Hãng tin A.P.

Với hàng tít “Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói Ukraine nên xem xét việc thương thuyết châm dứt chiến tranh”, A.P. viết rằng theo Đức Phanxicô, đối diện với một thất bại có thể xảy ra, Ukraine nên can đảm đàm phán chấm dứt chiến tranh với Nga và không xấu hổ khi ngồi cùng bàn để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn kiên quyết không tham gia trực tiếp với Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình, và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần nói rằng quyền chủ động trong các cuộc đàm phán hòa bình phải thuộc về quốc gia bị xâm lược.

Nga đang lấy lại động lực trên chiến trường trong cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba và Ukraine đang sắp hết đạn dược. Trong khi đó, một số đồng minh phương Tây của Ukraine đang tế nhị đề xuất khả năng gửi quân tới.

Trong suốt cuộc chiến, Đức Phanxicô đã cố gắng duy trì tính trung lập ngoại giao truyền thống của Vatican, nhưng điều đó thường đi kèm với sự đồng cảm rõ ràng với lý do căn bản của việc Nga xâm lược Ukraine, chẳng hạn như khi ngài lưu ý rằng NATO đang “xủa ở cửa của Nga” với việc mở rộng về phía đông của họ.

Hãng CNN

Với hàng tít “Đức Giáo Hoàng gây phẫn nộ sau khi nói Ukraine nên có ‘can đảm treo cờ trắng’ và thương lượng”, CNN cho hay: Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã được hỏi liệu ngài có nghĩ rằng các cuộc đàm phán sẽ “hợp pháp hóa phía mạnh hơn” hay không.

Ngài trả lời: “Đó là một cách giải thích. Nhưng tôi tin rằng kẻ mạnh hơn là người nhìn rõ tình hình, nghĩ đến người dân, dũng cảm cầm cờ trắng để đàm phán”.

Những bình luận này đã khiến Kiev phản ứng nhanh chóng, nơi đã chứng kiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và đang tìm cách chiếm lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm giữ.

“Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà chúng tôi sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo bất kỳ lá cờ nào khác”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm Chúa nhật.

Ông nói: “Người mạnh nhất là người, trong cuộc chiến giữa thiện và ác, đứng về phía thiện hơn là cố gắng đặt họ ngang hàng và gọi đó là ‘đàm phán’.

Nói chuyện với người Ukraine ở New York hôm thứ Bảy, Đức Cha và Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, Tổng giám mục Sviatoslav, nói rằng “Ukraine bị thương, nhưng không bị khuất phục” và không ai nghĩ đến việc nhượng bộ.

“Tôi muốn nói với các bạn một điều từ người dân Ukraine,” Đức Cha Sviatoslav nói, theo một tuyên bố từ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp. “Ukraine kiệt sức nhưng vẫn đứng vững và sẽ đứng vững! Hãy tin tôi, thậm chí không ai nghĩ đến việc đầu hàng, ngay cả ở những nơi mà ngày nay giao tranh vẫn đang diễn ra”.

Các nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng lên án bình luận của Đức Phanxicô.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết hôm Chủ nhật trên một bài đăng trên X, “Để cân bằng, sao không khuyến khích Putin có can đảm rút quân khỏi Ukraine. Hòa bình sẽ ngay lập tức xảy ra mà không cần đàm phán.”

Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs nói trong một bài đăng trên X, “Quan điểm Sáng Chúa nhật của tôi: Người ta không được đầu hàng khi đối mặt với cái ác, người ta phải chiến đấu và đánh bại nó, để cái ác giương cờ trắng và đầu hàng,”.

Alexandra Valkenburg, trưởng phái đoàn EU tại Tòa thánh, cho biết hôm Chúa nhật rằng “Nga đã bắt đầu một cuộc chiến bất hợp pháp và phi lý chống lại Ukraine hai năm trước” và Nga “có thể chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức” bằng cách tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tờ The Telegraph, London

Tựa đề “Ukraine chỉ trích lời kêu gọi đàm phán với Nga của Đức Giáo Hoàng”, tờ The Telegraph cho hay Ukraine đã chỉ trích lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đàm phán với Nga sau hai năm bị xâm lược, đồng thời thề “không bao giờ” đầu hàng sau khi giáo hoàng nói rằng Kyiv nên “có can đảm để giương cờ trắng”.

Nhà lãnh đạo Công Giáo đã làm dấy lên sự tức giận ở Kyiv sau khi nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Ukraine nên đàm phán với Nga, quốc gia đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine trong chiến tranh.

“Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà chúng tôi sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo bất cứ lá cờ nào khác”, Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, cho biết trên mạng xã hội hôm Chúa nhật.

Trong khi chiến đấu với nước láng giềng lớn hơn, Ukraine đã thề sẽ không từ bỏ lãnh thổ của mình. Đức Giáo Hoàng đã khơi dậy sự tức giận khi nói: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không suôn sẻ, hãy can đảm để thương lượng”.

Ông Kuleba kêu gọi vị giáo hoàng lớn tuổi hãy “đứng về phía điều tốt” và không đặt các bên đối lập “cùng quan điểm và gọi đó là ‘đàm phán’”.

Ông cũng dường như đề cập đến sự hợp tác của Giáo Hội Công Giáo với các lực lượng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai: “Đồng thời, khi nói đến cờ trắng, chúng tôi biết chiến lược này của Vatican từ nửa đầu thế kỷ 20,” ông Kuleba nói.

“Tôi kêu gọi các bạn tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và hãy ủng hộ Ukraine và người dân nước này trong cuộc đấu tranh chính nghĩa cho cuộc sống của họ.”

Ông cũng cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì “đã liên tục cầu nguyện cho hòa bình” và cho biết Kyiv hy vọng ngài sẽ đến thăm Ukraine.

“Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng sau hai năm chiến tranh tàn khốc ở trung tâm Châu Âu, Đức Thánh Cha sẽ tìm được cơ hội thực hiện chuyến tông du tới Ukraine để hỗ trợ hơn một triệu người Công Giáo Ukraine, hơn năm triệu người Công Giáo Hy Lạp và tất cả người dân Ukraine,” ông Kuleba nói.

Hãng AFP

Với hàng tít: “Kyiv phản đối lời kêu gọi 'cờ trắng' của Giáo hoàng, thề không đầu hàng Nga”, hãng này tường trình như sau:

Ukraine hôm Chúa nhật đã chỉ trích lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đàm phán với Nga sau hai năm bị xâm lược, đồng thời thề "không bao giờ" đầu hàng sau khi giáo hoàng nói rằng Kyiv nên "có can đảm giương cờ trắng".

Nhà lãnh đạo Công Giáo 87 tuổi đã làm dấy lên sự tức giận ở Kyiv vào cuối tuần này sau khi ngài nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Ukraine nên đàm phán với Nga, quốc gia đã chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của mình trong cuộc tấn công.

Đây không phải là tuyên bố đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gây ra sự phẫn nộ ở Ukraine. Giáo hoàng cũng đưa ra những tuyên bố bị Nga chỉ trích.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà nhờ đó chúng tôi sống, chết và thống trị. Chúng tôi sẽ không bao giờ treo bất kỳ lá cờ nào khác”.

Để thể hiện sự tức giận của Kyiv, các quan chức Ukraine đã so sánh tuyên bố của Đức Phanxicô với một số tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo cộng tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Đại sứ Ukraina tại Vatican, Andrii Yurash, còn đi xa hơn khi so sánh đề xuất đàm phán của Đức Giáo Hoàng với việc nói chuyện với Adolf Hitler:

“(Bài học) chỉ có một – nếu chúng ta muốn kết thúc chiến tranh, chúng ta phải làm mọi cách để giết (con) Rồng!”, ông nói trên mạng xã hội.

Sau khi cuộc phỏng vấn được phát sóng, Đức Phanxicô đã đưa ra những lời cầu nguyện mới cho “những người Ukraine tử đạo”, vì các quan chức Vatican cho biết lời kêu gọi của ngài chỉ nhằm mục đích chấm dứt giao tranh ác liệt.

Vào tối thứ Bảy, Vatican đã đưa ra một tuyên bố khẳng định việc Đức Giáo Hoàng sử dụng cụm từ “cờ trắng” – một dấu hiệu đầu hàng được sử dụng rộng rãi trên chiến trường – có nghĩa là “sự chấm dứt thù địch, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với sự can đảm của đàm phán".

Nhưng lời nói của giáo hoàng được nhiều người hiểu là lời kêu gọi đầu hàng và bị một số nhà ngoại giao phương Tây chỉ trích.

Bernhard Kotsch, đặc phái viên của Đức tại Vatican cho biết: "Nga là kẻ xâm lược và vi phạm luật pháp quốc tế! Vì vậy, Đức yêu cầu Moscow dừng chiến tranh chứ không phải Kyiv!".

Đức Phanxicô đã bị chỉ trích trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022 của Nga vì đã không nêu tên Moscow là kẻ xâm lược.

Ngài cũng bị Ukraine chỉ trích vào năm ngoái khi được cho là ca ngợi các nhà lãnh đạo đế quốc Nga Peter Đại đế và Catherine II.

Đức Giáo Hoàng cũng đã gây khó chịu ở Nga, khi ngài nói vào mùa đông năm 2022 rằng các lực lượng "tàn ác nhất" của họ ở Ukraine "không phải theo truyền thống của Nga", mà là các nhóm thiểu số như "người Chechnya, Buryati, v.v.".

Vatican sau đó đã chính thức xin lỗi Moscow.