“Đức tin không việc làm là đức tin chết”

Có ý kiến của một “độc” giả Nguyễn Kim Nha Trang trên BBC về vụ đất Tòa Khâm Sứ: “Đạo nào cũng khuyên con người hướng thiện. Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là đạo gì? mà tụ tập giáo dân chống đối biểu tình làm loạn xã hội.”

Chúng ta cùng suy nghĩ một chút về tính chất hợp lý của vấn đề Tòa Khâm Sứ và hành động Đức Tổng Ngô Quang Kiệt theo phương diện tôn giáo tâm linh – xã hội.

Cùng đồng nhất quan điểm với bạn: tất cả các tôn giáo đều dạy con người hướng thiện, sống tốt, ăn ngay ở lành… Tuy vậy, không đồng nghĩa rằng tôn giáo phải luôn thụ động, bất động trước thực tại xã hội bất công, vô nhân tính...như đất nước chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vô thần. Ngược lại tôn giáo là cách thức để đem lại hạnh phúc cho con người trong sự công chính, bình an đích thực. Do đó, đạo luôn đòi hỏi sự thật, công lý và tình yêu nơi mỗi người tín hữu. Tôn giáo không chỉ là một giải pháp đưa con người trốn tránh thực tại xã hội để an phận thủ thường. Muốn giải thoát con người khỏi những bất công, dạy con người ăn ngay ở lành thì cần phải dũng cảm đấu tranh trực diện với những sự dữ. Vì vậy, mọi tôn giáo đều phải bảo vệ cho chính nghĩa, sự thật nhằm thiết lập lại trật tự xã hội, công bằng… tạo hành lang dẫn con người trở lên thiện hảo. Đạo công giáo mà Đức Tổng Kiệt và những người công giáo đang theo, lại càng đòi hỏi cấp thiết hơn trong ý nghĩa “đức tin phải có việc làm”.

Đức tin là phẩm giá cao trọng nơi đạo công giáo, nơi tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời trần thế này, nhưng không phải là đức tin thụ động. Sự tín thác nơi Thiên Chúa quyền năng làm nên sức mạnh nơi hành động của đức tin. Thiên Chúa luôn an bài và thiết định ý muốn của mình thông qua sự cộng tác của con người. Trong đức tin, người công giáo lắng nghe Lời Chúa, Thánh ý của Ngài (Thiên ý). Thánh ý của Thiên Chúa luôn đặt trên nền tảng của chân lý, biểu lộ qua những điều thiện, chính nghĩa. Do đó, đức tin không chỉ là hành vi vô ý thức và thụ động mà ngược lại đức tin thực thụ luôn được mang ra thực hành để đem lại hoa trái dồi dào của công lý, tình yêu. “Đức tin không việc làm là đức tin chết”, là kim chỉ nam cho mọi hành động của người kitô hữu, biết gắn niềm tin của mình vào cuộc sống. Thực tế đã chứng minh những phẩm giá cao đẹp nơi đạo công giáo: tình yêu, bác ái, đoàn kết, hy vọng, đặc biệt là ý nghĩa cuộc sống (thứ mà thế giới đang dần mất đi). Tất cả những điều đó được kết tinh trong đức tin và mang ra thực thi trong đời sống hàng ngày. Việc làm biểu lộ đức tin đã chín muồi.

Chính đức tin đòi buộc con người càng phải dấn thân để làm chứng về Thiên Chúa, Chân lý và sự công bình. Hành động của đức tin càng khẩn thiết khi sự dữ tràn nan, bất công và phẩm giá con người bị đe doạ.

Đặt trong bối cảnh xã hội Việt nam, xã hội đang bị thao túng bởi những thế lực vô thần, vô nhân đạo, chỉ sợ mất thể chế cộng sản hư ảo, lỗi thời mà bất chấp mọi thủ đoạn để trấn áp, trà đạp lên phẩm giá người khác… làm cho xã hội rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Nếu cứ để thực trạng tiếp diễn thì hậu quả khôn lường sẽ xảy đến trên đất nước thân yêu của chúng ta, tai hại hơn, có thể dẫn đến sự “tha hoá” con người vô phương cứu chữa.

Trước tình hình đó, người công giáo với niềm xác tín nơi Thiên Chúa và sự thật, phải dũng cảm tiến bước để làm chứng cho Tin Mừng bằng cách đối mặt với thực tại phũ phàng đó. Như vậy, hành động mà Đức Tổng Kiệt và những tín hữu việt nam đã làm trong thời gian qua quanh vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà là hoàn toàn hợp lý trong cả ý nghĩa đạo và đời. Đó là sự cấp thiết, như những ngọn nến tiên phong để thắp tiếp những ngọn nến khác trên con đường đi tìm công lý, mà xa hơn nữa là lấy lại căn tính của đất nước việt nam vốn đã bị đánh mất trong bóng tối sự dữ.

Có thể vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà không đem lại kết quả như mong muốn hoạc như chúng ta thấy bề ngoài, nhưng điều cốt yếu và sự khẩn thiết của hành động đức tin trong việc làm đã đạt được sức mạnh nơi Đức Tổng Kiệt nói riêng và Giáo hội Việt nam nói chung; đặc biệt sức mạnh cầu nguyện, hiệp nhất của tín hữu trong thời gian qua là thành quả vĩ đại.

Chính hành động đó làm lên liều thuốc quan trọng chống đỡ những căn bệnh đang mắc phải của xã hội Việt nam. Nó mở ra một trang sử mới trong những bước đi tiếp theo trên con đường thiết lập lại nền công lý trên quê hương đất Việt. Do đó, việc kêu gọi giáo dân đến cầu nguyện trong ôn hoà, sự liên đới cùng Đức Tổng Kiệt là xác đáng, không những không làm loạn mà rất phù hợp với nguyện vọng của mọi nguời dân viêt, có chăng làm “loạn”, lung lay bộ máy chính quyền và cần phải làm như vậy nữa.

Việc làm của Đức Tổng Kiệt và giáo dân chính là cách dạy người ta, mà cụ thể nhất là các cán bộ, quan chức… hướng tới “sống thiện” theo tinh thần “chính đạo”: hãy cải tà qui chính để được khoan hồng trước chính nghiã, lương tâm và toàn thể nhân dân. Một hành động và tiếng nói nhằm thức tỉnh con người Việt nam có khi còn đang yên ngủ trong những tệ trạng thối nát của xã hội, hay chưa nhận thức được giá trị và phẩm giá của chính cá nhân hay tập thể của mình.

Mãi đồng hành cùng Đức Tổng Kiệt và Giáo hội Việt nam thân yêu!