CHO ĐI THÌ CÓ PHÚC HƠN NHẬN LÃNH

1. Câu chuyện năm chiếc bánh nhỏ với hai con cá:

Năm chiếc bánh và hai con cá của chú bé trong Phúc âm, cho tôi một ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, biết chia sẻ với mọi người. Thông thường khi đi đâu xa, người ta thường chuẩn bị đồ ăn thức uống. Em bé kia, cha mẹ đã khéo léo dọn sẵn cho em năm chiếc bánh nhỏ và hai con cá để ăn trong ngày. Những người xung quanh không mang theo phần ăn, em cũng không thể lấy phần ăn nhỏ bé đem chia sẻ cho hết mọi người được.

Với Chúa Giêsu lúc đó, không có vấn đề ít hay nhiều đồ ăn, nhưng là việc chia phần cho người khác trong tình huynh đệ. Nhờ vào những chiếc bánh lúa mạch nhỏ và cá này của em, dân chúng được bữa no nê, thoải mái. Dân chúng rất đông, đàn ông khoảng năm ngàn, còn đàn bà, con nít chưa tính. Bánh, cá nhiều đến nỗi, ai muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Các môn đệ vất vả, mệt nhọc phải đi lượm các miếng bánh vụn rải rắc các nơi còn dư, chứa đầy mười hai thúng (Gioan 6,1-14). Biết chia sẻ thì cuộc đời mang một ý nghĩa cao quí, nó nói lên tình đồng loại. Chấp nhận sự thiệt thòi cho mình, để người khác được hạnh phúc, cùng vui buồn với nhau. Chúa đang chờ đợi và mong mỏi cử chỉ đầy tình thân thương đó. Ngay lúc này đây, biết bao nhiêu người không cơm ăn, áo mặc. Còn những kẻ dư tiền của, đồ ăn thừa thãi vứt thùng rác hoặc ném tiền vào casino. Lòng dạ ích kỷ con người vẫn còn đó!

2. Tất cả là hồng ân:

Tất cả những gì ta nhận được đều là hồng ân Chúa ban. Năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của em bé mang theo cho bữa ăn mà mẹ đã dọn, cũng là hồng ân Chúa trao cho. Em đã nêu lên tấm gương cao quí, là sẵn sàng cho hết bánh và cá của phần lương thực, để những người khác được no nê. Em biết điều đó sẽ thiệt thòi. Nhưng em đâu có nhận thấy rằng, chính điều em làm lại là vinh danh Chúa Giêsu. Một hồng ân dâng hiến. Thế giới này, nếu có nhiều trái tim quảng đại như em bé thì đâu còn người chết đói, chết khát. Trên truyền hình, báo chí, đưa tin tức hình ảnh đau thương những nơi hạn hán, trẻ em chết yểu thiếu dinh dưỡng, những thân hình thoi thóp chỉ còn bộ xương, chẳng thấy da thịt đâu. Người ta cậy trông vào phép lạ từ trời cao ban xuống ư? Điều đó hiếm xẩy ra. Phép lạ đến từ lòng người, khi họ muốn thực hành, là chia sẻ cơm bánh cho anh chị em nghèo đói hơn mình.

Chiều thứ sáu ngày 8/4/2005 vào lúc 6 giờ, cùng với hơn 4 triệu người tham dự trực tiếp lễ An táng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị tại Roma, tôi theo dõi qua truyền hình, thật cảm động. Kẻ khóc, người reo hò, vì quá xúc cảm. Riêng tôi, những giọt nước mắt cứ tự nhiên tuôn chảy ướt hết hai gò má gầy ốm, không chùi, tôi cứ để vậy. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội một người Cha đầy tràn thánh thiện, khôn ngoan và bác ái yêu thương mọi người, nay Chúa đem về với Ngài hưởng phúc trên quê trời sau những năm tháng dài lao nhọc vất vả, tận tụy, hy sinh trung thành phục vụ Giáo hội. Khi còn sống, Ngài thương khóc cho những người thiếu may mắn, bị chết oan uổng do bom đạn, khủng bố. Ngài đã bênh vực quyền làm người cho những kẻ bị tước hết nhân phẩm. Ngài đã chiến đấu cho con người được tự do, an bình và đồng hành với họ. “Cho đi thì có phúc hơn nhận lãnh”, thật vậy, càng cho đi, con người càng lớn hơn lên trong nhân cách. Quà tặng, giá trị của nó không tùy thuộc ở số lượng vật chất, mà chính là ở tấm lòng nhân ái và chân thực của con người. Một nụ cười, một cử chỉ khiêm tốn tha thứ và lời nói cảm thông, có giá trị gấp bội hơn tiền của châu báu, người giầu sang chỉ vứt ra như của bố thí.

3. Phục vụ và yêu thương:

Nhìn vào “Abbé Pierre”, người Cha của những kẻ vô gia cư, để lại gia sản cao quí cuộc sống của tình thương vô biên giới. Đức tin là động lực thúc bách Ngài làm vinh danh Thiên Chúa bằng tận lực yêu thương phục vụ dân nghèo khổ, không phân biệt mầu da tiếng nói hay tôn giáo. Hiện nay có 440 cộng đoàn Emmaus đã có mặt trên 37 quốc gia. Cha được Chúa gọi về cách êm ái lúc 5 giờ 25 sáng thứ hai 22.01.2007, hưởng thọ 95 tuổi. Tổng thống Jacques Chirac đã nói: “Nước Pháp đã mất đi một khuôn mặt vĩ nhân, một lương tri trong sáng, một tấm lòng nhân hậu khôn lường. Cả nước Pháp đều xúc động”. Cha đã sống thực sự tám mối Phúc thật. Theo nhận xét của ĐHY Pourpard thì ít ai sống tinh thần khó nghèo hơn Ngài, ít ai giàu lòng thương người hơn Ngài; vì nơi Ngài sáng ngời tinh thần hòa bình và luôn mang nụ cười dịu dàng và kín đáo; vì nơi Ngài tràn đầy công lý, tranh đấu lẽ phải cho kẻ yếu, cho người bị áp bức hay bị chèn ép vì sự thật. Không hờn giận nhưng không nhượng bộ, không luồn cúi nhưng không xấu hổ khi phải ăn xin cho người nghèo. Còn ĐHY Lustiger nhìn nơi Cha có một đời sống thánh thiện đơn sơ, nhưng tràn đầy hương thơm của Chúa Giêsu.

Nhật báo Le Parisien, Pháp số đặc biệt phát hành 23.1.2007, đã dành 18 trang viết bài tưởng niệm L’Abbé Pierre, đã viết tựa lớn ở trang nhất: “L’Abbé Pierre 19.12.2007 Le Pape des pauvres”. (Cha Pierre vị Giáo hoàng của người nghèo). Và các báo xuất bản trong dịp này nhất loạt nêu bật Cha là con người tranh đấu không ngừng cho đến cùng để người nghèo có nhà ở, cơm ăn áo mặc. Trong lời di chúc, Cha nói không muốn có nghi lễ lớn, mà là đem thi thể Cha về nghĩa trang ở d’Esteville, Seine Maritime, miền Normandie, nơi Cha đã lập trung tâm Emmaus năm 1991 và là nơi có phần mộ của nhiều người không nhà ở mà chính Cha đã chôn cất họ trước đây. Đúng theo ước nguyện của Cha là “được nằm bên cạnh những người đồng hành với Cha”.

Cha đã giúp tất cả những ai đau khổ mà Cha gặp trên đường đời. Lòng khiêm nhường phục vụ cho kẻ nghèo hèn nơi Cha thay lời nói. Cha đã kiên trì bênh vực nhân quyền và đem lại cho con người quyền làm con Thiên Chúa, để cuối cùng tất cả ai cũng có một chỗ ở đàng hoàng trên Thiên Đàng. (Enfin un endroit où tout le monde est bien logé Paradis – Pèlerin. 23.1.2007, tr.10).

Đức Cố giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, đã về bên kia cõi phúc trường sinh để cầu bầu cho thế giới được hòa bình, mọi người thương nhau, biết chia sẻ cơm bánh cho nhau, không còn chém giết hận thù nữa! “Cha chẳng có của cải chi cả”, đó là lời di chúc của Ngài. Nhưng Ngài đã trao lại cả kho tàng quí giá cho Giáo hội và con người là phục vụ và yêu thương. Không phải sau khi Ngài qua đời, người ta mới biết việc Ngài làm như những cơn mưa rào, làm mát dịu và thấm vào lòng đất khô cằn, để rồi nẩy mầm hạt lúa, nụ hoa hé mở tươi đẹp, cây đâm trồi nẩy lộc sinh hoa kết trái. Mùa xuân mới cho thế giới đang khô cạn tình người.

Tâm hồn khiêm nhu phục vụ nơi Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô 2, là bài học suy niệm sâu xa cho cuộc sống mỗi người biết đặt niềm hy vọng vào Chúa và sự che chở giúp đỡ của Đức Mẹ. Cụ thể, một trong những phép lạ, Ngài đã chữa lành nữ tu người Pháp, sơ Marie Simon Pierre 45 tuổi, thuộc Dòng Tiểu muội các bà mẹ Công giáo, bị bệnh Parkinson. Cuộc khỏi bệnh này có liên hệ tới lời cầu nguyện của các nữ tu trong Dòng dâng lên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Ngài từ sau khi Ngài qua đời 2 tháng trước đó. Cuộc khỏi bệnh ấy xẩy ra một cách lạ thường. Chị đã hoàn toàn hoạt động trở lại sau khi được khỏi bệnh. Căn bệnh Parkinson đã hủy hoại chính Ngài và cũng căn bệnh đó đã làm cho chị nữ tu ấy không còn làm việc được nữa. Thật vậy, chia sẻ tình yêu thương ở trên trời, Ngài đã cầu bầu cho người xin được như ý. Tất cả những gì Chúa ban cho trong cuộc đời đều là hồng ân, hãy dâng lời cảm tạ với tâm tình biết ơn sâu đậm!

Tâm nguyện:

Lạy Chúa, con sống chỉ biết mình trên cõi đời này. Lòng hẹp hòi, tính ích kỷ đè nặng trong con, ôm giữ của cải cho riêng mình. Xin Chúa mở rộng tâm hồn con, để sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ anh chị em đang cần thiết cho cuộc sống tinh thần lẫn vật chất.

Xin Chúa dẫn lối chỉ đường con đến với những người khổ đau, thiếu thốn, để trao tặng cho họ mà những gì Chúa ban cho con.