Công đồng Toàn thể Úc Châu đã họp tới nay là ngày thứ năm. Theo Catholic News Service, trong Thánh lễ khai mạc Công Đồng Toàn Thể ở Perth, Tây Úc, chủ tịch Công Đồng là Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, kêu gọi mọi người “không nên sợ sệt”. Ngài nói “giữa gió bão và sóng vùi đôi khi áp đảo chúng ta, chúng ta lại được nghe lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người ‘Các con hãy can đảm, Thầy ở với các con. Các con đừng sợ hãi”.



Không thụ phong, người phụ nữ vẫn đóng góp lớn lao

Được sự khích lệ ấy, các thành viên tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến bị không ít người cho là không thích đáng. Nhưng như Đức Phanxicô từng nói, Chúa dùng cả một con lừa để nói tiên tri trong câu truyện Balaam, phương chi là con người vốn mang hình ảnh Người.

Theo tờ Catholic Weekly, ngày 5 tháng 10, Monica Doumit thuộc Giáo Phận Nghi lễ Maronite đã lên tiếng. Cô cho biết tuy theo nghi lễ Maraonite, nhưng cô rất lưu ý tới nghi lễ Latinh, và vì thế cô rất hân hạnh được lên tiếng cho các phụ nữ Công Giáo thuộc cả hai nghi lễ. Tuy nhiên cô nhấn mạnh rằng quan điểm của cô không hẳn là quan điểm của mọi phụ nữ Công Giáo. Bởi họ thuộc nhiều nhóm khác nhau với những hồng phúc, những cuộc đấu tranh và ước nguyện khác nhau.

Nhưng ít nhất, trước khi lên tiếng, cô đã thăm dò các thành viên của Phong trào Phụ nữ Maronite và đa số họ đều muốn Công đồng hỗ trợ nhiều hơn cho các giáo hội tại gia (gia đình). Các phụ nữ này muốn có nhiều sáng kiến hơn giúp họ trải nghiệm “niềm đau của hiếm muộn, xẩy thai, nuôi dưỡng con cái có những nhu cầu đặc biệt, chăm sóc cha mẹ già, nuôi dưỡng con cái trong đức tin trong khi thế giới bao quanh chúng thờ ơ và thậm chí thù địch với đức tin này. Họ cũng muốn được hỗ trợ trong thời gian chuyển tiếp từ giai đoạn độc thân sang giai doạn làm vợ và làm mẹ”.

Cô cho biết cô không có ý định bàn đến vấn đề truyền chức cho phụ nữ, vì đây không phải là một vấn đề đối với phụ nữ Maronite cũng như những người đồng thời với cô hay trẻ hơn thuộc nghi lễ Latinh. Nhưng cô cảm thấy cần lên tiếng vì nó đã được nêu ra trong buổi khai mạc.

Theo cô, việc nghĩ rằng phụ nữ chỉ bình đẳng trong Giáo Hội nếu được thụ phong đã làm giảm giá trị các đóng góp phi thường mà phụ nữ vốn đã thực hiện và còn tiếp tục thực hiện trong Giáo Hội. Thậm chí đó còn là điển hình của thái độ giáo sĩ trị mà oái oăm thay những người cổ vũ việc phong chức cho phụ nữ vốn cực lực phê phán.

Các giáo dân nam nữ vốn phục vụ Giáo Hội hàng ngày trong một loạt các vai trò khác nhau theo rất nhiều hồng phúc như Thánh Phaolô từng nói. Chúng ta không cần thay thế hàng giáo sĩ để được bình đẳng trong Giáo Hội vì đạo Công Giáo không phải là trò chơi cộng lại thành số không (zero sum game). Chúng ta phát triển khi phục vụ trong tinh thần hợp tác chứ không cạnh tranh với chức linh mục. Hãy xem gương Thánh Mary Thánh Giá (McKillop) và Cha Julian Tenison Woods, Tôi tớ Chúa Eileen O’Connor và Cha Ted McGrath như hai điển hình tuyệt diệu của Úc về sự hợp tác này.

Cô có lời này thưa với các phụ nữ Úc: “Xin các chị đừng lắng nghe bất cứ ai nói với các chị rằng các chị kém giá trị hay việc phục vụ của các chị kém quan trọng hơn thừa tác vụ thụ phong. Xin các chị vui lòng đừng để những tiếng nói đó ngăn cản các chị phục vụ Giáo Hội với mọi điều các chị hiện có. Giáo Hội tại Úc rất cần và ước mong sự khôn ngoan, lòng tương cảm và thiên tài của các chị”.

Hỗ trợ các phong trào mới nhiều hơn

Trong khi đó, cũng theo tờ Catholic Weekly, vào ngày họp mồng 7 tháng 10 hôm nay, Cha Eric Skruzny, Giám đốc Chủng viện Truyền giáo Redemptoris Mater ở Sydney, một chủng viện do Con Đường Tân Dự Tòng (Neocatechumenal Way) điều khiển, lên tiếng phàn nàn Công đồng này ít có đại diện của các phong trào mới trong Giáo Hội, một phát kiến tuyệt vời của Vatican II.

Cha cho rằng Con Đường Tân Dự Tòng rất thành công trong việc đào tạo các môn đệ, các nhà truyền giáo và thậm chí gần đây các thừa tác viên thánh thiện. Tất cả là nhờ hàng loạt các bài giáo lý dành cho người lớn do đội ngũ giáo dân đảm nhiệm, thực hiện trong khung cảnh cùng lắng nghe lời Chúa như một cộng đồng trong cộng đồng giáo xứ, nhờ thế, tín hữu trải nghiệm một cử hành hân hoan hơn các buổi phụng vụ. Kết quả cộng đồng giáo xứ “tiếp tục nâng đỡ nhau trên hành trình đức tin cả 40 năm nay. Ngay COVID-19 cũng không giết chết được đời sống của cộng đồng chúng tôi”.

Cha xin Công đồng “ủng hộ, khuyến khích và hỗ trợ Các Thực Tại và Phong Trào Giáo Hội Mới và đừng ngã vào phương thức hư cấu khoa học học thuật chuyên hòa lẫn vào nhau một cơ chế hay kế hoạch lai căng, trông giống như một thứ sáng chế đầy thất vọng của
Frankenstein hơn là nhiệm thể tươi đẹp của Chúa Kitô”.

Thừa nhận nỗi đau của những người bị lạm dụng và bị tổn thương

Theo tờ Catholic Leader, cũng vào ngày 7 tháng 10, Sư huynh Peter Carroll FMS, giám tỉnh Dòng Marist và là thành viên của Công đồng, nói rằng mặc dù Công Đồng “bàn về việc họach định con đường tương lai, nhưng chúng ta không thể bỏ qua các thảm kịch quá khứ”

“Chúng ta phải giải quyết tội lỗi của chúng ta và giao hòa tương lai của chúng ta với quá khứ của mình. Chúng ta phải tìm sự tha thứ và tạo điều kiện cho việc hàn gắn... Chúng ta cần nhìn nhận trách nhiệm đối với những gì đã xẩy ra. Chúng ta cần lắng nghe và đồng hành với những người đau khổ...”

Sư huynh Carroll, người cũng là chủ tịch Các Dòng Tu của Úc, khẩn khoản yêu cầu Công Đồng xem xét để có một đáp ứng công cộng đối với các nạn nhân và người sống sót nạn lạm dụng tình dục.

Đức Tổng Giám Mục Costelloe, Chủ tịch Công Đồng, trong bài diễn văn khai mạc, cũng nói tới nỗi đau trên. Ngài nói “... Cộng đồng Công Giáo Úc phải đối diện với thực tại chúng ta đã phản bội rất nhiều người trẻ của chúng ta qua nỗi kinh hoàng của lạm dụng tình dục... Chúng ta mang theo gánh nặng nhục nhã với chúng ta vào phiênhọp này, và cũng mang theo niềm xác tín tuyệt đối rằng việc quan tâm đối với những người cịu quá nhiều đau khổ đến thế, và trách nhiệm của chúng ta phải làm cho Giáo Hội của chúng ta thành nơi an toàn và an ninh cho các trẻ em của chúng ta, giới trẻ của chúng ta và những người lớn dễ bị tổn thương, phải mãi là hai khía cạnh nền tảng của đời sống và thừa tác vụ của chúng ta như là Giáo Hội ở Úc”.

Trong khi đó, Claire Victory, chủ tịch toàn quốc của Hội Thánh Vincent de Paul lưu ý Công Đồng tới số phận những người bị hất hủi, bị đẩy qua bên lề.

Bà nói: “Giáo Hội nên là nơi đầu tiên để người bị xã hội loại trừ hay làm ngơ, bà mẹ đơn chiếc hay thiếu nữ mang thai, người đang lao đao về tính dục hay phái tính, tìm được sự nghinh đón và hỗ trợ”.

Thomas Warren, một đại biểu từ giáo phận Brisbane, cũng nhấn mạnh tới khía cạnh này. Anh nói “Nếu chúng ta không ra ngoài và thực hiện các thay đổi và giúp người nghèo, chữa người bệnh và cho người không quần áo ăn mặc, thì thực sự làm người Công Giáo chẳng có nghĩa gì”.

Thừa nhận di sản Đệ nhất Quốc gia

Cũng theo Catholic Leader, trong phiên họp ngày 5 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của tổng giáo phận Brisbane và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc hy vọng rằng cuộc họp Công Đồng Toàn Thể tuần này sẽ công bố việc mình ủng hộ tiếng nói của người Thổ Dân trong hiến pháp quốc gia, cụ thể là công khai và rõ ràng ủng hộ Tuyên Bố Uluru Từ Trái Tim trong đó, có yêu cầu chủ chốt là tổ chức cuộc trưng cầu dân ý (referendum) về việc liệu Người Thổ Dân và Hải đảo Torres Strait có nên có tiếng nói trước Quốc hội được ghi trong Hiến Pháp Úc hay không.

Đây không hẳn là viện thứ ba cho bằng là cơ quan tư vấn cho Quốc hội về các chính sách và luật lệ liên quan tới họ.

Cô Toni Janke, một người Thổ dân Công Giáo, cũng trong ngày 5 tháng 10, cho rằng cuộc họp lịch sử này đã cho thấy các dấu hiệu Giáo Hội có thể “bắc cầu phân cách” với người của Đệ Nhất Quốc Gia.

Cô nói: “Tôi nghĩ đã có một cảm thức hy vọng thực sự. Người ta nói đến việc làm việc với nhau, bước đi với nhau, việc cần Giáo Hội phải thực sự tìm những cách mới mẻ để giao tiếp với các gia đình và cộng đồng của Đệ Nhất Quốc Gia”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết ngài ủng hộ việc mọi giáo phận khắp Úc Châu đưa ra các kế hoạch hành động hòa giải. “Tôi thậm chí có thể đệ trình một kế hoạch như thế cho Công Đồng Toàn Thể vào cuối tuần này”.

Dĩ nhiên, còn nhiều tiếng nói khác đã được gióng lên nhưng các ý kiến mà Cha Skruzny ví như một thứ khoa học hư cấu và Doumit cho là không phản ảnh đa số tín hữu không nổi bật bao nhiêu trong khung cảnh “trực tuyến” của Công Đồng này.

Bản tin chính thức từ Trang mạng của Công đồng về ngày sinh hoạt 6 tháng 10 có tựa đề như sau: “Các thành viên giải đáp những câu hỏi lớn mà Giáo hội phải đối diện”. Chúng tôi xin chuyển ngữ sang tiếng Việt như dưới đây:



278 thành viên của Hội đồng Toàn thể lần thứ năm của Úc đã tiếp tục mổ xẻ 16 câu hỏi liên quan đến cách chúng ta có thể tạo ra một Giáo hội truyền giáo hơn, lấy Chúa Kitô làm trung tâm tại Úc vào lúc này.

Sau các cuộc thảo luận rộng rãi của các phiên họp nhóm nhỏ đầu tiên vào thứ Hai, “các cuộc đàm đạo thiêng liêng” của ngày hôm qua đã chuyển sang các câu hỏi, các gợi ý và thậm chí cả đề nghị cụ thể hơn.

Suy gẫm bài đọc Phúc âm trong ngày về Mácta và Maria (Lc 10: 38-42), các nhóm nhỏ tiếp tục cuộc biện phân của họ và báo cáo lại trong buổi họp tòan thể được truyền hình trực tiếp sáng nay.

Về chủ đề hoán cải, Helen Belcher nói với buổi họp toàn thể rằng nhóm của cô đã bắt đầu xem xét các điểm cụ thể xung quanh việc huấn luyện và đào tạo, các cộng đồng giáo hội nhỏ (gia hộ / các nhóm gia đình), những thay đổi về cơ cấu chẳng hạn như thượng hội đồng giáo phận và hội đồng mục vụ giáo xứ, và việc giảng dạy của giáo dân nam nữ.

Cô cho biết các yếu tố trong lời cầu nguyện và sự biện phân của nhóm bao gồm nhu cầu "phải xuống núi và sống trong thế giới"...

Carol Teodori-Blahut cho biết nhóm của cô đã nghe Chúa Thánh Thần kêu gọi họ “nêu tên và phản ứng mặt tối của Giáo hội và xã hội của chúng ta, trong đó chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chính sách loại trừ và bất công đã gây ra chấn thương, vết thương và đau khổ”.

Cô nói: “Việc nói thật xung quanh phía này của câu chuyện của chúng ta thực sự quan trọng".

Trong khi nhóm chưa xác định được bất cứ hành động cụ thể nào, hai chủ đề nổi lên là “khao khát một Giáo hội biết tôn vinh và mang người bản địa và những người khác vào cuộc đối thoại trân trọng” và lời kêu gọi khẩn cấp sử dụng “đặc quyền và tiếng nói của chúng ta để tác động đến xã hội” và thay đổi cơ cấu từng dẫn đến bất công và đau khổ.

Cha Peter Whiently nói với cuộc họp toàn thể rằng việc biện phân của nhóm ngài về cầu nguyện đã làm dấy lên lo ngại rằng “quá ít người trẻ trong các trường học của chúng ta chưa được mời gọi bước vào mối quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu”.

Ngài cho biết nhóm đã đặt câu hỏi làm thế nào Giáo hội có thể thu hút mọi người cầu nguyện, đặc biệt là khi mọi người cảm thấy mất nối kết do COVID.

Các cuộc thảo luận cũng xem xét việc nhiều người không cảm thấy được chào đón trong cộng đồng của chúng ta: “Đôi khi chúng ta bị coi là quá ‘câu lạc bộ’ hoặc quá thoải mái trong những gì chúng ta hiện đang làm?”

Giải quyết câu hỏi làm thế nào Giáo hội có thể tiếp nhận tốt hơn các truyền thống phụng vụ đa dạng của các Giáo hội và cộng đồng nhập cư, Tiến sĩ Maeve Heaney cho biết nhóm của bà đã suy nghĩ về việc cần phải biết và hiểu các nghi lễ và cử hành của nhau thông qua việc giáo dục tại trường học và trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo và giáo sĩ tương lai.

Bà nói, mục đích là loại bỏ cảm thức thượng tôn của bất cứ nghi lễ nào so với nghi lễ khác và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, nhóm đề nghị cần có một cơ quan hoặc ủy ban toàn quốc.

Đáng chú ý, nhóm đã bỏ phiếu cho hai đề xướng: ngừng sử dụng thuật ngữ cộng đồng nhập cư và sử dụng ngôn ngữ phản ảnh thực tại liên văn hóa của chúng ta; và đề nghị rằng lời cầu nguyện và các phụng vụ của phiên họp toàn thể thứ hai của Công đồng Toàn thể phản ảnh tính đa dạng của các nghi lễ trong Giáo hội ở Úc.

Việc đào sâu ý niệm lãnh đạo và việc phân biệt giữa sứ mệnh và thừa tác vụ là cơ sở để nhóm của Gabriele Turchi biện phân rõ về việc đào tạo. Ông cho biết cũng có các cuộc thảo luận thực tế xung quanh “tính dễ tiếp cận, việc cạnh tranh với lối sống bận rộn, giá trị của việc làm và những thách thức mà người lao động phải đối đầu và căng thẳng đối với gia đình và hôn nhân”.

Cũng đề cập đến việc đào tạo, khi nói đến việc trang bị cho các thừa tác viên thụ phong trở thành những người giúp đỡ việc tạo tư cách môn đệ truyền giáo, Gemma Thomson cho biết nhóm của cô nghĩ rằng sự thánh thiện “phải nhìn ra ngoài cũng nhiều như nhìn vào bên trong”.

Bà giải thích “cần phải thay đổi văn hóa, chứ không chỉ thay đổi cơ cấu”.

Nhóm thăm dò “thừa tác vụ hiện diện” và các khía cạnh thực tế của vai trò linh mục nhằm giải phóng các ngài để các ngài tập trung vào mối quan hệ. Các chủ đề khác được thảo luận là về sự hợp tác, giám sát chuyên nghiệp và nhu cầu trở về và bắt đầu với Chúa Giêsu và là “Chúa Giêsu linh mục”.

Các chủ đề tương tự xuất hiện trong cuộc thảo luận nhóm về cơ cấu giáo xứ được Raj Rajasingam báo cáo như sau: hiện có việc thiếu hiểu biết về các linh mục và các nhà lãnh đạo giáo xứ trong các vai trò của họ, điều này có thể dẫn đến căng thẳng. Nhu cầu về vai trò mới của giáo lý viên cũng đã được nêu lên.

Tiến sĩ Nimmi Candappa cho biết nhóm của bà nhận ra rằng việc quản trị hữu hiệu sẽ thăng tiến nếu có sự hợp tác giữa năng khiếu của các giáo dân và hàng giáo sĩ được đào tạo vững vàng, những giáo sĩ “thực sự là những nhà lãnh đạo mục vụ với đức tin trưởng thành”.

Bà nói, “Thẩm quyền thực sự được coi là khả năng ‘đem vào thực tại’ (bring into being)”.

Nhóm ý thức rằng trước đây có rất nhiều việc đã được thực hiện về việc quản trị, với các tài liệu như Light from the Southern Cross (Ánh sáng từ Sao Thánh Giá Phương Nam) và ấn phẩm Woman and Man (Người đàn bà và đàn ông), cung cấp nhiều khuyến cáo rõ ràng nhưng vẫn có những trở ngại hoặc chống đối việc thực hiện chúng. Có câu hỏi điều gì hiện đang ngăn cản việc phong phụ nữ làm phó tế.

Nhóm đặt câu hỏi liệu bộ máy hành chính của Giáo hội có đang phục vụ người dân tốt hay không: “Việc thích ứng để đáp ứng nhu cầu mục vụ dễ dàng ở một số cộng đồng nhưng trái lại gặp trở ngại ở các khu vực khác".

Cũng xem xét vấn đề quản trị, Danny Casey cho biết nhóm của ông đã thảo luận sự cần thiết phải rõ ràng về sứ mệnh và lưu ý tầm quan trọng phải duy trì bản sắc Công Giáo trong việc làm của các cơ quan.

Ông nói, “Cơ cấu và quản trị không thực hiện việc cứu rỗi; việc này là của con người”.

Nhóm cũng nói về tầm quan trọng của việc trở thành một “Giáo hội hướng ra bên ngoài” và vì mục đích này, nhóm mong muốn mời các chuyên gia đóng góp ý kiến vào “lý do tại sao” của việc truyền giáo.

Báo cáo cuối cùng của nhóm nhỏ, của Cha Cameron Forbes, đề cập đến vấn đề giáo dục Công Giáo và mong muốn củng cố mối liên hệ với đức tin và đồng hành với các bậc cha mẹ như các nhà giáo dục đầu tiên.

Ngài nói: “Thách thức hiện nay của các nhà giáo dục là bảo đảm để mọi người đều nhận được cảm thức được chào đón khi chúng ta đồng hành với họ hướng tới đức tin, tránh được nhiều phân tâm hiện có”.