THÁI HÀ - Tại Việt Nam, việc người dân kiện các cơ quan truyền thông một chiều vu khống, thông tin sai sự thật là chuyện xưa nay hiếm, là chuyện mò kim đáy bể.

Về vụ giáo dân Thái Hà kiện các cơ quan truyền thông nhà nước, nhiều người tặc lưỡi bảo: “Kiến kiện củ khoai. Kiện các cơ quan truyền thông là kiện Nhà nước, bởi trong tất cả các vụ việc nhạy cảm như vụ Thái Hà, cơ quan truyền thông đều được Đảng chỉ đạo và chỉ có nhiệm vụ nói theo Đảng”.

Khó thật! Nhưng, để đạt tới sự thật thì bao giờ chẳng khó.

Các giáo dân - nguyên đơn khởi kiện các báo đài trung ương và địa phương thông tin sai sự thật về vụ án oan xét xử họ ngày 8/12/2008 vừa qua, cho biết: dù biết rằng kiện báo đài là “con kiến kiện củ khoai”, nhưng họ vẫn khiếu kiện để bảo vệ danh dự và quyền lợi của mình, nhất là để các cơ quan truyền thông một chiều một lần ý thức về nhiệm vụ nói thật của mình. Họ không hy vọng thắng kiện, nhưng với tất cả bằng chứng và các nhân chứng sẽ làm chứng cho họ, thì dù thua hay thắng, chân lý vẫn đứng về phía họ và đó là điều khó xử đối với nhà cầm quyền Việt Nam – một chính thể không có sự thật và luôn sợ sự thật.

Sự thật là, ngày 8 tháng 1 năm 2009 vừa qua, khi họ tới nộp đơn khởi kiện Báo Hà Nội Mới và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) tại Tòa án quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, thì được nhân viên ở các tòa án này cho biết: “Đây là lần đầu tiên họ tiếp nhận một vụ khiếu kiện như vậy”. Do đó, họ cần phải xin ý kiến cấp trên và hẹn tới 15 tháng 1 năm 2009 sẽ trả lời có thụ lý vụ án hay không.

Ngày 15 tháng 1 năm 2009, đúng hẹn, các giáo dân tới nhận kết quả thì được trả lời: “Đây là vụ việc nhạy cảm nên để sau phiên tòa phúc thẩm sẽ cứu xét”. Sau khi bị các nguyên đơn phản đối về lề lối làm việc tắc trách, quan liêu, thiếu tôn trọng người dân, bao che cho những sai trái, coi thường pháp luật, đánh lận con đen… tòa án tiếp tục hẹn các giáo dân ngày 5 tháng 2 năm 2009 sẽ cho biết kết quả.

Quả là khó xử cho các cơ quan pháp luật khi phải xứ lý một vụ việc như vậy. Nếu xử cho dân thắng thì đảng thua muối mặt mà xử dân thua thì đảng không những không thắng lại còn bị mất mặt. Cứ lẽ thường tình, với những bằng chứng và nhân chứng các giáo dân đang có trong tay, thì giáo dân sẽ là người thắng kiện.

Khó thật!

Chưa biết vụ án có được thụ lý hay không và thụ lý lúc nào, nhưng ngay từ bây giờ, việc giáo dân Thái Hà khiếu kiện các cơ quan truyền thông nhà nước thông tin sai sự thật đang được công luận chú ý. Người ta chú ý bởi sự hy hữu của nó chỉ một phần, điều quan trọng hơn là có rất nhiều người dân, thậm chí cả doanh nghiệp, là nạn nhân của truyền thông một chiều, thứ truyền thông chuyên cố tình dựng chuyện, bóp méo sự thật, đang chờ xem sự thể vụ này sẽ đi đến đâu. Liệu qua vụ này có le lói cho họ một chút hy vọng vào công lý hay không?

Còn nhớ cách đây chưa lâu, Báo Vietnamnet cũng bị chủ nhà hàng Phố Núi kiện ra Tòa án quận Đống Đa. Bà chủ nhà hàng Phố Núi yêu cầu VNN phải đăng cải chính trên trang nhất và bồi thường 300 triệu đồng. Đúng 5 tháng sau, Vietnamnet phải đăng tin cải chính, xin lỗi và bồi thường (theo cách nói hoa mĩ của báo chí Việt Nam là “hỗ trợ”) cho nhà hàng này 120 triệu đồng. Tất nhiên, Vietnamnet đã phải chạy đôn chạy đáo thu xếp để phiên tòa không diễn ra! Nhưng đó chỉ là chuyện giữa Vietnamnet và nhà hàng Phố Núi.

Vụ việc các giáo dân đòi các cơ quan truyền thông tôn trọng sự thật thực ra cũng không khác vụ việc các giáo dân đòi hỏi sự thật về khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng. Có thể gọi đây là vụ án: “Công lý phần ba” (phần một đòi đất, phần hai kêu oan, phần ba đòi quyền lợi và danh dự).

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước sẽ không đủ can đảm để thụ lý vụ án này, bởi họ thừa biết thủ phạm chính là họ. Nhà nước sẽ chỉ đạo không thụ lý vụ án này bởi nếu thụ lý thì Đảng sẽ mất đi sự tiếp tay của cả một hệ thống báo chí nô dịch, bồi bút vốn từ xưa tới nay đã và đang là chiến lũy cuối cùng bảo vệ đảng và đảng đang và đã ra sức bảo vệ.

Nhà nước sẽ chỉ đạo không thụ lý vụ án, còn bởi nếu thụ lý vụ án này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lại phải ra tiếp một thông tư như vừa rồi đã phải ra một Thông tư về “Quản lý đất đai tôn giáo”. Hoặc Quốc hội sẽ phải ra một nghị quyết số 23 phẩy/NQQH trong đó nói rõ: “Nhà nước không xem xét việc xét xử báo đài nhà nước đã vu cáo bôi nhọ, đưa tin sai sự thật hoặc kết tội những công dân có nguồn gốc là công giáo trong quá trình thực hiện các chính sách về tuyên truyền trong giai đoạn phục vụ lên án giáo dân và tu sĩ Thái Hà và Tòa Khâm sứ”.

Hay thật!

Chuyện tưởng nhỏ mà lại hóa to.

Các nhà báo có lương tri, yêu mến sự thật, yêu mến dân tộc, nên nhân vụ việc này, can đảm đòi lại “quyền nói sự thật của mình”, “quyền tự do ngôn luận”, “quyền tự do báo chí”, giúp dân tộc tiến dần tới một xã hội dân sự, phát triển ổn định, bền vững.

Các vị lãnh đạo tôn giáo nên ủng hộ mạnh mẽ các giáo hữu của mình trong công cuộc đi tìm sự thật cho bản thân cũng là tìm về một nền công lý và hòa bình đích thực cho dân tộc. Hơn 60 năm qua, các tôn giáo, cách riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam đã là nạn nhân của nền báo chí độc quyền, vì thế đã tới lúc cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của Giáo hội, của dân tộc và của những dân oan không có tiếng nói.

Cơ hội chỉ có một.

Biết rằng kiến kiện củ khoai! Nhưng, nếu không lên tiếng thì ai nào lên tiếng!