Ngày 20-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bánh Lời Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
06:58 20/08/2018
CN 21 B

Bài Phúc Âm hôm nay kết thúc Tin Mừng Gioan chương 6 với lời tuyên tín của Thánh Phêrô : chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại Lời ban sự sống đời đời.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”, lập tức nhiều môn đệ phản ứng: "Lời này chói tai quá, ai mà nghe được" (Ga 6,60). "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa" (Ga 6,66). Thấy một số môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm mười hai: còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không ?

Thánh Phêrô trả lời: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời". Phêrô xác tín: Thầy có Lời ban sự sống, nên đã quyết tâm chọn Thầy : bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai ?

Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh - Bánh Thánh Thể và là Lời Ban Sự Sống - Bánh Lời Chúa, lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhân loại.

Khi nói đến Lời Chúa, nhiều người nghĩ ngay đến Sách Thánh Kinh. Đối với người Công Giáo, Lời Chúa có nhiều ý nghĩa và vượt trên Sách Thánh Kinh.

Cụm từ Lời Chúa có thể được dùng để nói về:

- Lời Hằng Hữu, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Lời Thiên Chúa lúc tạo dựng, nhờ Người mà mọi sự hiện hữu được tạo thành.
- Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người và ở cùng chúng ta.
- Thánh Kinh, Lời được Thiên Chúa linh hứng và viết thành văn tự.
- Truyền Thống của Giáo Hội, vang vọng cách trung thực Lời của Thiên Chúa cho mọi thế hệ.

1. Lời Hằng Hữu

Lời Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa. Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
Ngôi Lời Hằng Hữu vì Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là Đức Giêsu Kitô. Đây là tâm điểm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.

2. Lời Tạo Dựng

Sách Sáng thế mở đầu: “Lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách dùng Lời mà phán : “Rồi Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng... Rồi Thiên Chúa phán: Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước” (St 1,3a.6a). Mỗi ngày, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán Lời Ngài. Vào ngày thứ sáu : “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26a). Lời được phán ra và người nam người nữ đã hiện hữu theo chính hình ảnh Thiên Chúa.

Sách Sáng thế và Tin Mừng Gioan có một mối liên hệ đặc biệt. Sách Sáng thế mở đầu với một câu chuyện tạo dựng tất cả mọi sự, bắt đầu với ánh sáng. Tin Mừng Thánh Gioan là câu chuyện tái tạo dựng về tinh thần đã được mạc khải và hoàn thành nhờ Đức Giêsu Kitô, ánh sáng thế gian.

Trong Sách Sáng Thế cũng như trong Tin Mừng Gioan, nhờ Lời Tạo Dựng mà muôn vật được tạo thành :“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,và không có Người, thì không có gì được tạo thành” (Ga 1,3a). Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa chính là Lời Tạo Dựng
.
3. Ngôi Lời làm người

Ngôi Lời Hằng Hữu, Lời Tạo Dựng, nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu, đã làm người và ở giữa chúng ta:“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta.Và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,như vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).

Ngôi Lời đã làm người đó là Đức Giêsu Nazareth. Người đã ở giữa nhân loại trong một giai đoạn của lịch sử, ở vùng đất Palestine, làm người Do thái, và sống dưới quyền đô hộ của Đế quốc Rôma. Người đã chết và đã phục sinh.Người luôn ở giữa nhân loại trong Thánh Kinh, trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong tha nhân và trong mỗi người chúng ta.

4. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Thánh Kinh là Lời mạc khải của Thiên Chúa. Thánh Kinh là Lời được Thiên Chúa linh hứng. Thánh Kinh là Lời Chúa được các Thánh Sử ghi lại bằng văn tự qua dòng Lịch sử Cứu độ.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn. CĐVTC II đã dạy:”Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

5. Yêu mến, học hỏi và sống Lời Chúa.

Lời Chúa là chính Chúa Kitô. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Học hỏi Lời Chúa để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21).

Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119 ;105). Chúng ta kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để đời mình được chiếu soi và hướng dẫn.

"Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con" (Gr 15,16). Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ.

"Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12).

Lời Chúa có sức sống và quyền năng vô cùng bởi lẽ: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống”.

Lời Chúa quý giá như một viên ngọc, như kho báu. Ai yêu mến khám phá sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được viên ngọc quí, có được kho báu ấy.Có những người chỉ cần khám phá một câu Tin Mừng thôi là thay đổi cả một cuộc đời. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Assidi, câu “Phúc cho những người nghèo khó” đã khiến ngài bỏ hết gia tài của cha mẹ để dấn thân vào một cuộc sống nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc. Thánh Phanxicô Xaviê được đánh động bởi câu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.Thánh nhân từ bỏ tất cả danh vọng thế tục dấn thân truyền giáo và đã đưa về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn.Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng tìm thấy linh đạo “con đường thơ ấu” từ câu “Nước Trời thuộc về những trẻ nhỏ”…

Ngày Chúa Nhật 05/10/2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 12 với chủ đề “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo Hội”. Đức Thánh Cha đã gọi Đức Trinh Nữ Maria là người môn sinh tuyệt hảo của Lời Chúa.

Mẹ Maria là một khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta trong sứ vụ học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa. Mẹ là người đã đón nhận Lời, đã cưu mang Lời thành xác phàm trong lòng dạ mình. Nhờ đó Mẹ đã sinh Lời cho nhân loại. Quá trình đón nhận, cưu mang, và sinh hạ chính là quá trình mà mỗi Kitô phải đi qua nếu muốn Lời Chúa mang lại hiệu quả cho mình và cho tha nhân. Vì thế, chiêm ngắm Mẹ Maria, học tập với Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ là một trong những cách thế tốt nhất giúp chúng ta chu toàn sứ mạng học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực bổ dưỡng cho người tín hữu. Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng, khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu "hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội". Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33). Chúa Giêsu vẫn trao cho chúng ta Tấm Bánh là Lời của Người.

Bổn phận của các linh mục là phải trình bày Lời Chúa như thế nào để giáo dân thấy được giá trị hấp dẫn của Lời Chúa.

Bổn phận của giáo dân là phải biết chăm chú lắng nghe để chính mình cũng khám phá ra được giá trị tuyệt vời của Lời Chúa.

Bổn phận của tất cả mọi tín hữu, linh mục cũng như giáo dân, là phải học hỏi, yêu mến và sống Lời Chúa. Nhờ học hỏi Lời Chúa mà mỗi người biết Chúa Giêsu. Nhờ suy niệm và cầu nguyện mà mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhờ sống Lời Chúa mà mỗi người yêu mến và bước theo Chúa Giêsu. Đời sống thiêng liêng cốt yếu dựa trên Chúa Giêsu và gắn bó với Người như “Cành nho gắn với thân nho” (Ga 15,5). Học hỏi, gặp gỡ, chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta được Lời Chúa biến đổi mỗi ngày. Từ đó dần dần nên giống Chúa Giêsu hơn, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, có được những tâm tình, thái độ và phản ứng của Chúa Giêsu.

Lời Chúa là tấm bánh thơm ngon cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành. Càng sống Lời Chúa,chúng ta càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu để cuộc đời mỗi người được biến đổi, có ý nghĩa, có giá trị.


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:46 20/08/2018
97. HAI CÁCH GIẢI THÍCH
Có một người nói với bạn:
- “Hôm qua tôi nằm mơ thấy mình khóc lớn, nhất định đây là điềm không tốt.”
Người bạn khuyên bảo an ủi nói:
- “Đừng vội, đừng vội, ban đêm mơ thấy khóc lớn thì ban ngày chắc phải cười lớn.”
Người ấy bèn nói:
- “Nói như anh thì ban đêm tôi nằm mơ có thấy tôi khóc, thì ban ngày chẳng lẽ không thấy tôi cười sao ?”
(Tiếu niệm lục)

Suy tư 97:
Khi ngủ có người mơ trúng số, có người mơ bị người ta đánh, có người mơ đánh người ta, lại có người mơ bị người yêu bỏ đi theo người khác nên khóc nức nở trong mơ...
Có người coi chuyện nằm mơ là bình thường, có người đem chuyện nằm mơ ra giải thích rồi sợ hãi có ấn tượng, có người bị giấc mơ ám ảnh làm cho tinh thần mệt mỏi...
Người Ki-tô hữu không bị ám ảnh vì giấc mơ, họ cũng không bận tâm về chuyện mơ cười hay mơ khóc, bởi vì tất cả những giấc mơ ấy đều không hiện thực, nhưng tâm hồn của họ chỉ mơ ước có một chuyện là được ở trên thiên đàng với Chúa sau khi từ giã đời tạm này mà thôi. Cho nên ngay khi còn ở đời này họ bận tâm phục vụ người khác, họ khóc với người khóc và vui với người vui, họ quan tâm đến những bất hạnh của tha nhân, đó chính là ước mơ thật của họ vậy !
Nằm mơ thấy mình khóc không phải là điềm xấu, nhưng điềm xấu chính là mình bỏ qua những cơ hội chia sẻ những đau khổ với Đức Chúa Ki-tô nơi người nghèo, nơi người bất hạnh trong một xã hội hiện thực hôm nay vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:48 20/08/2018

45. Xét cho cùng thì con người có bao nhiêu đức hạnh, duy chỉ có trong hoàn cảnh nghịch mới nghiệm được mà có.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

------------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng trước Báo Cáo Pennsylvania: kêu gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện và bài trừ chủ thuyết giáo quyền.
Trần Mạnh Trác
08:45 20/08/2018
Vatican, ngày 20 tháng 8 năm 2018 ( CNA / EWTN News ). - Vào sáng thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi mọi thành viên của Giáo Hội Công Giáo hãy cầu nguyện và ăn năn vì tội ác lạm dụng tình dục, và tích cực tham gia vào sự thay đổi cần thiết trong Giáo Hội.

“Cách duy nhất để đối phó với cái ác này, từng gây tăm tối cho nhiều cuộc sống, là coi nó như một trách nhiệm cuả tất cả chúng ta là Dân Thiên Chúa,” Ngài viết.

Trong bức thư gửi cho toàn bộ Giáo hội sau những tiết lộ lan rộng về lạm dụng tình dục trong Giáo hội ở Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng đã kêu mời “toàn thể dân thánh trung tín của Thiên Chúa hãy thực hiện việc cầu nguyện và ăn chay, theo như Chúa đã truyền dạy.”

"Làm điều này để đánh thức lương tâm của chúng ta và khơi dậy sự đoàn kết và cam kết của chúng ta với một nền văn hóa có sự lưu tâm để luôn luôn nhắc nhở rằng " không bao giờ nữa "cho mọi hình thức lạm dụng," Ngài viết. “Mọi người đã chịu phép rửa cần phải tự cảm thấy mình phải tham gia vào sự thay đổi xã hội mà chúng ta rất cần.”

Trong bức thư, ĐTC Phanxicô đã nhắc đến báo cáo gần đây ở Pennsylvania về những chi tiết lạm dụng cuả sáu giáo phận, liên hệ đến hơn 300 linh mục và 1.000 nạn nhân, trong khoảng thời gian khoảng 70 năm.

Thừa nhận nỗi đau khổ của nhiều trẻ vị thành niên bị lạm dụng tình dục, hoặc bị lạm dụng bởi quyền lực hay lương tâm, dưới bàn tay của các giáo sĩ, Ngài nói không có gì là đủ cả, dù cho có những nỗ lực tìm kiếm sự tha thứ hay sửa chữa.

"Nhìn về tương lai, cần phải có những nỗ lực để không chỉ tạo ra một nền văn hóa có thể ngăn chặn những tình huống như vậy xảy ra, mà còn để ngăn chặn những khả năng che đậy và làm ngơ," Ngài nói.

Ngài nhắc tới lời của Thánh Phaolô “Nếu một thành viên bị đau khổ, tất cả đều chịu đau cùng với họ”… đang mạnh mẽ vang lên từ tận con tim cuả mình.

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh rằng một sự chuyển đổi của Giáo Hội là “không thể có được” nếu không bao gồm “sự tham gia tích cực” của tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, và Ngài phê phán sự im lặng hoặc phớt lờ cuả một số người Công Giáo đang tạo ra các nhóm hoặc dự án gọi là ‘thành phần ưu việt’ (elistist).

Đặc biệt, tất cả mọi hình thức của lý thuyết giáo quyền (clericalism, tức là thần thánh hoá giới tăng lữ ) phải bị bác bỏ, Ngài nói, bởi vì ‘thuyết giáo quyền’ đánh giá thấp ân sủng rửa tội và có thể dẫn đến sự lạm dụng của hàng giáo phẩm. Thuyết giáo quyền gây ra "một sự chia cắt trong cơ thể cuả giáo hội, hỗ trợ và duy trì nhiều tệ nạn mà chúng ta đang lên án ngày hôm nay."

Lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho tất cả các nạn nhân của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục và cho gia đình của họ, Ngài nói mặc dù hầu hết các trường hợp gần đây vừa được đưa ra ánh sáng, "thuộc về quá khứ", nhưng thời gian càng dài thì chúng ta càng hiểu nỗi đau của các nạn nhân hơn lên.

Ngài nói rằng sự nặng nề và mức độ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và các lạm dụng khác “phải được cộng đồng nắm bắt… cách toàn diện”, nhưng trong khi sự chuyển đổi đòi hỏi sự thừa nhận sự thật, nó vẫn “không đủ”.

“Sự thay đổi này kêu gọi một sự biến đổi cá nhân và cộng đồng làm sao cho chúng ta thấy những gì như Chúa thấy… tới nơi Chúa muốn chúng ta tới, trải nghiệm sự biến đổi của trái tim trong sự hiện diện của Ngài. Để giúp làm như vậy, thì việc cầu nguyện và sự sám hối là hữu ích, ”Ngài nói.

Việc ăn chay trong khi sám hối sẽ giúp người Công Giáo đến trước mặt Chúa “như những kẻ tội lỗi cầu xin được tha thứ và được ơn biết xấu hổ và cải tạo,” để những hành động “hòa hợp với Tin Mừng” có thể thực hiện được, Ngài giải thích.

Ngài cầu nguyện rằng việc ăn chay và cầu nguyện sẽ mở tai của mọi người để nghe thấy nỗi đau của trẻ em, thanh thiếu niên, và người tàn tật, và nó sẽ làm cho người Công Giáo “khát khao công lý” và thúc đẩy Giáo Hội “đi trong sự thật, ủng hộ tất cả các biện pháp tư pháp cần thiết. ”

"Điều cần thiết là chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, có thể thừa nhận và lên án, với nỗi buồn và sự xấu hổ, những tội ác gây ra bởi những người đã dâng mình cho Chuá, tức là giáo sĩ, và tất cả những người được giao nhiệm vụ chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương nhất" Ngài tiếp tục.

"Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của chính chúng ta và tội lỗi của những người khác," Ngài nói. "Nhận thức về tội lỗi giúp chúng ta thừa nhận lỗi lầm, tội ác và những vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và cam kết một cuộc hành trình chuyển đổi mới."
 
Trước Thảm Hoạ Đạo Đức: Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đặt một kế hoạch đáp ứng và mời Vatican qua Kinh Lược.
Trần Mạnh Trác
14:23 20/08/2018
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB): Để giải quyết những gì gọi là "thảm họa đạo đức" mô tả trong báo cáo cuả Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania, ngày 16 tháng 8 năm 2018, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch USCCB, sau một cuộc họp của ủy ban điều hành, đã đưa ra một tuyên bố với ba mục tiêu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng:

1) Mở cuộc điều tra về vấn đề của TGM McCarrick;
2) Mở các kênh bảo mật mới để báo cáo khiếu nại về các giám mục; và
3) Vận động những cách giải quyết cho hiệu quả hơn về các khiếu nại trong tương lai.

Những mục tiêu này được theo đuổi với ba tiêu chí: Có sự độc lập cần thiết, có quyền hạn đầy đủ và có sự lãnh đạo đáng kể của giáo dân.

Một kế hoạch đầy đủ hơn sẽ được trình bày cho toàn bộ các giám mục tại cuộc hội nghị tại Baltimore vào tháng Mười Một tới.

Sau đây là bản dịch cuả lời Tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo:

“Kính thưa quí Anh chị em trong Chuá Kitô,

Cách đây hai tuần, tôi đã chia sẻ nỗi buồn, sự giận dữ và xấu hổ của tôi về những điều được tiết lộ mới đây liên quan đến Đức Tổng Giám Mục Theodore McCarrick. Những tình cảm đó đã kéo dài và trở nên sâu sắc hơn sau báo cáo của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tinh thần đòi hỏi không chỉ là sự chuyển đổi tâm linh, mà còn là những thay đổi thực tế để tránh lặp lại những tội lỗi và thất bại của quá khứ đã hiển nhiên nhìn thấy trong báo cáo nói trên. Đầu tuần này, Ủy ban điều hành USCCB đã họp và thiết lập một phác thảo về những thay đổi cần thiết này.

Ủy ban điều hành thiết lập ba mục tiêu: (1) một cuộc điều tra về các câu hỏi xung quanh Đức TGM McCarrick; (2) mở các kênh mới và bảo mật để báo cáo các khiếu nại chống lại các giám mục; và (3) vận động để giải quyết hiệu quả hơn các khiếu nại trong tương lai. Những mục tiêu này sẽ được theo đuổi dựa vào ba tiêu chí: sự độc lập phù hợp , quyền hạn đầy đủ và sự lãnh đạo đáng kể của giáo dân .

Chúng tôi đã bắt đầu dự thảo một kế hoạch cụ thể để hoàn thành các mục tiêu này, dựa vào sự tham vấn với các chuyên gia, giáo dân, và giáo sĩ, cũng như với toà thánh Vatican. Chúng tôi sẽ trình bày kế hoạch này cho toàn thể các giám mục trong cuộc họp tháng 11 của chúng tôi. Ngoài ra, tôi sẽ đi đến Rome để trình bày các mục tiêu và tiêu chí này cho Tòa Thánh, và thúc giục các bước cụ thể hơn dựa vào đó.

Mục tiêu bao quát là sự bảo vệ mạnh mẽ hơn chống lại kẻ thù cuả Giáo Hội và bất cứ ai che giấu chúng, bảo đảm kìm giữ các giám mục trong những tiêu chuẩn cao nhất về minh bạch và trách nhiệm.

Xin cho phép tôi trình bày ngắn gọn về các mục tiêu và tiêu chí mà chúng tôi vừa xác định.

Mục tiêu đầu tiên là một cuộc điều tra đầy đủ xung quanh các câu hỏi về Tổng Giám mục McCarrick. Những câu trả lời là cần thiết để ngăn chặn tái phát, và do đó giúp bảo vệ trong tương lai trẻ vị thành niên, chủng sinh, và những người dễ bị tổn thương khác. Do đó, chúng tôi sẽ mời Toà Thánh Vatican thực hiện một cuộc Kinh Lược để giải quyết những câu hỏi này, đồng thời với một nhóm chủ yếu là những người chuyên môn được Hội đồng xét duyệt quốc gia thành lập và được trao quyền hành động.

Mục tiêu thứ hai là để cho sự báo cáo các hành vi lạm dụng và sai trái của các giám mục được dễ dàng hơn. “Lời Tuyên bố Cam kết cuả hàng Giáo Phẩm” năm 2002 của chúng tôi đã không nói rõ những gì mà các nạn nhân phải làm trong việc báo cáo lạm dụng hoặc hành vi sai trái tình dục của các giám mục. Chúng tôi cần cập nhật tài liệu này. Chúng tôi cũng cần phát triển và quảng bá rộng rãi các cơ chế báo cáo đáng tin cậy của các thành phần thứ ba (cuả những cơ quan khác). Những công cụ như vậy đã có ở nhiều giáo phận và ở các cơ quan công cộng rồi, do đó chúng tôi sẽ thực hiện việc kiểm tra và lựa chọn.

Mục tiêu thứ ba là để bảo đảm cho có các thủ tục tốt hơn để giải quyết khiếu nại chống lại các giám mục. Ví dụ, các thủ tục theo giáo luật về một khiếu nại sẽ được nghiên cứu theo hướng thực hành cụ thể để làm cho chúng được nhanh chóng, công bằng và minh bạch hơn và xác định những ràng buộc nào có thể áp đặt cho các giám mục ở mỗi giai đoạn của quá trình đó.

Chúng tôi sẽ theo đuổi các mục tiêu này theo ba tiêu chí.

Tiêu chí đầu tiên là sự độc lập. Bất kỳ cơ chế nào muốn giải quyết bất kỳ khiếu nại nào chống lại một giám mục thì phải không bị ảnh hưởng thiên vị hoặc quá mức bởi một giám mục. Các cấu trúc của chúng ta phải ngăn ngừa các giám mục không được ngăn cản các khiếu nại chống lại họ, hoặc cản trở việc điều tra, hoặc sào xáo các nghị quyết chống lại họ.

Tiêu chí thứ hai liên quan đến thẩm quyền trong Giáo Hội. Vì chỉ có Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền kỷ luật hoặc loại bỏ các giám mục, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các biện pháp của chúng tôi sẽ tôn trọng thẩm quyền đó đồng thời cũng bảo vệ người bị tổn thương trước sự lạm dụng quyền lực của giáo hội.

Tiêu chí thứ ba của chúng tôi là có sự tham gia đáng kể của người dân . Ngững giáo dân có chuyên môn trong các lĩnh vực điều tra, thực thi pháp luật, tâm lý học, và các ngành liên quan khác, và sự hiện diện của họ củng cố cam kết của chúng tôi về tiêu chí đầu tiên của sự độc lập.

Cuối cùng, tôi xin lỗi và khiêm tốn yêu cầu sự tha thứ của quí vị vì những giám mục anh em của tôi và những điều tôi đã làm và không làm được. Bất kể chi tiết nào có thể xảy ra liên quan đến Tổng Giám Mục McCarrick hay những lạm dụng ở Pennsylvania (hay bất cứ nơi nào khác), chúng ta đã biết rằng một nguyên nhân gốc rễ là sự thất bại về lãnh đạo cuả giám mục. Kết quả là những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa đã bị bỏ rơi để phải đối mặt với sự lạm dụng quyền lực một mình. Đây là một thảm họa đạo đức. Cũng là một phần vì đó mà rất nhiều linh mục trung tín đang theo đuổi sự thánh thiện và phục vụ tận tụy đã bị trát bùn bởi sự thất bại này.

Chúng ta kiên quyết, nhờ vào ân điển của Đức Chúa Trời, không bao giờ lặp lại nó. Tôi không ảo tưởng về mức độ tin tưởng vào hàng giám mục đã bị hư hại bởi những tội lỗi và thất bại trong quá khứ. Sẽ cần nhiều việc phải làm để xây dựng lại niềm tin đó. Điều tôi vạch ra ở đây chỉ là bước khởi đầu; nhiều bước khác sẽ tiếp theo. Tôi sẽ thông báo cho quí vị về tiến trình của chúng tôi đối với các mục tiêu này.

Xin hãy ủng hộ chúng tôi thực hiện nghị quyết này. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi dành thời gian này để phản ánh, ăn năn, và tự cam kết chính mình vào cuộc sống thánh thiện và để noi gương nhiều hơn với cuộc sống cuả Chúa Kitô, Đấng Chăn Lành. ”
 
Toàn văn thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi toàn thể dân Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
19:33 20/08/2018


Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa lên tiếng trước các báo cáo mới về lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và việc che giấu những lạm dụng này của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Trong một lá thư đầy xúc động gửi đến toàn thể dân Chúa, ngài kêu gọi Giáo Hội gần gũi các nạn nhân trong tình liên đới, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện và chay tịnh.

Dưới đây là toàn văn thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.


“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cor 12:26). Những lời này của Thánh Phaolô vang dội mạnh mẽ trong lòng tôi khi tôi thừa nhận một lần nữa sự đau khổ nhiều trẻ vị thành niên phải chịu đựng vì nạn lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm gây ra bởi một số lượng đáng kể các giáo sĩ và những người thánh hiến. Những tội ác này gây ra những vết thương sâu sắc đau đớn và bất lực, chủ yếu nơi các nạn nhân, và cả nơi các thành viên trong gia đình của họ và trong cộng đồng lớn hơn những tín hữu và cả nơi những người không có niềm tin. Nhìn về quá khứ, không có nỗ lực nào cầu xin sự tha thứ và tìm cách sửa chữa những tổn hại có thể coi là đủ. Nhìn về tương lai, không một nỗ lực nào có thể bị lơ là hầu tạo ra một nền văn hóa có khả năng không chỉ chặn đứng những tình huống như vậy xảy ra mà thôi, nhưng còn phải ngăn chặn được khả năng bao che và để cho các tình huống như thế tiếp diễn. Nỗi đau của các nạn nhân và gia đình của họ cũng là nỗi đau của chúng ta, và do đó, điều khẩn cấp là chúng ta một lần nữa phải tái khẳng định cam kết bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

1. Nếu một bộ phận nào đau …

Trong những ngày gần đây, một báo cáo đã được công bố trình bày chi tiết những kinh nghiệm của ít nhất là một ngàn nạn nhân của lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm dưới tay của các linh mục trong khoảng thời gian khoảng bảy mươi năm. Mặc dù có thể nói rằng hầu hết các trường hợp này xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra nỗi đau của nhiều nạn nhân. Chúng ta nhận ra rằng những vết thương này không bao giờ biến mất và đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ lên án những tội ác này và hiệp lực trong việc nhổ tận gốc cái nền văn hóa sự chết tạo ra những vết thương không bao giờ biến mất này. Nỗi đau đớn quặn lòng của những nạn nhân, những nỗi đau thấu đến trời cao, từ lâu đã bị phớt lờ, chìm trong im lặng hoặc bị buộc phải câm nín. Nhưng tiếng kêu kịch liệt của chúng mạnh mẽ hơn tất cả các biện pháp nhằm làm câm nín, hoặc thậm chí tìm cách giải quyết chúng bằng các quyết định khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn và phức tạp hơn. Chúa nghe tiếng kêu đó và một lần nữa cho chúng ta thấy Ngài đứng về phía nào. Bài ca [“Ngợi Khen” (Magnificat)] của Đức Maria không bị sai lạc và tiếp tục lặng lẽ vang vọng trong suốt lịch sử. Chúa luôn nhớ lại lời hứa mà Ngài đã làm cho tổ phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1: 51-53). Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta nhận ra rằng phong cách sống của chúng ta đã phủ nhận, và tiếp tục phủ nhận, những lời chúng ta đọc thuộc lòng.

Với sự xấu hổ và ăn năn, chúng ta thừa nhận trong tư cách một cộng đồng giáo hội rằng chúng ta đã không đứng nơi chúng ta lẽ ra nên đứng, rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, đã không nhận ra tầm quan trọng và trọng lực của những thiệt hại gây ra cho rất nhiều cuộc sống. Chúng ta không tỏ ra quan tâm đến những người nhỏ bé; chúng ta đã bỏ rơi họ. Tôi xin lấy lại lời của Đức Hồng Y Ratzinger vào lúc đó, trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, khi ngài chỉ ra với tiếng kêu đau đớn của nhiều nạn nhân và thốt lên rằng: “Bao nhiêu những dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Bao nhiêu những phản bội lại Chúa Kitô bởi chính những môn đệ Người, bao nhiêu người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa bất xứng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu; nó đâm thấu trái tim Người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)” (Chặng thứ Chín)

2.… mọi bộ phận cùng đau

Mức độ và trọng lực của tất cả những gì đã xảy ra đòi buộc chúng ta phải chung vai nắm bắt thực tế này một cách toàn diện. Trong mọi hành trình hoán cải, điều quan trọng và cần thiết là phải dám thừa nhận sự thật về những gì đã xảy ra, nhưng bản thân điều này thôi thì chưa đủ. Hôm nay, chúng ta, trong tư cách là Dân Thiên Chúa, bị thách thức phải trực diện với nỗi đau của các anh chị em chúng ta bị thương tổn trong thân xác và tinh thần. Nếu, trong quá khứ, phản ứng của chúng ta là lờ đi, thì hôm nay chúng ta muốn liên đới với họ, theo nghĩa sâu sắc nhất và thách đố nhất, và điều đó phải trở thành cách thế chúng ta hình thành nên lịch sử hiện tại và tương lai; cũng như hình thành nên một môi trường mà giữa các xung đột, và căng thẳng, trên tất cả mọi thứ, các nạn nhân của mọi loại lạm dụng đều có thể gặp được một bàn tay dang rộng để bảo vệ và cứu vớt họ ra khỏi nỗi đau của mình (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 228). Tình liên đới như thế đòi hỏi chúng ta đến lượt mình phải lên án bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của bất kỳ người nào. Đó là một tình liên đới đòi buộc chúng ta phải chống lại tất cả các hình thức băng hoại, đặc biệt là băng hoại về tinh thần. Thứ đến là “một dạng mù lòa ung dung và tự mãn khiến người ta có thể chấp nhận được mọi thứ: dối trá, vu khống, tự ái và các hình thức tinh tế khác của việc coi mình là trung tâm, vì ‘ngay cả Satan cũng có thể đội lốt thiên thần sáng láng’ (2 Cor 11:14) “(Gaudete et Exsultate – Tông Huấn Mừng Rỡ Hân Hoan, 165). Sự khích lệ chịu đựng đau khổ của Thánh Phaolô dành cho những người khổ đau là thuốc giải độc tốt nhất chống lại mọi nỗ lực của chúng ta lặp lại những lời của Cain: “Con là người giữ em con hay sao?” (Sáng Thế Ký 4: 9).

Tôi biết có những nỗ lực và công việc đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới để tìm ra những phương tiện cần thiết hầu bảo đảm sự an toàn và bảo vệ sự toàn vẹn của trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, cũng như việc thực thi chính sách không khoan dung và những cách thế khiến cho tất cả những ai gây ra hoặc che đậy những tội ác này phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã trì hoãn việc áp dụng những hành động và những biện pháp trừng phạt rất cần thiết này, nhưng tôi vẫn tin rằng chúng sẽ giúp bảo đảm một nền văn hóa chăm sóc lớn hơn trong hiện tại và tương lai.

Cùng với những nỗ lực này, mỗi người đã được rửa tội nên cảm thấy phải dự phần vào những thay đổi trong Giáo Hội và xã hội mà chúng ta rất cần đến. Sự thay đổi này đòi hỏi một sự hoán cải cá nhân và cộng đồng khiến chúng ta có thể nhìn sự việc như Chúa nhìn. Như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói: “Nếu chúng ta thực sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta phải học cách nhìn thấy Ngài cách riêng nơi khuôn mặt của những người mà Ngài muốn đồng hóa với họ” (Tông thư Novo Millennio Ineunte – Khởi đầu ngàn năm mới, 49). Để nhìn sự việc như Chúa nhìn, để đứng nơi Chúa muốn chúng ta đứng, để trải nghiệm sự hoán cải con tim trong sự hiện diện của Ngài chúng ta cần cầu nguyện và sám hối. Tôi mời gọi toàn thể Dân Thánh Chúa thi hành việc cầu nguyện và chay tịnh sám hối, theo mệnh lệnh của Chúa. [1] Điều này có thể đánh thức lương tâm của chúng ta và khơi dậy tình liên đới và sự dấn thân cho một nền văn hóa chăm sóc nói “không bao giờ nữa” đối với mọi hình thức lạm dụng.

Không thể nghĩ đến việc hoán cải các hoạt động của chúng ta nếu Giáo hội không bao gồm sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong cộng đoàn dân Chúa. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng thay thế, hoặc làm im tiếng, hoặc xem nhẹ, hoặc giản lược dân Thiên Chúa vào những nhóm nhỏ những người ưu tú, chúng ta chung cuộc sẽ tạo ra những cộng đồng, những dự án, những phương pháp thần học, những linh đạo và cấu trúc không có gốc rễ, không có trí nhớ, không có khuôn mặt và cuối cùng, không có cuộc sống. [2] Điều này được nhìn thấy rõ ràng cách riêng nơi sự hiểu biết về quyền bính của Giáo hội, là một điểm chung trong nhiều cộng đồng nơi lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực và lương tâm đã xảy ra. Đó là trường hợp của chủ nghĩa giáo sĩ, một cách tiếp cận “không chỉ vô hiệu hóa tính cách các Kitô hữu, mà còn có xu hướng giảm bớt và đánh giá thấp hồng ân phép rửa tội mà Thánh Linh đã đặt trong lòng dân chúng ta”. [3] Chủ nghĩa giáo sĩ, cho dù được nuôi dưỡng bởi chính các linh mục hoặc bởi những người giáo dân, đều dẫn đến một sự cắt bỏ trong cơ thể giáo hội. Nó hỗ trợ và giúp duy trì nhiều tệ nạn mà chúng ta đang lên án ngày nay. Nói “không” với lạm dụng là một lời nhấn mạnh tiếng “không” với tất cả các hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ.

Luôn luôn hữu ích khi nhớ rằng “trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu độ cả một dân tộc. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình trừ khi chúng ta thuộc về một dân tộc. Đó là lý do tại sao không ai được cứu một mình, như một cá nhân cô lập. Trái lại, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài, trong khi tính đến cả cơ cấu phức tạp các mối liên hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn bước vào đời sống và lịch sử của một dân tộc.” (Gaudete et Exsultate – Tông Huấn Mừng Rỡ Hân Hoan, 6). Do đó, cách duy nhất mà chúng ta đối phó với cái ác đã làm tối tăm nhiều kiếp sống là cảm thấy điều này như một nhiệm vụ liên quan đến tất cả chúng ta như là Dân Thiên Chúa. Ý thức mình là một phần của một dân tộc và một lịch sử chung sẽ cho phép chúng ta thừa nhận những tội lỗi và sai lầm trong quá khứ của chúng ta với một sự cởi mở thống hối có thể cho phép chúng ta được đổi mới từ bên trong. Nếu không có sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, mọi thứ được thực hiện để nhổ bỏ văn hóa lạm dụng trong cộng đồng của chúng ta sẽ không thành công trong việc tạo ra các động lực cần thiết cho sự thay đổi tốt đẹp và thực tiễn. Chiều kích thống hối của chay tịnh và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta trong tư cách dân Chúa đến trước mặt Ngài và trước mặt những anh chị em bị thương tổn của chúng ta như những tội nhân cầu xin sự tha thứ và ân sủng biết xấu hổ và hoán cải. Bằng cách này, chúng ta sẽ đưa ra những hành động có thể tạo ra các nguồn lực hài hòa với Tin Mừng. Vì “mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay.” (Evangelii Gaudium – Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 11).

Điều quan trọng là chúng ta, trong tư cách là một Giáo hội, có khả năng thừa nhận và lên án, với nỗi buồn và sự xấu hổ, những tội ác gây ra bởi những người thánh hiến, các giáo sĩ, và tất cả những người được giao nhiệm vụ chăm nom cho những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ vì những tội lỗi của chính chúng ta và những tội lỗi của người khác. Ý thức về tội lỗi giúp chúng ta thừa nhận lỗi lầm, tội ác và những vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và dấn thân hơn dọc theo một hành trình hoán cải mới.

Cũng thế, sám hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mắt và trái tim chúng ta ra trước những đau khổ của người khác và vượt qua được lòng khao khát quyền lực và tài sản thường là gốc rễ của những tệ nạn đó. Xin cho chay tịnh và cầu nguyện mở tai chúng ta ra trước những đau đớn không nói thành lời của những trẻ em, người trẻ và những người tàn tật. Chay tịnh có thể giúp chúng ta đói khát công lý và thúc đẩy chúng ta tiến bước trong sự thật, trong khi hỗ trợ tất cả các biện pháp tư pháp có thể là cần thiết. Chay tịnh khiến chúng ta tỉnh táo và dẫn dắt chúng ta đến với những dấn thân trong sự thật và bác ái với tất cả những người nam nữ thiện chí, và với xã hội nói chung, để chống lại mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm.

Như thế, chúng ta có thể cho thấy rõ ràng ơn gọi của chúng ta trở nên “một dấu chỉ và một công cụ cho sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với toàn bộ nhân loại” (Lumen Gentium – Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân, 1).

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói. Bằng thái độ cầu nguyện và sám hối, chúng ta sẽ trở nên hài hòa trong tư cách cá nhân và cộng đồng với lời khích lệ này, để chúng ta có thể lớn lên trong ân sủng bác ái, trong công lý, trong sự phòng ngừa và sửa chữa. Đức Maria đã chọn đứng dưới chân thập tự giá của con Mẹ. Mẹ đã làm như thế một cách không ngần ngại, đứng vững bên cạnh Chúa Giêsu. Bằng cách đó, Mẹ cho chúng ta thấy cách Mẹ sống cả cuộc đời mình. Khi chúng ta cảm nghiệm sự tàn phá gây ra bởi những vết thương này trong giáo hội, chúng ta sẽ cùng với Đức Maria, “nhiệt thành hơn trong lời cầu nguyện”, tìm cách lớn lên trong tình yêu và lòng trung thành với Giáo Hội (Thánh I Nhã, Linh Thao, 319 ). Mẹ, người thứ nhất trong hàng môn đệ, dạy dỗ tất cả chúng ta như các môn đệ của Chúa cách thức dừng lại trước những đau khổ của người vô tội, không bào chữa hay hèn nhát. Nhìn lên Đức Maria là khám phá gương mẫu của một môn đệ chân thật của Chúa Kitô.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng hoán cải cần thiết và xức dầu nội tâm chúng ta ngõ hầu đứng trước những tội ác lạm dụng này, chúng ta có thể thể hiện cảm thức hối lỗi của mình và quyết tâm can đảm chống lại chúng.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Vatican, 20 Tháng 8, 2018

[1] “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17:21).
[2] x. Thư gởi dân Chúa tại Chí Lợi (31 Tháng Năm 2018).
[3] Thư gởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ Tịch Hội Đồng Toà Thánh về Mỹ Châu La Tinh (19 Tháng Ba 2016).


Source: Libreria Editrice Vaticana LETTER OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS TO THE PEOPLE OF GOD
 
Một em bé bị một khối u trong não đã đươc khỏi bệnh một cách kỳ diệu sau một nụ hôn của ĐGH Phanxicô.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:39 20/08/2018

Khi ĐGH Phanxicô hôn bé Gianna Masciantonio vào năm 2015 thì người ta cho rằng đấy là một tín hiệu đầy khích lệ. Quả là như vậy, theo tường trình của hãng tin Fox 29 của Philadelphi vào thời gian đó thì bé Gianna Masiantonio bị một khối u trong não và các bác sĩ cho rằng em sẽ không qua khỏi ngày sinh nhật đầu tiên, nhưng em đã vượt thắng và vẫn tiếp tục còn sống qua ngày sinh nhật của mình sau khi ĐGH đã hôn lên đầu em.

Hãng CBS đã tường trình rằng Gianna bị chứng histiocytosis, một chứng bệnh hiếm gặp khiến em không thể thực hiện cuộc giải phẫu để cắt bỏ khối u đó. Người ta cho rằng sự rối loạn máu gây tổn thương cho thân nhánh của não. Gianna đã được điều trị bằng phương pháp hóa trị và hiện nay Gianna đang trong tình trạng sức khỏe tốt và sẽ bắt đầu chuẩn bị vào lớp mần non vào năm nay.

Để kỷ niệm ngày phục hồi của Gianna, cha mẹ của em là ông bà Joey và Kristen Masciantonia, đã tặng $50,000 cho Nhà Thương Nhi Đồng ở Philadelphia, nơi em được điều trị. Số tiền này lấy tên một hội từ thiện có tên là “For the Love of Grace” (tạm dịch là Tình Yêu dành cho Grace) vì Grace là tên đệm của Gianna. Hội từ thiện này dành để giúp các em bị bệnh bướu não và chứng hystiocytosis.

Cho dù việc em Gianna được khỏi bệnh có phải do nụ hôn của ĐGH Phanxicô hay không, dường như đội ngũ y tế đã chăm sóc cho em rất hồi hộp vui mừng với sự phục hồi của em. Dĩ nhiên là ĐGH Phanxicô cũng rất vui mừng khi biết em đã khỏi bệnh. Ngài không hề biết em Gianna đang đau đớn do khối u trong não vào thời gian ngài thăm Philadelphia. Cũng theo một tường trình vào năm 2016 của CBS Philadelphia thì ĐGH vẫn cập nhật tức về tình trạng của em bé này.

Tin từ CBS Philadelphia.
 
Lỗi tại tôi nhân vụ tai tiếng tình dục xấu xa
Vũ Văn An
21:59 20/08/2018
Rất nhiều người Công Giáo có thiện chí đang rất ngã lòng trước các tin động trời liên quan tới gương mù gương xấu giáo sĩ lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ, nhất là sáu giáo phận đối tượng của Phúc Trình Pensylvania. Nhiều người lắc đầu cho rằng Giáo Hội Công Giáo “sắp tiu đến nơi rồi, còn gì nữa đâu, nó dùng cả nước thánh làm chuyện ô nhục rửa chim sau khi kê gian mà cười khúc khích, như A.P. tường thuật”.



Chúa Kitô là trái tim Giáo Hội thối rữa

Đáng buồn thật. Nhưng trước nhất, Hoa Kỳ không phải là toàn bộ Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội này hiện có hơn 1 tỷ 200 triệu tín hữu rải rác khắp “năm châu bốn bể” và đa số vẫn còn rất ngoan đạo, hàng ngày cố gắng thực thi những gì Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội giảng dạy, dù đôi lúc có vấp phạm, sa ngã.

Điểm thứ hai, như Simcha Fisher, ngày 1 tháng Tám, trên Blog www.simchafisher.com, đã viết: “Bạn nghĩ bạn muốn chạy trốn khỏi Giáo Hội. Bạn nghĩ bạn sẽ tìm được một nơi không còn giả hình đến thế, không còn sự ác cố thủ đến thế, một nơi không xây dựng bằng hết lớp này đến lớp khác đủ tội lệ, nhuốc nhơ và hư đốn. Có khi bạn sẽ tìm được một nơi như thế; tôi không biết chắc. Nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ không tìm được ở đấy một vị Thiên Chúa khóc lóc, chẩy máu và chết, Đấng đã nhận lấy tội lỗi vào cõi lòng Người, nuốt nó trọn khối, để nó bừng bừng trong dạ cho đến khi cháy tàn mới thôi. Bạn chỉ tìm thấy một Thiên Chúa như thế trong Thánh Hội Công Giáo Rôma Thối Rữa, nơi kẻ hư đốn dạy người trẻ cách pha chế Thiên Chúa.

Đó là một giáo hội thối rữa. Nhưng nó không thối rữa đến tận trái tim vì Chúa Giêsu là trái tim nó”.

Ở lại là xây dựng đức tin trên Chúa Kitô

Một tác giả Công Giáo khác, Joshua Charles, trên https://stream.org, ngày 20 tháng Tám, 2018 cũng có những nhận định tương tự trong bài báo có tựa đề là “Parish Rot — Acceptance of Homosexuality Runs Deep in the American Church” (Giáo xứ thối rữa – Việc chấp nhận đồng tính luyến ái ăn sâu trong Giáo Hội Hoa Kỳ).

Trong phần kết luận của bài báo, tác giả này nhận định rằng: “Có một sự thối rữa vốn đã và đang lan tràn phá hoại quá nhiều các giáo xứ Công Giáo từ chính tầng lớp lãnh đạo giáo xứ. Đó là lý do tại sao quá nhiều người giáo dân ngay lúc này đây đang giận dữ hết sức. Nhưng nó không mầu nhiệm chút nào đối với tôi trước khi tôi quyết định trở lại (Đạo Công Giáo). Tôi biết tất cả mọi điều về nó, vì đã có nhiều cuộc thảo luận với các bạn bè Công Giáo.

“Nhưng các nhà lãnh đạo Giáo Hội chỉ là các tiếp viên (attendant). Họ không phải là Chàng Rể. Bạn không trốn chạy khỏi bàn thờ, như nhiều tín hữu đang đe dọa sẽ làm.

“Bạn không bỏ đi. Đúng hơn, bạn không thể bỏ đi. Bạn chịu đựng nó đến cùng. Người ta sẽ luôn luôn, vâng, luôn thất vọng. Nhưng Giáo Hội mãi là người thụ hưởng các lời hứa của Chúa Kitô.

“Nên, bạn không bỏ đi, vì bỏ đi là xây dựng đức tin trên con người. Bạn ở lại, vì ở lại là xây dựng đức tin trên Chúa Kitô”.

Tưởng nên nhấn mạnh một điều về Joshua Charles: ông chỉ là một tân tòng của Đức Tin Công Giáo với khá nhiều đóng góp lớn. Theo thông tin của The Stream, ông là một sử gia, nhà văn và diễn giả, đồng tác giả cuốn sách bán chay nhất của New York Times The Original Argument: The Federalist’ Case for the Constitution, Adapted to the 21st Century , tác giả tác phẩm mới xuất bản gần đây Liberty’s Secrets: The Lost Wisdom of America’s Founders, và đồng tác giả cuốn God, Israel, and You: The Scandalous Story of a Faithful God. Ông là Concept Developer (Người Khai Triển Ý Niệm) và là Chủ Bút Cao Cấp của tạp chí sắp xuất bản Global Impact Bible, trình bầy các phương cách Thánh Kinh tác động trên nghệ thuật, âm nhạc, chính trị, giáo dục, ngôn ngữ, và nhiều khía cạnh khác của văn hóa nhân bản... Ông cũng là một học giả cố vấn cho Faith & Liberty Discovery Center của Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ, và là Nhà Văn và Nhà Nghiên Cứu tại Museum of the Bible. Ông cũng du hành khắp các tiểu bang Hoa Kỳ để nói về đủ đề tài liên quan tới nền văn minh Do Thái Kitô Giáo, lịch sử, nền chính trị bảo thủ, tranh chấp Do Thái Palestine, và tác động của Thánh Kinh đối với nền văn minh nhân bản. Các việc làm của ông được tường trình trên Fox News, The Federalist, The Stream, The Times of Israel, The Blaze, The Washington Times, the Israel Ministry of Tourism Magazine, WND, và nhiều ấn phẩm khác.

Lỗi tại tôi

Chủ đích bài báo trên của Joshua Charles là để nhấn mạnh: chính người Công Giáo đã góp tay tạo nên cuộc khủng hoảng ghê gớm hiện nay. Quả như thế, vì gốc rễ cơn lốc hiện nay chính là điều đồng tính luyến ái đã được chấp nhận rộng rãi trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, ít nhất bằng cách lặng thinh để nó hoành hành từ lâu. Ít nhất từ lúc Joshua Charles đang học Đạo (RCIA) để được gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Lời ông:

Như đã hiển nhiên đối với nhiều người Công Giáo trong nhiều năm, nhiều phần tử rộng rãi trong Giáo Hội Hoa Kỳ đã tỏ ra rất nghĩa hiệp và chấp nhận tác phong đồng tính, bất chấp sự kiện này là Giáo Hội nói hết sức rõ ràng như phalê rằng tác phong ấy có tội một cách nặng nề.

Thành thử, tôi xin chia sẻ một câu chuyện ngắn.

Kinh Nghiệm Học Lớp RCIA của tôi

Khi tôi quyết định trở thành người Công Giáo, tôi đến tham dự một chương trình RCIA ở địa phương. RCIA là viết tắt của “Rite of Christian Initiation for Adults” (Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Cho Người Lớn). Đây là chương trình mà phần lớn tân tòng trải qua để trở thành người Công Giáo.

Do đó, tôi dự lớp đầu tiên. Người giảng dậy là một mệnh phụ tốt lành. Nhưng bà có một thiếu sót lớn: bà tự ý nói với các học viên rằng bà bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội. Về chuyện gì chắc bạn muốn biết? Chắc bạn cũng đoán ra: đồng tính luyến ái.

Cho đến lúc bà nói điều đó (và không học viên nào nêu vấn đề cả), tôi vẫn là người năng nổ tham gia thảo luận. Nhưng khi bà nói như thế, tôi trở thành câm như hến. Tôi không biết phải trả lời ra sao. Tôi thất vọng khi thấy một người giảng dạy đức tin Công Giáo mà lại không bênh vực nó đến nỗi tôi quyết cho rằng khôn ngoan hơn cả, ngay trong lớp đầu tiên này, là đơn giản giữ im lặng – và nếu Chúa muốn tôi lên tiếng, hẳn Người sẽ mở cửa.

Cánh cửa mở

Người làm thế thật. Người gảng dậy thấy tôi từ một người linh hoạt và can dự tích cực trở thành một người câm như hến. “Sao, Joshua, anh nghĩ gì?”

“À, tôi bằng lòng ngồi lắng nghe”, tôi nói thế, cố gắng dành cho bà một lối thoát.

“Không, tôi thực sự muốn nghe anh nghĩ gì”.

Tôi dành cho bà lối thoát thứ hai, nhưng rồi, một người giảng dậy khác, một người đàn ông trung tuần, người thay thế cho Thầy Phó Tế (hôm ấy bị đau), “chõ mồm” vào, cho hay ông cũng muốn nghe ý nghĩ của tôi (ông không chịu đứng lên phản đối người dạy chính khi bà ta nói bà bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội về đồng tính luyến ái).

Lên tiếng

Coi đó như một tín hiệu, và sau khi đã dành cho họ 2-3 cơ may để họ đừng moi đáp ứng nào từ tôi, tôi nhìn thẳng vào mắt người giảng dậy mà nói một cách cương quyết, nhưng lịch sự rằng:

“Tôi ở đây chính vì tôi không còn là một người Thệ Phản nữa; do đó, tôi có ý hướng vâng phục và bênh vực các giáo huấn của Giáo Hội”.
Cả phòng hoàn toàn rơi vào im lặng. Sau khoảng từ 5 tới 10 giây (dài như một thiên thu), tôi lên tiếng một lần nữa:

“Bà cũng trích dẫn sai Sách Giáo Lý”.

Theo bà ta, Giáo Hội dạy rằng người đồng tính là người thác loạn từ bản chất và do đó Giáo Hội đã kỳ thị. Tôi nói “điều đó tuyệt đối sai. Sách Giáo Lý không dạy như thế. Sách nói rằng các hành vi đồng tính là thác loạn từ bản chất”.

Nghe như thế, bà ta tra sách, và (thấy) tôi nói đúng. Đoạn 2357 nói y hệt như tôi nói: “các hành vi đồng tính thác loạn từ bản chất”. Người có xu hướng đồng tính phải được yêu thương và tôn trọng như những con người.

Lại im lặng.

Tôi nói tiếp “nhân tiện, Sách Giáo Lý tuyên bố rằng nhiều hành vi mà tôi rất dễ nghiêng chiều trong tư cách người dị tính cũng thác loạn từ bản chất. Thành thử nếu Giáo Hội kỳ thị người đồng tính, thì Giáo Hội cũng kỳ thị tôi, một người dị tính, tôi đoán thế”. Đúng như thế, khi mở Sách Giáo Lý, thì ai cũng thấy tôi đúng.

Khỏi cần phải nói, tôi rời lớp học ấy mà khiếp đảm. Làm thế nào một người giảng dậy đức tin Công Giáo mà lại (1) công khai tuyên bố phản lại nó; và (2) cắt xén Sách Giáo Lý để bênh vực cho quan điểm của mình?

Ngỡ ngàng

Bồi thêm nhục cho người đã bị thương, người giảng dậy kia chỉ bênh vực giáo huấn của Giáo Hội chống lại người giảng dậy bất đồng sau khi tôi chống lại bà ta! Làm thế nào một chuyện như vậy đã có thể xẩy ra? Tôi vẫn chưa ở trong Giáo Hội, ấy thế mà tôi dám đứng lên bênh vực giáo huấn của Giáo Hội hơn cả những người Công Giáo đang giảng dậy tôi.

Tôi hết sức ngỡ ngàng.

Càng ngỡ ngàng hơn nữa khi tôi cho vị điều hợp viên của chương trình RCIA hay câu chuyện. Đáp ứng của vị này thật khủng khiếp. Tôi chỉ nhận được câu: “cám ơn anh đã cho chúng tôi biết”.

Không một chút thay đổi nào, hoàn toàn không. Một ai đó công khai giảng dậy điều sai lầm cho một người có tiềm năng trở lại đạo, và họ được pháp tiếp tục làm như thế.

 
Cha mẹ nên gần gũi với con cái hơn trong hoàn cảnh khó khăn này của Giáo Hội
Đặng Tự Do
23:52 20/08/2018
Luke Crawford, Hiệu trưởng trường Trung Học Cardinal Wuerl North Catholic High School đã gởi thư cho các phụ huynh học sinh sau khi hàng ngàn người ký tên trong một kiến nghị thư gởi cho Ban Giám Hiệu đòi xóa tên Đức Hồng Y Wuerl khỏi tên của nhà trường.

Đức Hồng Y Donald Wuerl đã bị nêu tên hơn 200 lần trong báo cáo của một bồi thẩm đoàn về việc lạm dụng tình dục tại 6 giáo phận trong tiểu bang Pennsylvania được công bố hôm 14 tháng 8 vừa qua.

Tổng chưởng lý Josh Shapiro cáo buộc Đức Hồng Y Wuerl bao che cho các linh mục lạm dụng tính dục. Cáo buộc này đã bị Đức Hồng Y Wuerl và tổng giáo phận Washington DC mạnh mẽ bác bỏ. Thực tế là trong 19 trường hợp phát sinh trong thời gian Đức Hồng Y Wuerl làm giám mục Pittsburgh (1988-2006), 18 trường hợp đã bị bãi nhiệm ngay lập tức. 13 trường hợp khác được nêu trong bản báo cáo xảy ra từ thời của vị tiền nhiệm ngài là Đức Hồng Y Anthony Bevilacqua.

Hiệu trưởng Luke Crawford đã phải gởi thư cho các phụ huynh sau khi một kẻ nào đó xịt sơn lên tên của Đức Hồng Y Wuerl trong bảng hiệu ở cổng chính của trường học.

Trong thư ông Luke Crawford cho biết Hội đồng quản trị của trường sẽ tổ chức một phiên họp để xem xét kiến nghị đổi tên này, sau đó vấn đề này được gửi đến Đức Cha David Zubik. Ông đặc biệt khuyên các bậc phụ huynh gần gũi và giải thích với con cái về bản báo cáo của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania để tránh các phản ứng phức tạp nơi giới trẻ: bỏ lễ ngày Chúa Nhật, hay tham gia vào các hành vi quá khích..


Source: KDKA Pittsburg Cardinal Wuerl’s Name Spray-Painted Over On North Catholic H.S. Sign
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Những Con Thuyền Xưa
Dominic Đức Nguyễn
07:35 20/08/2018
NHỮNG CON THUYỀN XƯA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Quê tôi bên Thái Bình Dương
Những con thuyền cũ thân thương dạt dào.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 20/08/2018: Trước thềm Đại Hội Thế Giới các Gia Đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:00 20/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Tổng Giám Mục Tony Wilson lãnh án tù ở tại gia

Chánh án Robert Stone của Tòa án ở Newcastle hôm 14/8/2018 đã phán quyết án cho Đức Tổng Giám Mục Wilson là 2 năm tù nhưng ít nhất bị 6 tháng tù ở tại gia một cách vô điều kiện. Tòa án địa phương trong mấy tuần qua đã thẩm định nhà của chị Đức Tổng Giám Mục có đủ điều kiện để làm nơi tù ở cho Đức Tổng Giám Mục Wilson hay không? Từ chiều nay Đức Tổng Giám Mục sẽ về đó sống trong thời gian 6 tháng tù ở, nghĩa là Đức Tổng Giám Mục không được đi đâu cho tới ngày 13 tháng Hai năm 2019.

Chánh án Robert Stone cho hay “Đức Tổng Giám Mục không tỏ ra hối tiếc hay chống đối bản án”. Theo ông chánh án Stone thì tâm tình bảo vệ Giáo Hội Công Giáo vẫn là “động lực chính” của Đức Tổng Giám Mục.

Theo ông chánh án Stone thì Đức cha Wilson vẫn là một giám mục trong Giáo hội, nhưng không có quyền giám mục thừa tác và ngài sẽ không có khả năng được phục chức. Bên ngoài tòa các nạn nhân của việc lạm dụng tính dục hô hoán rằng “việc che giấu lạm dụng tình dục trẻ em là một trọng tội, mà luật pháp đã không xử đúng như vậy!”

Cuối tháng vừa rồi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận sự từ chức của Đức Tổng Giám Mục Wilson khỏi chức vụ Tổng giám mục của Tổng Giáo phận Adelaide. Giáo phận Công Giáo Adelaide cho hay Đức Giám Mục Greg O'Kelly sẽ tiếp tục phục vụ với tư cách là Tổng Giám Mục cho tới khi có một sự thay thế chính thức.

Đức Cha O’Kelly cho biết ngài cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Wilson, cũng như cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng do việc lạm dụng tính dục mà một số thành phần trong Giáo hội gây ra.

2. Chuyến hải trình truyền giáo để tham dự Đại Hội Giới Trẻ 2019

Một nhóm bạn trẻ cho hay mục tiêu của chuyến hải trình của họ là hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa, lắng nghe những câu chuyện của họ, và học hỏi kinh nghiệm của họ khi họ di dân từ nước này sang nước khác, từ lục địa đến lục địa kia.

Nhóm bạn trẻ này sẽ khởi hành ngày 1-15 tháng 9, đi qua Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và trạm dừng chân đầu tiên của họ là Santiago de Compostela và Thánh địa của Fatima, để thuyết trình và chia sẻ mục đích của sứ điệp của chuyến hải trình của họ.

Vào ngày 30 tháng 9, tới Ma-rốc, họ sẽ bước đi theo các dấu chân của Cha thánh Charles de Foucault, để thấu triệt về chính cuộc sống của họ.

Từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10, đến Quần đảo Canary, trước khi ghé Senegal, nơi họ sẽ hướng dẫn một phái đoàn đông đảo tại Dakar.

Sau đó họ đến Cape Verde và từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12, họ băng qua Đại Tây Dương.

Ngày 25 tháng 12, họ sẽ đến Quần đảo Caribê - Saint Lucie, Martinique, Dominique và Guadeloupe, nơi đây họ sẽ mừng đại lễ Giáng sinh.

Sau lễ Giáng sinh họ lại lên đường ngày 27 tháng 12 đến Curacao vào ngày 15 tháng 1 năm 2019 và đích điểm cuối cùng của họ là: Panama vào đúng ngày giờ để tham dự Đại Hội Giới Trẻ từ 22 đến 27 tháng Giêng năm 2019.

Trên tàu, họ mang theo tượng Mẹ Maria La Antigua, do Đức Tổng Giám Mục Panama tặng, bức tượng, đại diện cho Đấng bảo trợ của nước Panama và Mẹ sẽ cùng hành trình vượt Đại Tây Dương với các bạn trẻ.

3. Nữ Thánh Edith Stein, một người nữ của đối thoại và hy vọng

Để đánh dấu ngày mừng kínhThánh Teresa Benedicta Thánh Giá, chúng ta nhớ lại lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về Vị Thánh Quan thầy của Châu Âu, mà tên thật của Ngài là Nữ thánh Edith Stein, được phong thánh năm 1998. Đức Thánh Cha nói “Nữ thánh dạy chúng ta ý thức rằng tình yêu dành Chúa Kitô phải kinh qua đau khổ. Bất cứ ai thực sự sống tình yêu ... đều phải chấp nhận sự hiệp thông đau khổ với người yêu. “

Nữ thánh Edith Stein sinh ngày 12 tháng 10 năm 1891 – và qua đời ngày 9 tháng 8 năm 1942, Ngài là một nhà triết học người Đức gốc Do thái đã gia nhập đạo Công Giáo và trở thành một nữ tu dòng kín Carmelite sau khi đọc các tác phẩm của nữ Thánh Tiến sị Hội thánh là nữ thánh Têrêsa thành Avila.

Nữ thánh đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy ngày 1 tháng 1 năm 1922 và ước muốn trở thành một Nữ tu dòng kín Carmelite dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng. Nữ thánh đã theo đuổi ơn gọi của mình và được nhận vào tu viện Carmelite ở Cologne ngày 14 tháng 10 năm 1934. Nữ thánh Edith Stein bây giờ được gọi là Teresia Benedicta Thánh Giá. Đối với nữ thánh, Thập giá của Đức Kitô hướng dẫn nữ thánh và những ai thấu đạt được Thập Giá của Đức Kitô thì hiệp thông được với mọi người.

Ngày 9 tháng 11 năm 1938, chủ nghĩa bài người Do Thái của Đức quốc xã trở nên cuồng nhiệt trên toàn thế giới. Các Hội đường Do Thái bị đốt phá và người Do Thái bị bắt.

Vào sáng ngày 7 tháng 8 năm 1942, 987 người Do Thái bị bắt vao trại Auschwitz. Có lẽ vào ngày 9 tháng 8, Sơ Teresa Benedicta Thập Giá, cùng với người chị là Rosa, cũng được rửa tội và tá túc trong Tu viện Echt đã bị bắt và cùng với nhiều người khác đã đưa về trại Auschwitz và bị lùa vào các phòng hơi ngạt cho đến chết!

4. Giáo phận Greensburg ở Pennsylvania xin lỗi và hứa tiết lộ danh sách các linh mục bị cáo buộc tình dục

6 giáo phận bị điều tra ở Pennsylvania đang lần lượt lên tiếng về những hành vi sai trái tình dục cuả hàng giáo sĩ.

Giáo phận Greensburg là giáo phận thứ 4 vừa tuyên bố xin lỗi và cam kết sẽ tiết lộ tất cả danh tính của các linh mục bị cáo buộc sai trái tình dục trong 70 năm qua. Danh sách sẽ được phát hành sau khi bản báo cáo cuả bồi thẩm đoàn Pennsylvania sẽ công bố theo lệnh cuả Tòa án tối cao Pennsylvania, chậm nhất là ngày 14 tháng 8.

Giáo phận Greensburg đã công bố một tài liệu dài 17 trang vào thứ Năm ngày 9 tháng 8, xin lỗi về những thất bại để bảo vệ trẻ em trong quá khứ, và giải thích tiến trình mà giáo phận đã thực hiện để ngăn chặn những lạm dụng ấy.

“Phải thừa nhận rằng, đã có nhiều dịp mà Giáo phận Greensburg đã chùn bước trong việc bảo vệ trẻ em, thanh niên và những người dễ bị tổn thương. Đối với những người đó, Giáo phận Greensburg xin lỗi họ và gia đình của họ và sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp họ chữa lành.”

Trong một lá thư đính kèm, Đức Giám Mục Edward Malesic viết rằng dù cho đã có những sai lầm khủng khiếp xảy ra, Giáo phận cũng đã học được bài học.

“Giáo dân cuả Greensburg nên biết rằng chúng tôi đã học được từ những sai lầm trong quá khứ”, ngài viết.

Đức Giám Mục cũng nhấn mạnh rằng Giáo phận vẫn hoạt động tích cực qua các ban ngành địa phương, để nhiều công việc tốt lành được thực hiện cho người nghèo, người bệnh, và để rao giảng Tin Mừng.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Giáo Phận Greensburg đã vượt qua cái hình ảnh được mô tả trong các tin tức truyền thông. Một trong những nơi an toàn nhất để trưởng thành ngày nay là Giáo Hội Công Giáo. “

5. Báo Trung quốc ca ngợi việc giam giữ trái phép nhiều triệu người ở Tân Cương.

Một bài xã luận trên tờ báo cuả nhà nước Cộng Sản Trung quốc xuất bản bằng Anh ngữ là tờ Global Times, nghĩa là Hoàn Cầu Thời Báo, vừa liên tiếng ca ngợi các chính sách đàn áp được thực hiện trong khu vực cuả người Duy ngô nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương (Xinjiang.) Tờ báo nói rằng các chính sách trên đã giúp cho khu vực khỏi trở thành “Syria hay Libya của Trung Quốc”.

Tờ báo viết các việc kiểm tra khắc nghiệt của Bắc Kinh đối với các dân tộc ở Tân Cương là một cái giá có thể chấp nhận được để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đây là một bài báo nhằm trả lời cho những phát hiện của ủy ban chống phân biệt đối xử chủng tộc cuả Liên Hợp Quốc, ủy ban này đã than phiền về nhiều “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” chống lại người Hồi giáo Duy ngô nhĩ.

Tờ báo cuả Trung Quốc tuyên bố rằng dân chúng phải được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng “phá hoại cuả công luận phương Tây”. Và đổi lại, “hòa bình và ổn định phải được đưa lên trước hết,” tờ báo viết.”Với mục tiêu này, mọi phương cách đều phải được thử nghiệm. Chúng ta phải tin tưởng triệt để rằng ngăn ngừa không cho bạo loạn xâm nhập vào Tân Cương là một thành công lớn nhất trong việc bảo vệ nhân quyền”.

Phản ứng trên của Bắc Kinh là do kết quả của một bản báo cáo được trình bày tại Geneva vào ngày 10 tháng 8 vừa qua.

Trong phiên họp ở Geneva, Bà Gay McDougall, phó chủ tịch cơ quan LHQ, đã lên án rằng có tới một triệu người Hồi giáo Duy ngô nhĩ bị bắt giữ bất hợp pháp và không có sự buộc tội chính thức, họ hiện đang bị giam cầm trong các trại tù Trung Quốc. Cũng theo cơ quan trên, có tới hai triệu người khác bị buộc phải đi cải tạo về chính trị và văn hoá trong các trung tâm phục hồi chức năng.

Người Duy ngô nhĩ là một dân tộc theo Hồi giáo sống ở Tân Cương, một vùng Tây Bắc cuả Trung Quốc. Các cuộc đàn áp chống lại thiểu số này đã gia tăng kể từ tháng 4 năm 2017, khi Bắc Kinh bắt đầu một chính sách “diệt tận gốc” để ngăn chặn những ảnh hưởng có thể có từ Afghanistan hoặc Pakistan. Bởi vì cùng có một tôn giáo với hai nước đó, người Duy ngô nhĩ cũng bị coi là những kẻ khủng bố và do đó họ bị cầm tù hoặc bị trục xuất .

Chính quyền trung ương áp đặt lệnh cấm ăn chay trong tháng Ramadan và không cho ai tham dự vào các đền thờ Hồi giáo khi chưa được 18 tuổi, mọi người phải cài đặt trên điện thoại di động một ứng dụng cho phép họ bị theo dõi mọi nơi mọi lúc và những người đàn ông thì không được để râu .

Những biện pháp cứng rắn trên là quá đáng, theo ý kiến cuả các chuyên gia và vận động gia, vì trên toàn quốc Trung hoa, chỉ có 10 triệu người Duy ngô nhĩ mà thôi, so với tổng số dân Trung quốc là gần 1,4 tỷ người, thì số lượng nhỏ đó không thể tạo thành một mối nguy hiểm có thể thách thức chính quyền trung ương.

Theo tờ Global Times cuả Cộng Sản, mục đích của các chính trị gia và truyền thông cuả phương Tây là “khuấy động tình trạng bất ổn ở Tân Cương và phá hủy sự ổn định bền vững cuả khu vực”. Tờ báo bác bỏ những những lời chỉ trích cuả LHQ và nhấn mạnh: “Thông qua sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhờ vào tinh thần quốc gia và sự đóng góp của các quan chức địa phương, Tân Cương đã được cứu vớt khỏi sự hỗn loạn khủng khiếp, đã tránh được số phận cuả 'Syria của Trung Quốc' hay 'Libya của Trung Quốc.'“

“Không có nghi ngờ gì - bài báo kết luận - rằng hòa bình và ổn định hiện tại ở Tân Cương một phần là do cường độ kiểm soát gắt gao. Cảnh sát và công an có thể được thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng đó chỉ là một giai đoạn mà Tân Cương phải trải qua trước khi xây dựng hòa bình và thịnh vượng. Sau đó thì một chính quyền bình thường sẽ được tái lập trở lại”.

6. Một nhà truyền giáo dòng Tên bị giết ở Peru

Một Linh Mục Dòng Tên người Tây Ban Nha, cha Carlos Riudavets Montes, đang làm việc với thổ dân vùng Amazonia của Peru đã bị giết. Thi thể của ngài đã được tìm thấy trong nhà bếp của trường học ở Peru vào sang thứ Sáu. Tay Ngài bị trói và thân thể bị nhiều vết dao đâm

Ông Gumercinda Diure, Giám Đốc Học Vụ vùng Amazonia cho đài phát thanh Peru biết vụ sát nhân này không có vẻ gì là cướp bóc tài sản vì không có đồ đạc gì bị lấy đi

Linh mục Giám Tỉnh Dòng Tên ở Peru đã xác nhận cha Riudavets đã bị giết Ngài bày tỏ lòng ưu phiền trước cái chết của cha Carlos Riudavets

Cha Victor Hugo Miranda, phát ngôn viên Tỉnh Dòng Tên ở Peru nói với thông tấn Vatican rằng các tu sĩ dòng Tên ở Peru bày tỏ mối quan ngại, lo lắng về chuyện gì đã xẩy ra và đang đợi giới chức chính quyền cho biết nguyên nhân vụ cha Riudavets bị giết.

Cha Miranda cũng nói các tu sĩ tỉnh dòng Tên tại Peru rất hãnh diện về những công việc truyền giáo của cha Riudavets. Cha Riudavets năm nay được 73 tuổi, Ngài phục vụ 38 năm trong ngành giáo dục dành cho các thiếu nhi thuộc nhóm thổ dân Yamakai-Entsa trong vùng Amaxon thuộc Peru

Cha Riudavets sinh tại Huelva, Tây Ban Nha. Ngài đến Peru lúc còn là chủng sinh, học thần học tại Lima, dậy học một thời gian ở Piura, phía Bắc Peru. Sau khi chịu chức Linh Mục, Ngài nhận bài sai về làm việc tại cơ sở truyền giáo của Dòng Tên thuộc vùng Cajamarca là lãnh thổ của thổ dân Awajun-Wampis. Trong 40 năm Ngài là thầy giáo, hiệu trưởng, sinh hoạt rất gần gũi với thổ dân.

Về nguyên nhấn cha Riudavets bị giết, theo ông Giám Đốc Học Vụ Diure, là vì một học sinh bị đuổi khỏi trường đã đe dọa giết cha Riudavets. Cảnh sát đang điều tra vụ này.

Hội Đồng Giám Mục Peru đã yêu cầu nhà cầm quyền điều tra và làm sáng tỏ vụ sát nhân này.

7. Kết quả cuộc thăm dò các bề trên dòng tu về việc phong chức phó tế cho phụ nữ.

Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng thuộc trường đại học Georgetown mới đây thực hiện một cuộc thăm dó ý kiến các dòng tu tại Hoa Kỳ về vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ.

Kết quả tổng quát cho thấy hầu hết các vị bề trên nam cũng như nữ đều tin rằng giáo hội có thể và nên truyền chức phó tế cho phụ nữ. 75% các vị bề trên được hỏi trả lời rằng giáo hội CÓ THỂ truyền chức phó tế cho phụ nữ. Trong khi 45% các vị tin là giáo hội SẼ truyền chức phó tế cho phụ nữ trong tương lai.

Cuộc thăm dò do Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng thực hiện đã hỏi 777 cơ sở dòng tu và các tổ chức tông đồ bao gồm các bề trên nam giới, các bề trên nữ giới và 137 nhóm phụ nữ chiêm niệm

60% bề trên dòng nữ nói nếu giáo hội chuẩn phê việc phong chức phó tế cho phụ nữ, họ sẽ đề nghị các chị em trong dòng chịu chức phó tế. Trong khi đó lại có 45% các vị bề trên nữ nói các chị em trong dòng không mấy quan tâm về việc được đề cử lãnh chức phó tế.

78% các vị bề trên cho rằng phong chức phó tế cho nữ giới là điều rất quan trọng cho giáo hội, nhưng chỉ 45% vị bề trên nói quyết định đó cũng sẽ là điều quan trọng đối với hội dòng của họ. Nhưng 61 % các bề trên nghĩ rằng việc phong chức phó tế cho phụ nữ sẽ không làm gia tăng số ứng viên gia nhập dòng tu.

Tưởng cũng nên nói thêm, giáo huấn của giáo hội cũng như lập trường dứt khoát của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là chỉ truyền chức linh mục cho nam giới.

Về chức phó tế cho nữ giới thì ngày nay vấn đề đang được thảo luận. Vào tháng 8 năm 2016 Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thành lập một uỷ ban nghiên cứu vai trò lịch sử phó tế của nữ giới. Đây không phải là một quyết định mới mẻ mang tính cách mạng của Đức Giáo Hoàng Phanxciô mà chỉ là việc Ngài trở về với truyền thống thời giáo hội sơ khai vì thời giáo hội sơ khai đã có những vị nữ giới giữ chức phó tế

Dù đã có ủy ban nghiên cứu phó tế nữ giới, nhưng 76% các vị bề trên được hỏi không biết gì về ủy ban này.

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy 84% các vị bề trên tiên đoán rằng một khi chức phó tế cho phụ nữ được chấp thuận thì biến chuyển đó sẽ là một lời kêu gọi lớn hơn trong tương lai cổ vũ cho việc phụ nữ làm linh mục.

8. Thủ tướng Ái Nhĩ Lan thề sẽ thúc đẩy Đức Giáo Hoàng chấp nhận những gia đình đồng tính.

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan, ông Leo Varadkar, là một người đồng tính. Ông ta liên tục tung ra những lời phê bình về giáo huấn của Giáo Hội trước Hội Nghị Thế Giới về Gia đình. Trong một diễn biến mới nhất, ông ta tuyên bố sẽ nói với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Ái Nhĩ Lan vào cuối tháng này của ngài rằng những gia đình của những cặp đồng tính phải được Giáo Hội đối xử bình đẳng như những gia đình truyền thống.

Leo Varadkar dự trù sẽ được Đức Giáo Hoàng tiếp tại lâu đài Dublin khi ngài thăm Đại Hội Thế Giới về Gia Đình, một lễ hội của Giáo Hội Công Giáo về gia đình.

Được hỏi là ông sẽ nói gì với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Varadkar nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba tuần trước rằng ông sẽ bày tỏ “quan điểm của chúng tôi như một xã hội và một chính phủ rằng các gia đình có nhiều hình thức khác nhau và bao gồm những gia đình có là cha mẹ đồng tính.”

“Cuộc gặp tại Lâu đài Dublin sẽ diễn ra nhanh nhoáng, nhưng trước hết là tôi muốn chào mừng ngài đến thăm Ái Nhĩ Lan, và nếu có cơ hội, tôi chắc chắn sẽ bày tỏ với ngài những quan tâm thực sự của người Ái Nhĩ Lan”

Bộ trưởng về Chăm Lo Trẻ Em trước đây đã nói rằng bà sẽ nói với Đức Giáo Hoàng rằng thật là sai lầm để nói rằng chỉ có các cặp vợ chồng khác phái mới có thể làm nên một gia đình thực sự, trong khi Bộ Trưởng Văn Hóa sẽ đề nghị Đức Giáo Hoàng bãi bỏ việc các linh mục độc thân.

Bộ trưởng Y tế là Simon Harris cũng phê bình giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai và tuyên bố rằng tôn giáo “sẽ không còn quyết định chính sách xã hội và y tế của đất nước chúng tôi nữa.”