MẠCH NƯỚC HẰNG SỐNG

Nước là biểu hiện của sự sống. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Chúa Giêsu khát nước (x..Ga 5,42). Nhưng nước mà Ngài đi tìm lại không phải là nước giếng, mặc dầu người thiếu phụ Samaria này có mặt bên bờ giếng của Giacop, chị biết rất rõ giếng này là của tổ phụ Giacop, chứng tỏ chị là người còn giữ một truyền thống liên tục với các tổ phụ của Israel.

Từ năm 721, Samaria thất thủ, dân ngoại vào chiếm đóng. Từ đó, mối bang giao giữa Israel và Samaria bị cắt đứt, thậm chí đến Đền thờ Giêrusalem – trung tâm của tôn giáo – mang vai trò của tôn giáo và cả sinh hoạt xã hội cộng đồng của dân Israel cũng bị người ta tách ra, xây một đền thờ khác trên núi Garizim để khỏi phải lên Giêrusalem. Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu thì người thiếu phụ Samaria tỏ ra còn tha thiết với truyền thống của Israel, cho nên chị đã đứng ở bên bờ giếng của Giacop. Chúa Giêsu đến xin chị nước, nhưng đó chỉ là khai mào cho một câu chuyện. Ngài dẫn chị đến một thứ nước hằng sống, nước hằng sống ấy là nước không bao giờ khát, không bao giờ chết. Điều quan trọng là Chúa Giêsu đã mạc khải cho chị, rằng: “Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Đây chính là điều mà chúng ta được nghe Chúa Giêsu tuyên phán “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài là sự sống, cho nên mạch nước từ nơi Ngài trào dâng. Đó là điều mà chúng ta xác quyết. Nhưng với người thiếu phụ Samaria này, chị chưa dễ dàng nhận ra. Vì vậy Chúa Giêsu đã nhìn xuyên qua cuộc đời tư của chị, mảnh đời của chị thật là đau đớn. Chị sống hết với người đàn ông này đến người đàn ông kia, cho đến người thứ sáu vẫn chưa phải là chồng của chị. Phải chăng, ở nơi đây, chúng ta nhớ lại điều Chúa Giêsu tuyên bố: “Những người đĩ điếm, những người trộm cướp sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31).

Người thiếu phụ Samaria trong bài Tin Mừng, mặc dầu có mảnh đời tư nhúng chàm, nhưng khi gặp Đức Giêsu, chị đã tỏ ra là một người thực sự biết lắng nghe và là một tâm hồn thiện chí. Chị đã trở thành tông đồ để đưa dân Samaria đến với Đức Giêsu. Chị đã sớm nhận ra dấu hiệu, “Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (Ga 4,29). Và vì thế nên những người Samaria dễ đón tiếp Chúa Giêsu. Ngài đã ở hai ngày với họ vì họ đã mời Ngài. Điều làm họ hạnh phúc nhất, sau khi được ở với Chúa Giêsu, họ đã nói lại với người thiếu phụ rằng: “Giờ đây, không phải là chúng tôi tin ở lời chị, nhưng vì chúng tôi đã được nghe chính Người nói”(Ga 4,42). Đây là điểm gút để chúng ta dừng lại. Chúng ta dừng lại trong chính Đức Giêsu Kitô. Bởi vì từ nơi Ngài, mạch nước Hằng Sống sẽ trào dâng, để tất cả những ai đến với Ngài sẽ không hề khát. Những người dân Samaria kia đã tin vào những lời Chúa Giêsu phán. Mặc dầu lúc đầu họ cần phải qua một trung gian là người tông đồ, chính là người thiếu phụ Samaria. Cho nên, mỗi người chúng ta đều thực hiện một sứ mệnh tông đồ mà Chúa trao cho để chúng ta cũng đưa người khác đến với Chúa và đưa Chúa đến cho mọi người. Tông đồ là như vậy, và thời đại nào cũng vắng thiếu những tông đồ đích thật. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin sai thợ gặt đến mà gặt lúa của Ngài” (Mt 9,37).

Trong thời đại của chúng ta thì những người tông đồ thiện chí càng vắng thiếu. Những người đem Lời Chúa đến cho mọi người và những người dẫn được người khác đến với Chúa càng ngày càng ít. Người ta ai cũng ích kỷ, cũng chỉ biết cho bản thân mình uống nước mà không biết rằng đến với Đức Giêsu Kitô để được mạch nước hằng sống ban cho. Chúa Giêsu là người xin nước, nhưng chính Chúa mới là người ban nước. Bởi vậy, Chúa xin chúng ta hãy đến với Chúa: “Những ai gồng gánh nặng nề. Hãy đến với Ta, Ta nâng đỡ bổ sức cho”(Mt 11,28). Khi chúng ta đến với Ngài, Ngài sẽ ban cho chúng ta mạch nước hằng sống đó.

Thời đại của người Samaria với thời đại của chúng ta không khác nhau là mấy. Cũng có nhiều người hoang mang, như người phụ nữ Samaria đã thưa với Đức Giêsu: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này, còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Chúa” (Ga 4, 20). Ai cũng đúng, ai cũng có lý !. Nhưng Đức Giêsu khẳng định cho chị rằng: “Chính là lúc này đây, những kẻ thờ phượng đích thực phải thờ trong tâm hồn và chân lý”(Ga 4, 23). Mạch nước hằng sống là như vậy, là thờ trong tâm hồn và chân lý. Không phải bằng những lý luận. Không phải bằng những ý riêng. Không phải bằng những cách thức mà người ta theo thói quen, theo truyền thống. Nhưng phải là những gì từ lòng mình, mà Chúa Giêsu đã nói: “Từ lòng họ, nước hằng sống sẽ vọt lên như dòng sông” (Ga 7,38).

Hôm nay, Chúa Giêsu đến bên bờ giếng Giacop. Ngài đã khơi lên từ mạch đó một dòng nước hằng sống. Không phải là nước giải khát cho một cơn khát thể lý, nhưng là nước để giải khát của tâm hồn, cho họ sự sống đời đời. Vì vậy, nếu chúng ta cũng biết chân thành như người thiếu phụ Samaria; nếu chúng ta cũng biết mời Chúa Giêsu ở lại với chúng ta hai ngày như người dân Samaria thì chúng ta cũng sẽ nhận ra điều đó. Chúng ta sẽ nhận ra rằng, từ nơi Chúa có mạch nước hằng sống của Thánh Thần chân lý trào vọt và vì thế, những ai đến với Chúa sẽ không bao giờ khát và từ nơi họ, mạch nước hằng sống sẽ vọt ra như dòng sông.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Hình ảnh trong sách Xuất hành,
từ tảng đá ở giữa sa mạc khô cháy,
Chúa dạy Môisê đập cây gậy vào nước,
cây gậy của lòng tin.
Lập tức tảng đá ấy đã chảy ra nước
để thành mạch nước cho dân Do Thái uống trong sa mạc năm xưa.
Nếu hôm nay, với đức tin,
chúng còn có thể tìm thấy trong sa mạc
của thế giới đầy những khô cháy và hận thù,
mạch nước hằng sống được chảy ra từ chính Đức Giêsu Kitô.
Xin cho chúng con mạch nước hằng sống đó
để chúng con được sống và được sống đời đời.
Xin cho mạch nước hằng sống đó
tiếp tục làm cho sa mạc khô cháy của thời đại chúng con
nở hoa công chính và đơm bông thánh thiện.
Có như vậy,
chúng con mới nhận ra Thánh Thần tình yêu và đạt tới sự sống đời đời
trong mạch nước Hằng Sống của chính Chúa. Amen.