Nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 14 tháng 12, có bài nói về một trong các chuyên gia chống lạm dụng tình dục của Tòa Thánh. Đó là Cha Jordi Bertomeu, người vốn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra lạm dụng tình dục ở Chile trước đây.

Tuy ít khi lên tiếng, nhưng mỗi lần ngài lên tiếng, lời lẽ của ngài được coi trọng. Đó là trường hợp tuần này, khi ngài cho công bố một tiểu luận dài 2,800 chữ trên tạp chí Tây Ban Nha Palabra, trong đó, ngài thảo luận các đề tài nóng bỏng như luật độc thân, việc Giáo Hội ngăn cấm phong chức cho phụ nữ, và đồng tính luyến ái có vai trò nào trong việc lạm dụng trẻ em.



Vắn tắt mà nói, không có vai trò nào cả. Cha cho rằng là người độc thân, là người đàn ông hay là người đồng tính không làm cho ngườì ta thành một kẻ lạm dụng tình dục.

Năm ngoái, Cha Bertomeu được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phái sang Chile cùng với Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, một thành viên khác của Bộ Giáo Lý Đức Tin, để cố gắng hiểu tình hình liên quan đến việc giáo sĩ lạm dụng tình dục tại nước này. Kết quả là một tài liệu dài cả ngàn trang dẫn đến việc từ chức của cả hàng Giám Mục Chile; cho đến nay, Đức Phanxicô mới chấp nhận đơn từ chức của 8 vị.

Luật Độc thân

Nói đến luật độc thân, Cha Bertomeu viết rằng “không có chứng cớ” nào cho thấy nó gây ra “bất cứ việc ghiền tình dục sai trái nào” hoặc có khi nào bị coi như một thông số có liên quan để xác định việc lạm dụng. Ngài viết “đúng hơn, đa số những người lạm dụng là những người đàn ông có vợ”.

Cha viết, “Một số người nghĩ rằng trong một xã hội buông lỏng về tình dục, bị nhục dục hóa đến rối loạn, với nhiều trường hợp ghiền đủ thứ văn hóa phẩm khiêu dâm và thác loạn tình dục, luật độc thân linh mục có thể bị coi như một cách sống nguy hại. Theo lý thuyết này, với việc luôn phải tự kiểm duyệt thèm muốn tình dục, kết cục vị linh mục chắc chắn sẽ khai triển ra nhiều nan đề tâm lý học liên quan đến tình trạng không trưởng thành, một tình trạng, trong nhiều trường hợp, dẫn tới các tác phong ấu dâm”.

Cha bác bỏ lý thuyết đó bằng các dữ kiện được các Giáo Hội Kitô giáo và không Kitô giáo khác cung cấp. Ngài trích dẫn Giáo Hội Hợp Nhất ở Úc, một Giáo Hội có khoảng 240,000 thành viên, không có hàng giáo phẩm và chỉ có hàng giáo sĩ nam nữ có gia đình”. Trong mấy tháng gần đây, Giáo Hội này được nhiều người chú ý vì 2,500 trường hợp lạm dụng trẻ em. Cha lý luận rằng “các dữ kiện như thế trái ngược với các dữ kiện của Giáo Hội Công Giáo, với 466,000 linh mục và 6,000 trường hợp được báo cáo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Ngài cũng lập luận rằng luật độc thân bắt nguồn từ Tin Mừng, như đã được các nghiên cứu lịch sử chứng minh, chứ không phải là một điều xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 để “kiểm soát tốt hơn nền kinh tế của các giáo phận”, khỏi rơi vào tình thế có “các gia đình giáo sĩ”.

Cha Bertomeu viết, “Điều 33 của Công đồng Elvira [thế kỷ IV], không phát minh ra 'luật độc thân', một việc vốn không hiện hữu đến tận thời điểm đó trong Giáo hội, nhưng là câu trả lời cho nhu cầu phải làm rõ một số tình huống vô tổ chức phát sinh sau thời gian bị đàn áp tử đạo từng liên tiếp diễn ra”.

Ngài nhấn mạnh, luật độc thân luôn luôn có tính phản văn hóa, và ngày nay cũng thế, bất kể cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng đang diễn ra.

Có những người cổ vũ việc chấm dứt tình trạng “độc thân nam giới” như một nhân tố chính trong cuộc chiến đấu chống việc lạm dụng trẻ em. Họ lý luận rằng, việc ‘cho là bình thường hóa’ này đối với đời sống của vị linh mục sẽ chấm dứt việc lạm dụng vì “vị này sẽ không còn cần phải sinh hoạt tình dục với các vị thành niên nữa”.

Ngài viết, “kết luận này không trình bầy bất cứ mối liên hệ hợp luận lý nào với vấn đề chúng ta đang bàn ở đây. Không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng đời sống hôn nhân sẽ chấm dứt hành vi lệch lạc của một số ít linh mục mắc chứng rối loạn tình dục này”. Ngài viết thêm rằng không có dữ kiện khoa học nào chứng minh rằng các người đàn ông ấu dâm cư xử tốt hơn khi sống với các phụ nữ. Hơn nữa, theo ngài, một số nhà xã hội học nói tới 25 phần trăm các trường hợp trong đó, các phụ nữ cặp đôi với những kẻ ấu dâm cũng là những kẻ quấy rối trẻ em.

Đồng tính luyến ái

Về vấn đề xu hướng tình dục của một linh mục dẫn đến lạm dụng, ngài viết, “từ một đài quan sát ưu tuyển như đài quan sát của thánh bộ này, người ta có thể quả quyết rằng hiện tượng đồng tính luyến ái không cho thấy phong cách giáo sĩ, vì nó ảnh hưởng đến các linh mục ở cả nhóm 'truyền thống' lẫn nhóm cởi mở hơn hoặc 'tiến bộ' hơn (bất kể bản chất sai lầm của các tĩnh từ này)”.

Căn cứ vào số liệu thống kê từ văn phòng của ngài, cùng lắm chỉ có thể cho rằng “một số nền văn hóa phụ đồng tính điển hình của một số nhóm giáo sĩ và hiện diện ở mộg số chủng viện hoặc tập viện, với sự khoan dung đối với các hành vi đồng tính luyến ái tích cực, có thể dẫn đến ấu dâm”.

Ngài viết, “Đó là các tình huống đáng được các mục tử chú ý nhiều hơn, những vị có các phương tiện mục vụ và kỷ luật để mời gọi bằng gương sáng, lời nói và thậm chí bằng ép buộc một cuộc sống khiết tịnh không gây nguy hiểm hay tai tiếng cho chính linh mục và cho Giáo hội”.

Cha Bertomeu cũng nói rằng mặc dù Giáo hội nên xấu hổ vì số linh mục đã phạm tội lạm dụng, ngài lưu ý rằng đó chỉ là một phần trăm nhỏ các giáo sĩ, so sánh với số người lạm dụng trong xã hội nói chung.

Vị linh mục nói, “Họ không cho phép duy trì các quả quyết nhằm kích động sự hoảng loạn xã hội và làm mất uy tín của Giáo hội, bêu xấu một cách bất công tầng lớp giáo sĩ về phương diện xã hội”.

Theo Cha Bertomeu, trong hai thập niên qua, “nhất là ở một số vùng của thế giới Công Giáo”, đã có “việc đối xử bất xứng, không đúng mực, không ân cần và thậm chí gây phiền phức cho các linh mục chỉ bởi các ngài là linh mục”.

Ngài cho rằng, “Một số cơ quan truyền thông đã đối xử vô trách nhiệm với hiện tượng vi phạm hình sự các vị thành niên, đến mức đã cổ vũ “cuộc bách hại bừa bãi tầng lớp xã hội giáo sĩ hoặc không tin tưởng bất cứ linh mục nào chỉ vì sự kiện ngài là một linh mục”.

Ngài nói, “một người trưởng thành và có trách nhiệm” phải bác bỏ việc bị thao túng và có khả năng phân biệt trường hợp đặc thù với trường hợp tổng quát. Ngài nói thêm rằng “sự hiện hữu của một giáo sĩ ấu dâm không nhất thiết ngụ ý rằng các linh mục và phó tế của giáo xứ tôi, Trung tâm Caritas trong thành phố của tôi hoặc của các trường học của con tôi, đều không trung thành với những lời thề hứa của chức linh mục của họ, đặc biệt là lời thề hứa độc thân, sống độc thân hoàn toàn”.

Ngài cũng nói rằng nếu 73% các vụ lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện trong các gia hộ, thì ta vẫn không thể nói rằng, “làm cha hoặc làm mẹ có xu hướng lạm dụng”.

Ngài thừa nhận, các trường hợp liên quan đến các linh mục có xu hướng thu hút sự chú ý của truyền thông bởi vì các ngài tự trình bầy mình như thành phần có nhiệm vụ dạy luân lý cho xã hội. Vì lý do này, trước hết là công lý cho các nạn nhân, nhưng chúng cũng gây ra tai tiếng.

Cha Bertomeu viết, “Giáo hội có trách nhiệm nặng nề phải quản lý đúng đắn cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay, áp dụng nghiêm túc các quy tắc do Đấng Lập pháp Tối cao ban bố về phương diện này”.

Tuy nhiên, Cha viết, công lý mà thôi chưa đủ: Các tội ác này cần phải được ngăn chặn, vì những con số “lạnh người” đã được Trung tâm Quốc tế về Trẻ em Mất tích & Bị Bóc lột đưa ra; Trung tâm này nói rằng một trong mười trẻ em bị lạm dụng tình dục.

Cha Bertomeu viết, “Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ những người yếu đuối nhất, và như vậy, là một không gian hoàn toàn an toàn cho tuổi thơ và tuổi trẻ”.

Cha Bertomeu lập luận rằng, bất kể sự kiện trẻ em bị lạm dụng trong mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp, sắc tộc và tôn giáo, các linh mục Công Giáo bị coi và thậm chí bị đối xử thường xuyên như “các nghi phạm”của “tội ác kinh hoàng này’.

Ngài viết, “Một linh mục nói với tôi rằng rất khó để cuốc bộ mà không bị nhận diện như một giáo sĩ tại một số khu phố của thành phố của ngài. Cũng một điều y như thế xảy ra với tôi khi tôi đến một sân bay nào đó, trong một sứ vụ chính thức. Tôi kinh ngạc nhận thấy rằng sử dụng bộ đồ giáo sĩ có nghĩa là bị nhận diện thuộc về một nhóm xã hội nguy hiểm. Cùng với người bạn đồng hành của tôi, một tổng giám mục, chúng tôi không những bị tra vấn một cách kỹ càng hơn bất cứ khách du lịch nào khác ở đó, trái lại, chúng tôi còn bị kiểm soát bằng máy rò kỹ lưỡng hơn, trong trường hợp chúng tôi có tiền án”.

Ngài nói rằng giữa việc chối bỏ và báo động, điều cần là toàn bộ dân Chúa phải coi tội phạm lạm dụng tình dục của giáo sĩ như một ưu tiên - cũng như việc ngăn ngừa nó - không sợ đặt câu hỏi.

Cha viết, “Tôi nghĩ điều thích đáng là thảo luận vấn đề độc thân một cách không gay gắt hay có các quan điểm ý thức hệ, nhưng một cách cân bằng và quyết tâm khi nhắc đến việc lạm dụng tình dục do các giáo sĩ vi phạm”.