□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Bài Giảng Thánh Giá


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp nơi: Úc, Mỹ, Do Thái, Việt Nam. Em là một nhân vật đã lập gia đình hoặc đang sống đời tận hiến.


Trời tháng Chín, Úc Châu mùa Xuân, gió mới chan hòa bầu trời tựa quạt lụa phe phẩy mát dịu hồn người. Sáng mùa Xuân, lộc non xanh biếc nổi bật trên nền trời xanh lơ. Ríu rít kéo về đậu kín cành cây, chim từng đôi nhảy nhót chuyền cành; chim trống cao cổ líu lo hót chào bạn tình và bình minh nắng mới. Bướm lượn! Cỏ thơm! Xuân về… Cuối tuần em dạo chơi thơ thẩn khu phố Việt. Bất ngờ quan Bác lừng lững hiện ra như người từ trời hiện xuống… Gặp bác, em lịch sự cúi đầu,

— Chào bác! Bác vẫn khỏe đấy chứ ạ…

Bác nửa đùa nửa thật,

— Chào chú… Cũng cám ơn chú cất nhời hỏi thăm… Vâng, chú cũng đến là khéo vẽ chuyện. Không khỏe thì làm sao đi dạo phố Việt cuối tuần...

Nhìn mặt quan em đẫn ra như người dở hơi trước lời đáp, bác giỡn giỡn tựa mèo vờn chuột,

— Còn chú thì sao? Dạo này vẫn còn đi tu… hay lại xuất, bỏ về nhà đi… chăn trâu rồi?

Biết trời mùa xuân, quan bác vui trong dạ, mở miệng ăn nói mát mẻ, em thôi ngớ ngẩn, nhưng tủm tỉm cười,

— Vâng, em cũng cám ơn bác cất nhời thăm hỏi… Em thì cũng tạ ơn Chúa, vẫn còn cắp sách đi học… Còn vụ chăn trâu thì chả tới phiên em… Bên này Úc Châu, có muốn đi chăn trâu cũng chả có trâu đâu mà chăn… Họa may bác mua vé một chiều một mình bay lên Darwin, Bắc Úc. Mà thôi… Em cũng chỉ ưa nói chuyện khiếu. Em có nhỡ nhời, xin bác bỏ qua.

Biết chạm phải đít ong, bác cười cười, làm hòa, lãng sang chuyện khác,

— Thì thôi, tôi cũng chỉ nói chuyện khiếu. Mà chú cũng phải nhớ, làm gì thì làm, hôm đỗ Cụ, nhớ báo cho tôi biết một tiếng đấy…

Bác dừng lại, vỗ vỗ vai em, giọng điệu thân tình,

— Thiệt tình, bán anh em xa không bằng láng giềng gần. Tôi với chú cũng còn hơn láng giềng. Thì thôi, chú cũng bỏ qua, đừng có chấp nhời. Chú với tôi thì thân quá, nhiều khi tôi cũng nhỡ miệng… Chú bây giờ cũng là Thầy Sáu rồi. Dăm bữa nửa tháng nửa thôi, là bước lên cung thánh. Giá còn ở ngoài bắc, làng ta, gặp chú, ai cũng phải gọi khoanh tay, “Bẩm Cụ Sáu...” Chứ đâu như ở bên này…

Em nhìn nhìn quan bác, mắt để ý dòm chừng, không biết quan bác có muốn dở chiêu nào nữa hay không. Nhưng thấy bác mặt hòa nhã… Em yên tâm, không nói thêm chi. Thấy em yên lặng, bác quay lại chuyện cũ,

— À, thì đang nói dở dang chuyện Thầy Sáu... Bây giờ chú là Thầy Sáu, cũng được bước lên tòa, giảng thuyết như ai…

Em nhìn bác, tự nhiên ngần ngại, không biết bác đang muốn nói điều gì. Biết em nghĩ ngợi, bác nói tiếp,

— Gớm, chú làm gì mà mặt lại tự nhiên phỗng ra như cám lợn dở hơi như thế kia. Tôi ý chỉ muốn hỏi là ngày mai Lễ Suy Tôn Thánh Giá rồi, chú là Thầy Sáu, già nửa năm rồi, chú đã soạn bài giảng cho ngày lễ hay chưa?

Em ăn miếng trả miếng,

— Nghe bác hỏi mà em cứ ngỡ mình đang đứng trước mặt cha bề trên nhà dòng, hoặc thời pháp đình, tây thuộc... Khổ, mà thôi… Bác nói thì em mới dám thưa. Bác hỏi em mấy câu rồi, giờ tới phiên em. Em xin hỏi bác…

Thấy em mặn mà câu chuyện, bác hứng chí, đáp nhời ngay,

— Đấy, thì tôi đang đứng ngay đây. Chú có muốn hỏi chi thì cứ việc hỏi.

Được nhời bác, em nói ngay,

— Vâng, xin phép bác. Giả sử bác là thầy Sáu…

Bác cắt lời em,

— Ơ, cái chú này, đến là hay! Tôi có phải là Thầy Sáu đâu…

Em bắt đầu nổi máu bướng, nói tới,

— Khổ, bác cứ thích đi buôn bán than... Đấy, nhà em ngoài sân còn nguyên một đống than. Tiện thể nhờ bác gánh hộ, mang bán dùm em… Khổ! Chuyện bác không phải Thầy Sáu, cả và thiên hạ, ai mà chẳng biết. Nhưng em đã nói rõ ràng hẳn hoi, em chỉ giả sử thôi. Mà em cũng xin phép bác, cho em nói hết nhời… Chứ em vừa mới đi được dăm ba thước, thì bác cứ mở miệng cản đường cản bước, sao em trình bày cho hết nhẽ…

Biết em nổi tính cục, bác hòa nhã gật đầu,

— Thì thôi. Thầy Sáu cứ nói…

Em tiếp nhời ngay, lần này ăn nói thông suốt một mạch, cứ như cha cụ đứng trên tòa giảng,

— Vâng, nếu bác là Thầy Sáu, bác sẽ soạn bài giảng ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá như thế nào?

Bác mặt tự nhiên ngớ ra trước câu hỏi bất ngờ,

— Ơ, ông đến là hay! Hỏi ông, thì ông lại hỏi ngược lại. Ai biết đâu mà nói…

Em ăn nói ngọt ngào,

— Vâng, thế thì mới có chuyện mà nói. Xin phép bác quay lại chuyện bác và em đang bàn… Ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá, nếu bác là Thầy Sáu…

Em tự nhiên dừng lại, ngẫm nghĩ một thoáng, rồi nói luôn,

— Mà thôi, bác thì cứ việc gì phải là Thầy Sáu. Giờ em phong… cho bác làm Cụ luôn. Đấy, giờ bác là Cụ, bác đứng trên tòa, bác giảng ngày Lễ Thánh Giá. Giờ bác nói gì?

Em tiếp tục đổ đường cho bác uống,

— Bác mặt mày thông minh sáng láng, lại sinh năm Nhâm Thìn. Trai Nhâm gái Quý, mà đây lại là Thìn. Văn võ toàn tài. Việc nhà bác cũng thông, việc đạo bác cũng rành. Thì đấy, Cụ đặt bác vào chân Hội Đồng Giáo Xứ được mấy năm rồi… Lại còn được Cụ tin cậy, nhờ vả, giúp Cụ một tay dậy Giáo Lý Tân Tòng, Hôn Nhân. Giờ, em có việc nhờ cậy bác. Xin bác cho em nghe bài giảng của bác để em được dịp “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”…

Bác mở miệng, nửa đùa nửa thật,

— Ông, chỉ được cái tinh vi…

Em cự ngay,

— Ơ Bác! Bác nói thế, thiên hạ nghe được, người ta lại mắng em là ưa nói điêu… Có đúng bác là thành viên Hội Đồng Giáo Xứ hay không? Bác có giúp Cụ dạy Lớp Giáo lý Tân Tòng và Hôn Nhân không nè?

Bác mặt tươi như chú rể ngày cưới,

— Chú cứ ưa nói quá! Thì cũng đúng… Nhưng mà thôi, quay lại cái chuyện bài giảng ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá đi…

Bác mặt đăm chiêu, suy nghĩ, tựa như đang nói với chính mình,

— Ừ, chú đặt vấn đề cũng hay! Nếu phải giảng… Giảng như thế nào đây? Mà lại là Lễ Thánh Giá…

Bác dừng lại dòng tư tưởng, dựa dẫm dò đường,

— Thì biết đâu… Nếu là tôi, thì tôi sẽ nói, “Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá…”

Em nhìn bác, yên lặng chờ đợi… Nhìn em khuôn mặt thành khẩn ngước lên như tín đồ ngoan đạo, bác yên tâm “giảng” tiếp,

— Lễ Suy Tôn Thánh Giá, cho nên Giáo Hội kêu mời mọi người tín hữu vinh danh cây Thánh Giá… bởi Chúa yêu thương con người, cho nên Ngài đã chết trên thánh giá. Bởi Chúa chết đóng đanh trên cây thánh giá, ơn cứu chuộc và mầm cứu rỗi mới khởi đầu. Bởi Chúa giang hay tay chết trên cây thánh giá…

Bác chưa giảng xong bài giảng, em bất ngờ mở miệng, tưởng để làm chi, hóa ra ngắm dấu đanh,

— Thì, thì… Amen…

Tiện thể, em mở miệng đánh trống,

— Tùng, tùng, tùng! Cắc!... Tùng….

Chưa hết, em buông nhời thẳng một lèo, giọng của ông Phán, Số Đỏ,

— Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi…

Được em đánh trống, mời xuống khán đài, bác mặt dài đoãng ra…,

— Ông! Làm như ông hay lắm…

Em cười cười,

— Em nào dám. Áo mặc sao qua khỏi đầu. Nhưng cũng phải tình thật mà thưa với bác. Bác còn nhớ không? Đã bao nhiêu lần rồi, trăm lần là cả trăm, vừa xong một ván lễ là bác ghé vào nhà em, mở miệng than thở: “Khổ! Cụ nhà mình, đố có được bài giảng nào giảng cho ra hồn. Hết Chúa thương chúng ta, Chúa sinh ra làm người, lại đến Chúa thương chúng ta, Chúa chết trên cây thánh giá… Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

Em cười tinh quái,

— Đấy giờ tới phiên bác. Nào có gì khác… Hết bởi Chúa… thì lại…

Em dừng ngang, tay lục lục túi áo, sau cùng lôi ra một vật nhỏ bằng đầu ngón tay cái,

— Đấy, bác không tin, thì cứ nghe bài giảng của bác mới giảng…

Em mở giọng phường chèo,

— Em mời quan bác…

Em bật nút máy thâu. Giọng bác “giảng” bài giảng Lễ Thánh Giá nghe rõ mồn một,

— Bởi Chúa chết đóng đanh trên cây thánh giá, ơn cứu chuộc và mầm cứu rỗi mới khởi đầu. Bởi Chúa giang hay tay chết trên cây thánh giá…

Nghe lọt tai bài giảng của mình, mặt bác dài ra tựa như gái ngồi phải cọc. Em biết tội, thôi đánh, nhưng nhẹ nhàng xoa xoa,

— Mà thôi… Em biết bác vui. Chọc bác cho vui nhà vui cửa vậy thôi. Em biết soạn bài giảng không dễ. Chưa kể, làm cha cụ cũng như làm dâu trăm họ. Được lòng người này, mất lòng người kia… Bác nghĩ em nói có phải hay không?

Được em thoa dầu gió, bác cười tươi, mở miệng mắng yêu quan em mấy tiếng,

— Chú! Cái tật ăn nói hưu vượn, vẫn chưa chừa…

Ngẫm nghĩ một hồi, bác nói ngay,

— Ừ mà thôi. Tôi giả lại cho chú chức Thầy Sáu của chú… Chú mới là Thầy Sáu thứ thật. Giờ tới phiên chú đấy.

Bác bắt chước em, cất giọng phường chèo,

— Người ơi người ở đừng về. Kính mời thầy Sáu bước lên tòa…giảng…

Em biết bác muốn gỡ huề tỷ số. Được nhời mời, em bước lên ngay. Em đằng hắng mấy tiếng. Một ngón tay gõ gõ không khí, tựa như đang thử mi-rô. Hai tay xoa xoa vào nhau, em nhìn ra chung quanh, rồi cúi xuống. Chỉ trong một giây, em nhìn lên bắt đầu bài giảng Lễ Suy Tôn Thánh Giá,

…Ngay sau khi tai nạn đụng xe chết tươi một cặp thanh niên nam nữ tại góc đường khu Box Hill của thị trấn Melbourne, nhiều chuyện quái đản tự nhiên xảy ra.

Thoạt tiên là ông John người Úc gốc Tây sáng sớm lái xe đi ngang qua chỗ tai nạn, tới hãng tự nhiên ông ăn nói lảm nhảm như người bị ma nhập. Hỏi chi ông cũng không nói, nhưng miệng cứ ú ớ, tay chỉ về góc đường đã cướp đi hai mạng người. Chưa hết, tối hôm đó, cô Robin lái xe tới góc đường, tự nhiên cô thấy cặp thanh niên nam nữ với khuôn mặt loang lổ máu đỏ đang đứng cười nói hôn hít nhau tỉnh bơ như không hề có chuyện chi xảy ra.

Sáng hôm sau, học sinh đi ngang qua góc đường bị đá cục chọi dính chóc chóc ngay đỉnh đầu. Sờ lên đầu, tự nhiên đầu sưng u một cục, nổi mụn nhọn, sưng tấy mưng mủ làm độc. Chiều hôm đó, 5 giờ, tự nhiên quạ đen từ đâu bay tới đậu đầy trên những giây điện cao thế chằng chịt dọc ngang trên con đường. Người trong khu phố lấy đá chọi, quạ đen rủ nhau bay xuống từng đàn mổ côm cốp lên đầu người chơi dại.

Hội Đồng Khu Phố Box Hill triệu tập phiên họp khẩn cấp vào sáng hôm sau. Người nghị viên Úc gốc thổ dân đề nghị mời thầy pháp về cúng giải oan cho hai linh hồn chết oan. Người nghị viên gốc Việt Nam e dè thì thào nói, “Cái giống chết oan này phải lập miếu thờ mới xong”. Người nghị viên gốc Tây đề nghị dựng ngay góc đường trụ đèn giao thông.

Sáng hôm sau, một thầy pháp trứ danh bay vé First Class từ Darwin về thẳng tới Box Hill. Vào đúng 9 giờ sáng, bà thầy pháp dựng đàn đốt nhang cúng giải oan cho hai linh hồn thanh xuân chết oan. Khoàng một tiếng đồng hồ sau, buổi cúng tan. Mọi người dân của Box Hill yên lặng kéo về nhà. Chiều 3 giờ 30, học sinh tan học đi ngang qua con đường lại bị đá cục rào rào bay tới đập sưng u đầu. 5 giờ chiều quạ đen tiếp tục bay tới rợp một góc trời. Tiếng quạ kêu thê lương! Một góc phố tiếp tục ngập ứ mùi tử khí!

Sáng hôm sau, thợ xây người Úc gốc Việt được gọi tới, xi măng trộn với cốt sắt nhanh chóng dựng lên một ngôi miếu nho nhỏ cao khoảng một thước sơn son thếp vàng, bên trong có bày linh vị của hai người tuổi trẻ với nhang khói nghi ngút và đèn nến lung linh. Miếu không có tên, nhưng dân Việt thì thào gọi Miếu Cô Cậu. Khoảng tan tầm giờ đi làm, miếu xây xong. Tối hôm đó, cô gái của bà thị trưởng Melbourne lái xe đi ngang qua lại nhìn thấy hai người chết oan hiện ra ngay tại góc phố, mặt vẫn loang lổ máu, cô gái rú lên đâm thẳng vào góc đường…

Sáng hôm sau, thợ xây gốc Tây kéo tới, đo đạc tính toán dựng cao trụ cột sắt đèn xanh đèn đỏ. Lần này, thợ xây đúng ba ngày mới xong trụ cột đèn giao thông tại góc đường. Đèn mới, đường kẻ sơn rõ ràng. Bà thị trưởng Melbourne được mời tới khai trương trụ cột đèn. Bà đang đọc bài diễn văn, quạ đen bay ngang qua từng bầy, buông xuống từng đống phân thối khắm vào bài diễn văn. Bầu trời đang quang đãng bỗng kéo mây tối đen, rồi mưa ào ào. Mọi người nín thở chờ đợi giây phút nắng quang mây tạnh của thành phố Melbourne nổi tiếng với biệt danh một ngày bốn mùa. Nhưng không, mây tiếp tục đen, mưa tiếp tục rớt, kéo theo đá cục rớt xuống từng cục to bằng nắm tay. Thiên hạ bỏ chạy tán loạn…

Ngày hôm sau, Hội Đồng Khu Phố Box Hill lại họp. Lần này có cả sự hiện diện của bà Thị Trưởng Melbourne. Phiên họp kéo dài hơn ba tiếng vẫn không có kết quả chi. Sáng chiều học sinh đi học ngang qua, tiếp tục bị đá sắc nhọn chọi ném mưng mủ. 5 giờ chiều, quạ đen lại kéo về. Nửa đêm về sáng, có người còn nghe tiếng hú vang ngay tại góc đường. Nguyên một góc phố tấp nập của Box Hill bỗng dưng hóa thành nghĩa trang ảm đạm vương mùi tử khí và mùi tanh phân quạ. Nhiều người treo bảng bán nhà.

Một tháng sau, có một ông cha dòng Ngôi Lời đi ngang qua. Nghe chuyện, ông về nhà dòng một mình loay hoay đẽo cây thánh giá bằng gỗ cao đúng hai thước. Xong xuôi đâu đó, ông mang cây thánh giá gỗ tới dựng ngay tại góc đường.

Nửa đêm về sáng, sấm sét nổ vang rền một góc khu phố Box Hill. Sáng sớm, người người đi ngang qua góc đường ngạc nhiên nhìn thấy xác quạ đen nằm chết đen cả một góc đường. Học sinh đi ngang qua, không bị đá chọi dính đầu nữa. Đi ngang qua cây thánh giá gỗ đơn sơ, các em nghiêm trang làm dấu, có em còn giơ tay, “Con chào Chúa”. Ông John thôi ngớ ngẩn. Ông rủ cô Robin cùng tới, hai người cùng đọc kinh sốt sắng ngay trước cây thánh giá gỗ. Khu phố có tên Box Hill lại tấp nập, rộn ràng.

Một trăm năm rồi, cây thánh giá Ngôi Lời vẫn còn đứng kiên vững ngay tại góc đường khu phố Box Hill của thị trấn Melbourne.


□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.com