1. Khủng bố đánh bom trong thánh lễ Công Giáo ở miền nam Phi Luật Tân khiến 4 người thiệt mạng

Cảnh sát cho biết vụ nổ tại phòng tập thể dục của Đại học bang Mindanao ở Marawi là sự trả thù của phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo

Các lực lượng Phi Luật Tân đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi một quả bom giết chết 4 người và làm nhiều người khác bị thương trong thánh lễ Công Giáo được cử hành tại một phòng tập thể dục của một trường đại học ở miền nam đất nước, trong một cuộc tấn công mà chính quyền quy trách nhiệm cho khủng bố Hồi giáo.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết: “Tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể những hành động vô nghĩa và tàn ác nhất do những kẻ khủng bố nước ngoài gây ra. Những kẻ cực đoan sử dụng bạo lực chống lại người vô tội sẽ luôn bị coi là đối phương của xã hội chúng ta”.

Sau đó, cũng trong ngày Chúa Nhật, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhóm này cho biết rằng các thành viên của nhóm đã cho nổ một quả bom trong thánh lễ.

Vụ nổ ở Marawi, một thành phố bị phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo bao vây trong 5 tháng vào năm 2017, xảy ra sau vụ sát hại 11 chiến binh trong một chiến dịch quân sự hôm thứ Sáu ở Maguindanao del Sur, cách đó 200 km.

Kêu gọi bình tĩnh, Tổng thống Marcos cho biết ông đã chỉ thị cho cảnh sát quốc gia và các lực lượng vũ trang “bảo đảm sự bảo vệ và an toàn cho dân thường cũng như an ninh của các cộng đồng bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương”.

“Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ đưa thủ phạm của hành động tàn nhẫn này ra trước công lý.”

Đức Tổng Giám Mục Julius Sullan Tonel của tổng giáo phận Zamboanga cho biết trong thánh lễ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng vào chiều Chúa Nhật rằng ít nhất 4 người đã thiệt mạng vì vụ nổ, trong đó có 3 phụ nữ, và 50 người khác được đưa đến hai bệnh viện để điều trị hầu hết chỉ bị các vết thương nhẹ.

Đức Cha cho biết, vụ nổ đã gây hoảng loạn cho hàng chục tín hữu và khiến các nạn nhân đổ máu và nằm dài trên mặt đất.

Đức Cha cho biết ít nhất hai trong số những người bị thương đang chiến đấu để giành lấy mạng sống và kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho họ.

Quân đội và cảnh sát ngay lập tức phong tỏa khu vực và đang tiến hành điều tra ban đầu cũng như kiểm tra camera an ninh để tìm dấu hiệu cho thấy ai có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Các trạm kiểm soát an ninh đã được thiết lập xung quanh thành phố.

Đức Tổng Giám Mục gọi vụ tấn công là “một hành động khủng bố”

Các quan chức quân sự đã khảo sát phòng tập thể dục, có vẻ còn nguyên vẹn ngoại trừ vết cháy ở trung tâm nơi vụ nổ xảy ra, theo những hình ảnh được chính quyền Lanao del Sur chia sẻ trên tài khoản Facebook của mình. Những chiếc ghế nhựa màu trắng nằm rải rác khắp nơi.

“Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở giáo dục cũng phải bị lên án vì đây là những nơi thúc đẩy văn hóa hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Quân đội Philippines đã tiêu diệt 11 chiến binh hôm thứ Bảy, bao gồm cả các thành viên của nhóm Dawlah Islamiyah-Philippines, trong một chiến dịch thu hồi 10 khẩu súng công suất lớn và 3 thiết bị nổ.

Đại học bang Mindanao cho biết trong một tuyên bố trên Facebook rằng họ “vô cùng đau buồn và kinh hoàng trước hành động bạo lực xảy ra trong một cuộc tụ tập tôn giáo. Chúng tôi dứt khoát lên án hành động vô nghĩa và khủng khiếp này bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”.

Trường đại học cho biết họ đang tạm dừng các lớp học cho đến khi có thông báo mới.

2. Tổn thất nhân mạng trong vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Paris

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Paris 'Terrorist Attack' Leaves One Dead, More Injured”, nghĩa là “Vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến một người chết, nhiều người bị thương.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cảnh sát ở Pháp đã bắt giữ một người đàn ông mà chính quyền cho biết đã giết một du khách người Đức và làm bị thương hai người khác ở Paris vào tối thứ Bảy, trong vụ việc mà Tổng thống Emmanuel Macron gọi là “một cuộc tấn công khủng bố”.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin nói với các phóng viên rằng nghi phạm là một công dân Pháp 26 tuổi, trước đó đã phải ngồi tù 4 năm vì lên kế hoạch thực hiện hành vi bạo lực.

Văn phòng công tố chống khủng bố xác nhận đã mở cuộc điều tra.

Darmanin cho biết người đàn ông đã tấn công công dân Đức bằng dao trên Quai de Grenelle, gần Tháp Eiffel, vào khoảng 9 giờ tối giờ địa phương.

Darmanin cho biết nạn nhân đang đi cùng vợ và người phụ nữ được cứu sống khi một tài xế taxi can thiệp.

Nghi phạm sau đó bỏ trốn qua một cây cầu sang bên kia sông Seine, nơi hắn dùng búa tấn công thêm hai người nữa, Darmanin nói. BBC đưa tin những nạn nhân đó, một người đàn ông Pháp và một du khách người Anh, đã được điều trị vết thương và không nguy hiểm đến tính mạng.

Darmanin cho biết kẻ tấn công đã bị khuất phục bởi cảnh sát, người đã dùng súng điện Taser bắn vào anh ta.

Người ta nghe thấy anh ta hét lên “Allahu Akbar” - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa vĩ đại nhất” - và nói với cảnh sát rằng anh ta rất buồn vì “rất nhiều người Hồi giáo đang chết ở Afghanistan và ở Palestine,” Darmanin nói. Bộ trưởng cho biết thêm, nghi phạm cũng cáo buộc Pháp là “đồng lõa với những gì Israel đang làm” ở Dải Gaza.

Bộ trưởng cho biết người đàn ông này đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2016 và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh Pháp. Hắn cũng được biết đến là người mắc chứng rối loạn tâm thần, ông nói thêm.

Tổng thống Macron gửi lời chia buồn tới gia đình người đàn ông thiệt mạng trong “vụ tấn công khủng bố” và khen ngợi cảnh sát đã nhanh chóng bắt giữ nghi phạm.

“Tôi gửi tất cả lời chia buồn tới gia đình và những người thân yêu của công dân Đức đã chết tối nay trong vụ tấn công khủng bố ở Paris và nghĩ đến những người hiện đang bị thương và được chăm sóc với sự xúc động”, ông Macron nói.

“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới lực lượng khẩn cấp đã giúp nhanh chóng bắt giữ nghi phạm.”

Ông Macron cho biết văn phòng công tố chống khủng bố hiện sẽ điều tra vụ việc xảy ra vào tối thứ Bảy “để công lý có thể được thực thi nhân danh người dân Pháp”.

Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cho biết Pháp “sẽ không nhượng bộ trước chủ nghĩa khủng bố”.

“Sau vụ tấn công tối nay ở Paris, suy nghĩ của tôi hướng về nạn nhân, những người bị thương và người thân của họ,” Borne viết trên X.

“Tôi ca ngợi lòng dũng cảm và tính chuyên nghiệp của lực lượng thực thi pháp luật cũng như các dịch vụ khẩn cấp được huy động của chúng tôi. Chúng ta sẽ không nhượng bộ trước chủ nghĩa khủng bố. Không bao giờ.”

3. Ukraine lên án vụ phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai 4 Tháng Mười Hai, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, đã lên án những vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào các tín hữu đang trên đường đến nhà thờ.

Cô cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương do pháo kích của Nga ở khu vực Kherson hôm Chúa Nhật, trong khi lực lượng phòng không đã bắn hạ 10 máy bay không người lái của Nga trong đêm.

Kherson được lực lượng Ukraine giải phóng vào tháng 11 năm 2022 nhưng kể từ đó phải đối mặt với hỏa lực không ngừng của lực lượng Nga từ tả ngạn sông Dnipro liền kề.

Cô cho biết một người đàn ông 78 tuổi đã thiệt mạng vào sáng Chúa Nhật khi đang đi bộ đến nhà thờ ở làng Sadove, trong khi một phụ nữ ở thành phố Kherson thiệt mạng do bị Nga pháo kích trên đường phố.

Sadove nằm ở bờ tây sông Dnipro, nơi đánh dấu chiến tuyến trên thực tế giữa lực lượng Ukraine và Nga.

Nga đã tấn công một số địa điểm khác ở Ukraine trong đêm, sử dụng tổng cộng 12 máy bay không người lái Shahed, lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày.

Họ cũng cho biết một hỏa tiễn Kh-59 dẫn đường đã không tiếp cận được mục tiêu.

Trong một cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 19 Tháng Mười Một vừa qua, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk, cho biết quân đội Ukraine đã đẩy quân xâm lược ra xa bờ phía Đông sông Dnipro từ ba đến tám km, vì vậy hỏa lực súng cối của Nga không còn là mối đe dọa đối với các khu định cư ở bờ phía Tây. Tuy nhiên, quân Nga vẫn có thể phóng hỏa tiễn vào thành phố Kherson.