Khi công bố cuộc đột kích cùa lực luợng SEAL thành công và bin Laden bị hạ sát, Tổng Thống Obama của Hoa Kỳ kết luận:

"Công Lý đã được thực thi!" (Justice has been done!)

Có đúng như vậy không?

Rõ ràng đối với những gia đình nạn nhân của biến cố 9/11 thì cái chết của bin Ladin là một 'closure' (một sự kiện giúp chấm dứt) cho những đau buồn mà họ phải gánh chịu từ khi thân nhân của họ bị sát hại một cách bất công.

Cũng vậy đối với những người đổ xô ra đường để vui mừng hân hoan ở khu Ground Zero và ở trước tòa Bạch Cung, thì cái chết đó đánh dấu việc nước Mỹ đã rửa xong cái hận 10 năm.

Nhưng ngay lập tức cũng diễn ra nhiều tranh luận sôi nổi trên cộng đồng Mạng (Internet,) đặt lại vấn đề Thực Thi Công Lý.

Ngọai trừ khỏang vài trăm người biểu tình phong chức 'tử đạo' cho bin Ladin tại Ai Cập và Parkistan, (là một điều ít ỏi mà các nhà quan sát đã ngạc nhiên trước một thế giới Hồi Giáo vốn thường bài bác Hoa Kỳ,) thì hầu như không ai cho rằng bin Laden không đáng tội chết. Tuy nhiên việc xử tử một tội đồ, dưới ánh sáng luân lý đạo đức, cũng cần phải được biện minh.

"Chúng ta cần phải rõ ràng với lời tuyên bố của Tổng thống Obama " là lời của giáo sư Gerard Powers, giám đốc học viện Kroc, chuyên khoa về kiến tạo Hòa bình Quốc tế tại viện Đại học Công Giáo Notre Dame.

"Công lý chỉ được thực hiện khi việc giết bin Laden là điều cần thiết để bảo vệ 'lợi ích chung' (Công Ích,) chống lại chủ nghĩa khủng bố," GS Powers viết. "Công lý sẽ không được thực hiện nếu chúng ta say sưa trong việc giết chóc như là một hành động trả thù cho biến cố 9/11. Và Công lý sẽ chưa rõ ràng, nếu được thực hiện với ý nghĩa là bin Laden là người chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại loài người, đặc biệt là cuộc tấn công 9/11."

GS Powers cũng nói thêm là việc cố tình giết chết bin Laden trong khi có thể bắt hắn đưa ra xét xử là việc làm vi phạm đạo đức, ông nói. "Nếu chúng ta đã có thể bắt bin Laden và hắn lại bị giết chết, thì công lý đã không được thực thi."

Đức Giám Mục Paul S. Loverde của giáo phận Arlington, Virginia, là giáo phận bao gồm khu vực Ngũ Giác Đài, cũng cảnh giác phải phân biệt giữa hành động trả thù và bảo vệ công lý:

"Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ ràng có một sự khác biệt giữa hai ý thức, một là ý thức hợp lẽ khi thực hiện công việc bảo vệ quốc gia và hai là ý thức sai lầm về sự trả thù. Chúng ta đừng hướng lòng về sự oán giận hay cay đắng, mà hãy hướng tới một niềm tin sâu xa hơn vào lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện cho những người đang phục vụ đất nước, cho sự hóan cải của những người cổ động khủng bố và cho sự phát triển đức tin và khát vọng hòa bình trong mỗi con tim của chúng ta. "

Trung tâm Hồi giáo Bắc Mỹ Tanenbaum là một trong số những đòan thể đã hân hoan chào đón tin tức về cái chết của bin Laden, nhưng cũng lên tiếng cảnh báo những hành vi hận thù vô ý thức và những thành kiến có sẵn (stereotypes.)

"Chúng tôi hy vọng cái chết của ông ta sẽ mang lại an ủi cho tất cả các gia đình, thuộc nhiều tôn giáo và giai tầng xã hội, là những nạn nhân đã bị mất người thân trong biến cố 9/11 và trong các cuộc tấn công khủng bố khác thực hiện bởi trùm khủng bố Osama bin Laden", bản tuyên bố của trung tâm Tanenbaum cũng cho biết thêm là bin Laden "không phải là một nhà lãnh đạo Hồi giáo; ông ta là một kẻ giết người hàng loạt, giết cả người Hồi giáo," tổ chức al-Qaida mà bin Laden cầm đầu "đã tàn sát vô số người Hồi giáo ở nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ. Vì vậy, cái chết của hắn sẽ phải được chào đón bởi tất cả những người tin vào hòa bình và phẩm giá con người.."

Nhưng Trung tâm cũng cảnh báo chống lại "tiếng nói của hận thù" đang nổi lên giữa cảnh hân hoan của quốc gia.

"Trên mạng Twitter ngày hôm nay, chúng ta đã thấy những từ ngữ chửi bới về chủng tộc được sử dụng để mô tả bin Laden. Chúng tôi thấy nhiều thành kiến chống lại tất cả những người theo đạo Hồi. Đó là các nọc độc không khác gì sự thù hận mà Osama bin Laden đã từng phun ra", theo lời tuyên bố của Tanenbaum. "Vậy câu hỏi dành cho những người tweet, viết blog, Facebook và đang tham gia trong cuộc tranh luận truyền thông là: 'Tại sao bạn nghĩ rằng những hận thù mù quáng và bất công đối với người Hồi giáo và việc khuyến khích bạo lực đó thì khác với những hận thù của bin Laden?' Và câu trả lời, tất nhiên, là chúng không khác gì nhau. "

Linh mục dòng Tên James Martin, biên tập viên của tạp chí của nhà dòng có tên là America, đã nêu ra một số chủ đề đầy tính cách nhân bản trong cuộc tranh luận trên Internet:

"Osama bin Laden chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn người ở Hoa Kỳ và tạo đau khổ cho hàng ngàn người trên khắp thế giới, cũng như gây tử vong cho nhiều quân nhân nam và nữ của chúng ta. Cho nên tôi mừng vì ông ta đã xa rời thế giới này và tôi cầu nguyện rằng việc ra đi của ông ta có thể dẫn đến hòa bình."

"Nhưng là một Kitô hữu, tôi được kêu gọi phải cầu nguyện cho ông ta và, trong mọi trường hợp, phải tha thứ. Lệnh truyền đó đến từ Chúa Giêsu, một người đã bị đánh đập, tra tấn và bị giết .. là người có hiểu biết tuyệt đối về sự đau khổ. Lệnh này cũng đến từ Thiên Chúa. "

Thầy dòng Phanxicô Daniel Horan, một giảng viên thần học tại Siena College ở New York, không đồng ý về một số điểm mà nhiều người đã nêu ra để biện hộ cho những cuộc liên hoan là "vì chúng ta tin vào sự phục sinh, cho nên phải vui mừng trước mọi cái chết." (kể cả của bin Laden)

"
Những gì chúng ta làm trong một Thánh Lễ An Táng là để tán dương cuộc sống ở trên thế gian và cuộc sống đời sau của người đã chết, nhưng chúng ta không tán dương rằng sự chết tự nó là một điều tốt đẹp."

Tòa Thánh Vatican cũng đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố thừa nhận những lỗi lầm của bin Laden như: "tạo hận thù và chia rẽ giữa các dân tộc, gây ra cái chết của vô số người, và lợi dụng tôn giáo cho mục đích riêng." Tuy nhiên, Tòa Thánh cũng khuyên nhủ đừng tỏ lộ ra những phản ứng sung sướng: "trước cái chết của một người, một Kitô hữu không bao giờ vui mừng, nhưng nên phản ánh về trách nhiệm nghiêm trọng của mỗi người trước mặt Thiên Chúa và trước mặt lòai người, và người Kitô hữu phải nuôi hy vọng và làm việc để làm sao cho mọi biến cố có thể trở thành một dịp tốt cho sự phát triển hòa bình chứ không phải là cho sự gia tăng thù hận. "

Trở về việc tìm giết bin Laden, GS Powers cho biết về mặt đạo đức cần có sự phân biệt giữa một nỗ lực ám sát một vị nguyên thủ quốc gia, như Moammar Gadhafi của Libya, so với một nỗ lực để giết chết kẻ đứng đầu một tổ chức khủng bố, như bin Laden. GS cho biết việc tiêu diệt một kẻ khủng bố thì có ít vấn đề đạo đức hơn. Ngòai ra cũng phải xem xét lại khía cạnh là liệu Hoa Kỳ có vi phạm chủ quyền của Pakistan khi tiến hành cuộc tấn công vào nơi ẩn nấp của bin Laden không?

"Đối với giáo lý Công giáo thì chủ quyền của một quốc gia không phải là tuyệt đối," GS Powers cho biết. "Nếu rõ ràng rằng Pakistan đã không muốn hoặc không thể có hành động thích hợp để chống lại bin Laden và những kẻ khủng bố khác, thì, trên một số phương diện, Pakistan không thể than phiền khi người khác thực hiện các trách nhiệm mà họ không thể hoàn thành."

Cuối cùng, GS Powers kết luận, "mặc dù chúng ta có thể biện minh cho việc giết chết bin Laden, chúng ta cần làm việc đó với một tình cảm hối tiếc sâu sắc và với một quyết tâm là sẽ phát triển những phương cách phi quân sự để chống lại chủ nghĩa khủng bố và xóa bỏ những căn nguyên gây ra nó. "