Ngày 25 tháng 1, Thứ Năm tuần này, Tuần lễ Thế giới cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ long trọng kết thúc bằng buổi Kinh Chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma.



Vatican News đã tận dụng tuần cầu nguyện này như một cơ hội, để hôm Thứ Tư tuần này, nói chuyện với nhà lãnh đạo đại kết của Tòa Thánh: đó là Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Cổ vũ Sự Hợp nhất Kitô giáo.

Phỏng vấn

Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi và người lân cận như chính ngươi, đó là khẩu hiệu của Tuần lễ Thế giới. Tất nhiên, đây là mệnh lệnh Kitô giáo trên hết mọi sự, nhưng về mặt đại kết, tuần cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu có ý nghĩa gì?

“Chúng ta phân biệt hai hình thức trong phong trào đại kết: đại kết tình yêu và đại kết sự thật. Đại kết sự thật là việc xử lý thần học những vấn đề dẫn đến chia rẽ trong Giáo hội; đại kết tình yêu là việc vun trồng những mối quan hệ thân thiện với các giáo hội khác. Theo nghĩa này, tình yêu là động cơ căn bản của đại kết, bởi vì nếu tôi thực sự yêu một người, tôi cũng sẽ thừa nhận người đó – và khi chúng ta vun đắp mối quan hệ thân thiện với Giáo hội khác, đó cũng là vấn đề tìm hiểu các đặc sủng của Giáo hội đó. Theo nghĩa này, đại kết tình yêu là điều kiện tiên quyết để có thể tham gia vào các cuộc đối thoại thần học.

Điều này vừa trở nên rõ ràng trong năm nay: đã 60 năm kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Thượng Phụ Đại Kết ôm hôn nhau ở Giêrusalem. Tôi tin rằng dấu chỉ tình yêu và tình bạn này đã trở thành điểm khởi đầu của đại kết lớn lao.”

“Đổi mới lời tuyên xưng Kitô học”

Tất nhiên, điều này tạo điểm nhấn trong tuần cầu nguyện cho Tuần lễ Thế giới này: Sáu mươi năm Thượng phụ Chính thống Hy Lạp ôm hôn Đức Phaolô VI trong cuộc hành trình ngoạn mục của ngài đến Thánh Địa. Các cột mốc quan trọng khác trong năm nay về mặt đại kết là gì?

“Tôi nghĩ chúng ta đang chuẩn bị cho năm tới. Đến năm 2025, chúng ta kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên ở Nixêa, diễn ra vào năm 325. Chúng ta đang cùng với Thượng phụ Đại kết Bartholomew, để chuẩn bị, khi chúng ta cùng nhau cử hành Công đồng này, bởi vì Công đồng này diễn ra vào thời điểm mà Giáo hội vẫn chưa bị hư hại bởi quá nhiều chia rẽ, và do đó việc tưởng nhớ này không thể được đánh giá quá cao về mặt đại kết. Đây là một cơ hội tốt để tất cả các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội Kitô giáo kỷ niệm Công đồng này trong một cộng đồng đại kết và canh tân việc tuyên xưng Kitô học - bởi vì thuyết Arianô không chỉ là chuyện của quá khứ mà còn là chuyện hiện nay nữa!”

Liệu cũng sẽ có những bước ngoặt cho Năm Thánh để tưởng nhớ Nixêa, hay còn quá sớm để nói?

“Không, tất nhiên là nó đi với nhau. Vẫn chưa được lập kế hoạch với nhau, nhưng những người tổ chức Năm Thánh có tính đến tính công đồng [conciliarity] này cũng sẽ diễn ra và điều này thực sự có thể diễn ra trong một khung cảnh tuyệt đẹp.”

“Chúng ta không thể can thiệp vào những căng thẳng trong nội bộ Chính thống giáo - nhưng tất nhiên chúng ta bị ảnh hưởng bởi chúng.”

Có thể nói, đâu là những địa điểm xây dựng trong phạm vi đại kết, mà có lẽ cần phải cầu nguyện đặc biệt cho trong Tuần lễ Thế giới Cầu nguyện này, để tiến thêm một bước?

“Tôi nghĩ trong phong trào đại kết với các giáo hội Chính thống, tất nhiên, chúng ta cũng phải đau khổ vì sự kiện có những căng thẳng và chia rẽ lớn trong Chính thống giáo. Chẳng hạn, chúng ta có Phiên họp Toàn thể của Ủy ban tại Alexandria vào tháng 6 năm ngoái, với lòng hiếu khách sâu sắc của Đức Thượng phụ – nhưng bốn Giáo hội Chính thống không có mặt: Nga, Serbia, Bulgaria, Antioch. Và tất nhiên điều đó gây khó khăn...

Tất nhiên, chúng ta tiếp tục đối thoại; chúng ta cũng đã có thể tiếp nhận một văn kiện tốt về nó. Nhưng đó là một thách thức lớn đối với chúng ta. Một mặt, chúng ta không muốn và không thể can thiệp vào những căng thẳng trong nội bộ chính thống. Mặt khác, trung lập không có nghĩa là thờ ơ, nhưng tất nhiên chúng ta bị ảnh hưởng bởi nó.

“Khơi dậy chiều kích tâm linh”

Về phong trào đại kết với các giáo hội xuất hiện từ thời Cải cách, đối với tôi, điều quan trọng là chúng ta đang đào sâu lại chiều kích tâm linh. Bởi vì khởi đầu của phong trào đại kết là phong trào cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã từng diễn tả điều này bằng một hình ảnh đẹp đẽ rằng con tàu đại kết sẽ không bao giờ ra khơi nếu nó không được thúc đẩy bởi một dòng nước cầu nguyện... Phong trào đại kết ban đầu là một phong trào cầu nguyện và phải tiếp tục như vậy, bởi vì nền tảng của đại kết là Lời cầu nguyện thượng tế của Chúa ở chương 17 Tin Mừng Gioan, và điều này thật đáng lưu ý: Chúa Giêsu không ra lệnh phải hợp nhất, Người cầu nguyện cho sự hợp nhất. Và nếu Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các môn đệ của Người thì chúng ta có thể làm gì tốt hơn?”

“Chúng ta cần suy gẫm về chủ đề chúc lành trong cuộc đối thoại đại kết”

Bây giờ là một câu hỏi có lẽ hơi phức tạp... Con nghĩ khi đọc 'Fiducia supplicans': với sự cấp bách mục vụ và một mô hình mục vụ, người ta có thể biện minh cho lòng hiếu khách Thánh Thể gần như trong những điều kiện hạn chế chặt chẽ nào đó... hay điều này đang diễn ra một cách sai hướng?

“Trước hết, tôi nhận được một số phản ứng tiêu cực từ thế giới đại kết về 'Fiducia supplicans'; tuần tới chúng ta sẽ có cuộc họp toàn thể của Chính thống giáo Đông phương ở Rome, và họ đã đăng ký để có thể thảo luận về những vấn đề này. Tôi tin rằng chúng ta cần phải suy nghĩ lại trong cuộc đối thoại đại kết về vấn đề này: phúc lành là gì, và mối liên hệ giữa giáo lý và việc chăm sóc mục vụ là gì? Những câu hỏi này giờ đây đã trở nên gay gắt hơn và chúng ta nên nói về nó. Do đó, tôi tin rằng việc chuyển sang vấn đề cộng đồng Thánh Thể hiện nay là không phù hợp”.