Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ Tư, ngày 15 tháng 3 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới Công đồng Vatican II và việc làm Tông đồ trong Giáo Hội Tông truyền. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta hãy tiếp tục bài giáo lý về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng: không phải chỉ về “việc rao giảng Tin Mừng”, mà còn về niềm đam mê rao giảng Tin Mừng và, trong trường Công đồng Vatican II, chúng ta hãy cố gắng hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc trở thành “tông đồ” ngày nay. Hạn từ “tông đồ” nhắc chúng ta nhớ đến nhóm Mười hai môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn. Đôi khi chúng ta gọi một vị thánh nào đó, hay nói chung hơn các giám mục, như các “tông đồ”: các ngài là tông đồ, vì các ngài ra đi nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có biết rằng làm tông đồ liên quan đến mọi tín hữu của Chúa Kitô không? Chúng ta có biết rằng nó liên quan đến mỗi người chúng ta không? Thật vậy, chúng ta buộc phải làm tông đồ – nghĩa là sứ giả – trong một Giáo hội mà trong Kinh Tin kính, chúng ta tuyên xưng là tông truyền.

Vậy, làm tông đồ có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là được cử đi truyền giáo. Biến cố trong đó Chúa Kitô Phục Sinh sai các tông đồ vào thế gian, truyền cho các ông quyền năng mà chính Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha và ban cho các ông Thần Khí của Người, là một biến cố điển hình và nền tảng. Chúng ta đọc trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Chúa Giêsu lại phán với các ông: 'Bình an cho các con. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con’. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần'” (20:21-22).

Một khía cạnh nền tảng khác của việc làm tông đồ là ơn gọi, tức là lời kêu gọi. Điều đó đã xảy ra kể từ thuở ban đầu, khi Chúa Giêsu “gọi những kẻ Người muốn; và họ đến với Người” (Mc 3:13). Người lập các ông thành một nhóm, gán cho các ông tước hiệu “tông đồ”, để các ông đi với Người và sai các ông đi thi hành sứ mạng (x. Mc 3:14; Mt 10:1-42). Thánh Phaolô, trong các thư của ngài, tự giới thiệu mình là “Phaolô, được Thiên Chúa gọi làm tông đồ”, nghĩa là một sứ giả (1 Cr 1:1), và một lần nữa, “Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ” (Rm 1:1). Và ngài nhấn mạnh rằng ngài là “tông đồ không phải bởi loài người hay qua một con người, nhưng nhờ Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa Cha, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Gl 1:1); Thiên Chúa đã gọi ngài từ trong lòng mẹ để loan báo Tin Mừng giữa muôn dân (x. Gl 1:15-16).

Kinh nghiệm của Mười hai tông đồ và chứng từ của Thánh Phaolô cũng thách thức chúng ta ngày nay. Các ngài mời gọi chúng ta xác minh thái độ của chúng ta, xác minh những lựa chọn của chúng ta, những quyết định của chúng ta, dựa trên những điểm cố định này: mọi sự tùy thuộc vào lời kêu gọi nhưng không của Thiên Chúa; Thiên Chúa cũng chọn chúng ta cho những việc phục vụ đôi khi dường như vượt quá khả năng của chúng ta hoặc không đáp ứng được những mong đợi của chúng ta; lời kêu gọi nhận được như một món quà nhưng không phải được đáp trả một cách nhưng không.

Công Đồng nói: “ơn gọi Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm việc tông đồ” (Sắc lệnh Apostolicam actuositatem [AA], 2). Đó là một ơn gọi phổ biến, giống như “một phẩm giá chung [được chia sẻ] như các thành viên do sự tái sinh của họ trong Chúa Kitô, có cùng ơn sủng làm con và cùng ơn gọi nên trọn lành; cùng sở hữu một ơn cứu độ, một niềm hy vọng và một đức ái không phân chia” (Lumen gentium, 32).

Đó là một lời kêu gọi liên quan đến cả những người đã lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh, những người thánh hiến, và tất cả các tín hữu giáo dân, nam hay nữ: đó là một lời kêu gọi cho tất cả mọi người. Anh chị em, kho tàng mà anh chị em đã lãnh nhận với ơn gọi Kitô hữu của mình, buộc phải trao tặng nó: đó là bản chất năng động của ơn gọi, bản chất năng động của cuộc sống. Đó là một lời kêu gọi trao sức mạnh để họ thực hiện nhiệm vụ tông đồ của họ một cách tích cực và sáng tạo, trong một Giáo hội mà ở đó “có nhiều thừa tác vụ nhưng có một sứ mệnh duy nhất. Chúa Kitô đã trao cho các Tông đồ và những người kế vị nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai trị nhân danh và quyền năng của Người. Nhưng cả hàng ngũ giáo dân nữa: tất cả anh chị em, đa số anh chị em là giáo dân. Hàng ngũ giáo dân cũng được dự phần vào chức vụ linh mục, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, và do đó, họ có phần riêng trong sứ mạng của toàn thể dân Chúa trong Giáo hội và trên thế giới” (AA, 2).

Trong khuôn khổ này, Công đồng muốn nói gì khi đề cập tới việc cộng tác của giáo dân với hàng giáo phẩm? Nó có nghĩa như thế nào? Đó có phải là một sự thích nghi chiến lược đơn thuần với các tình huống mới khi chúng xuất hiện không? Không hề, không hề: có một điều gì đó hơn thế nữa, vượt quá những khả thể ngẫu nhiên của thời điểm và cũng duy trì giá trị riêng của nó đối với chúng ta. Giáo hội là như vậy, nó được thành lập và là tông truyền.

Trong khuôn khổ của sự thống nhất sứ mệnh, sự đa dạng của các đặc sủng và thừa tác vụ không được tạo ra, trong cơ thể giáo hội, các loại đặc quyền: ở đây không có sự thăng tiến, và khi anh chị em quan niệm đời sống Kitô hữu như một sự thăng tiến, thì một người ở trên chỉ huy tất cả những người khác vì anh ta đã thành công trong việc lên chức, đây không phải là Kitô giáo. Đây là tà giáo thuần túy. Ơn gọi Kitô hữu không phải là một sự thăng tiến, vươn lên, không! Nó là một điều khác. Đó là một điều tuyệt vời bởi vì, mặc dù theo ý muốn của Chúa Kitô, một số người ở một vị trí quan trọng, có lẽ, các tiến sĩ, “mục tử và người phân phát các mầu nhiệm nhân danh những người khác, nhưng tất cả đều chia sẻ một sự bình đẳng thực sự liên quan tới phẩm giá và hoạt động chung cho mọi tín hữu nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô” (LG, 32). Ai có phẩm giá hơn trong Giáo hội: giám mục, linh mục? Không, tất cả chúng ta đều là Kitô hữu phục vụ người khác. Ai quan trọng hơn trong Giáo Hội: nữ tu hay người thường, đã rửa tội hay chưa rửa tội, trẻ em, giám mục…? Tất cả đều bình đẳng, chúng ta bình đẳng và bên nào tự cho mình là quan trọng hơn bên kia, hếch mũi lên, đó là một sai lầm. Đó không phải là ơn gọi của Chúa Giêsu. Ơn gọi mà Chúa Giêsu ban cho mọi người, kể cả những người dường như ở những nơi cao nhất, là phục vụ, phục vụ người khác, hạ mình xuống. Nếu anh chị em tìm thấy một người trong Giáo hội có ơn gọi cao hơn và anh chị em thấy họ vô ích, hãy nói: “Linh hồn tội nghiệp”, hãy cầu nguyện cho anh ta, vì anh ta chưa hiểu ơn gọi của Thiên Chúa là gì. Ơn gọi của Thiên Chúa là tôn thờ Chúa Cha, yêu thương cộng đoàn, và phục vụ. Đó là ý nghĩa của việc làm tông đồ, đó là chứng tá của các tông đồ.

Vấn đề bình đẳng về phẩm giá đòi chúng ta phải suy nghĩ lại về các khía cạnh trong các mối liên hệ của chúng ta, vốn có tính quyết định đối với việc truyền giảng Tin Mừng. Thí dụ, chúng ta có ý thức được rằng lời nói của chúng ta có thể làm suy yếu phẩm giá của con người, do đó làm hỏng các mối liên hệ trong Giáo hội không? Trong khi chúng ta cố gắng tham gia đối thoại với thế giới, chúng ta có biết cách đối thoại với nhau như những tín hữu không? Hay trong giáo xứ, người này chống người kia, người này nói xấu người kia để leo lên cao hơn? Chúng ta có biết cách lắng nghe để hiểu lý do của người khác hay chúng ta áp đặt bản thân, thậm chí có thể bằng những lời xoa dịu? Lắng nghe, khiêm tốn, phục vụ người khác: đó là phục vụ, đó là Kitô hữu, đó là tông đồ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng ngại đặt ra những câu hỏi trên. Chúng ta hãy tránh xa sự phù phiếm, sự phù phiếm của địa vị. Những lời này có thể giúp chúng ta xác nhận cách chúng ta sống ơn gọi rửa tội của mình, cách chúng ta sống tư cách làm tông đồ trong một Giáo hội tông truyền để phục vụ người khác. Cảm ơn anh chị em.