Ngày 25-11-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 26/11: Thức tỉnh trong niềm tin và hy vọng – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
03:35 25/11/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Đó là lời Chúa
 
Chúa vẫn đến và sẽ đến
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:46 25/11/2022

CHÚA VẪN ĐẾN VÀ SẼ ĐẾN
CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG NĂM A

Năm phụng vụ trong thời gian như điệp khúc của bài hát, đáo hạn lại đến. Điệp khúc mùa Vọng lại trở về, khai mạc một năm phụng vụ mới.

Cũng như các mùa trong năm phụng vụ, mùa Vọng có một chủ đề riêng biệt, chia thành hai phần:
- Tín lý: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”;
- Luân lý: “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.

Ý nghĩa của hai phần này được Chúa Giêsu nhắc lại trong Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Hai phần này liên quan với nhau chặt chẽ như hai vế không thể thiếu của một phương trình. Nếu có phần này, không có phần kia, là khập khiểng, là thiếu sót, là chưa trọn vẹn.

Sự liên hệ chặt chẽ này không phải do cùng là chủ đề của mùa Vọng, đúng hơn, vì cả hai phần bổ túc cho nhau, ý nghĩa lồng trong nhau, soi sáng và làm thành mục đích hay hiệu quả của nhau.

1. “LẠY CHÚA GIÊSU, XIN NGỰ ĐẾN”.

Mượn lại lời sách Khải huyền, Hội Thánh sống lại tâm tình của người Cựu ước trông chờ Đấng Cứu Thế của lời hứa mà Thiên Chúa trao ban cho họ qua các tổ phụ, các tiên tri.

Tuy nhiên, ơn cứu độ mà họ trông chờ, Hội Thánh đã đạt được.

Nhưng đó chưa phải là thời kỳ cứu độ toàn thể và chung cuộc.

Vì thế, sống tâm tình chờ đợi của người Cựu ước, Hội Thánh không dừng ở việc sống một kỷ niệm của lòng trông chờ để hướng đến việc mừng Chúa sinh ra làm người, y như người Dothái từng trông đợi. Nghĩa là chỉ sống lại một kỷ niệm, rồi đi tới đỉnh điểm của kỷ niệm ấy là lễ Giáng sinh. Như thế lễ Giáng sinh cũng chỉ là hoàn tất ý nghĩa của việc kỷ niệm.

Nhưng khi cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”, Hội Thánh đẩy mạnh ý nghĩa bằng cách cầu xin sự hiện diện của Chúa ở đây, lúc này, giữa thế giới, giữa Hội Thánh, trong cuộc sống từng người hôm nay. Xin Chúa ở lại, đổi mới bộ mặt thế giới, làm cho lòng người được thánh hóa.

Xa hơn, Hội Thánh hướng tới tương lai. Đó là hướng về ngày cánh chung, ngày thế giới được biến đổi trong ơn cứu độ toàn thể và trọn vẹn.

Vì nếu Chúa đã đến trần gian lần thứ nhất, thì Chúa sẽ đến lần thứ hai để tổng kết cả một chiều dài ngun ngút của lịch sử nhân loại. Như vậy, Hội Thánh không sống trong quá khứ.

Kỷ niệm biến cố Chúa đến lần thứ nhất, Hội Thánh hướng tới việc trông chờ Chúa đến lần thứ hai. Vì lẽ đó, Hội Thánh không ngớt cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”.

Trong ngày Chúa lại đến, những ai trung thành trong đời sống Kitô hữu của mình, sẽ được đón nhận vào nhà Cha và được trao ban sự sống vĩnh hằng. Đạt tới điều đó, họ chính là những người thuộc về Chúa Kitô.

2. “TỈNH THỨC TRONG TƯ THẾ SẴ SÀNG”.

Nhưng để thuộc về Chúa Kitô, người Kitô hữu được mời gọi “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.

Thói thường, ta rất dửng dưng, cho rằng ngày Chúa đến hoàn tất lịch sử còn xa. Đó là ngày được nói và được nghe rất nhiều nhưng vẫn nằm trong một tương lai mù mịt nào đó, không ai biết được.

Thực ra, đó là một viễn ảnh rất gần. Vì dù ta không biết Chúa kết thúc thế giới lúc nào, nhưng mỗi người phải hoàn tất cuộc đời là hiện thực không hề xa xôi, không hề mù mịt.

Ai cũng sẽ chết và chết ở bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, trong khi đợi chờ Chúa đến, ta hãy đợi chờ trong sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Nghĩa là bạn và tôi hãy cảnh giác mọi nguy cơ có thể làm ta xa Chúa, bị tiêu vong vì đánh mất chính ơn phần rỗi của mình.

Do đó, Tỉnh thức và sẵn sàng là thái độ khôn ngoan của người Kitô hữu. Nhờ đó ta thoát mọi sợ hãi, lo âu, hốt hoảng, u mê và luôn có niềm vui của sự chờ đợi, niềm an ủi của hy vọng, sự kiên vững do lòng cậy trông, và bình an bởi tin tưởng.

Hiểu được ý nghĩa của mùa Vọng như thế, ta càng hiểu rõ hơn sự tương quan của hai vế trong chủ đề: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” và “Hãy tỉnh thức trong tư thế sẵn sàng”.

Chúa nhật đầu tiên của năm phụng vụ, Chúa Giêsu dạy bài học của sự tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách nhắc lại câu chuyện Đại lụt Hồng thủy.

Thực ra, trong Tin Mừng, rất nhiều lần Chúa cảnh báo về sự bất ngờ của giờ Chúa đến. Nó bất ngờ như kẻ trộm đến giữa đêm khuya, như chàng rể xuất hiện lúc đang đêm.

Cũng vậy, Đại lụt Hồng thủy là một nỗi bất ngờ lớn trong thời Noê. Nó cuốn trôi tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đang khi cả loài người vẫn mê chìm trong những nếp sống thường nhật đầy thỏa hiệp với tội lỗi của riêng bản thân. Đó là nỗi chết chóc kinh hoàng, cần phải nhắc lại để thế giới hôm nay ý thức hơn đời sống và sự tỉnh táo của mình.

Nếu ý nghĩa mùa Vọng là chờ đợi Chúa đến, thì cuộc đời mỗi người cũng là mùa Vọng kéo dài. Chúng ta chờ đợi Chúa viếng thăm trong từng ngày sống hôm nay, trong chính hiện tại này, để lòng có Chúa, cuộc sống của mình tràn đầy và chiếu tỏa ơn Chúa.

Ta chờ đợi Chúa đến để bao lao công khó nhọc trong cuộc đời mình, đều bởi ơn Chúa, đều được bao bọc, chở che trong tình thương của Chúa.

Bên cạnh cuộc tái hiện diện hằng ngày trong cuộc đời hôm nay, ta còn mong đợi Chúa đến trong ngày tái hiện diện đỉnh cao của mọi cuộc tái hiện diện, đó là giờ ta xuôi tay lìa đời.

Không có lúc nào khủng khiếp bằng giờ kinh hoàng ấy. Vì lúc ấy chỉ có mình ta đối diện với Chúa, với sự công thẳng của Chúa.

Nếu biết để Chúa ngự đến trong tâm hồn suốt đời, thì lần Chúa ngự đến như một sự tổng kết của các lần ngự đến, ta sẽ là người đạt đến hạnh phúc tuyệt đối.

Vì nếu trong cuộc trần, ta đã sống với Chúa không ngừng, thì cái chết chỉ là sự biến đổi, nhằm đưa bản thân mình tiếp tục sống với Chúa và sống trong vĩnh cửu.

Bởi vậy, chúng ta hãy vâng Lời Chúa như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Các con hãy sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Chúa vẫn đến và Chúa sẽ đến. Bạn và tôi hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để kịp thời đón rước Chúa trong ngày Chúa viếng thăm.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 25/11/2022

8. Tình yêu phát sinh bởi Thiên Chúa, và duy chỉ Thiên Chúa mới là chung điểm của tình yêu.

(Sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:41 25/11/2022
61. VĂN CHƯƠNG CỦA PHỤ THÂN

Thầy giáo:

- “Văn chương của trò viết sai nhiều chữ quá, chứng tỏ là trò không chuyên tâm nghe giảng bài, ta phải báo cho phụ thân của trò biết”.

Học sinh:

- “Như vậy thì sẽ làm cho ông ta tức giận đấy ạ”.

Thầy giáo nói:

- “Đây là trách nhiệm của ta, ta không thể không nói”.

Học sinh trả lời:

- “Ý con không phải như thế, văn chương của con là do ba con viết giùm đó ạ”.

(Tiếu thoại đại tập hợp)

Suy tư 61:

Thời nay cha mẹ làm bài tập cho con mình là chuyện bình thường, hoặc là con cái ký sổ liên lạc nhà trường thế cho cha mẹ cũng là chuyện bình thường, cái không bình thường là thầy cô giáo biết nhưng vẫn cứ nhắm mắt làm ngơ mà thôi.

Thời nay có những cha mẹ đánh đập thầy cô giáo vì con mình bị phạt, những người làm cha làm mẹ này không nên cho con đến trường vì sẽ uồng phí công lao của các thầy cô giáo khi mình cứ coi mình là trên hết; có những cha mẹ hăm dọa nhà trường vì không ưu tiên cho con mình hơn những học trò khác, những cha mẹ này ỷ mình là cán bộ làm ông này bà nọ, coi các thầy cô giống như gia sư của con cái mình, họ chính là những mầm mống nỗi loạn cho con cái mình…

Cha mẹ có thể dạy dỗ con cái làm bài tập ở nhà, hoặc hướng dẫn chúng nó ôn bài, nhưng không nên làm bài vở giùm chúng nó, bởi vì như thế là lấy vôi trét cứng trí não của con mình không cho nó mở mang tiếp thu và phát triển.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN I MV A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:43 25/11/2022
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG (Năm A)

Tin mừng: Mt 24, 37-44

“Anh em hãy canh thức để được sẵn sàng.”


Bạn thân mến,

Giáo Hội trong bài Phúc Âm mở đầu năm phụng vụ mới này, cho chúng ta nghe và suy niệm bài Phúc Âm của thánh Mát-thêu, với chủ đề là “canh thức”.

Bạn đã nhiều lần canh thức để đón mừng lễ Chúa Giê-su Giáng Sinh, bạn cũng đã nhiều lần canh thức để đón mừng lễ Chúa Giê-su Phục Sinh, và bạn cũng có vài lần canh thức để đón mừng Tết đến, và tôi tin chắc rằng tâm trạng của bạn khi canh thức thì rất là hồi hộp, vui vẻ, lâng lâng khó tả.

Canh thức là không ngủ, là phải tỉnh táo để đợi giờ X đến. Nhưng trạng thái canh thức sẽ như thế nào? Khi canh thức thì có người uống rượu cho giờ mau qua, có người đánh bài để giết thời gian, có người hát hò, có người coi truyền hình, coi phim, lại có người nói chuyện tán dóc cho hết giờ, và cũng có người ngủ quên. Cho nên có nhiều lần bạn nghe nói: người này chết (Chúa đến) khi họ đang ngủ, người kia chết (Chúa đến) khi họ đang làm việc, có người chết (Chúa đến) khi họ đang ăn uống, có người chết (Chúa đến) khi họ đang chơi bời.v.v...thật đáng sợ.

Bạn thân mến,

Mùa vọng là mùa canh thức, nhưng tôi tin chắc bạn vẫn canh thức hằng ngày chứ không phải đợi đến mùa vọng, bởi vì bạn luôn tham dự thánh lễ hằng ngày, vẫn đều đặn theo học các lớp giáo lý, vẫn cầu nguyện và nhất là vẫn sống đời sống Ki-tô hữu, khi mà cuộc sống ở thế gian này với sự cám dỗ của ma quỷ có quá nhiều phương thế để ru ngủ, mê hoặc, cám dỗ con người ta.

Hãy sống trong tâm tình chờ đợi Đức Chúa Giê-su đến, để khi Ngài đến thì mau mắn đón tiếp không chậm trễ, đó chính là “canh thức để được sẵn sàng” vậy. Chúc bạn thức tỉnh luôn với ơn thánh của Chúa, chứ không phải thức tỉnh với cà phê hay bia rượu hay hưởng thụ thế gian...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Ukraine bày tỏ lo buồn khi người Nga phóng hỏa tiễn vào các bệnh viện
Đặng Tự Do
05:25 25/11/2022


Trong suy tư gửi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và tất cả những người thiện chí, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết ngài hết sức đau buồn khi người Nga phóng hỏa tiễn vào các cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là khi mùa Đông đang ập đến. Ngài càng đau buồn hơn khi người Nga tấn công vào các bệnh viện. Hôm 23 tháng 11, quân xâm lược đã pháo kích vào khoa hộ sinh của bệnh viện ở Vilniansk, vùng Zaporizhia, nơi một em bé sơ sinh mới hai ngày tuổi đã thiệt mạng. Cuộc tấn công quy mô lớn cũng đã làm nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng mất điện.

Tin tức trên các phương tiện truyền thông cho biết các bác sĩ Ukraine đã phải thực hiện phẫu thuật bằng đèn pin trong thời gian mất điện do cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn của Nga hôm thứ Tư.

Bác sĩ Borys Todurov, người đứng đầu các dịch vụ y tế tại Viện Tim Kyiv, đã đăng một video lên Instagram mà ông nói rằng các bác sĩ đeo đèn pha khi họ thực hiện ca phẫu thuật tim cho một đứa trẻ.

Bác sĩ Todurov cho biết cuộc phẫu thuật đang được tiến hành thì mất điện. Ông nói thêm rằng bệnh viện “không có nước trong vài giờ”.

Giám đốc Bệnh viện Mechnikova ở khu vực trung tâm Dnipropetrovsk cho biết “hàng chục bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đang ở trên bàn phẫu thuật” khi đèn tắt. “Các bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật đã bật đèn pha để cứu từng người trong số họ”

Bác sĩ Ryzhenko đã đăng một bức ảnh chụp hai bác sĩ mà ông cho là đang phẫu thuật cho một thanh niên 23 tuổi. “Các bác sĩ Yaroslav Medvedyk và Kseniya Denysova cùng với các đồng nghiệp của họ đang thực hiện một ca phẫu thuật nguy hiểm thì mất điện. Nó xảy ra lần đầu tiên sau 35 năm hành nghề của Yaroslav. Các dây thần kinh căng thẳng, nhưng bệnh nhân… đã vượt qua được”.

Đức Tổng Giám Mục đã dâng lên lời cầu nguyện sau: Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine! Xin Chúa chúc lành cho quân đội của chúng con! Xin Chúa chữa lành vết thương của chúng con! Xin Chúa gửi đến Chúa Thánh Thần của Chúa, Đấng sẽ chạm vào nỗi đau của chúng con, Đấng sẽ dạy chúng con tất cả sự thật. Bởi vì Ngài đã nói với các môn đệ của Ngài: “Ta sẽ sai Thánh Thần đến và Ngài sẽ dạy dỗ các ngươi mọi điều, và ghi nhớ lại tất cả những gì Ta đã nói với các ngươi.” Hãy để Thần Chân lý đó luôn là người thầy bên trong của chúng ta về Trí tuệ Thiêng liêng. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine với hòa bình thiên đường của Ngài!

Cầu chúc phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài đối với nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và cho đến thiên thu vạn đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!
 
Sau khi thiếu bột ngừng sản xuất, các nữ tu báo cáo sức mạnh từ thiên đường
Đặng Tự Do
05:26 25/11/2022


Sau khi đối mặt với tình trạng khan hiếm bột trầm trọng, các tu sĩ Cát Minh Nhặt Phép ở Cuba đã cố gắng sản xuất bánh thánh một lần nữa: “Đấng hóa bánh ra nhiều đã thể hiện quyền năng của mình bằng cách làm cho bột ra nhiều”.

Đầu tháng này, vào ngày 2 tháng 11, các nữ tu Cát Minh Nhặt Phép ở Havana, Cuba, báo cáo rằng họ đã hết bột mì để sản xuất bánh thánh, vì sự khan hiếm lại tấn công quốc gia Caribe một lần nữa.

Như Pablo Cesio đã giải thích trong bài báo của ông cho ấn bản Aleteia bằng tiếng Tây Ban Nha, Tu viện Cát Minh Nhặt Phép ở Santa Teresa sản xuất hầu hết tất cả Bánh Thánh được mọi giáo phận trên đảo sử dụng – nếu không muốn nói là tất cả. Và mặc dù việc cung cấp bột mì thường xuyên từ lâu đã là một vấn đề trong nước, như một phần của cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài, các nữ tu bằng cách nào đó đã xoay sở để duy trì hoạt động sản xuất của các chị.

Một tuyên bố được Vida Cristiana đăng trên Facebook thông báo rằng, khi tin tức về việc họ hết bột lan truyền nhanh, các nữ tu đã nhận được sự đóng góp bất ngờ từ khắp mọi nơi.

Tuyên bố của các sơ viết “Điều ấn tượng về tất cả những điều này là có rất nhiều người thiện chí, giống như bà góa trong Phúc âm, đã đóng góp ít hay nhiều để công việc của chúng tôi có thể tiếp tục. Chúng tôi đã nhận được sự đóng góp bột mì từ các làng, cơ quan và tổ chức lân cận, Miami, Puerto Rico, Tây Ban Nha, và chúng tôi cũng nhận được khoản phân bổ thông thường của chính phủ. Đấng hoá bánh ra nhiều đã thể hiện quyền năng của mình với việc nhân ra nhiều bột mì.”

Các nữ tu kết thúc tuyên bố tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục công việc của mình để phục vụ các tín hữu Cuba “càng sớm càng tốt”.
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y Sandri, người nổi tiếng nhất trong các Hồng Y Á Căn Đình, nghỉ hưu
Đặng Tự Do
05:28 25/11/2022


Ở tuổi 79, Đức Hồng Y người Á Căn Đình Leonardo Sandri sẽ thôi giữ chức vụ đứng đầu Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương vào tháng Giêng tới đây, sau khi đứng đầu bộ này trong 15 năm qua. Ngài vẫn tiếp tục là thành viên của một số Bộ khác.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri là một nhà ngoại giao rất có kinh nghiệm, từng là sứ thần tại Mễ Tây Cơ và Venezuela. Ngài cũng chịu trách nhiệm thông báo cái chết của Đức Gioan Phaolô II với thế giới vào tháng 4 năm 2005.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1943, là Hồng Y từ tháng 11 năm 2007 và là phó niên trưởng Hồng Y đoàn kể từ tháng Giêng năm 2020. Ngài là bộ trưởng Bộ Giáo hội Đông phương từ năm 2007 đến năm 2022, phụ trách 22 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh. Ngài phục vụ trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ 1974 đến 1991 trong một số nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm cả với tư cách là quan sát viên thường trực của Tòa thánh trước Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu từ 1989 đến 1991, và ở Rôma với tư cách là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong các vấn đề chung từ 1999 đến 2007.

Hôm 21 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Anh quốc, làm tân Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, kế nhiệm Đức Hồng Y Leonardo Sandri.

Đức Tổng Giám Mục Gugerotti, người Ý, năm nay 67 tuổi, thuộc tu hội Cha Nicola Mazza, thụ phong linh mục cách đây 40 năm (1982), tốt nghiệp ngôn ngữ và văn chương Đông phương tại Đại học “Cà Foscari” ở Venezia, và đậu Cử nhân phụng vụ tại Giáo hoàng Học viện thánh Anselmo, và Tiến sĩ các khoa Giáo hội Đông phương tại Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Roma.

Cha từng phục vụ tại Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, từ năm 1985, và 12 năm sau được thăng Phó Tổng thư ký Bộ này từ năm 1997 và năm 2002, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh, bắt đầu tại Cộng hòa Georgia, Armeni, và Azerbaijan, rồi năm 2011, được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, và từ hai năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Anh quốc.
 
Cộng sản Hồng Kông tuyên án Đức Hồng Y Trần Nhật Quân: Nộp phạt 500 Mỹ Kim
Nguyễn Long Thap
18:14 25/11/2022
Hồng Kông (AsiaNews) - Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun) và năm thành viên của Mặt Trận Dân Chủ đã bị toà án cộng sản tại Hồng Kông tuyên án là có tội, phải nộp tiền phạt vì đã không đăng ký hợp lệ quỹ nhân đạo do các vị ấy quản lý và điều hành. Quỹ có mục đích hỗ trợ pháp lý cho những người biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đã bị công an cộng sản bắt giữ.

Phiên tòa, bắt đầu từ tháng 9, đã kết thúc vào ngày hôm nay 25 tháng 11 năm 2022 sau một phiên tòa do Thẩm phán Ada Yim của Tòa án Tây Cửu Long ngồi ghế chánh án. Vào ngày 11 tháng 5 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ vị Hồng Y và 4 người khác với tội danh nghiêm trọng nhất là 'thông đồng' với lực lượng nước ngoài, một tội danh được áp dụng bởi luật an ninh hà khắc vào mùa hè năm 2020 của Bắc Kinh. Cùng ra tòa với vị Hồng Y danh dự 90 tuổi của thành phố Hồng Kông, còn có luật sư nổi tiếng Margaret Ng, ca sĩ kiêm nhà hoạt động Denise Ho, cựu nghị sĩ thành phố Cyd Ho và học giả Hui Po-keung, tất cả đều là những người được ủy thác điều hành tổ chức từ thiện.

Ngược lại, vào đầu tháng 11, nhà hoạt động Sze Ching-đu, thư ký của Quỹ 612, có mục đích hỗ trợ hàng nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ tham gia vào các cuộc biểu tình năm 2019 cho đến khi bị đóng cửa khoảng một năm trước, cũng bị bắt. Thẩm phán Yim đã phán quyết rằng Quỹ không được hưởng bất kỳ sự miễn trừ nào từ Đạo luật Công ty. Các luật sư bào chữa lập luận rằng quỹ không phải là 'công khai về bản chất' và chỉ được tạo ra cho các mục đích từ thiện.

Tuy nhiên theo thẩm phán Yim, tổ chức này có mục đích chính trị và liên kết với các nhóm chính trị ngoại quốc. Người bào chữa yêu cầu bác vụ án vì các ủy viên không có quyền và nghĩa vụ gì với nhau nên không hợp nhất. Ngoài ra, các luật sư bào chữa đã thách thức tính hợp hiến của luật về các tập đoàn, mà theo họ là 'hạn chế quyền tự do hội họp.

Đức Hồng Y danh dự và bốn người khác bị kết án tiền phạt 4.000 đô la Hồng Kông khoảng 500 US Dollars.

Nguyễn Long Thao
 
Đức Hồng Y Gerhard Müller: Con đường Đồng nghị Đức giương cao ngọn cờ Đồng Tính, Đức Phanxicô nên dùng thẩm quyền Giáo Hoàng đối với họ
Vu Van An
18:34 25/11/2022

“Phương tiện tốt nhất mà chúng ta có thể hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và các giám mục là lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu, Chúa của Giáo hội…” Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller trong một cuộc phỏng vấn với Lothar C. Rilinger của Catholic World Report, ngày 15 tháng 11 năm 2022.

Ghi chú của biên tập viên: Cuộc phỏng vấn kath.net sau đây được đăng lần đầu vào ngày 15 tháng 11 năm 2022 và xuất hiện ở đây với sự cho phép của Lothar C. Rilinger và kath.net. Bản dịch tiếng Anh là của Frank Nitsche-Robinson. Có thể xem nguyên bản tại địa chỉ (https://www.catholicworldreport.com/2022/11/20/infallibility-and-the-limits-of-papal-power-an-interview-cardinal-gerhard-muller/)



Theo luật hiến pháp hiện đại, tất cả quyền lực trong nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Như vậy, cơ sở của mọi nhà nước dân chủ là chủ quyền của nhân dân. Tuy nhiên, nhà nước của Thị quốc Vatican được miễn trừ điều này. Ở nhà nước này, ở Tòa Thánh, dân không lập ra vua; ở quốc gia nhỏ nhất trên thế giới, vị giáo hoàng liên hệ vẫn là người có chủ quyền. Thành thử, vị giáo hoàng tại Vatican có thể thực thi quyền lực hợp pháp hơn bất cứ chính khách nào ở Tây Âu. Cấu trúc hiến pháp này, vốn cho phép một lượng quyền lực dồi dào duy nhất, đặt ra câu hỏi về các giới hạn của quyền lực. Do đó, chúng tôi đã nói chuyện với Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, người đã viết cuốn sách The Pope. Mandate and Mission (Der Papst. Auftrag und Sendung) [Đức Giáo Hoàng. Ủy quyền và Sứ mệnh], từng lên tiếng và tham gia vào cuộc thảo luận về vị trí của vị giáo hoàng, về các giới hạn của quyền lực, cả hợp pháp lẫn được tín lý và truyền thống của Giáo hội ban cấp.

Rilinger: Ba chức năng lãnh đạo được chuyển giao cho Đức Giáo Hoàng. Ngài là Tổng giám mục của Rôma và do đó là thủ phủ của giáo tỉnh Rôma. Hơn nữa, ngài được gọi là Thượng phụ phương Tây. Vì những lý do lịch sử, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đổi tên nhiệm vụ này thành Chủ tịch của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Như nhiệm vụ thứ ba và tối quan trọng, ngài là Giáo hoàng của một số Giáo Hội Công Giáo. Để hoàn thành vai trò Giáo hoàng này, Công đồng Vatican I đã xác định: Giáo hoàng có quyền tài phán tối cao và có thể quyết định ex cathedra, nghĩa là không thể sai lầm. Như thế, Giáo hoàng đã được ban quyền tối thượng vốn luôn hiện hữu, nhưng giờ đây đã được Công đồng chuyển thành hình thức pháp lý. Quyền tối thượng này có phải là một quyền tối thượng danh dự hay nó thực sự là một chức vụ tông đồ – như J. Ratzinger đã nói – hợp nhất trong chính nó trách nhiệm đối với Lời Chúa và sự hiệp thông?

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller: Giáo Hội Công Giáo bao gồm “trong và của các Giáo hội địa phương” (Lumen gentium 23) – của các giáo phận do một giám mục lãnh đạo. Từ điều này, chúng ta phải phân biệt: một số giáo phận được nhóm lại thành một liên đoàn thượng phụ hoặc, ở cấp quốc gia, thành một hội đồng giám mục với một chủ tịch được bầu chọn. Đây là vấn đề lịch sử, chứ không phải vấn đề tín điều, vốn nhắm đến bản chất bí tích của Giáo hội. Giám mục Rôma với danh hiệu chính thức là Giáo hoàng, như người kế vị thánh Phêrô, là người bảo đảm cho sự thống nhất của hàng giám mục. Ngài đứng đầu các giám mục, cũng như thánh Phêrô đứng đầu các tông đồ nhờ ơn kêu gọi đặc biệt của chính Chúa Kitô (Mt 10:2; 16:18). Do đó, Chúa Kitô “đã thiết lập nơi ngài một nguồn và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiệp thông [của các giám mục và giáo hội địa phương của họ]” (Lumen gentium 18; x. 23). Như thế, tính ưu việt của Giáo hội Rôma và tính không thể sai lầm của ngôi vị Giáo hoàng trong việc giải thích các sự thật mạc khải là quyền thần linh chứ không hề chỉ phát sinh từ một tập thể lịch sử ngẫu nhiên hoặc thậm chí chỉ do yêu sách quyền lực được biện minh về mặt chính trị của giám mục thủ đô của đế quốc Rôma thời bấy giờ. Các chức danh lịch sử như Thượng phụ Phương Tây, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý hay Tổng giám mục của giáo tỉnh Rôma, tức là của các giám mục ngoại ô, về cơ bản không thuộc về quyền tối cao của ngài.

Sự không thể sai lầm không phải là phẩm tính riêng tư hay quyền ra lệnh vô điều kiện, như những kẻ chuyên quyền tự cao tự đại của thế giới này tự gán cho mình, mà là sự phục vụ khiêm tốn cho Giáo hội nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đến “không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10:45).

Trong bối cảnh thần học mặc khải theo nghĩa chặt chẽ, đặc sủng bất khả ngộ về tín lý đức tin và luân lý, mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội của Người, được trao ban cho ngôi vị của ngài - và ban cho Công đồng cùng với ngài - bởi Chúa Thánh Thần, được ủy thác cho ngài, để “Giáo Hội của Thiên Chúa hằng sống, như trụ cột và thành lũy chân lý” (1Tm 3:15), có thể trình bày cho đức tin khi nghe và giảng dạy sự mặc khải trọn vẹn và không che đậy được thực hiện một lần mãi mãi trong Chúa Kitô.

Đức Giáo Hoàng với tư cách là “chủ quyền của thị quốc Vatican” không liên quan gì đến việc này từ nội tại. Tòa thánh với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế chỉ phục vụ bên ngoài để bảo vệ sự độc lập chính trị của Đức Giáo Hoàng và Giáo triều Rôma khỏi sự xâm phạm của các chính trị gia, một điều bị những người này vi phạm rất nhiều lần trong lịch sử. Vatican không phải là một nhà nước giống như bất cứ nhà nước nào khác, mà các tiêu chuẩn của nhà nước hiện đại có thể hoặc thậm chí nên được áp dụng đầy đủ. Nhưng Thị quốc Vatican cũng không phải là một chế độ quân chủ tuyệt đối, như các nhà luận chiến đối lập nhận định, mà là một cơ quan quản lý độc lập tài sản vật chất của Giáo hội, phục vụ cho chính quyền thiêng liêng của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng thực thi chủ quyền của mình đối với những người có hộ chiếu Tòa Thánh và những người phục vụ từ bên ngoài trên cơ sở luật tự nhiên và theo tình trạng văn hóa pháp lý đã phát triển – thông qua các cơ quan như hiến binh, Đội cận vệ Thụy Sĩ, cơ quan quản lý tài sản hoặc hệ thống ngân hàng, hoạt động theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp, ấy là chỉ nêu tên một số.

Rilinger: Hiệp thông cũng bao gồm nhiều tòa thượng phụ khác nhau và các Giáo Hội phương Đông công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu của họ. Phong trào gọi là Con đường Đồng nghị dường như dẫn đến sự tách biệt các Giáo Hội địa phương của Đức khỏi Giáo Hội Công Giáo Rôma. Tuy nhiên, Đức Hồng Y có thấy khả thể này là Giáo Hội mới này vẫn ở trong Giáo Hội và hiệp thông Thánh Thể với Giáo hội Rôma, đến nỗi tòa thượng phụ mới này hoặc Giáo Hội mới này cũng có thể công nhận Đức Giáo Hoàng như người đứng đầu thiêng liêng không?

Đức Hồng Y Müller: Cái gọi là Con đường Đồng nghị không liên quan gì đến việc hình thành các giáo hội thượng phụ cũ. Ban đầu, các Giáo Hội do Thánh Phêrô thành lập (Antiokia, Alexandria nhờ Thánh Máccô, đệ tử của Thánh Phêrô, Rôma) được gọi là các tòa thượng phụ. Sau đó, Constantinople được thêm vào vì lý do chính trị, trong khi Giêrusalem được thêm vào vì lý do tôn kính. Sau đó, các Giáo Hội quốc gia Chính thống giáo (autocephalous) dành danh hiệu Thượng phụ cho giám mục hàng đầu. Tuy nhiên, ở Đức, vấn đề là nỗ lực chiếm hữu các định chế Công Giáo, thuế nhà thờ và vốn xây dựng cho một tổ chức đã từ bỏ đức tin Công Giáo trong các yếu tố thiết yếu của nó và dứt khoát rời bỏ nền tảng mạc khải. Tín điều rửa tội đã được thay thế bằng thần tượng ý thức hệ LGBT ngoại giáo. Thay vì nhìn lên thập giá của Chúa Kitô và giương cao lá cờ chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh trước nhân loại, những người ủng hộ Con đường Đồng nghị Đức đã giương cao lá cờ cầu vồng, biểu thị sự công khai bác bỏ hình ảnh của Kitô giáo về con người. Họ đã thay thế tín điều bằng việc tuyên xưng các thần tượng của một tôn giáo tân ngoại giáo.

Một lần nữa, lời của triết gia lỗi lạc Max Scheler được xác nhận: “Con người hoặc tin vào Thiên Chúa, hoặc tin vào một thần tượng (Vom Ewigen im Menschen, Bern-München 51968, 399). Khi Đức Hồng Y Marx, với tư cách là nhân vật chính của Con đường Đồng nghị Đức, kêu gọi đừng nói quá nhiều (sic!) về Thiên Chúa và khi ngài đặt thánh giá đeo ngực xuống thành thánh Giêrusalem vì “muốn lưu tâm” tới cảm xúc của những người thuộc các tín ngưỡng khác, do đó phủ nhận thập giá như một dấu hiệu phổ quát của sự cứu rỗi, tôi thích ở lại với thánh tông đồ Phaolô, người “không hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1:16) và là người đã viết cho các Kitô hữu ở Côrintô: “Nhưng chúng tôi rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh, một sự vấp phạm đối với người Do Thái và sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những người được kêu gọi, cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp, Chúa Kitô là quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1:23).

Vì “các chủ đề đồng nghị” chỉ xoay quanh và không ngừng xoay quanh tình dục như một nguồn khoái lạc ích kỷ, nên người ta có ấn tượng rằng khoa tình dục học đã được tuyên bố là khoa học hàng đầu và do đó đã thay thế thần học dựa trên đức tin mạc khải. Tuyên bố Thần học Barmen chống lại các Kitô hữu Đức từ năm 1934 nên được coi là tấm gương cho bất cứ ai muốn trung thành với Chúa Kitô: “Chúng tôi bác bỏ học thuyết sai lầm, như thể Giáo Hội có thể và sẽ phải thừa nhận các sự kiện và quyền lực, hình tượng và lẽ thật khác, như sự mặc khải của Thiên Chúa làm nguồn tuyên bố của nó, ngoài và bên cạnh Lời Thiên Chúa duy nhất này. […] Chúng tôi bác bỏ học thuyết sai lầm, như thể Giáo Hội được phép từ bỏ hình thức thông điệp và mệnh lệnh của mình thể theo khoái cảm của nó hoặc thể theo những thay đổi trong các xác tín chính trị và ý thức hệ hiện hành”.

Tuyên bố ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Tòa Thánh diễn đạt như sau: “‘Con đường Đồng nghị’ ở Đức không có thẩm quyền buộc các giám mục và tín hữu phải chấp nhận các hình thức quản trị mới cũng như các định hướng mới về tín lý và luân lý”.

Giá như guồng máy tuyên truyền của Con đường Đồng nghị biết dù chỉ một chút thôi về khoa chú giải của thần học Công Giáo và những lời tuyên bố về bản chất và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo trong Hiến chế Tín lý của Vatican II (Dei verbum; Lumen gentium) thì hẳn nó đã cảm ơn tổng trưởng Đại kết, Đức Hồng Y Koch, về khóa dạy kèm miễn phí thay vì tung ra những tràng pháo hoa sáo rỗng và sự ngu dốt trơ trẽn như thường lệ. Giáo hội và thần học ở Đức đã xuống cấp xiết bao về trí thức và luân lý! Người ta chỉ có thể hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thực thi quyền lực của mình chứ không rơi vào nghi thức kinh hoàng được những người có ý thức hệ cứng ngắc dàn dựng hoặc nghĩ rằng ngài có thể giảng hòa họ bằng ngoại giao và những cuộc nói chuyện về sự hợp nhất đạo đức.

Rilinger: Đức Hồng Y đã nói rằng lá cờ cầu vồng được mang bởi những nhân vật chính của điều tự gọi là Con đường Đồng nghị. Đức Hồng Y có thể giải thích lý do tại sao ngài lên án lá cờ này là ngoại giáo?

Đức Hồng Y Müller: Trong Cựu Ước, cầu vồng được coi là dấu chỉ giao ước và hòa bình của Thiên Chúa với nhân loại (St 9:11-17). Tuy nhiên, ý nghĩa tôn giáo ban đầu đã được biến thành một biểu tượng cho phong trào hòa bình. Kể từ những năm 1970, lá cờ cầu vồng, đảo ngược chuỗi màu tự nhiên, đã được coi là biểu ngữ của hệ tư tưởng LGBT quốc tế, có cao vọng đứng lên chống lại sự kỳ thị đối với những người có xu hướng đồng tính luyến ái, nhưng trên thực tế, lại là phản đề của nền nhân học tự nhiên và mạc khải. Cơ thể con người, theo cách tự nhiên của tính dục nam và nữ, chỉ được coi là vật chất, mà ý chí tự trị đã biến thành một phương tiện tùy ý để đạt khoái cảm cực độ, nhằm thoát khỏi cảm giác hư vô căn bản, tức là thoát khỏi trải nghiệm khủng khiếp của cái chết của Thiên Chúa. Như mọi khi, những người bạn đồng hành của các ý thức hệ vô thần không nhận thức được ý định thực sự của các nhân vật chủ đạo của họ. Hoặc họ không muốn biết những ý định này và để bản thân họ dễ dàng bị lừa dối bởi lời tuyên truyền cho rằng chống kỳ thị là chương trình nghị sự duy nhất.

Rilinger: Hơn nữa, Công đồng Vatican I đã quyết định rằng quyền tài phán tối cao cũng bao gồm khả năng Giáo hoàng công bố các chân lý đức tin ex cathedra. Như thế, Giáo hoàng được trao quyền thiết lập các nguyên lý đức tin không thể sai lầm mà mọi người Công Giáo phải tin. Thẩm quyền này có thể mang nguy cơ ngụ ý rằng Giáo hoàng được phép hành động tuyệt đối. Tuy nhiên, ngay cả sự không thể sai lầm cũng có giới hạn của nó. Chúng ta phải hiểu gì về khả năng không thể sai lầm?

Đức Hồng Y Müller: Như tôi đã nói, ý kiến cá nhân và kinh nghiệm sống của đương kim giáo hoàng không được chấp nhận hơn ý kiến của bất cứ người bình thường có học thức hoặc thậm chí tử tế nào khác. Vatican II giải thích chi tiết trong Lumen gentium, một lần nữa, tính không thể sai lầm của Giáo hội có nghĩa là gì trong các vấn đề đức tin và điều gì không. Các tuyên bố tín lý có thể có phẩm chất không thể sai lầm nếu nội dung của chúng bắt nguồn từ Kinh thánh và Truyền thống Tông đồ của Lời Chúa, và nếu chúng được trình bày chính thức phải tin bởi thẩm quyền có năng quyền của Huấn quyền Giáo hoàng và các Giám mục, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, như một sự thật được mạc khải bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên, “Họ không nhận được một sự mặc khải công khai mới như một phần của kho tàng đức tin thần linh [depositum fidei]” (Lumen Gentium, 25).

Do đó, hoàn toàn vô lý khi nghĩ rằng một công đồng hoặc một giáo hoàng có thể bãi bỏ một tín điều trước đó, hoặc thiết định, chẳng hạn, rằng bản chất của bí tích Truyền chức thánh không bao gồm yêu cầu về giới tính nam của người lãnh nhận, hoặc rằng hai người đồng tính có thể có hôn nhân tự nhiên, nghĩa là hôn nhân của người chưa được rửa tội, hoặc hôn nhân bí tích, nghĩa là của một trong hai người đã được rửa tội, hoặc – đơn cử một thí dụ khác – cử chỉ chúc lành cho cặp cùng một giới tính cũng có hiệu quả tích cực với Thiên Chúa, Đấng theo ý muốn sáng tạo của Người đã chúc lành cho người nam và người nữ như một cặp vợ chồng (St 1:28). Trong trường hợp cực đoan, một vị giáo hoàng có thể trở thành một kẻ dị giáo trong tư cách một người riêng tư và do đó tự động mất chức vụ của mình nếu sự mâu thuẫn đối với mạc khải và giáo huấn tín điều của Giáo Hội là hiển nhiên.

Rilinger: Đâu là diễn trình hướng tới một quyết định ex cathedra? Đó là một quyết định đơn độc của Đức Giáo Hoàng hay đó là điểm kết thúc của một diễn trình đấu tranh lâu dài để lượng định đúng đắn một chân lý đức tin?

Đức Hồng Y Müller: Chân lý của các mầu nhiệm đức tin được mạc khải và hàm chứa trọn vẹn nơi Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chỉ có thể là vấn đề đấu tranh cho phiên bản khái niệm và thuật ngữ của học thuyết được mạc khải. Bản chất thần linh của Con Thiên Chúa và sự kiện Người mặc lấy bản tính con người trọn vẹn là nội dung của mạc khải. Việc các công đồng từ Nixêa đến Calxêđoan (451) đã bảo tồn điều này chống lại mọi sai lệch và pha loãng trong khái niệm homoousion nghĩa là Chúa Kitô đồng bản thể với Chúa Cha của Thiên Chúa Ba Ngôi và bình đẳng với chúng ta về bản chất con người, là kết quả của lịch sử tín điều. Nhưng chúng ta không thực sự tin vào các tín điều của Giáo hội như những lời nói của con người trong Kinh thánh hay các định nghĩa của huấn quyền, nhưng tin vào Thiên Chúa trong những sự thật được mạc khải của Người, những điều chỉ được diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người, nhưng không đại diện cho những ý kiến của con người – vốn có thể sai lầm - về Thiên Chúa (x. 1Tx 2:13).

Rilinger: Quyền tối thượng của Giáo hoàng thường được coi là một chướng ngại vật, vì nó ngăn cản các Giáo Hội địa phương cá thể đi theo con đường riêng của họ trong đức tin. Chúng ta có thể thấy xu hướng này trong những nỗ lực của các Giáo Hội địa phương Đức, dường như đã tham gia phong trào Los-von-Rom (Xa rời Rome) thông qua cái gọi là Con đường Đồng nghị. Do đó, tính tối thượng có phải là sự đảm bảo rằng Giáo Hội Công Giáo có thể hành động như một Giáo hội hoàn vũ chứ không phải như một Giáo hội quốc gia?

Đức Hồng Y Müller: Một giáo hội quốc gia với tín điều riêng của mình là một điều phi lý ở hai khía cạnh. Thứ nhất, quốc gia, con người, văn hóa, ngôn ngữ không phải là chủ thể sản xuất cũng không phải là màng lọc thụ động có thể diễn dịch một bối cảnh thần linh ồn ào thành giai điệu nhân gian theo khiếu thưởng thức của người đương thời. Đúng hơn, Con đồng bản thể của Chúa Cha là Ngôi Lời duy nhất của Thiên Chúa, Đấng đã thông đạt chính Người cho chúng ta một cách trọn vẹn và dứt khoát trong nhân tính của Chúa Giêsu.

Lời Chúa kết hợp các tín hữu trong tinh thần Ngũ Tuần của Chúa Cha và Chúa Con qua sự đa dạng của các nền văn hóa thành một Giáo Hội duy nhất. Vào cuối thế kỷ thứ 2, để đáp lại thuyết Ngộ đạo của thời ngài và mọi thời đại, đồng thời chống lại sự sai lệch căn bản của các mầu nhiệm Kitô giáo về sự hiệp nhất cũng như về Ba Ngôi Thiên Chúa, Nhập thể, tính bí tích của Giáo hội và tính thân xác của ơn cứu độ, Thánh Irênê thành Lyons nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ trên cơ sở truyền thống tông đồ. “Giáo hội, đã nhận được lời rao giảng này và đức tin này, mặc dù bị phân tán trên toàn thế giới, nhưng vẫn như thể chiếm giữ một ngôi nhà duy nhất, cẩn thận bảo tồn nó. Vì, mặc dù các ngôn ngữ trên thế giới không giống nhau, nhưng ý nghĩa của truyền thống là một và giống nhau. Vì các Giáo hội vốn đã được thành lập ở Đức không tin hay truyền lại bất cứ điều gì khác, Giáo hội ở Tây Ban Nha, Gaul, Đông phương, Ai Cập, Libya, hay những Giáo hội ở Libya cũng vậy, cả các Giáo Hội đã được thành lập ở các khu vực trung tâm của thế giới cũng thế” (Chống dị giáo I, 10, 2).

Rilinger: Quyền tối thượng của Thánh Phêrô đã phát triển trong lịch sử từ quyền tối thượng ba bên ban đầu của Thánh Gioan, Thánh Giacôbê và Thánh Phêrô, như được ghi lại trong Tân Ước. Đức Hồng Y có thể lần giở lại sự phát triển từ tính tối thượng ba bên đến tính tối thượng của Thánh Phêrô và do đó là của Đức Giáo Hoàng được không?

Đức Hồng Y Müller: Chúng ta gặp ba vị tông đồ này trong các Tin Mừng Nhất Lãm như là nhóm tông đồ gần gũi nhất trong nhóm mười hai tông đồ. Thời kỳ hậu Phục sinh và hậu tông đồ, do sứ mệnh của Kitô giáo thời kỳ đầu, các Giáo Hội địa phương với hội đồng trưởng lão, cũng như với các phó tế, do một giám mục duy nhất chủ trì, đã phát triển. Do đó, giám mục cũng đại diện trong ngôi vị của mình sự hiệp nhất dị thời [diachronic] và đồng thời [synchronic] của Giáo hội trong sự kế thừa các tông đồ và sự liên tục bên trong của Giáo hội với các nguồn gốc của nó trong Chúa Kitô và các tông đồ. Vì chỉ có Giám mục Rôma là người kế vị đích thân của Thánh Phêrô, trong khi các giám mục khác là người kế vị các Tông đồ theo toàn thể hợp đoàn của họ, nên các đặc quyền của Simon trong tư cách là Phêrô, như tảng đá trên đó Chúa Kitô, Chúa Con của Thiên Chúa hằng sống, sẽ xây dựng Giáo Hội của Người, cũng áp dụng cho Giám Mục Rôma. Theo dòng thời gian, tước hiệu Giáo hoàng đã xuất hiện để tóm gọn thừa tác vụ Giám mục Rôma trong một hạn từ duy nhất.

Rilinger: Ngay cả khi Giáo hoàng công bố quyết định ex cathedra chỉ trong những trường hợp ngoại lệ, câu hỏi đặt ra là Giáo hoàng chuẩn bị các quyết định của mình như thế nào. Ngài có dựa vào một nhóm cố vấn không? Và nhóm cố vấn này bao gồm như thế nào? Giáo hoàng có tham khảo ý kiến của bạn bè của riêng ngài hoặc cố vấn chuyên nghiệp được trả lương cho các dịch vụ của họ không, hay ngài dựa vào sự hỗ trợ của các Hồng Y, những người được cho là cố vấn bẩm sinh của Giáo hoàng?

Đức Hồng Y Müller: Ngay cả khi các quyết định về tín lý của Giáo hội trong những trường hợp đặc thù phản ảnh mạc khải một cách không thể sai lầm bởi vì chúng được đặc sủng của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, thì chúng vẫn đòi hỏi sự chuẩn bị tốt nhất có thể của con người để mạc khải “dưới ánh sáng hướng dẫn của Thần chân lý được bảo tồn về phương diện tôn giáo và được giải thích một cách trung thực trong Giáo hội” (Lumen gentium 25). Để đạt được mục đích này, Giáo hoàng và các giám mục đã cam kết từ bên trong. Ngoài ra, đối với việc điều hành chung của Giáo hội, Giáo hoàng trước tiên phải dựa vào Hồng Y đoàn, xét cho cùng, vốn đại diện cho Giáo hội Rôma và – giống như linh mục đoàn cố vấn cho một giám mục – cố vấn cho Giáo hoàng một cách hợp đoàn / đồng nghị. Như trong mọi trường hợp, một cơ quan tư vấn được thành lập bởi người ra quyết định tối cao theo đường lối bảo sao nghe vậy và kết bè kết bạn thì chẳng ích lợi bao nhiêu và gây hại nhiều hơn là gây lợi cho người đương nhiệm. Vị này không cần những lời khen ngợi tâng bốc sự phù phiếm của con người, mà cần tài chuyên môn có phê phán của những người cộng tác, những người không quan tâm đến những cử chỉ nhân từ của bề trên, mà quan tâm đến sự thành công của chức vụ của ngài, tức là triều đại giáo hoàng, đối với Giáo hội.

Rilinger: Thông qua quyền tài phán tối cao, Giáo hoàng có thể công bố những tín điều mà dân Chúa phải tuân theo. Tuy nhiên, ngay cả một tín điều cũng không thể được rút ra từ diễn ngôn, do đó những nghi ngờ về tính đúng đắn của tín điều có thể nảy sinh trong quá trình phát triển thần học và triết học. Lúc đó, nếu những nghi ngờ trở nên rõ ràng, tín điều đó có nên được duy trì hay há không nên có khả thể quên phất nó đi – như Karl Rahner đã nói – vì mọi tín điều đều nên bỏ ngỏ cho tương lai đó sao?

Đức Hồng Y Müller: Đối với Rahner, “bỏ ngỏ cho tương lai” không có nghĩa là vay mượn từ sự hiểu biết có tính cách mạng về sự thật, mà đúng hơn là sự hiểu biết sâu sắc nhất có thể có về mặt khái niệm và thiêng liêng của sự thật mạc khải nơi một cá nhân Kitô hữu hoặc toàn thể dân Chúa. Người ta phải phân biệt giữa sự thật được tin và phiên bản ngôn ngữ của nó. Sự thật của Thiên Chúa được mạc khải hoàn toàn trong Chúa Kitô, nhưng nó vẫn là mầu nhiệm ngày càng lớn hơn, một mầu nhiệm tự làm chúng ta biết đến bằng ngôn ngữ của chúng ta, nhưng không thể được bao hàm bởi các khái niệm của chúng ta và do đó không thể chia nhỏ một cách duy lý thành một phép tính. Hành vi đức tin không nhằm hướng tới công thức tuyên xưng – như thể hướng tới khung cảnh quý giá của những viên kim cương vô cùng quý giá hơn – nhưng hướng tới nội dung, nghĩa là hướng tới Thiên Chúa, Đấng chính là sự thật (x. Thomas Aquinas, Summa theologiae II -II q.1 a.2 ad 2).

Rilinger: J. Ratzinger thậm chí còn nói về sự kiện này là các giáo hoàng cũng có thể trở thành một scandalon [một tai tiếng], bởi vì như những con người, các ngài tin vào việc muốn thiết lập một con đường mà theo luận lý của các ngài có thể mang lại vẻ bề ngoài hợp pháp, nhưng lại mâu thuẫn với lời thần linh. Phải chăng đây cũng là một giới hạn cho tính không thể sai lầm?

Đức Hồng Y Müller: Vấn đề không phải là hạn chế tính bất khả ngộ của Giáo hội trong việc trình bày đầy đủ mạc khải, vì Giáo hội có được đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Nhưng mỗi giáo hoàng phải phân biệt chính xác giữa nhiệm vụ của mình và bản thân với tư cách là một con người riêng tư. Ngài không được áp đặt sở thích của mình lên những Kitô hữu khác, giống như người Trung Quốc chẳng hạn, phải học Kinh thánh của Mao hoặc sự khôn ngoan của “Chủ tịch vĩ đại” của họ. Giáo hoàng, giám mục hay bề trên khác của giáo hội cũng không được lạm dụng sự tin cậy, vốn sẵn sàng đặt vào ngài trong bầu không khí huynh đệ, để cung cấp cho những người bạn bất tài hoặc tham nhũng của mình các địa vị ngồi mát ăn bát vàng trong Giáo hội. Nếu có một kẻ phản bội trong số các tông đồ được Chúa Giêsu lựa chọn và ngay cả Thánh Phêrô đã chối Chúa trong cuộc Khổ nạn, thì chúng ta biết rằng các viên chức Giáo hội trong suốt lịch sử và hiện tại cũng có thể thất bại và lạm dụng chức vụ của họ một cách ích kỷ hoặc hẹp hòi.

Chúng ta có một thí dụ trong cả vấn đề đức tin, như Phaolô đã thẳng tay phản đối Phêrô khi Phêrô tự cho phép mình có một sự mập mờ nguy hiểm trong “chân lý của Tin Mừng” (Gl 2:11-14). Sự gắn bó tình cảm và hữu hiệu của chúng ta với Đức Giáo Hoàng và với giám mục hoặc mục tử của chúng ta không liên quan gì đến sự sùng bái cá nhân không xứng đáng của những kẻ chuyên quyền thế tục. Đúng hơn, đó là tình yêu thương anh em đối với một anh em đồng đạo được giao cho một chức vụ cao cả, trong đó họ cũng có thể thất bại. Đó là lý do tại sao sự chỉ trích đầy yêu thương thúc đẩy Giáo hội hơn là thói giả hình nô lệ.

Nhưng phương tiện tốt nhất để chúng ta có thể hỗ trợ Đức Giáo Hoàng và các giám mục là qua lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tín thác vào Chúa Giêsu, Chúa của Giáo Hội, Đấng trước Cuộc Thương Khó đã nói với Simong, tảng đá mà trên đó Người sẽ xây Giáo Hội của Người (Mt 16:18), “Simong, Simong, kìa Xatan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32).

Rilinger: Thưa Đức Hồng Y, cảm ơn Đức Hồng Y vì những lời giải thích rõ ràng này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chữ Yêu nơi Linh Mục Micae Lê Văn Khâm
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:16 25/11/2022
CHỮ "YÊU" NƠI MỘT VỊ MỤC TỬ

TƯỞNG NHỚ CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM NHÂN GIỖ 100 NGÀY

Hôm nay kỷ niệm tròn 100 ngày cha MICAE LÊ VĂN KHÂM, nguyên Giám Quản, nguyên Tổng Đại diện giáo phận Phú Cường về Nhà Cha. Cha được Chúa gọi về sáng Chúa nhật 14.8.2022. Và nay là ngày lễ trọng mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam, 24.11.2022. Hơn ba tháng ròng, bóng hình của cha in đậm trong tâm trí nhiều người.

Để tưởng nhớ người Cha, người Anh của nhiều thế hệ linh mục trong giáo phận, tôi xin được nhìn về chữ "YÊU" mà một đời làm mục tử của Chúa, của Hội Thánh và của các linh hồn, Cha Micae để lại cho những thế hệ đi sau, hay nếu không là nhiều người, thì chí ít cũng là một mình tôi học đòi, bởi đã từng có thời gian làm việc bên cạnh Cha Micae, tôi thấu hiểu và minh chứng: NHỮNG VIỆC LÀM KHÔNG MỆT MỎI ĐỦ MINH CHỨNG CHỮ YÊU NƠI MỘT CON NGƯỜI, CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM.

Cha Micae Lê Văn Khâm - Nguyên Tổng Đại diện của giáo phận Phú Cường đã hoàn toàn rời xa trần thế, nhưng rất nhiều người đã từng cộng tác với cha, đã từng nhận được sự giúp đỡ của cha, hay đã từng quen biết cha đều nhắc về những kỷ niệm mà họ đã có. Trong tất cả những kỷ niệm ấy, những lời dạy, những việc làm, những hành động liên quan tới "yêu" không bao giờ thiếu vắng.

Cha V.T., người rất gần gũi với tôi, đã từng làm cha phó trong thời gian cha Micae Lê Văn Khâm làm cha sở tại giáo xứ Búng nhiều lần kể cho tôi nghe những câu chuyện thường ngày. Chẳng hạn, sáng nào cha Micae cũng đi bộ khắp các con đường, con hẻm trong địa bàn giáo xứ. Cha vừa tập thể dục, vừa thăm hỏi giáo dân. Ai đau yếu, cha an ủi. Ai thiếu thốn cha giúp đỡ. Gia đình nào có hoàn cảnh đặc biệt, cha ân cần động viên. Thành viên nào nguội lạnh, cha ân cần nhủ khuyên...

Cũng theo cha V.T., tại giáo xứ Búng có hai cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và nuôi dưỡng các phụ nữ lỡ lầm, hầu như hàng tuần cha Micae đều ghé thăm. Có bất cứ quà nào, dù nhỏ hay to, cha đều chia sớt cho các cơ sở hoặc chia sớt cho các gia đình nghèo. Những ngày giáp Tết hoặc những ngày Tết, cha đều đến chúc Tết, tặng quà và lì xì cho các thành viên của các cơ sở từ thiện...

Cha T. còn kể, tại giáo xứ Búng, có hai anh chị giúp việc (dường như có họ hàng với cha?) và quản lý bếp núc, có những biểu hiện và cách hành xử mà Hội đồng Giáo xứ cũng như giáo dân trong xứ không ưa thích. Nhưng cha xứ Nguyên Tổng Đại diện vẫn chịu đựng họ chỉ vì một lý do duy nhất: "Đuổi nó đi thì làm sao nó sống, con cái nó làm sao đi học?"...

Các chị em Hiền mẫu của giáo xứ Búng có lần phát biểu: Một thời gian ngắn sau khi về nhận xứ, cha Micae họp các chị em để phác họa chương trình nấu cơm từ thiện. Số tiền ban đầu, cha Micae ứng trước. Sau một thời gian hoạt động, nhóm gặp quá nhiều khó khăn, có lúc tưởng như phải dừng lại, cha hết lời động viên, kêu gọi. Thế rồi như vết dầu loang, từ chính các chị em rồi các ân nhân, công tác lại tiếp tục, những phần cơm tuy nhỏ, nhưng được trao gởi trong yêu thương, làm ấm lòng cả người cho lẫn người nhận.

Chương trình phát cơm thiện nguyện, một lần nữa gặp sóng gió sau khi cha Micae nghỉ hưu. Không biết trút cho ai, các thành viên lại chạy đến nhà hưu níu lấy cha Micae. Cứ như thế, hết thử thách lại an bình, rồi lại thử thách..., mọi người động viên nhau chống chèo. Hình bóng cha Micae Lê Văn Khâm trở thành điểm tựa của nhóm...

Tôi không bao giờ quên sự xúc động của cha Nguyên Tổng Đại diện khi hay tin ông T. ở giáo xứ T. thuộc tỉnh T. qua đời. Ông từng là cựu chủng sinh giáo phận Phú Cường, là học trò và con đỡ đầu của cha. Nhưng một thời gian khá dài, do sai lầm của mình, ông gây ra nỗi đau lớn cho cha Micae.

Nỗi đau này, giáo phận biết, nhiều giáo dân xa gần, cả một số anh em cán bộ cũng biết... Nhưng hình như cha đã tha thứ cho ông tự lúc nào. Vừa khi nghe tin ông đau nặng, cha đến tận giường bệnh của ông, nói chuyện rất nhiều với ông và ban các bí tích cho ông. Ngày ông từ giã cõi đời, dù là người trầm tĩnh, sự xót xa vẫn không thể che giấu nhưng thể hiện rõ trên khuôn mặt từ ái của cha.

Gần đây nhất, lúc đó cha đang nghỉ hưu, một người con đỡ đầu khác, người đã từng lái xe cho cha và là ca viên của một ca đoàn lâm bệnh rồi qua đời, cha cũng không ngăn nổi sự xúc động. Với tình hiền phụ của mình, cha hết lời động viên người thân của anh và vợ con anh...

Khi còn ở trong nhà hưu, một người thường xuyên lấy cớ vào thăm nhưng bao giờ cũng kèm theo lời than thở để được cha giúp đỡ cái gì. Đúng như anh ta mong muốn, không bao giờ anh ta ra về tay không...

Những người thân thấy cha vừa già yếu, vừa bệnh tật, tiền bạc cha có cũng chỉ là một số ít ỏi nhận từ những người yêu quý cha, nên có ý khuyên can cha hãy cẩn thận với những người lấy cớ đến thăm mình. Cha Micae chỉ nhẹ cười rồi ôn tồn: "Mình có, mình cho, Chúa lại cho lại mình!"...

Nhiều năm cha làm Giám đốc Ban Bác ái của giáo phận, càng là cơ hội để cha không mệt mỏi lo cho người nghèo, người thiếu cơ may sống hạnh phúc trong cuộc sống làm người này. Một vài lần được cộng tác cách âm thầm với cha Micae Lê Văn Khâm, tôi được biết nhiều hoạt động bác ái nổi trội của cha.

Những hoạt động đó là: Nồi súp tình thương cho các bệnh nhân nghèo của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Hồi còn ở nhà thờ Chánh tòa giáo phận, cha Micae thường xuyên vào ra bệnh viện này, không chỉ để trao những bữa ăn, không chỉ thăm nom các bệnh nhân, mà còn luôn sẵn sàng dù là buổi trưa hay ban chiều, ban ngày hay đêm tối, để ban các Bí tích sau cùng cho những bệnh nhân Công Giáo đang trên lằn ranh của sự sống và sự chết.

Cha còn tổ chức hàng tuần những suất cơm gọi là "Bữa cơm tình thương" cho người nghèo, người cơ nhỡ, người tật nguyền; chương trình ủng hộ xe lăn, xe lắc cho người tật nguyền; chương trình tặng xe đạp cho học sinh nghèo; xây dựng nhà cho người dân trôi nổi trên hồ Dầu Tiếng; chương trình xây nhà tình thương; giúp trại dưỡng lão, trại mồ côi; chăm sóc người AIDS; lo cho người di dân; thành lập Hội Chữ thập đỏ Công Giáo; Cha kết thân với một giáo xứ ở Phám quốc để mở một chương trình quỹ tín dụng cho học sinh nghèo và quỹ tín dụng cho người bán vé số (hai chương trình Tín dụng này chỉ đòi hỏi trả góp từ 2000 đến 5000 đồng mỗi ngày)...

Trong nhiều những hoạt động bác ái đó, có một số việc được duy trì trong một thời gian, có nhiều việc duy trì mãi đến tận hôm nay...

Nhờ khả năng ngoại giao của mình, cha Nguyên Tổng Đại diện trình bày suy nghĩ cùng Ban Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương về việc đặt một đài Đức Mẹ nhỏ trong kuôn viên bệnh viện, để các bệnh nhân và thân nhân của họ có nơi cầu nguyện, nhất là những bệnh nhân đau nặng, đặc biệt các bệnh nhân không còn nhiều hy vọng về việc chữa trị, có thể bám víu vào đức tin như chiếc phao cứu sinh cuối cùng trước khi phải trút bỏ mọi thứ.

May mắn, Ban Giám đốc đồng ý. Từ đó, một đài Đức Mẹ nhỏ mang tên "Mẹ của các bệnh nhân" được hình thành trong khuôn viên bệnh viện. Đến tháng 10.2017, sau khi cha Micae nghỉ hưu một thời gian, cha Gioan Lê Quang Tuyến, chánh xứ giáo xứ Chánh Thiện ngỏ với Ban Giám đốc để nâng cấp đài "Mẹ của các bệnh nhân". Từ đó, tượng Đức Mẹ cũ được thay bằng tượng đá cẩm thạch to và đẹp, trở thành nơi cầu nguyện khang trang hơn, sạch hơn, đủ yên tĩnh, có bóng cây xanh che mát, có đèn chiếu sáng vào ban tối. Cho đến hiện tại, đài Mẹ của các bệnh nhân không lúc nào thiếu vắng người đến cầu nguyện, không lúc nào thiếu vắng hoa tươi, nhang nến...

Chắc chắn, nhiều bệnh nhân và người thân của họ đã có thêm hy vọng, thêm niềm an ủi, thêm nghị lực cho mọi thứ chữa chạy của mình trên con đường đối diện từng giờ phút với đau khổ mà bệnh tật gây nên.

Ngoài ra, cha đã từng ưu tư về một phòng khám đa khoa hay một phòng phát thuốc để những người không đủ điều kiện đến bệnh viện có được nơi chữa trị. Mơ ước này của cha, cho đến ngày nghỉ hưu và nay đã về với Chúa vẫn chưa thành hiện thực. Mong một ngày, mơ ước của cha Nguyên Tổng đại diện sẽ có một bàn tay thay thế để biến nó thành hiện thực...

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, một bệnh viện mà cha Micae Lê Văn Khâm, Nguyên Tổng đại diện, đã từng vào ra, đã từng được nhiều người từ Y công đến Giám đốc biết đến, đã từng thăm hỏi và trao ban bí tích cho rất nhiều bệnh nhân, đã từng trao tặng những suất ăn miễn phí... đã giang tay đón cha trong những ngày cuối đời.

Vì tuổi già, sức yếu, lại còn mang nhiều bệnh tật, một khi bị covid 19 tấn công, cha đã không thể chiến đấu đến cùng với nó. Cha đã ra đi vĩnh viễn tại căn phòng cách ly của ngôi bệnh viện mà cha đã từng yêu thương mang đến nhiều an ủi.

Cha ra đi trong vòng tay của các bệnh nhân xung quanh, của các nhân viên bệnh viện, của những người được phép vào phòng cách ly để chăm sóc cha, ngoài ra không còn ai khác. Chính nhân viên được bệnh viện chỉ định mới là những người tẩm liệm, sau khi đã chào từ biệt cha lần cuối thay cho giáo phận và thay cho cả những người thân, những người chịu ơn cha. Cũng chính họ, chứ không phải ai khác đã lo hoàn tất việc hỏa táng và trao tro cốt của cha cho giáo phận và gia đình...

Nhiều người cho đó là nỗi buồn càng gây đau buồn hơn trong cái chết của một người đầy tình thương, của một bóng cả trong giáo phận... Nhưng với riêng tôi, hình như Chúa trả công vô cùng lớn cho cha. Bởi với ý Chúa, bệnh viện đã thi hành một lời cám ơn cuối cùng mà bệnh viện và nhiều người đau khổ khác đã từng thọ ơn cha...

Riêng tôi, tôi biết ơn cha Nguyên Tổng đại diện của mình vô cùng. Bởi tôi đã được hấp thụ biết bao nhiêu thứ từ chính đời sống thánh thiện và trào tràn yêu thương của cha...
 
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội Lần Thứ XVIII
Ban truyền thông giáo phận Hưng Hóa
22:37 25/11/2022
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Tỉnh Hà Nội Lần Thứ XVIII

WGPHH - Trang chủ Giáo phận Hưng Hóa xin gửi tới quý độc giả bản tường thuật trực tiếp các sự kiện diễn ra trong Đại hội. Giúp cập nhật các thông tin mới nhất, những hình ảnh đẹp và sống động nhất, để những người không có cơ hội có mặt trực tiếp, cũng cảm nhận được như mình đang hiện diện nơi đây.

Xem Hình Đại Hội Giới Trẻ

(Cám ơn quý độc giả đã theo dõi bài tường thuật trực tiếp của Ban truyền thông Giáo phận Hưng Hóa, chúng con sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới và nhanh nhất cho ngày Đại hội thứ 2 bắt đầu từ 5g00 sáng ngày mai 26/11/2022 )

22g00: Ngày đầu tiên của Đại hội khép lại trong nhiều ân sủng của Chúa

Sau nghi thức Cung nghinh, chầu Thánh Thể, các bạn giới trẻ đón nhận phép lành Thánh Thể. Sau đó Thánh Thể Chúa được kiệu về nhà tạm. Nghi thức Cung nghinh và chầu Thánh Thể cũng khép lại ngày hoạt động đầu tiên của Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII. Các tham dự viên di chuyển về phần trại và nghỉ đêm. Nguyện xin phúc lành và bình an của Thiên Chúa ở cùng tất cả chúng ta.

21g15: CUNG NGHINH VÀ SUY TÔN THÁNH THỂ

Bầu khí hùng tráng của phần Hoan ca- Diễn nguyện nhanh chóng lắng xuống, nhường lại cho một bầu khí thánh thiêng, sốt mến. Tất cả các tham dự viên thắp lên ngọn nến lung linh để đón chào Thánh Thể Chúa. Mình Thánh Chúa được cung nghinh từ phòng thánh tiến lên lễ đài để mọi người thờ lạy suy tôn.

Cung nghinh Thánh Thể nhằm bày tỏ công khai niềm tin và lòng mến đối với Bí tích Thánh Thể. Việc rước kiệu Thánh Thể giúp mỗi người tín hữu ý thức mình là thành phần của dân Chúa. Một Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và cùng hiệp hành với ta trên mọi nẻo đường đời. Thánh Thể được cung nghinh còn là nguồn mạch phúc lành với vô vàn ân sủng mà Thiên Chúa ban cho những ai sốt sắng cử hành. Chính vì tình yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa từ trời cao đã xuống thế tự hủy đến cùng, hiện diện khiêm cung trong Thánh Thể vì chúng ta và cho chúng ta. Chiêm ngắm Thánh Thể là cách tốt nhất để chúng ta ý thức và cảm nếm sự hiện diện của Chúa và sống với Chúa lúc này và ngay bây giờ. Giữ sự thinh lặng để suy tôn Thánh Thể giờ phút này chỉ duy nhất điều mà mỗi người chúng ta muốn chọn lúc này là được ở bên Chúa, để trái tim ta mở ra đón nhận tình yêu chan chứa từ Thiên Chúa. Hãy gạt bỏ những ồn ào của cuộc sống ra khỏi tâm trí chúng ta và mời gọi Thiên Chúa chạm vào cõi lòng chính ta giờ phút này. Hãy buông bỏ những xáo động trong tâm hồn bởi những âm thanh phù phiếm, để sống với Chúa giây phút thực tại và chiêm ngắm tình yêu vĩnh cửu nơi Thánh Thể. Hãy để cho ánh sáng của lòng thương xót Chúa chiếu soi tâm hồn chúng ta, để tình yêu tự hiến nơi Thánh Thể hướng chúng ta đến lý tưởng sống thánh giữa đời bằng những hành động cụ thể biểu lộ dấu chỉ tình yêu thương. Giờ phút thinh lặng cung nghinh và suy tôn Thánh Thể sẽ giúp mỗi người chúng ta có được một "kỷ luật về sự thinh lặng’’ chạm đến sự hiện diện đầy hy vọng của Thiên Chúa trong tâm trí ta, sẽ mang lại cho bản thân mỗi người chúng ta một sự biến đổi diệu kỳ. Lúc này đây, hãy giữ cho ngọn nến đang cháy sáng trong tay chúng ta, như giữ cho tình mến của chúng ta với Thánh Thể Chúa được luôn sáng ngời, để cùng với Giêsu nguồn ánh sáng, chính mỗi người chúng ta biết chiếu tỏa tình thương và lòng mến đến với anh chị em đang sống chung quanh mình. Chính trong không gian tĩnh lặng của đất trời và lòng người, người trẻ chúng con được mời gọi suy gẫm về thông điệp mà Đại Hội nhắn nhủ chúng con: “Hãy đến với vùng ngoại biên’’.

Khi Thánh Thể tiến lên vị trí trang trọng nhất của lễ đài, thầy phó tế công bố Tin Mừng, sau đó đọc suy niệm trên nền nhạc sâu lắng. Cũng có những khoảnh khắc các bạn giới trẻ được đắm chìm vào không khí tĩnh mịch. Một khoảng thinh không lắng đọng tâm hồn để dành thời gian tâm sự với Chúa Giêsu Thánh Thể trên nền nhạc cầu nguyện taize. Các bạn trẻ ý thức rằng, Thánh Thể Chúa là thần lương nuôi dưỡng đời sống con người.

Hàng ngàn ánh nến lung linh tạo nên một bầu khí thiêng thánh bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Một khung cảnh thật tuyệt vời. Những giọt nước mắt đã lăn trên gò má nhiều bạn trẻ. Có những giọt nước mắt của thống hối. Nhưng cũng có những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc, bởi họ không còn cách nào để diễn tả thứ họ đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa.

20g50: Trước khi khép lại Đêm Hoan ca - Diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII, các bạn giới trẻ đến từ 11 giáo phận được theo dõi Tiết mục "Thắp lửa Giê-su nơi vùng ngoại biên" của Giáo phận chủ nhà Hưng Hóa. Tiết mục mang thông điệp ý nghĩa lớn, ngọn lửa được thắp lên vùng ngoại biên chính là lửa tình yêu Thiên Chúa. Bài ca lửa cháy ấy như mời gọi mọi người hãy thắp sáng niềm tin của mình và đem tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người.

20g35: Hoạt cảnh "Bùi Chu đất thiêng hào hùng" với sự tham dự của 70 bạn giới trẻ đến từ Giáo phận Bùi Chu mở màn với câu chuyện tình cảm bình dị của hai bà cháu miền quê Nam Định. Người cháu thổ lộ ước muốn dấn thân trên con đường ơn gọi và mong ước được đến vùng đất Hưng Hóa xa xôi để truyền giáo. Hoạt cảnh chuyển sang cảnh khó khăn, thử thách trên con đường truyền giáo nơi rừng thiêng nước độc của các đấng bậc tiền nhân xưa. Chặng đường truyền giáo của người cháu này tiếp tục vấp phải những thách đố vô cùng gian nan, nhưng khi nhớ lại lời dặn của bà và trong lời cầu nguyện, cậu tiếp tục dấn thân cho sứ mạng truyền giáo bằng chính đời sống yêu thương của mình. Qua đó người bà dặn dò người cháu hãy noi gương các đấng bậc tiền nhân đến vùng ngoại biên để mang Tin Mừng của Chúa đến với mọi người. Những lời nhắn nhủ của người bà với người cháu trai trong hoạt cảnh "Bùi Chu đất thiêng hào hùng" cũng chính là thông điệp của các bạn giới trẻ Giáo phận Bùi Chu mang đến Đại hội. Đó là hãy tin tưởng phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Nhờ ơn Chúa, mọi chặng đường khó khăn đều không thể làm chùn những bước chân loan báo Tin Mừng.

20g15: Tiếp tục chương trình Diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII, các bạn giới trẻ quê lúa Thái Bình mang đến Đại hội nhạc kịch chèo mang tên "Hai môn đệ trên đường Emmaus".

Trong tiếng sáo vi vu đặc trưng của làn điệu chèo khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, câu chuyện hai môn đệ muốn rời bỏ Giê-ru-sa-lem trở về quê nhà được hiện lên một cách nhẹ nhàng theo một phong cách hiện đại và mang đậm chất làn điệu chèo. Đang khi hai môn đệ lê những bước chân nặng nề, thất vọng trở về quê thì diễn viên đóng vai Chúa Giê-su với trang phục màu trắng xuất hiện. Màn đối thoại sau đó chiếu theo Kinh Thánh trong vở nhạc kịch chèo mang đến thông điệp cho các bạn trẻ: trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, bế tắc nhất thay vì từ bỏ thì các bạn hãy chạy đến với Chúa, hãy kín múc tình yêu Thiên Chúa. Hơn nữa, chỉ trong tình yêu và với tình yêu, chúng ta mới nhận ra Chúa trong đời sống, như hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Đức Kitô Phục Sinh.

19g45: Phần diễn nguyện tiếp diễn với nhạc kịch của Giáo phận Vinh

Đến với vùng ngoại biên như là một lời thách thức với những ai đang "ngủ đông" trong những cám dỗ, những đam mê của thế gian, xác thịt và ma quỷ. Đồng thời đó lại là lời mời gọi với những ai luôn hướng về một tương lai tốt đẹp hơn với một tâm hồn bình an, thánh thiện. Bản nhạc kịch như lột trần bức tranh nhiều gam màu tối của nhiều bạn trẻ ngày nay. Họ đang sống quá nhiều với những đam mê, chú trọng quá nhiều vào hình thức mà quên đi một đời sống nhân bản tốt lành. Hiện tượng bạo lực học đường, nhiều người trẻ sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, dao kiếm được các giới trẻ lồng ghép cách khéo léo trên nền nhạc dí dỏm nhưng sâu sắc. Có thể nói tiết mục nhạc kịch như lời cảnh báo và thức tỉnh đời sống của nhiều người trẻ hôm nay đang chạm tới mức báo động. Và để bước qua những cám dỗ ấy, các bạn trẻ hãy học thầy Giê-su, học bài học tình yêu của Thiên Chúa.

"Với chúng tớ, đến với vùng ngoại biên chỉ đơn giản là ngắt kết nối mạng và kết nối với mọi người. Còn bạn, đến với vùng ngoại biên là gì?". Đó là thông điệp và câu hỏi các bạn giới trẻ Giáo phận Vinh gửi tới các tham dự viên của Đại hội để suy tư.

Song song với việc thưởng thức các tiết mục văn nghệ trong phần Hoan ca và những cảm nghiệm tâm linh của phần Diễn nguyện, lúc này nhiều bạn trẻ thinh lặng bên tòa giải tội, thống hối lỗi phạm và hòa giải với Chúa và tha nhân.

19g35: Hoạt cảnh "Hãy ra chỗ nước sâu" của các bạn giới trẻ đến từ Giáo phận Thanh Hóa mang đầy đủ màu sắc đặc trưng của Giáo phận địa linh nhân kiệt. Phần trình diễn trong trang phục dân tộc thiểu số của giới trẻ Giáo phận Thanh Hóa nhưng ẩn chứa lời mời gọi các bạn trẻ hay mạnh dạn lên đường, đến những nơi khó khăn để lan truyền Lời Chúa. Hoạt cảnh của giới trẻ Giáo phận Thanh Hóa cũng mang thông điệp ý nghĩa: Truyền giáo không phải chỉ là việc của giáo sĩ, tu sĩ mà là của mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong bối cảnh hôm nay, nhiều người trẻ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Phần trình diễn trên nền nhạc cầu nguyện càng tăng thêm sự sâu lắng. Cuối tiết mục là một tiểu khúc sôi động diễn tả sự sống lại niềm tin của người trẻ nhờ năng lực của Đại hội.

19g30: Phần diễn nguyện mở đầu với những điệu hò "Ta cùng đi ra khơi" của các bạn trẻ giáo Giáo phận Phát Diệm. Tiếng hò dô mang âm vang truyền giáo như thúc giục mạnh mẽ hơn nữa những bước chân truyền giáo. Phần quảng diễn mang lại âm vang lớn trong lòng người xem.

19g25: Có mặt trong Đêm Hoan ca của Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII, Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng mang đến tiết mục "Chúng tôi những người con của núi". Bài hát khắc họa một cách ngắn gọn hình ảnh Giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, một giáo phận nhỏ bé của Giáo tỉnh Hà Nội. Lời bài hát như tiếng gọi truyền giáo nơi núi rừng xứ Lạng. Tiết mục của Giáo phận Lạng Sơn cũng khép lại phần Hoan ca đêm nay để đi vào phần Diễn nguyện.

19g15: Màn đồng diễn với tên gọi "Mang ngọn lửa Giê-su đến cùng anh em chúng tôi" của hàng trăm bạn trẻ đến từ Tổng Giáo phận Hà Nội mang đến bầu khí sôi động cho Đêm Hoan ca - Diễn nguyện. Màn đồng diễn của giới trẻ Tổng Giáo phận Hà Nội như thôi thúc các bạn trẻ nhanh chóng lên đường để "Đến với vùng ngoại biên".

19g10: "Bắc Ninh giáo phận nở hoa một lòng hiệp nhất dựng xây nước trời..." đó là thông điệp được các bạn giới trẻ Giáo phận Bắc Ninh diễn tả qua bài hát "Quê em quan họ Bắc Ninh". Làn điệu quan họ mượt mà, ngọt ngào của những liền anh liền chị là các tham dự viên của Giáo phận Bắc Ninh mang đến sự đa dạng cho đêm Hoan ca - Diễn nguyện của Đại hội.

19g00: Tiếp theo đêm Hoan ca - Diễn nguyện, Đại hội được thưởng thức vũ khúc "Đường con theo Chúa" đến từ Giáo phận Hải Phòng.

"Xin dâng đời con muốn thuộc về Chúa. Xin cho tình con không hề hoen úa. Ước chi con hằng mến yêu không ngừng. Giúp con vuông tròn một niềm hiếu trung..." chính là thông điệp mà các bạn giới trẻ Giáo phận Hải Phòng mang đến Đại hội lần này.

18g50: Mở màn cho Đêm Hoan ca - Diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII là tiết mục hợp xướng "Thập Giá Tình Yêu Đức Kitô" đến từ Giáo phận Hà Tĩnh. Trong ánh sáng lung linh huyền diệu, tiết mục hợp xướng hùng tráng của Giáo phận Hà Tĩnh nâng tâm hồn mọi người lên để suy tôn và chiêm ngắm Thánh Giá Chúa.

18g45: Cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp phát biểu khai mạc Đêm Hoan ca - Diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII

Trong phát biểu khai mạc Đêm hoan ca diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII, cha Giuse Nguyễn Viết Hiệp - Phó Ban tổ chức Chương trình Đại hội cho biết: Hôm nay, chúng ta đến với vùng ngoại biên, không chỉ là đến với Giáo phận chủ nhà Hưng Hóa, với địa bàn trải rộng trên 10 tỉnh phía Tây Bắc, với khoảng 31 sắc tộc khác nhau cùng sinh sống, cũng không chỉ đến với Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng nơi miền đất tổ Phú Thọ. Nhưng "Đến với vùng ngoại biên" trước tiên là noi gương Chúa Giêsu, nhập thể và nhập thế. "Đến với vùng ngoại biên" là ra khỏi chính mình để rộng mở với thiên nhiên và con người.

Cũng theo cha Giuse, người trẻ được mời gọi "Đến với vùng ngoại biên" để luôn biết tạ ơn Thiên Chúa vì công trình tạo dựng kì diệu của Ngài, và trân trọng sự hi sinh của biết bao thế hệ tiền nhân, đã kiên trì dấn thân loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.

"Đến với vùng ngoại biên" còn là để lắng nghe tiếng Chúa nói với mỗi người chúng ta, cách riêng là các bạn trẻ rằng: Các bạn có dám hiệp hành với Thiên Chúa trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng không? Bạn có dám "đến mà xem" để rồi, từ đó dám can đảm đến với những vùng ngoại biên không?

Cha Giuse cho biết, những ý nghĩa trên đây sẽ được khắc họa phần nào trong Đêm Hoan ca - Diễn nguyện tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII.

Sau lời tuyên bố khai mạc, cha Giuse cũng dâng lời nguyện xin Chúa chúc lành cho Đêm Hoan ca - Diễn Nguyện diễn ra thành công.

18g20 Đại hội chào đón quý cha và các bạn trẻ đến từ Giáo phận Quy Nhơn và gặp gỡ linh mục nhạc sĩ Martinô Trần Tuấn, chủ nhân của nhạc phẩm: "Hãy đến vùng ngoại biên"

Sự có mặt của các bạn giới trẻ Giáo phận Quy Nhơn nói lên tình hiệp nhất, yêu thương của các bạn giới trẻ Công Giáo từ Bắc chí Nam. Đặc biệt cuối giờ chiều ngày 25/11/2022, Đại hội chào đón nhạc sĩ linh mục Martinô Trần Tuấn - tác giả ca khúc chính thức của Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII "Hãy đến vùng ngoại biên". Trên sân khấu cùng với hơn 300 bạn linh hoạt viên, cha Matino Trần Tuấn cháy hết mình với ca khúc chủ đề này.

18g00: Sau giờ cơm tối và ít phút nghỉ ngơi, các bạn trẻ trở lại quảng trường để chuẩn bị cho đêm hoan ca vào lúc 18g30. Các đơn vị tham gia các tiết mục văn nghệ cũng đã sẵn sàng cho đêm hội hôm nay.

17g15: Kết thúc bài chia sẻ, cha Giuse đặt ra một câu hỏi để các bạn trẻ suy tư: "Đâu là vùng ngoại biên của các bạn"? Cha Giuse cũng không quên gửi lời cám ơn các bạn trẻ đã chú ý lắng nghe. Ngay tiếp đó là tiết mục: "Cồng chiêng Người Mường" của giáo xứ Hòa Bình.

Các bạn trẻ chăm chú lắng nghe những chia sẻ rất thực tế của Cha Giuse, họ thấu hiểu hơn về những gian nan của những bước chân truyền giáo nơi mảnh đất 'ngoại biên' Hưng Hóa này.

Ở khoảng giữa bài chia sẻ, tiết mục đặc sắc của Giáo xứ Sapa giới thiệu về dân tộc H'mông đầy tính nghệ thuật, giúp cho các tham dự viên bớt mệt mỏi, căng thẳng.

16g15 - 17g15: Bài thuyết trình 1: ‘Hãy đến với vùng ngoại biên’ - cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn

Các bạn giới trẻ tham dự Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII bước vào phần thuyết trình đề tài đầu tiên của Đại hội với chủ đề “Hãy Đến với vùng ngoại biên” do cha Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn – Phó chủ tịch UBMV Giáo Dân - đặc trách các hội đoàn Giáo phận Hưng Hóa, cha xứ giáo xứ Điện Biên trình bày.

Tóm tắt bài thuyết trình:

Mở đầu bài chia sẻ, cha Giuse đã đề dẫn một hình ảnh đơn sơ, chân thực và trìu mến của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cương vị một “giáo hoàng bình dị, một “giáo hoàng đi ra”; ngài cũng viễn dẫn những điểm nhấn của hai tông huấn nổi tiếng “Evangeli Gaudium và Christus Vivit, để giúp các bạn trẻ hiểu được chủ đề của đại hội năm nay: “Hãy đến với vùng ngoại biên”.

Ngài nhấn mạnh lại lời của vị cha chung Giáo hội: “HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” và Tông huấn “Đức Ki-tô đang sống.” Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên... Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi và hữu hiệu hơn.”

Qua đoạn Tin Mừng Mt 4, 12-23, cha Giuse giảng giải và nhấn mạnh, chính Thầy Chí Thánh Giê-su là người tiên phong trong việc “đến với vùng ngoại biên” và dạy các môn đệ hãy bước tiếp hành trình ấy.

Từ nền tảng Kinh Thánh ấy, cha Giuse giúp các bạn trẻ thấy được những vùng ngoại biên thực tế của Giáo Hội hôm nay. Cách riêng, ngài cũng giới thiệu về giáo phận chủ nhà như là một vùng ngoại biên đặc biệt của Giáo Hội Việt Nam. Vùng ngoại biên ấy không chỉ là xét theo địa hình rộng lớn, đa dạng về sắc tộc và văn hóa, Giáo phận quả thực là “vùng ngoại biên” xét về mặt địa lý lẫn mặt hiện sinh.

Để minh họa cho định hướng mục vụ cho “vùng ngoại biên” của Giáo phận, ngài cũng nêu một vài cảm nghiệm mục vụ của mình khi được phục vụ giáo xứ Điện Biên, một giáo xứ nằm trọn trong cả tỉnh Điện Biên và được coi là một giáo xứ lớn nhất thế giới. Quảng đường từ các giáo họ lẻ đến giáo họ trị sở lên đến chừng 600km và di chuyển hết 1 ngày.

Cuối cùng, mấu chốt vấn đề là đặt ra câu hỏi để các bạn trẻ tự vấn: “Đâu là vùng ngoại biên của người trẻ hôm nay?”. Ngài nhấn mạnh: các bạn trẻ cần có một tâm thế sẵn sàng ra đi và chấp nhận thay đổi; Dám vượt qua các ranh giới của định kiến và sợ hãi để đến với những người nghèo bị bỏ rơi. Ngài cũng nhấn mạnh lại lời của vị cha chung Giáo Hội: “Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đừng đứng nhìn cuộc sống từ ban công, đừng để cuộc sống lướt qua trước màn hình, đừng nhìn thế giới như một khách du lịch, nhưng “các con hãy cảm nhận! Loại bỏ đi sợ hãi làm tê liệt các con… Các con hãy sống đi.”; “Sống giây phút hiện tại”, tận hưởng mọi món quà nhỏ của cuộc sống với lòng biết ơn. Vì thế, ngài đề nghị “người trẻ đi xa hơn khỏi nhóm bạn và xây dựng tình bạn xã hội và tìm kiếm lợi ích chung."

Ngài rút ra kết luận: “Giáo hội phát triển không phải là chiêu dụ tín đồ, nhưng bằng sự hấp dẫn”; tức là, Giáo hội không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, (Giáo hội không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Tin Mừng thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Qua đó, các bạn trẻ cần phải bắt đầu ngay nơi vùng ngoại biên của chính bản thân mình, đó chính là việc hoán cải đời sống để được ơn cứu độ và nhờ đó, chúng ta mới có thể tiến tới các vùng ngoại biên khác của cõi nhân sinh.

16g-16g15: Tham dự viên được thưởng thức những tiết mục đặc trưng của di sản phi vật thể đến các vùng miền khác nhau. Sau đó, ban tổ chức thông qua nội quy của Đại hội.

15g45-16h: Các tham dự viên được xem những thước phim giới thiệu tất cả 11 Giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội. Qua đó, giúp các bạn trẻ có một số kiến thức bao quát nhất về Giáo phận của mình và các Giáo phận bạn.

15g30: Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô không thường trú tại Việt Nam gửi lời huấn dụ đến các tham dự viên của Đại hội. Cộng tác thông dịch viên của Ngài là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ – Thiếu Nhi trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2025.

Tóm tắt bài huấn dụ của Đức Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski:

Mở đầu lời huấn dụ, Đức tổng Marek Zalewski gửi lời chào mừng tới quý Đức Tổng, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể các bạn giới trẻ tham dự Đại hội. Ngài cũng bày tỏ lời cảm ơn với Đức cha Giáo phận chủ nhà Hưng Hóa đã mời ngài tham dự Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII.

Theo Đức Tổng Marek Zalewski, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường lặp đi lặp lại rằng: “Các con hãy hướng về Đức Ki-tô, hãy đi với Người, Đấng là Đường là Sự Thật là Sự Sống.” Đức Tổng cho biết, chúng ta đang hiện diện nơi đây trong những ngày chuẩn bị bước sang Mùa Vọng chào đón Chúa Giáng sinh với tiếng “xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria. Đức Trinh nữ Maria Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta đã tin tưởng vào Lời Chúa, luôn luôn tín thác vào Chúa và luôn thưa lời “xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa.

Chúng ta vừa lắng nghe một trong những đoạn Tin mừng sống động nhất, ở đó là lời “Xin vâng” mạnh mẽ, phó thác và tràn đầy niềm tin của Đức Mẹ. Đây là lời xin vâng hết sức đặc biệt của Đức Mẹ, đó không phải lời xin vâng miễn cưỡng, mà lời xin vâng thể hiện lòng tin tưởng của Đức Mẹ với lời hứa của Thiên Chúa. Lời xin vâng của Đức Maria, đồng thời cũng phải đối diện với thử thách cam go, lời xin vâng ấy mạnh mẽ hơn mọi sự nghi ngờ, lo lắng và khó khăn.

Ngài nhấn mạnh: “Đây cũng là điều chúng ta cần quan tâm, cần học Mẹ để luôn nói lên tiếng xin vâng để vượt qua những khó khăn, thách đố của thời cuộc.” Khi chúng ta thưa Xin Vâng đối với Chúa có nghĩa là chúng ta hãy yêu thương đất nước, bạn bè và chính chúng ta. Đặc biệt hãy cố gắng làm sao luôn trung thành với niềm tin của mình trước những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta theo gương Đức Kitô để đón nhận, yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người nghèo, người bệnh tật, phong cùi… Bởi cái gì được yêu thương thì sẽ được biến đổi. Đôi khi chúng ta cảm thấy thật khó khăn để hiểu về Tình Yêu của Thiên Chúa, nhưng chúng ta luôn luôn xác tín rằng, chúng ta có một người Cha luôn yêu thương chúng ta.

Khép lại bài chia sẻ, Ngài khẳng quyết: "Nếu quả thật chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, thì chúng ta sẽ được cứu độ. Quả thật đêm tối chỉ bị xua tan bằng ánh sáng, hận thù ghen ghét chỉ bị loại bỏ bởi tình yêu."

Ngài gửi một lời chào và tỏ bày sự quý mến đầy thân thương với các bạn trẻ Giáo tỉnh Hà Nội bằng những tiếng Việt bập bẽ.

Ngài kết thúc lời huấn dụ bằng những tràng pháo tay thật dài của những người hiện diện.

15g20: Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên long trọng khai mạc Đại hội

Trước hết, Đức tổng gợi lên nơi các bạn trẻ ý nghĩa của việc Đại hội được tổ chức tại đất tổ Đền Hùng. Một cách nào đó, ngài giúp người trẻ Việt Nam hiểu được vinh dự khi được là con cháu Lạc Hồng và tất cả con dân Việt đều là anh em. Đặc biệt hơn, ngài nhấn mạnh đến chủ đề của Đại hội. Ngài nói: “Đến vùng ngoại vi cũng chính là ra khỏi con người của mình để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ tha nhân. Ngài nhấn mạnh, đại hội là chất xúc tác tích cực để thúc đẩy bổn phận loan báo Tin Mừng.”

Sau đó, ngài long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội.

15g15: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến - Giám mục Chính tòa Giáo phận Hưng Hóa phát biểu chào mừng Đại hội.

Mở đầu bài phát biểu, Đức Cha bày tỏ niềm vinh dự của Giáo Phận Hưng Hóa được tổ chức Đại hội. Ngài cũng nhắc lại lý do Đại hội phải tạm hoãn lại sau 2 năm. Ngài hân hoan chào đón và bày tỏ lòng biết ơn đối với quý Đức Tổng, quý Đức Cha, quý Cha, quý Thầy, quý Sơ, quý cấp chính quyền, quý khách và tất cả tham dự viên đã về với Đại hội năm nay.

15g00: Nghi thức thượng cờ Đại hội

Những cánh tay đặt trên ngực, ánh mắt hướng về để bày tỏ tình yêu của mình đối với lá cờ linh thiêng của Đại hội. Lá cờ luôn được coi là "linh hồn" của Đại hội đã được giương cao, cũng là dấu chỉ sự quan phòng của Thiên Chúa. Một bầu khí đến xúc động lòng người.

Nghi thức suy tôn Thánh Giá kết thúc bằng việc xông hương Thánh Giá và bài hát suy niệm

Tiếp đến, cha Đaminh Hoàng Thế Bằng - Chủ tịch Ủy ban Giới trẻ Giáo phận Hưng Hóa đọc lời nguyện suy tôn Thập Giá Chúa Ki-tô.​

14h45: Cung nghinh Thánh giá Đại hội

Ngay sau những giây phút sôi động, hùng tráng của phần khởi động, đại hội chìm vào bầu khí thánh thiêng, các tham dự viên lắng đọng tâm hồn sốt sắng tham dự nghi thức cung nghinh Thánh Giá. Đây được coi là khoảnh khắc đẹp đẽ, thiêng thánh nhất của Đại hội.

Nghi thức mở đầu với bầu khí sốt sắng khẩn xin ơn Thánh Linh đến với tất cả tham dự viên Đại Hội. Nguyện Thánh Thần Chúa luôn cư ngụ nơi đây và chúc lành cho Đại hội.

Tiếp đó là lời dẫn giới thiệu ý nghĩa của Thánh Giá luân lưu, là biểu tượng niềm tin Kitô giáo, là sức mạnh cứu độ, là điểm quy chiếu đích thực của đời sống chứng nhân của người trẻ mọi thời đại.

Bài hát "Vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Kitô" thực sự làm rung động mọi con tim, tình yêu Chúa như ngập tràn trong mọi trái tim. Một khung cảnh thánh thiêng đến vô tận.

Các bạn trẻ ơi, hãy nói lại lời YÊU VÔ TẬN như chính Thầy Chí Thánh của chúng ta trước khi Ngài chịu treo trên Thập Giá.

Về phía chính quyền, đại hội chào đón sự hiện diện của Ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; các vị lãnh đạo trong Ban Tôn Giáo Chính Phủ; UBND và các ban ngành tỉnh Phú Thọ. Các đơn vị có lãng hoa chúc mừng Đại hội. Sự hiện diện của quý cấp chính quyền cho thấy sự quan tâm đúng mực cho biến cố trọng đại này.

14g35: Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII vinh dự chào đón sự hiện diện khả kính của Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô không thường trú tại Việt Nam.

Cùng với đó là sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Hà Nội, đông đủ các Giám mục trong Giáo tỉnh Hà Nội.

14g30: Các bạn trẻ được xem lại video "lược sử Giáo phận Hưng Hóa".

Nhìn lại một chặng đường đầy gian nan từ ngày khai sinh, người trẻ cảm nhận rõ hơn bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa để làm nên một Hưng Hóa của ngày hôm nay.

14g00: Vũ khúc "Tự hào là người Công Giáo"

13g45: Đại hội hân hoan chào đón các đoàn khách mời

Vượt qua quãng đường hàng nghìn cây số, đoàn giới trẻ Tổng Giáo phận Sài Gòn, Tổng Giáo phận Huế, Giáo phận Xuân Lộc cũng đã có mặt tại Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII.

13g15: Đại hội nóng dần lên với những vũ khúc sôi động

Lúc này theo quan sát thì những vũ khúc khởi động chuẩn bị cho Lễ khai mạc Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII đang trở thành chất xúc tác lôi cuốn các bạn trẻ. Nguồn năng lượng tuổi trẻ vô tận giúp Đại hội hừng hực khí thế.

13g00: Vũ khúc chủ đề khởi động

Đại hội sôi động với với vũ điệu: NHẠC KHÚC ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN để chào đón các Giáo phận đến tham dự Đại Hội Giới Trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII. Lời bài hát: "Đừng đứng trên ban công mà nhìn cuộc đời, đừng lướt trên iphone mà nhìn mọi người, đừng nói câu yêu thương bằng miệng bằng lời..." đó chính là lời nhắn nhủ của chủ đề Đại hội lần này.

Đại hội sôi động hơn với vũ khúc "Hiệp nhất yêu thương". Các ghế trống phía dưới sân khấu Đại hội dần được lấp đầy.

12g55: TẤT CẢ CÁC BẠN TRẺ TỪ CÁC GIÁO PHẬN ĐÃ CÓ MẶT ĐẦY ĐỦ!

12g50: Đại hội chào đón các bạn giới trẻ đến từ Giáo hạt Sơn La - Điện Biên

Sự hiện diện các bạn giới trẻ đến từ Giáo hạt Sơn La - Điện Biên (Giáo phận Hưng Hóa) thắm tình anh em.

12g50: Chào đón Giáo phận Bắc Ninh

Trong tiếng hô vang chào mừng của linh hoạt viên, hơn 800 các bạn trẻ Giáo phận Bắc Ninh nơi nổi tiếng với làn điệu quan họ ra riết đang tiến vào Đại hội với niềm vui hân hoan.

12h45: "Trời đất đầy Vinh"!

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII hân hoàn chào đón các bạn giới trẻ Giáo phận Vinh. Giáo phận Vinh tham dự Đại hội với 800 bạn trẻ. Trong tiếng vỗ tay hân hoan chào đón của các tham dự viên Giáo phận chủ nhà, các bạn giới trẻ Giáo phận Vinh tiến vào lễ đài của Đại hội với niềm vui hân hoan, rạng rỡ trên khuôn mặt từng người.

12h40: Hân hoan chào đón các bạn trẻ đến từ Giáo phận Thanh Hóa. Xứ Thanh là vùng đất của lịch sử, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm, vùng đất của những anh hùng hào kiệt nên cũng sinh ra những người trẻ năng động, tài ba.

12g35: Chào đón Giáo Phận Phát Diệm.

Các bạn trẻ đến từ Giáo phận nổi tiếng với quần thể nhà thờ đá: GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM vì thế mà trở thành điểm hành hương và thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch hàng năm. Giáo phận có 800 bạn trẻ tham dự đại hội.

12g30: Các đoàn tiếp tục đổ về Đại hội...

Những gương mặt rạng ngời, những nụ cười tỏa sáng của các bạn trẻ đến từ Giáo phận mang tên thành phố hoa phượng đỏ: GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG

11g15: Sau giờ ăn trưa, các linh hoạt viên và tham dự viên đã đến từ buổi sáng có chút thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho lễ khai mạc chiều hôm nay.

11g00: Đại hội cũng đón chào sự có mặt của quý Cha đồng hành cùng các bạn trẻ từ các Giáo phận trở về với Đại hội năm nay. Một bầu khí rộn ràng tại khuôn viên đất tổ Đền Hùng trong niềm phấn khởi trên khuôn mặt của những người hiện diện.

10g50: Đại hội hân hoan chào đón các bạn giới trẻ đến từ có truyền thống và bề giày lịch sử nhất Giáo hội Việt Nam, nhưng đặc biệt, lại là Giáo phận có diện tích nhỏ nhất Giáo Hội Việt Nam: GIÁO PHẬN BÙI CHU.

10g45: Đại diện Công an TP. Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII.

10g20: Các bạn trẻ Tổng Giáo phận Hà Nội tiến vào lễ đài

Đại hội Tham dự Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII, Tổng Giáo phận Hà Nội mang đến một lực lượng đông đảo với 1300 bạn trẻ do cha đặc trách giới trẻ Tổng Giáo phận Hà Nội Phaxicô Xaviê Trần Truyền Giáo dẫn đầu.

10g00: Chào đón Giáo phận Buôn Ma Thuột với tư cách là khách mời

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII chào đón đại diện khách mời đến từ Giáo phận Buôn Ma Thuột. Vượt qua quãng đường gần 1500 km, sự có mặt của đại diện Giáo phận Buôn Ma Thuột nói lên tinh thần hiệp hành, hiệp thông và sẻ chia của các bạn trẻ Công Giáo ở tất cả các Giáo phận trong cả nước.

9g50: Giới trẻ Giáo phận chủ nhà Hưng Hóa đã có mặt

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII xin chào đón sự có mặt đầy đủ của các bạn trẻ đến từ các giáo hạt của Giáo phận chủ nhà: GIÁO PHẬN HƯNG HÓA. Vì là đơn vị chủ nhà nên Giáo phận Hưng Hóa có đông đảo các bạn trẻ nhất và đã có mặt rất sớm tại khu di tích Đền Hùng. Số lượng các bạn trẻ lên tới 6000 chưa kể những cộng tác viên phục vụ trong các ban. Ngoài việc phụ giúp công tác chuẩn bị, các bạn trẻ cũng đến sớm để hâm nóng tinh thần của Đại hội và sẵn sàng để đón tiếp các Giáo phận bạn.

09g45: Tất cả là hồng ân!

Tinh mơ của ngày đầu Đại hội, thời tiết khá u ám với những cơn mưa bụi và không khí khá đặc, đến lúc này, thời tiết tại đất tổ Hùng Vương đã hửng nắng, gió nhẹ, khí trời trong lành mát mẻ. Tất cả là hồng ân, là sự quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa.

9g30: Giáo phận Hà Tĩnh đã có mặt.

Đại hội hân hoan chào đón các bạn trẻ đến từ Giáo phận xa nhất, trẻ nhất Giáo hội Việt Nam: GIÁO PHẬN HÀ TĨNH. Vượt một chặng đường hơn 600 cây số, các bạn trẻ Giáo phận Hà Tĩnh đã có mặt sớm nhất tại Đại hội. Một tinh thần tuyệt vời thật đáng khen ngợi. Tham dự Đại hội lần này, Giáo phận Hà Tĩnh có tới 800 tham dự viên.

09g00: Linh hoạt viên Giáo phận chủ nhà "truyền lửa" cho Đại hội

Những cơn mưa bụi đầu giờ sáng cùng bầu không khí đặc quánh không thể cản bước chân các bạn trẻ đến với Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII. Theo quan sát, từ sáng sớm các bạn linh hoạt viên và tình nguyện viên đã có mặt ở Đại hội. Lúc này, các bạn tình nguyện viên dọn dẹp rác, lá cây dọc đường từ cổng chính vào sân khấu Đại hội, trong khi đó các bạn linh hoạt viên tập hợp từng nhóm tập lại các cử điệu.

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII diễn ra từ chiều thứ Sáu 25/11/2022 đến hết buổi sáng thứ Bảy 26/11/2022. Tất cả các hoạt động trong Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII sẽ được Ban Truyền thông Giáo phận Hưng Hóa tường thuật trực tiếp trên các nền tảng gồm:

Website: http://www.giaophanhunghoa.org

Youtube: https://www.youtube.com/c/H%C6%B0ngHo%C3%A1TV

Facebook: https://www.facebook.com/giaophanhunghoa.org

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII do Giáo phận Hưng Hóa đăng cai tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với sự có mặt của các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và khoảng 20.000 bạn trẻ đến từ 11 Giáo phận trong Giáo tỉnh.

Chủ đề Đại hội được chọn năm nay: “HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN”, chính là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô đang sống. Qua chủ đề này, người trẻ cần xác tín rằng: Đức Kitô đang sống giữa chúng ta, cho chúng ta và vì chúng ta. Người cũng muốn chúng ta được sống cách viên mãn và làm cho sự sống ấy được lan tỏa. Ý thức được điều này, người trẻ được mời gọi đem sức sống của Chúa Ki-tô đến cho người khác.

“Hãy đến với vùng ngoại biên”, chúng ta đừng vội nghĩ những hạn từ ấy sẽ kéo chúng ta đi đến những nơi xa xôi về địa lý, nhưng có khi biên cương ấy lại kế bên mình. Vùng ngoại biên của ngày hôm nay đang được vây bủa bởi hàng rào thép gai của sự ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm và tàn nhẫn. Con người không dám mở lòng mình ra, không dám bước ra khỏi ranh giới của chính mình. Họ trói chặt mình trong những nỗi cô đơn trống rỗng, buồn sầu u uất. Tinh thần Đại hội mong muốn đem lại một sức mạnh thiêng liêng kéo các bạn trẻ bước ra khỏi làn ranh đang vây bủa bởi tiện nghi vật chất và hưởng thụ dễ dãi ấy.

Chọn đất tổ Hùng Vương là địa điểm tổ chức, một cách nào đó cũng gợi lại nơi các bạn trẻ ý thức về nguồn cội của mình, tạo điều kiện để các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử và truyền thống dân tộc. Với ý thức là người con dân Việt mang dòng máu Lạc Hồng, những người trẻ Công Giáo sẽ làm rạng danh Chúa khi họ biết yêu quê hương đất nước bằng chứng tá niềm tin sống động, ngang qua việc cảm nhận rõ sự linh thiêng khi đứng trên mảnh đất tổ - cội nguồn của dân tộc, người trẻ Công Giáo hiểu thấu nguồn gốc đích thực của mình là Thiên Chúa.

Giờ linh thiêng đã điểm, các bạn trẻ còn chần chờ gì nữa? Không khí rộn ràng nơi mảnh đất thiêng đang đón chờ các bạn. Giáo Phận chủ nhà Hưng Hóa đang dang rộng vòng tay yêu thương, vui mừng được mời đón các bạn trẻ đến với Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII với chủ đề: “HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN”.

Ban truyền thông giáo phận Hưng Hóa
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh cây nến mùa Vọng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:09 25/11/2022
Hình ảnh cây nến mùa Vọng

Hằng năm lịch phụng vụ Công Giáo không bắt đầu vào đầu năm mới. Nhưng với chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, thường vào cuối tháng 11.

Mùa Vọng có bốn tuần lễ, mùa chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh làm người vào ngày 25. Tháng 12.

Theo tập tục văn hóa bốn tuần lễ mùa Vọng, trong các thánh đường, và cả nhà tư nhân, thường có trang hoàng một vòng tròn hay dài bện bằng những lá cây xanh tươi. Và trên vòng có bốn cây nến to mầu trắng, hoặc mầu tím hay hoặc mầu đỏ. Bốn cây nến này được lần lượt đốt thắp sáng lên vào bốn ngày Chúa nhật trong mùa vọng.

Những cây nến vòng mùa Vọng diễn tả hình ảnh gì trong nếp sống đạo gíao niềm tin?

Chiếc vòng tròn mùa Vọng được bện xếp bằng những nhánh lá còn xanh tươi. Mầu xanh tươi lá cây nói lên sự phát triển của sự sống.Vào mùa đông bên xứ lạnh, lá các cây thường héo tàn rơi rụng, cây chỉ còn trơ trọi thân cây cùng cành nhánh khô cứng trần trụi. Vì thế vòng mùa Vọng với những lá cây còn xanh tươi nói lên niềm hy vọng, sự sống vẫn phát triển.

Điều này nói với con người chúng ta, nơi Thiên Chúa sự sống luôn luôn là điều có thể. Thiên Chúa, dù trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ tránh xa, hay đi lui ra khỏi đời sống con người. Ngài luôn hằng hiện diện trong mọi thời gian vui buồn, hạnh thông hay khó khăn thất bại của con người, lúc thời tiết lạnh gía rét hay nắng ấm ngoài thiên nhiên.

Những cây nến được thắp sáng lên trong mùa Vọng chiếu tỏa ánh sáng, hơi nóng nồng ấm cho thời tiết tối trời mùa Đông giá rét. Và đồng thời cũng phác họa nên hình ảnh chiếu ánh sáng niềm hy vọng, hơi nồng ấm vào đêm tối tâm hồn con người đang trải qua gía lạnh. Vì bị tội lỗi đè nặng đời sống tâm linh tinh thần.

Bốn cây nến mùa Vọng được dần thứ tự bốn tuần lễ đốt thắp sáng lên đến ngày lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh, Đấng mang ánh sáng sự sống, ánh sáng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa đến trong đêm tối tội lỗi cho tâm hồn con người trần gian.

Mùa Vọng theo ý nghĩa đạo đức hướng thượng lên trời cao là mùa thức tỉnh chờ đón ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa do hài nhi Giêsu, con Thiên Chúa, mang chiếu soi vào trần gian.

Mùa Vọng trong nếp sống hàng ngang đường chân trời cũng mời gọi cùng sống tình liên đới bác ái với con người gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời sống. Vì những hậu qủa tiêu cực do chiến tranh đang gây ra cho nhân loại về giá cả sinh hoạt, về khủng hoảng năng lượng.

Mừng lễ Chúa giáng sinh không chỉ có Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse, nhưng còn có Đức Chúa Thánh Thần nữa. Chúa Giêsui, conThiên Chúa, xuống trần gian làm ngưười trong cung lòng mẹ Maria do quyền năng Đức Chúa Thánh Thần tác động. Vì thế mùa Vọng là thời gian đặc biệt về ơn Đức Chúa Thánh Thần.

Cầu xin Đức Chúa Thánh Thần đốt thắp sáng ánh lửa tình yêu trong tâm hồn con người qua những cây nến trong mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa giáng sinh làm người.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Công lý nhãn tiền: Kết thúc thê thảm của Trung Đoàn Cờ Đỏ Nga sau khi pháo kích cháu bé 2 ngày tuổi
VietCatholic Media
03:38 25/11/2022


1. Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn Cờ Đỏ trúng HIMARS, tàn quân bỏ chạy về Melitopol

Quân đội Ukraine phá hủy bộ chỉ huy Trung Đoàn Cờ Đỏ 71 thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới cận vệ 42 và tổ hợp hỏa tiễn phòng không S-300 của Trung Đoàn này.

Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 25 tháng 11.

Ông nói: “Người Nga đã nhận được sự trả thù đầu tiên sau vụ sát hại một em bé ở Vilniansk, vùng Zaporizhia. Pháo binh của chúng ta đã phá hủy kho chứa hỏa tiễn S-300 và các hệ thống phóng hỏa tiễn mà những kẻ khủng bố Nga đã sử dụng để tấn công nhà hộ sinh địa phương”.

Theo Thị trưởng Fedorov hôm thứ Tư, 23 tháng 11, du kích địa phương đã nhanh chóng tìm thấy vị trí đóng quân của Trung Đoàn Cờ Đỏ 71 và pháo binh của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã giáng một đòn mạnh.

“Vào khoảng 13h40 ngày 23 tháng 11 tại làng Zeleny Yar, pháo binh của chúng ta đã tấn công tổ hợp hỏa tiễn S-300 của quân xâm lược Nga và bộ chỉ huy của chúng. Các nhân chứng đã nghe thấy hai tiếng nổ mạnh đầu tiên, sau đó là tiếng thứ ba, thậm chí còn mạnh hơn”.

Bộ chỉ huy của Trung Đoàn Cờ Đỏ 71 bị đánh trúng, nhưng một số sĩ quan chỉ huy của Trung Đoàn này vẫn còn sống và huy động binh sĩ Nga đào bới trong đống gạch vụn để cứu những người bị chôn vùi.

Sau đó, quân xâm lược Nga bắt đầu khám xét, buộc cư dân trong làng phải ra khỏi nhà, kiểm tra điện thoại của họ. Người ta có thể nghe thấy tiếng súng tiểu liên nổ trong khu vực. Đến nay vẫn chưa rõ là quân xâm lược Nga chỉ bắn chỉ thiên hay đã sát hại thường dân.

Trước đó, vào tối thứ Ba, 22 tháng 11, chính Trung Đoàn này đã bắn hỏa tiễn vào Vilniansk, đánh trúng bệnh viện, phá hủy khu hộ sinh. Một đứa bé sơ sinh mới 2 ngày tuổi tử vong.

Trong ngày thứ Năm 24 tháng 11, Trung Đoàn Cờ Đỏ này rút lui khỏi làng Zeleny Yar và bị các máy bay của không quân Ukraine tấn công. Một xe tăng, 7 thiết giáp, 4 xe chuyển quân, và 2 hệ thống pháo của Trung Đoàn này đã bị bắn cháy. Quân xâm lược bỏ lại các khí tài chiến tranh chạy bộ về hướng thành phố Melitopol. Tổn thất về nhân lực của quân xâm lược vẫn đang được kiểm đếm.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, cho biết máy bay Ukraine đã tấn công các vị trí của quân Nga 12 lần trong ngày thứ Năm

“Trong ngày hôm qua, 24 tháng 11, các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiến hành 12 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung nhân sự, vũ khí và thiết bị quân sự của quân đội Nga, cũng như 2 cuộc tấn công vào các vị trí phòng không của kẻ thù”.

Theo Bộ Tổng tham mưu, tính đến 18 giờ ngày thứ Năm, quân Nga tiếp tục tập trung nỗ lực kiềm chế các hành động của Lực lượng Phòng vệ và cố gắng giữ các lãnh thổ tạm thời chiếm được.

Đồng thời, kẻ thù đang cải thiện các công sự phòng thủ, tiến hành các hành động tấn công đơn lẻ theo các hướng nhất định, di chuyển binh lính, vũ khí và thiết bị quân sự đến các khu vực chiến sự.

Trong ngày thứ Năm, quân đội Nga đã tiến hành 2 cuộc không kích và 16 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các vị trí của Lực lượng Phòng vệ và các đối tượng dân sự.

Tại vùng Kherson, quân xâm lược đã bắt một số thường dân trong quận Skadovsk vì nghi ngờ có chỉ điểm sau khi pháo binh gây thiệt hại rất nặng cho quân đội Nga. Đặc biệt, tại Novomykolaivka và Krasne, những kẻ xâm lược đã kiểm tra nhà cửa, điện thoại và tài liệu của cư dân địa phương.

Theo Trung Tá Oleksandr Motuzianyk, trong 24 giờ qua, 310 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 1 xe tăng, 7 thiết giáp.

Tính từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 24 tháng 11, Nga đã mất khoảng 85,720 quân tại Ukraine. Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng đã phá hủy hay tịch thu của quân Nga 2,898 xe tăng, 5,839 thiết giáp, 1,889 hệ thống pháo, 395 hệ thống phóng hỏa tiễn, 209 hệ thống phòng không, 278 máy bay chiến đấu, 261 máy bay trực thăng, 1,547 máy bay không người lái, 531 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4,400 xe cơ giới, và 161 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Vương quốc Anh nhận định: Nga gần như cạn kiệt máy bay không người lái khi hàng tồn kho 'cạn kiệt'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Nearly Run Out of Drones as Stock 'Exhausted'—U.K.”, nghĩa là “Vương quốc Anh nhận định: Nga gần như cạn kiệt máy bay không người lái khi hàng tồn kho 'cạn kiệt'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Tư đánh giá Nga sắp cạn kiệt kho dự trữ máy bay không người lái do Iran sản xuất.

Bộ này cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày về cuộc chiến ở Ukraine rằng gần 10 tháng sau cuộc xung đột, Nga đã gần cạn kiệt kho phương tiện bay không người lái do Iran sản xuất và có thể sẽ phải tìm cách mua thêm.

Theo báo cáo tình báo, kể từ tháng 9, Nga có thể đã phóng hàng trăm vũ khí tấn công Ukraine, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu quân sự chiến thuật và mạng lưới điện của Ukraine, cũng như các cơ sở y tế.

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh đề cập đến một loạt các cuộc tấn công do Nga phát động chống lại Ukraine bắt đầu vào tháng 10 sau khi một vụ nổ gây ra sự sụp đổ một phần của cây cầu quan trọng nối Nga với Crimea, làm hỏng một tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng của Nga.

Đáp lại, Nga đã giáng đòn mạnh vào Ukraine với các cuộc tấn công gần như hàng tuần trên toàn quốc. Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết các cuộc tấn công đến từ cái gọi là “máy bay không người lái kamikaze”, còn được gọi là máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất.

Tuần trước, Nga đã phát động một làn sóng tấn công vào các thành phố bao gồm Kyiv, Dnipro, Odesa và Kharkiv. Điều đó xảy ra hai ngày sau khi các lực lượng Nga tiến hành khoảng 90 cuộc không kích đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất vào Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

“Nga có thể phải hình thành chiến dịch mua sắm máy bay không người lái để bù đắp cho sự thiếu hụt trầm trọng hỏa tiễn hành trình, nhưng đường lối này đã đạt được thành công hạn chế. Hầu hết các máy bay không người lái được phóng đều đã bị vô hiệu hóa”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Ukraine đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất trong những tuần gần đây.

“Không có cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tấn công nào được báo cáo công khai kể từ ngày 17 tháng 11. Nga có thể đã gần cạn kiệt nguồn dự trữ hiện tại, nhưng có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp tiếp theo,” Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh cho biết. “Nga có thể mua máy bay không người lái từ nước ngoài nhanh hơn so với việc sản xuất hỏa tiễn hành trình mới trong nước”.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng cho rằng kho dự trữ hỏa tiễn của Nga đang cạn kiệt và chia sẻ một hình ảnh minh họa cho thấy kho hỏa tiễn chính xác cao của Nga tính đến ngày 18/11.

Tính đến ngày 18 tháng 11, Nga còn 8,476 hỏa tiễn trong tổng số 11,227 hỏa tiễn mà nước này có khi xâm lược Ukraine lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 2, theo minh họa về hỏa tiễn phóng từ mặt đất, phóng từ biển và phóng từ trên không của Nga.

Hình minh họa dựa trên đánh giá của Ukraine cho thấy con số 8,476 bao gồm thêm 664 hỏa tiễn được sản xuất trong suốt cuộc chiến.

Trong khi Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự từ phương Tây để chiến đấu chống lại các lực lượng Nga, thì Nga đã quay sang Iran để nhờ hỗ trợ trong bối cảnh tổn thất ngày càng gia tăng.

Max Bergmann, giám đốc Chương trình Âu Châu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi tắt là CSIS, nói với Newsweek rằng trong tương lai, Putin có thể sẽ phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của mỗi cuộc tấn công hỏa tiễn khi kho dự trữ hỏa tiễn của đất nước cạn kiệt.

“Mỗi khi người Nga sử dụng hỏa tiễn hành trình, họ có thể phải đặt ra câu hỏi liệu họ có thể thay thế hỏa tiễn hành trình mà họ vừa bắn hay không, trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, với các lệnh trừng phạt được đưa ra. Nhiều hỏa tiễn trong số này phụ thuộc vào các vi mạch và cảm biến của phương Tây và cần phải nhập khẩu”, Bergmann nói.

“Đó là câu hỏi của cả hai bên, họ có bao nhiêu hỏa tiễn dự trữ? Và họ có thể sản xuất bao nhiêu với khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế?”

Bergmann nói thêm: “Nga sẽ phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của các cuộc tấn công đó so với cái giá phải trả và với tính toán của mình tôi có thể dễ dàng thấy rằng họ phải ngừng lại”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

3. Thợ mỏ Ukraine được giải cứu sau cuộc tấn công của Nga

Gần 3,000 thợ mỏ đã được giải cứu ở Ukraine sau khi mất điện do các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này khiến họ bị mắc kẹt dưới lòng đất qua đêm.

Oleksandr Vilkul, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự thành phố Kryvyi Rih, cho biết các nỗ lực cấp cứu tại các mỏ ở khu vực trung tâm Dnipropetrovsk đã kết thúc vào đầu giờ sáng thứ Năm 24 tháng 11.

Người đứng đầu khu vực Valentyn Reznichenko cho biết “các đội cấp cứu đã có thể đưa gần 3,000 thợ mỏ lên mặt đất”. Ông nói thêm, đó là một đêm “căng thẳng” ở Dnipropetrovsk.

Reznichenko cho biết một nửa số gia đình trong khu vực đã có điện trở lại nhưng “mất điện sẽ tiếp tục giảm thiểu tải cho lưới điện”.

Một số bối cảnh: Một loạt cuộc không kích của Nga nhằm vào Ukraine hôm thứ Tư đã phá hủy các cơ sở quan trọng, bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở và khoa hộ sinh của bệnh viện, nơi một em bé sơ sinh đã thiệt mạng. Cuộc tấn công quy mô lớn cũng dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng ở Ukraine và nước láng giềng Moldova.

4. Đức cho biết yêu cầu của Ba Lan gửi hệ thống Patriot trực tiếp tới Ukraine phải được thảo luận với NATO

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh rằng việc sử dụng các hệ thống phòng thủ của NATO bên ngoài lãnh thổ của NATO cần phải được sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.

Tuyên bố của bà Lambrecht được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết hôm thứ Tư rằng Berlin nên gửi các hệ thống phòng không hỏa tiễn Patriot trực tiếp đến Ukraine thay vì đến biên giới giữa Ba Lan và Ukraine.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là Ba Lan có thể dựa vào các đồng minh để sát cánh bên nhau - ngay cả trong những thời điểm khó khăn - và đặc biệt là hiện nay Ba Lan đang ở vị trí dễ bị tổn thương”, Lambrecht nói với các phóng viên ở Berlin hôm thứ Năm.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ tuần tra trên không và đưa các hỏa tiễn Patriot đến biên giới Ba Lan và Ukraine. Các hệ thống Patriot là một phần trong hệ thống phòng không tích hợp của NATO, đó là lý do tại sao có thể đưa ra đề xuất này với Ba Lan,” Bộ trưởng nói thêm.

Lambrecht kết luận: “Những đề xuất khác với điều đó phải được thảo luận ngay bây giờ với NATO và với các đồng minh của chúng tôi.

Hôm thứ Hai, Đức đã đề nghị cung cấp cho Ba Lan các hệ thống chống hỏa tiễn, bao gồm cả hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot, để giúp Warsaw tăng cường năng lực phòng không sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn chết người vào lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine vào ngày 15 tháng 11.

5. Một tòa án Nga hôm thứ Tư đã gia hạn thêm sáu tháng thời gian giam giữ chính trị gia đối lập Ilya Yashin, người có nguy cơ bị bỏ tù 10 năm vì tố cáo Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine.

Ủy viên hội đồng thành phố Mạc Tư Khoa, 39 tuổi, đang bị truy tố như một phần của cuộc đàn áp chưa từng có đối với những người bất đồng chính kiến ở Nga, trong đó hầu hết các nhà hoạt động đối lập hoặc bị bỏ tù hoặc bị lưu đày.

Anh ta phải đối mặt với án tù 10 năm nếu bị kết tội.

Yashin phản đối cuộc xâm lược của Putin ngay từ ngày 24 tháng 2 và thường xuyên lên kênh YouTube của anh ấy, với 1.3 triệu người theo dõi, để lên án cuộc tấn công của đất nước mình và Ukraine.

Yashin khẳng định trước tòa rằng anh ta sẽ không bỏ trốn khỏi đất nước, nhưng thẩm phán đã gia hạn thời gian giam giữ anh ta thêm sáu tháng.

Tôi yêu đất nước của mình và để được sống ở đây, tôi sẵn sàng trả giá bằng sự tự do của mình,” anh ấy nói và nói thêm, “Tôi là một người Nga yêu nước,” AFP đưa tin.

Các công tố viên lập luận rằng Yashin nên bị giam giữ vì ông ta đã “gây thiệt hại đáng kể cho Nga” và “làm gia tăng căng thẳng chính trị trong chiến dịch quân sự đặc biệt” – là thuật ngữ của Nga cho cuộc xâm lược Ukraine.

Một trong những luật sư của nhà hoạt động đối lập, Vadim Prokhorov, nói rằng việc kéo dài thời gian giam giữ Yashin cho đến ngày 10 tháng 5 là trái pháp luật.

Phiên điều trần tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 11.

Yashin là đồng minh của thủ lĩnh phe đối lập đang bị bỏ tù Alexei Navalny và thân cận với ông Vladimir Nemtsov, một chính trị gia phe đối lập bị ám sát gần Điện Cẩm Linh vào năm 2015.

6. Putin nói việc áp đặt giá dầu sẽ có 'hậu quả nghiêm trọng'

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Năm rằng các kế hoạch của phương Tây nhằm áp đặt giá dầu sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” đối với thị trường năng lượng.

“Putin nhấn mạnh rằng những hành động như vậy đi ngược lại các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có khả năng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.”

Nhận xét của Putin được đưa ra khi các bộ trưởng năng lượng từ Liên minh Âu Châu tổ chức một cuộc họp bất thường hôm thứ Năm nhằm ngăn chặn hậu quả kinh tế do giá khí đốt tăng cao gây ra bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

7. Trao đổi 100 tù binh chiến tranh giữa Nga và Ukraine

Nga và Ukraine đã thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân hôm thứ Năm với tổng số 100 binh sĩ trở về nước của họ.

Theo các quan chức Nga và Ukraine, mỗi bên đã trao trả 50 binh sĩ bị bắt giữ sau các cuộc đàm phán.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov nói:

“Vào ngày 24 tháng 11, do kết quả của quá trình đàm phán, 50 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chế độ Kyiv kiểm soát. Họ là những người đang gặp nguy hiểm tính mạng khi bị giam cầm”

Những người lính sẽ được đưa đến Mạc Tư Khoa để điều trị và được cung cấp “sự hỗ trợ tâm lý và y tế cần thiết”, ông nói.

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Andrii Yermak, cho biết hai sĩ quan nằm trong số 50 binh sĩ được trao trả bị bắt trong các trận chiến ở Mariupol, Azovstal, nhà máy điện Chernobyl và Đảo Rắn.

“Chúng tôi tiếp tục làm việc để giải phóng tất cả người dân của chúng tôi khỏi bị giam cầm. Tôi rất biết ơn về công việc của Trụ sở Điều phối Đối xử với Tù nhân Chiến tranh. Chúng tôi sẽ trả lại tất cả mọi người,” ông nói trong một tuyên bố.

Trong hai ngày qua, 86 quân nhân Ukraine đã được trao trả và tổng cộng 1,269 người đã được thả từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine cho đến nay.
 
ĐTGM Ukraine: Quân Nga quá dã man pháo kích hàng loạt nhà thương, nhà thờ, cả đứa bé mới 2 ngày tuổi
VietCatholic Media
05:21 25/11/2022


1. Đức Tổng Giám Mục Ukraine bày tỏ lo buồn khi người Nga phóng hỏa tiễn vào các bệnh viện

Trong suy tư gửi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và tất cả những người thiện chí, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk cho biết ngài hết sức đau buồn khi người Nga phóng hỏa tiễn vào các cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là khi mùa Đông đang ập đến. Ngài càng đau buồn hơn khi người Nga tấn công vào các bệnh viện. Hôm 23 tháng 11, quân xâm lược đã pháo kích vào khoa hộ sinh của bệnh viện ở Vilniansk, vùng Zaporizhia, nơi một em bé sơ sinh mới hai ngày tuổi đã thiệt mạng. Cuộc tấn công quy mô lớn cũng đã làm nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng mất điện.

Tin tức trên các phương tiện truyền thông cho biết các bác sĩ Ukraine đã phải thực hiện phẫu thuật bằng đèn pin trong thời gian mất điện do cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn của Nga hôm thứ Tư.

Bác sĩ Borys Todurov, người đứng đầu các dịch vụ y tế tại Viện Tim Kyiv, đã đăng một video lên Instagram mà ông nói rằng các bác sĩ đeo đèn pha khi họ thực hiện ca phẫu thuật tim cho một đứa trẻ.

Bác sĩ Todurov cho biết cuộc phẫu thuật đang được tiến hành thì mất điện. Ông nói thêm rằng bệnh viện “không có nước trong vài giờ”.

Giám đốc Bệnh viện Mechnikova ở khu vực trung tâm Dnipropetrovsk cho biết “hàng chục bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đang ở trên bàn phẫu thuật” khi đèn tắt. “Các bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật đã bật đèn pha để cứu từng người trong số họ”

Bác sĩ Ryzhenko đã đăng một bức ảnh chụp hai bác sĩ mà ông cho là đang phẫu thuật cho một thanh niên 23 tuổi. “Các bác sĩ Yaroslav Medvedyk và Kseniya Denysova cùng với các đồng nghiệp của họ đang thực hiện một ca phẫu thuật nguy hiểm thì mất điện. Nó xảy ra lần đầu tiên sau 35 năm hành nghề của Yaroslav. Các dây thần kinh căng thẳng, nhưng bệnh nhân… đã vượt qua được”.

Đức Tổng Giám Mục đã dâng lên lời cầu nguyện sau: Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine! Xin Chúa chúc lành cho quân đội của chúng con! Xin Chúa chữa lành vết thương của chúng con! Xin Chúa gửi đến Chúa Thánh Thần của Chúa, Đấng sẽ chạm vào nỗi đau của chúng con, Đấng sẽ dạy chúng con tất cả sự thật. Bởi vì Ngài đã nói với các môn đệ của Ngài: “Ta sẽ sai Thánh Thần đến và Ngài sẽ dạy dỗ các ngươi mọi điều, và ghi nhớ lại tất cả những gì Ta đã nói với các ngươi.” Hãy để Thần Chân lý đó luôn là người thầy bên trong của chúng ta về Trí tuệ Thiêng liêng. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine với hòa bình thiên đường của Ngài!

Cầu chúc phước lành của Chúa ở trên anh chị em qua ân sủng và tình yêu của Ngài đối với nhân loại, luôn luôn, bây giờ và mãi mãi, và cho đến thiên thu vạn đại. Amen.

Vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô!

2. Sau khi thiếu bột ngừng sản xuất, các nữ tu báo cáo sức mạnh từ thiên đường

Sau khi đối mặt với tình trạng khan hiếm bột trầm trọng, các tu sĩ Cát Minh Nhặt Phép ở Cuba đã cố gắng sản xuất bánh thánh một lần nữa: “Đấng hóa bánh ra nhiều đã thể hiện quyền năng của mình bằng cách làm cho bột ra nhiều”.

Đầu tháng này, vào ngày 2 tháng 11, các nữ tu Cát Minh Nhặt Phép ở Havana, Cuba, báo cáo rằng họ đã hết bột mì để sản xuất bánh thánh, vì sự khan hiếm lại tấn công quốc gia Caribe một lần nữa.

Như Pablo Cesio đã giải thích trong bài báo của ông cho ấn bản Aleteia bằng tiếng Tây Ban Nha, Tu viện Cát Minh Nhặt Phép ở Santa Teresa sản xuất hầu hết tất cả Bánh Thánh được mọi giáo phận trên đảo sử dụng – nếu không muốn nói là tất cả. Và mặc dù việc cung cấp bột mì thường xuyên từ lâu đã là một vấn đề trong nước, như một phần của cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài, các nữ tu bằng cách nào đó đã xoay sở để duy trì hoạt động sản xuất của các chị.

Một tuyên bố được Vida Cristiana đăng trên Facebook thông báo rằng, khi tin tức về việc họ hết bột lan truyền nhanh, các nữ tu đã nhận được sự đóng góp bất ngờ từ khắp mọi nơi.

Tuyên bố của các sơ viết “Điều ấn tượng về tất cả những điều này là có rất nhiều người thiện chí, giống như bà góa trong Phúc âm, đã đóng góp ít hay nhiều để công việc của chúng tôi có thể tiếp tục. Chúng tôi đã nhận được sự đóng góp bột mì từ các làng, cơ quan và tổ chức lân cận, Miami, Puerto Rico, Tây Ban Nha, và chúng tôi cũng nhận được khoản phân bổ thông thường của chính phủ. Đấng hoá bánh ra nhiều đã thể hiện quyền năng của mình với việc nhân ra nhiều bột mì.”

Các nữ tu kết thúc tuyên bố tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục công việc của mình để phục vụ các tín hữu Cuba “càng sớm càng tốt”.
Source:Aleteia

3. Chuẩn bị Hang đá Giáng Sinh tại Quảng trường thánh Phêrô

Hang đá máng cỏ Giáng Sinh sẽ đưa tới và bố trí tại Quảng trường thánh Phêrô vào ngày 03 tháng Mười Hai tới đây, từ làng Sutrio ở Carnia miền Udine, đông bắc Ý.

Năm nay đến lượt dân địa phương ở Sutrio nhận làm hang đá ở thủ đô Giáo hội, gồm 18 pho tượng được xếp trên một diện tích 116 mét vuông, và được chiếu soi bằng 50 điểm sáng.

Công trình này do một toán thợ thủ công bằng gỗ ở miền Friuli Venezia Giulia, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Stefano Comelli, Giám đốc nghệ thuật của dự án, linh mục Gianni Bordin và nhiều người khác, trong đó có cả nghệ nhân người Ukraine, ông Oleksander Shteyninher, ở Ý từ năm 1999.

Năm 2020, Phủ Thống đốc quốc gia thành Vatican đã đón nhận sự sẵn sàng của làng Sutrio thực hiện hang đá Giáng Sinh ở Quảng trường thánh Phêrô. Trong hai năm qua, 18 nghệ nhân đã sáng tác 18 pho tượng hang đá Giáng Sinh. Tổng cộng các tượng hang đá này nặng 16, 8 tấn. Hang đá được trưng ở Quảng trường thánh Phêrô cho đến lễ Chúa Hiển Linh, ngày 06 tháng Giêng năm tới, 2023.

Trước kia, Phủ Thống đốc thành Vatican mỗi năm chi nửa triệu Euro cho việc thực hiện hang đá Giáng Sinh tại Quảng trường thánh Phêrô, nhưng từ khi có chương trình cải tổ và tiết kiệm chi phí cho hang đá, nhiều nơi đã tình nguyện thực hiện các hang đá để giới thiệu nghệ thuật và miền của địa phương họ và Vatican thường chỉ phải chi khoảng vài chục ngàn Euro cho các công trình này.

4. Đức Hồng Y Sandri, người nổi tiếng nhất trong các Hồng Y Á Căn Đình, nghỉ hưu

Ở tuổi 79, Đức Hồng Y người Á Căn Đình Leonardo Sandri sẽ thôi giữ chức vụ đứng đầu Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương vào tháng Giêng tới đây, sau khi đứng đầu bộ này trong 15 năm qua. Ngài vẫn tiếp tục là thành viên của một số Bộ khác.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri là một nhà ngoại giao rất có kinh nghiệm, từng là sứ thần tại Mễ Tây Cơ và Venezuela. Ngài cũng chịu trách nhiệm thông báo cái chết của Đức Gioan Phaolô II với thế giới vào tháng 4 năm 2005.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, sinh ngày 18 tháng 11 năm 1943, là Hồng Y từ tháng 11 năm 2007 và là phó niên trưởng Hồng Y đoàn kể từ tháng Giêng năm 2020. Ngài là bộ trưởng Bộ Giáo hội Đông phương từ năm 2007 đến năm 2022, phụ trách 22 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh. Ngài phục vụ trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ 1974 đến 1991 trong một số nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm cả với tư cách là quan sát viên thường trực của Tòa thánh trước Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu từ 1989 đến 1991, và ở Rôma với tư cách là Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong các vấn đề chung từ 1999 đến 2007.

Hôm 21 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, hiện là Sứ thần Tòa Thánh tại Anh quốc, làm tân Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, kế nhiệm Đức Hồng Y Leonardo Sandri.

Đức Tổng Giám Mục Gugerotti, người Ý, năm nay 67 tuổi, thuộc tu hội Cha Nicola Mazza, thụ phong linh mục cách đây 40 năm (1982), tốt nghiệp ngôn ngữ và văn chương Đông phương tại Đại học “Cà Foscari” ở Venezia, và đậu Cử nhân phụng vụ tại Giáo hoàng Học viện thánh Anselmo, và Tiến sĩ các khoa Giáo hội Đông phương tại Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Roma.

Cha từng phục vụ tại Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, từ năm 1985, và 12 năm sau được thăng Phó Tổng thư ký Bộ này từ năm 1997 và năm 2002, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh, bắt đầu tại Cộng hòa Georgia, Armeni, và Azerbaijan, rồi năm 2011, được Đức Bênêđíctô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Belarus, và từ hai năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Anh quốc.
 
Đại tá Nga bị bắt tại trận trong hoàn cảnh thật khôi hài. Âm mưu trừ khử Putin của giới tinh hoa Nga
VietCatholic Media
15:25 25/11/2022


1. Đại tá Nga bị bắt tại trận trong hoàn cảnh thật khôi hài

Chỉ số tham nhũng hay Corruption Perceptions Index, gọi tắt là CPI, của Nga là 138. Để so sánh, chỉ số CPI của Việt Nam là 87. Nói cách khác, ở Nga tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành còn cao hơn cả Việt Nam. Lệnh động viên của Putin vào cuối tháng 9 vừa qua là cơ hội làm giầu cho bọn quan chức Nga.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Colonel Arrested After Demanding Washing Machine Bribe”, nghĩa là “Đại tá Nga bị bắt sau khi đòi hối lộ một chiếc máy giặt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một sĩ quan Nga đã đưa ra một yêu cầu kỳ lạ đối với một nhân viên quân đội được giao nhiệm vụ tuyển mộ nhập ngũ cho quân đội Nga.

Đại tá Ivan Mertvishchev nói với sĩ quan tuyển mộ nhập ngũ ở quận Remanki, phía tây Mạc Tư Khoa rằng ông sẽ kiểm tra toàn bộ hồ sơ tuyển mộ nhập ngũ của anh ta trong đợt nhập ngũ mùa thu bắt đầu vào ngày 1 tháng 11. Tờ Kommersant của Nga đưa tin hôm thứ Ba rằng vị đại tá nói rằng ngay cả khi anh chàng sĩ quan này làm ăn đứng đắn không nhận hối lộ của ai, tất cả các tài liệu đều không có tì vết nào, ông ta cũng sẽ tìm ra những sơ hở để truy tố anh chàng sĩ quan ra trước tòa án quân sự.

Tuy nhiên, Mertvishchev nói rằng ông sẽ báo cáo lên cấp trên quy trình này không có vấn đề gì nếu được tặng một chiếc máy giặt trị giá không dưới 70,000 rúp hay 1,153 Mỹ Kim. Yêu cầu này đã khiến anh chàng sĩ quan tuyển mộ nhập ngũ gửi đơn khiếu nại lên cục tình báo quân đội.

Chiếc máy giặt đã được mua nhưng khi Đại Tá Mertvishchev đến nhận chiếc máy giặt mang về cho vợ, anh ta đã bị bắt và bị buộc tội nhận hối lộ và tống tiền, và anh ta đã phải nhận tội. Theo tờ Kommersant, viên Đại Tá đã xuất hiện trước Tòa án Quân sự Garrison số 235 của Mạc Tư Khoa và bị quản thúc tại gia trong hai tháng.

Việc gọi nhập ngũ mùa thu ở Nga đã bị trì hoãn một tháng và không nằm trong đợt huy động bán phần do Vladimir Putin công bố vào tháng 9, nhằm mục đích tăng quân số ít nhất 300,000 người cho cuộc xâm lược Ukraine đang bị khựng lại của ông ta.

Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết vào đầu tháng này rằng không ai trong số 120,000 tân binh ước tính trong đợt nhập ngũ mùa thu sẽ được cử tham gia cái mà Điện Cẩm Linh gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Dự thảo mà Putin công bố vào ngày 21 tháng 9 chính thức kết thúc vào ngày 31 tháng 10 đã bị chỉ trích rộng rãi với các báo cáo về việc thiếu trang thiết bị và huấn luyện cho quân đội.

Putin bảo vệ việc huy động nhưng việc thực hiện hỗn loạn của nó đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp đất nước và một cuộc di cư khỏi Nga của hàng trăm nghìn người muốn tránh bị gửi đi chiến đấu ở Ukraine.

Putin cho biết đã kết thúc đợt động viên vào cuối tháng 10, nhưng vẫn chưa thu hồi một nghị định chính thức cung cấp cơ sở pháp lý cho lệnh động viên này. Điều này làm dấy lên suy đoán giữa các blogger quân sự Nga và nhiều nhà phân tích rằng Điện Cẩm Linh đang để ngỏ các lựa chọn cho một làn sóng huy động khác.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Putin, Dmitry Peskov hôm thứ Hai nói rằng không có cuộc thảo luận nào ở Điện Cẩm Linh về một lệnh động viên tiếp theo, mặc dù ông nói thêm, “Tôi không thể nói thay cho Bộ Quốc phòng.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

2. Cựu quan chức Ukraine cho rằng giới tinh hoa Nga đang thảo luận bí mật để loại bỏ Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Elites in Secret Talks to Get Rid of Putin: Ex-Ukraine Official”, nghĩa là “Cựu quan chức Ukraine cho rằng giới tinh hoa Nga đang thảo luận bí mật để loại bỏ Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Một cựu ngoại trưởng Ukraine cáo buộc rằng một nhóm người xung quanh Vladimir Putin đang ngấm ngầm thảo luận cách lật đổ tổng thống Nga khỏi quyền lực trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang diễn ra.

Trong một ý kiến được xuất bản hôm thứ Ba bởi The New Voice of Ukraine, Volodymyr Ohryzko đã viết rằng đang có các cuộc đàm phán bí mật với chủ đích loại bỏ Putin và bảo vệ lợi ích của những người tham gia.

Ohryzko viết: “Rất nhiều điều đang được thực hiện sau lưng Putin, điều mà tất nhiên là ông ấy không được thông báo. Nhưng một nhóm người đứng về phía Putin hoặc chống lại Putin cách này cách khác không thành vấn đề, những người sẽ mất rất nhiều từ tình hình cực kỳ thảm khốc hiện nay đối với Nga, chắc chắn sẽ nghĩ cách đánh đổi Putin để lấy an ninh của họ, để bảo vệ lợi ích tài chính, và để trở lại cuộc sống thiên đường trước đây của họ ở phương Tây.”

Ohryzko, người từng là ngoại trưởng Ukraine từ năm 2007 đến 2009, nói thêm rằng ông “tin chắc rằng những cuộc đàm phán kín này đã diễn ra trong một thời gian dài.”

Newsweek không thể xác minh độc lập các tuyên bố và đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xác nhận và bình luận.

Mặc dù các quan chức Nga và các phương tiện truyền thông nhà nước phần lớn đưa ra quan điểm tích cực về Putin và cuộc xung đột Ukraine, nhưng một số cá nhân và nhóm bên ngoài nước Nga đã gợi ý rằng triển vọng có thể không tươi sáng như vậy ở hậu trường. Vào tháng 3 năm nay, chưa đầy một tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2, cơ quan tình báo quân đội Ukraine đã cáo buộc rằng giới tinh hoa Nga đang lên kế hoạch loại bỏ quyền lực của Putin do hậu quả của cuộc xâm lược bị lên án rộng rãi.

Vào tháng 5, một hãng tin độc lập của Nga đưa tin rằng ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp ưu tú của Nga không hài lòng với Putin và cuộc chiến. Báo cáo cho biết quyết định xâm lược Ukraine “khiến hầu hết các quan chức cấp bộ và Điện Cẩm Linh kinh hoàng, họ sợ rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ hủy hoại sự nghiệp và thậm chí có thể là tính mạng của họ”.

Ohryzko trước đây đã dự đoán về sự sụp đổ của Putin kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Đầu tháng này, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài NV của Ukraine rằng “các quan điểm đối với Putin là rất tiêu cực.”

“Bây giờ chúng ta không thể dự đoán khi nào chế độ putin sẽ sụp đổ, nhưng nó sẽ xảy ra. Và nó sẽ sụp đổ do nhiều hoàn cảnh,” ông nói.

Vào tháng 10, phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov nói với Newsweek trong một tuyên bố được Điện Cẩm Linh chia sẻ rằng bất kỳ suy đoán nào cho rằng việc nắm giữ quyền lực của tổng thống Nga có thể gặp nguy hiểm do thất bại trong chiến tranh và sự không trung thành giữa các đồng minh của ông là “không đúng sự thật”.

3. Nhóm Phản Chiến Cho Biết Putin 'Trốn Tránh' Các Bà Mẹ Và Vợ Lính Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin 'Hiding' from Mothers and Wives of Russian Soldiers—Anti-War Group”, nghĩa là “Nhóm Phản Chiến Cho Biết Putin 'Trốn Tránh' Các Bà Mẹ Và Vợ Lính Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một nhóm phản chiến đã tuyên bố rằng tổng thống Vladimir Putin đang “trốn tránh” các bà mẹ và vợ của những người lính Nga được gửi đến chiến đấu ở Ukraine theo lệnh động viên bán phần của ông ta.

Hội đồng các bà mẹ và vợ của những người lính được huy động, một phong trào của quần chúng, đang yêu cầu ông Putin gặp gỡ các thành viên sau khi Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Nga sẽ nói chuyện với mẹ của những người đàn ông được gọi nhập ngũ trong tuần này.

Các nhà lãnh đạo của tổ chức cho biết không có bà mẹ nào từ Hội đồng các bà mẹ và những người vợ được mời tham dự sự kiện mà các nguồn tin từ Điện Cẩm Linh cho biết dự kiến diễn ra vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 11, Ngày của Các Bà Mẹ ở nước này.

Đáp lại, Olga Tsukanova, một nhà hoạt động của hội đồng và là mẹ của một lính nghĩa vụ từ vùng Samara của Nga, đã phát hành một đoạn video hỏi Putin: “Vladimir Vladimirovich, ông có phải là đàn ông không hay là thứ gì?”

Cô hỏi tổng thống liệu ông có đủ can đảm để gặp gỡ hội đồng “công khai” và với những phụ nữ “không được lựa chọn kỹ càng”.

“Ông có đủ can đảm để nhìn vào mắt chúng tôi—một cách cởi mở, trong một cuộc gặp gỡ với những phụ nữ không phải do ông tự tay chọn không? Những người phụ nữ không ở trong túi của ông, mà là những người mẹ thực sự đã đến đây từ các thành phố khác nhau bằng chi phí của họ để gặp ông?” Tsukanova nói.

“Chúng tôi đang ở đây, tại Mạc Tư Khoa, và chúng tôi sẵn sàng gặp ông. Chúng tôi mong đợi một câu trả lời từ ông. Ông sẽ tiếp tục trốn tránh chúng tôi đến bao lâu nữa?”

Tờ báo Vedomosti của Nga đã trích dẫn ba nguồn tin giấu tên của điện Cẩm Linh trong một bài báo nói rằng ông Putin sẽ gặp các bà mẹ của những người lính nhập ngũ.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov sau đó đã xác nhận thông tin đó. “Thật vậy, một cuộc gặp như vậy đã được lên kế hoạch, chúng tôi có thể xác nhận,” Peskov nói. “Một cuộc họp như vậy đang được chuẩn bị.”

Ông không nói rõ thời gian và địa điểm nhưng cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra trong tuần này.

“Tổng thống thường tổ chức các cuộc họp như vậy, không phải tất cả đều công khai. Trong mọi trường hợp, tổng thống nhận được thông tin trực tiếp về tình hình thực sự của sự việc”, ông Peskov nói thêm.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng ông Putin đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng đối với cuộc chiến của ông ở Ukraine từ gia đình các binh sĩ Nga.

Hội đồng các bà mẹ và những người vợ trên kênh Telegram kêu gọi các thành viên “cùng nhau hành động” để “bảo vệ mạng sống của con trai chúng ta”.

“Không ai sẽ giúp chúng ta. Tất cả đều nằm trong tay chúng ta”

Layout, một ấn phẩm độc lập của Nga, cũng đã đăng trên Telegram rằng đại diện của hội đồng và một nhóm khác, Ủy ban các bà mẹ của quân nhân, đã không được mời tham dự cuộc họp của Putin.

Theo nguồn tin này, Điện Cẩm Linh muốn tạo ra một “phong trào yêu nước của các bà mẹ” nhằm kiểm soát và ngăn chặn một cuộc biểu tình từ thân nhân các quân nhân.

Layout trích dẫn một nguồn giấu tên thân cận với Điện Cẩm Linh nói rằng Putin tin rằng hiệp hội các bà mẹ do Điện Cẩm Linh thành lập sẽ bình luận tích cực về tình hình, không có “những gây hấn không cần thiết” và đồng thời đề cập đến “những thành công của giới lãnh đạo quân sự”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.

4. Tướng Mỹ về hưu dự đoán giai đoạn mới của cuộc chiến Ukraine sẽ diễn ra như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Retired U.S.General Predicts How New Phase of Ukraine War Will Unfold”, nghĩa là “Tướng Mỹ về hưu dự đoán giai đoạn mới của cuộc chiến Ukraine sẽ diễn ra như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu tướng chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Âu Châu đã nói rằng Nga sẽ cố gắng tạm dừng giao tranh ở Ukraine để quân đội của họ có thể tập hợp lại.

Mark Hertling nhận định rằng cuộc xung đột hiện đang bước vào giai đoạn thứ tư. Giai đoạn đầu tiên liên quan đến ý định ban đầu của Nga là thực hiện thay đổi chính quyền ở Kyiv và kiểm soát các cảng trên Hắc Hải và Biển Azov.

Giai đoạn thứ hai bao gồm cuộc giao tranh của cả hai bên để gây tổn thất nhân sự, thiết bị và đạn dược cho đối phương, trong khi giai đoạn thứ ba chứng kiến lực lượng Ukraine đang thắng thế.

Tướng Hertling nói rằng hiện nay Mạc Tư Khoa đang tìm cách tạo ra một “cuộc xung đột đóng băng” theo kịch bản họ đã làm ở Transnistria, một nước cộng hòa do Nga thống trị không được công nhận trong lòng quốc gia Moldova, và các nước cộng hòa ly khai tương tự không được công nhận của Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia.

Tướng Hertling cảnh báo rằng việc chấm dứt chiến sự có thể cho phép Nga “xây dựng lại lực lượng và tấn công trở lại” và rằng phương Tây “không nên mắc mưu này”.

Ông nói rằng Mạc Tư Khoa “không được phép” tạo ra một cuộc xung đột đóng băng khác bằng “những nỗ lực gian xảo trong việc ngừng bắn”.

“Ukraine sẽ giành được chiến thắng trong cuộc chiến này, giành lại lãnh thổ và chủ quyền của họ. Nhưng còn rất nhiều cuộc chiến phía trước,” ông nói.

Tướng Hertling, người chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp số 1 và Lực lượng Đặc nhiệm Sư đoàn Đa quốc gia phía Bắc Iraq trong đợt tăng quân từ năm 2007 đến 2008, cũng dự đoán rằng Iran, nước đang cung cấp máy bay không người lái và hỏa tiễn cho lực lượng Nga, sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Mạc Tư Khoa.

Trong khi đó, các lực lượng của Mạc Tư Khoa sẽ tập trung vào việc “tiếp tục phá hủy” cơ sở hạ tầng của Ukraine và “sự đau khổ của người dân Ukraine như một mục tiêu chiến lược để đạt được những nhượng bộ”.

“Tinh thần của Ukraine sẽ bị thử thách” với các cuộc tấn công liên tục của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự nhưng đất nước này sẽ kiên trì”.

Sau khi Nga rút quân khỏi Kherson, Tướng Hertling tin rằng lực lượng của Ukraine “sẽ dần phát triển về năng lực” mặc dù việc tiếp tục cơ động về phía đông sông Dnipro và vào vùng Donbas do Nga chiếm đóng “sẽ chứng tỏ là một cuộc chiến khó khăn hơn nhiều”.

Ông nói rằng các lực lượng vũ trang Ukraine phải đối mặt với các cuộc giao tranh ở phía đông và phía nam đất nước sẽ “khó khăn hơn” do địa hình phức tạp hơn, đường tiếp tế dài hơn và vấn đề trang bị vũ khí và chiến thuật mới.

Nhận xét của Tướng Hertling được đưa ra khi Petro Kotin, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân Energoatom, cảnh báo về hậu quả của các cuộc tấn công liên tục của Nga nhằm vào các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, và nói rằng các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra “thảm họa hạt nhân và phóng xạ”.

Một ngày trước đó, các quan chức Ukraine cho biết ba nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ do lực lượng Ukraine kiểm soát đã bị tắt sau đợt tấn công hỏa tiễn mới nhất của Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

5. Thư của FSB bị rò rỉ cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công Nhật Bản vào năm 2021

Một tài liệu mật của cơ quan đặc vụ Nga, gọi tắt là FSB, đang gây xôn xao tại Nhật Bản. Tờ Newsweek có bài tường trình về biến cố này nhan đề “Russia Planned To Attack Japan in 2021: Leaked FSB Letters”, nghĩa là “Thư của FSB bị rò rỉ cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công Nhật Bản vào năm 2021.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang chuẩn bị tấn công Nhật Bản vào mùa hè năm 2021, vài tháng trước khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, một email từ một người tố giác về một bức thư của Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, được chia sẻ với Newsweek, đã tiết lộ như trên.

Email, đề ngày 17 tháng 3, được gửi bởi đặc vụ, bí danh Wind of Change hay Làn gió thay đổi, đã được gởi tới Vladimir Oschkin, một nhà hoạt động nhân quyền người Nga, người điều hành trang web chống tham nhũng Gulagu.net, và hiện đang sống lưu vong ở Pháp.

Đặc vụ FSB thường xuyên viết các tin tức cho Osechkin, tiết lộ sự tức giận và bất mãn trong quân đội về cuộc chiến bắt đầu khi Putin xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2.

Igor Sushko, giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu Wind of Change, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, đã dịch thư từ tiếng Nga sang tiếng Anh kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 4 tháng 3. Ông đã chia sẻ đầy đủ tất cả các email cho Newsweek, bao gồm cả bản tóm tắt ngày 17 tháng 3.

Một lá thư do người tố giác viết và được công bố bởi Osechkin, đã được phân tích bởi Christo Grozev, một chuyên gia về FSB. Anh ấy nói rằng anh ấy đã đưa bức thư cho “hai đầu mối liên hệ thực tế (hiện tại hoặc trước đây) của FSB”, những người này “không nghi ngờ gì về việc nó được viết bởi một đồng nghiệp”.

Vào tháng 8 năm 2021, Nga “đang chuẩn bị khá nghiêm túc cho một cuộc xung đột quân sự cục bộ với Nhật Bản,” đặc vụ này cho biết trong một email gửi cho Osechkin vào tháng Ba.

Đặc vụ FSB gợi ý rằng thay vào đó, Nga đã chọn xâm lược Ukraine vài tháng sau đó.

“Niềm tin rằng các quốc gia sẽ bước vào giai đoạn đối đầu gay gắt và thậm chí là chiến tranh là rất cao. Tại sao cuối cùng Ukraine lại bị chọn thì để những người khác trả lời,” họ viết.

Người tố giác đã nêu chi tiết các chuyển động của máy bay trực thăng tác chiến điện tử nhắm vào Nhật Bản, trong khi bộ máy tuyên truyền của Nga cũng được khởi xướng, với nỗ lực rất lớn để gán cho Nhật Bản là “Đức quốc xã” và “phát xít”.

Quần đảo Kuril

Một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Thế chiến II chưa bao giờ được Nga và Nhật Bản ký kết, phần lớn là do tranh chấp về một nhóm đảo do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng bị Nga chiếm đóng.

Các đảo Kunashiri, Etorofu, Shikotan và Habomai của chuỗi đảo Kuril đã bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến II. Tokyo tuyên bố quần đảo này là “Lãnh thổ phía Bắc” của mình và vấn đề này đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

Theo đặc vụ FSB, “chướng ngại vật chính” giữa Mạc Tư Khoa và Tokyo là quần đảo Kuril.

Do nằm giữa hòn đảo lớn Hokkaido của Nhật Bản và Bán đảo Kamchatka của Nga, quần đảo mang lại một số lợi ích về quân sự và chính trị.

“Đối với Nhật Bản, có một nền tảng địa chính trị hiện đại của họ ở đây: vị thế là kẻ thua cuộc trong Thế chiến II vẫn ngăn cản người Nhật có một lực lượng quân sự chính thức, một cơ quan tình báo nước ngoài và một số thứ khác. Đối với Đất nước Mặt trời mọc, sự trở lại của Quần đảo Kuril thực sự có nghĩa là sửa đổi hoặc thậm chí hủy bỏ tình trạng thời hậu chiến của Nhật”

Trong khi đó, đối với Mạc Tư Khoa, quần đảo này là “con bài mặc cả”

“Trung Quốc coi bất kỳ nỗ lực sửa đổi nào đối với các thỏa thuận sau chiến tranh là rất tiêu cực, và một chiến thắng tiềm năng cho Tokyo trong tranh chấp về quần đảo Kuril là điều không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh. Trung Quốc không thể chấp nhận được việc quần đảo này được trao trả cho Nhật Bản đến mức Bắc Kinh có thể làm phức tạp cuộc sống của Nga khi một biến cố như vậy xảy ra”.

Người tố cáo lưu ý rằng cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào thời điểm đó đã nhấn mạnh vào việc cố gắng “đàm phán” với Nga về vấn đề quần đảo Kuril và cải cách cơ quan tình báo của nước này.

Họ viết: “Trong lịch sử, tình báo quân sự của Nhật Bản luôn ở mức cao, nhưng sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, nó chỉ đơn giản là bị bãi bỏ theo lệnh của những người chiến thắng.”

Vào tháng 8 năm 2021, FSB đã giải mật thông tin về cách các công dân Liên Xô bị lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản tra tấn trong Thế chiến thứ hai.

Người tố giác FSB nói rằng cơ quan này được giao nhiệm vụ phát động một “chiến dịch thông tin chống lại Nhật Bản trong xã hội Nga”.

“Nó xảy ra đột ngột, rất đột ngột và gần như bất ngờ”.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Nga và Nhật Bản để bình luận.
 
World Cup và GH tại Qatar. Nigeria sắp thành Afghanistan thứ hai. Na Uy liên tục gia tăng tín hữu
VietCatholic Media
17:21 25/11/2022


1. Trong khi thế giới chú ý đến Qatar, nhà thờ địa phương vẫn bị lu mờ

Theo Open Doors – tổ chức chuyên giám sát cuộc đàn áp Kitô giáo trên thế giới - “các cộng đồng Kitô giáo được ghi danh chính thức tiếp tục bị che giấu khỏi dân chúng nói chung.”

Hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ đổ dồn về Qatar để chứng kiến Giải vô địch túc cầu thế giới mà tiểu vương quốc nhỏ bé này tổ chức từ Chúa Nhật vừa qua cho đến ngày 18 tháng 12.

Open Doors lưu ý rằng, bất chấp bầu không khí lễ hội mà đất nước đang trải qua trong những tuần này, thực tế của Giáo Hội Công Giáo bản xứ thật đáng lo ngại. “Khách du lịch được khuyến khích đến thăm các viện bảo tàng, di sản văn hóa và trung tâm mua sắm của Qatar, nhưng có một điều họ sẽ không thể làm là đến thăm một nhà thờ.”

Tổ chức chuyên giám sát cuộc đàn áp Kitô giáo trên khắp thế giới nêu bật tình hình bất thường mà các Kitô hữu Qatar đang phải đối mặt. “Cộng đồng Kitô giáo sôi nổi của đất nước đã hoàn toàn bị che giấu.” “Một số ít người Qatar cải đạo không có giấy phép chính thức để gặp gỡ hoặc cử hành việc thờ phượng Kitô giáo. Bỏ đạo Hồi để chuyển sang tín ngưỡng khác bị coi là bội giáo và bị trừng phạt bằng cái chết theo luật Hồi giáo Sharia. Ngoài ra, những tín hữu này phải đối mặt với áp lực cực độ từ gia đình của họ và những thành viên còn lại trong cộng đồng của họ”

Qatar được xếp hạng thứ 18 trong ấn bản mới nhất của Danh sách theo dõi toàn cầu của Open Doors. Theo tổ chức này, các nhà thờ Kitô Giáo đã được nhà nước chính thức công nhận và đăng ký đều nằm trong khu phức hợp Mesaymeer ở Doha. Họ nói: “Đó là một nơi dành cho những người theo đạo Kitô, là một phần của cộng đồng người nước ngoài và những du khách không theo đạo Hồi cũng được phép vào”.

Open Doors cho biết: Mục đích của Mesaymeer là thúc đẩy đối thoại liên tôn. “Đó là một cử chỉ đẹp. Tuy nhiên, hiện nay nó đã quá bão hòa. Đã đến lúc những người theo đạo Kitô ở Qatar có thể tự do hội họp: việc thể hiện quyền tự do tôn giáo là một phần của quyền cơ bản và không phải là điều gì đó có thể che giấu như thể đó là điều gì đó đáng xấu hổ”

Như đã xảy ra ở nhiều quốc gia khác, đại dịch cũng đã ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo ở Qatar. Open Doors cho biết: “Vào năm 2020, với đại dịch Covid-19, chính phủ đã gửi thông báo tới tất cả các nhà thờ nói rằng các cuộc tụ tập bên ngoài khuôn viên đều bị cấm,”

“Điều đó đã khiến hơn 100 nhà thờ không được phép thực hành đức tin của họ. Giờ đây, khi đại dịch đã lắng xuống và đất nước một lần nữa cởi mở hơn, các nhà thờ vẫn tiếp tục hoạt động mà không nhận được giấy phép mở cửa trở lại. Có một số dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi, nhưng nó đã không xảy ra”.
Source:evangelicodigital.com

2. Giáo Hội Công Giáo Na Uy liên tục gia tăng tín hữu

Đức Cha Erik Varden, Giám mục Giám hạt Trondheim ở miền Bắc Na Uy nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại nước này liên tục gia tăng số tín hữu vì làn sóng những người di dân, đặc biệt từ Ba Lan và Lituani, nhưng vẫn còn những cuộc trở lại đạo.

Số người Công Giáo tại Na Uy tăng từ 95,650 tín hữu trong năm 2015 lên 160.800 người trong năm 2019.

Đức Cha Varden là một người Na Uy từ Tin lành Luther trở lại Công Giáo năm 1993 và ngài là một linh mục Đan sĩ dòng Xitô Nhặt phép bên Anh quốc trong 17 năm, trước khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm cai quản Giám hạt Trondheim hồi năm 2019. Giám hạt này chỉ có 16,000 tín hữu Công Giáo trên tổng số 722,000 dân cư.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho National Catholic Reporter ở Mỹ, Đức Cha cho biết trong quá khứ, các tín hữu Kitô ở Na Uy trở lại Công Giáo nhưng nay phần lớn họ là những người không tín ngưỡng. Sự khám phá Giáo Hội Công Giáo trùng hợp với sự khám phá đức tin.

Đức Cha nói rằng trong việc mục vụ, ngài đặc biệt chú trọng đến việc giảng thuyết để dân chúng biết rõ hơn về kho tàng đức tin và ngài cảm thấy được khích lệ khi thấy nhiều người muốn tìm hiểu thêm về đức tin và gặp gỡ mầu nhiệm trong các cử hành phụng vụ nghiêm trang. Đức Cha cũng đặc biệt quan tâm đến việc mục vụ cho người trẻ, các sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ.

3. Đức Giám Mục cảnh báo Nigeria không được trở thành Afghanistan tiếp theo

Đức Giám Mục Jude Arogundade của Ondo, Nigeria, đã cảnh báo các chính trị gia Anh trong một cuộc họp ở Westminster, rằng đất nước của ngài có nguy cơ bị “thống trị như trường hợp của Afghanistan” nếu không có hành động quyết đoán chống lại các nhóm khủng bố và các nhà tài trợ cho họ”.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria đã nhiều lần lên tiếng phản đối tình trạng mất an ninh chưa từng có ở Nigeria nhưng không có kết quả,” ngài nói trong một bài phát biểu, đồng thời cho biết thêm rằng các Kitô hữu ở nước này có nguy cơ bị diệt chủng. “Chúng tôi đã tuần hành vì cuộc sống, phản đối và thậm chí kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari từ chức nếu ông ấy không có khả năng hoàn thành mục đích cơ bản của chính phủ - là bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của công dân. Dù chúng tôi đã làm mọi thứ, không có gì thay đổi”.

Đức Cha Arogundade giải thích rằng tính đến tháng 6 năm nay, 3478 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố. Ngài mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh và “tất cả những người có thiện chí buộc chính phủ Nigeria phải chấm dứt nạn diệt chủng.”

Đức Cha Arogundade cũng đã phát biểu tại buổi ra mắt ở London cuốn sách “Bị bách hại và Lãng quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị áp bức vì đức tin của họ 2020-22,” được tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ ở Anh biên soạn và xuất bản. Ngài nhắc nhở những người có mặt về vụ tấn công xảy ra trong giáo phận của ngài vào ngày 5 tháng 6, nơi các tay súng nổ súng vào những người Công Giáo đang tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Phanxicô ở Owo, khiến 41 người thiệt mạng và 73 người bị thương.

Ngài nhấn mạnh: “Giống như các cuộc tấn công khác vào các nhà thờ ở Nigeria, không ai bị buộc tội vì phạm tội này. Không ai hoặc nhóm người nào đoái hoài đến việc chấm dứt mức độ hỗn loạn đang diễn ra ở Nigeria gây ra bao đau thương cho những công dân vô tội.”

Báo cáo của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho thấy Phi Châu đang chứng kiến sự gia tăng mạnh bạo lực khủng bố và hơn 7,600 Kitô hữu Nigeria đã bị sát hại trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 6 năm 2022.
Source:Catholic Herald