3000 Mỹ Kim: Lòng Nhân Hậu Của Một Cô Gái Ngồi Xe Lăn.



Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa hết xúc động. Thực vậy, tôi thật sự ngại ngùng, có phần ngỡ ngàng, khi cầm ba ngàn đô la tiền mặt từ tay một cô gái tật nguyền. Tôi biết chắc cô đã dành dụm số tiền này trong một thời gian dài, có thể trong nhiều năm liền, và giờ đây cô giao cho tôi để làm việc nghĩa. Một hiện tượng ư? Nếu đây là một hiện tượng thì quả là một tin vui báo hiệu cho sự thay đổi suy tư của giới trẻ một cách tích cực và cụ thể đối với Giáo hội, cũng như đối với tha nhân, bởi vì trước đó vài tuần lễ tôi cũng đã nhận được tấm check ba ngàn đô la từ tay một người bạn trẻ của tôi, cũng là bạn của cô. Tôi thật sự xúc động vì tôi đã được họ tin và giao làm việc nghĩa cho họ. Xin cám ơn Chúa. Cám ơn hai người bạn trẻ.

xxx

Trong số những người bạn trẻ của tôi, có một cô gái ngồi xe lăn. Theo như lời cha mẹ cô kể lại thì khi cô bị sốt cao độ, ông bà đã chạy chữa hết cách, kể cả đưa cô qua Rôma cầu nguyện và chữa trị. Nhưng Chúa đã trao cho cô một thánh giá khá nặng. Cô bị liệt hai chân. Kể từ ngày ấy, đã hơn ba mươi năm qua, cô di chuyển với sự giúp đỡ của hai cái nạng, hoặc bằng xe lăn.

Tôi mến cô vì tính tình của cô. Tôi cảm phục cô vì cuộc sống của cô. Với một khuôn mặt khả ái mà lại bị tàng tật, cô vẫn sống vui vẻ, hồn nhiên, vẫn làm việc, học hỏi. Mỗi lần gặp cô, cô có nhiều chuyện để nói, nói to, nói vui, và tôi thường chỉ cười trong vai trò của một cái máy thâu. Tôi thương cô như một người cháu. Tôi cảm phục cô vì trong cuộc sống của cô, tôi không tìm thấy một nét gượng gạo, một mặc cảm. Thật là mừng. Thật là can đảm. Chắc chắn cô đã phó dâng hoàn toàn cuộc sống cho Chúa, cô vui vẻ mang thánh giá Chúa trao.

Chủ nhật vừa qua, sau giờ lễ, hai vợ chồng tôi vừa đi mua vài món lặt vặt về, chưa kịp bước xuống xe thì đã nghe tiếng xe đỗ xịch phía sau. Tôi nhìn lại và ngạc nhiên vì em gái cô đưa cô đến thăm chúng tôi có vẻ bất ngờ. Tôi chạy vội ra đón cô. Trong lúc em cô lấy xe lăn từ cốp xe sau, tôi mở cửa xe đỡ cô.

Cô chỉ chỉ vào trán tôi: “Chú ghê lắm nhé. Vào nhà rồi cháu hỏi tội chú”.

Tôi cười: “Cháu làm chú sợ quá. Chuyện gì mà ghê dữ vậy?” Tôi phụ đẩy xe cô lên mấy bực thềm, vào nhà, rồi đỡ cô ngồi trên ghế sôfa. Trong lúc vợ tôi và em gái cô truyện trò ở phòng ăn bên cạnh, cô vỗ tay xuống sôfa:

“Chú ngồi xuống đây”.

Tôi ngồi xuống cạnh cô: “Tội gì thì nói đi. Cháu làm chú hồi hộp quá”.

“Tội gì à? Chú là nhà văn mà bao lâu nay chú dấu cháu”.

Tôi chợt hiểu ra: “ Khiếp! Cháu làm to chuyện quá. Thỉnh thoảng chú viết một bài theo hứng mà. Cháu phong tặng chú làm chú mắc cở quá”

“Một bài cũng là viết văn. Không là nhà văn thì cũng là viết văn. Ðâu, những bài viết của chú đâu? Ðưa hết cho cháu coi”.

Giọng cô oang oang, cô nói như ra lệnh làm tôi bật cười: “Ðể chú sẽ làm phôtôcọpy cho cháu. Mà sao cháu biết? Bộ cháu có coi VietCatholic.net à?”

Cháu chưa coi bao giờ nhưng từ nay cháu sẽ coi. P. nó đưa cháu coi bài viết của chú về nó, sau khi nó đưa chú ba ngàn đô la để chú gởi về giúp Giáo phận Thanh Hóa quê chú, nên cháu mới khám phá ra chú viết cho Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại”.

Chú cũng mới viết đây thôi. Số tiền ba ngàn P. tặng, chú còn giữ, chờ khi Giáo phận Thanh Hóa có Giám mục chú mới gởi về để ngài sử dụng

“Chú kể cho cháu nghe về Giáo phận quê chú đi”.

Tôi lại có dịp kể cho cô nghe về Giáo phận nghèo quê tôi, về những hy sinh, những mất mát, những khó khăn do thời cuộc gây ra, và những cố gắng xây dựng lại trong những năm gần đây của vị Giám mục mới qua đời, và của cộng đồng Giáo phận.

Cô hướng qua phòng ăn: “H. ơi, đưa cái bóp cho chị”.

Không nghe tiếng trả lời, cũng không thấy em cô rục rịch gì, cô phân trần với tôi: “Cái con bé này nó mê chuyện lắm, mà có lẽ nó mê vợ chú rồi đấy”.

Tôi phì cười. Cô gọi to hơn: “Ðưa cái bóp cho chị, H. ơi”.

Ðang dở câu chuyện, em cô chạy qua đưa bóp cho cô, rồi vội vã quay lại nói chuyện tiếp với vợ tôi. Vừa móc tiền trong bóp ra, cô vừa nói:

“P. nó tặng Giáo phận chú ba ngàn, cháu cũng tặng ba ngàn. Chỉ tiếc cháu là đàn chị nó mà không có hơn để tặng”.

Tôi thật sự cảm động, và ngại ngùng: “Cháu…”. Cô gạt đi:

“Không có cháu chắt gì cả. Chú lôi thôi lắm. Cháu có cho chú đâu. Chú định hỏi cháu kiếm đâu ra tiền chứ gì? Cháu tàng tật thế này thì đâu có thể đi ăn cướp ngân hàng được mà chú sợ. Chú cứ an tâm. Cháu không cần đến số tiền này”.

Tôi vẫn chưa hết cảm động và chưa biết nói gì thì cô đã giúp tôi:

“Chú kể cho cháu nghe chuyện ngày xưa chú xin đi tu mà bị từ chối đi”.

Tôi lại có dịp kể những kỷ niệm, những khó khăn trong thời niên thiếu của tôi. Nghe xong, cô vừa cười vừa nói:

“Giá ngày xưa chú mà đi tu thì giờ này gặp chú, cháu phải gọi là Cha rồi, hay cao hơn chưa biết chừng”.

Tôi không nhịn cười được: “Giá mà cháu là tư lệnh quân đội thì chắc cháu thăng cấp cho binh sĩ nhanh lắm đấy…. mới phong cho chú là nhà văn, bây giờ lại phong cho chú làm linh mục hay cao hơn”.

Ðẩy xe cô ra đến cửa xe hơi, tôi cúi xuống nói nhỏ: “Cháu cho chú hôn lên tóc cháu nhé”. Cô giơ hai tay ôm đầu tôi, vỗ nhè nhẹ.

Em gái cô bắt đầu lùi xe ra, bỗng cô ra hiệu cho em cô ngừng lại, hạ cửa kính, giơ ngón tay trỏ, nhịp nhịp:

“Này, cháu chút quên. Chú không được viết bài về cháu đấy nhé. Cháu không muốn ai biết về việc làm của cháu cả”.

Tôi nói ngay: “Ðiều này thì chú không nghe theo cháu được. Cháu phải hy sinh thêm chút nữa. Chú muốn việc làm của cháu, cũng như của P., sẽ nhắc nhở những người đã từng hứa với Chúa khi cầu nguyện trong lúc gặp khó khăn, hay trở ngại, thực hiện lời hứa của họ.

Trường hợp của cháu, cháu có hứa đâu, vậy mà cháu cũng làm. Này, thêm ít người như cháu và P. thì Giáo phận nghèo quê chú có thể xây được một cái chủng viện nho nhỏ cho những người muốn đi tu như chú ngày xưa, chứ chẳng chơi đâu”.

Cô cười to: “Thôi được. Nhưng không được nêu tên cháu đấy nhé, ông Cha hụt.

Chiếc xe đã khuất sau khúc đường cong mà tôi vẫn đứng nhìn theo, tưởng tượng những đoạn đường, những đèn giao thông, những khúc quẹo, trên chặng đường về nhà cô, một cô gái đầy lòng nhân hậu, đang sống thật có ý nghĩa với thánh giá Chúa trao.

Xin Chúa cho “hiện tượng” này được nhân lên gấp bội, ở nơi này hay nơi khác, dù lớn hơn hay nhỏ hơn, trong lòng mọi người.