Ngày 01-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2/11 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
00:31 01/11/2023

BÀI ĐỌC 1  G 19:1,23-27a

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói:

“Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời!
Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa.
Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Rm 5:5-11

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, trông cậy không làm chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.

Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga 6:40

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Ý của Cha tôi là tất cả những ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Alleluia.

TIN MỪNG  Ga 6:37-40

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Đó là Lời Chúa.
 
Về Nhà Cha
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
03:51 01/11/2023

VỀ NHÀ CHA

Đó là cách nói quen thuộc mà người tín hữu Kitô nói với nhau hay báo tin cho nhau về một người thân đã qua đời. "Về Nhà Cha" dù là lối nói để thông tin, lại hàm chứa trong nội dung của nó lời tuyên xưng đức tin.

Nghĩ về cái chết, người Công Giáo không bi quan, nhưng lạc quan, sự lạc quan trong đức tin. Nhờ đức tin, họ coi cái chết chỉ là một cuộc vượt qua, một chuyến đi, một hành trình bình yên trở về nhà Cha mình, trở về chính nguồn gốc của mình, thỏa mãn khát vọng vô biên.

1. MỘT KIỂU NÓI MANG TÍNH GIÁO DỤC.

"VỀ NHÀ CHA" là cụm từ có nguồn gốc trong Thánh Kinh. Chính Chúa Giêsu, trước giờ thụ nạn đã nói như trăn trối với các môn đệ: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó" (Ga 14, 1-3).

Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA dạy mỗi người xác tín mạnh mẽ rằng: Cuộc sống trần gian như một chuyến đi. Ở cuối hành trình của chuyến đi ấy không phải danh vọng, địa vị, hưởng thụ, giàu sang, tiền rừng, bạc bể mà là cái chết. Chấm dứt tất cả. Bỏ lại tất cả.

Ngay cả mạng sống, ngay cả trái tim, ngay cả xác thân, tưởng như là của riêng mình - bởi nhiều lần, trong ngôn ngữ đời thường, ta vẫn nói: "mạng sống của tôi", "thân thể của tôi", "trái tim của tôi" - vẫn không có cái gì là của riêng ta, không có cái gì thuộc quyền sở hữu thữu thực sự của ta. Đến một ngày, mọi sự đều phải dừng lại, mọi sự đều phải trút bỏ. Chỉ có mỗi một con đường bước vào Nhà Chúa, hòa vào chính sự sống của Chúa, tồn tại trong Chúa mới vĩnh hằng, mới thực sự là chốn ngụ cư.

Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA soi cho ta hiểu rằng, không ai sinh ra là để sống ở trần gian đời đời, nhưng sinh ra để rồi chết. Bước qua sự tan rã của thể xác mà giã từ cõi sống tạm bợ để cùng lãnh nhận ơn cứu độ đời đời của Chúa Kitô, được cùng Chúa Kitô về với Nguồn Cội là chính Thiên Chúa, không còn lệ thuộc trần thế, nhưng được hòa vào cung lòng Thiên Chúa, kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.

Thuật ngữ VỀ NHÀ CHA dạy ta luôn luôn hướng về Chúa Kitô, chiêm ngắm Chúa Kitô về trời. Chúa về trời là về cùng Cha. Người đã từ Nhà Cha đến trần thế, nhập cuộc với trần thế bằng một kiếp người như chúng ta, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa và lôi kéo chúng ta về phía Thiên Chúa.

Nay ta hướng về Chúa Kitô để theo dấu chân Người về trời mà nung đốt chính lòng ta niềm khát vọng trời cao, nhờ đó ta sẽ chăm chú lắng nghe và ra sức thực hành lời Chúa Kitô dạy.

Ta tin rằng, một khi từ giữa trần thế Chúa Kitô trở về Nhà Cha, Người sẽ dẫn đưa ta về Nhà Cha của Người. Niềm tin của chúng ta đặt cơ sở trên chính lời Chúa Kitô hứa: "Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó".

2. CHÚNG TA SẼ VỀ NHÀ CHA.

Thói thường, ta rất dửng dưng, cho rằng ngày Chúa đến hoàn tất lịch sử còn xa. Đó là ngày được nói và được nghe rất nhiều nhưng vẫn nằm trong một tương lai mù mịt nào đó, không ai biết được.

Thực ra, đó là một viễn ảnh rất gần. Vì dù ta không biết Chúa kết thúc thế giới lúc nào, nhưng mỗi người phải hoàn tất cuộc đời là hiện thực không hề xa xôi, không hề mù mịt.

Vậy, một khi biết mình phải giã từ tất cả để ra đi về với Cha trong Nhà của Người, ta không chỉ có đức tin là đủ, mà phải ra sức sống và sống tích cực những giáo huấn mà Chúa Kitô ban hành.

Hãy nhớ, ngày xưa Đại lụt Hồng thủy là một nỗi bất ngờ lớn trong thời ông Noê. Nó cuốn trôi tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đang khi cả loài người vẫn mê chìm trong những nếp sống thường nhật đầy thỏa hiệp với tội lỗi của riêng bản thân. Đó là nỗi chết chóc kinh hoàng, cần phải nhắc lại để thế giới hôm nay ý thức hơn đời sống và sự tỉnh táo của mình.

Vậy ta phải luôn sẵn sàng cho ngày Chúa dưa ta về nhà của Người. Hãy luôn để tâm chờ đợi Chúa viếng thăm trong từng ngày sống hôm nay, trong chính hiện tại này, để lòng có Chúa, cuộc sống của mình tràn đầy và chiếu tỏa ơn Chúa.

Chuẩn bị cho ngày về cách hoàn bị nhất, Kitô hữu sống hôm nay là sống trong tươi sáng, là sống đầy tin tưởng, là bước tới từng ngày trong hy vọng, là lòng vơi đầy hạnh phúc, tin yêu.

Cũng vì thế, Kitô hữu yêu mến trần thế, hòa nhập với trần thế, xây dựng trần thế bằng tất cả bổn phận, khả năng và hy vọng của mình.

Người tín hữu Kitô, một mặt không quá bám víu trần thế như chỉ có trần thế là đích đến của mình. Mặt khác, cũng không hời hợt với trần thế như chỉ có đời vĩnh cửu mà thôi.

Chúng ta yêu mến trần thế và cũng yêu mến vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu tốt đẹp, cũng như sự sống trên trần thế cũng không bao giờ bị chúng ta rẻ rúng.

Do đó, sự chết chóc của trần thế, dù có gây xao xuyến, người sống niềm tin Kitô vẫn biết rằng tương lai bình an đang chờ đón.

Dù sự dữ và cái chết vây lấy thế giới, người sống niềm tin Kitô vẫn ngẩng cao đầu, vì tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thắp sáng niềm tin chúng ta.

Tắt một lời, tất cả triết lý về sự sống, Kitô hữu xây dựng trên lời phán hứa không bao giờ qua đi của Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống”.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:18 01/11/2023

41. Trinh khiết là sự tiết chế phi thường vượt qua bản tính con người, nó thật là đáng kinh ngạc, nó là chiến tranh giữa xác thịt bị hủy hoại và linh hồn bất diệt.

(Thánh John Climacus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:22 01/11/2023
89. TẠM KHÔNG ĂN THỊT

Thời Đường Hiến Tông, công bộ thượng thư là Quy Đăng, bủn xỉn đến nỗi ngay cả người nhà cũng không được phép ăn nhiều một chút.

Một lần nọ, đã nấu chín một đùi dê, sau khi tự mình ăn hết chút ít thì làm một dấu hiệu trên món thịt, khi ông ta đi công việc trở về thì thấy dấu hiệu đã mất, té ra là bà vợ đã cắt ra ăn thử một chút ít.

Quy Đăng giận dữ cho rằng thiệt hại nghiêm trọng, trong bụng nghĩ:

- “Từ nay trở đi ta không ăn thịt nữa, thì mày cũng không thể ăn cắp”.

Bèn phát thệ từ này về sau không ăn thịt nữa.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 89:

Vì mất một miếng thịt mà thề từ nay về sau không ăn thịt nữa thì quả là giận quá mất khôn…

Nếu vì ăn thịt mà trở thành hưởng thụ tốn kém thì cũng nên thề hứa, nhưng vì mất một miếng thịt mà thề là không ăn nữa thì là người keo kiệt bủn xỉn…

Có người vì giận con chó nhà hàng xóm cứ sủa lên khi mình qua nhà họ chơi mà thề là sẽ không bao giờ đến nhà hàng xóm nữa, họ coi con chó giống như con người nên biết thù vặt; có người vì giận mấy ông trùm biện chỉ chỏ la lối um tùm trong nhà thờ với mấy thanh niên và con nít, thế là thề từ nay không đến nhà thờ nữa, họ theo đạo không phải vì tin vào Thiên Chúa nhưng theo đạo vì mấy ông trùm ông biện họ; lại có người nặng nề hơn chỉ lên tượng đài Đức Mẹ mà thề là từ nay không thèm nghe ông cha sở giảng, vì ông cha đem chuyện buôn bán làm ăn của gia đình ông phê bình chỉ trích trên toà giảng, thế là bỏ đạo luôn…

Tất cả các loại thề hứa trên đây không được Chúa Thánh Thần soi sáng, nhưng do sự kiêu ngạo mà ra.

Người có Chúa Thánh Thần soi sáng là khi họ thấy người ta sống trong tội lỗi thì họ quyết tâm sống thánh thiện; khi thấy bạn bè sống trong ăn chơi truỵ lạc thì họ quyết tâm sống lành mạnh; khi thấy cha sở dùng toà giảng để phê bình đời tư của người này người nọ, thì họ cầu nguyện cho ngài và tìm cách góp ý thân tình với ngài…

Đừng vì mất miếng thịt mà thề là không ăn thịt nữa, nhưng khi có thịt thì mời mọi người cùng ăn cho vui, đó là tinh thần truyền giáo và bác ái của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Các Đẳng Linh Hồn (2-11)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:23 01/11/2023
LỄ CÁC ĐẲNGLINH HỒN

(Ngày 2 tháng 11)


Bạn thân mến,

Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết.

Các linh hồn trong luyện ngục tự mình không thể làm gì được để được Chúa tha các hình phạt trong luyện ngục, ở đó họ chỉ trông mong có một điều là hình phạt mau qua để chóng được hưởng nhan thánh Chúa, do đó họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, cần đến những việc lành phúc đức và những hy sinh của chúng ta là những người đang còn sống ở thế gian.

Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội đã dành trọn tháng Mười Một trong năm để cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, một tháng với biết bao nhiêu là việc lành mà chúng ta làm, với biết bao nhiêu là thánh lễ mà chúng ta tham dự cách sốt sắng, với biết bao hy sinh mà chúng ta đã thực hiện, thì chắc chắn có rất nhiều linh hồn trong luyện ngục được thoát khỏi hình phạt luyện ngục mà về thiên đàng hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa.

Tín điều các thánh thông công của Giáo Hội làm cho chúng ta thấy được rõ nhất trong tháng này, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp thông với các thánh khải hoàn trên trời, chúng ta góp phần giải thoát các linh hồn đang đau khổ trong luyện ngục bằng các lời kinh nguyện và việc lành của chúng ta, và nhờ bí tích Rửa Tội mà chúng ta –những tín hữu chiến đấu ở trần gian- được hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Đức Chúa Giê-su.

Bạn thân mến,

Ai trong chúng ta cũng đều có người thân qua đời, nếu họ đã được hưởng hạnh phúc thiên đàng, thì họ sẽ cầu bàu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa, nếu họ đang bị giam cầm trong luyện ngục thì họ đang rất cần đến lời cầu nguyện và những hy sinh của chúng ta, mỗi thánh lễ, mỗi lời nguyện, mỗi việc lành của chúng ta làm, thì như những giọt nước mát mẻ làm dịu bớt những đau khổ và thâu ngắn thời gian đền tội của họ trong luyện ngục.

Tháng Mười Một cũng là tháng báo hiếu của con cái đối với ông bà cha mẹ đã qua đời. Xin lễ cầu nguyện, lần chuổi Mân Côi, làm việc lành phúc đức.v.v...là những cách báo hiếu của chúng ta đối với các ngài vậy.

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngôi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng- Amen.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Cuộc thanh tẩy cuối cùng
Lm. Minh Anh
14:05 01/11/2023

CUỘC THANH TẨY CUỐI CÙNG
“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”.

Trên một bia mộ, người ta đọc, “Chỗ bạn đang đứng, chỗ tôi đã đứng. Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nơi tôi đang nằm, nơi bạn sẽ nằm!”. Lời Chúa ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn đưa chúng ta về “Luyện ngục”, một khái niệm thường bị hiểu lầm. Luyện ngục là gì? Nơi chúng ta chịu trừng phạt vì tội lỗi? Cách Thiên Chúa hỏi tội các sai phạm của mỗi người? Đó là kết quả cơn giận của Ngài? Không! Luyện ngục không gì khác hơn là tình yêu cháy bỏng và là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ Thiên Chúa dành cho những người Chúa chọn. Sách Khôn Ngoan nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”.

Khi ai đó chết, rất có thể họ không được hoán cải 100% để hoàn hảo về mọi mặt. Các thánh vĩ đại nhất cũng có khiếm khuyết trong cuộc sống. Luyện ngục không gì khác hơn là ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ tất cả vấn vương còn lại với tội lỗi. Hãy tưởng tượng, bạn có một cốc nước tinh khiết 100%. Cốc này tượng trưng cho thiên đàng. Bạn muốn thêm vào cốc đó một ít nước chỉ tinh khiết 99%. Nước không tinh khiết 1% này đại diện cho những người lành thánh đã chết với một số chấp trước nhẹ đối với tội lỗi. Nếu thêm nước đó vào cốc, cốc sẽ có một số tạp chất, ít nữa 1%. Vấn đề là thiên đàng không chứa bất kỳ tạp chất nào, dù là nhỏ nhất. Vì thế, 1% đó vẫn cần được lọc sạch.

Làm thế nào điều này xảy ra? Chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết nó có. Nhưng cần hiểu rằng, đó là kết quả của tình yêu vô hạn nơi Thiên Chúa những muốn thanh tẩy chúng ta khỏi mọi ràng buộc, vướng bận. Có đau không? Rất có thể! Nhưng đau theo nghĩa buông bỏ. Và kết quả cuối cùng là tự do thực sự, đáng giá cho bất kỳ nỗi đau nào có thể trải qua. Vì thế, luyện ngục là đau đớn, nhưng là ‘nỗi đau ngọt ngào’ cần có từ ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ để kết hiệp với Chúa trọn vẹn hơn. Chúa Giêsu nói, “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi”; đó là những con người với những chiếc áo trắng tinh tuyền, và những trái tim cũng tuyệt đối tinh tuyền!

Tưởng nhớ các linh hồn, chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công. Các linh hồn trải qua cuộc thanh luyện này vẫn hiệp thông với Chúa, với Giáo Hội dưới thế và Giáo Hội thiên quốc. Chúa sử dụng lời cầu của chúng ta dành cho các linh hồn, cũng như việc các linh hồn cầu bầu cho chúng ta như những công cụ thanh tẩy của Ngài; Ngài cho phép và mời chúng ta tham gia vào ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ của họ. Điều này tạo nên một mối liên đới chặt chẽ của chúng ta với các linh hồn.

Anh Chị em,
“Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”. Như vàng trong lửa, một ngày kia, tất cả chúng ta rồi cũng được thanh luyện như các linh hồn. Và không nghi ngờ gì nữa, các thánh trên trời, đặc biệt dâng lời cầu nguyện cho họ trong thời gian thanh luyện này. Đó là một sự thật đáng hoan hỷ và là một niềm vui lớn lao khi chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa sắp xếp toàn bộ quá trình này cho mục đích cuối cùng của sự hiệp thông thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi! Như vậy, ‘cuộc thanh tẩy cuối cùng’ rõ ràng là cần thiết, nó là sáng kiến từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, giúp con ‘tập chết’ trước khi chết thật, may ra ‘nỗi đau ngọt ngào’ sau cùng sẽ chóng vánh hơn! Đó là những hy sinh con dành cho các linh hồn!”, Amen.

( Tgp. Huế)
 
Đều là Anh Em
Lm. Thái Nguyên
19:50 01/11/2023



ĐỀU LÀ ANH EM
Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm A : Mt 23, 1-12

Suy niệm

Lời Chúa hôm nay nói về trách nhiệm hướng dẫn người khác. Trách nhiệm này nằm trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau, từ đời sống gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, đến xã hội, Giáo Hội. Trách nhiệm hướng dẫn rất nặng nề và đòi hỏi rất nhiều, thiếu tình yêu và lòng đạo đức chân thật thì chẳng khác nào "mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố".

Bài đọc I (Ml 1,14 - 2,2.8-10), kể cho chúng ta nghe về các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, lúc Đền thờ đã được xây dựng lại. Họ chỉ quan tâm tổ chức các lễ nghi bề ngoài, không lo hướng dẫn tinh thần dân chúng. Từ đó phát sinh nhiều tệ nạn: các lễ vật dâng tiến cho Chúa là những con vật đui mù què quặt, thậm chí là những con vật ăn cắp; dung túng cho việc li dị, hôn nhân với người ngoại, trốn thuế thập phân; các nhà lãnh đạo đối xử với dân cách quan liêu, chỉ nhằm tư lợi. Thiên Chúa bảo ngôn sứ Malakhi nhắc nhở họ về cung cách lãnh đạo: làm cho dân biết tôn vinh Thiên Chúa, trung thành với giao ước, và đối xử với mọi người trong tình anh em con một Cha.

Qua bài đọc II (1 Tx 2,7-9.13), thánh Phaolô cho thấy ngài đã cư xử với các tín hữu thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Ngài nói rõ: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em…”.

Đến bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói về giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời của Ngài, tức là các luật sĩ và các người biệt phái: Một mặt, Ngài bảo mọi người phải tôn trọng chức vụ của họ, vì họ “ngồi toà Môsê”, và hãy làm theo những gì họ dạy. Nhưng mặt khác đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm, chất gánh nặng trên vai người ta bằng những luật lệ chi li mà họ không hề tuân giữ. Ngoài ra, họ còn là những kẻ giả hình: làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy mình đạo đức, như đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Tệ hơn nữa, họ còn là những kẻ háo danh: ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng, và ham được thiên hạ gọi là thầy.

Quả thật, những kẻ háo danh thường tìm đủ mọi cách để đưa mình lên, và hạ kẻ khác xuống… Tiếc thay không có nhiều chỗ nhất trong bàn tiệc cuộc đời, nên người ta phải dùng đủ mọi mánh khoé và thủ đoạn để tranh giành, loại trừ, như bêu xấu, bôi nhọ, chà đạp, hạ nhục kẻ khác. Đó là căn bệnh nan y muôn thuở của loài người, cũng là nguyên nhân chiến tranh và nhiều thảm hoạ trong xã hội xưa nay.
Đừng thấy cái bóng to của mình trên vách mà tưởng mình vĩ đại. "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống". Người thực sự có tài cao đức trọng bao giờ cũng "vô ngã vị tha", làm việc để cứu giúp chúng sinh mà không mong cầu danh lợi, là bã vinh hoa dễ biến thành thứ dơ bẩn luôn đeo bám con người ở mọi tầng lớp. Dơ bẩn không thể tránh hết được, có điều ta có muốn tẩy rửa không? Là những người được mời gọi tham gia phục vụ cộng đồng dân Chúa, chúng ta có dám hạ mình xuống, ngồi ở chỗ cuối như Đức Giêsu đã dạy không? (x. Lc 14,10).

Lời Chúa muốn giải thoát ta khỏi những danh lợi hão huyền và rất đáng hổ thẹn của thế gian. Vì thật là dại dột và lố bịch khi người ta không biết rõ giá trị của mình, mà lại muốn chiếm địa vị cao, ham được những ưu đãi. Những thứ ấy chỉ khiến họ bị lợi dụng và trở nên trò cười cho thiên hạ. Vinh dự thật không khởi đi từ danh vị, nhưng được xác định qua những nỗ lực và khiêm tốn phục vụ. Cái đáng tin, đáng phục không phải ở lời nói, quyền hành, chức vụ, mà là ở cuộc sống phản ảnh sự chân thực, ở khả năng cống hiến và mức độ dấn thân để sống yêu thương.

Khi nhìn khuôn mặt của người Pharisêu với thói giả hình và kiêu căng, mỗi người chúng ta ít nhiều cũng thấy nơi mình thói háo danh, khoa trương, ích kỷ, dám “đốc” chứ không dám làm... Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta hãy sống thật với mình với người. Đừng cậy dựa vào thế giá, danh giá hay sáng giá của mình mà lên mặt với mọi người. Mọi sự đều do Chúa ban cho, và Chúa có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Hãy tận dụng mọi khả năng và ân ban để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Vinh quang của chúng ta ở nơi Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên “tòa thập giá” của Chúa Giêsu để tìm những lời dạy chí lý, đồng thời khám phá ra những phương cách chia sẻ vinh quang đích thực và vững bền.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa phân biệt lời nói và hành động,
Ngài bảo con nghe điều hay lẽ phải,
nhưng không theo những hành động sai trái,
thiếu khôn ngoan sẽ gây nhiều hư hại.
Có những người chỉ nói mà không làm,
như kinh sư hoặc như người biệt phái,
nói một đàng nhưng lại làm một nẻo,
con chớ có dại dột mà sống theo,
nhất là lối sống phô trương,
ham mê danh vọng khinh thường anh em.
Ngoài ra chẳng ai thật sự là cha,
chỉ một Thiên Chúa là Cha trên trời,
cũng chẳng ai xứng đáng gọi là thầy,
chỉ có một Đấng là Thầy Giê-su,
tuy nhiên trong Giáo Hội đây,
Chúa vẫn đặt để cha thầy làm thay.
Biết rằng Chúa lập Giáo Hội nhiệm mầu,
nhưng không bỏ cơ cấu và phẩm trật,
vì là sự thiết yếu của toàn thân,
và Chúa mới là đầu của nhiệm thể,
để cho tất cả quy về,
một Cha một Chúa trọn bề uyên nguyên.
Dù có chức vụ gì trong Hội Thánh,
thì tất cả cũng chỉ nhằm phục vụ,
theo gương mẫu Thầy chí thánh Giê-su,
không phân biệt trên dưới hay cao thấp,
vì rằng chỉ có một Cha,
cho nên tất cả đều là anh em.
Xin cho con biết sống tình huynh đệ,
biết yêu thương và kính trọng mọi người,
đừng làm ra vẻ cha thầy,
nhưng luôn khiêm hạ vui vầy bên nhau. Amen.


 
Sai thì phải sửa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
19:53 01/11/2023


SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI NĂM – A

Sai thì phải sửa

(Matthew 23:1-12)

Khi thấy sự cần thiết phải có một đại diện của dân lo cho các việc tế tự, Thiên Chúa đã chọn thầy Lêvi. Còn trước đó, người con trưởng của mỗi gia đình trong dân Israel được thánh hiến cho việc phụng tự của Thiên Chúa (x.Ds 3,11-41). Vì toàn dân không thể liên tục làm việc phụng tự được nên phải có một vài người được lựa chọn theo các chỉ dẫn của Thiên Chúa để đảm trách các công việc ấy. Như thế, các thầy Lêvi hay các tư tế là những người được tuyển chọn để phụng sự Thiên Chúa thay cho dân. Tuy nhiên, đã có một số tư tế bội ước, không giữ lời thề, sống vị nể và đi sai đường lối Chúa, làm cho nhiều người vấp phạm, Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri Malakia để cảnh cáo họ.

Chúa khiến trách các tư tế

Ngôn sứ Malakhi cho thấy các tư tế bị khiển trách vì đã không hết lòng phụng thờ Thiên Chúa theo trách vụ được trao phó. Là những trung gian giữa Thiên Chúa và dân Chúa, một khi tư tế không chu toàn bổn phận phụng thờ Thiên Chúa cách đúng đắn, thì họ vừa bị Thiên Chúa trách phạt vừa bị toàn dân coi thường.

Cụ thể như, khi dâng lễ tế lên cho Thiên Chúa, các tư tế đã không dâng những con vật lành lặn, không tỳ vết theo như lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Đnl 17,1), mà lại dâng những con vật mù, què hay bệnh tật, và như thế là điều ô uế trước mặt Thiên Chúa (x. Ml 1,7-8). Giữa muôn dân, Danh Chúa thật cao cả, vậy mà những người được đặt riêng để phụng thờ Thiên Chúa lại không hết lòng tôn vinh và phụng thờ Ngài.

Điều tệ hại hơn nữa là các tư tế đã “đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy” (Ml 2,8). Vì là những người được đặt lên cách riêng để lo việc phụng thờ Thiên Chúa và là gương mẫu cho dân trong việc giữ Lề Luật, sự “trệch đường” của họ không chỉ là tội của cá nhân họ mà còn ảnh hưởng trên nhiều người khác. Việc không tuân theo đường lối của Thiên Chúa và vị nể khi áp dụng Luật vừa làm cho các tư tế đáng trách phạt trước mặt Thiên Chúa, lại vừa làm cho họ “đáng khinh và hèn mạt trước mặt toàn dân” (Ml 2,9).

Chúa phê bình các kinh sư và Pharisiêu

Chúa Giêsu thấy các kinh sư và Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Họ là những người “ngồi trên tòa ông Môisê mà giảng dạy” Luật pháp Chúa Trời. Chúa Giê-su bảo người nghe: “Mọi điều họ dạy, anh em hãy làm theo, nhưng đừng hành động giống như họ vì họ nói mà không làm” (Mt 23,2).

Rồi Chúa Giêsu đưa ra những ví dụ cho thấy sự đạo đức giả của họ, chẳng hạn “họ đeo những hộp kinh thật lớn” (Mt 23,5) và đeo nó như bùa hộ mạng. Một số người Do Thái đeo trên trán hoặc trên cánh tay những hộp nhỏ chứa các đoạn ngắn của Luật pháp. Người Pha-ri-si làm hộp kinh lớn hơn để tạo ấn tượng là họ rất sốt sắng theo Luật pháp. Họ cũng “mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5). Dân Israel phải làm những tua áo, nhưng người Pharisiêu lại làm những tua áo dài hơn (x.Ds 15,38-40). Chúa Giêsu nói họ làm mọi điều này “để cho người ta thấy” (Mt 23,5).

Chúa Giêsu đã nghiêm khắc phê bình những người biệt phái và luật sĩ giả hình, vì họ đã sống khác xa với lời họ giảng dậy. Họ nói một đàng làm một nẻo. Chúa dạy các môn đệ "giữ và làm những điều họ dạy, nhưng đừng noi theo hành vì của họ" (x.Mt 23,3). Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo tôn giáo sống giả hình, vì việc làm của họ không nhằm tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ tôn vinh chính mình. Chúa không chối bỏ giáo lý mà họ giảng dạy theo thẩm quyền dành cho họ, nhưng lên án lối sống giả hình của họ vì họ nói mà không làm. Tất cả những gì họ làm không nhằm để tôn vinh Thiên Chúa mà để thiên hạ thấy mà tôn vinh họ. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời các môn đệ.

Bài học cho chúng ta

Chúa Giêsu đề nghị các môn đệ và cả chúng ta, đừng tôn vinh ai, mà cũng không để ai tôn vinh mình như là “thầy”, là “cha”, là “người lãnh đạo”. Lý do đơn giản là vì tất cả đều là con của Cha trên trời, đều được hướng dẫn bởi Thầy Giêsu, và được lãnh đạo bởi Đức Kitô. Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống tinh thần phục vụ cách khiêm tốn, theo gương của Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Mục đích của người môn đệ là sống theo gương mẫu Đức Kitô: Như Đức Kitô làm mọi việc để Thiên Chúa được tôn vinh (x. Mt 9,1-8; 15,29-31), các việc làm của người môn đệ cũng là để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Chúa Cha.

Chúa nhắc nhở chúng ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Trong phạm vi gia đình, thật không gì tai hại cho bằng nói mà không làm. Chúng ta bảo con cái phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta dạy con cái sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Nếu sống như vậy, chúng ta hãy coi chừng, Chúa sẽ cảnh cáo chúng ta, người khác sẽ vào thiên đàng, còn chúng ta thì sao? Nếu sai thì phải sửa mau cho kíp.

Người môn đệ Chúa Giêsu không như thế, trái lại: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi” (Mt 23,11).

Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống và thực hành Lời Chúa như Mẹ. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y Filoni: Cả Israel lẫn Palestine đều có quyền sống
Vũ Văn An
13:48 01/11/2023

Theo Daniele Frison của AsiaNews, tại cuộc họp báo của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem, Đức Hồng Y Fernando Filoni, đã nói rằng vai trò của các Kitô hữu là làm cầu nối trong cuộc xung đột. Dòng đang giúp đỡ Tòa Thượng phụ Latinh thông qua một loạt các khoản quyên góp. Nhìn về tương lai, “Chúng ta sẽ phải xây dựng lại,” đại sứ của Dòng, Leonardo Visconti di Modrone cho biết.



Thực vậy, Sáng 31 tháng 10, một cuộc họp báo đã được tổ chức tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh để giới thiệu bản Tư vấn [consulta] năm 2023 của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem (EOHSJ), dự kiến diễn ra tại Rome từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11.

“Không ai có thể nghĩ rằng Israel không có quyền sống, quyền hiện hữu. Cũng như không thể tưởng tượng được rằng người Palestine không có quyền hiện hữu, quyền sống. Cả hai đều có quyền và không bên nào vượt trội hơn bên nào”, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Trưởng Sư [Grand Master] của Dòng cho biết tại cuộc họp báo.

Ngài nói thêm, trong khu vực hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Israel và Hamas, “sự phong phú và đa dạng của các nhóm sắc tộc và văn hóa, hội tụ xung quanh cùng một đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất”.

Mặc dù là thiểu số ở Thánh địa sau người Do Thái và người Hồi giáo, nhưng các Kitô hữu có thể đóng vai trò quan trọng là “cầu nối giữa các nhóm khác nhau, để chúng ta bao gồm họ trong cộng đồng của mình”, bất chấp những xung đột đang diễn ra. Vì lý do này, Giáo hội không đứng về bên nào.

Đức Hồng Y Filoni nói, "Khi chúng ta chỉ bảo vệ quyền của mình, chúng ta quên mất quyền của người khác." Chỉ bằng cách vượt qua sự chia rẽ, chúng ta mới có thể giải thoát mình khỏi tình trạng hiện tại mà chúng ta đang sống “một cách thảm khốc và bi thảm”.

Hiện tại, Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem có mối liên hệ hàng ngày, thông qua Tòa Thượng Phụ Latinh, với Nhà thờ Thánh Gia, nằm ở phía đông Thành phố Gaza.

Đại sứ Leonardo Visconti di Modrone, Tổng Toàn Quyền của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem, người cũng phát biểu tại cuộc họp báo, cho biết: “Chúng tôi biết rằng khoảng 500 người cao tuổi và trẻ em đã tìm được nơi ẩn náu trong tòa nhà giáo xứ này, những người đang cố gắng chạy trốn khỏi bom đạn”.

Ông Visconti nói: “Tình hình ở Thánh địa không thể không có tác động đến tinh thần của buổi Tham vấn này”. Ông lưu ý rằng Dòng hiện đang cung cấp “các khoản quyên góp tự nguyện bên cạnh các khoản đóng góp thường xuyên để giảm bớt những khó khăn của người dân”.

Điều này đòi hỏi phải giúp đỡ Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, vốn “ở thực địa, biết những ưu tiên và nhu cầu cấp bách nhất”. Các khoản quyên góp tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới; khoảng 40 quốc gia có đại diện trong Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh ở Jerusalem.

Tổng Toàn Quyền giải thích: “Yêu cầu giúp đỡ của Tòa Thượng Phụ Latinh quan tâm hơn hết đến tương lai. Chúng ta sẽ phải xây dựng lại; chúng ta sẽ phải bắt đầu lại từ đầu”.

Nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là đến được Gaza, nơi mà các Kitô hữu và những người không phải Kitô hữu đang trú ẩn, để mang “thuốc, thực phẩm, nước, thậm chí cả dầu diesel cho máy phát điện”. Tùy ở Tòa Thượng Phụ Latinh quyết định dự án nào sẽ được thực hiện đầu tiên.

Tham Vấn [Consulta], một sự kiện diễn ra bốn năm một lần, là thời điểm các viên chức hàng đầu của Dòng gặp nhau “để thảo luận và suy gẫm về các chủ đề chung liên quan đến đời sống của Dòng trong tất cả các cơ cấu địa phương của Dòng”.

Consulta 2023 sẽ mang đến những điều mới mẻ; trên thực tế, lần đầu tiên có khoảng 30 linh mục sẽ tham gia với tư cách quan sát viên. Ông Visconti cho biết điều này nhằm mục đích thúc đẩy “sự hợp tác giữa các thành phần thế tục và giáo hội”.

Thứ Hai tới, ngày 6 tháng 11, Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa sẽ phát biểu qua nguồn cấp dữ liệu trực tiếp tại cuộc họp.
 
Kitô hữu dưới áp lực nặng nề ở Thánh địa
Vũ Văn An
14:25 01/11/2023

Theo John Pontifex, người đứng đầu bộ phận Báo chí & Công vụ của Tổ chức Giúp Đỡ Các Giáo Hội Thiếu Thốn (Anh), tất cả các bên phải làm việc cùng nhau để bảo đảm việc Israel và Palestine lùi lại khỏi bờ vực hủy diệt.



“Chúng tôi cần thuốc. Nhiều bệnh viện đã bị phá hủy. Trường học của chúng tôi cũng bị hư hại nhưng chúng tôi không rời đi”.

Liên lạc với chúng tôi từ phía bắc Gaza, Sơ Nabila tỏ ra thách thức: “Người ta chẳng có gì cả, ngay cả những thứ thiết yếu cơ bản cũng không có. Chúng tôi sẽ đi đâu? Chết trên đường phố? Ở đây có những người già, các Thừa sai Bác ái cũng ở với chúng tôi, với một nhóm người khuyết tật và người già. Họ có thể đi đâu? Chúng tôi sẽ ở lại với họ.”

Khi thời hạn sơ tán đến miền nam Gaza đến gần, Sơ Nabila và các Nữ tu Mân Côi khác tuyên bố rằng họ không chỉ ở lại mà còn làm mọi cách để giúp đỡ người dân dù có chuyện gì xảy ra.

Vào thời điểm chúng tôi nghe được tin từ Sơ Nabila, sơ nằm trong số 150 người Công Giáo đang trú ẩn tại giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza, dâng kính Thánh Gia. Cũng được chăm sóc còn có khoảng 350 Kitô hữu Chính thống Hy Lạp có giáo xứ gần Nhà thờ Thánh Gia.

Đối với cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé của Thánh địa, cũng như nhiều cộng đồng khác, những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 và sau đó chỉ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ. Cuộc xung đột ngày càng gia tăng do cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã ngay lập tức làm lộ ra một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của các Kitô hữu và những người khác trong khu vực, đó là mối đe dọa về một cuộc tấn công lớn trên bộ của Israel, tuyệt đỉnh là cuộc xâm lược Gaza.

Cha Gabriel Romanelli, một trong hai linh mục chăm sóc người Công Giáo Rôma ở Gaza, nói với Tổ chức Giúp Đỡ Các Giáo hội Thiếu Thốn (ACN), tổ chức từ thiện Công Giáo dành cho các Kitô hữu bị bách hại và những người đau khổ khác, rằng nhiều giáo dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại. Ngài cho biết giáo dân tin rằng “họ được an toàn hơn khi ở bên Chúa Giêsu. Và đó là lý do tại sao họ cùng nhau cầu nguyện, họ cầu nguyện và hy vọng rằng Chúa sẽ bảo vệ họ và những người đang làm việc và cầu nguyện cho hòa bình sẽ thay đổi quyết định tấn công nhà thờ vốn luôn là ốc đảo hòa bình.”

Một chuyên gia về tình huống này, người yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, nhấn mạnh không chỉ mối đe dọa về số người chết cao do một cuộc tấn công trên bộ của Israel mà còn cả phản ứng chết người có thể xảy ra từ Hamas. Quả quyết rằng Hamas có hàng nghìn tên lửa, ông nói: “Mặc dù 85% [tên lửa] bị hệ thống bảo vệ và radar đánh chặn, phần còn lại đủ để gây thiệt hại khủng khiếp cho người dân Israel, kể cả ở đây, ở Giêrusalem này.”

Do đó, Giáo hội cần phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để vận động cho hòa bình hoặc ít nhất là ngăn chặn xung đột leo thang.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong Đức cha Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, lên Hồng Y vào ngày 30 tháng 9, ít ai có thể biết được màu đỏ của cấp bậc mới của ngài – tượng trưng cho máu của các vị tử đạo – sẽ trở thành một điểm tham chiếu sống động đến thế trong vai trò mới của ngài là người hòa giải. Việc ngài sẵn sàng hiến thân để đổi lấy những đứa trẻ bị Hamas bắt làm con tin chứng tỏ Giáo hội sẵn sàng sử dụng đòn bẩy ngoại giao của mình cho mục đích hòa giải đến mức nào.

Cần có lòng can đảm để trở thành một Kitô hữu ở Thánh Địa, đặc biệt khi số lượng tín hữu quá ít. Kitô hữu ở Israel và Lãnh thổ Palestine có khoảng 217,000 người hay 1.5% dân số. Trải qua sự suy thoái tương ứng, các Kitô hữu ngày càng bị gạt ra ngoài lề không những chỉ bởi người Do Thái và người Hồi giáo với tỷ lệ sinh cao hơn nhiều; họ cũng bị cuốn vào tâm điểm căng thẳng kéo dài giữa các nước láng giềng có ưu thế hơn.

Vì lý do này, nỗi sợ hãi và lo lắng của các Kitô hữu trong khu vực sau ngày 7 tháng 10 đã nhanh chóng lan rộng ra ngoài Gaza và miền nam Israel. Các Kitô hữu ở Westbank, ước tính có khoảng 37,000 người, đang trong tình trạng hoàn toàn bị sốc. Các báo cáo mới nhất cho thấy 90% các nhóm hành hương và du khách đã rời khỏi đất nước, với các tour du lịch đã bị hủy bỏ cho đến dịp Giáng sinh và xa hơn nữa.

Đây là một cuộc khủng hoảng khủng khiếp đối với nhiều gia đình Kitô giáo khi 70% làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhiều người làm nghề tài xế xe buýt, chủ khách sạn, nhà sản xuất và bán lẻ đồ tạo tác tôn giáo, thường chế tác những mảnh gỗ ô liu thành tràng hạt, thánh giá và nôi. Nhiều người đã nghèo rồi; bây giờ họ sợ nghèo đói tàn tệ.

Chúng tôi đã nói chuyện với một nhà sản xuất đồ tạo tác tôn giáo như vậy, có trụ sở tại Bêlem. “Chúng tôi bị chặn trong nhà,” anh nói, mô tả việc vận chuyển hàng hóa của anh giờ đây không thể thực hiện được do đường bị đóng và các chuyến bay bị hủy.

Sợ mất việc kinh doanh là một chuyện nhưng nỗi kinh hoàng về sự leo thang xung đột lại là chuyện khác. Anh nói: “Mọi người đều lo lắng. Mọi người ở đây đang nói về Thế chiến thứ ba. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng bằng cách nào đó điều đó sẽ không xảy ra.”

Ngay phía dưới con đường từ Bêlem là Beit Jala, nơi Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn gần đây đã hỗ trợ việc thành lập một trung tâm linh đạo. Mới được khánh thành cách đây vài tuần và nhằm mục đích làm nơi tổ chức các chương trình liên quan đến chủng viện Latinh gần đó và cộng đồng địa phương, ngay sau ngày 7 tháng 10, tòa nhà phải được tái sử dụng làm văn phòng của Tòa Thượng Phụ Latinh.

Lý do: nhân viên không thể thực hiện hành trình dài 5 dặm tới Jerusalem vì các trạm kiểm soát đã đóng cửa.

Tình hình không khá hơn chút nào ở Đông Jerusalem, nơi có 10,000 Kitô hữu. Khoảng 40% trong số họ kiếm sống trong lĩnh vực du lịch và nhiều người hiện đã mất việc làm.

Khách sạn trống rỗng và khách du lịch đã rời đi. Nhiều tòa nhà đang được sử dụng làm danh trại cho quân dự bị. Từ Nhà Tiệc Ly ở Jerusalem, Cha Artemio Vitores, một tu sĩ dòng Phanxicô người Tây Ban Nha, nói với Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn rằng ngài không muốn “quá bi quan nhưng rất ít về tình hình này liên quan đến hòa bình. Giêrusalem phải là dấu chỉ hòa bình và hòa hợp cho mọi người; đây là thành phố thánh của Thiên Chúa đối với người Do Thái, Kitô hữu và người theo đạo Hồi. Điều này thật khó khăn. Hòa bình là một món quà của Thiên Chúa nhưng nó đòi hỏi sự hợp tác của mọi người”.

Và sau đó là cộng đồng Kitô hữu sống rải rác ở các vùng khác của Israel. Nhiều người trong số họ, kể cả du khách nước ngoài và những người có hai quốc tịch, đã trải qua nỗi sợ hãi bị tấn công khủng bố cũng như nỗi đau và nỗi thống khổ khủng khiếp của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Một trong số họ là Holly, một công dân Mỹ đang ở Jerusalem khi thế giới mà cô biết đã thay đổi đến mức không thể nhận ra.

Cô ấy nói với Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn: “Những ngày vừa qua thật là dài và mệt mỏi”. Nghĩ về 1,400 người thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas, cô nói rằng số người chết “thực sự không thể tưởng tượng được”.

Xa hơn, các Kitô hữu nhận thức sâu sắc rằng các nước láng giềng có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Đến thăm trụ sở quốc tế của Tổ chức Giúp Đỡ các Giáo hội Thiếu Thốn, Thượng phụ Công Giáo Hy Lạp Melkite Youssef Absi, có trụ sở tại Lebanon và Damascus, đã nhắc nhở các nhân viên rằng việc đảm bảo một tương lai lâu dài cho Palestine là chìa khóa cho hòa bình trong khu vực.

Thượng phụ Absi viết: “Nếu không có giải pháp cho tình hình Palestine thì sẽ không có giải pháp cho Trung Đông”.

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những mối nguy hiểm phía trước không thể nào rõ ràng hơn. Yêu cầu mọi việc phải được thực hiện để tránh một thảm họa nhân đạo, ngài tuyên bố: “Chiến tranh không giải quyết được vấn đề gì. Nó chỉ gieo rắc chết chóc và hủy diệt, gia tăng hận thù, nhân bội việc trả thù. Chiến tranh xóa sạch tương lai.” Đức Giáo Hoàng đã phát biểu trong buổi tiếp kiến hàng tuần chỉ vài ngày sau khi ngài nhấc điện thoại cho Sơ Nabila, nữ tu đến từ Gaza quyết tâm ở lại với những người đau khổ ở đó.

Nhà thờ Thánh Gia nơi sơ đang trú ẩn gần đây đã tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến, trong đó cộng đồng cử hành lễ rửa tội cho một đứa trẻ, Daniel. Bất cứ điều gì đang chờ đợi phía trước đối với Daniel, những Kitô hữu khác và tất cả những người ở Thánh địa, tương lai của họ phụ thuộc vào việc tất cả các bên cùng hợp tác để đảm bảo khu vực thoát khỏi bờ vực hủy diệt.
 
Nhân ngày mừng lễ các Thánh, Đức Thánh Cha nói: Chúng ta được mời gọi nên thánh, một món quà và một cuộc hành trình cùng nhau.
Thanh Quảng sdb
17:06 01/11/2023
Nhân ngày mừng lễ các Thánh, Đức Thánh Cha nói: Chúng ta được mời gọi nên thánh, một món quà và một cuộc hành trình cùng nhau.

Nhân ngày Lễ Trọng Các Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về lời mời gọi nên thánh và đây vừa là một món quà từ Thiên Chúa, vừa là một cuộc hành trình phải được thực hiện cùng với anh chị em chúng ta và tất cả các Thánh là những người cùng đồng hành trên đường đời.

(Tin Vatican - Thaddeus Jones)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón khách hành hương và du khách tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Thứ Tư ngày 1 tháng 11, Lễ Trọng mừng Các Thánh. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói Ngày Lễ Các Thánh, chúng ta nhớ đến lời mời gọi nên thánh của chính mình. Ngài giải thích đó là một món quà từ Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận và là một cuộc hành trình mà chúng ta cùng đồng hành với các Thánh là những người luôn đồng hành cùng chúng ta trên đường đời.

Món quà của sự thánh thiện

Đức Th
ánh Cha giải thích hồng ân thánh thiện đến từ phép rửa và chúng ta cần nuôi dưỡng nó để nó có thể phát triển và biến đổi cuộc sống chúng ta. Các Thánh đã khởi đầu giống như chúng ta, Đức Thánh Cha cho hay chúng ta cũng nhận được cùng một món quà như thế, và các thánh là những người bạn rất gần gũi với chúng ta, đồng hành cùng chúng ta trên bước đường hành trình của chúng ta.

Chúng ta chắc chắn đã biết một số vị thánh trong cuộc sống, Đức Thánh Cha nhận xét, một người công chính sống ơn gọi Kitô hữu với sự dấn thân và sự đơn sơ, những người mà ngài thích gọi là “các vị thánh hàng xóm”. Và sự thánh thiện là một món quà được ban cho tất cả mọi người để đạt “một cuộc sống hạnh phúc”.

“Khi nhận được một món quà, phản ứng đầu tiên của chúng ta là gì? Chính là chúng ta cảm thấy hạnh phúc, bởi vì điều đó nói lên là có ai đó yêu thương chúng ta; và hồng ân thánh thiện làm cho chúng ta hạnh phúc vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

Chào đón thánh thiện

Như với bất kỳ
món quà nào, khi chúng ta chọn chấp nhận nó và bày tỏ lòng biết ơn của mình, Đức Thánh Cha giải thích, chúng ta đón nhận món quà thánh thiện của Thiên Chúa, chúng ta đảm nhận trách nhiệm duy trì và xây dựng trên sự thánh thiện mà chúng ta đã nhận được.

Một cuộc hành trình trong dân thánh

“Sự thánh thiện cũng là một cuộc tiến trình, một cuộc hành trình cùng nhau thực hiện, giúp đỡ lẫn nhau, liên kết với những người bạn đồng hành tuyệt vời là các Thánh.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các Thánh là “những người anh chị em của chúng ta, những người mà chúng ta có thể cậy nhờ”, vì các ngài có thể giúp đỡ chúng ta khi chúng ta sai lầm mà trở lại con đường đúng đắn, giống như “những người bạn chân thành, những người mà chúng ta có thể tin cậy vì họ mong muốn sự an lành cho chúng ta."

Cuộc sống và chứng tá đức tin của họ mang đến cho chúng ta nguồn cảm hứng, Đức Thánh Cha nói, và “trong lời cầu nguyện của họ, chúng ta nhận được sự giúp đỡ” và hiệp nhất với họ, chúng ta liên đới với nhau trong “mối tình kết nghĩa yêu thương anh chị em”.

Cuộc đời của các Thánh

Kết thúc, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người nên tìm hiểu thêm về cuộc đời của các Thánh và học hỏi từ các ngài cách đối diện với những thử thách mà chính các ngài đã trải qua trong cuộc sống. Ngài cũng đề nghị suy tư cá nhân bằng cách nhớ rằng khi nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta được mời gọi nên thánh và luôn được nâng đỡ và giúp đỡ trên đường đi. Các Thánh gần gũi với chúng ta, chúng ta có thể hướng về các ngài trong lời cầu nguyện, hiệp thông với các ngài trong lòng biết ơn Thiên Chúa vì tất cả những gì Ngài ban cho chúng ta và hạnh phúc vĩnh cửu mà Ngài kêu gọi chúng ta hướng tới.

“Xin Đức Maria, Nữ Vương các Thánh, giúp chúng ta cảm nhận được niềm vui của hồng ân đã nhận được và khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát về cứu cánh đời đời.”

(Xem Video cuộc triều yết)
 
Hội Truyền Giáo Ba Lê vui mừng trước tiến trình phong thánh cho Đấng sáng lập ở Việt Nam
Thanh Quảng sdb
17:46 01/11/2023
Hội Truyền Giáo Ba Lê vui mừng trước tiến trình phong thánh cho Đấng sáng lập ở Việt Nam

Nhiều thành viên Hội Truyền Giáo Balê (MEP), trong đó có Đức Giám Mục Pallu, đã đến truyền giáo tại Việt Nam, một thuộc địa cũ của Pháp.
Hội Truyền Giáo Ba Lê vui mừng trước tiến trình phong thánh cho Đấng sáng lập ở Việt Nam

Các linh mục Vincent Sénéchal (trái) và Balthazar Castelino dâng thánh tích của Đức Giám Mục François Pallu cho Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiện Hà Nội ngày 28 tháng 10. (Ảnh: tonggiaophanhanoi.org)

(Phóng viên – UCA)

Hội Truyền Giáo Balê (MEP), có trụ sở tại Pháp đã bày tỏ sự vui mừng và tự hào khi Giáo hội Việt Nam bắt đầu tiến trình phong chân phước cho một trong những vị truyền giáo, Đức Giám Mục François Pallu.

Cha Vincent Sénéchal, bề trên tổng quyền Hội Truyền Giáo Balê (MEP) cho hay: “Chúng tôi thực sự vui mừng khi thấy Giáo hội Việt Nam mở án phong thánh cho Đức cha Pallu”.

Cha Tổng quyền Sénéchal và Cha phó tổng quyền Balthazar Castelino, đã tham dự lễ khai mạc chính thức cuộc điều tra cấp giáo phận của tổng giáo phận Hà Nội vào ngày 29 tháng 10.

Các thành viên Hội Truyền Giáo Balê (MEP), trong chuyến viếng thăm này đã trao thánh tích của Đức Cha Pallu cho Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiện của Hà Nội.

Cha tổng quyền Sénéchal mô tả việc mở án phong chân phước cho Đức Cha Pallu là “một sự kiện vui mừng cho xã hội chúng ta”.

Cha Sénéchal nói: “Chúng tôi sẽ cung cấp các tài liệu lịch sử của Giáo hội chúng tôi liên quan đến cuộc điều tra”.

Cha Sénéchal cho biết Giáo hội Việt Nam đã có trước khi thành lập Hội Thừa Sai Ba lê vào năm 1658. Cha ấy nói: Đức Cha Pallu và các nhà truyền giáo MEP khác đã đến để hòa nhập vào Giáo hội địa phương và đào tạo các giáo sĩ bản địa.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam, một cựu thuộc địa của Pháp, bắt đầu tiến trình phong thánh cho một nhà truyền giáo nước ngoài.

Các giám mục đầu tiên của Hội Truyền Giáo Balê (MEP) là các Đức Cha Pallu và Lambert de la Motte được đặt lên coi sóc các Giáo phận đàng ngoài và đàng trong vào năm 1659.

Tổng giáo phận Hà Nội và 10 giáo phận khác ở giáo khu miền Bắc coi Địa phận đàng ngoài là giáo phận mẹ của mình.

Cha Sénéchal, 51 tuổi, người đã làm việc ở Campuchia trong 9 năm, cho biết tiến trình phong chân phước cho Đức Cha Pallu cho thấy rằng “Giáo Hội Công Giáo có tính phổ quát và người dân địa phương thừa nhận họ đã tiếp nhận đức tin Công Giáo từ các nhà truyền giáo nước ngoài”.

Ngài nói điều này giống như Giáo hội ở Pháp nhận được Tin Mừng từ Thánh Irenaeus, nhà truyền giáo người Hy Lạp.

Chuyên gia thần học Kinh thánh cho rằng việc tôn vinh các nhà truyền giáo nước ngoài có nghĩa là “thúc đẩy việc truyền giáo và chia sẻ đức tin của chúng ta với những người chưa biết đến tình yêu Thiên Chúa”.

Cha Sénéchal cho biết xã hội của ngài và Giáo hội tại Việt Nam đã duy trì mối quan hệ bền chặt trong một thời gian dài.

Cha cho biết hơn 1.200 trong số 4.300 nhà truyền giáo Hội Truyền Giáo Balê (MEP), đã phục vụ tại các giáo phận ở Việt Nam cho đến năm 1975 và nhiều người đã phải đối diện với sự đàn áp nghiệt ngã trong các thế kỷ 17, 18 và 19.

Trong số đó có vị tử đạo, Cha Jean Théophane Vénard (1829-1860), bị xử trảm tại giáo xứ Cửa Bắc, Hà Nội.

Trong số 117 các thánh tử đạo Việt Nam có 10 vị thuộc Hội Truyền Giáo Balê (MEP).

Cha Sénéchal cho biết hội không còn hoạt động ở Việt Nam nữa vì Giáo hội Việt Nam đã trưởng thành.

Nhưng Hội Truyền Giáo Balê (MEP) vẫn cung cấp việc đào tạo linh mục cho các ứng viên Việt Nam.

Theo Giáo hội địa phương, Hội Truyền Giáo Balê (MEP) đã tặng học bổng cho hàng trăm linh mục và tu sĩ đến học thần học, triết học, giáo luật và khoa học xã hội tại Institut Catholique de Paris (Đại học Công Giáo Paris) trong ba thập kỷ qua.

Khoảng 20 sinh viên tốt nghiệp đã trở thành giám mục và tổng giám mục, trong khi những người khác đang giảng dạy tại các chủng viện, lãnh đạo các Tu đoàn và giữ các vị trí quan trọng trong Giáo hội địa phương.
 
Nguyên văn Bản Tường trình Tổng hợp của Kỳ họp thứ nhất Thượng Hội Đồng về tính Đồng nghị, tiếp
Vũ Văn An
18:20 01/11/2023

4. Người Nghèo, Những Nhân Vật Chính Trong Hành Trình Của Giáo Hội

Các điểm hội tụ



a) Những người sống trong cảnh nghèo xin tình yêu nơi Giáo hội. Yêu thương có nghĩa là tôn trọng, chấp nhận và công nhận, nếu không có điều đó thì việc cung cấp thực phẩm, tiền bạc hoặc các dịch vụ xã hội sẽ là những hình thức hỗ trợ chắc chắn quan trọng nhưng không tính đến phẩm giá con người một cách đầy đủ. Mỗi người cần được quyền xác định các phương tiện phát triển của riêng mình thay vì trở thành đối tượng cho hành động phúc lợi của người khác. Được công nhận và tôn trọng là những cách mạnh mẽ để thực hiện điều này.

b) Việc ưu tiên chọn người nghèo được hàm chứa trong đức tin Kitô học: Chúa Giêsu, nghèo và khiêm nhường, kết bạn với những người nghèo, ngồi chung bàn với họ và lên án các nguyên nhân gây ra nghèo đói. Đối với Giáo hội, việc ưu tiên chọn người nghèo và những người ở bên lề xã hội là một phạm trù thần học trước khi trở thành một phạm trù văn hóa, xã hội học, chính trị hoặc triết học. Đối với Thánh Gioan Phaolô II, Thiên Chúa ban lòng thương xót của Người trước hết cho họ. Sự ưu tiên thần thiêng này có những hậu quả đối với cuộc sống của mọi Kitô hữu, những người được kêu gọi nuôi dưỡng “có cùng một tâm trí… như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2:5).

c) Nghèo không phải chỉ có một loại. Trong số rất nhiều bộ mặt của những người nghèo khổ, có những người không có những thứ họ cần để có một cuộc sống xứng đáng. Ngoài ra còn có người di cư và người tị nạn; các dân tộc bản địa, các dân tộc nguyên gốc và hậu duệ Phi châu; những người phải chịu đựng bạo lực và lạm dụng, đặc biệt là phụ nữ; những người đang vật lộn với cơn nghiện; những nhóm thiểu số bị từ chối tiếng nói một cách có hệ thống; người già bị bỏ rơi; nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, bóc lột và buôn bán, đặc biệt là trẻ vị thành niên; công nhân bị bóc lột; những người bị loại trừ về mặt kinh tế và những người khác sống ở vùng ngoại vi. Những người dễ bị tổn thương nhất trong số những người dễ bị tổn thương, mà việc tranh đấu cho họ cần phải liên tục, bao gồm các thai nhi và mẹ của các em. Phiên Họp lắng nghe tiếng kêu của “những người nghèo mới”, gây ra bởi chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên nhiều châu lục, và Phiên Họp lên án các hệ thống chính trị và kinh tế thối nát gây ra xung đột như vậy.

d) Bên cạnh các hình thức nghèo khó vật chất, nhiều người còn phải chịu cảnh nghèo khó về tinh thần, được hiểu như thiếu ý thức về ý nghĩa cuộc sống. Sự bận tâm quá mức đến bản thân có thể dẫn đến việc coi người khác là mối đe dọa, một điều, ngược lại, khiến chúng ta ngày càng thu mình lại, nói lên một loại chủ nghĩa cá nhân nào đó. Khi những người nghèo về tinh thần và vật chất gặp nhau, họ bắt đầu cuộc hành trình hướng tới việc tìm kiếm câu trả lời cho nhu cầu của nhau. Đây là một cách cùng nhau đồng hành làm cho quan điểm của Giáo hội đồng nghị trở nên cụ thể, sẽ tiết lộ cho chúng ta ý nghĩa đầy đủ nhất về mối phúc của Tin Mừng, “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5:3).

e) Đứng về phía người nghèo đòi hỏi việc cùng họ chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta: tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của những người sống trong nghèo đói là cùng một tiếng kêu. Việc thiếu những câu trả lời cho tiếng kêu này khiến cho cuộc khủng hoảng sinh thái và đặc biệt là biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của nhân loại. Tông huấn Laudate Deum, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố trùng với thời điểm khai mạc công việc của Thượng hội đồng, nhấn mạnh điều này. Giáo hội ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hậu quả của biến đổi khí hậu nhận thức sâu sắc nhu cầu cấp thiết phải thay đổi hướng đi, và điều này thể hiện sự đóng góp của họ đối với hành trình của các giáo hội địa phương khác ở nhiều nơi trên hành tinh.

f) Cam kết của Giáo hội phải giải quyết các nguyên nhân gây ra nghèo đói và loại trừ. Điều này bao gồm các hành động bảo vệ quyền của những người bị loại trừ và điều này có thể yêu cầu tố cáo công khai những hành vi bất công, cho dù được gây ra bởi các cấu trúc xã hội hay bởi các cá nhân, tập đoàn hoặc chính phủ. Điều cần thiết để nghe được tiếng nói của những người nghèo là lắng nghe những yêu cầu và quan điểm của họ cũng như sử dụng chính lời nói của họ.

g) Các Kitô hữu có nhiệm vụ dấn thân tham gia tích cực vào việc xây dựng ích chung và bảo vệ phẩm giá sự sống, lấy cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội và cùng nhau làm việc theo nhiều cách khác nhau, thông qua việc tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự, nghiệp đoàn, phong trào quần chúng, hiệp hội cơ sở, trong lĩnh vực chính trị, v.v. Giáo Hội vô cùng biết ơn họ. Cộng đồng có nhiệm vụ hỗ trợ những người làm việc trong các lĩnh vực này với tinh thần bác ái và phục vụ chân chính. Hành động của họ là một phần trong sứ mệnh của Giáo hội nhằm loan báo Tin Mừng và làm cho Nước Thiên Chúa mau đến.

h) Cộng đồng Kitô gặp gỡ khuôn mặt và thân xác của Chúa Kitô, Đấng, tuy giàu có, đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta có thể trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người (x. 2 Cr 8:9). Nó được kêu gọi không những gần gũi với họ mà còn học hỏi từ họ. Nếu trở thành đồng nghị có nghĩa là cùng bước đi với Đấng là Đường, thì một Giáo hội đồng nghị cần đặt những người đang trải qua cảnh nghèo khó vào trung tâm của mọi khía cạnh của đời sống mình: qua những đau khổ của họ, họ có được sự hiểu biết trực tiếp về Chúa Kitô đau khổ (x. Evangelii gaudium, số 198). Sự giống nhau về cuộc sống của họ với cuộc sống của Chúa khiến những người nghèo khó trở thành sứ giả của ơn cứu độ được đón nhận như một hồng ân và là những chứng nhân cho niềm vui của Tin Mừng.

Các vấn đề để xem xét

i) Ở một số nơi trên thế giới, Giáo hội khá nghèo, với những người nghèo và cho những người nghèo. Có một nguy cơ thường xuyên, cần phải cẩn thận tránh, là coi những người sống trong cảnh nghèo đói theo nghĩa “họ” và “chúng ta” như “đối tượng” của lòng bác ái của Giáo hội. Đặt những người trải qua cảnh nghèo đói làm trung tâm và học hỏi từ họ là điều mà Giáo hội ngày càng phải làm nhiều hơn nữa.

j) Một mặt, việc tố cáo mang tính tiên tri các tình trạng bất công và mặt khác các nỗ lực thu-yết phục các nhà hoạch định chính sách hành động vì lợi ích chung, một điều vốn đòi hỏi phải sử dụng đến biện pháp ngoại giao, phải được duy trì trong tình trạng căng thẳng năng động để không mất tập chú rõ ràng hoặc tính hữu hiệu. Đặc biệt, phải cẩn thận để bảo đảm rằng việc sử dụng công quỹ hoặc tư qũy của các cơ quan Giáo hội không hạn chế quyền tự do lên tiếng cho những đòi hỏi của Tin Mừng.

k) Việc cung cấp các dịch vụ trong các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, không phân biệt đối xử hay loại trừ bất cứ ai, là dấu hiệu rõ ràng về một Giáo hội cổ vũ sự hội nhập và tham gia của những người dễ bị tổn thương nhất trong Giáo hội và xã hội. Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này được khuyến khích coi mình như các biểu thức của cộng đồng Kitô hữu và tránh việc bác ái trở nên phi bản vị. Họ cũng được khuyến khích kết nối và phối hợp với những người khác.

l) Giáo hội phải trung thực trong việc xem xét cách thức đáp ứng các yêu cầu công lý giữa những người làm việc trong các định chế thống thuộc của mình để bảo đảm việc Giáo hội hành động một cách nhất quán và liêm chính.

m) Trong một Giáo hội đồng nghị, tình liên đới cũng được thể hiện dưới hình thức trao đổi ân phúc và chia sẻ nguồn lực giữa các giáo hội địa phương từ các khu vực khác nhau. Những mối liên hệ này thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo hội bằng cách tạo ra mối liên kết giữa các cộng đồng Kitô giáo có liên quan. Cần phải tập trung vào các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc các linh mục đến trợ giúp các giáo hội đang cần giáo sĩ không chỉ cung cấp một giải pháp mang tính chức năng mà còn là nguồn lực cho sự phát triển của cả Giáo hội gửi họ đi và Giáo hội tiếp nhận họ đến. Tương tự như vậy, cần phải bảo đảm việc viện trợ kinh tế không biến thái thành việc cung cấp phúc lợi đơn thuần, mà còn cổ vũ tình liên đới Tin Mừng chân chính và được quản lý một cách minh bạch và đáng tin cậy.

Các đề nghị

n) Học thuyết xã hội của Giáo hội là một nguồn tài nguyên quá ít được biết đến. Điều này cần phải được giải quyết. Các giáo hội địa phương được mời gọi không những làm cho nội dung của nó được biết đến nhiều hơn mà còn thúc đẩy việc tiếp nhận nó thông qua các thực hành biến cảm hứng của nó thành hành động.

o) Kinh nghiệm gặp gỡ, chia sẻ đời sống chung và phục vụ những người sống trong cảnh nghèo khó và bên lề xã hội phải là một phần không thể thiếu trong mọi con đường đào tạo được các cộng đồng Kitô giáo cung ứng: đó là một yêu cầu của đức tin, không phải là một điều kiện tùy chọn phụ trội. Điều này đặc biệt đúng đối với các ứng viên của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến.

p) Là một phần của việc suy nghĩ lại thừa tác vụ phó tế, Giáo hội nên cổ vũ một khuynh hướng mạnh mẽ hơn hướng tới việc phục vụ người nghèo.

q) Giáo huấn, phụng vụ và thực hành của Giáo hội phải tích hợp một cách rõ ràng và cẩn thận hơn các nền tảng kinh thánh và thần học của hệ sinh thái toàn diện.

5. Một Giáo Hội “từ mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia”

Các điểm hội tụ

a) Các Kitô hữu sống trong những nền văn hóa chuyên biệt, mang Chúa Kitô đến với chúng trong Lời Chúa và Bí tích, dấn thân phục vụ bác ái với lòng khiêm nhường và niềm vui tươi, đón nhận mầu nhiệm Chúa Kitô đang chờ đợi chúng ta ở mọi nơi và mọi thời. Bằng cách này, chúng ta trở thành một Giáo hội chào đón mọi người từ “mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia” (Kh 5:9).

b) Các bối cảnh văn hóa, lịch sử và lục địa trong đó Giáo hội hiện diện cho thấy những nhu cầu tinh thần và vật chất khác nhau. Điều này định hình nền văn hóa của các giáo hội địa phương, các ưu tiên truyền giáo của họ, các mối quan tâm và ơn phúc mà mỗi giáo hội mang đến cho cuộc đối thoại đồng nghị, cũng như ngôn ngữ mà họ dùng để phát biểu bản thân. Trong những ngày của Phiên Họp, chúng tôi đã có thể trải nghiệm một cách trực tiếp và phần lớn hân hoan những cách diễn đạt đa dạng về việc là Giáo hội.

c) Các Giáo hội sống trong bối cảnh ngày càng đa văn hóa và đa tôn giáo. Điều này đòi hỏi phải tìm cách tạo ra cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa, mà với nó các Kitô hữu nên tham gia cùng với nhiều nhóm vốn tạo nên một xã hội. Sống sứ mệnh của Giáo hội trong những bối cảnh này đòi hỏi một phong cách hiện diện, phục vụ và rao giảng nhằm tìm cách xây dựng những nhịp cầu, vun trồng sự hiểu biết lẫn nhau và tham gia vào việc truyền giảng Tin Mừng biết đồng hành, lắng nghe và học hỏi. Trong Phiên Họp, hình ảnh “cởi giày” để vượt qua ngưỡng cửa gặp gỡ người khác vang lên như dấu hiệu của sự khiêm nhường và tôn trọng một không gian thiêng thiêng, trên nền tảng bình đẳng.

d) Việc di dân tái định hình các giáo hội địa phương như những cộng đồng đa văn hóa. Người di cư và người tị nạn, nhiều người mang vết thương của sự mất gốc, chiến tranh và bạo lực, thường trở thành nguồn đổi mới và sự phong phú cho các cộng đồng chào đón họ và cơ hội thiết lập các liên kết trực tiếp với các giáo hội ở xa về mặt địa lý. Trước những thái độ ngày càng thù địch đối với những người di cư, chúng ta được mời gọi thực hành sự chào đón cởi mở, đồng hành cùng họ trong việc xây dựng cuộc sống mới và xây dựng sự hiệp thông liên văn hóa đích thực giữa các dân tộc. Việc tôn trọng các truyền thống phụng vụ và thực hành tôn giáo của người di cư là một phần không thể thiếu của việc chào đón chân chính.

e) Các nhà truyền giáo đã cống hiến cuộc đời mình để mang Tin Mừng đến cho toàn thế giới. Sự cam kết của họ là một bằng chứng tuyệt vời cho sức mạnh của Tin Mừng. Tuy nhiên, cần phải có sự chú ý và nhạy cảm đặc biệt trong những bối cảnh nơi “sứ mệnh” là một hạn từ chứa đầy những ký ức lịch sử đau thương cản trở sự hiệp thông ngày nay. Ở một số nơi, việc rao giảng Tin Mừng gắn liền với việc thuộc địa hóa, thậm chí là diệt chủng. Việc truyền giáo trong những bối cảnh này đòi hỏi phải thừa nhận những sai lầm đã mắc phải, học cách nhạy cảm mới đối với những vấn đề này và đồng hành cùng một thế hệ đang tìm cách tạo nên bản sắc Kitô giáo ngoài chủ nghĩa thực dân. Tôn trọng và khiêm tốn là những thái độ căn bản cần thiết để nhận ra rằng chúng ta bổ sung cho nhau và các cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác nhau có thể làm phong phú thêm lối sống và suy nghĩ về đức tin của các cộng đồng Kitô giáo.

f) Giáo hội dạy về sự cần thiết và khuyến khích thực hành đối thoại liên tôn như một phần của việc xây dựng hiệp thông giữa mọi dân tộc. Trong một thế giới bạo lực và chia cắt, việc làm chứng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với sự hiệp nhất của nhân loại, nguồn gốc chung và vận mệnh chung của nó, trong một tình liên đới phối hợp và hỗ tương hướng tới công bằng xã hội, hòa bình, hòa giải và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Giáo hội ý thức rằng Chúa Thánh Thần có thể nói qua những người nam cũng như nữ thuộc mọi tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa.

Các vấn đề để xem xét

g) Chúng ta cần trau dồi sự nhạy cảm hơn nữa đối với sự phong phú của những cách diễn đạt đa dạng về việc là Giáo hội của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm sự cân bằng năng động giữa chiều kích Giáo hội như một toàn thể và gốc gác địa phương của nó, giữa việc tôn trọng mối dây hiệp nhất của Giáo hội và nguy cơ đồng nhất hóa vốn bóp nghẹt sự đa dạng. Các ý nghĩa và ưu tiên khác nhau giữa các bối cảnh khác nhau và điều này đòi phải nhận diện và thúc đẩy các hình thức phân quyền.

h) Giáo hội cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân cực và mất lòng tin trong các vấn đề quan trọng như đời sống phụng vụ và suy tư luân lý, xã hội và thần học. Chúng ta cần nhận ra các nguyên nhân của mỗi vấn đề thông qua đối thoại và thực hiện những tiến trình can đảm nhằm hồi sinh sự hiệp thông cũng như những tiến trình hòa giải để vượt qua chúng.

i) Trong các giáo hội địa phương của chúng ta, đôi khi chúng ta gặp phải những căng thẳng giữa những cách hiểu khác nhau về việc truyền giảng Tin Mừng: nhấn mạnh tới chứng tá cuộc sống, cam kết thăng tiến con người, đối thoại với các tín ngưỡng và các nền văn hóa, và minh nhiên công bố Tin Mừng. Tương tự, một sự căng thẳng xuất hiện giữa việc minh nhiên công bố về Chúa Giêsu Kitô và việc đánh giá cao những đặc điểm của mỗi nền văn hóa trong việc tìm kiếm những đặc điểm Tin Mừng (semina Verbi) mà nó vốn chứa đựng.

j) Sự nhầm lẫn có thể xảy ra giữa sứ điệp Tin Mừng và nền văn hóa của những người dấn thân vào việc truyền giảng Tin Mừng đã được đề cập như một trong những vấn đề cần được khám phá.

k) Gia tăng xung đột, với việc buôn bán và sử dụng các vũ khí ngày càng mạnh mẽ, tạo ra vấn đề, được nêu ra trong một số nhóm, phải suy tư và đào tạo nhiều hơn để chúng ta có thể quản lý các xung đột theo đường hướng bất bạo động. Đây là một sự đóng góp có giá trị mà các Kitô hữu có thể cống hiến cho thế giới ngày nay trong đối thoại và hợp tác với các tôn giáo khác.

Các đề nghị

l) Cần phải có sự chú ý mới đối với vấn đề ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng để nói với tâm trí và trái tim của mọi người trong nhiều bối cảnh đa dạng theo cách vừa đẹp đẽ vừa dễ tiếp cận.

m) Chúng ta cần một khuôn khổ chung để quản lý và đánh giá các thử nghiệm bằng các hình thức tản quyền, nhận diện mọi tác nhân có liên hệ và vai trò của họ. Vì sự thống nhất, các tiến trình phân định liên quan đến việc tản quyền phải diễn ra theo phong cách đồng nghị, dự kiến sự đồng tình và đóng góp của tất cả các tác nhân liên quan ở các bình diện khác nhau.

n) Cần có những mô hình mới cho sự tham gia mục vụ với các dân tộc bản địa, dưới hình thức một hành trình chung chứ không phải một hành động được thực hiện cho họ hoặc vì họ. Sự tham gia của họ vào quá trình đưa ra quyết định ở mọi bình diện có thể góp phần tạo nên một Giáo hội sinh động và truyền giáo hơn.

o) Từ công việc của Phiên Họp, có lời kêu gọi hiểu biết tốt hơn về các giáo huấn của Vatican II, giáo huấn hậu công đồng và học thuyết xã hội của Giáo hội. Chúng ta cần biết rõ hơn các truyền thống khác nhau của mình để trở thành một Giáo hội của các Giáo hội một cách rõ ràng hơn trong hiệp thông, hữu hiệu trong việc phục vụ và đối thoại.

p) Trong một thế giới nơi số lượng người di cư và tị nạn ngày càng gia tăng trong khi sự sẵn sàng chào đón họ ngày càng giảm và là nơi người nước ngoài bị nhìn nhận với sự nghi ngờ ngày càng tăng, thật thích hợp để Giáo hội dấn thân một cách dứt khoát vào việc giáo dục, vào nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đặc biệt thông qua việc đào tạo mục vụ. Tương tự, cần phải tham gia vào các dự án cụ thể để hòa nhập người di cư.

q) Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục tham gia đối thoại và phân định liên quan đến công lý chủng tộc. Các hệ thống trong Giáo hội tạo ra hoặc duy trì sự bất công về chủng tộc cần phải được nhận diện và giải quyết. Cần phải tạo ra các tiến trình chữa lành và hòa giải, với sự giúp đỡ của những người bị tổn hại, để xóa bỏ tội phân biệt chủng tộc.

6. Các Giáo Hội Đông Phương và các Truyền Thống Giáo Hội Latinh

Các điểm hội tụ

a) Trong số các Giáo hội Đông phương, những Giáo Hội hiệp thông trọn vẹn với Người kế vị Thánh Phêrô có được sự khác biệt về phụng vụ, thần học, giáo hội học và giáo luật, làm phong phú thêm toàn thể Giáo hội. Đặc biệt, kinh nghiệm của họ về sự thống nhất trong đa dạng có thể đóng góp một cách có giá trị vào sự hiểu biết và thực hành tính đồng nghị.

b) Trong suốt lịch sử, mức độ tự trị được trao cho các Giáo hội này đã trải qua các giai đoạn khác nhau. Một số phong tục, thủ tục hiện nay đã bị coi là lỗi thời, chẳng hạn như việc Latinh hóa. Trong những thập niên gần đây, con đường nhìn nhận tính chuyên biệt, sự khác biệt và quyền tự trị của các Giáo hội này đã phát triển đáng kể.

c) Việc di cư đáng kể của các tín hữu từ Công Giáo Đông phương sang các vùng lãnh thổ có đa số là người Latinh đặt ra những vấn đề mục vụ quan trọng. Nếu mô hình hiện tại tiếp tục hoặc gia tăng, có thể có nhiều thành viên của Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở hải ngoại hơn là ở các lãnh thổ theo giáo luật. Vì nhiều lý do, việc thiết lập các hệ thống phẩm trật phương Đông tại các quốc gia nhập cư là không đủ để giải quyết vấn đề, nhưng cần có các Giáo hội nghi lễ Latinh địa phương, nhân danh tính đồng nghị, để giúp đỡ các tín hữu phương Đông, những người đã di cư để bảo tồn bản sắc và trau dồi di sản chuyên biệt của họ mà không phải trải qua diễn trình đồng hóa.

Các vấn đề để xem xét

d) Chúng tôi đề nghị nghiên cứu thêm về sự đóng góp mà kinh nghiệm của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương có thể mang lại cho sự hiểu biết và thực hành tính đồng nghị.

e) Vẫn còn một số khó khăn liên quan đến vai trò của Đức Giáo Hoàng trong việc chấp thuận các giám mục được các Thượng Hội Đồng của các Giáo Hội độc lập bầu chọn cho lãnh thổ của họ và việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm các giám mục bên ngoài lãnh thổ giáo luật. Yêu cầu mở rộng quyền tài phán của các Thượng phụ ra ngoài lãnh thổ của các Thượng phụ cũng là vấn đề cần phân định và đối thoại với Tòa Thánh.

f) Ở những khu vực có sự hiện diện của các tín hữu thuộc các Giáo Hội Công Giáo khác nhau, chúng ta cần tìm ra những mô hình mang lại những hình thức hiệp nhất hữu hiệu trong đa dạng.

g) Chúng ta cần suy gẫm về sự đóng góp mà các Giáo Hội Công Giáo Đông phương có thể thực hiện cho sự hiệp nhất Kitô giáo và vai trò của họ trong các cuộc đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

Các đề nghị

h) Trước hết, nảy sinh yêu cầu Đức Giáo Hoàng thành lập một Hội đồng thường trực gồm các Thượng Phụ và Tổng Giám mục cấp cao của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

i) Một số người đã yêu cầu triệu tập một Thượng hội đồng đặc biệt dành cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, căn tính và sứ mệnh của họ, cũng như giải quyết các thách thức mục vụ và giáo luật trong bối cảnh chiến tranh và tình trạng di cư ồ ạt.

j) Chúng ta cần thành lập một ủy ban chung gồm các nhà thần học, sử gia và giáo luật Đông phương và Latinh để giải quyết các vấn đề cần nghiên cứu thêm và đưa ra các đề nghị đưa ra con đường phía trước.

k) Cần phải có sự đại diện thỏa đáng của các thành viên các Giáo Hội Công Giáo Đông phương trong các cơ quan của Giáo triều Rôma để làm phong phú toàn thể Giáo hội bằng những quan điểm của họ, giúp giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh và tạo điều kiện cho họ tham gia vào cuộc đối thoại ở nhiều bình diện khác nhau.

l) Để thúc đẩy các hình thức tiếp nhận biết tôn trọng di sản của các tín hữu trong các Giáo hội Đông phương, chúng ta cần tăng cường mối quan hệ giữa các giáo sĩ Đông phương ở hải ngoại và các giáo sĩ Latinh để đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau và công nhận các Truyền thống tương ứng.

7. Trên Con Đường Hướng Tới Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo

Các điểm hội tụ

a) Phiên họp Thượng Hội đồng này đã khai mạc bằng một cử chỉ đại kết sâu sắc. Đêm canh thức cầu nguyện “Cùng nhau” chứng kiến sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo và đại diện của các hiệp thông Kitô giáo khác nhau bên cạnh Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một dấu chỉ rõ ràng và đáng tin cậy về ý chí cùng nhau bước đi trong tinh thần hiệp nhất đức tin và trao đổi ân phúc. Sự kiện rất quan trọng này cũng cho phép chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một thời kỳ đại kết và tái khẳng định rằng những gì hiệp nhất chúng ta thì lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta. Vì, chúng ta có chung “một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa và là Cha của mọi người, Đấng ở trên mọi người, giữa mọi người và trong mọi người” (Eph. 4:5-6).

b) Bí tích Rửa tội, vốn là cội nguồn của nguyên tắc đồng nghị, cũng là nền tảng của đại kết. Thông qua nó, tất cả các Kitô hữu đều tham gia vào cảm thức đức tin và vì lý do này, họ phải được lắng nghe một cách cẩn thận, bất kể truyền thống của họ, như Phiên Họp của Thượng Hội Đồng đã làm trong quá trình phân định của mình. Không thể có tính đồng nghị nếu không có chiều kích đại kết.

c) Đại kết trước hết là vấn đề đổi mới tâm linh, đòi hỏi các tiến trình sám hối và hàn gắn ký ức. Phiên Họp đã cảm động khi nghe những chứng từ của các Kitô hữu thuộc các truyền thống giáo hội khác nhau, những người chia sẻ tình bạn, lời cầu nguyện và trên hết là cam kết phục vụ những người đang trải qua cảnh nghèo khó. Sự cống hiến cho những người nhỏ nhoi nhất đã gắn kết những điều này và giúp chúng ta tập trung vào những gì đã hiệp nhất tất cả những người tin vào Chúa Kitô. Vì vậy, điều quan trọng là đại kết phải được thực hành trước hết trong đời sống hàng ngày. Trong cuộc đối thoại thần học và định chế, việc kiên trì xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau vẫn tiếp tục trong bầu không khí ngày càng tin cậy và cởi mở.

d) Trong không ít khu vực trên thế giới đang diễn ra một “chủ nghĩa đại kết bằng máu”, xuất phát từ các Kitô hữu thuộc các thống thuộc khác nhau, những người hiến mạng sống mình vì đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Lời chứng về cuộc tử nạn của họ hùng hồn hơn bất cứ lời nào. Sự hiệp nhất đến từ Thập Giá của Chúa.

e) Sự hợp tác giữa tất cả các Kitô hữu là điều thiết yếu trong việc giải quyết những thách thức mục vụ của thời đại chúng ta. Trong các xã hội tục hóa, điều này làm cho tiếng nói của Tin Mừng có sức mạnh lớn hơn. Trong bối cảnh của nghèo đói, nó thúc đẩy mọi người hợp lực để phục vụ công lý, hòa bình và phẩm giá của những người hèn mọn nhất. Trong mọi trường hợp, nó là nguồn lực để hàn gắn nền văn hóa hận thù, chia rẽ và chiến tranh khiến các nhóm, các dân tộc và quốc gia chống lại nhau.

f) Hôn nhân giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội khác nhau (hôn nhân giữa các giáo hội) có thể tạo thành những thực tại trong đó sự khôn ngoan hiệp thông có thể trưởng thành và có thể truyền giảng Tin Mừng cho nhau.

Các vấn đề để xem xét

g) Phiên họp của chúng tôi đã có thể tri nhận được những cách thức đa dạng mà các truyền thống Kitô giáo khác nhau hiểu về cơ cấu đồng nghị của Giáo hội. Trong các Giáo hội Chính thống, tính đồng nghị được hiểu theo nghĩa chặt chẽ như một biểu hiện của việc thực thi quyền lực tập thể chỉ dành riêng cho các giám mục (Thánh Thượng hội đồng). Nói rộng hơn, nó đề cập đến sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Có một số tài liệu tham khảo về các thực hành trong các cộng đồng giáo hội khác, làm phong phú thêm các cuộc tranh luận của chúng tôi. Tất cả điều này đòi hỏi phải điều tra thêm.

h) Một chủ đề khác cần được khám phá liên quan đến mối liên kết giữa tính đồng nghị và tính ưu việt ở các bình diện khác nhau (địa phương, khu vực, phổ quát) trong sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Chúng ta cần cùng nhau đọc lại lịch sử để vượt qua những rập khuôn và định kiến. Các cuộc đối thoại đại kết đang diễn ra đã mang lại sự hiểu biết tốt hơn, dựa trên các thực hành của thiên niên kỷ đầu tiên, dựa trên sự kiện tính đồng nghị và tính ưu việt là những thực tại có liên quan, bổ sung và không thể tách rời. Việc làm sáng tỏ điểm tế nhị này có những hệ quả đối với cách hiểu thừa tác vụ Phêrô nhằm phục vụ sự hiệp nhất, theo điều Thánh Gioan Phaolô II mong muốn trong thông điệp Ut unum sint.

i) Chúng ta cần xem xét vấn đề hiếu khách Thánh Thể (Communicatio in sacris) từ các quan điểm thần học, giáo luật và mục vụ dưới ánh sáng mối liên kết giữa sự hiệp thông bí tích và sự hiệp thông trong giáo hội. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với các cặp vợ chồng liên giáo hội. Nó nêu lên sự cần thiết phải có một suy tư rộng rãi hơn về hôn nhân liên giáo hội.

j) Người ta cũng kêu gọi suy tư về hiện tượng các cộng đồng “phi giáo phái” và các phong trào “hồi sinh” lấy cảm hứng từ Kitô giáo, cũng được đông đảo các tín hữu vốn gốc Công Giáo tham gia.

Các đề nghị

k) Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm Công đồng Nixêa (325), trong đó biểu tượng đức tin nhằm hiệp nhất tất cả các Kitô hữu đã được xây dựng. Việc cùng nhau kỷ niệm biến cố này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các vấn đề gây tranh cãi trước đây đã được thảo luận và giải quyết cùng nhau trong Công đồng như thế nào.

l) Trong cùng năm 2025, theo ơn quan phòng, ngày lễ trọng thể Phục Sinh sẽ trùng hợp với tất cả các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô giáo. Phiên Họp bày tỏ mong muốn thiết tha có được một ngày lễ Phục Sinh chung để chúng ta có thể cử hành Sự Phục Sinh của Chúa, sự sống và ơn cứu độ của chúng ta trong cùng một ngày.

m) Ngoài ra còn có mong muốn tiếp tục thu hút các Kitô hữu thuộc các Giáo hội và truyền thống giáo hội khác tham gia vào các tiến trình đồng nghị Công Giáo ở mọi bình diện và mời thêm các đại biểu huynh đệ tham dự phiên họp tiếp theo của Phiên Họp vào năm 2024.

n) Một số người đã đưa ra đề nghị triệu tập một Thượng Hội đồng đại kết về sứ mệnh chung trong thế giới đương thời.

o) Cũng có đề nghị: nên thiết kế một sách thuật lại biến cố tử đạo đại kết.
 
VietCatholic TV
Putin báo hại: Thêm một tầu chiến Hạm Đội Hắc Hải đang chìm dần. Tiểu đoàn Nga bị HIMARS xóa sổ
VietCatholic Media
02:25 01/11/2023


1. Tai ương mới cho Hạm đội Hắc Hải của Nga: Khói bốc lên cao từ tầu chống tầu ngầm của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Smoke Rising From Anti-Submarine Ship Adds to Russian Black Sea Fleet Woes”, nghĩa là “Tai ương mới cho Hạm Đội Hắc Hải: Khói bốc lên từ tầu chống tầu ngầm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những tàu chống ngầm của Nga thuộc Hạm đội Hắc Hải đã bị hư hại, đoạn phim mới xuất hiện cho thấy, đây là một đòn chí mạng nữa giáng vào hải quân Nga ở Crimea

Các đoạn clip mới lan truyền trên mạng cho thấy một tàu mặt nước của Nga, được mô tả là tàu chống ngầm, bị bao quanh bởi khói ở Sevastopol, một thành phố và cảng biển ở cực nam Bán đảo Crimea.

Hạm đội Hắc Hải, có trụ sở tại Sevastopol và thành phố cảng Novorossiysk của Nga, đóng vai trò quan trọng đối với Mạc Tư Khoa trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở Hắc Hải và rộng hơn là ra Địa Trung Hải. Điện Cẩm Linh sáp nhập Crimea vào năm 2014 và kiểm soát lãnh thổ phía nam lục địa Ukraine kể từ đó.

Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại bán đảo, nơi đang bị tấn công ngày càng nhiều kể từ khi Kyiv bắt đầu cuộc phản công vào mùa hè ở phía đông và phía nam đất nước vào đầu tháng 6. Chính phủ Anh cho biết hồi đầu tháng này rằng Nga đã di dời một số tài sản quân sự của mình khỏi Crimea đến Novorossiysk sau các cuộc tấn công của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết hồi đầu tháng này rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga “không còn khả năng hoạt động ở phần phía Tây Hắc Hải và đang dần chạy trốn khỏi Crimea”. “Đây là một thành tựu lịch sử.”

Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Foggo nói với Newsweek hồi tháng Tư rằng cuộc chiến kéo dài 20 tháng ở Ukraine không hề tử tế với hạm đội Hắc Hải của Nga, đặc biệt là với các tàu mặt nước của Nga, vốn không được Mạc Tư Khoa đánh giá cao.

Cho đến nay, Ukraine chưa bình luận về bất kỳ hành động nào có thể xảy ra của Ukraine ở Sevastopol. Newsweek đã liên hệ với hải quân Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

Năm 2022, tàu Moskva của Nga ở Hắc Hải bị chìm trong vòng vài tuần sau khi nổ ra chiến tranh toàn diện. Vụ chìm tàu được cho là do hỏa tiễn Neptune của Ukraine gây ra. Khi đó, tàu khu trục Nga, Đô đốc Makarov, đảm nhận vai trò soái hạm của Hắc Hải và trở thành mục tiêu của Kyiv.

Tàu chở dầu SIG của Nga và tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak đã bị hỏa lực Ukraine tấn công hồi đầu năm nay.

Tháng trước, Ukraine đã làm hư hại tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga - được cho là tàu ngầm Nga đầu tiên bị tấn công trong chiến tranh - và tàu đổ bộ Minsk tại xưởng đóng tàu Ordzhonikidze ở Sevastopol, nhờ hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp.

Trong một đoạn clip được Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ trên X (trước đây là Twitter) hôm thứ Ba, Kyiv đã mô tả tàu chở dầu SIG là “con mồi dễ dàng” cho hạm đội thuyền không người lái của hải quân Ukraine. Ukraine cho biết thêm, tàu Olenegorsky Gornyak đã có “một cuộc chạm trán không may” với các tàu mặt nước không có thủy thủ đoàn của Ukraine.

Ukraine cho biết trong video: “Tàu khu trục nhỏ Đô đốc Makarov, từng tấn công các ngôi nhà yên bình của Ukraine bằng hỏa tiễn Kalibr, đã bị hư hại trong một cuộc tấn công vào Sevastopol, với ít nhất một máy bay không người lái trên biển tấn công con tàu”.

Ukraine đã công khai việc sử dụng hiệu quả các máy bay không người lái hải quân “SeaBaby”, mà đoạn video mô tả là “điều tốt nhất tiếp theo” đối với một lực lượng hải quân khá lớn.

2. Tên phản bội được Putin bổ nhiệm làm Tổng thống Ukraine lâm thời có thể đã thoát được lưỡi hái tử thần

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết đã bắt giữ một nghi can đồng phạm trong vụ mưu sát tên phản bội Oleg Tsaryov.

FSB cho biết nghi phạm, một cư dân Nga 46 tuổi ở Yalta ở Crimea, đã thú nhận tổ chức việc giám sát hành tung của Tsaryov, người cũng sống trong thị trấn, theo lệnh của Cơ quan An ninh Ukraine, và khai báo về các vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát tuần trước.

Tsaryov, người đã ngồi trên xe tăng Nga dự định vào tiếp thu Thủ đô Kyiv, đã bị bắn hai lần vào khoảng nửa đêm ngày 26 rạng sáng 27 tháng 10 tại Yalta, trên Bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập từ năm 2014.

Bất chấp các tuyên bố của một số blogger quân sự Nga cho rằng Oleg Tsaryov đã thiệt mạng, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin FSB cho biết tình trạng hiện tại của Oleg Tsaryov là “thỏa đáng” và gia đình anh ta đã được cung cấp các biện pháp an ninh bổ sung. Những tuyên bố này vẫn chưa được xác minh độc lập.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo Nga sẽ thành công ở Ukraine trừ khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, đã cảnh báo Thượng viện Hoa Kỳ rằng Nga sẽ thành công ở Ukraine trừ khi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Kyiv.

“Tôi có thể bảo đảm rằng nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta, Putin sẽ thành công,” Austin nói trong phiên điều trần tại Thượng viện về yêu cầu của Tổng thống Joe Biden cấp 106 tỷ Mỹ Kim để tài trợ cho các kế hoạch cho Ukraine, Israel và an ninh biên giới Mỹ.

“Nếu chúng ta kéo tấm thảm ra dưới chân người Ukraine bây giờ, Putin sẽ chỉ mạnh mẽ hơn và ông ta sẽ thành công trong việc làm những gì mình muốn”, Austin nói thêm khi ngồi cạnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo khối thiểu số Cộng Hòa ở Thượng viện, đã đưa ra sự tán thành mạnh mẽ đối với đề xuất viện trợ trị giá 106 tỷ Mỹ Kim của Tòa Bạch Ốc cho Israel và Ukraine, nói rằng ông và tổng thống về cơ bản “có cùng quan điểm” về vấn đề này.

McConnell, nhà lãnh đạo đầy quyền lực của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đã phê bình một số đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của ông tại Thượng viện, những người đã kêu gọi một gói hỗ trợ tách biệt cho hai nước, và nói rằng đó sẽ là “một sai lầm”.

4. Nga đã yếu thế nên nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko công khai đòi Putin bồi thường

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Nuclear Plant at Heart of Rift Between Putin and Top Ally”, nghĩa là “Nhà máy hạt nhân là trung tâm của sự rạn nứt giữa Putin và đồng minh hàng đầu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã yêu cầu Nga bồi thường cho các vấn đề phát sinh với nhà máy điện hạt nhân do công ty nhà nước Rosatom của Nga xây dựng và được Mạc Tư Khoa tài trợ với khoản vay 10 tỷ Mỹ Kim.

Lukashenko, đồng minh trung thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố việc xây dựng cơ sở hạt nhân gần thành phố Astravets ở khu vực phía Tây Grodno đã hoàn tất. Tuy nhiên, ông đang yêu cầu Nga trả lại một số tiền vì việc xây dựng nhà máy bị trì hoãn và đó là lỗi của Mạc Tư Khoa.

Belarus, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Trong khi quân đội của Lukashenko chưa trực tiếp tham gia xung đột Ukraine, quân đội Nga đã được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus kể từ trước khi bắt đầu chiến tranh. Đất nước này được Nga sử dụng để tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Belarus dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020 nhưng thời hạn đã bị lùi lại nhiều lần do phải sửa chữa.

“Khung thời gian vận hành của nhà máy điện hạt nhân đã thay đổi một chút do phía Nga. Đương nhiên, theo hợp đồng, chúng tôi nêu vấn đề bồi thường cho họ. Không cần phải che giấu điều đó”, ông Lukashenko được hãng thông tấn nhà nước BelTA dẫn lời nói.

“Không có gì bất thường ở đây cả. Nhưng những câu hỏi như vậy đã được đặt ra do thực tế là thời hạn vận hành nhà máy đã bị vi phạm và phía Nga phải chịu trách nhiệm về việc đó”, ông Lukashenko nói thêm.

“ Phía Nga đã đưa ra các phương án bồi thường để đáp trả. Họ cũng đưa ra cho chúng tôi những lựa chọn về giá nhiên liệu hạt nhân mới, đối với người Nga cũng như đối với các trạm của họ. Và thời gian bảo hành là 5 năm đối với các bộ phận chính,” ông nói.

Lukashenko nói: “Tất nhiên, chúng tôi không nên gây căng thẳng một cách không cần thiết cho người Nga: chúng tôi có đủ điện và vẫn còn đủ, nhưng thỏa thuận là thỏa thuận”. Ông nói thêm rằng cần phải tìm hiểu xem những nhượng bộ mà người Nga, đặc biệt là Rosatom đưa ra, có đủ đối với Belarus hay không.

Vào tháng 5, tổ máy thứ hai trong số hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân đã được kết nối với lưới điện quốc gia nhưng chưa hoạt động hoàn toàn vào thời điểm đó. Reuters đưa tin, vào năm 2022, cơ sở này sản xuất chưa đến một nửa sản lượng dự kiến.

Lukashenko đã kêu gọi đình chiến trong cuộc xâm lược toàn diện, thúc giục Ukraine và Nga bắt đầu đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.

“Chúng ta phải dừng lại ngay trước khi sự leo thang bắt đầu. Tôi sẽ mạo hiểm đề nghị chấm dứt thù địch… tuyên bố đình chiến,” ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước toàn dân.

5. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ kêu gọi Quốc Hội thông qua viện trợ cho Israel

Hai trong số các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các nhà lập pháp Hoa Kỳ cung cấp thêm hàng tỷ đô la cho Israel hôm thứ Ba tại phiên điều trần quốc hội liên tục bị gián đoạn bởi những người biểu tình tố cáo các quan chức Mỹ ủng hộ “nạn diệt chủng” đối với người Palestine ở Gaza.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điều trần trước Ủy ban Thẩm định Thượng viện về yêu cầu của Biden cấp 106 tỷ Mỹ Kim để tài trợ cho các kế hoạch quân sự cho Ukraine, Israel và an ninh biên giới Hoa Kỳ.

Cho rằng việc hỗ trợ các đối tác của Mỹ là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, Biden đã yêu cầu 61,4 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, khoảng một nửa trong số đó sẽ được chi cho Hoa Kỳ để bổ sung kho vũ khí đã cạn kiệt do những hỗ trợ trước đây cho Kyiv.

Blinken cho rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã khiến cuộc xâm lược của Nga trở thành một “thất bại chiến lược”.

6. Ukraine phẫn nộ sau vụ thảm sát gia đình 9 người ở thị trấn bị Nga tạm chiếm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Outrage After Family of 9 Massacred in Russian-Held Town”, nghĩa là “Ukraine phẫn nộ sau vụ thảm sát gia đình 9 người ở thị trấn bị Nga tạm chiếm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Hai binh sĩ Nga đã bị bắt giữ liên quan đến vụ sát hại 9 thành viên trong một gia đình Ukraine ở thị trấn Volnovakha do Nga nắm giữ ở vùng Donetsk.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng hai quân nhân Nga đến từ vùng Viễn Đông của Nga, phục vụ theo hợp đồng, đã bị bắt để thẩm vấn.

Sự thừa nhận này rất có ý nghĩa vì Nga hiếm khi thừa nhận lực lượng của mình phạm tội ở Ukraine.

Tuyên bố của ủy ban được đưa ra sau khi Thanh tra Nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets cho biết hôm Chúa Nhật rằng 9 thường dân, trong đó có 2 trẻ nhỏ, đã bị quân đội Nga giết hại tại nhà của họ ở Volnovakha. Lubinets cho rằng quân đội có thể đã giết gia đình này vì họ từ chối “giao nhà” cho lực lượng Chechnya.

Văn phòng công tố viên Donetsk do Ukraine kiểm soát cho biết hai đứa trẻ sinh năm 2014 và 2018 nằm trong số nạn nhân.

Ủy ban điều tra Nga cho biết gia đình này được tìm thấy trong nhà họ với vết thương do đạn bắn.

Ủy ban điều tra Nga cho biết trong một tuyên bố: “Theo thông tin sơ bộ, động cơ gây án là do xung đột với gia đình”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Hai rằng một số nguồn tin Ukraine và một nguồn tin nội bộ nổi tiếng của Nga đã báo cáo rằng bằng chứng pháp y cho thấy rằng các lực lượng đã được chuẩn bị và trang bị tốt cho các quân nhân thực hiện vụ tấn công.

“Các cuộc tấn công vào thường dân ngay trong chiến đấu (ở các khu vực hậu phương cách xa khu vực chiến đấu đang hoạt động) của những kẻ đại diện cho một thế lực xâm lược cấu thành sự vi phạm rõ ràng nhiều quy tắc pháp lý quốc tế và rất có thể sẽ tăng lên mức độ tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người,” ISW cho biết.

Viện nghiên cứu lưu ý rằng một số nhà bình luận Nga đã khai thác hoàn cảnh của thảm kịch ở Volnovakha để cáo buộc Ukraine đang cố gắng gây căng thẳng giữa các sắc tộc trong không gian thông tin của Nga.

“Một blogger người Nga tuyên bố rằng các nguồn tin Ukraine lần đầu tiên đưa tin rằng 'người của Kadyrov' (liên quan đến quân đội Chechen) đã thực hiện các vụ giết người và liên kết vấn đề này với cuộc bạo loạn ngày 29 tháng 10 ở Dagestan,” tổ chức nghiên cứu cho biết, đề cập đến lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, và các chiến binh Chechnya đã tích cực tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Một blogger quân sự khác của Nga tuyên bố rằng lực lượng Chechnya không được triển khai ở bất cứ đâu gần Volnovakha và cáo buộc không gian thông tin của Ukraine đang cố gắng sử dụng người Chechnya như một “ngòi nổ” nhằm gây bất ổn hơn nữa cho Nga.

ISW nhận định rằng “Lẽ ra những nhà bình luận Nga phải tập trung những lời buộc tội của họ vào bản thân sự tàn bạo, và vào sự cần thiết phải quy trách nhiệm cho những kẻ phạm tội hoặc sự thiếu chuyên nghiệp và vô kỷ luật của những người lính phạm những tội ác như vậy. Tuy nhiên, họ lại tập trung những lời buộc tội vào Ukraine. Điều đó cho thấy rằng những nhà bình luận Nga này rất lo ngại về căng thẳng giữa các sắc tộc ở Nga và lực lượng vũ trang Nga”

7. Việc thay tướng của Putin nói gì về sự tiến bộ của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Putin Replacement of Top Lieutenant Says About Ukraine's Progress”, nghĩa là “Việc thay tướng của Putin nói lên điều gì về sự tiến bộ của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết, sự thay đổi cấp chỉ huy của Nga trong bối cảnh họ đang phải đối phó với các hoạt động của quân Ukraine ở tỉnh Kherson cho thấy mức độ áp lực mà quân đội Mạc Tư Khoa đang phải đối mặt trong cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin.

Trong bản cập nhật hàng ngày, Bộ Quốc phòng Anh đã bình luận về các báo cáo được các blogger quân sự Nga lan truyền rộng rãi rằng Thượng Tướng Mikhail Teplinsky, phó chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine, đã thay thế Thượng Tướng Oleg Makarevich phụ trách các lực lượng phía nam Kherson.

Bộ Quốc phòng Nga, mà Newsweek đã gửi email, chưa bình luận về các báo cáo. Blogger quân sự ủng hộ Điện Cẩm Linh Rybar nói rằng Makarevich có thể đã bị thất thế sau những thành công của Ukraine trong việc bảo đảm một chỗ đứng ở bờ đông sông Dnipro ở Kherson.

Sau khi phát động cuộc phản công vào tháng 6, các lực lượng Ukraine đã tái triển khai quân gần cầu Antonovsky bắc qua sông, điều này được cho là đã gây lo ngại ở Mạc Tư Khoa về các động thái của Kyiv trên tả ngạn do Nga kiểm soát. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết trong tháng này Ukraine đã thiết lập sự hiện diện tại khu định cư Krynky ở đó.

Vladimir Rogov, một người được Nga ủy nhiệm ở tỉnh Zaporizhzhia, nói rằng Makarevich đã bị cách chức vì đã báo cáo sai sự thật cho cấp trên về tình hình thực tế.

Các blogger quân sự Nga lưu ý rằng Teplinsky được quân đội Nga đánh giá cao và có kinh nghiệm hoạt động trong khu vực, từng chịu trách nhiệm về cuộc rút lui của Mạc Tư Khoa khỏi hữu ngạn sông Dnipro vào năm 2022.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ukraine 1+1, Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho biết Teplinsky là một trong những tướng Nga “thông minh” đã bị loại khỏi quyền ra quyết định sau cuộc binh biến của Nhóm lính đánh thuê Wagner.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết việc bổ nhiệm Teplinsky “có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với các lực lượng Nga đang bảo vệ khu vực” xung quanh Kherson, nơi giao tranh ngày càng gia tăng khi lực lượng Ukraine tranh giành quyền kiểm soát ở tả ngạn sông Dnipro.

Vào tháng 4, Bộ Quốc phòng Anh đưa tin Teplinsky đã trở lại vai trò tích cực ở Ukraine sau khi bị sa thải ba tháng trước đó do tranh giành quyền lực nội bộ.

Bản cập nhật của Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba nói thêm rằng “gần như chắc chắn” rằng việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine qua sông và nắm giữ lãnh thổ ở Kherson “vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của lực lượng Nga ở Ukraine”.

Nga có thể đã điều quân khỏi Nhóm Lực lượng Dnipro của Quân khu phía Nam để củng cố khu vực Zaporizhzhia, họ nói thêm.

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho thấy lực lượng Ukraine đã giành được những thắng lợi dọc theo hai khu vực trên mặt trận của họ, gần Bakhmut ở tỉnh Donetsk và theo hướng Melitopol ở phía tây tỉnh Zaporizhhia.

8. Putin báo hại: Tiểu đoàn Nga bị HIMARS bị xóa sổ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Deadly HIMARS Strike on Russian Convoy 'Wiped Out Battalion': Video”, nghĩa là “Video cho thấy cú tấm công HIMARS chết người vào đoàn xe Nga 'Tiểu đoàn bị xóa sổ'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Đoạn phim được chia sẻ có chủ đích cho thấy hậu quả của cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, của Ukraine nhằm vào một tiểu đoàn Nga.

Hãng tin ủng hộ Ukraine NEXTA đã đăng một đoạn clip về một nhóm xe cộ bị đốt cháy và viết rằng các binh sĩ được huy động của Nga “đã hứng chịu các cuộc tấn công HIMARS của Ukraine” với hơn 100 binh sĩ “chết hoặc bị thương”.

Việc sử dụng HIMARS đã mang lại cho Ukraine khả năng bổ sung trên chiến trường, với việc Kyiv thường xuyên công bố các cảnh quay cho thấy chúng tấn công các mục tiêu của Nga. Cung cấp tầm bắn thậm chí còn lớn hơn nữa là hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, do Mỹ cung cấp, gần đây đã được Kyiv sử dụng cho các cuộc tấn công.

NEXTA cho biết quân đội Nga đến từ Chuvashia, một nước cộng hòa ở Nga thuộc Âu Châu, quê hương của người Chuvash, một nhóm dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Kênh Telegram của Serditia Chuvashia, chuyên đưa tin về nước cộng hòa, đã đăng một đoạn clip về các phương tiện bốc cháy và khói cuồn cuộn bay lên không trung. Vụ việc cũng được Bộ Quốc phòng Ukraine báo cáo.

Theo bài đăng trên mạng xã hội vào ngày 31 tháng 10, vũ khí do Mỹ cung cấp đã được sử dụng để nhắm vào một tiểu đoàn Nga.

“Tiểu đoàn được huy động của Chuvash đã bị tiêu diệt,” bài viết cho biết, “tổn thất lớn về số người chết và bị thương.” Người ta nói rằng tiểu đoàn 1 của Trung đoàn súng trường cơ giới 1251, do một người gốc cộng hòa, Vladislav Matuzas chỉ huy, đã bị HIMARS bắn vào hôm Chúa Nhật.

Bài viết cho biết đoàn xe bao gồm các xe do KAMAZ và UAZ, hai nhà sản xuất xe thương mại của Nga sản xuất, và mặc dù chưa có thông tin xác nhận về thiệt hại nhưng đã có “lên tới 120 người thiệt mạng và bị thương, 10 phương tiện bị đốt cháy”.

“Người ta cũng xác nhận rằng tiểu đoàn Atal gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Vào tháng 7 năm 2022, nhà lãnh đạo Cộng hòa Chuvash, Oleg Nikolaev, tuyên bố thành lập tiểu đoàn mà các tình nguyện viên sẽ nhận được khoản thanh toán một lần là 200.000 rúp hay 2.158 Mỹ Kim khi nhập ngũ.

“Liệu Oleg Nikolaev có tuyên bố một ngày để tang cho những người thiệt mạng không?” bài đăng Telegram trên Serditia Chuvashia cho biết. “Điều này khó xảy ra vì anh ta đang bận trao chứng chỉ,” nó nói thêm, kèm theo liên kết đến một video trao giải thưởng cho các công nhân vận tải.

Khi báo cáo về cuộc tấn công, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hồi đầu tháng này, quân đội Kyiv đã sử dụng HIMARS để tấn công và tiêu diệt những người điều khiển máy bay không người lái ZALA 421-16E2 của Nga ở phía nam đất nước.

Lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Hai cho biết họ đã “tấn công thành công” một mục tiêu chiến lược của hệ thống phòng không ở phía tây Crimea, nơi mà người dùng mạng xã hội cho rằng đây là lần đầu tiên HIMARS được sử dụng trên bán đảo bị tạm chiếm.

9. Nhận định của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh về vụ Putin giáng và cách chức hai tướng Nga

Bộ Quốc phòng Anh cho biết gần như chắc chắn rằng việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine trên khắp Dnipro và nắm giữ lãnh thổ ở khu vực Kherson bị tạm chiếm vẫn là “mục tiêu ưu tiên cao” đối với Nga. Trong bối cảnh đó, phó chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine, Thượng tướng Mikhail Teplinsky, đã đích thân nắm quyền chỉ huy nhóm lực lượng Dnipro của Nga, thay thế Thượng tướng Oleg Makarevich.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông được nhà nước Nga hậu thuẫn, phó chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine, Thượng tướng Mikhail Teplinsky, có thể đã đích thân nắm quyền chỉ huy Nhóm Lực lượng Dnipro của Nga.

Ông thay thế Thượng tướng Oleg Makaevich. Lực lượng này chịu trách nhiệm về các khu vực bị tạm chiếm ở Kherson, bao gồm cả bờ phía đông của sông Dnipro.

Giao tranh đã gia tăng ở khu vực này trong những tuần gần đây khi lực lượng Ukraine tranh giành quyền kiểm soát với Nga ở bờ đông con sông.

Teplinsky có thể được Bộ Tổng tham mưu Nga đánh giá cao và có kinh nghiệm chỉ huy các hoạt động trong khu vực: ông là sĩ quan trên thực địa phụ trách cuộc rút lui tương đối thành công của Nga khỏi phía tây Dnipro vào tháng 11 năm 2022.

Gần như chắc chắn rằng việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine trên khắp Dnipro và giữ lãnh thổ ở Kherson bị tạm chiếm vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của lực lượng Nga ở Ukraine.

Việc bổ nhiệm Teplinsky có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng gia tăng đối với lực lượng Nga bảo vệ khu vực.
 
Kyiv thắng lớn ở 2 hướng Bakhmut và Melitopol. 300.000 quân Nga tử trận. Lý do Kadyrov bênh Israel
VietCatholic Media
15:17 01/11/2023


1. Ukraine đang có những bước tiến theo hai hướng chính Bakhmut và Melitopol

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Map Shows Kyiv's Advances in Two Key Directions”, nghĩa là “Bản đồ Ukraine cho thấy những bước tiến của Kyiv theo hai hướng chính.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, lực lượng Ukraine đã giành được nhiều thắng lợi ở hai khu vực tiền tuyến, với những bước tiến mới nhất chống lại quân đội Nga.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng Ukraine đang tiếp tục các hoạt động tấn công gần Bakhmut ở tỉnh Donetsk và theo hướng Melitopol ở phía tây tỉnh Zaporizhhia.

ISW hôm thứ Hai cho biết quân đội Ukraine đã tiến gần Bakhmut với các đoạn phim được định vị địa lý cho thấy những bước tiến xung quanh Kurdiumivka, một khu định cư nằm cách thị trấn đang xảy ra giao tranh ác liệt khoảng 6 dặm về phía tây nam.

Tái chiếm Bakhmut, bị Nga chiếm giữ hồi tháng 5, là một trong những mục tiêu trong cuộc phản công của Ukraine được phát động vào tháng 6, với mục tiêu chiếm lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

Đại tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân Ukraine, hôm thứ Hai báo cáo rằng Mạc Tư Khoa đã tăng cường lực lượng tại khu vực Bakhmut, chuyển từ phòng thủ sang hoạt động tích cực.

Syrskyi cho biết, tình hình ở mặt trận phía đông này đang gặp nhiều thách thức khi Nga leo thang các hoạt động ở khu vực Kupiansk, nơi lực lượng của họ đang tiến hành các cuộc tấn công từ nhiều hướng.

Trong khi đó, đoạn phim được định vị địa lý từ Chúa Nhật cho thấy Ukraine đã giành được lợi ích cận biên ở phía tây thị trấn Robotyne ở vùng phía tây Zaporizhzhia.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Hai cho biết quân đội của họ đang gây tổn thất cho lực lượng Nga ở phía nam Bakhmut trong khi các nguồn tin Nga cho biết Ukraine đã cố gắng vượt ra ngoài tuyến đường sắt giữa Klishchiivka và Andriivka, phía tây nam Bakhmut.

Một bản đồ khác của ISW cho thấy những bước tiến của Ukraine trong khu vực này ở khu vực phía nam của mặt trận, với đồ họa nêu bật bước tiến của Kyiv ở phía đông tuyến đường sắt gần thị trấn Kurdyumivka và phía đông Andriivka.

Điều này xảy ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo cho rằng Nga đã thay đổi lãnh đạo ở tỉnh Kherson bị tạm chiếm, nơi Thượng tướng Mikhail Teplinsky, phó chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine, đã thay thế Thượng tướng Oleg Makarevich.

Các blogger quân sự Nga cho rằng Makarevich đã bị cách chức vì cung cấp báo cáo sai sự thật cho cấp trên về tình hình thực địa.

Các quan chức quốc phòng Anh hôm thứ Ba cho biết Teplinsky “có thể được quân đội Nga đánh giá cao” sau khi rút quân thành công khỏi phía tây sông Dnipro vào tháng 11 năm 2022 trong thời gian họ rút lui khỏi Kherson.

Đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine qua sông và nắm giữ lãnh thổ ở Kherson bị tạm chiếm “vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của lực lượng Nga ở Ukraine”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật hàng ngày và việc bổ nhiệm Teplinsky “có thể là một dấu hiệu cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với Nga trong việc bảo vệ khu vực.”

2. Kadyrov bất ngờ đứng về phía Israel sau vụ bạo loạn ở phi trường Nga

Sau cuộc bạo loạn lùng bắt người Do Thái tại phi trường Makhachkala, hôm thứ Hai, Putin đã họp Hội đồng An ninh Quốc gia để đối phó với tình hình. Trong khi đó, hung thần Chechnya Ramzan Kadyrov, một người Hồi Giáo, đã tỏ ra không đồng cảm với những người Hồi Giáo ở nước láng giềng, ngược lại ông ta dường như lại đứng về phía người Do Thái và ra lệnh bắn vào trán những người dám biểu tình chống Do Thái.

Theo ký giả Will Stewart của tờ Mirror của Vương Quốc Anh, thái độ của Putin và Kadyrov không có gì đáng ngạc nhiên. Cả hai đều mắc bệnh ung thư và sống được nhờ các loại thuốc điều trị do Israel cung cấp. Chúng tôi không thể biết được điều đó thực hư thế nào. Tuy nhiên, điều đó có thể giải thích được cách hành xử bất thường của Putin và Kadyrov.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kadyrov Unexpectedly Sides With Israel After Russian Airport Riot”, nghĩa là “Kadyrov bất ngờ đứng về phía Israel sau vụ bạo loạn ở phi trường Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hôm thứ Hai dường như đứng về phía Israel khi ông nói rằng những kẻ bạo loạn ngang ngược nên bị bắn vào trán để ngăn chặn tình trạng bất ổn.

Kadyrov, một người trung thành với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã cai trị nước cộng hòa Chechnya miền nam nước Nga có đa số người Hồi giáo kể từ năm 2007. Ông đưa ra nhận xét này trong một video trên kênh Telegram của mình để đáp trả các cuộc bạo loạn chống Do Thái nổ ra ở Dagestan, cũng chủ yếu là người Hồi giáo, vào hôm Chúa Nhật. Trong cuộc bạo loạn này hàng trăm người xông vào phi trường chính của khu vực, vẫy cờ Palestine và săn lùng hành khách Israel.

Đám đông lớn tại phi trường Makhachkala xảy ra trong bối cảnh xung đột dữ dội giữa lực lượng Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Gaza. Vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân Palestine vào Israel trong lịch sử, sau đó Israel tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhất từ trước đến nay vào Gaza để đáp trả. Hãng tin AP đưa tin hơn 1.400 người ở Israel đã thiệt mạng. AP cho biết hơn 8.000 người ở Gaza đã thiệt mạng.

Putin đã ám chỉ việc đảm nhận vai trò hòa giải trong cuộc xung đột ở Trung Đông, nhưng đã trở nên thân thiết hơn với Hamas kể từ ngày 7 tháng 10, một phân tích được công bố bởi tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace cho biết vào ngày 25 tháng 10.

Vào ngày 10 tháng 10, Kadyrov lên tiếng ủng hộ Hamas, nói rằng, “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các hành động của Palestine vì đất đai của họ đã từng bị Israel chiếm giữ.”

Nhưng hôm thứ Ba, Kadyrov đã ban hành lệnh bắn chết những người biểu tình, để đáp lại tình trạng bất ổn do những kẻ bạo loạn gây ra ở nước láng giềng Dagestan.

Nhà lãnh đạo Chechnya được hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời khi ra lệnh cho Bộ Nội vụ và lực lượng Vệ binh Quốc gia bắt giữ những người biểu tình.

Kadyrov nói: “Nếu không, hãy bắn ba phát cảnh cáo lên trời và nếu sau đó người đó không tuân theo luật, hãy bắn phát thứ tư vào trán”. “Sẽ không có ai khác bước ra để phản đối. Đây là mệnh lệnh của tôi.”

Kadyrov cũng cảnh báo rằng bất kỳ cuộc biểu tình công khai nào liên quan đến xung đột giữa lực lượng Israel và Hamas sẽ “bị đàn áp nghiêm trọng”.

Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những người biểu tình giận dữ đổ xô xuống phi đạo tại phi trường Makhachkala, ở thủ đô Dagestan, hôm Chúa Nhật. Kênh Baza Telegram, được liên kết với các cơ quan an ninh của Nga, đưa tin, một số người giương áp phích với khẩu hiệu “Những kẻ giết trẻ em không có chỗ đứng ở Dagestan” và “Chúng tôi chống lại người tị nạn Do Thái”.

Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 60 người tại phi trường, phi trường này đã bị chính quyền đóng cửa.

Đến sáng thứ Hai, cảnh sát địa phương cho biết “hơn 150 người tham gia bạo loạn” đã được xác định. Theo Baza, khoảng 1.500 người đã tham gia vụ việc.

Putin đã tuyên bố, dù không có bằng chứng, rằng Ukraine và “các đặc vụ của phương Tây” đứng đằng sau các cuộc bạo loạn. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết những lời cáo buộc này là “lời nói hoa mỹ cổ điển của Nga”.

Kirby nói: “Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra ở đất nước của họ, họ sẽ đổ lỗi cho người khác. “Phương Tây không liên quan gì tới chuyện này. Đây chỉ là sự căm ghét, cố chấp và đe dọa, thuần túy và đơn giản.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko ra tuyên bố nói rằng các sự kiện ở Dagestan “phản ánh chủ nghĩa bài Do Thái sâu xa của giới tinh hoa và xã hội Nga.”

3. Nhà lãnh đạo NATO chắc chắn rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của liên minh

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết ông chắc chắn rằng Thụy Điển sẽ gia nhập liên minh quốc phòng nhưng từ chối dự đoán thời điểm chính xác khi điều này xảy ra.

Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã dỡ bỏ một trong những rào cản cuối cùng ngăn Thụy Điển gia nhập NATO bằng cách đệ trình dự luật phê chuẩn tư cách thành viên lên quốc hội để phê chuẩn.

Động thái này phù hợp với cam kết mà Erdoğan đưa ra với NATO tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 khi ông nói rằng ông sẽ gửi dự luật tới quốc hội để phê chuẩn khi quốc hội hoạt động trở lại vào tháng 10.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã yêu cầu Thụy Điển thắt chặt việc dẫn độ những người tị nạn người Kurd sống ở Thụy Điển. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đây cũng cho biết các bước mà Thụy Điển thực hiện để trấn áp lực lượng dân quân Đảng Công nhân người Kurd ngoài vòng pháp luật là chưa đủ. Tuy nhiên, sau đó họ đã đồng ý với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không coi đó là điều kiện tiên quyết nữa.

Khó khăn trong việc đưa ra một thời điểm chính xác cho sự gia nhập của Thụy Điển là sự lừng khừng của Hung Gia Lợi.

4. Thành tích kỷ lục: Bắn trúng xe tăng Nga cách xa hơn 20km bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Drone Pilot 'Sets Record' With 12-Mile Hit on Russian Tank”, nghĩa là “Phi công điều khiển máy bay không người lái Ukraine 'lập kỷ lục' với quãng đường 12 dặm bắn trúng xe tăng Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một báo cáo mới, một phi công lái máy bay không người lái của Ukraine đã lập một “kỷ lục” mới khi tấn công một chiếc xe tăng Nga cách chiến tuyến giao tranh gần 20km.

Một người điều khiển máy bay không người lái của Ukraine đã “loại khỏi vòng chiến một chiếc xe tăng Nga” cách chiến tuyến hiện tại 18 km, nhưng nếu tính vị trí hiện tại của anh ta thì cách xa đến 22 km, The Economist đưa tin hôm Chúa Nhật.

Các lực lượng Nga không còn cho phép xe tăng của Mạc Tư Khoa đi vào phạm vi 10km tính từ mặt trận, tờ báo này đưa tin, dẫn lời một chỉ huy người Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Cuộc chiến Ukraine đã chứng kiến sự tăng tốc trong phát triển công nghệ máy bay không người lái, khi cả Kyiv và Mạc Tư Khoa đều tập trung nguồn lực vào việc sản xuất và cải tiến nhanh chóng máy bay không người lái.

Kyiv đã xây dựng “đội quân máy bay không người lái” và vua máy bay không người lái của họ—Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov—đã nói rằng đất nước này đang trên con đường trở thành “nước dẫn đầu thế giới về sản xuất máy bay không người lái”.

Trong kho máy bay không người lái khổng lồ này có máy bay không người lái kamikaze trực quan, đạn dược lảng vảng và máy bay không người lái trinh sát. Ukraine sử dụng khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng. Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, gọi tắt là RUSI, ước tính vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, máy bay không người lái và công nghệ chống máy bay không người lái đang phát triển cùng với chúng, vẫn hiện diện thường xuyên và phong phú trên chiến trường trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng giữa Kyiv và Mạc Tư Khoa.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek vào tháng 2 rằng máy bay không người lái “là siêu vũ khí ở đây”. Nhận định đó đã đúng trong nhiều tháng chiến tranh kể từ đó.

Tính kinh tế của việc sử dụng máy bay không người lái để tấn công tài sản của Nga rõ ràng là có lý; Sẽ là một chiến thắng đáng kể cho Ukraine nếu một máy bay không người lái rẻ tiền, dùng một lần hoặc đã được cải tiến có thể hạ gục xe tăng chiến đấu chủ lực trị giá hàng triệu đô la của Nga.

Một nhà điều hành máy bay không người lái của Ukraine nói với Reuters vào tháng 5 năm 2023 rằng các máy bay không người lái thương mại trị giá hàng trăm đô la đang phá hủy xe tăng, thiết bị hạng nặng của Nga và tiêu diệt quân đội Mạc Tư Khoa.

Nhưng Nga cũng đang lợi dụng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ máy bay không người lái để tạo lợi thế cho mình, sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed do Iran thiết kế để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Và Nga đang bắt kịp sự dẫn đầu của Ukraine, các chuyên gia trước đó đã nói với Newsweek. Mạc Tư Khoa cũng đang sử dụng máy bay không người lái để xác định vị trí xe tăng Leopard 2 do phương Tây tài trợ cho Kyiv, là điều mà họ đang thực hiện với “tốc độ tăng tốc”, Forbes đưa tin hôm thứ Hai.

Hôm thứ Bảy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết Điện Cẩm Linh có thể sẽ sử dụng phiên bản mới của máy bay không người lái cảm tử “Lancet” để chống lại lực lượng Kyiv ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

ISW dẫn lời các blogger quân sự Nga cho biết, các phiên bản mới hơn của những máy bay không người lái này có “hệ thống dẫn đường tự động có thể phân biệt các loại mục tiêu và tăng tỷ lệ tấn công thành công”.

5. Nga đã mất 300.000 quân trong chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Has Lost 300,000 Troops In Ukraine War: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho rằng Nga mất 300.000 quân trong chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo quân đội Kyiv, Nga đã mất hơn 300.000 binh sĩ trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng mệt mỏi ở Ukraine, và cuộc xung đột không có dấu hiệu giảm bớt trong những tháng mùa đông ảm đạm.

Điện Cẩm Linh đã mất tổng cộng 300.810 quân kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi Nga tiến hành cuộc tấn công toàn diện, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Ba. Con số cập nhật này bao gồm 870 người Nga thương vong trong 24 giờ qua.

Các nhà phân tích độc lập cho rằng Nga đã phải chịu tổn thất nặng nề về nhân lực và trang thiết bị trong cuộc chiến, tuy nhiên những con số do Kyiv công bố dù sao cũng cần phải thận trọng. Không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường hoặc số lượng thương vong của cả hai bên và cả Mạc Tư Khoa và Kyiv đều có thể hưởng lợi từ việc thổi phồng tổn thất được báo cáo của bên kia.

Tuy nhiên, theo Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, khoảng 300.000 tổn thất của Nga “là khá đáng tin cậy” và phù hợp với ước tính của tình báo phương Tây cũng như thông tin nguồn mở. Ông nói với Newsweek rằng con số này gần như là những gì được mong đợi từ cuộc chiến tranh cường độ cao giữa hai đối thủ tương đối ngang sức như Nga và Ukraine, ông nói với Newsweek, đặc biệt khi Nga nổi tiếng là thoải mái với tỷ lệ tiêu hao cao.

Nga thường không công khai những tổn thất của mình và chỉ đưa ra những cập nhật không thường xuyên về con số thương vong mà họ tuyên bố. Vào tháng 9 năm 2022, Điện Cẩm Linh đưa ra con số thiệt mạng cho lực lượng của mình là 5.937; cùng ngày Kyiv công bố số lính Nga “bị loại khỏi vòng chiến” là 55.110.

Trong thời gian đó, đã có một số ước tính cập nhật từ các quan chức và tình báo phương Tây, về tổng số thương vong của cả hai bên là hàng trăm nghìn người. Vào tháng 11 năm 2022, Tướng Mark Milley, cho biết cả Nga và Ukraine có khả năng mỗi nước thiệt hại 100.000 binh sĩ trong cuộc giao tranh.

Sau một năm chiến tranh đẫm máu và tiêu hao, bao gồm cả cuộc phản công mới của Ukraine từ đầu tháng 6 năm 2023 và cuộc tấn công gần đây của Nga ở Donetsk, những con số này có thể đã tăng vọt.

Tờ New York Times đưa tin vào giữa tháng 8, dẫn lời các quan chức Mỹ, gần 500.000 binh sĩ Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong 18 tháng chiến tranh.

Nhưng số liệu thống kê của chính phủ do Nga và Ukraine công bố là một phần của “cuộc chiến thông tin” đang được tiến hành cùng với cuộc chiến trên thực địa, theo Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Cô nói với Newsweek: “Mỗi bên cố gắng vẽ ra một bức tranh về chiến thắng của mình. Cô nói, việc Ukraine thống kê những tổn thất của Nga là rất quan trọng để chứng minh sự tiến bộ trong và ngoài biên giới Ukraine, cũng như có thể gây tổn hại đến tinh thần trong hàng ngũ quân đội Nga và sự ủng hộ cho cuộc chiến trong xã hội Nga.

Cô nói thêm: “Vì vậy, những bản phát hành như vậy cố gắng đạt được một số mục tiêu”. Cô nói, cũng có những câu hỏi về cách các con số được đối chiếu và chúng được ghi lại bởi ai.

Mertens cho biết tổn thất của Ukraine vẫn có thể thấp hơn tổn thất của Nga. Ông cho biết Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột trước số lượng pháo binh vượt trội của Nga và những tổn thất này có thể sẽ thấp hơn vào năm 2023.

Ông nói thêm: “Nhưng chúng ta hãy nói rõ rằng những tổn thất ít nghiêm trọng hơn vẫn là những tổn thất nghiêm trọng”.

Giống như Nga, Ukraine không công bố số liệu về số binh sĩ đã hy sinh của mình. Nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, cho biết vào cuối tháng 8 năm 2022 rằng gần 9.000 chiến binh Ukraine đã thiệt mạng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, giống như trường hợp của Mạc Tư Khoa, việc công khai số liệu thống kê của chính mình sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho Ukraine. Chưa kể rằng đối với Ukraine, một con số thương vong nhất định sẽ gây tổn hại nhiều hơn so với lực lượng lớn hơn nhiều của Nga, Miron trước đó đã nói với Newsweek.

Tổn thất của Nga được cho là đã tăng vọt ở miền đông Ukraine trong những tuần gần đây sau khi nước này tấn công thị trấn công nghiệp Avdiivka của Donetsk. Thành trì của Ukraine đã trở thành tâm điểm giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine ở miền đông Ukraine hồi đầu tháng này, sau khi Mạc Tư Khoa phát động nỗ lực lớn đầu tiên kể từ khi Kyiv bắt đầu cuộc phản công vào mùa hè vào đầu tháng 6.

Các báo cáo nhanh chóng cho rằng Nga đang xuất huyết thiết bị quân sự và chịu thương vong nặng nề ở Avdiivka, nơi đã trải qua gần một thập kỷ ở tiền tuyến.

Quân đội Ukraine hôm thứ Hai cho biết các lực lượng Nga đang tiếp tục nỗ lực bao vây Avdiivka, nhưng binh lính Ukraine “vẫn giữ vững lập trường” và “gây ra tổn thất lớn”.

Nga dường như đã chuyển nguồn lực vào thị trấn, nơi đang ngày càng bị so sánh với thành phố Bakhmut bị tàn phá mà họ đã kiểm soát kể từ tháng 5 năm 2023. Nhưng Ukraine đã nhìn thấy điều này sắp xảy ra và coi Avdiivka là “Bakhmut thứ hai” trong tương lai vào tháng 3, nhiều tháng trước đó. Sự phối hợp của Mạc Tư Khoa nhằm vào thị trấn.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Mỹ, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Nga đã “tập trung một phần đáng kể sức mạnh chiến đấu của họ xung quanh Avdiivka”. Nga có thể đã điều động tới 8 lữ đoàn đến khu vực xung quanh Avdiivka, chính phủ Anh cho biết ngày hôm trước.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Những thành phần này có thể đã phải chịu một số tỷ lệ thương vong cao nhất của Nga trong năm 2023 cho đến nay”.

Nga hiện có khoảng 40.000 quân được triển khai ở vùng lân cận Avdiivka, Đại tá Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine bao trùm Avdiivka, cho biết thêm hôm Chúa Nhật.

Nga đang đưa các binh sĩ bộ binh hạng nhẹ của mình đến chỗ phải “chắc chắn phải chết” ở Avdiivka, Shtupun nói với Newsweek hồi đầu tháng này.

6. Tổng thống Zelenskiy bàn với Thủ tướng Bulgaria về cách tăng cường an ninh Hắc Hải

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối thứ Ba 31 Tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Bulgaria Nikolai Denkov về các cách tăng cường an ninh Hắc Hải “trước chính sách quân sự hóa của Nga và các mối đe dọa đối với tự do hàng hải”.

Ông nói: “Quan hệ đối tác Ukraine-Bulgaria ngày càng bền chặt hơn và đây chính xác là kiểu đoàn kết Hắc Hải cho phép chúng ta chống lại sự xâm lược của Nga, tăng cường an ninh lương thực toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine và ủng hộ công thức hòa bình.”

Nga cho biết họ đã đình chỉ sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải vì Liên Hiệp Quốc đã không đáp ứng một nửa còn lại của thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine. Cụ thể, theo lời của Putin, ông ta ra lệnh đình chỉ việc tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải vì Liên Hiệp Quốc không thực hiện giao ước được công bố trước đó. Theo giao ước này, Nga đòi phải loại bỏ mọi trở ngại đối với các ngân hàng Nga, các tổ chức tài chính hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Điều này bao gồm kết nối ngay lập tức của họ với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT.

Vấn đề là tất cả các ngân hàng Nga, mọi ngân hàng đều có thể cho rằng mình đang “hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón”. Thành ra, yêu cầu của Nga về thực chất là loại bỏ mọi trở ngại đối với mọi ngân hàng và phải kết nối mọi ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán ngân hàng quốc tế SWIFT. Nếu như thế, Nga sẽ có đủ tài chính để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và tất cả các lệnh trừng phạt liên quan đến tài chính của Nga đều trở thành vô nghĩa. Liên Hiệp Quốc đề nghị Nga thành lập một ngân hàng con, một ngân hàng duy nhất chịu trách nhiệm hỗ trợ cung cấp thực phẩm và phân bón. Nga đã bác bỏ điều này.

Một giải pháp khả thi đối với an ninh lương thực thế giới là không cần đến Nga tham gia vào sáng kiến này. Thổ Nhĩ Kỳ hay NATO sẽ hộ tống các tầu chuyên chở ngũ cốc ra vào các cảng của Ukraine. Thấy trước rằng kế hoạch này sẽ được Liên Hiệp Quốc ủng hộ, Nga tấn công ồ ạt vào các cơ sở lưu trữ ngũ cốc tại Odesa.

Hành động tàn bạo này của Nga ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào các chuyến hàng từ Ukraine, đặc biệt là ở Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á. Nó làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực và có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước có thu nhập thấp.

7. Loại tầu mới của Nga được thiết kế để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Building New Ship Designed to Thwart Ukraine's Drone Attacks”, nghĩa là “Nga đóng tàu mới được thiết kế để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang chế tạo một tàu huấn luyện hải quân mới có thể giúp dạy phi công trực thăng chiến đấu với máy bay không người lái của Ukraine.

Cho đến nay “đội quân máy bay không người lái” của Ukraine gần như là cái gai thường xuyên đối với lực lượng Nga trong suốt hơn 20 tháng kể từ khi quân đội của Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Hàng tháng, Kyiv sử dụng khoảng 10.000 máy bay không người lái - bao gồm máy bay không người lái “kamikaze”, đạn dược lảng vảng và máy bay không người lái trinh sát - theo ước tính hồi đầu năm nay của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức nghiên cứu của Anh.

Theo báo Izvestia của Nga, Bộ Quốc phòng Nga gần đây đã quyết định thúc đẩy kế hoạch chế tạo một tàu huấn luyện, một phần do mối đe dọa từ các máy bay không người lái hải quân mà Ukraine phóng từ Hắc Hải.

Việc đóng tàu, một phần trong sáng kiến mà Nga gọi là “Dự án 14400”, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm tới. Dự án trước đây đã bị tạm dừng nhưng được cho là đã được hồi sinh do tình hình hiện tại của cuộc chiến ở Ukraine.

Con tàu mới sẽ hoạt động hiệu quả như một “Hàng Không Mẫu Hạm trực thăng”, cung cấp giải pháp thay thế cho các Hàng Không Mẫu Hạm lớn hơn bằng cách trang bị cho một con tàu nhỏ hơn một bãi đáp trực thăng cũng như các thiết bị chuyên dụng khác và thủy thủ đoàn.

Các phi công trực thăng sẽ được đào tạo về quy trình hạ cánh và cất cánh từ tàu, cũng như các kỹ thuật phát hiện và loại bỏ máy bay không người lái trên biển của Ukraine, vốn thường khó bị phát hiện do khả năng trốn tránh radar bằng cách bay thấp trên mặt nước và ít gây tiếng ồn.

Máy bay không người lái trên biển của Ukraine cũng có thể là mối đe dọa đối với quân đội Nga do giá thành tương đối thấp. Theo BBC, một số mô hình đang được chế tạo bằng các vật liệu “có sẵn” được huy động vốn từ cộng đồng nhờ sáng kiến “đội quân máy bay không người lái”.

Ngoài việc dạy phi công trực thăng kỹ thuật săn máy bay không người lái, tàu Nga dự kiến sẽ được sử dụng để tuần tra các vùng biển. Quy mô của hạm đội mới cũng như số lượng “bãi đáp” cuối cùng sẽ được gửi đến Hắc Hải vẫn chưa rõ ràng.

Các báo cáo cho biết Nga đã quyết định xúc tiến việc đóng con tàu này xuất hiện khoảng một tháng sau khi Ukraine tuyên bố số lượng pháo Nga bị máy bay không người lái phá hủy đã đạt mức cao kỷ lục.

Hôm Chúa Nhật, một người điều khiển máy bay không người lái giấu tên của Ukraine cũng tuyên bố đã đạt được kỷ lục khi tấn công một xe tăng Nga chỉ cách chiến tuyến chưa đầy 20 km.

Trong khi nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine được tiến hành từ mặt đất, Ukraine cũng đang đầu tư vào một đội máy bay không người lái “kamikaze” dưới nước.

Thuyền không người lái thử nghiệm “Sea Baby” của Ukraine đã được sử dụng để nhắm vào hạm đội Hắc Hải của Nga – là lực lượng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào đất liền Ukraine – và Cầu Kerch, một trong những tài sản quan trọng của Mạc Tư Khoa ở Crimea.

8. Một viên chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc “đừng mất tập trung” vào Ukraine.

Ramesh Rajasingham, giám đốc điều phối văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc,, gọi tắt là OCHA, cho biết: “Mặc dù phần lớn sự chú ý của quốc tế tập trung vào các sự kiện nghiêm trọng ở Trung Đông, nhưng điều quan trọng là chúng ta không được mất tập trung vào các cuộc khủng hoảng khác”.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Rajasingham cho biết tình hình nhân đạo ở Ukraine vẫn rất nghiêm trọng, đặc biệt là khi phải đối mặt với “các cuộc tấn công không ngừng nhằm vào dân thường”.

Ông nói thêm: “Thiệt hại đáng kể và sự phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận điện, sưởi ấm, nước và viễn thông của người dân”.

Ramesh Rajasingham cho biết văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tìm thấy “cơ sở hợp lý” để kết luận một cuộc tấn công hỏa tiễn khiến 59 người thiệt mạng ở Hroza được thực hiện bởi người Nga

Ramesh Rajasingham nhấn mạnh rằng các lực lượng vũ trang Nga hoặc đã không làm mọi cách khả thi để xác minh rằng mục tiêu bị tấn công là mục tiêu quân sự, chứ không phải dân thường hoặc các cơ sở hạ tầng dân sự. Ngược lại, họ cố tình nhắm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Cả hai trường hợp đều vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Báo cáo cho biết loại vũ khí có thể được sử dụng trong vụ tấn công, hỏa tiễn Iskander, nằm trong kho vũ khí của lực lượng vũ trang Nga nhưng không có trong kho vũ khí của Ukraine.

Ông nói tiếp rằng: “Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch để buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm và thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự xảy ra trong tương lai”.

Diễn biến này xảy ra khi Serhiy Lysak, thống đốc vùng Dnipropetrovsk, cho biết “ba cộng đồng” trong vùng Nikopol đã bị lực lượng Nga tấn công.

Hôm thứ Ba đã có 4 cuộc tấn công bằng pháo binh và 2 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze.
 
Độc tài Ortega bách hại Dòng Phanxicô. Câu chuyện các linh hồn cứu người cầu nguyện cho họ
VietCatholic Media
16:08 01/11/2023


Chế độ độc tài ở Nicaragua hủy ghi danh của 25 tổ chức bao gồm cả dòng Phanxicô

Trong một cuộc tấn công mới chống lại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua, chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega đã hủy bỏ tư cách pháp lý và ghi danh của 25 tổ chức, bao gồm cả tổ chức của các Tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn và của một số nhóm thuộc các giáo phái Kitô giáo khác.

Quyết định này của chế độ đã được công bố vào ngày 24 tháng 10 trong đó lưu ý rằng 8 trong số 25 tổ chức phi lợi nhuận đã tự nguyện yêu cầu hủy bỏ.

Một số trong số 17 tổ chức phi chính phủ khác bị chế độ độc tài hủy bỏ là Dòng Anh em Hèn mọn hay Dòng Phanxicô của Tỉnh Dòng Assisi Seraphic ở Nicaragua, Hiệp hội Phụ nữ Golondrinas, Trung tâm Chăm sóc Toàn diện cho Trẻ em trai và Bé gái mắc chứng Tự kỷ, Nhà thờ Quốc tế của Hiệp hội Chúa Kitô ở Nicaragua, Hiệp hội Mục vụ Kitô giáo Cây Nho Chân chính và Hiệp hội Chuyên gia Y tế Thánh Phanxicô.

Trong số các lý do được chế độ độc tài đưa ra để hủy bỏ các tổ chức này là vì họ bị cáo buộc đã không báo cáo tài chính cũng như ban giám đốc của mình.

Thông báo do Bộ trưởng Bộ Nội vụ công bố nêu rõ rằng tài sản lưu động và cố định của 17 tổ chức này sẽ được chuyển giao cho chính phủ Nicaragua thông qua văn phòng tổng chưởng lý của nước cộng hòa.

Félix Maradiaga, cựu ứng cử viên tổng thống và chủ tịch tổ chức Libertad hiện đang sống lưu vong, đã đăng một tuyên bố vào ngày 25 tháng 10, trong đó ông chỉ ra rằng việc xâm chiếm tùy tiện Viện Thánh Phanxicô Assisi ở Matagalpa, là một phần của hành vi côn đồ của bọn cầm quyền. Việc hủy bỏ các tu sĩ dòng Phanxicô, là một “sự vi phạm quyền tự do tôn giáo theo kiểu tịch thu các trường học và đại học Công Giáo tư nhân, bao gồm cả việc chiếm đoạt gần đây Đại học Dòng Tên trong năm nay”.

Vào tháng 8, chế độ độc tài của Ortega đã tịch thu Đại học Trung Mỹ và Villa Carmen - nơi ở của sáu tu sĩ Dòng Tên lớn tuổi - đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của dòng và chuyển toàn bộ tài sản của dòng cho nhà nước.

Maradiaga nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng học viện Phanxicô, do Tu sĩ Aquiles Bonucci thành lập tại Matagalpa vào năm 1972, “là một phần thiết yếu của dự án giáo dục Phan Sinh cấp tỉnh” với các trường học ở Managua, Matagalpa và Juigalpa.

Sau khi nhắc lại rằng tự do tôn giáo và giáo dục là điều cần thiết trong xã hội, nhà hoạt động nhắc lại rằng họ sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của “cộng đồng quốc tế đến tình hình nghiêm trọng này”, đặc biệt là “các tổ chức bảo vệ nhân quyền và quyền tự do thờ phượng, vì vậy, rằng họ sẽ hành động.” Chế độ độc tài ở Nicaragua hủy ghi danh của 25 tổ chức bao gồm cả dòng Phanxicô.


Source:Catholic News Agency