CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP QUỐC 2007 (4)

Hôm thứ hai ngày 09.04.2007, lúc 0 giờ, cuộc vận động tuyển cử Tổng thống ngày 22.04.2007 chính thức đã bắt đầu. Việc dán một triệu bích chương được giao cho Clear Channel, một công ty Hoa-kỳ, thực hiện dán trên những bảng kim loại đặt trước 85 000 địa điểm đầu phiếu, cho 12 ứng cử viên và phải hoàn tất trong một tuần.

Chương trình vận động sẽ chính thức chấm dứt vào lúc 24 giờ thứ sáu ngày 20.04.2007. Từ thời điểm đó cho đến 20 giờ ngày 22.04.2007 (giờ đóng cửa các phòng đầu phiếu), cấm mọi sự vận động cho các ứng cử viên và công bố các kết quả trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, một vấn đề khác quan trọng hơn là một thăm dò dân ý do viện CSA thực hiện cho báo ‘Le Parisien’ cho thấy 42%, tức khoảng 18 triệu cử tri còn có thể thay đổi ý định bầu cho một ứng cử viên nào hay không tham gia đầu phiếu.

I. HỒI TƯỞNG CUỘC BẦU TỔNG THỐNG NĂM 2002.

Đúng 20 giờ ngày 21.04.2002, qua các màn ảnh truyền hình cũng như từ các hệ thống phát thanh, các ước tính dựa theo sự phỏng vấn các cử tri đã đầu phiếu cho thấy ứng cử viên Jean-Marie Le Pen (Mặt trận quốc gia) với 16,86% số phiếu hợp lệ đã thắng đương kiêm Thủ tướng Lionel Jospin (Đảng xã hội) với 16,18%, đã tạo nên một cuộc "động đất chánh trị" không những làm rung chuyển Cộng hòa Pháp quốc mà còn chấn động cả Liên hiệp Âu châu và gây ngạc nhiên cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tổng thống Jacques Chirac đạt 19,88% số phiếu hợp lệ. Những số bách phân thấp kỷ lục cho hai ứng cử viên vào vòng nhì trong một cuộc tuyển cử Tổng thống. Số cử tri ghi danh không đi bỏ phiếu lên đến 28,40%, vì :

- cử tri không còn tin tưởng giới cầm quyền;

- giới truyền thông đã cho họ cảm giác là hai ứng viên vào vòng nhì không ai khác hơn là nhị vị đã chia nhau nắm quyền Hành pháp trong 5 năm qua.

Ngoài ra, khi phỏng vấn thăm dò dân ý, nhiều cử tri đã không muốn trả lời đúng là mình sẽ bầu cho cho ông Le Pen vì đại đa số người Pháp chống ông Le Pen (ở vòng nhì, ông chỉ thu được 17,79%). Do đó, những kết quả của các thăm dò dân ý đều không dự trù sự có mặt của ông Le Pen ở vòng hai. Bởi thế, thăm dò dân ý chỉ cho kết quả rút ra từ một cuộc phỏng vấn một phần (số mẫu) tổng số cử tri vào một thời gian nào đó và cần phải có tính cách thành thật trong câu trả lời.

Tiếp theo đó, những cuộc "xuống đường đầy ồn ào nhưng mang tính chất bè phái" phản đối kết quả một cuộc đầu phiếu minh bạch và công bằng, chỉ cho thấy rõ sự mâu thuẩn và thiếu trách nhiệm của giới hữu trách : chánh trị lẫn dân sự. Sự khủng hoãng niềm tin chính trị đã tới mức báo động: hai cực, tả và hữu, chiếm gần 1/3 tổng số cử tri đi bầu và 30% chuyên viên và giới khoa bảng hành nghề tự do đã từ chối xử dụng lá phiếu bầu.

Vào vòng nhì, ngày 05.05.2002, ông Chirac đã xác nhận sự tín nhiệm của quốc dân với 82,03% cử tri đầu phiếu so với Le Pen được 17,97% (từ 4 804 713 phiếu, Le Pen đã tăng lên 5 525 032 phiếu ở vòng hai). Kết quả 82,03% cũng lần đầu tiên thấy trong một cuộc bầu Tổng thống ở Pháp.

Do đó, kết quả các cuộc biểu tình, gọi là "tự phát" bên cạnh nhiều ứng viên Tổng thống thất cử vòng một và trẻ vị thành niên, đã thật là không bao nhiêu. Số người không đi bầu vẩn còn đông (20,29%).

Hiện nay, các viện thăm dò dân ý đang tỏ ra rất thận trọng, trong khi người dân Pháp hào hứng theo dỏi cuộc tranh cử và chờ kết quả vòng đầu. Có bất ngờ hay không và ứng cử viên nào có thể gây bất ngờ đó ?

II. THỬ ĐOÁN BẤT NGỜ TRONG CUỘC BẦU TỔNG THỐNG NĂM 2002.

A. Số cử tri ghi danh tăng đáng kể.

Theo những số liệu được Bộ Nội vụ công bố ngày 27.03.2007, chúng ta biết số cử tri ghi danh cho những cuộc tuyển cử năm nay là 43 973 024, tức tăng thêm 1 785 082. Cộng thêm vào đó 535 000 người Pháp ở hải ngoại đã ghi tên tại các lãnh sự quán. Tất cả, trong và ngoài nước có 44 508 024 cử tri ghi danh. Tính theo bách phân, thì năm nay tăng 4,20% so với số cử tri ghi danh năm 2006. Đây là sự gia tăng quan trọng trước ngày bầu cử Tổng thống từ cuộc đầu phiếu năm 1981 (+ 3,70%).

B. Số cử tri do dự (indécis) thật đáng kể.

Như đã nói trên, cuộc thăm dò dân ý do viện CSA thực hiện cho báo ‘Le Parisien’ cho thấy 42% những người được phỏng vấn, tức khoảng 18 triệu cử tri còn có thể thay đổi ý định bầu cho một ứng cử viên nào hay không tham gia đầu phiếu. Cuộc thăm dò dân ý này được thực hiện qua điện thoại, từ ngày 28.02 đến ngày 29.03.2007, tới 3 587 người từ 18 tuổi trở lên, trên toàn nước Pháp.

Ông Roland Cayrol, tổng giám đốc viện thăm dò dân ý CSA, trả lời phỏng vấn của báo "Le Parisien" là tỉ lệ đó là bình thường khi còn hai tuần trước ngày đầu phiếu, ‘nhưng số bách phân này cao hơn một chút so với các kỳ tuyển cử Tổng thống trước đây’. Nhiều yếu tố nổi bật từ cuộc thăm dò của CSA và các cuộc thăm dò dân ý trước đó :

1) Tính hay đổi ý của cử tri đoàn.

Bên hữu phái, có những cử tri còn do dự giữa ông Jean-Marie Le Pen và ông Nicolas Sarkozy. Những cử tri khác giữa ông Sarkozy và ông François Bayrou. Phía tả phái, có những cử tri, luôn bầu cho ứng cử viên đảng Xã hội, cũng do dự giữa bà Ségolène Royal và ông Bayrou. Nhưng chính ứng cử viên đảng UDF có nhiều cử tri lưỡng lự nhất, một cử tri đoàn hỗn hợp, bao gồm những công dân thất vọng nơi bà Royal và lo ngại về ông Sarkozy.

2) Số cử tri do dự cao hơn những với các kỳ tuyển cử Tổng thống trước đây.

Trong những kỳ tuyển cử Tổng thống trước, những cơ quan thực hiện các cuộc thăm dò dân ý thẩm định các cử tri quyết định sự lựa chọn ngay từ cuối tháng ba hay đầu tháng tư. Nhưng điều đó hình như chưa được minh xác trong lần tuyển cử này.

3) Mặc cho sự do dự này, cuộc tranh cử hình như mang lại một sự ích lợi thật sự trong công luận.

Cũng như trong thời kỳ vận động trước cuộc Trưng cầu dân ý về Hiến pháp Liên hiệp Au châu ngày 29.05.2005, cử tri Pháp càng thích nghe các cuộc vận động (tự khen mình, chê các người khác hay nhiều hứa hẹn…), thì càng lưỡng lự trong việc chọn một ứng cử viên để tín nhiệm.

C. Tính bất ngờ của cuộc tuyển cử năm nay.

Mu?i hôm trước ngày đầu phiếu vòng một, sự hồi hộp vẫn còn nguyên vẹn về tên hai ứng viên sẽ vào vòng hai để chọn người thay thế ông Jacques Chirac và trở thành Tổng thống Pháp thứ sáu do quốc dân bầu trực tiếp. Dựa theo rất nhiều các cuộc thăm dò dân ý, chúng ta cò thể tạm kết luận :

1. Không có bất ngờ.

Ứng cử viên Sarkozy luôn được sáu viện thăm dò dân ý chính đoán sẽ có từ 27% đến 30% cử tri đoàn tín nhiệm ông trong khi ứng cử viên Royal sẽ có khoảng 22% đến 25% cử tri đoàn đầu phiếu. Như thế, hai ông Sarkozy và bà Royal sẽ vào chung kết và, như 100 trên 102 kết quả thăm dò dân ý, thực hiện từ 15.01.2007, đều cho là ông Sarkozy sẽ thắng.

2. Bất ngờ.

a. Bất ngờ vô cùng nếu cử tri Pháp lập lại kết quả vòng đầu năm 2002 khi ứng cử viên Le Pen được vào vòng hai để Tổng thống Chirac đánh bại dể dàng. Khoảng 13 giờ hôm 21.04.2002, Thủ tướng Jospin vẫn tin là mình sẽ vào vòng hai vời ông Chirac.

Ông Le Pen hiện đang ở mức 14% số phiếu bầu. Theo ông, bách phân đó sẽ là 20 trong ngày 22.04.2007. Trong trường hợp ông vào vòng nhì với ứng cử viên Sarkozy, hay Royal, thì ứng cử viên nầy sẽ thắng cử dể dàng ở vòng hai.

b. Ít bất ngờ hơn vì người ta đã thấy có thể xảy ra khi từ 10% số người được phỏng vấn đã trả lời sẽ bầu cho ứng cử viên François Bayrou trong các cuộc thăm dò dân ý vào tháng 01.2007 và có lúc đã lên đến 22% lúc tháng 03.2007. Hiện đang ở khoảng 18,50-19%. Bà Royal đang có mức tín nhiệm khoảng 22-25%, đang bị áp lực chia phiếu từ các ứng cử viên Cộng sản, đệ tam lẫn đệ tứ.

Trái với ông Le Pen, nếu được tín nhiệm vào vòng hai, ông Bayrou sẽ thắng ứng cử viên vào vòng này với ông, dù đó là ông Sarkozy hay bà Royal. Điều này cũng dễ hiểu vì hai đảng lớn UMP và Xã hội không thể sống chung. Nếu ông Bayrou vào vòng hai với ông Sarkozy, thì đảng Xã hội, với lý do phải chọn người ít xấu hơn (theo họ), đành phải ủng hộ ông Bayrou. Cũng vậy, nếu ông Bayrou vào vòng hai với bà Royal, thì đảng viên UMP đành phải ủng hộ ông Bayrou.

HÀ–MINH THẢO