Việt Nam đã chuẩn bị ra sao về lĩnh vực cải cách luật pháp cho quá trình gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới, WTO?

Theo yêu cầu của WTO, các quốc gia nào muốn gia nhập WTO phải có một hệ thống luật pháp minh bạch, với các văn bản luật phù hợp theo các yêu cầu của WTO về các lĩnh vực chủ yếu như thương mại hàng hoá, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch vụ..vv..

Trọng tâm vẫn là để tạo ra một môi trường đối xử công bằng, không phân biệt nhằm thúc đẩy việc phát triển mậu dịch về hàng hoá và dịch vụ giữa các quốc gia thành viên.

Liệu Việt Nam có đáp ứng được những yêu cầu này, để gia nhập WTO vào năm 2005 như đã lên kế hoạch?

Theo ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế của Bộ Tư pháp Việt Nam, người tham gia vào quá trình chuẩn bị này, tình hình cải cách luật pháp tại Việt Nam cho đến nay là rất khả quan.

Ông Hiệp cho biết cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, và thấy rằng: “Cơ bản là nhiều vấn đề về pháp luật Việt Nam phù hợp với các yêu cầu của WTO”

Theo ông Hiệp, các qui định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam phù hợp với qui định của WTO.

Đa số qui định về thương mại hàng hoá cũng phù hợp, tuy thế, luật pháp Việt Nam còn “một vài chỗ”, theo lời ông Hiệp, chưa thật phù hợp với qui định của WTO.

Thêm vào đó, các qui định, văn bản pháp luật về phần dịch vụ còn nhiều khó khăn, và phải mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện theo tiêu chuẩn của WTO.

Tuy nhiên, ông Hoàng Phước Hiệp tỏ ra rất lạc quan, và cho biết Việt Nam sẵn sàng gia nhập WTO vào năm 2005, vấn đề còn lại phụ thuộc vào “sự hỗ trợ tích cực từ các quốc gia thành viên WTO” đối với việc Việt Nam gia nhập mà thôi.

Rào cản về luật pháp?

Được biết Việt Nam đã rà soát lại khoảng 260 văn bản luật pháp và còn đề xuất phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành tới gần 100 luật mới cho đáp ứng với yêu cầu của WTO.

Thế nhưng, đó là về số lượng, còn chất lượng thì sao, đặc biệt nếu xét tới những chuẩn bị luật pháp về mậu dịch để cho VN có thể tham gia vào một sân chơi lớn với những yêu cầu và cạnh tranh có thể nói là hết sức khắc nghiệt?

Theo đánh giá của kinh tế gia Lê Đăng Doanh từ Việt Nam, ngoài việc ban hành luật pháp và các khó khăn khác, sự độc quyền tại Việt Nam cũng đang là một chướng ngại.

Được biết cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành một luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, chứng tỏ việc kiểm soát chuyện này là không hề dễ dàng.

Theo ông Lê Đăng Doanh, vấn đề lớn thứ hai là việc thực thi pháp luật tại Việt Nam còn chưa được thống nhất, đồng bộ, và chưa có hiệu lực, chẳng hạn hải quan ở cảng này thì áp dụng thuế khác với hải quan ở cảng khác, hay các quan chức áp đặt mức thuế khiến các doanh nghiệp “không được thoải mái”.

Về lĩnh vực kinh tế tư nhân, mặc dù đã được tạo thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, nhưng theo ông Doanh, kinh tế tư nhân cần phải được tiếp cận tới các lĩnh vực như đất đai, tín dụng, thông tin và một loạt các vấn đề khác bình đẳng và dễ dàng hơn.

Ông Doanh cho biết nếu như chuyện này được thúc đẩy nhanh hơn thì việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn, không những thế, còn giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hơn. (BBC)