2. Phiên họp hôm thứ Năm của Công đồng Toàn thể Úc, một ngày sau khi đề nghị phong chức nữ phó tế bị bác bỏ

Ký giả Luke Coppen của The Pillar tiếp tục tường trình phiên họp hôm thứ Năm, một ngày sau khi đề nghị phong nữ phó tế bị các thành viên tham nghị, tức các Giám Mục, bác bỏ nhưng sau đó bằng lòng xem xét lại.



Công đồng Toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc đã tiếp tục công việc của mình vào hôm thứ Năm, nhóm họp cho ngày bỏ phiếu áp chót. Những người tham gia cho biết bầu không khí đã ổn định hơn vào ngày 7 tháng 7, sau khi căng thẳng lên cao lúc hai đề nghị về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội không được thông qua vào ngày hôm trước.

Đức Giám Mục Phụ Tá Richard Umbers của Sydney nói với The Pillar rằng tâm trạng đã “bình tĩnh hơn nhiều” vào hôm thứ Năm. Ngài nói, “Tôi nghĩ rằng sau cú sốc ngày hôm qua khiến hầu hết mọi người đau khổ, tất cả những người có mặt đã phải nỗ lực rất nhiều để tập hợp lại trong tình đoàn kết và tình yêu thương. Điều rất quan trọng là chúng ta không tranh luận như một nghị viện (quốc hội) nhưng như anh chị em trong Chúa Kitô.”

Sự chia rẽ ngấm ngầm đã được phơi bày vào ngày 6 tháng 7 khi các giám mục của đất nước - những người bỏ phiếu riêng so với các thành viên “tham vấn” của Công đồng- đã bác bỏ một đề nghị kêu gọi du nhập các nữ phó tế “nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép thừa tác vụ này”, cũng như một đề nghị khác về “các cơ hội mới để phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ.”

Như trên đã nói, việc bác bỏ trên đã gây náo động khiến 60 thành viên tham vấn phản đối không chiụ trở lại ghế ngồi. Nhưng vào cuối ngày, ban lãnh đạo Công đồng đã thông báo sẽ xem xét lại vấn đề, bằng cách soạn lại các đề nghị và cho bỏ phiếu lại.

Đức Cha Umbers nói rằng phiên họp hôm thứ Năm đã bắt đầu và kết thúc với "lời chào mừng đến đất nước và kêu gọi sự chúc phúc chung của các chị em thổ dân của chúng tôi", một điều "tạo nên một âm điệu vui tươi và hòa bình mà chúng tôi mang theo suốt cả ngày."

Một ghi chú ở cuối trang web chính thức của Công đồng Toàn thể nhấn mạnh rằng cuộc tụ họp ở Sydney đang diễn ra trên vùng đất liên kết với người thổ dân của Úc. Ghi chú này nói, “Chúng tôi thừa nhận thổ dân và người dân đảo Torres Strait là những người gìn giữ truyền thống của vùng đất phương Nam tuyệt vời mà trên đó chúng tôi đang hội họp. Chúng tôi tôn vinh các Vị Trưởng Thượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời cảm ơn sự hy sinh và quản lý của họ.”

Sau sự thất bại của hai đề nghị vào thứ Tư, tất cả các đề nghị của thứ Năm đã đạt được đa số đủ điều kiện (hai phần ba số phiếu bầu trở lên).

277 thành viên của Công đồng- giám mục, linh mục, tôn giáo và giáo dân - sắp sửa kết thúc cuộc họp kéo dài một tuần được triệu tập để bỏ phiếu cho khoảng 30 biện pháp chia thành tám chủ đề.

Chương trình nghị sự ngày 7 tháng 7 tập trung vào chủ đề thứ bảy và thứ tám: quản trị và sinh thái toàn diện. Các thành viên Công đồng ủng hộ bốn đề nghị liên quan đến việc điều hành Giáo hội.

Đề nghị 7.2 khẳng định rằng “việc quản trị trong Giáo Hội Công Giáo nên được thực hiện theo cách thức đồng nghị,” yêu cầu tất cả các giáo phận thành lập một Hội đồng mục vụ giáo phận.

Đề nghị 7.3 kêu gọi các giáo phận và các giáo phận Đông phương của Úc “hỗ trợ các giáo xứ thiết lập và củng cố các cơ cấu đồng nghị thích hợp bằng cách khai triển các hướng dẫn và cung cấp các nguồn lực cho sự triển nở của các Hội đồng mục vụ giáo xứ, các ủy ban tài chính giáo xứ và các bộ phận giáo xứ khác”.

Đề nghị 7.4 tán thành việc thành lập một nhóm công tác để phát động cuộc “tham vấn rộng rãi” nhằm khai triển “Hội nghị bàn tròn về Đời sống Đồng nghị Công Giáo Toàn quốc để thúc đẩy, đánh giá và báo cáo định kỳ về sự phát triển tài lãnh đạo đồng nghị khắp Giáo hội Úc.”

Đề nghị 7.5 kêu gọi cuộc nghiên cứu cách thực thi tài liệu “The Light from Southern Cross” [Ánh sáng Sao Phương Nam]. Bản văn, được công bố năm 2020, đưa ra 86 khuyến cáo về những thay đổi trong việc quản trị Giáo hội. Các tác giả của báo cáo bao gồm giáo sư thần học Massimo Faggioli của Đại học Villanova.

Các cử tri cũng tán thành hai đề nghị về hệ sinh thái toàn diện.

Đề nghị 8.1 kêu gọi tất cả các giáo xứ và giáo phận “chấp nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia Cương lãnh Hành động Laudato Si’ và một là khai triển các Kế hoạch Hành động Laudato Si’ hoặc tham gia các Kế hoạch Hành động Laudato Si’ hiện có.” Nó cũng ủng hộ “các sáng kiến trong Giáo hội và xã hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”.

Đề nghị 8.2 khuyến cáo các giáo xứ và tổ chức Công Giáo tham gia Cương lĩnh Laudato Si’ vào năm 2024 và tham gia vào Kế hoạch hành động Laudato Si’ vào năm 2030.

Ngày 8 tháng 7 là ngày bỏ phiếu cuối cùng - và có thể sẽ là một ngày căng thẳng vì các mục gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự dường như đã được để lại sau chót. Chúng bao gồm không những đề nghị sửa đổi về việc phong chức cho phụ nữ, mà còn bao gồm các đề xuất về việc giáo dân giảng trong Thánh lễ và sử dụng rộng rãi hơn việc giải tội chung thay vì giải tội cá nhân.

Có thể coi Thứ Năm như sự bình lặng giữa hai cơn bão.

3. Công đồng toàn thể Úc kết thúc với cuộc bỏ phiếu thống nhất

Ký giả Luke Coppen của tạp chí The Pillar tiếp tục tường trình ngày bỏ phiếu cuối cùng của Công đồng Toàn thể Úc.



Các thành viên của Công đồng Toàn thể của Úc đã ủng hộ 18 trong số 19 đề nghị vào hôm thứ Sáu, ngày bỏ phiếu cuối cùng trong cuộc họp kéo dài cả tuần đôi khi căng thẳng.

Những người tham gia cuộc họp ở Sydney ủng hộ các đề nghị sửa đổi về việc phong nữ phó tế và phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ mà ban đầu bị các giám mục của đất nước bác bỏ, gây ra một cuộc phản đối giận dữ.

Họ cũng đã bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 7 cho việc sử dụng rộng rãi hơn phép giải tội chung thay cho việc giải tội cá nhân và kêu gọi bản dịch mới tiếng Anh của Sách lễ Rôma để thay cho phiên bản được du nhập vào năm 2011. Nhưng Công đồng đã bác bỏ một đề nghị kêu gọi Vatican cho phép giáo dân giảng trong thánh lễ.

Các hành vi cuối cùng của Công đồng bây giờ sẽ phải được tổng hợp và gửi về Rome để phê chuẩn.

Họ bỏ phiếu ra sao: Phụ nữ trong Giáo hội

✔️ Nữ phó tế: Các thành viên đã bỏ phiếu về một đề nghị đã được sửa đổi nói rằng “luật phổ quát của Giáo hội có nên được sửa đổi để cho phép nữ phó tế hay không, Công đồng toàn thể khuyến nghị rằng các Giám mục Úc nên xem xét cách tốt nhất để thực hiện luật này trong bối cảnh của Giáo hội ở Úc ”- một bước lùi so với đề nghị ban đầu, là đề nghị thực sự kêu gọi Đức Giáo Hoàng cho phép truyền chức nữ phó tế.

Đề nghị đã giành được đa số đủ điều kiện (ít nhất là hai phần ba) trong số cả cử tri tham vấn (phần chủ yếu của các tham dự viên) lẫn cử tri tham nghị (giám mục).

✔️ Cơ hội mới cho phụ nữ: Một đề nghị khác ban đầu bị bác bỏ và sau đó được sửa đổi - các giáo phận cam kết “hỗ trợ, với sự đào tạo và công nhận thích hợp, các cơ hội mới cho phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ liên quan đến các khía cạnh quan trọng nhất của đời sống giáo phận và giáo xứ” - cũng đạt được đa số đủ điều kiện trong vòng đầu phiếu thứ hai.

✔️ Phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới: Các cử tri ủng hộ một tuyên bố dẫn nhập yêu cầu Giáo hội ở Úc hành động “theo những cách làm chứng rõ ràng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới,” “nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội” và “khắc phục những giả định, văn hóa, tập quán và ngôn ngữ dẫn đến bất bình đẳng.”

✔️ Lắng nghe quan điểm của phụ nữ: Một đề nghị cũng được thông qua: Giáo hội cam kết bảo đảm rằng “kinh nghiệm và quan điểm của phụ nữ, bao gồm cả những phụ nữ thực thi thừa tác vụ, được lắng nghe, xem xét và đánh giá cao ở bình diện địa phương, giáo phận và quốc gia”.

✔️ Thực thi các văn kiện: 277 thành viên Công đồng đã kêu gọi hai văn kiện trước đây của các giám mục Úc - Woman and Man: One in Christ Jesus [Người phụ nữ và Người đàn ông: là Một trong Chúa Giêsu Kitô] (1999) và Woman and Man: The Bishops Respond [Người đàn bà và Người đàn ông: Các Giám mục đáp ứng] (2000)- được thực thi “đầy đủ hơn”.

Họ bỏ phiếu ra sao: Các Bí tích

✔️ Bản dịch Thánh lễ mới bằng tiếng Anh: Cuộc họp ủng hộ việc yêu cầu ủy ban phụng vụ của các giám mục chuẩn bị “một bản dịch tiếng Anh mới cho Sách lễ Rôma vừa trung thành với bản văn gốc vừa nhạy cảm với lời kêu gọi phải có thứ ngôn ngữ truyền đạt rõ ràng và bao gồm mọi người trong cộng đoàn phụng vụ."

✔️ Người đọc sách, các thầy tư và giáo lý viên: Các tham dự viên yêu cầu các giáo phận cổ vũ việc “thực thi và đào tạo các thừa tác vụ đọc sách, thầy tư và Giáo lý viên.”

✔️ Duyệt lại các sách hướng dẫn về việc thuyết giảng: Các thành viên Công đồng ủng hộ một kiến nghị nói rằng, căn cứ vào các thay đổi trong 20 năm qua, Hội đồng giám mục nên xem xét lại sách hướng dẫn năm 2003 “cho giáo dân tham gia vào thừa tác vụ chính thức về Thuyết giảng trong Giáo hội Latinh, như đã được dự liệu ở điều 766 của Bộ Giáo luật.”

Giáo dân giảng lễ: Công đồng đã bác bỏ một kiến nghị tìm kiếm “một sự sửa đổi đối với điều luật 767 để cho phép trong Giáo hội Latinh, nơi thích hợp, những người được ủy thác thừa tác vụ giảng thuyết này được giảng trong Cộng đoàn Thánh Thể, dưới sự giám sát của đấng bản quyền địa phương.”

✔️ Dạy Giáo lý về Phép Xưng tội: Các tham dự viên yêu cầu ủy ban phụng vụ của các giám mục thiết kế “một chương trình lâu dài về việc dạy Giáo lý về Bí tích Sám hối để cổ vũ sự hiểu biết về các điều kiện cho và thực hành thích hợp từng hình thức trong số ba hình thức của Nghi thức Sám hối.”

✔️ Việc giải tội chung: Công đồng đã mời Đức Giáo Hoàng “xem xét xem liệu Hình thức thứ ba của Nghi thức Sám hối có thể được sử dụng rộng rãi hơn vào những trường hợp đặc biệt thích hợp hay không, với điều kiện các tín hữu hiểu về bản chất và yêu cầu đặc biệt của nó.”

Họ bỏ phiếu ra sao: Việc đào tạo

✔️ Mục vụ giới trẻ: Các thành viên ủng hộ một tuyên bố dẫn nhập yêu cầu “hỗ trợ và các chiến lược liên tục cho những người phục vụ giới trẻ,” cũng như quảng bá “sự đa dạng phong phú của các truyền thống tâm linh và sùng kính của Giáo hội” và “các thực hành đồng nghị như gặp gỡ, đồng hành, lắng nghe, đối thoại, biện phân và cộng tác.”

✔️ Các chính sách chiến lược: Các đại biểu tán thành một đề nghị yêu cầu các giáo phận cổ vũ “các chính sách chiến lược” để “nhận diện và hỗ trợ việc đào tạo mục vụ và lãnh đạo”.

✔️ Hợp tác: Các thành viên kêu gọi Hội đồng giám mục, Hiệp hội Kinh thánh Công Giáo Úc và Hiệp hội Thần học Công Giáo Úc giúp khai triển các chương trình đào tạo.

✔️ Nhóm công tác về việc đào tạo: Các cử tri đã yêu cầu các giám mục “thành lập một nhóm làm việc có chuyên môn trong việc đào tạo để khai triển các chiến lược và hướng dẫn Đào tạo Lãnh đạo toàn quốc được thiết kế cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và lãnh đạo giáo dân để bàn đến các khả thể và thách thức của lối lãnh đạo đồng nghị.”

✔️ Nhóm công tác về giáo huấn xã hội Công Giáo: Công đồng yêu cầu Hội đồng giám mục thành lập một nhóm làm việc để “khai triển một khuôn khổ quốc gia để đào tạo về Giáo huấn xã hội Công Giáo.”

Họ bỏ phiếu ra sao: Các đề nghị kết thúc

✔️ Duyệt xét 5 năm: Các thành viên ủng hộ kế hoạch theo dõi cách các nghị quyết được đưa vào thực hành trong “giai đoạn thực thi” kéo dài 5 năm. Sẽ có báo cáo tạm thời vào năm 2023 và 2025, và báo cáo cuối cùng vào năm 2027.

✔️ Duyệt xét các sắc lệnh trước đây: Một đề nghị được thông qua kêu gọi xem xét lại các sắc lệnh của Công đồng Toàn thể lần thứ tư của Úc vào năm 1937, “để xác định những sắc lệnh nào còn giá trị kéo dài đến nay” sau Công đồng Vatican II và những thay đổi đối với luật của Giáo hội.

✔️ Bế mạc công đồng: Một đề nghị cuối cùng đã chấp thuận việc kết thúc Công đồng toàn thể vào ngày 9 tháng 7.

Điều gì tiếp theo?

Sau ngày bỏ phiếu vĩ đại, Công đồng toàn thể đã kết thúc bằng một thánh lễ vào thứ Bảy tại Nhà thờ Chính tòa St. Mary ở Sydney.

Vào tháng 8, các hoạt động của phiên họp toàn thể lần thứ hai sẽ được chung kết và cần được gửi về Rome để phê chuẩn. Trở lại Úc, sẽ có một "cuộc thảo luận về con đường phía trước."