Có thể nói thời đại bùng nổ thông tin giúp chúng ta nắm bắt được những gì xảy ra trên thế giới một cách nhanh chóng. Trong thời đại tin học, Giáo Hội cũng biết thích ứng để loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả. Có rất nhiều tổ chức dòng tu và tín hữu đã dấn thân hăng hái trong lãnh vực đầy mới mẻ này. Một trong những ứng dụng của tin học được mọi người dễ dàng đón nhận đó là trang mạng xã hội facebook. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Đây là một thực tại không thể phủ nhận. Do vậy một đòi hỏi đặt ra cho mỗi người và cộng đoàn khi sử dụng là cần phải nâng cao ý thức, để có được hiệu quả như mong muốn.

Lợi thế

Facebook giúp cho mọi người xích lại gần hơn với những vấn đề mình quan tâm, với những người có cùng một sở thích. Chỉ một bức thông điệp phát đi từ một thành viên là tất cả đều nhận được. Dịp cơ mật viện bầu giáo hoàng vừa qua, đề tài duy nhất được các tín hữu thảo luận đó là vị mục tử hoàn vũ. Nhờ trang mạng xã hội, khuôn mặt và tính cách của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô được giới thiệu nhanh chóng khắp trên thế giới.

Mọi cấp độ trong Giáo Hội từ cá nhân đến cộng đoàn dòng tu, giáo xứ, giáo phận đã tận dụng ưu thế này để rao giảng Lời Chúa. Đặc biệt, các dòng tu có thể quảng bá linh đạo của mình bằng cách dẫn dắt mọi người bước vào trong đời sống thiêng liêng rất hiệu quả. Có dòng còn tổ chức cả một chương trình quy mô để giới thiệu ơn gọi cho các bạn trẻ. Ngoài việc tìm được nguồn ơn gọi nó còn công dụng đánh động những người khác, hoặc ít ra cũng cung cấp cho mọi người thông tin tối thiểu về dòng tu của mình.

Đối với mỗi cá nhân, trang mạng xã hội trợ giúp đi vào các diễn đàn để đưa ra ý kiến quan điểm riêng và cũng nhận được nhiều phản hồi từ người khác. Hơn nữa bạn có thể duy trì được mối liên hệ với người thân cũng như bằng hữu ở mọi nơi. Một tấm hình chụp phong cảnh đẹp nhận được sự thán phục của nhiều người. Một tấm hình du lịch, thăm viếng, các thành viên khác lập tức cập nhật được mọi sinh hoạt và tin tức từ phía bạn phát đi.

Bất cập

Khi quan sát các trang facebook của cộng đoàn dòng tu, cá nhân tu sĩ và giáo dân, thỉnh thoảng lại thấy có sự hoán vị chỗ đứng của nhau: giáo dân chỉ nói chuyện cao trên trời, tu sĩ lại nói chuyện đời dưới đất, và dòng tu thích nói chuyện ăn uống.

Một tín hữu được mời gọi làm chứng ngay trong môi trường sống của mình bao gồm gia đình, giáo xứ, nơi làm việc, học hành… Ngược lại họ không bao giờ bị ép buộc phải cắt bỏ tất cả những mối liên hệ đó để chỉ nói về Chúa, Đức Mẹ và các thánh.

Ngược lại, tu sĩ linh mục chủng sinh được mời gọi làm chứng bằng chính đời sống thánh hiến và phục vụ Giáo Hội và Tin Mừng. Đây là căn tính của toàn bộ cuộc đời mình. Do đó, rất cần chú tâm đến lời ăn tiếng nói, kể cả những nguồn đọc sách giải trí hay thư giãn. Một người bình thường phổ biến một truyện cười pha chất đời có thể chấp nhận được. Trái lại, một tu sĩ chủng sinh hay linh mục khi chia sẻ trên facebook của mình một câu nói hay một tư tưởng hoàn toàn tốt lành, nhưng qua đường dẫn tìm về nguồn của nó, người ta lại khám phá ra hàng loạt những câu truyện tầm phào khác. Thiết nghĩ không nên làm điều này, vì có câu thành ngữ «Bạn hãy nói cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn thuộc hạng người nào».

Những trang nhân danh cộng đoàn dòng tu thì càng phải để ý hơn. Bản thân có thấy trang facebook của một dòng nam ngoài việc truyền bá Lời Chúa, tin tức xã hội, thỉnh thoảng lại mời độc giả ăn vặt thứ cóc ổi xoài tượng chấm muối tiêu ớt ảo, một hình thái mới của món «cá gỗ « hở ngó thời xưa. Trong dịp Tuần Thánh vừa qua cũng vẫn thấy trang này mời mọi người thưởng thức món dâu tây đầu mùa hết sức tự nhiên. Đặc biệt, khi trả lời thắc mắc cho độc giả thì lại xưng là «cô» với «các cháu». Thấy lạ vì facebook này mang tên của một dòng nam sao lại dùng danh xưng nữ, nên cá nhân mới hỏi lại cho rõ, thì được trả lời rằng ngoài các cha các thầy ra còn có những cộng tác viên giáo dân thì mới «có được kết quả tinh túy» của trang này. Một điểm khác thấy cũng không thật hợp lý về cách xưng hô «cô» và «các cháu» giữa người phụ trách trang mạng với độc giả, vì đâu có biết tuổi tác, địa vị của độc giả như thế nào.

Một hiện tượng lạ nữa là sự hoạt động 24/24 của một cá nhân. Khi bản thân phổ biến một bài nào đó trên trang facebook, lúc ấy ở bên quê nhà là đêm, thế nhưng ngay tức khắc vẫn nhận được cái nhấp biểu tượng một bàn tay tán đồng của đối tượng này, hình như trường hợp cá biệt này không bao giờ có đêm để ngủ thì phải. Tò mò thử vào trang cá nhân này xem sao thì thấy ngay cả những việc bàn hỏi kín đáo, riêng tư cũng được phổ biến công khai cho mọi người biết. Kể ra trường hợp này rất lạ.

Thay lời kết

Giáo Hội rất ý thức được hình thức rao giảng Tin Mừng mới của thời đại. Chính vì thế, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được dành cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông. Mỗi người được mời gọi tiếp cận với hình thức mới mẻ này để mở rộng tầm nhìn qua việc trao đổi những vốn kiến thức cần thiết. Để cho có hiệu quả hơn, chúng ta rất cần hạn chế những mặt trái của phương tiện này. Có như vậy, các trang mạng mới thực sự phục vụ đắc lực đời sống nhân loại và sứ mạng của Giáo Hội về loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Ngày 16.04.2013