Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là Giáo Hoàng đầu tiên rời Âu Châu và đầu tiên bay từ Italia đến Jordan vào tháng 1 năm 1964 trong chuyến viếng thăm Trung Đông. Ngài gặp vua Hussein ở Amman trước khi tiếp tục hành trình đến Giêrusalem. Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành Tuyên ngôn “Nostra aestate của Công đồng Vatican II về mối quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo (28.10.1965). Giáo hội tuyên bố về Hồi giáo như sau: “Giáo hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất, Đấng đã ngỏ lời với con người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn, theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Abraham, người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn sùng Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria, và đôi khi cũng sốt sáng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thường phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng cầu nguyện, bố thí và chay tịnh. Dù trong lịch sử đã xảy ra không ít bất hòa và hiềm thù giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, Công Đồng khuyên mọi người nên quên đi quá khứ và cố gắng chân thành tìm hiểu lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và cổ vũ công bình xã hội, các giá trị luân lý cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi người” (số 3)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Giáo Hoàng đầu tiên vào Đền thờ Hồi giáo Ymayyad tại Damascus, trong chuyến viếng thăm Syria vào tháng 5 năm 2001. Đền thờ này được xây năm 715 trên nhà thờ Kitô giáo đã có từ thế kỷ thứ 4, nơi giữ đầu thánh Gioan Thanh Tẩy. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô cũng là Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm một số quốc gia tại Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Lebanon, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI triệp tập Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt và đầu tiên về Giáo hội tại Trung Đông trong hai tuần tháng 10 năm 2010. Tông Huấn “Ecclesia in Medio Oriente” - Giáo Hội tại Trung Đông (2012), tập trung vào vai trò của các tín hữu Kitô sống ở Trung Đông. Ngài dự báo về biến cố Mùa Xuân Ả Rập và về những tín hữu Kitô phải đối mặt với quyết định hoặc di cư vì tình hình chính trị quốc gia thay đổi hoặc tiếp tục sống chứng nhân đức tin tại quê hương. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng thêm tiếng Ả Rập vào những ngôn ngữ chính thức trong các buổi Đức Giáo Hoàng tiếp khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Chuyến đi cuối cùng của Ngài đến Lebanon vào năm 2012 là Chuyến đi đầu tiên của Giáo Hoàng đến Lebanon vào năm 2012 sau vụ bùng nổ Mùa Xuân Ả Rập cũng là chuyến đi ngoại quốc cuối cùng của triều đại ngài.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) trong những ngày 3-5 tháng 2 là chuyến đi đầu tiên của Giáo Hoàng đến bán đảo Ả Rập. Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày 5 tháng 2 tại sân vận động thể thao Zayed với hơn 135 ngàn tín hữu sẽ là thánh lễ công khai đầu tiên trong một quốc gia còn nhiều giới hạn về tự do tôn giáo. Ngài nhấn mạnh đến mục đích của chuyến đi UAE là văn hóa gặp gỡ và đối thoại liên tôn.

Ngài đã đến thăm Ai Cập vào năm 2017 và cũng có kế hoạch đến thăm Morocco 30-31 tháng 3 năm nay. Các quốc gia Trung Đông như Iraq, Ả Rập Saudi, Yemen, Oman, Kuwait, Qatar và Bahrain chưa được Đức Giáo Hoàng đến thăm nhưng luôn mong đợi biến cố lịch sử tương tự như UAE sẽ sớm xẩy ra tại quốc gia họ.

Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại UAE diễn ra với chủ đề "Hãy biến tôi thành công cụ hòa bình". Ngài kêu gọi sự hợp tác giữa các dân tộc và tôn giáo theo con đường đối thoại, hòa hợp và hợp tác hòa bình. Thái tử Mohamed Bin Zayed Al Nahyan nói: " Chuyến thăm này đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy các giá trị của tình huynh đệ, hòa bình và chung sống hoà bình. Chuyến thăm cũng rất có ý nghĩa vì nó tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa UAE và Vaticn” Ông nhận định: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Giáo sĩ Almad Al-Tayyeb được mọi người đánh giá cao và tôn trọng vì vai trò quan trọng của họ trong việc thúc đẩy nhân loại đến đối thoại và hiểu biết, bác bỏ các xung đột và chiến tranh, và cổ võ chung sống giữa những người khác nhau về tôn gioá, văn hóa và sắc tộc.” Năm 2019 đã được tuyên bố là “Năm Khoan Dung” để biến UAE trở thành một nơi thúc đẩy “các sáng kiến của xã hội dân sự ủng hộ tình huynh đệ của con người” UAE có tín hữu của các tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo) và “mọi người đã sống hòa thuận và hòa bình trong nhiều thế kỷ. Khu vực Ả Rập là căn nhà của hàng triệu người tin vào sự chung sống và đối thoại, từ bỏ bạo lựa và chủ nghĩa cực đoan”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP