Ngày 21 tháng 6 năm 1978, nhà thần học vĩ đại của Vatican II, linh mục Dòng Tên và sau đó, là Hồng Y của Giáo Hội, Henri de Lubac, đã viết bài sau đây trên tờ L’Osservatore Romano để kỷ niệm 15 năm ngày lên ngôi giáo hoàng của Đức Pholô VI, người đã qua đời sau đó không lâu.

Một buổi sáng kia, vừa ra khỏi làn sương mù dày đặc mà tôi vốn dìm mình trong đó do hậu quả của một cuộc giải phẫu kép, tôi thấy một bóng mờ cúi xuống giường tôi nằm, và tôi nghe được hai chữ “Montini… Phaolô VI”. Bỗng nhiên, cơn ác mộng lâu ngày bất ngờ tan biến. Tôi liên lạc lại được với thế giới thực. Ánh sáng đã trở lại; sự sống đã tái sinh trong tôi.

Trùng hợp chăng? Đúng thế, nhưng không phải chỉ có thế: vì lúc ấy, một niềm hy vọng lớn bỗng xâm chiếm tôi. Niềm hy vọng này sẽ không trở thành thất vọng.
Là người thừa kế Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI đã đem Công Đồng ra thi hành. Ngày qua ngày, ngài tìm cách đem nó ra áp dụng. Một lần nữa, Giáo Hội lại tự đổi mới mình. Được hơi thở hồi sinh của Ngũ Tuần tắm gội, cây Thánh Giá luôn vươn lên xanh tươi và hứa hẹn một mùa hoa trái mới mẻ.

Ấy thế nhưng, cùng một lúc, và một lần nữa, bão tố lại gầm lên. Những người tố cáo, cho rằng Công Đồng đã tạo ra nó, quả không biết họ đang nói gì. Vì chẳng cần tới các tiên tri, ai cũng có thể nhận ra các triệu chứng của nó từ lâu. Tuy nhiên, cơn sốc có lẽ sẽ kém dữ dằn nếu không có một nguyên nhân cận kề hơn. Về nguyên nhân này nay chưa tới lúc mô tả, nhưng nhà sử học nào biết thận trọng thu lượm tài liệu chắc chắn không khó giả thích.

Giáo Hội mời gọi con cái mình một cố gắng tập thể vĩ đại, ngay trong bầu khí tự do. Không phải mọi người đều hiểu được việc này, hoặc đơn thuần không lưu tâm gì tới nó. Trong nhiều trường hợp, Công Đồng đã bị phản bội, đây là một sự kiện, cho dù sự phản bội này không được lòng dân. Không những chỉ do xu hướng hết sức tự nhiên, mà còn do hoạt động của cái tôi muốn gọi là công đồng song hành, không kém một công đồng ngụy (anti-council), vốn là công trình của một sự chống đối ra mặt và chính vì thế mà nó càng hữu hiệu hơn… Với Công Đồng cũng như với Tin Mừng thường xẩy ra việc này: tôi cho rằng một số người, nhiều lắm, cố tình không muốn đọc lại Công Đồng, để khỏi phải mắc cỡ vì những gì họ giảng dạy nhân danh nó.

Tuy nhiên, 15 năm trước đây, Đức Phaolô đã kiểm soát được tay lái. Dù không quen biết ngài, nhưng tôi biết đủ về ngài để chắc mẩm rằng bánh lái đang nằm trong bàn tay vững chãi. Với một sự cứng rắn có phương pháp và đầy trì chí, ngài đã điều khiển được con tầu; sự cứng rắn trì chí này đã đánh đổ một huyền thoại cũng trì chí không kém vốn chống lại ngài. Trong mọi điều những kẻ chuyên gièm pha hay tố cáo ngài, người ta chỉ nên nhớ một điều: nỗi đau đớn đôi khi áp đảo ngài và chính ngài không tài nào dấu diếm được, nhưng vẫn không đập tan, thậm chí không làm giảm được, các động lực của ngài. Thực vậy, đúng hơn, ta phải than van nếu như cái khí sắc nhân tính ấy thiếu vắng ở nơi ngài, bởi vì khí sắc này, cùng với nhiều điều khác, vốn đồng hóa ngài với Chúa Giêsu. Điều khiến ta yêu mến ngài hơn chính là sự ngu dốt rất đáng giận người ta vốn có đối với ngài, không hẳn do “thế gian”, và chắc chắn không do các Kitô hữu, dù là Công Giáo hay không Công Giáo, mà là do những người ngài có quyền mong được hỗ trợ.

Trong quá khứ (mà có phải chỉ trong quá khứ?), người ta quen nói tới “các thần học gia cung đình”, một chủng loại trí thức chưa bao giờ vắng mặt quanh mọi loại ông hoàng. Nếu là ngày nay, thì ai mở mắt rộng, hẳn chớ nên tìm những người như thế chung quanh ngai tòa Phêrô.

Một hoàn cảnh nghịch lý tới ba lần! Chính ở lúc, sau Công Đồng, tức sau khi tự lột bỏ được các tàn dư cuối cùng từng làm chứng cho một quá khứ khiến người ta phải bối rối và nay đã kết thúc, ngôi vị giáo hoàng đã tự chứng tỏ được rằng mình là người lãnh đạo phong trào canh tân theo Tin Mừng và là người đang nhân thừa các cử chỉ có khả năng kích thích việc canh tân này, thì những giọng nói chua cay của chống đối lại nổi lên từ những chân trời đối nghịch nhất nhằm sau này phát sinh ra sự ly khai khinh khỉnh. Đàng khác, một số cơ quan truyền thông, những người vốn xa lạ hay không sẵn sàng hiểu Giáo Hội, vì những thiên kiến truyền thống nào đó, càng tiến gần lại Giáo Hội, thì một số con cái Giáo Hội, những người bất trung với ơn gọi của họ, lại càng chế nhạo Giáo Hội trong con người của vị mục tử thứ nhất. Đây không phải là việc đòi sáng kiến hay tiết lộ ưu tiên, điều mà mỗi người tùy theo năng quyền và chức vụ đều có quyền được lượng định tính hợp thời, mà là chính cơ sở của đức tin Công Giáo, nền luân lý và kỷ luật của nó, điều mà giám mục đoàn, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, có bổn phận phải duy trì. Cuối cùng là nghịch thường thứ ba: các chống đối ngôi vị giáo hoàng càng ngày càng gia tăng trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, trong khi nơi các Kitô hữu thuộc các tuyên tín khác, ý thức về nhu cầu hợp nhất càng ngày càng sống dậy và được thâm hậu hóa. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được điều một Kitô hữu, một người đang đảm nhiệm một chức vụ nổi bật trong Giáo Hội của ông, thú nhận với tôi sau một buổi gặp gỡ dài: ông nói với tôi “Điều cần thiết là phải tạo ra sự hợp nhất. Bất chấp các trở ngại còn tồn đọng, nhiều dấu hiệu cho thấy thời gian đã chín mùi. Lúc này đây, ai cũng rõ hợp nhất không thể nào tạo ra được ngoại trừ quanh giám mục Rôma; các kế hoạch khác nhau cần phải bảo đảm việc này: các truyền thống từng được triển khai theo nhiều hướng khác nhau kể từ thời ly khai phải được tôn trọng, nhưng đây là điều không phải là không thể thực hiện được. Ấy thế nhưng, (đến đây, giọng ông bỗng trở nên buồn chi lạ), chúng ta lại chứng kiến cảnh Đức Giáo Hoàng đang bị tấn công ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Chính đó là trở ngại lớn lao sẽ đưa tới nguy cơ làm chậm sự hợp nhất lâu dài hơn nữa”.

Người đối thoại với tôi không lầm lẫn trong nhận định trên. Tôi dám nói rằng: sở dĩ Đức Giáo Hoàng bị chống đối như thế, thì thường là vì điều không thể nào chống đối được ở nơi ngài. Vì mục tiêu của cuộc công kích này là: qua điều không thể nào chống đối kia, nó tấn công vào chính nguyên lý của ngôi vị giáo hoàng, vào chức năng của Phêrô. Chính điều đó khiến ngôi vị giáo hoàng được tôn kính hơn cả. Mỗi người đều có cảm quan hay có dự cảm này: bao lâu chức năng kia còn được bảo đảm, thì dù con đường lịch sử có ngả nghiêng ra sao, ánh sáng mạc khải Kitô Giáo vẫn nguyên vẹn.; và điều chính đáng được gọi là mạc khải Kitô Giáo, theo một nghĩa độc đáo, vẫn duy trì sức mạnh bất tận của nó. Đó chính là tảng đá mà nếu đụng vào mọi cố gắng của lầm lạc, của cách mạng, hay của “thay đổi triệt để” đều bể tan, những điều, mà xét về mặt khác, trong những thời khắc u ám, rất có thể lôi cuốn được nhiều tòng phạm vô ý thức.

Phía dưới ngôi mộ của Đức Adrian VI tại nhà thờ Santa Maria dell’Anima ở trung tâm Rôma, người ta đọc được một văn bia với những lời lẽ đẹp một cách u buồn; tôi từng hơn một lần dừng lại suy niệm trước văn bia này. Nó gợi lại tình thế của Giáo Hội ở đầu thế kỷ 16 và viễn tượng canh tân tươi đẹp rất có thể diễn ra dưới thời vị giáo hoàng này, người không may qua đời quá sớm, nếu các lực lượng đối nghịch rất nhiều lúc đó không làm nó ra tê liệt. Chúa cũng đã không tha việc thử thách Đức Phaolô VI cũng như đã thử thách nhiều vị khác: Người đã thử thách ngài không nương tay. Đối lại, ngài đã được Chúa ban cho nhiều thì giờ hơn Đức Adrian VI (và ta hy vọng Người còn ban cho ngài nhiều thì giờ hơn nữa) để ngài thực hiện được tiến bộ, bất chấp mọi trở ngại, trong việc thể hiện chương trình vốn đã được ngài công bố trong thông điệp “Ecclesiam Suam” và trong diễn văn tại khóa sau cùng của Công Đồng. Một ngày nào đó, khi một sử gia nghiêm túc cố gắng mô tả sinh hoạt thực sự của Giáo Hội trong 15 năm qua, thì, sau khi những bất ổn vô giá trị này tan theo mây khói, chắc chắn ông ta sẽ thấy điều này: trong lòng trung tín Kitô Giáo trọn vẹn và dưới sự thúc đẩy của Đức Phaolô VI, mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng để hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội Chúa Kitô được tiếp diễn giữa lòng một thế giới đã bị biến đổi sâu xa.