ĐẠI CỬ TRI PHÁP BẦU NGHỊ SĨ THƯỢNG VIỆN

Hiến pháp hiện hành Cộng hòa Pháp trao quyền Lập pháp cho Nghị viện (Parlement) gồm hai Viện : Thượng nghị viện (hay Thượng viện, Sénat) và Quốc hội (Assemblée Nationale) (Điều 24).

Chúa Nhật ngày 28.09.2014, 87.534 đại cử tri được mời tham gia bầu bắt buộc để chọn 178 Nghị sĩ (hay Thượng nghị sĩ) cho nhiệm kỳ 2014-2020, mang tính cách đại diện cho các Đơn vị hành chính địa phương (collectivités territoriales. ‘territoriales’ đúng ra phải dịch là ‘lãnh thổ’, nhưng ‘địa phương’ được dùng để đối ngược với ‘trung ương’ một cách rõ hơn).

I.- CUỘC BẦU CỬ NGÀY 28.09.2014.

A. Số Nghị sĩ phải bầu lần này và nhiệm kỳ.

Các luật ngày 30.07.2003 và 21.02.2007 qui định nhiệm kỳ của nghị sĩ từ 9 còn 6 năm. Số ghế tại Thượng nghị viện tăng từ 331 trong năm 2004, 343 trong năm 2008 và tới 348 trong năm 2011, bao gồm 12 nghị sĩ đại diện cho người Pháp định cư ở hải ngoại. Từ năm 2008, các nghị sĩ được bầu cho 6 năm, và từ năm 2011, bầu lại phân nửa Thượng nghị viện thay vì một phần ba như trước, tức 170 nghị sĩ thuộc Nhóm (série) 1. Cuộc bầu cử Thượng viện sẽ được tổ chức vào ngày 28.09.2014 để bầu 178 nghị sĩ Nhóm 2.

Tuổi để có thể trở thành nghị sĩ đã được giảm từ 30 xuống còn 24 theo Luật 2011-410 ngày 14.04.2011.

B. Thể thức đầu phiếu.

1. / Đơn vị bầu cử là Tỉnh (Département).

2. / Cử tri đoàn. Đây là một cuộc bầu cử gián tiếp bởi các Đại cử tri (grand électeur) gồm các Nghị sĩ (Sénateurs), Dân biểu (Députés), Nghị viên Vùng (Conseillers régionaux) thuộc Đơn vị bầu cử, Nghị viên Tỉnh (Conseillers généraux) và Đại biểu các Hội đồng Thành phố (Délégués des conseils municipaux).

Số Đại diện các Hội đồng Thành phố được quyền bầu như sau :
- Thành phố có dưới 9.000 dân được cử từ 1 đến 5 đại cử tri ;
- Thành phố có từ 9.001 đến 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên Thành phố đều là đại cử tri ;
- Thành phố có trên 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên đều là đại cử tri cộng thêm 1 đại cử tri cho mỗi lần số 800 dân (trước là 1.000) trên 30.000 dân, theo Luật ngày 02.08.2013.

Việc bầu phiếu của Đại cử tri có tính cách bắt buộc (Điều 318 Luật Bầu cử). Nếu không đi bầu vì lý do chính đáng, họ được thay bởi một Đại cử tri khác. Nếu không đi bầu, họ bị phạt 100 euros.

3. / Thể thức đầu phiếu. Luật ngày 02.08.2013 về Bầu cử nghị sĩ Thượng viện sửa đổi việc phân ghế trong các đơn vị theo hai thể thức :

a) Tuyển cử đa số hai vòng (scrutin majoritaire à deux tours) được áp dụng tại các đơn vị phải cử một hay hai nghị sĩ. Trong Nhóm 2 bao gồm 34 đơn vị bầu cử với 59 nghị sĩ cần bầu. Tại vòng 1, ứng cử viên được bầu phải đạt đa số tuyệt đối (majorité absolue) số phiếu hợp lệ và số phiếu tín nhiệm phải bằng 25% số đại cử tri ghi danh. Ở vòng 2, chỉ cần đa số tương đối (majorité relative) để ứng cử viên đắc cử. Trường hợp số phiếu bằng nhau, ứng cử viên lớn tuổi hơn được tuyên bố thắng cử.

Ứng cử viên và người dự khuyết (suppléant) phải có giới tính khác nhau. Không thể tranh cử vòng 2 nếu một ứng cử viên không tham gia vòng 1. Cũng vậy, các ứng cử viên vào vòng 2 không thể đổi người dự khuyết mà họ đã chọn ở vòng 1.

b) Tuyển cử đại diện tỷ lệ liên danh (représentation proportionnelle par liste). Các đơn vị bầu cử từ 3 nghị sĩ áp dụng thể thức đại diện tỷ lệ theo quy định trung bình cao nhất.

Năm 2011, 112 nghị sĩ được bầu theo đại diện tỷ lệ liên danh tại 18 đơn vị bầu cử có ít nhất 4 nghị sĩ và tại hải ngoại) và 58 nghị sĩ được bầu theo đầu phiếu đa số 2 vòng tại 26 đơn vị bầu cử có từ 1 đến 3 nghị sĩ. Năm nay, 59 ghế nghị sĩ (34 đơn vị bầu cử) sẽ được bầu theo thể thức đa số 2 vòng và 119 (29 đơn vị bầu cử) theo thể thức đại diện tỷ lệ liên danh.

II.- NHIỆM VỤ THƯỢNG NGHỊ VIỆN.

A. Thảo luận và Biểu quyết Ngân sách cùng Luật.

Các nghị sĩ có nhiệm vụ biểu quyết các Dự án luật (Projet de Loi) do Chính phủ đệ trình hay Đề nghị luật (Proposition de Loi) do dân biểu hay nghị sĩ đệ nạp. Nhiệm vụ nghị sĩ không phù hợp với chức năng Tổng trưởng hay Bộ trưởng. Nghị sĩ vừa đắc cử có một tháng để chọn ở lại Chính phủ (Hành pháp) hay tham gia Thượng nghị viện (Lập pháp). Trong thời gian này, các Tổng, Bộ trưởng không thể tham gia bỏ phiếu tại Thượng viện.

B. Xử lý thường vụ chức vụ Tổng Thống.

Hiến pháp 1958 qui định Chủ tịch Thượng nghị viện là nhân vật thứ hai trong nước. Do đó, vị này sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống khi Tổng thống từ chức, tử vong hay mất năng lực. Chủ tịch Alain Poher đã hai lần đến Điện Elysée để xử lý thường vụ chức vụ Tổng thống : năm 1969, sau khi Tổng thống Charles de Gaulle từ chức và năm 1974, sau khi Tổng thống Georges Pompidou từ trần.

C. Tu chính Hiến pháp.

Điều 89 Hiến pháp 1958 qui định việc tu chính Hiến pháp bằng một trong hai phương cách:
- bởi hai viện Quốc hội và Thượng nghị viện mà đa số chấp thuận của mỗi viện về Dự án luật hay Đề nghị luật bằng những từ giống nhau và, sau đó, phải được chấp thuận bởi quốc dân qua trưng cầu dân ý.
- Nghị viện (Parlement, Quốc hội và Thượng nghị viện họp chung) thông qua với đa số đặc biệt 3/5 số phiếu bầu.

III. TRỢ CẤP TÀI CHÍNH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ.

Đây là lần đầu tiên, công cuộc tranh cử bầu cử Thượng nghị viện năm 2014, các ứng cử viên phải nộp Bản chi thu tài chánh được quy định bởi Điều 308-1 Luật bầu cử). Yêu cầu mới này cho thấy sự minh bạch về tài chính trong sinh hoạt chính trị do sáng kiến của các nghị sĩ, qua Luật số 2011-412 ngày 14.04. 2011. Do đó, một thụ ủy tài chính được đề cử để ghi vào sổ, với đầy đủ chứng từ, biên lai các khoản thu (những tặng dữ từ các chính đảng và tư nhân) và các số tiền chi tiêu về bầu cử. Khi bầu cử hoàn tất, hồ sơ tài chính này phải được đệ nạp cho Uũy ban quốc gia các trương mục tranh cử và tài trợ chính trị (Commission nationale des comptes de campagne et des financements politiques) kiểm tra tính xác thật. Tổng số tiền Chi của mỗi ứng cử viên được giới hạn, tùy vào quy định cho các đơn vị bầu cử đặc biệt (lãnh thổ hải ngoại và đại diện người Pháp ở ngoài nước Pháp). Nếu các khoản thu chi được Uũy ban chấp thuận, ứng cử viên được hoàn trả một phần chi phí tranh cử.

IV.- ĐẶC QUYỀN NGHỊ SĨ.

A. Bất khả xâm phạm lập pháp (immunité parlementaire).

Để tránh những ‘áp lực’ đến từ cử tri hay công chức hành pháp, nghị sĩ được bảo vệ bởi quyền được ấn định bởi Điều 26 Hiến pháp gồm hai loại:
- vô trách nhiệm bảo vệ một phần nhiệm vụ trong nhiệm kỳ: nghị sĩ không thể bị truy tố, điều tra, … đối với các ý kiến bày tỏ hoặc phiếu bầu trong việc thực hiện chức năng của mình;
- bất khả xâm phạm: nghị sĩ không thể bị bắt giữ vì tội phạm nặng hay nhẹ, sự hạn chế tự do phải có sự cho phép của Văn phòng Thượng nghị viện. Nhưng giấy phép không cần thiết trong các trường hợp phạm tội quả tang hoặc có hành vi phạm tội.

B. Lương bổng và trợ cấp xã hội.

Ngày 01.04.2014, số tiền mỗi nghị sĩ nhận hàng tháng là 7.100,15 euros gồm :
Lương cơ bản: 5.514,68 ; Phụ cấp cư trú: 165,44 ; Trợ cấp chức vụ: 1.420,03. Sau khi phải đóng góp vào các quỹ An ninh xã hội, số tiền lương bổng thực lãnh là : 5.388,72 euros/tháng.

V.- ĐẶC ĐIỂM TUYỂN CỬ NGHỊ VIÊN THƯỢNG VIỆN NĂM NAY.

1. / Số ứng cử viên tăng cao. Số ứng cử viên tranh đua vào Thượng nghị viện thật đông : 1.733 người cho 178 ghế tại Thượng viện, theo số liệu sơ bộ của Bộ Nội vụ. Năm 2011, 1.374 ứng cử viên đã tranh nhau để vào Palais du Luxembourg (trụ sở Thượng nghị viện). Năm 2008 chỉ có 754. Tại sao? Các đảng lớn như Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) và đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) đang mất niềm tin nơi Đại cử tri đoàn, các đảng khác cũng muốn giới thiệu ứng cử viên để mong chờ cơ may do sự bất đồng chính kiến từ bên tả cũng như cánh hữu. Ngoài ra, thể thức ‘Tuyển cử đại diện tỷ lệ’ hứa hẹn các ứng cử viên sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử.

2. / Số lượng các ứng cử viên nữ tiếp tục tăng. Năm nay, có 730 nữ tức 42,12% tổng số ứng cử viên so với 578 tức 42.07% năm 2011. Tuy nhiên, đây không phải là một kỷ lục: năm 2004 họ đã là 561 của 1.299 ứng cử viên tranh cử, tức 43,19%. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử trước đây cho thấy tỷ lệ không được tôn trọng trong Thượng nghị viện. Từ năm 1946, phụ nữ thậm chí không chiếm một phần tư tổng số nghị sĩ. Năm 2011, họ đạt tỷ số tối đa 22,1% Thượng nghị viện.

3. / Các ứng viên trẻ hơn so với thượng nghị sĩ đương nhiệm. Với 24 tuổi, ông Benjamin Piel (Calvados, Hải quân) là ứng cử viên trẻ nhất trong khi ông Francis Gabet (Bas-Rhin, hưu viên) được coi là niên trưởng ở tuổi 88 và 4 tháng. Tuổi trung bình các ứng cử viên là 55 năm 4 tháng. Hiện nay, các nghị sĩ đang sử dụng quyền Lập pháp có tuổi trung bình là 66. Phần lớn trong họ (46,6%) là giữa 61 và 70 tuổi.

4 / Không có Tổng, Bộ trưởng nhưng có 3 dân biểu ghi danh tranh cử. Nếu năm 2011, ba thành viên Chính phủ đã tranh cử để trở thành nghị sĩ có thể vì ngại, năm sau, quyền Hành pháp sẽ rơi vào tay đảng Xã hội và điều này đã xảy ra như dự đoán. Năm nay, không có Tổng, Bộ trưởng nào ‘dám’ tranh cử vì, theo điều tra dân ý, Tổng thống xã hội Francois Hollande chỉ còn 13% dân Pháp tín nhiệm và đảng xã hội đã 2 lần thua phiếu không những đối với Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire) mà còn cả với Mặt trận Quốc gia (FN, Front National). Tuy nhiên, 3 dân biểu UMP tham gia ứng cử vào Thượng viện.

5 / Vấn đề được đặt ra : Mặt trận Quốc gia hy vọng sẽ có một hay hai nghị sĩ trong lần tuyển cử năm nay. Lần đầu tiên, kết quả bầu cử Nghị viên Thành phố cho phép các đảng viên FN tin ‘Blue Marine đã thắng tại nhiều thành phố và số nghị viên đã gia tăng tại những làng xã Đất Nước, chúng tôi có quyền thắng vài ghế tại Thượng viện như tại các đơn vị bầu cử Vaucluse, Var và Bouches-du-Rhone’. Ngoài ra, các đại cử tri FN sẽ đóng vai trò ‘trọng tài’ để cho phép ứng cử viên UMP thắng ứng cử viên PS (đảng xã hội) hay ngược lại. Theo các lãnh đạo FN, họ sẽ ưu tiên ủng hộ các ứng cử viên độc lập.

6 / Thượng nghị viện thay đổi đa số ? Với 95% trong số 87.534 đại cử tri là các Đại biểu hay chính các Thị trưởng (Maire) và nghị viên Thành phố mà nhiều vị là những dân cử độc lập hay đảng phái nhỏ, nên khó đoán họ đầu phiếu cho ứng cử viên màu sắc chính trị nào. Tuy nhiên, dựa vào kết quả bầu cử Nghị viên Thành phố ngày 23 và 30.03.2014 mà hai đảng UMP và FN đã thắng lớn, người ta dự đoán gần như chắc chắn là Thượng nghị viện, sau 3 năm do PS lần đầu tiên trong nền Đệ Ngũ Cộng hoà lãnh đạo, sẽ trở về cánh hữu với một nghị sĩ UMP giữ ghế Chủ tịch.