụng vụ bắt đầu thường cuối tháng 11. và bắt đầu vào tháng 12. hằng năm.

Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội không tính sổ như người ta làm vào ngày cuối năm. Nhưng Giáo Hội mừng Chúa Giêsu Kito là Vua để kết thúc năm phụng vụ.

2. Lịch phụng vụ khác với niên lịch trong đời sống thường nhật như thế nào?

Trong đời sống thường nhật bây giờ các nơi đều theo Dương lịch. Lịch Dương lịch chia thời gian một năm thành 12 tháng với 365 ngày, mỗi tháng có bốn tuần, một năm có 52 tuần lễ, một tuần có 7 ngày, một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Ngày bắt đầu năm mới Dương lịch là ngày 01. 01., và ngày kết thúc năm là ngày 31.12.

Còn lịch phụng vụ liên quan tới đời sống đức tin, nên không theo cách tính, cùng phân chia như thế. Năm phụng vụ chia ra làm những chu kỳ mùa lễ đức tin khác nhau.

Bắt đầu năm phụng vụ là 4 tuần lễ với bốn Chúa Nhật mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Năm nay Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng vào ngày 30.11.2014

Mùa giáng sinh từ ngày lễ Chúa giáng sinh đến Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - , mùa này ngắn chỉ kéo dài hơn kém ba tuần lễ. Thường vào khoảng tuần lễ thứ hai tháng Một.

Mùa thường niên bắt đầu ngay sau Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa 11.01.2015. Mùa thường niên giai đoạn một kéo dài tới ngày thứ Tư lễ Tro, vào khoảng đầu hay giữa tháng Hai.

Từ thứ Tư lễ Tro ngày 18.02.2015 đến đêm thứ bảy tuần thánh ngày 04.04.2015 là mùa Chay thánh. Thời gian kéo dài sáu tuần lễ.

Từ ngày lễ mừng Chúa Phục sinh ngày 05.04.2015 đến Chúa Nhật lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 24.05. 2015 là mùa phục sinh. Thời gian này kéo dài 7 tuần lễ.

Mùa thường niên giai đoạn hai từ sau lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống đến Chúa Nhật thứ 34., Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, và cũng là ngày lễ mừng Chúa Giêsu Kitô Vua., 22.11. 2015.

3. Lễ mừng Chúa Giêsu Kito là Vua có từ khi nào?

Trong lịch sử phụng vụ Hội Thánh Công Giáo, lễ Chúa Kitô Vua còn mới. Vì lễ này được thành lập năm 1925 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XI.

Ngày lễ này được lập ra vào ngày 11.12.1925 để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Nicaea năm 325.

4. Lý do thần học nào là nền tảng của ngày lễ tôn vinh Chúa Giêsu là Vua?

Năm 318 xảy ra sự tranh cãi về thần học giữa Giám mục Alexander thành Alenxandria và Arius, một linh mục thành Alexandria.

Theo Arius Chúa Giêsu Kito Ngôi lời Thiên Chúa không đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu con Thiên Chúa chỉ là một thụ tạo khởi đầu của Thiên Chúa thôi.

Công đồng Nicaea năm 325 đã minh xác bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu chống lại bè rối Arius nghi ngờ chối bỏ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Công đồng Nicaea phủ nhận điều bè rối Arius phản ngược lại tín điều của Hội Thánh Công Giáo.

Công đồng Nicaea qua sự xác nhận bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu muốn nối kết Hội Thánh bên phía Đông và Hội Thánh bên phía Tây lại với nhau trong cùng một tuyên xưng đức tin như trong kinh tin kính đọc trong thánh lễ phụng vụ.

Hội Thánh lập ra ngày lễ Chúa Giêsu Kito Vua để tưởng nhớ tới Công đồng Nicaea về tín điều Công đồng đã quyết định làm nền tảng thần học cho ngày lễ.

Ngày lễ này trước hết được mừng vào Chúa Nhật sau cùng của tháng 10. trong năm. Nhưng từ khi Phụng vụ được canh tân đổi mới với Công Đồng Vatican II. , ngày lễ này đổi sang ngày Chúa Nhật sau cùng trong năm phụng vụ.

5. Nhưng xưng tụng Chúa Giêsu Kito là vua nghe xem ra có điều gì cao sang xa vời, hào nhoáng, đang khi hình ảnh về Chúa Giêsu như trong phúc âm thuật lại rất khác cùng ngược lại.

Đúng thế. Đó là đem hình ảnh cùng quan niệm của một vị vua, hoàng đế xưa nay trong đời sống xã hội con người chúng ta, mà nhìn hiểu Chúa Giêsu Kito vua thì như thế.

Nhưng khi tuyên xưng Chúa Kito là Vua, Hội Thánh không hiểu theo khía cạnh đó. Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua muốn nói lên Chúa Giêsu là Chúa duy nhất của Hội Thánh. Ngài là Chúa của công trình tạo dựng và thời gian.

Xưng tụng Chúa Giêsu là vua không trong ý nghĩa chiến thắng khải hoàn. Nhưng muốn nói đến lòng khoan dung nhân lành của Ngài là người mục tử chăn dắt đàn chiên.

Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua không đặt Ngài trên ngai cao sang hào nhoáng. Nhưng nói đến một vị vua từ trời cao xuống thế làm người đến phục vụ cho phần rỗi con người. Chính vì sứ mạng phục vụ, Vua Giêsu đã chọn cuộc sống khiêm hạ nghèo khó của người phàm trần, từ bỏ nếp sống vật chất xa hoa.

Xưng tụng Chúa Giêsu là Vua không theo khuôn thước làm chủ cai trị quốc gia đất nước, lo kinh tế lợi nhuận, việc điều binh khiển tướng. Nhưng theo góc độ tôn giáo thần học là đem đức tin vào Thiên Chúa tình yêu làm trung tâm cho cuộc sống tâm linh con người.

6. Tại sao lại chọn Chúa Nhật sau cùng năm phụng vụ là ngày lễ Chúa Kitô Vua?

Cuối năm phụng vụ Hội Thánh không tính sổ lời lãi theo phương diện đức tin. Nhưng Hội Thánh muốn đóng khép năm phụng vụ lại bằng lời tuyên xưng Chúa Giêsu là vua.

Chúa Giêsu là vua mọi thời gian năm tháng trong công trình tạo dựng thiên nhiên. Ngài là khởi đầu và cùng tận.

Trong ý nghĩa thần học đó, ngày lễ mừng kính này được đặt vào ngày Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ, trước khi năm phụng vụ mới được khai mở ra.

Và trong ngày lễ mừng Chúa Kitô Vua, hình ảnh Chúa Giêsu xuất hiện như vị thẩm phán trong ngày cánh chung. Vị thẩm phán Giêsu sẽ căn cứ vào cung cách sống bác ái của mỗi người mà phân định xét xử. (Mt 24, 31-46.)

Hình ảnh Chúa Giêsu là Vua lòng nhân ái là hình ảnh trung tâm của ngày lễ này.

Lễ Chúa Kitô Vua 2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long