(Lược trích bài phỏng vấn với vị điều hợp viên của Hội Nghị về Thần Học tại Guadaajara)

GUADALAJARA, Mexico -- Hội Nghị Chuyên Về Mục Vụ Thần Học đã được khai diễn trước Nghị Hội Quốc Tế về Phép Thánh Thể với mục đích là nhằm tái khám phá lại “tính chất linh thiêng, diệu kỳ” và “sự cung kính” của Giáo Hội dành cho Phép Thánh Thể, đó là lời nhận xét của tổng điều hợp viên của hội nghị.

Đức Hồng Y Javie Lozano Barragán, 71 tuổi, hiện là Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách về Các Nhân Viên Làm Trong Ngành Y Tế, đã trả lời một số câu hỏi được nêu ra về tất cả những chủ đề đã được thảo luận bởi 1,000 nhà thần học tham dự hội nghị.

Hỏi (H): Thưa Đức Hồng Y, đâu là mục tiêu của Hội Nghị chuyên về Mục Vụ Thần Học và Nghị Hội Quốc Tế về Phép Thánh Thể?

Đức Hồng Y Barragán (T): Thưa, hội nghị này được tổ chức ra là nhằm tìm hiểu thêm về đức tin của mọi dân Thiên Chúa, về những gì mà Giáo Hội muốn ám chỉ tới và ý nghĩa của việc trở thành một người Kitô hữu trong thời đại ngày nay. Với sự quy tụ của tất cả các nhà thần học trên khắp cả thế giới, thì tất cả những gì mà chúng tôi đang làm là tạo cơ hội cho các nhà thần học để họ biết đem ra áp dụng những suy nghĩ, và những hiểu biết thông thái của họ vào việc phục vụ đức tin trong thực trạng của thế giới hôm nay, và vào Phép Thánh Thể, vốn hàm chứa tất cả mọi ý nghĩa và phương cách để có thể trở thành một người Kitô hữu đích thực.

(H): Thưa Đức Hồng Y, dựa vào phương pháp nào để có thể thực hiện được điều đó?

(T): Thưa, chúng tôi bắt đầu bằng cách lắng nghe xem Phép Thánh Thể có sức sống mãnh liệt như thế nào tại năm lục địa. Rồi sau đó chúng tôi dựa trên Tông Huấn của Đức Thánh Cha vốn nêu ra rằng Giáo Hội đã được hình thành nên từ Phép Thánh Thể, và chúng tôi cùng nhau suy niệm về sáu chủ đề như: đức tin, dựng xây Giáo Hội, giáo lý tông truyền của Giáo Hội, việc cho rước lễ, các nghi thức cử hành, và Đức Trinh Nữ Maria.

Với tư cách là những thuyết trình viên và những thần học gia, chúng tôi đã cố gắng tìm cách đào sâu thêm về ý nghĩa sâu sắc của mầu nhiệm này. Chúng tôi quy tụ đến đây không phải là để lãng phí thời gian, mà chúng tôi cùng quy tụ đến đây là để cùng nhau nghĩ ra những cách thức để Giáo Hội có thể giúp thế giới này được thăng tiến hơn, để từ đó mọi người có thể nhận ra được rằng Chúa Kitô đang hiện hữu trong thế giới này, trong năm 2004 này, trong thiên niên kỷ thứ ba, và xa hơn nữa.

(H): Thưa Đức Hồng Y, liệu Phép Thánh Thể có thể là khởi điểm về kế hoạch này của Giáo Hội chăng?

(T): Thưa, thách đố chính là làm thế nào để cho Mầu Nhiệm về Ba Ngôi Thiên Chúa, về Ngôi Lời Nhập Thể, về Chúa Kitô Chúa chúng ta, về cái chết và sự phục sinh của Ngài được hiện diện sống động qua các biến cố về Phép Thánh Thể, và làm cách nào để chứng tỏ cho mọi dân Thiên Chúa có thể nhận thấy qua hình ảnh của một chiếc bánh nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và một chút rượu đó, lại mang một ý nghĩa sâu sắc về một mầu nhiệm mà con người không thể nào có thể hiểu thấu cho được. Thì đây chính là ý nghĩa nền tảng của Giáo Hội sống trong lòng thế giới, kể từ lúc khởi nguyên cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

(H): Thưa Đức Hồng Y, phải chăng đang có một nổ lực nhằm khơi dậy lại tính diệu kỳ, và sự linh thiêng của Phép Thánh Thể để nhắc nhớ mọi người về sự cung kính dành cho Phép Thánh Thể trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội?

(T): Thưa, hội nghị này chính là tạo ra một sự diệu kỳ đó. Đó chính là một kính vạn hoa để mỗi người trong chúng ta, những người Công Giáo, qua rất nhiều cách khác nhau, có thể hiểu, tin và nhận ra được tính uy nghi, cao cả của Phép Thánh Thể, vì nó chẳng phải là cái gì đó “bí ẩn” hay “bùa phép.” Phép Thánh Thể chính là cách để hoàn thiện nên con người nhân loại, để họ có thể trở nên một phần của cộng đoàn và vì cộng đoàn mà họ đang cùng chung sống.

(H): Thưa Đức Hồng Y, phải chăng có một mẩu số chung nào về những khía cạnh tiêu cực trong việc thực hành đức tin có liên quan đến Phép Thánh Thể trên cả bình diện thế giới không?

(T): Thưa, vâng đúng ạ. Tôi nghĩ đang có một nguy cơ đe dọa gấp đôi về đức tin của người Công Giáo trên khắp cả thế giới: một mặt là vì tính trần tục; còn mặc kia chính là tính trào lưu chính thống.

Xét về mặt trần tục, tôi nghĩ là nó có liên quan độc nhất đến vấn đề toàn cầu hóa nền kinh tế. Còn về mặt trào lưu chính thống, tôi nghĩ là nó có liên quan đến cấu trúc vận hành của các giáo phái, bao gồm cả việc chối bỏ tính chất tông truyền của Giáo Hội và việc xem các phép bí tích chẳng mang lại một ý nghĩa thiêng liêng nào cả mà chỉ là một sự trống rỗng.