Ngày 08-05-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 09/05: Ít lâu là bao lâu – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP
Giáo Hội Năm Châu
01:54 08/05/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an,

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’?” Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!” Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:02 08/05/2024

3. Hành vi là hướng cuối cùng của suy niệm, suy niệm về giới luật của Thiên Chúa thì nên theo giới luật của Thiên Chúa mà thực hành, như thế việc làm của suy niệm mới là hoàn thành.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:05 08/05/2024
50. KHÔNG NHƯ THỢ MAY

Một năm trời hạn hán, thái thú ra lệnh cho pháp sư tế trời cầu mưa.

Pháp sư tế đã mấy ngày mà vẫn không có mưa, thái thú rất tức giận nên trừng phạt pháp sư.

Pháp sư bẩm báo:

- “Tiểu bần đạo bản lãnh thì vẫn như thường, nhưng không bằng tên thợ may nọ, nói mới giỏi.”

Thái thú hỏi:

- “Mày nói vậy là có ý gì?”

Pháp quan trả lời:

- “Nó muốn một mét thì là một mét.”

(Tiếu lâm)



Suy tư 50:

Chuyện của thầy pháp thầy cúng và ông thợ may thì không giống nhau, thầy pháp cúng tế cầu mưa thì là may rủi nhưng thợ may thì chắc ăn khi đo may áo quần cho người ta; pháp quan cầu mưa thì chỉ có một vài câu niệm chú cho nên không linh thiêng, nhưng thợ may thì càng may càng tinh vi và càng điêu luyện tay nghề...

Có những người Ki-tô hữu khi cầu nguyện thì cứ cầu nguyện theo thói quen, hể mở miệng cầu nguyện là xin ơn này đến ơn khác và chỉ xin cho mình, nên không tìm thấy được cốt lõi của sự cầu nguyện, họ đã làm giảm giá trị của lời cầu nguyện mà không biết.

Cầu nguyện theo thói quen thì giống như thầy pháp đọc chú niệm bùa lãi nhãi, nhưng nếu biết phóng xa lời cầu nguyện, nghĩa là biết nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, thì lời cầu nguyện của mình sẽ thêm phong phú và có ý nghĩa hơn và sẽ không sợ lời nguyện bay vào hư không, bởi vì Thiên Chúa là Đấng thương xót và thích nghe lời cầu nguyện của những người luôn nhớ đến tha nhân trong khi cầu nguyện, mà quên cầu nguyện cho chính bản thân mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Sống mầu nhiệm Chúa lên trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:03 08/05/2024
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA LÊN TRỜI
(Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên )

Mùa Phục Sinh theo niên lịch Phụng vụ sắp kết thúc. Hội Thánh dẫn đoàn con đến với mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên. Dĩ nhiên là Kitô hữu trưởng thành, hẳn chúng ta không còn ngây ngô nhìn lên khoảng không gian trên trời để tìm xem nơi Chúa đã về. Chúa về trời nghĩa là Chúa lấy lại vinh quang của một Thiên Chúa có từ đời đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Điều này được Thánh Kinh trình bày khi nói Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha (x.Eph.1,20-21). Và chúng ta có thể nói rằng mầu nhiệm Chúa về trời như là một trong những điểm tới của nhiệm cục cứu độ.

1. Mầu nhiệm Chúa về trời khẳng định “thần tính” của Đấng vào đời: Không ai có thể lên trời nếu người đó không từ trời mà xuống (x.Ga 3,13). Đấng từ trên cao xuống là Đấng vượt trên muôn vật muôn loài. Khi tuyên xưng Đức Kitô về trời chúng ta không chỉ tuyên xưng một biến cố mà là tin nhận một quá trình. Đó là “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,6-11).

2. Mầu nhiệm Chúa về trời là nền tảng cho niềm hy vọng của con người: Chúa Kitô bỏ vinh quang danh dự của mình khi vào đời để rồi sau đó lấy lại thì có liên quan gì đến loài người chúng ta cũng như mọi loài thụ tạo? Xin thưa rằng có. Khi về trời, ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang bất diệt thì trong Chúa Kitô đã có tất cả những gì là thuộc nhân tính, thuộc thế trần. Bởi vì những gì thuộc thế trần, thuộc nhân tính đã được Đức Kitô tiếp nhận khi vào trần gian. Chính vì thế, từ đây mọi sự mọi loài, đặc biệt loài người chúng ta có thể đi vào cõi vinh quang vĩnh hằng chính là nhờ, với và trong Đức Kitô. Cái hữu hạn từ đây có thể trở nên thường tồn. Sự chóng qua từ đây có thể trở nên bất diệt. Và điều này đáp ứng nỗi khát mong muôn thưở của con người đó là được sống mãi. Niềm hy vọng của con người về sự trường sinh đã được mở ra với mầu nhiệm Chúa Kitô lên trời. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả khẳng định rằng khi mừng mầu nhiệm Chúa lên trời là “chúng ta đang tưởng niệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha” (Bài đọc 2 giờ Kinh Sách Thứ Năm tuần VI mùa Phục Sinh).

3. Mầu nhiệm Chúa về trời mời gọi, đúng hơn là thúc bách ta rao truyền tin vui: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,17-20).” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, đồng thời tin nhận Người đã đưa các thực tại trần thế vào vinh quang Thiên Chúa với mầu nhiệm Thăng Thiên thì không chỉ củng cố niềm hy vọng của chúng ta mà còn thúc bách ta rao giảng Tin Mừng. Nội hàm chủ yếu của Tin Mừng chính là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân trần mãi đồng hành với nhân loại mọi nơi, mọi thời. Thiên Chúa đã cắm lều giữa trần gian là ở mãi với nhân loại. Người mãi đồng hành với chúng ta, đặc biệt bằng Thánh Thần Người ban tặng, bằng Lời của Người đã trao ban, bằng các Bí tích, bằng Hội Thánh Người đã thiết lập…

4. Mầu nhiệm Chúa về trời đòi hỏi chúng ta làm cho cuộc đời hữu hạn này trở nên thường tồn. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?…” (Cvtđ 1,11). Ái mộ những sự trên trời không có nghĩa là ái mộ những sự gì đó trên cao xanh mà là ái mộ những sự vĩnh hằng, những sự không thể bị kẻ trộm lấy mất hay mối mọt làm hư hoại (x. Mt 6,20). Lòng ái mộ này thúc bách ta không ngừng tìm cách vĩnh cửu hóa các thực tại chóng qua. Mọi sự, dù là bình thường hay tầm thường đều có thể trở thành phi thường trong tình yêu của Đấng Cứu Độ dành cho nhân trần. Tình yêu ấy có thể hiện rõ qua Lời Chúa, qua các Bí tích, qua Hội Thánh. Nhưng tình yêu ấy cũng có thể bàng bạc khắp mọi nơi bằng quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn luôn tự do như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (x.Ga 3,8). Cùng với Thánh Thần, Hội Thánh không ngừng làm cho Nước Trời trị đến mọi lúc, mọi nơi, trong mọi thực tại của kiếp người: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, giải trí, truyền thông…

Chính nhờ, với và trong tình yêu của Đức Kitô thì các thực tại trần gian trở thành vĩnh cửu. Đây là tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một tình yêu hướng tha. Và Chúa Kitô đã cụ thể hóa tình yêu ấy bằng sự hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại (x.Ga 15,13). Ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa (x.1Ga 4,7-21). Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong Nước Trời. Tuy nhiên, tình yêu ở đây phải là tình yêu một cách nào đó như Chúa Kitô yêu thương chúng ta (x.Ga 13,34-35). Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thực thi điều này. Dù ở trong đan viện, kín cổng cao tường, chị đã làm cho những việc bé nhỏ, bình thường, và cả tầm thường như quét nhà, giặt giũ…trở nên phi thường bất diệt bằng chính con tim tràn đầy tình mến của chị. Nước trời không ở đâu xa. Nước trời đang ở giữa chúng ta. Chính vì thế, ta có thể nói rằng đừng tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời ở một cõi nào đó trên cao, nhiều khi khiến chúng ta đâm ra ảo tưởng, xa rời thực tế, bỏ bê bổn phận, nhưng hãy làm cho hạnh phúc thành hiện thực ngay ở đây, lúc này, tức là làm cho “Nước Cha trị đến” vậy.

Ban Mê Thuột
 
Vinh quang và Sứ mạng
Lm. Thái Nguyên
05:07 08/05/2024

VINH QUANG VÀ SỨ MẠNG
Chúa Nhật 7 Phục Sinh B. Lễ Chúa thăng thiên : Mc 16,15-20
Suy niệm

Chúng ta mừng Đức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài được Chúa Cha tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mạng Cha trao phó, là hoàn tất công trình cứu độ nhân loại qua cái chết và sự Phục Sinh. Thánh Máccô chỉ ghi vắn tắt là: “Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Thế nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta cho đến ngày tận thế (Mt 28, 20)

Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài xa cách chúng ta, mà trái lại, Chúa càng ở gần chúng ta hơn. Khi xưa Ngài hiện diện hữu hình nên hạn chế mình vào một vài nơi chốn, chỉ ở gần bên với một số người. Nay Ngài hiện diện vô hình nên Ngài có thể ở với mọi người trong mọi nơi qua mọi lúc, và ở riêng với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời thường. Với đức tin và lòng yêu mến Chúa, ta cảm nhận được điều này từ chính tâm hồn mình, đặc biệt khi chìm sâu trong cầu nguyện.

Thánh Augustinô đã nhận ra và diễn đạt sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong lòng như sau: “Deus intimior intimo meo!” (Thiên Chúa sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của lòng tôi). Thiên Chúa của Đức Kitô hiện diện ở khắp mọi nơi: “Trời đất đầy vinh quang Thiên Chúa”, nhưng đó cũng là một Thiên Chúa nội tại trong tâm hồn của con người, không phải như các vị “thần linh” theo quan niệm ngoại giáo, chỉ trú ngụ ở bên ngoài, nơi này hoặc nơi kia trong thiên nhiên.

Bài Tin Mừng liên kết hai sự kiện song song: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Vì ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần gian mang tính phổ quát, dành tất cả mọi người. Do đó, Ngài đã trao cho các tông đồ sứ mạng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Tại sao lại loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo? Cây cối có thể nghe Tin Mừng được chăng? Khi người ta nghe theo Tin Mừng của Chúa Kitô, phải chăng tất cả vũ trụ sẽ được biến đổi? Điều này được thánh Phaolô giải thích trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… với niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,19-21).
Khi chúng ta sử dụng các thụ tạo một cách sai trái, không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là chúng ta làm điều dữ. Khi sứ điệp Tin Mừng thay đổi con tim chúng ta, muôn loài thụ tạo cũng sẽ được hưởng nhờ. Chúng không còn bị sử dụng cho điều xấu nữa, mà được sử dụng đúng mục tiêu của chúng như chúng đã được tạo thành: nghĩa là một phương tiện để yêu thương và đem lại hạnh phúc. Sứ mạng của các môn đệ là làm việc để cho có một nhân loại mới và một thế giới mới chào đời. Đức tin chính là lời đáp trả lời rao giảng và được liên kết với phép rửa tội (Cv 2,41; 8,12…). Còn về các dấu lạ trong Hội Thánh lúc ấy, không chỉ do các tông đồ thực hiện, mà nhiều lần Chúa Thánh Thần còn hành động nơi các thính giả đón nhận Tin Mừng (x.Cv 10, 44-46).

Các dấu lạ hôm nay cũng không hẳn xảy ra cùng một cách thức như thời các tông đồ, nhưng chủ yếu là để khơi động lòng tin cho những ai muốn đón nhận Tin Mừng. Biết bao dấu chỉ lạ lùng của các Kitô hữu qua mọi thời đại mà Giáo hội không ngừng tuyên thánh. Những dấu chỉ đó là những tấm gương rạng ngời xả thân vì tình yêu tha nhân, để xây dựng công lý, hòa bình, đem lại niềm tin, an vui và hy vọng cho nhân thế. Tin Mừng được loan báo đến đâu là sự sống mới của Đức Kitô lan rộng tới đó, để đem lại ơn cứu độ cho con người.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu cũng vì sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ cũng là để kín múc sức mạnh thiêng liêng để thi hành sứ mạng đó. Sứ mạng được thi hành dưới nhiều cách thức tùy lòng yêu mến và khả năng của mỗi người. Đặc biệt đối với giới trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng kêu gọi như sau: “Các con hãy làm nhân chứng cho đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức mới khắp trong thế giới...”.

Ước gì mỗi người chúng ta hăng say với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã truyền ban, để rồi ngày cuối cùng, chúng ta cũng hoàn thành sứ mạng với niềm hân hoan khôn tả, vì được dự phần vinh quang mà Chúa đã hứa cho những ai trở nên nhân chứng cho Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.
Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.
Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.
Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.
Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.
Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
cho đời con là một khúc tình ca,
góp phần cho thế giới được an hòa. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 18. Đức cậy
Vũ Văn An
13:53 08/05/2024

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Thính đường Phaolô VI, Thứ tư, 8 tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về đức cậy.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp
:



Anh chị em thân mến!

Trong bài giáo lý vừa qua, chúng ta bắt đầu suy gẫm về các nhân đức đối thần. Có ba điều đó: đức tin, đức cậy và đức mến. Lần trước chúng ta đã suy gẫm về đức tin. Bây giờ đến lượt đức cậy. “Đức cậy là nhân đức đối thần qua đó chúng ta mong muốn Nước Trời và sự sống đời đời làm hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào những lời hứa của Chúa Kitô và không cậy vào sức riêng của mình, nhưng vào sự trợ giúp của ân sủng Chúa Thánh Thần” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1817). Những lời này xác nhận với chúng ta rằng đức cậy là câu trả lời được cung ứng cho tâm hồn chúng ta, khi câu hỏi tuyệt đối nảy sinh trong chúng ta: “Tôi sẽ ra sao? Mục đích của cuộc hành trình là gì? Vận mệnh của thế giới là gì?”.

Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng câu trả lời tiêu cực cho những câu hỏi này sẽ tạo ra nỗi buồn. Nếu cuộc hành trình của cuộc đời không có ý nghĩa, nếu không có gì ở đầu và cuối, thì chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta phải bước đi: từ đó sinh ra sự tuyệt vọng của con người, cảm giác về sự vô nghĩa của mọi sự. Và nhiều người có thể nổi loạn: “Tôi đã cố gắng để trở thành người đạo đức, khôn ngoan, công bằng, mạnh mẽ, tiết độ. Tôi cũng từng là một người đàn ông hay đàn bà có đức tin… Cuộc chiến của tôi có ích gì nếu mọi chuyện kết thúc ở đây?”. Nếu mất đức cậy, mọi nhân đức khác có nguy cơ sụp đổ và trở thành tro bụi. Nếu không có ngày mai đáng tin cậy, không có chân trời tươi sáng, người ta sẽ chỉ phải kết luận rằng nhân đức là một nỗ lực vô ích. “Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tại tích cực thì người ta mới có thể sống hiện tại” Đức Bênêđictô XVI nói như thế (Thông điệp Spe salvi, 2).

Người Kitô hữu có đức cậy không phải nhờ công đức riêng của họ. Nếu họ tin vào tương lai thì đó là vì Chúa Ki-tô đã chết và sống lại và ban Thánh Thần của Người cho chúng ta. “Sự cứu chuộc được ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được ban cho niềm hy vọng, niềm hy vọng đáng tin cậy, nhờ đó chúng ta có thể đối đầu với hiện tại của mình” (ibid., 1). Theo nghĩa này, một lần nữa, chúng ta nói rằng đức cậy là một nhân đức đối thần: nó không xuất phát từ chúng ta, nó không phải là một sự ngoan cố mà chúng ta muốn thuyết phục mình, nhưng nó là một món quà trực tiếp đến từ Thiên Chúa.

Đối với nhiều Kitô hữu nghi ngờ, những người chưa được tái sinh hoàn toàn để hy vọng, Thánh Phaolô đặt trước mặt họ luận lý học mới của kinh nghiệm Kitô giáo, và ngài nói: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì đức tin của anh em là vô ích và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Sau đó, những người đã ngủ trong Chúa Kitô cũng đã chết. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Chúa Kitô ở đời này thì chúng ta là những kẻ đáng thương nhất trong mọi người” (1 Cr 15:17-19). Như thể ngài đã nói: nếu anh chị em tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, thì anh chị em biết chắc chắn rằng không có thất bại và không có cái chết nào là mãi mãi. Nhưng nếu anh chị em không tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, thì mọi thứ sẽ trở nên trống rỗng, kể cả lời rao giảng của các Tông đồ.

Đức cậy là một nhân đức mà chúng ta thường vi phạm: trong nỗi hoài niệm tồi tệ, trong nỗi u sầu, khi chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc của quá khứ đã bị chôn vùi mãi mãi. Chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi chúng ta chán nản về tội lỗi của mình mà quên rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và cao cả hơn tấm lòng chúng ta. Và thưa anh chị em, chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi trong việc cầu xin sự tha thứ. Nhưng chúng ta đừng quên sự thật này: Thiên Chúa tha thứ mọi sự, Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi chúng ta chán nản về tội lỗi của mình; chúng ta phạm tội chống lại đức cậy khi mùa thu trong chúng ta làm mất đi mùa xuân; khi tình yêu Thiên Chúa không còn là ngọn lửa vĩnh cửu và chúng ta không đủ can đảm để đưa ra những quyết định dấn thân suốt đời.

Thế giới ngày nay đang rất cần nhân đức Kitô giáo này! Thế giới cần đức cậy, cũng như nó cần sự kiên nhẫn, một nhân đức bước đi trong mối liên hệ chặt chẽ với đức cậy. Những người kiên nhẫn là những người dệt nên điều tốt lành. Họ khăng khăng mong muốn hòa bình, và ngay cả khi một số người trong số họ vội vàng và muốn mọi sự, thì ngay lập tức, sự kiên nhẫn có khả năng chờ đợi. Ngay cả khi xung quanh chúng ta có nhiều người không chịu nổi sự vỡ mộng, những người được truyền cảm hứng từ đức cậy và kiên nhẫn vẫn có thể vượt qua được những đêm đen tối nhất. Đức cậy và kiên nhẫn đi cùng với nhau.

Đức cậy là nhân đức của những người có tâm hồn trẻ trung; và ở đây tuổi không đáng kể. Bởi vì cũng có những người già với đôi mắt sáng ngời, không ngừng phấn đấu hướng tới tương lai. Hãy nghĩ đến hai vị cao niên trong Tin Mừng, Simeon và Anna: họ không bao giờ mệt mỏi chờ đợi và họ đã nhìn thấy chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình trần thế của họ được chúc phúc nhờ cuộc gặp gỡ với Đấng Mê-xi-a, Đấng mà họ đã nhận ra nơi Chúa Giêsu, được cha mẹ Người đưa vào Đền Thờ. Thật là ân sủng nếu tất cả chúng ta đều được như vậy! Nếu sau một cuộc hành hương dài, đặt túi yên ngựa và gậy xuống, lòng chúng ta tràn ngập một niềm vui chưa từng có, và chúng ta cũng có thể kêu lên: “Lạy Chúa, bây giờ xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình yên/ theo lời Chúa; / vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa / mà Chúa đã chuẩn bị trước mặt muôn dân, / là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, / và là vinh quang của dân Israel của Chúa" (Lc 2:29-32).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến lên và cầu xin ơn có đức cậy, đức cậy với lòng kiên nhẫn. Hãy luôn hướng tới cuộc gặp gỡ dứt khoát đó; hãy luôn nhìn để thấy rằng Chúa luôn ở gần chúng ta, rằng cái chết sẽ không bao giờ chiến thắng. Chúng ta hãy tiến lên và cầu xin Chúa ban cho chúng ta nhân đức hy vọng cao cả này, kèm theo sự kiên nhẫn. Cảm ơn anh chị em.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu Nhi Thánh Thể Dâng Hoa chiều thứ Bảy 4/5/2024
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
04:49 08/05/2024
Thiếu Nhi Thánh Thể Dâng Hoa chiều thứ Bảy 4/5/2024

Miền Tây Canada nói chung, tại thành phố Calgary Alberta nói riêng, hàng năm bắt đầu tháng Năm thời tiết thật đẹp, êm dịu đầy ánh nắng tạo thêm sự ấm áp.Các gia đình thường vây quanh với những bếp than hồng ngoài trời để trò chuyện, nướng thịt bò hưởng ngoạn sau thời gian lạnh của Mùa Đông. Về mặt tôn giáo, đây là cơ hội đầu tiên cho việc mở hội dâng kinh Đức Mẹ những tràng chuỗi Mân côi, Dâng Hoa và kiệu ngoài trời thì không đâu bằng. Vào chiều thứ Bảy 4/5/24 Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Thánh Vinh Sơn Liêm đã có buổi Vãn Nến Kính Chúa Ba Ngôi, Dâng Hoa Kính Đức Mẹ với 70 bạn trẻ. Xin cho niềm tin của Giới trẻ dâng cao. Việc gần gũi với Thánh đường giúp các Em có đời sống đạo đức và phát triển về con người tốt đẹp. Vào lúc 10:30 am Chúa nhật 5/5/2024. Giáo xứ đã cùng cung nghinh Đức Trinh Nữ Maria với Cỗ Tượng Đức Mẹ Fatima do Cha Cố Cựu Chánh Xứ Giuse Nguyễn Công Lý O.P, một giáo sư kinh thánh và là người đã từng đưa tượng Đức Mẹ Fatima về thánh Du tại Việt Nam trước năm 1975. Ngài cũng là người thỉnh Tượng Đức Mẹ Fatima từ Trung Tâm Fatima Bồ Đào Nha nay đã là năm thứ 39, Đức Mẹ luôn hiện diện với con dân xứ Vinh Sơn Liêm. Vì vậy mà hàng năm vào đầu tháng 5 việc cung nghinh Tượng Mẹ luôn là truyền thống tốt đẹp và trung thành của con dân Giáo xứ, nhờ đó mà giáo xứ luôn phát triển từ nhà thờ Cũ đến ngôi nhà thờ mới từ không có chỗ đậu xe của nhà thờ Cũ đến có một Parking rộng rãi cho các tổ chức của giáo xứ tại dây. Xin Mẹ luôn đồng hành, gìn giữ chúng con và chúng con cũng luôn hức với Kinh Mân Côi, Tôn sùng Đức Mẹ và trở về cùng Chúa theo lời Mẹ nhắn nhủ.

Hình ảnh Kiệu Hoa Đức Mẹ:

Hình ảnh TNTT:

Lm JB Nguyễn Đức Vượng
 
VietCatholic TV
Kyiv đập tan âm mưu ám sát Zelenskiy. Hai Đại Tá Ukraine bị bắt. Nga coi F-16 là mối đe dọa hạt nhân
VietCatholic Media
02:18 08/05/2024


1. Âm mưu ám sát Zelenskiy bị phá vỡ. Hai Đại Tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống Ukraine bị bắt giữ. Món quà dành cho lễ nhậm chức của Putin đã thất bại vào giờ chót.

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Zelensky Assassination Plot Foiled”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 7 Tháng Năm, cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết Kyiv đã phá vỡ một âm mưu của Nga nhằm ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

SBU cho biết họ đã phát hiện một mạng lưới đặc vụ từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đang “chuẩn bị ám sát tổng thống Ukraine” và các quan chức cao cấp khác của Ukraine.

“Các gián điệp đã bị bắt giữ và các nhà điều tra của SBU đã phá vỡ kế hoạch của FSB nhằm loại bỏ tổng thống Ukraine và các đại diện khác của giới lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của nhà nước”, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk cho biết như trên.

Vụ ám sát lần này được kể là nỗ lực ám sát nghiêm trọng nhất cho đến nay. Ít nhất 2 Đại Tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống Ukraine đã bị bắt giữ.

Ông cho biết phương sách Putin luôn luôn nghĩ đến đầu tiên là ám sát, dù đối phương là người Nga hay không phải người Nga. Trong bối cảnh đó, Zelenskiy đã trở thành mục tiêu vô số lần kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước này vào tháng 2 năm 2022. Nhà lãnh đạo Ukraine trước đó nói rằng ông không nhớ số lần Mạc Tư Khoa đã cố gắng ám sát ông kể từ sau chiến tranh bắt đầu.

Ngay sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, vào tháng 5 năm 2022, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tuyên bố rằng Zelenskiy đã sống sót sau hơn chục nỗ lực nhằm lấy mạng ông.

Nga phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng họ âm mưu loại bỏ Zelenskiy.

Cơ quan an ninh Kyiv cho biết FSB đã chủ mưu kế hoạch ám sát Zelenskiy cũng như Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, và nhà lãnh đạo SBU, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, “và các quan chức cao cấp khác”..

Thiếu Tướng Vasyl Malyuk cho biết: “Họ định thanh lý nhà lãnh đạo HUR, Trung Tướng Kyrylo Budanov, ngay trước lễ Phục sinh.”

Hai đại tá của lực lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống, là cơ quan giám sát an ninh của Zelenskiy, đã bị bắt giữ.

SBU cho biết: “Một trong những nhiệm vụ của mạng lưới tình báo FSB là tìm kiếm những cá nhân trong quân đội thân cận với lực lượng an ninh của tổng thống, những người có thể bắt nhà lãnh đạo nhà nước làm con tin và sau đó giết ông”.

Kyiv cho biết vụ ám sát có thể liên quan đến việc sử dụng hỏa tiễn và máy bay không người lái.

“Kế hoạch của đối phương như sau: đầu tiên, đặc vụ được tuyển dụng phải quan sát chuyển động của các quan chức và chuyển thông tin cho đối phương,” và sau đó “lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào tọa độ ngôi nhà nơi có các quan chức mà người Nga dự định ám sát.”

“Sau đó, họ sẽ tấn công những người còn ở lại khu vực bị ảnh hưởng bằng máy bay không người lái. Người Nga cũng đã lên kế hoạch tấn công bằng một hỏa tiễn khác, bao gồm cả việc phá hủy dấu vết sử dụng máy bay không người lái. Những kẻ phản bội sẽ phải thanh toán những người sống sót.”

Trong âm mưu ám sát của Nga, hai Đại Tá phản bội chịu trách nhiệm bắt giữ Tổng thống, nếu ông sống sót sau các vụ không kích và giết ông.

Tổng thống Zelenskiy thường xuyên viếng thăm các tiền đồn. Âm mưu ám sát của Nga được cho là sẽ diễn ra trong một dịp như thế. Lần cuối cùng, Tổng thống Zelenskiy thăm một tiền đồn là vào ngày 19 Tháng Tư, khi ông đến thăm thị trấn Chasiv Yar. Ông đã tạm dừng các chuyến viếng thăm kể từ đó theo lời khuyên của các cơ quan phản gián Ukraine.

Tướng Malyuk cho biết ông đích thân giám sát hoạt động vạch trần âm mưu ám sát và thề sẽ trừng phạt “mọi kẻ phản bội”.

“Chỉ một nhóm nhỏ được biết về hoạt động đặc biệt của chúng tôi và cá nhân tôi đã kiểm soát hoạt động phản gián này. Cuộc tấn công vốn được cho là món quà nhậm chức dành cho Putin, thực tế lại là một thất bại của cơ quan tình báo Nga”, ông nói.

“Nhưng chúng ta không được quên—đối phương rất mạnh và giàu kinh nghiệm, không thể coi thường hắn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc một cách chủ động để mọi kẻ phản bội đều nhận được công lý mà họ xứng đáng nhận được”, Tướng Malyuk nói thêm.

Các bị cáo đã bị giam giữ vì nghi ngờ phạm tội phản quốc theo thiết quân luật và chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố. SBU cho biết họ phải đối mặt với án tù chung thân.

2. Âm mưu ám sát Tổng thống Zelenskiy và Trung Tướng Kyrylo Budanov ngay trước lễ Phục sinh Chính Thống Giáo bị bại lộ

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine war latest: 2 Ukrainian colonels detained in Russia's plot to assassinate Zelenskiy, SBU says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Cơ quan An ninh Ukraine ngày 7 Tháng Năm tuyên bố đã phát hiện mạng lưới đặc vụ của cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, chuẩn bị ám sát Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các quan chức cao cấp khác ở Ukraine.

Hai đại tá của lực lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, gọi tắt là UDO, bị cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho Nga đã bị bắt giữ.

Vào cuối tháng 11, Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Sun rằng ông đã sống sót sau ít nhất 5 vụ ám sát kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện ở Nga.

Theo SBU, mạng lưới FSB đã giành nhiều thời gian để tìm ra 2 viên Đại Tá trong UDO thân cận với lực lượng an ninh của Zelenskiy, “những kẻ có thể bắt nhà lãnh đạo nhà nước làm con tin và sau đó giết ông”.

Theo SBU, cuộc tấn công theo kế hoạch được giám sát bởi Maxim Mishustin, Dmitry Perlin và Alexey Kornev, là những nhà lãnh đạo của cục 5 trong FSB.

Thiếu Tướng Vasyl Maliuk, Giám đốc SBU, cho biết: “Vụ tấn công khủng bố, được cho là một món quà dành cho Putin nhân lễ nhậm chức của ông ta, hóa ra là một thất bại của Cơ quan Mật vụ Nga”.

Các mục tiêu khác của Nga được cho là bao gồm chính Tướng Maliuk, và Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR.

Theo SBU, vụ ám sát Budanov được cho là đã lên kế hoạch thực hiện trước Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 vừa qua. Một đặc vụ Nga được cho là sẽ theo dõi hành tung của Budanov và chuyển thông tin cho Nga. Một trong hai viên đại tá của UDO được cho là đã cung cấp cho đặc vụ FSB máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, đầu đạn cho bệ phóng di động và mìn sát thương.

Kế hoạch được cho là tấn công một ngôi nhà nơi nhà lãnh đạo HUR được cho là đang ở bằng một hỏa tiễn, sau đó tấn công những người còn lại tại địa điểm bằng máy bay không người lái. SBU cho biết sau đó sẽ có một cuộc tấn công hỏa tiễn khác để loại bỏ bằng chứng về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Vào đầu tháng Tư, SBU báo cáo rằng một hoạt động chung của các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine và Ba Lan đã dẫn đến việc bắt giữ một công dân Ba Lan, người được cho là đã đề nghị với Nga để ám sát Zelenskiy.

Tổng thống Zelenskiy đã từng bị ám sát nhiều lần. Tuy nhiên, lần này được kể là nghiêm trọng nhất vì nó liên quan đến các sĩ quan cao cấp có nhiệm vụ bảo vệ cho ông.

3. Nga cảnh báo F-16 của Ukraine sẽ bị coi là mối đe dọa hạt nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Warns Ukraine's F-16s Will Be Treated as Nuclear Threats”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Chính phủ Nga đang cảnh báo Ukraine rằng phi đội chiến đấu cơ F-16 mới của Kyiv sẽ bị coi là mối đe dọa “có khả năng hạt nhân”.

Quân đội Ukraine tuần trước cho biết họ sẽ bắt đầu vận hành các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất vào ngày 5 Tháng Năm. Phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine Ilya Yevlash cho biết các máy bay sẽ sẵn sàng chiến đấu sau Lễ Phục sinh của Chính thống giáo, vào hôm Chúa Nhật 5 Tháng Năm.

Những chiếc F-16 do các đồng minh phương Tây bao gồm Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ cung cấp sẽ là một sự nâng cấp rất cần thiết cho phi đội máy bay già cỗi của Ukraine, phần lớn do Liên Xô sản xuất, đã bị hư hỏng và cạn kiệt sau hơn hai năm chiến đấu.

Mặc dù F-16 có thể chứa một số vũ khí hạt nhân với cấu hình phù hợp, Ukraine không có kho vũ khí hạt nhân và không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ đồng minh nào sở hữu vũ khí hạt nhân có ý định chia sẻ chúng với Kyiv.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo Ukraine trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng nước này “không thể bỏ qua” khả năng các máy bay này có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Nga cũng tuyên bố rằng sự xuất hiện của F-16 là một “sự khiêu khích có chủ đích” của “Mỹ và NATO”, mặc dù cả hai đều chưa cung cấp máy bay cho Ukraine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng có mục đích kép, có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân”.

“Bất kể sửa đổi nào của máy bay được cung cấp cho Ukraine, chúng tôi sẽ coi chúng là có khả năng hạt nhân và chúng tôi sẽ coi bước đi này của Hoa Kỳ và NATO là một sự khiêu khích có mục đích”.

Tuyên bố của Bộ tiếp tục cảnh báo rằng “chế độ ở Kyiv và các nhà tài trợ phương Tây nên nhận ra rằng những bước đi liều lĩnh của họ đang đưa tình hình đến gần hơn đến mức nó sẽ đạt đến ‘khối lượng tới hạn’ và bùng nổ.”

Chính phủ Nga lập luận rằng việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị quân đội NATO can thiệp vào cuộc chiến Nga-Ukraine có nghĩa là phương Tây đang “cố tình biến cuộc khủng hoảng Ukraine thành một cuộc đụng độ quân sự công khai giữa các nước NATO và Nga”, theo hãng thông tấn Sputnik.

Gần như tất cả các đồng minh NATO khác, bao gồm cả Mỹ, đã bác bỏ ý tưởng gửi quân tới Ukraine để có thể tham chiến. Tổng thống Joe Biden cho biết trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng 3 rằng “không có lính Mỹ nào tham chiến ở Ukraine và tôi quyết tâm giữ nguyên điều đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga cảnh báo F-16 sẽ bị coi là mối đe dọa hạt nhân một khi loại chiến đấu cơ này hoạt động ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên tục đưa ra nhận xét tương tự sau khi có thông báo rằng Kyiv sẽ nhận được các máy bay phản lực này vào năm ngoái.

“Bất kỳ máy bay nào cũng thực sự có khả năng mang vũ khí hạt nhân, không nhất thiết là F-16”, cựu sinh viên Trường Vũ khí Không quân Hoa Kỳ và cựu phi công F-16 Christopher Stewart cho biết trong bình luận năm ngoái với The Kyiv Post, nơi Stewart cũng làm biên tập viên. “Khinh khí cầu và nhiều thứ khác đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân.”

4. Phải chăng Chechnya đang chuẩn bị cho ngày Kadyrov qua đời - và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Is Chechnya preparing for Kadyrov's demise — and what could come next?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Báo cáo mới một lần nữa đưa vấn đề sức khỏe của lãnh chúa Chechen lên hàng đầu. Nhưng có những dấu hiệu khác, tinh vi hơn, cho thấy nền cộng hòa có thể đang chuẩn bị cho một sự thay đổi chế độ.

Lãnh chúa Chechnya Ramzan Kadyrov đã quen với việc suy đoán về cái chết sắp xảy ra của mình. Các chuyên gia đã thảo luận về tình trạng sức khỏe không tốt của người đàn ông 47 tuổi kể từ tháng 9 khi nhà lãnh đạo Chechnya biến mất khỏi tầm mắt công chúng, và những tin đồn bắt đầu lan truyền rằng tình trạng sức khoẻ của ông ngày càng nghiêm trọng.

Trong nhiều tháng kể từ khi ngoại hình của Kadyrov thay đổi, mặt ông có vẻ sưng tấy và đôi khi nói ngọng. Hãng tin Nga Novaya Gazeta Europe đưa tin Kadyrov đang bị viêm tụy hoại tử.

Novaya Gazeta Europe viết rằng vị lãnh chúa này đã được chẩn đoán mắc phải tình trạng bệnh xảy ra khi tuyến tụy của một người bắt đầu chết vào năm 2019. Đến năm 2022, Kadyrov phải vật lộn với cả bệnh suy thận và tình trạng tích tụ dịch trong phổi.

Cơ quan truyền thông này cũng báo cáo rằng Điện Cẩm Linh đang tìm kiếm người kế nhiệm.

Các quan chức Chechnya đã nhanh chóng xua tan tin đồn. Một đoạn clip hậu trường về nội các chiến tranh của Kadyrov xuất hiện trên mạng xã hội vài giờ sau khi bản tin của Novaya Gazeta Europe được phát trực tiếp, dường như để cho thấy một nhà lãnh đạo sôi nổi đang tập hợp các tướng lĩnh của mình.

Vở kịch nhanh chóng phản tác dụng.

Đoạn clip họp nội các cho thấy Kadyrov hầu như không cử động và lẩm bẩm một giọng đều đều lan man. Đoạn clip thứ hai, lần này quay cảnh Kadyrov tại một phòng tập thể dục, đã gây chú ý quốc tế nhưng dường như không thuyết phục được nhiều về sức khỏe của nhà lãnh đạo Chechnya.

Hầu hết đều không nghi ngờ gì về việc Ramzan Kadyrov không khỏe. Nhưng điều này không tự động có nghĩa là lãnh chúa sẽ chết trong một tương lai gần.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy động lực quyền lực đang thay đổi bên trong Cộng hòa Chechnya: người ta tính toán đặt nền móng cho mọi chuyện khi Ramzan qua đời hay bắt đầu ngay bây giờ để cho phép anh ta đảm nhận vai trò ít tích cực hơn trong công việc quản lý hàng ngày.

Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong bối cảnh chính trị Chechnya là vai trò ngày càng tăng của các con trai cả của Kadyrov: Akhmat 18 tuổi và Adam Kadyrov 16 tuổi.

Vào tháng 2 năm 2024, Akhmat nhận được chức vụ cấp bộ trưởng đầu tiên với tư cách là bộ trưởng thanh niên và thể thao của Chechnya, một công việc được giao cho anh ta sau chưa đầy hai năm lãnh đạo phong trào thanh niên do nhà nước hậu thuẫn trong khu vực. Akhmat cũng đã gặp Putin trong một cuộc gặp riêng rất bất thường khi anh ta mới 17 tuổi. Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng chàng thiếu niên đã kết hôn ngay sau đó - một động thái có thể giúp gia đình Kadyrov củng cố liên minh.

Trong khi đó, Adam được bổ nhiệm làm vệ sĩ cho cha mình vào tháng 11 năm 2023 và được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng một trung tâm huấn luyện cho lực lượng đặc biệt Chechen vào cuối tháng 4. Trung tâm huấn luyện này được đặt tên là Vladimir Putin.

Trước đây, cậu thiếu niên này nổi tiếng với việc bị camera ghi hình khi đánh một tù nhân không có vũ khí bị buộc tội đốt Kinh Qur'an.

Ở một mức độ nhất định, đây là một sự chuyển đổi được mong đợi. Ramzan Kadyrov kế thừa một cách hiệu quả vai trò nhà lãnh đạo Chechnya từ chính cha mình; không có gì ngạc nhiên khi anh ta bắt đầu chuẩn bị chu đáo cho các con của mình để chúng có thể có được vị trí tương tự khi trưởng thành. Tuy nhiên, tốc độ diễn ra của những thay đổi này là đáng chú ý.

5. Lễ nhậm chức của Putin sẽ khởi động cuộc cải tổ Điện Cẩm Linh

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin’s inauguration set to kickstart Kremlin reshuffle”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Lễ nhậm chức của Vladimir Putin vào thứ Ba sẽ trông giống như một ngày nhàm chán mà ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra, khi người đàn ông mạnh mẽ 71 tuổi bước xuống thảm đỏ của Cung điện Cẩm Linh để nhận hoa và những tràng pháo tay cho lần đăng quang tổng thống thứ năm. Nhưng những gì xảy ra tiếp theo ít chắc chắn hơn nhiều.

Truyền thống và luật pháp Nga quy định rằng lễ tuyên thệ của một tổng thống mới sẽ gây ra một cuộc cải tổ chính phủ, điều này có thể làm sáng tỏ tâm trạng hiếm khi có thể đoán được của Putin trước một nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Với cuộc chiến của Nga với Ukraine đã bước sang năm thứ ba, Putin không có dấu hiệu muốn đi chệch khỏi con đường hủy diệt Kyiv, đàn áp trong nước và đối kháng với phương Tây hiện nay.

Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị Russia Politik, cho biết: “Mục tiêu tối quan trọng của Putin là sản xuất nhiều vũ khí hơn, giữ cho nền kinh tế ổn định, bảo vệ nó khỏi các biện pháp trừng phạt và lạm phát”.

“Chúng ta không nên mong đợi một sự xem xét lại chính sách đó.”

Nhưng mức độ mà Putin cải tổ đội ngũ những người được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình nghị sự đó sẽ cho thấy một cái nhìn sâu sắc về việc ông sẵn sàng từ bỏ những thói quen cũ như thế nào để bảo đảm tương lai chế độ của mình.

Theo Nikolai Petrov, một nhà tư vấn tại Chatham House, theo truyền thống, Putin đã sử dụng hai mô hình quản trị.

Một mặt, ông dựa vào đội ngũ bảo vệ cũ gồm những người bạn và người quen đáng tin cậy, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, những người đã giữ chức vụ của họ trong hai thập niên.

Mặt khác, ông đã dựa vào các nhà chuyên môn trung thành như Thủ tướng Mikhail Mishustin và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina để giữ cho nền kinh tế đất nước phát triển.

Nhưng cách làm đó dường như ngày càng không thể đứng vững được, khi một số tay sai thân tín nhất của Putin đã ngấp nghé hoặc đã ở tuổi bảy mươi.

Trong số đó có ông Lavrov, 74 tuổi và Shoigu, 68 tuổi, cũng như những nhân vật diều hâu về an ninh hàng đầu của đất nước Alexander Bortnikov, 72 tuổi, Sergei Naryshkin, 69 tuổi và Alexander Bastrykin, 70 tuổi.

Petrov nói: “Đã đến lúc thế hệ của Putin phải rời sân khấu, nhưng những người thay thế họ vẫn chưa sẵn sàng. “Hệ thống đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng và chúng ta sẽ xem nó có thể giải quyết nó ở mức độ nào hoặc liệu nócó gây ra đình trệ theo thời gian hay không.”

Nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov đồng tình: “Nếu Putin muốn duy trì hệ thống của mình, ông ấy cần phải thay đổi nó”.

Ông chỉ ra vụ bắt giữ gây sốc gần đây Thứ trưởng Quốc phòng Timur Ivanov vì tội nhận hối lộ, được nhiều người coi là một cuộc tấn công vào Shoigu, như một tín hiệu có thể Putin đang chuẩn bị “làm rung chuyển nền tảng của hệ thống”.

Đó sẽ là một bước khởi đầu lớn so với cách làm cũ - điều đã cho phép Shoigu giữ chức vụ chỉ huy quốc phòng hàng đầu bất chấp tiến triển chậm chạp ở Ukraine và âm mưu nổi loạn đầy tai tiếng của thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin.

Trong những năm qua, Điện Cẩm Linh thường chọn những ứng cử viên được coi là dễ kiểm soát; hơn là nhất thiết phải đủ tiêu chuẩn cho công việc của họ, thu hút những tân binh trong số các cựu vệ sĩ của Putin hoặc những người họ hàng trẻ tuổi của những người trong vòng thân cận của Putin.

Trong bối cảnh đó, Dmitry Patrushev, bộ trưởng nông nghiệp đương nhiệm và là con trai của Thư ký Hội đồng Bảo an Nikolai Patrushev, 72 tuổi, đã được coi là người có thể được thăng chức trong cuộc cải tổ sắp tới của Putin.

Điều đó có nghĩa là một chiến thắng dành cho khối thực thi pháp luật diều hâu của Nga, Gallyamov nói.

Nhưng Petrov của Chatham House nói thêm rằng việc bổ nhiệm như vậy cũng là một cách để Putin “kiểm soát” cha mẹ họ.

Nhà phân tích chính trị Stanovaya cho biết những điều bất ngờ cũng có thể xảy ra khi những “diều hâu trẻ” chưa được biết đến có nền tảng quân sự ở Ukraine được bổ nhiệm vào các vị trí chính trị.

Bà nói: “Putin đã tuyên bố công khai rằng ông coi họ là tầng lớp thượng lưu thực sự, những người sẽ phải thay thế tầng lớp thượng lưu hiện tại theo thời gian.

Bà dự đoán, bất kỳ thay đổi nào Putin sẽ thực hiện có thể sẽ bị hạn chế và nhanh chóng, nhằm “bảo đảm rằng các quan chức cao cấp sẽ tiếp tục làm việc liền mạch, không bị gián đoạn”.

Cuộc bầu cử tháng 3 - chứng kiến Putin giành được kỷ lục 87% sự ủng hộ của người Nga - đã bị nhiều người lên án là bất hợp pháp ở phương Tây, với việc Nghị viện Âu Châu vào tháng 4 đã thông qua một nghị quyết tố cáo cuộc bỏ phiếu là “giả tạo”.

Một số quốc gia đã công khai tuyên bố sẽ không cử phái viên đến dự lễ nhậm chức của ông Putin, bao gồm Đức, các nước vùng Baltic, Cộng hòa Tiệp và Armenia.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Reuters hôm thứ Hai đưa tin rằng Pháp sẽ cử đại sứ của mình tới, theo một nguồn tin ngoại giao Pháp.

6. Ukraine muốn sử dụng tiền của Liên Hiệp Âu Châu để phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine wants to use EU money to grow its military-industrial complex”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các nước Liên Hiệp Âu Châu nên sử dụng tiền từ khối để đặt hàng vũ khí với các công ty Ukraine, sau đó có thể được sử dụng để cung cấp cho Kyiv, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamyshin nói với POLITICO.

Kamishin đã phát biểu trong Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu-Ukraine hôm thứ Hai tại Brussels, được thiết kế để tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine.

Ông lập luận rằng việc mua vũ khí và đạn dược cho Ukraine từ các công ty Ukraine là “cách tốt nhất, nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giúp chúng tôi ở tuyến đầu”.

Ý tưởng tương tự cũng được nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell đưa ra.

Borrell nói trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn: “Chúng ta phải sáng tạo hơn và khám phá những cách thức mới để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine”. “Mua thiết bị từ các công ty Ukraine hoặc từ các liên doanh của Âu Châu và Ukraine được thành lập ở Ukraine là một lựa chọn mà chúng tôi sẽ xem xét.”

Ukraine trong lịch sử có ngành công nghiệp vũ khí định hướng xuất khẩu lớn, và dưới áp lực của cuộc chiến tranh sinh tồn chống lại Nga hiện đang tự sản xuất hàng loạt vũ khí các loại. Việc sản xuất vũ khí trong nước cũng giải phóng Kyiv khỏi áp lực chính trị và sự chậm trễ liên quan đến việc phụ thuộc vào các đồng minh của mình về mọi thứ, từ đạn pháo đến vũ khí tiên tiến như hỏa tiễn và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, chính phủ đang thiếu tiền mặt, không có đủ tiền để ký hợp đồng mua sắm với các công ty vũ khí của chính mình.

Thực tế đó đã dẫn đến một ý tưởng - yêu cầu các đồng minh của Ukraine mua vũ khí từ các công ty Ukraine và sau đó tặng chúng cho Kyiv, qua đó vừa trang bị vũ khí cho Ukraine vừa phát triển tổ hợp công nghiệp quân sự độc lập của nước này.

Kamyshin phát biểu tại diễn đàn rằng “khoảng cách giữa năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi và số tiền dành cho việc mua sắm vũ khí lên tới 10 tỷ Mỹ Kim trong năm nay”.

Kamyshin cho biết ngành công nghiệp vũ khí của nước ông có thể sản xuất số vũ khí trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ Kim. Chính phủ Ukraine có kế hoạch phát hành các hợp đồng trị giá 6 tỷ Mỹ Kim, trong khi 4 tỷ Mỹ Kim khác sẽ đến từ các đối tác địa phương; Các đồng minh của Ukraine có thể cung cấp 10 tỷ Mỹ Kim còn thiếu.

Đan Mạch đang dẫn đầu khi tuyên bố vào tháng trước rằng họ sẽ phân bổ 200 triệu krone (27 triệu euro) để mua bộ dụng cụ từ các doanh nghiệp Ukraine. Canada cũng hứa sẽ tài trợ 3 triệu đô la Canada hay 1,1 triệu euro cho Ukraine để ngành công nghiệp quốc phòng trong nước Ukraine sản xuất máy bay không người lái.

Bây giờ ý tưởng là mở rộng những nỗ lực đó bằng cách khai thác thêm tiền viện trợ để Ukraine ký hợp đồng mua sắm.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung cho lực lượng quốc phòng ở Ukraine. Nhiệm vụ của tôi là huy động nguồn tài chính này để sản xuất ở Ukraine vì chúng tôi đã có đủ năng lực”, Kamyshin nói. “Chúng tôi muốn có thêm năng lực; và chúng tôi muốn chúng được tài trợ bằng chi phí của các quỹ Âu Châu.”

Kamyshin cho biết ông đã thảo luận với Borrell về ý tưởng sử dụng Quỹ Hòa bình Âu Châu của Liên Hiệp Âu Châu, một quỹ ngoài ngân sách hoàn trả một phần cho các quốc gia số vũ khí mà họ gửi đến Ukraine. Liên Hiệp Âu Châu gần đây đã đồng ý cung cấp cho Quỹ hỗ trợ Ukraine của Tổ chức Hòa bình 5 tỷ euro trong năm nay và dự kiến sẽ bơm thêm tiền mặt hàng năm cho đến năm 2027.

Kamyshin cho biết bên lề hội nghị với sự tham dự của khoảng 40 công ty từ Ukraine và khoảng 100 công ty từ Liên Hiệp Âu Châu: “Đó là ngắn hạn, đó là một giải pháp nhanh chóng và có thể thực sự là một giải pháp tốt”.

Lựa chọn thứ hai là sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ hàng tỷ tài sản Nga bị phong tỏa ở Liên Hiệp Âu Châu. Kamyshin ước tính điều đó có thể tạo ra tới 3 tỷ euro mỗi năm, “và điều đó cũng có thể hiệu quả. “

Lựa chọn thứ ba, dài hạn hơn có thể là sử dụng Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Âu Châu, vốn cung cấp 1,5 tỷ euro từ ngân sách Liên Hiệp Âu Châu trong giai đoạn 2025-2027, để tăng cường tính sẵn có và cung cấp các sản phẩm quốc phòng cũng như tăng cường hợp tác với Ukraine.

Kamyshin cho biết, các công ty Âu Châu sau đó sẽ có động cơ hợp tác với các đối tác Ukraine và thử nghiệm vũ khí của họ “ở loại tốt nhất trên chiến trường”.

7. Yermak: Ukraine đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận an ninh với Mỹ vào tháng 5

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Yermak: Ukraine aims to finalize security agreement with US in May”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Văn phòng Tổng thống đưa tin, một phái đoàn Ukraine do Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak dẫn đầu đã tổ chức vòng đàm phán thứ tư với Mỹ về thỏa thuận an ninh song phương trong tương lai vào ngày 6 Tháng Năm.

Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã tham gia Tuyên bố chung về hỗ trợ Ukraine của Nhóm G7. Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Ý, Canada, Hà Lan, Phần Lan và Latvia đã ký các thỏa thuận song phương với Kyiv.

Ukraine đang chuẩn bị các thỏa thuận an ninh song phương với 7 quốc gia nữa, trong đó có Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết.

Yermak cho biết, trong các cuộc đàm phán mới nhất, Kyiv và Washington đã thảo luận về những điều khoản “cơ bản nhất”, cách diễn đạt một số vấn đề và đạt được “tiến bộ rõ ràng” trong việc đồng thanh về nội dung của tài liệu.

Yermak nói: “Chúng ta cần đẩy nhanh quá trình hoàn tất thỏa thuận an ninh song phương trong tháng này”.

Các thành viên G7 đã trình bày kế hoạch của họ về các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào đầu tháng 7 năm ngoái.

Theo kế hoạch này, từng quốc gia sẽ cung cấp hỗ trợ song phương để giúp Kyiv đẩy lùi cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga và ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào trong tương lai.

Các bảo đảm an ninh sẽ đòi hỏi những nghĩa vụ rõ ràng và lâu dài, đồng thời củng cố khả năng của Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga. Các bảo đảm cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ tài chính và tái thiết sau chiến tranh.

8. Lính Mỹ tới Nga, bị bắt vì nghi trộm cắp

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US soldier travels to Russia, arrested on suspicion of theft”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một binh sĩ Mỹ tự ý tới Nga đã bị bắt vì tình nghi trộm cắp và đang bị tạm giam trước khi xét xử, các quan chức ở Washington cho biết hôm 6 Tháng Năm.

Viên Trung sĩ vừa bị Nga bắt đã đóng quân ở Nam Hàn. CNN dẫn lời phát ngôn nhân quân đội Mỹ Cynthia Smith cho biết ông này đã bị giam giữ tại Vladivostok vào ngày 2 Tháng Năm vì “các cáo buộc có hành vi sai trái hình sự”.

Nga hiện đang giam giữ một số công dân Mỹ với các cáo buộc được cho là bịa đặt.

Smith cho biết: “Liên bang Nga đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc giam giữ tội phạm theo Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự”.

“Quân đội đã thông báo cho gia đình anh ta và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự phù hợp cho người lính ở Nga. Do tính nhạy cảm của vấn đề này, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết vào lúc này.”

Trong số những công dân Mỹ cao cấp nhất đang bị Nga bắt giữ có phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal, người đã bị bỏ tù chờ cáo buộc ở Nga gần một năm.

Gershkovich bị bắt tại Yekaterinburg vào cuối tháng 3 năm 2023 khi đang thực hiện một câu chuyện về phương pháp tuyển dụng của nhóm lính đánh thuê Wagner, cũng như quan điểm của công dân Nga về cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Nga cáo buộc ông hoạt động gián điệp, là điều mà cả chính phủ Mỹ và Wall Street Journal đều cực lực phủ nhận.

Hoạt động gián điệp ở Nga có mức án tù tối đa lên tới 20 năm.

9. Tass đưa tin: Belarus tổ chức tập trận hạt nhân chiến thuật cùng với Nga

Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko cho biết Belarus sẽ tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật cùng với Nga.

Belarus muốn bắt đầu kiểm tra mức độ sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội, đồng thời với cuộc tập trận do Nga tiến hành. Lukashenko nói.

Nga hôm thứ Hai cho biết họ sẽ thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như một phần của cuộc tập trận sau những gì Mạc Tư Khoa cho là mối đe dọa từ Pháp, Anh và Mỹ.

Lukashenko hồi tháng 4 cho biết “vài chục” vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai tại Belarus theo một thỏa thuận được ông và Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm ngoái.

10. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi gia tăng khả năng phòng thủ của Liên Hiệp Âu Châu

Reuters đưa tin Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói rằng để Âu Châu tránh được xung đột và được an toàn, Liên Hiệp Âu Châu phải tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời ông lặp lại lời kêu gọi xây dựng một hệ thống phòng không chung của Âu Châu.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan đang tăng cường khả năng phòng thủ, phân bổ hơn 4% Tổng sản phẩm quốc nội.

Phát biểu tại Đại hội Kinh tế Âu Châu, cuộc họp của các chính trị gia và doanh nhân ở Katowice, ông Tusk cho biết các nước Liên Hiệp Âu Châu nên có hành động chung để tăng chi tiêu quốc phòng ít nhất 100 tỷ euro hay 107 tỷ Mỹ Kim.

Ông nói: “Âu Châu phải chuẩn bị trong khoảng hơn chục tháng tới và trong suốt 5 năm tới cho một tình huống mà không cường quốc nào trên thế giới dám ra tay chống lại nó”.

“Số tiền lớn sẽ đưa cuộc chiến ra khỏi biên giới Âu Châu trong một thời gian dài, có lẽ là vĩnh viễn.”

Hệ thống phòng không chung “phải trở thành một dự án của Âu Châu và sẽ là một nỗ lực tài chính để xây dựng một mái vòm trên khắp Âu Châu”. “Chúng ta có nhiều sáng kiến và cuộc họp hơn là những hành động thực sự để bảo vệ bầu trời Âu Châu.”

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, người tham dự đại hội, cũng cho biết Âu Châu phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời tuyên bố rằng nếu bà tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, bà sẽ đề xuất các dự án quốc phòng mới.

Bà đã thúc đẩy một đề xuất đã được công bố trước đó về việc thành lập một ủy viên quốc phòng toàn thời gian của Liên Hiệp Âu Châu, người sẽ giúp hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Âu Châu.