Westminster (CA) -- Ngày 31/05/06 vừa qua, hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết thỏa ước kết thúc đàm phán WTO tại Sàigon.

DB Trần Thái Văn thảo luận với Giám đốc David Bisse và bà Barbara Weisel thuộc Mậu Dịch Hoa Kỳ
Theo những bản tin đã được gửi đi từ Việt Nam và được đăng trên các diễn đàn internet, cho rằng việc đàm phán giữa 2 nước Việt Mỹ đã chấm dứt để Việt Nam có thể vào WTO vào cuối năm nay như lời tuyên bố của ông Nguyễn Quang Xuân, Bộ trưởng Việt Nam tại WTO.

Trước lời tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Quang Xuân, Luật sư Trần Thái Văn, dân biểu Tiểu Bang California đưa ra lời nhận xét "Việt Nam được vào WTO sớm hay muộn còn tùy thuộc quyết định tối hậu của Quốc Hội Hoa Kỳ, đại diện cho quyền lợi của công dân Hoa-Kỳ, đặc biệt là cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam. Chúng ta sẽ yêu cầu các nhà lập pháp Hoa Kỳ,đòi hỏi những điều khoản chưa đạt thỏa hiệp như bình quyền giao thương giữa Việt Nam và các thương gia người Mỹ gốc Việt về ấn phẩm, đĩa nhạc và phim ảnh, v.v., cũng như các vấn đề nhân quyền, thả tù nhân lương tâm, và ngưng đàn áp, cởi trói cho tôn giáo tại Việt Nam cần được thảo luận".

Hiện nay theo thương ước tạm thời (Bilateral Trade Agreement – BTA) ký 2001, Việt Nam được tự do xuất cảng qua tất cả các nước văn hoá phẩm như CD, DVD ca nhạc, sách báo. Các ca nhạc sĩ, các đoàn văn nghệ Việt nam được sang Mỹ trình diễn thoải mái. Tuy nhiên, Việt-Nam giành độc quyền nhập cảng qua các công ty quốc doanh các sản phẩm và dịch vụ kể trên. Vì lẽ đó, trên thực tế những sản phẩm và dịch vụ này bị cấm nhập cảng vào Việt-Nam. Điều này bất công và trái với luật thương mại WTO.

Ca nhạc sĩ tại Hoa kỳ không được phép trình diễn tự do tại Việt Nam. Các sách báo, tiểu thuyết, sản phẩm văn nghệ tại Hoa Kỳ như Thúy Nga Paris, Vân Sơn, Làng Văn, Asia Production bị cấm nhập cảng. Thực tế, các sản phẩm này được sao chép tự do và bầy bán đầy đường tại các thành phố lớn tại Việt Nam.

"Chúng tôi không đòi hỏi gì quá đáng là Mỹ và Việt Nam cần có thỏa thuận Mậu Dịch thăng bằng song phương", DB Văn, đại diện cho quyền lợi kinh tế California và thương gia Việt trên đất Mỹ đã chuyển lời đòi hỏi này cho đại diện Mậu Dịch Hoa Kỳ trong buổi họp nêu trên.

DB Văn tiết lộ, qua văn phòng của nhiều đồng minh chính trị tại Quốc hội như DB Ed Royce, DB Chris Smith, DB Dana Rohrabacher và DB Frank Woft đang phối trí để yêu cầu các viên chức hàng đầu thuộc Cơ quan Mậu Dịch Hoa Kỳ đến Quốc Hội để trình bầy chi tiết hiệp ước đã thỏa thuận với VN, vấn đề còn lại để thương thuyết là gì.

Trong dịp này nhiều đoàn thể đấu tranh cho nhân quyền, tự do tôn giáo và nhiều đại diện thương mại Việt tại Hoa Kỳ sẽ tháp tùng trong phái đoàn do DB Văn hướng dẫn lên Hoa Thịnh Đốn, phối hợp với nhiều thành phần tại thủ đô Hoa kỳ, để tìm hiểu, chất vấn và đặt điều kiện với các thương thuyết gia hàng đầu của Cơ Quan Mậu Dịch Hoa Kỳ. Buổi họp dự đoán xẩy ra trong vòng tháng 6.

Ông Nguyễn Quốc Khải, một chuyên viên về WTO, cho biết Việt nam còn phải qua của ải Quốc hội Hoa Kỳ, và cần đạt được quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (permanent normal trade relation - PNTR), trùng hợp với lời tuyên bố của đại sứ Bhatia, phó đại diện mậu dịch Hoa Kỳ.

Sau chuyến đi của Đại sứ Lê Văn Bằng để vận động quốc hội Hoa Kỳ, bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội (bù nhìn) sẽ hướng dẫn phái đoàn lên đường nay mai để vận động cho Việt nam được hương qui chế PNTR.

"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng Việt cũng như các đoàn thể, thương gia Việt gửi thư đến các dân biểu liên bang địa phương cùng phối hợp với khối dân biểu hậu thuẫn cho cộng đồng Việt, để buộc Việt Nam phải chấm dứt chính sách mậu dịch độc quyền hiện nay. Văn hoá phẩm của chúng ta phải được bán tại Việt Nam một cách công bằng trong Hiệp Ước Mậu Dịch sắp được đưa ra Quốc hội Hoa Kỳ", Dân biểu Văn nói.

DB Văn cho biết văn phòng ông sẽ gửi đến các báo chí địa phương, trên hệ thống điện tử các mẫu thỉnh nguyện thư và danh sách, địa chỉ của toàn thể dân biêu liên bang để mọi người Việt có thể góp phần vào cuộc tranh đấu cho quê nhà sớm có tự do, dân chủ thật sự, các tù nhân lương tâm được phóng thích, Sau cùng các thương gia người Mỹ gốc Việt phải được đối sử công bằng trong hiệp ước WTO giữa Mỹ-Việt. (Việt Báo)