Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý nói về niềm đam mê rao giảng Tin mừng của ngài, nhấn mạnh tới việc làm tông đồ của các môn đệ đầu tiên của Chúa. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý của chúng ta; chủ đề chúng ta đã chọn là “Niềm say mê rao giảng Tin Mừng, nhiệt thành tông đồ”. Bởi vì truyền giáo không phải là nói, 'Hãy nhìn, bla, bla, bla' và không có gì hơn thế. Có một niềm đam mê bao gồm mọi điều: khối óc, trái tim, đôi tay, đi ra ngoài… mọi điều, toàn bộ con người đều tham gia vào việc loan báo Tin Mừng này, và vì lý do này mà chúng ta nói đến niềm đam mê rao giảng Tin Mừng. Sau khi đã thấy nơi Chúa Giêsu mẫu mực và bậc thầy của việc loan báo, hôm nay chúng ta hướng về các môn đệ đầu tiên, về những gì các môn đệ đã làm. Tin Mừng nói rằng Chúa Giêsu “đã chỉ định mười hai người, ở với Người và sai đi rao giảng” (Mc 3:14), hai việc: ở với Người và sai các ông đi rao giảng. Có một khía cạnh dường như mâu thuẫn: Người kêu gọi họ ở với Người và ra đi rao giảng. Người ta sẽ nói: hoặc cái này hoặc cái nọ, ở lại hoặc đi. Nhưng không: đối với Chúa Giêsu không có chuyện đi mà không ở lại và không có chuyện ở lại mà không đi. Hiểu điều này không dễ, nhưng nó là như vậy. Chúng ta hãy cố gắng hiểu một chút ý nghĩa trong đó Chúa Giêsu nói những điều này.

Trước hết, không có đi mà không ở lại: trước khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Tin Mừng cho biết, Chúa Kitô “gọi họ lại với Người” (x. Mt 10:1). Việc loan báo được sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Chúa; mọi hoạt động của Kitô hữu, nhất là việc truyền giáo, bắt đầu từ đó. Không phải từ những gì được học trong một học viện. Không, không! Nó bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Chúa. Thực thế, làm chứng cho Người – có nghĩa là chiếu tỏa Người; nhưng, nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt; nếu chúng ta không dành thời gian cho Người, thì chúng ta sẽ tự mang lấy mình thay vì Người —tôi đang mang chính mình chứ không phải Người —và tất cả sẽ vô ích. Vì vậy, chỉ những người ở lại với Người mới có thể mang Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ai không ở lại với Người thì không thể mang Tin Mừng. Họ sẽ mang đến những ý tưởng, nhưng không phải là Tin Mừng.

Tuy nhiên, cũng thế, không thể ở lại mà không đi. Thật vậy, theo Chúa Kitô không phải là một sự kiện hướng nội: không loan báo, không phục vụ, không truyền giáo, thì mối liên hệ với Chúa Giêsu không phát triển. Chúng ta nhận thấy trong Tin Mừng, Chúa sai các môn đệ trước khi họ hoàn tất việc chuẩn bị của họ: không lâu sau khi gọi họ, Người đã sai họ đi rồi! Điều này có nghĩa là kinh nghiệm truyền giáo là một phần của việc đào tạo Kitô hữu. Vậy chúng ta hãy nhắc lại hai thời điểm căn bản này đối với mỗi người môn đệ: ở lại với Chúa Giêsu và ra đi, được Chúa Giêsu sai đi.

Sau khi kêu gọi các môn đệ đến với Người và trước khi sai họ đi, Chúa Kitô ngỏ lời với họ, được gọi là ‘diễn văn truyền giáo’ – đây là cách gọi trong Tin Mừng. Nó được tìm thấy trong chương 10 của Tin Mừng Mátthêu và giống như 'hiến pháp' của việc công bố. Từ diễn từ mà tôi khuyên anh chị em nên đọc hôm nay đó, chỉ là một trang trong Tin Mừng, tôi rút ra ba khía cạnh: tại sao phải công bố, công bố điều gì và công bố như thế nào.

Tại sao phải công bố: Động lực nằm ở một vài lời của Chúa Giêsu, mà chúng ta nên ghi nhớ: “Anh em đã nhận nhưng không, hãy cho nhưng không” (c. 8). Đó chỉ là một vài từ ngữ. Nhưng tại sao phải công bố? Bởi vì tôi đã nhận được một cách nhưng không, thì tôi nên cho đi một cách nhưng không. Việc công bố không bắt đầu từ chúng ta, nhưng từ vẻ đẹp của những gì chúng ta đã nhận được nhưng không, không công trạng: gặp gỡ Chúa Giêsu, biết Người, khám phá ra rằng chúng ta được yêu thương và được cứu độ. Đó là một món quà tuyệt vời đến nỗi chúng ta không thể giữ nó cho riêng mình, chúng ta cảm thấy cần phải truyền bá nó; nhưng trong cùng một phong cách, phải không? Đó là, cách cho đi nhưng không. Nói cách khác: chúng ta có một món quà, vì vậy chúng ta được mời gọi làm một món quà từ chính mình cho những người khác; chúng ta đã nhận được một món quà và ơn gọi của chúng ta là làm một món quà từ chính chúng ta cho những người khác; trong chúng ta có niềm vui được làm con Thiên Chúa, niềm vui ấy phải được chia sẻ với anh chị em của chúng ta, những người chưa biết điều đó! Đây là lý do cho việc công bố. Ra đi và mang theo niềm vui của những gì chúng ta đã nhận được.

Thứ hai: Thế thì công bố điều gì? Chúa Giêsu nói: “Khi ra đi, các con hãy rao giảng rằng: Nước thiên đàng đã đến gần” (c. 7). Đây là điều cần phải nói, trước hết và quan trọng nhất: Thiên Chúa đang ở gần. Vì thế, đừng bao giờ quên điều này: Thiên Chúa luôn gần gũi với con người. Người đã nói điều đó với chính dân chúng: Người nói: “Kìa, Thiên Chúa nào gần gũi với các dân tộc như tôi đối với anh em?” Sự gần gũi này là một trong những điều quan trọng nhất về Thiên Chúa. Có ba điều quan trọng: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Đừng quên điều đó. Thiên Chúa là ai? Là Đấng Gần gũi, Đấng Dịu dàng, Đấng Thương xót. Đó là thực tại của Thiên Chúa. Chúng ta khi rao giảng thường thúc giục người ta làm điều gì đó, điều đó tốt; nhưng đừng quên rằng thông điệp chính là Người đang ở gần: sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Chấp nhận tình yêu của Thiên Chúa là điều khó hơn vì chúng ta luôn muốn ở trung tâm, chúng ta muốn là người chủ đạo, chúng ta có khuynh hướng làm hơn là để bản thân được khuôn đúc, để bản thân nói hơn là lắng nghe. Nhưng, nếu những gì chúng ta làm đến trước, chúng ta vẫn là người chủ đạo. Thay vào đó, việc công bố phải dành ưu tiên cho Thiên Chúa: dành ưu tiên cho Thiên Chúa, vị trí đầu tiên dành cho Thiên Chúa, và dành cho người khác cơ hội chào đón Người, nhận ra Người đang ở gần. Và tôi ở hậu trường.

Điểm thứ ba: Công bố như thế nào. Đây là khía cạnh được Chúa Giêsu quan tâm nhiều nhất: công bố như thế nào, đâu là phương pháp, ngôn ngữ công bố nên ra sao; nó phải có ý nghĩa: Người nói với chúng ta rằng cách thức, phong cách là điều chủ yếu trong việc làm chứng. Làm chứng không chỉ liên quan đến tâm trí và nói điều gì đó, các khái niệm. Không. Nó liên quan đến mọi điều, trí óc, trái tim, bàn tay, mọi điều, ba ngôn ngữ của con người: ngôn ngữ của suy nghĩ, ngôn ngữ của xúc cảm và ngôn ngữ của làm việc. Ba ngôn ngữ. Người ta không thể rao giảng Tin Mừng chỉ bằng khối óc, bằng trái tim hay chỉ bằng đôi tay. Mọi thứ đều có liên quan. Và, trong phong cách, điều quan trọng là chứng từ, như Chúa Giêsu muốn chúng ta làm. Người nói thế này: “Ta sai các con đi như chiên giữa bầy sói” (c. 16). Người không yêu cầu chúng ta phải có khả năng đối đầu với bầy sói, nghĩa là có thể tranh luận, đưa ra những lập luận phản bác và tự bảo vệ mình. Không, không. Chúng ta rất có thể nghĩ như thế này: chúng ta hãy trở nên có liên quan, đông đảo, có uy tín và thế giới sẽ lắng nghe chúng ta và tôn trọng chúng ta và chúng ta sẽ đánh bại bầy sói. Không, không phải như thế. Không, Thầy sai các con ra đi như những con cừu, như những con chiên. Điều này quan trọng. Nếu anh chị em không muốn làm chiên, Chúa sẽ không bảo vệ anh chị em khỏi bầy sói. Hãy tự đối phó với chúng tốt nhất có thể. Nhưng nếu anh chị em là chiên, hãy yên tâm Chúa sẽ bảo vệ anh chị em khỏi bầy sói. Hãy khiêm tốn. Người yêu cầu chúng ta phải như vậy, hiền lành và với ý chí ngây thơ, sẵn sàng hy sinh; đó là những gì con chiên đại diện: hiền lành, ngây thơ, tận tụy, dịu dàng. Và Người, Đấng Chăn Chiên, sẽ nhận ra bầy chiên của Người và bảo vệ chúng khỏi bầy sói. Mặt khác, những con chiên cải trang thành sói sẽ bị lột mặt nạ và xé xác thành từng mảnh. Một Giáo phụ đã viết: ‘Chừng nào chúng ta còn là chiên con, chúng ta sẽ chiến thắng, và ngay cả khi chúng ta bị bao vây bởi nhiều con sói, chúng ta sẽ chiến thắng chúng. Nhưng nếu chúng ta trở thành những con sói, ‘Ồ, khôn khéo làm sao, xem này, tôi cảm thấy tốt về bản thân mình’, chúng ta sẽ bị đánh bại, bởi vì chúng ta sẽ bị tước đi sự giúp đỡ của người chăn cừu. Người không chăn bầy sói, mà chăn chiên con’ (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng 33 về Tin Mừng Mátthêu). Nếu tôi muốn thuộc về Chúa, tôi phải để Người chăn dắt tôi; và Người không phải là người chăn bầy sói, Người là người chăn chiên con, hiền lành, khiêm nhường, nhân từ như Chúa.

Vẫn về chủ đề công bố như thế nào, điều đáng chú ý là Chúa Giêsu, thay vì quy định những gì phải mang theo khi đi truyền giáo, thì lại nói những gì không được mang theo. Đôi khi, người ta thấy một số tông đồ, một số người tái định cư, một số Kitô hữu nói rằng họ là một tông đồ và đã dâng cuộc đời mình cho Chúa, nhưng họ đang mang theo rất nhiều hành lý. Nhưng điều này không thuộc về Chúa. Chúa làm cho bạn nhẹ gánh. “Đừng mang theo vàng, bạc, đồng trong thắt lưng, đừng mang túi đi đường, đừng mang theo hai áo, đừng đi dép, đừng mang theo gậy” (c. 9-10). Đừng mang theo bất cứ thứ gì. Người nói đừng dựa vào những điều chắc chắn về vật chất, mà hãy bước vào thế giới không có tính thế gian. Điều đó có nghĩa là, tôi đang đi vào thế gian, không phải với phong cách của thế gian, không phải với các giá trị của thế gian, không phải với tính thế gian, đối với Giáo hội, rơi vào tính thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi đi ra ngoài với sự đơn giản. Đây là cách người ta nên công bố: bằng cách chỉ ra Chúa Giêsu hơn là nói về Chúa Giêsu. Và làm thế nào để chúng ta chỉ ra Chúa Giêsu? Với chứng tá của chúng ta. Và cuối cùng, bằng cách cùng đi với nhau, trong cộng đồng: Chúa sai tất cả các môn đệ đi, nhưng không ai đi một mình. Giáo hội tông truyền hoàn toàn có tính cách truyền giáo và trong việc truyền giáo, Giáo hội tìm thấy sự hiệp nhất của mình. Vì vậy: hãy tiến lên, hiền lành và tốt lành như những con chiên, không có tính thế gian, và đi cùng với nhau. Đó là chìa khóa của việc công bố, đó là chìa khóa để thành công trong việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy đón nhận những lời mời gọi này của Chúa Giêsu: ước gì lời của Người là điểm quy chiếu của chúng ta.