HIỆP SỐNG TIN MỪNG : LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Ds 21,4b-9 ; Pl 2,6-11 ; Ga 3,13-17

BIẾN THẬP GIÁ NÊN THÁNH GIÁ BAN ƠN CỨU ĐỘ

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 3,14-21

Khi ấy Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: (13) Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. (14) Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15) để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.

2. Ý CHÍNH:

Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su đã mặc khải về tình thương cứu độ của Thiên Chúa như sau:

Để cứu chuộc thế gian đang sống trong bóng tối sự chết, Thiên Chúa đã sai Con Một giáng trần làm Đấng Thiên Sai. Nhờ chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá để đền tội thay và giao hòa loài người với Thiên Chúa. Từ đây, những ai muốn được ơn cứu độ phải có mấy điều kiện sau: Một là phải được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần. Hai là phải tin Đức Giê-su, Đấng đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay, mà con rắn đồng thời Mô-sê là hình bóng. Ba là phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 14-15: + Ni-cô-đê-mô: Một người vị vọng trong dân Do Thái, là thành viên của Công Nghị tại Giê-ru-sa-lem. Ông muốn tìm hiểu về con người và giáo lý của Đức Giê-su, nhưng vẫn trong trạng thái dè dặt. Sau này ông đã can đảm bênh vực Đức Giê-su trong Công Nghị (x. Ga 7,50-52; 12,32). Và khi an táng Người, ông đã can đảm gia nhập vào hàng ngũ các môn đệ của Đức Giê-su (x. Ga19,39). + Mô-sê giương cao con rắn trong sa mạc: Khi được cứu thoát khỏi cảnh nô lệ người Ai Cập, dân Do Thái thay vì biết ơn Chúa và Mô-sê, họ lại kêu ca trách móc khi phải chịu kham khổ. Họ thà quay lại làm nô lệ cho dân Ai-Cập, miễn là hằng ngày được ngồi bên nồi thịt và được ăn uống no nê, còn hơn là được tự do mà bị đói khát thiếu thốn giữa nơi sa mạc hoang vu. Chúa đã trừng phạt họ về tội vô ơn bạc nghĩa ấy. Họ đã bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Bấy giờ họ mới hồi tâm sám hối và cầu xin Mô-sê để nhờ ông cầu xin Đức Chúa tha tội cho họ. Đức Chúa đã tha và truyền đúc tượng một con rắn bằng đồng, treo lên cây cột để ai bị rắn cắn mà tin cậy vào tình thương tha thứ của Đức Chúa, thể hiện qua việc nhìn lên con rắn đồng này, thì sẽ được cứu sống (x. Ds 21,8-9). + Con Người: là một hình ảnh được ngôn sứ Đa-ni-en nhìn thấy trong giấc chiêm bao. Con Người nói đây là một nhân vật được Đức Chúa tuyển chọn và trao cho sứ mạng cai trị muôn dân trong sự công minh chính trực (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su nhiều lần đã tự xưng là Con Người theo nghĩa này (x. Mt 8,20; 12,32). + Cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời: Đức Giê-su đã tiên báo Người sẽ được nâng lên khỏi mặt đất, bị treo trên cây thập giá, giống như con rắn đồng thời Mô-sê xưa, để giao hòa tội nhân với Đức Chúa và nên dấu chỉ ơn cứu độ cho loài người. Người cũng được nâng lên trong vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là được tôn vinh trong Thiên Chúa (x. Ga 3,13; 6,62), để kéo mọi tín hữu lên trời hưởng hạnh phúc với Người (x. Ga 8,28; 12,32-34).

- C 16-18: + Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một: Thánh Gio-an đã khẳng định nhiều lần: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Người thể hiện tình yêu qua việc ban Con Một yêu dấu cho thế gian. Thế gian chính là tất cả mọi loài thụ tạo, đặc biệt là loài người. Sự ban tặng này, gợi lên hình ảnh tổ phụ Áp-ra-ham xưa đã vâng lời Đức Chúa, hiến dâng con trai độc nhất là I-sa-ác làm của lễ toàn thiêu tiến dâng Đức Chúa (St 22,2-13). + Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời: Điều kiện để được ơn cứu độ là phải tin vào Đức Giê-su - Con Một Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ cho loài người. Ơn cứu độ là ơn tha thứ mọi tội lỗi, xóa bỏ hình phạt đáng chịu vì tội, và sau này được sống lại trong ngày tận thế để được hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Trời với Chúa.

4. CÂU HỎI: 1) Con rắn trong sa mạc thời kỳ Xuất Hành của Cựu Ước, liên quan thế nào với việc Đức Giê-su chịu chết trên thánh giá thời Tân Ước ? 2) Ngày nay nếu muốn được ơn cứu độ do Đức Giê-su, các tín hữu phải có những điều kiện nào? 3) Tin vào Con Thiên Chúa cụ thể đòi chúng ta phải làm gì? Tin như vậy sẽ mang lại những ơn ích gì ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,15)

2. CÂU CHUYỆN: RẮN ĐỒNG TRONG SA MẠC

Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô vào lúc đêm tối, Đức Giê-su đã đề cập đến con rắn đồng đã được Mô-sê treo trên cây cột, như một biểu hiệu tình thương của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của dân Ít-ra-en. Tình thương ấy sẽ còn được biểu lộ qua việc Đức Giê-su bị giương cao trên cây thập giá, để những ai tin nơi Người, nhìn lên cây thập giá là biểu hiệu tình yêu tột đỉnh của Người, thì sẽ không phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được Người cứu độ và được tham phần sự sống muôn đời của Người (Ga 3,14-15). Thánh Gio-an đã tóm kết như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

3. SUY NIỆM:

1) Đức Giê-su là rắn đồng thời Tân Ước:

Đã từ lâu, hình ảnh một con rắn cuộn tròn quanh một cây gậy đã được ngành y dược thế giới chọn làm biểu tượng. Hình ảnh con rắn y dược này cũng giống như con rắn đồng thời kỳ Xuất Hành đựoc Đức Giê-su đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Khi con cháu Gia-cóp được Mô-sê cứu khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập đi vào hoang địa trong cuộc hành trình về Miền Đất Hứa, họ đã phải trải qua cuộc sống gian khổ trong sa mạc nóng bức khô cằn, không bánh ăn, thiếu nước uống, không thịt thà rau thơm như khi con sống tại Ai cập trước đó… Họ đã kêu trách Đức Chúa và Mô-sê đã đầy đọa làm khổ họ và hè nhau quay trở về Ai Cập, sẵn sàng chịu làm nô lệ cho người Ai Cập, miễn là có bánh ăn, nước uống và hằng ngày ngồi bên nồi thịt thơm ngon …. Làm như vậy, họ đã phạm tội vô ơn bạc nghĩa với Đức Chúa, nên họ đã bị trừng phạt đích đáng: Ho9j đã bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi dân It-ra-en nhận thức ra tội lỗi của họ đã gây ra hình phạt như vậy thì họ đã xin Mô-sê cầu cùng Đức Chúa nguôi cơn giận. Đức Chúa đã sẵn sàng tha thứ và Chúa đã truyền cho Mô-sê đúc một con rắn bằng đồng, treo trên một cây cột, để làm biểu tượng ơn tha thứ tội lỗi. Đế những ai bị rắn cấn lẽ ra phải chết, nhưng nếu biết nhìn lên hình con rắn đồng và kêu cầu Đức Chúa tha tội thì sẽ được Người cứu khỏi chết.

Tuy nhiên con rắn đồng thời Xuất Hành chỉ là hình bóng của Đức Giê-su trong thời Tân Ước. Đức Giê-su đã được Chúa Cha sai đến làm Đấng Cứu Thế hay Đấng Thiên Sai. Người đã mở ra một con đường cứu độ cho dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh. Con đường Chúa Giê-su chọn đi là đường hẹp, leo dốc với nhiều chông gai và ít người muốn đi. Đây là con đường thánh giá mà Đức Giê-su đã trải qua để đền tội thay cho loài người chúng ta. Chính khi chịu chết trên thánh giá, Đức Giê-su đã trở thành linh dược chữa lành mọi tội lỗi và tật nguyền của chúng ta. Từ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thâu, nước rửa tội đã chảy ra để tẩy rửa tội lỗi chúng ta và nhiều người. Rồi từ cạnh sườn bị đâm thâu, Máu bí tích Thánh Thể đã chảy ra để ban sự sống đời đời cho những ai tin cậy hiệp thông rước lễ trong Thánh lễ.

2) Phân biệt thập giá với Thánh Giá:

Thập giá là một hình khổ bằng gỗ được đóng lại thành hình thữ thập. Đây là hình khổ được người Rô-ma thường dùng để trừng phạt hành hình tử tội: Kẻ tử tội sau khi vác cây khổ giá đến nơi hành hình, sẽ bị lột trần và bị đóng đinh chân tay vào thập giá rồi được treo lên. Họ sẽ bị nhìn đói nhịn khát cho đến chết. Đây là hình phạt nặng nề nhất dành cho người nô lệ dám làm loạn chống lại quân Rô-ma, hay dành cho các tội nhân dân thường phạm trọng án cướp của giết người… Đức Giê-su đã bị các đầu mục dân Do Thái ganh ghét thù hằn bắt nộp cho quan Phi-la-tô người Rô-ma, và làm áp lực đòi ông này phải kết án tử hình thập giá cho Người bằng cách đồng thanh la to rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá ! Đóng đinh nó vào thập giá !” (Mt 27,22-23).

Đức Giê-su đã chấp nhận con đường thập giá theo thánh ý Chúa Cha và mời gọi các môn đệ chấp nhận đi con đường này qua câu nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Chính khi chịu chết treo trên thập giá, Đức Giê-su đã có thể đền tội thay cho nhân loại chúng ta và là biểu tượng ban ơn cứu độ trong thời Tân Ước. Từ đây thập giá hình khổ của Đức Giê-su đã trở thành Thánh Giá đáng tôn thờ. Chính nhờ cây thánh giá này mà nhân loại chúng ta đã được hưởng lời hứa ban ơn cứu độ. Do đó, trong nghi thức suy tôn Thánh Giá tại các nhà thờ vào chiều Thứ Sau Tuần Thánh, Linh mục chủ sự sẽ cầm cây Thánh giá có tượng Chúa chịu nạn, giơ lên cho mọi người thấy và nói: “Đây là cây thánh giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Cộng đoàn quỳ gối thưa chung: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”.

3)Tập vác Thánh Giá trong cuộc sống hằng ngày:

Mỗi tín hữu chúng ta đều được Chúa Giê-su mời gọi hãy bỏ mình, nghĩa là bỏ đi cái tôi ích kỷ tự ái cao, là từ bỏ nhừng thói hư tật xấu mang mắc phải… để vác thánh giá mình hằng ngày mà theo chân Người. Thánh giá mỗi người chúng ta phải mang vác chính là những việc bổn phận hằng ngày phải kiếm tiền về lo cho gia đình, việc phục vụ cho cộng đoàn. Thập giá còn là những tai ương bệnh tật hay thất bại trái với ý muốn, là những bệnh nhận liệt giường trong gia đình, hay người chồng và vợ con khó nết luôn gây sự bực bội cho mình…

Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Nếu mỗi tín hữu chúng ta cũng biết noi gương Chúa đón nhận các gian nan thử thách, chịu đựng các điều trái ý… Đó là chúng ta đang đi con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” của Chúa Giê-su. Ước gì mỗi lần phải chịu đựng đau khổ, thất bại, rủi ro… chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su để dâng một lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha. Con xin chịu đựng sự đau khổ này để đền tội con và cầu cho một người thân đang đi con đường lầm lạc, sớm được ơn trở về giao hòa với Cha”.

4. THẢO LUẬN: Làm thề nào để thể hiện đức tin khi gặp nhừng điều trái ý, những thất bại hay những điều cực lòng trong cuộc sống… hầu biến các điều ấy trở thành phương thế giúp chúng ta thanh luyện và nhận được ơn cứu độ của Chúa ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi lần chúng lỡ sa ngã phạm tội, xin Chúa cho chúng con biết tin cậy phó thác trong tình thương bao dung của Chúa, và dọn mình lãnh nhân ơn giao hòa trong bí tích giải tội. Xin cho chúng con năng nhìn lên thánh giá Chúa là nguồn ơn cứu độ độc nhất của chúng con. Xin giúp chúng con năng đi chặng đàng thánh giá, hằng ngày đọc kinh Mân côi với phần suy niệm năm sự thương để cảm nghiệm được tình Chúa yêu con, giúp con quyết tâm chừa cải tội lỗi và các thói hư. Nhờ đó, chúng con xứng đáng nhận được ơn Chúa tha thứ tội lỗi, được Chúa Thánh Thần biến đổi nên con ngoan của Chúa Cha, nên môn đệ đích thật của Chúa Giê-su, và nên anh chị em của mọi người trong cộng đoàn Hội Thánh.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM