TỈNH THỨC GIỮA NHỮNG NGUY HIỂM LIÊN TỤC XẢY ĐẾN
(SUY NIỆM MÙA VỌNG)

1. Sống là chờ đợi. Bởi thời gian sống của đời người cũng là thời gian chờ đợi. Chờ đợi từ điều nhỏ nhất đến điều trực tiếp liên quan vận mạng vĩnh cửu của mỗi người. Có chờ đợi trong mệt mỏi, có chờ đợi mà lòng háo hức, hy vọng…

Đời thường, ta vẫn chờ đợi: chờ cái hẹn được thực hiện, chờ thiết bị đang sữa chữa, chờ một trận cầu. Người mẹ tần tảo nuôi con chờ một ngày con thành tài, thành nhân. Người chồng đi xa, chờ ngày hoàn thành công tác sum họp gia đình…

Đời sống đức tin, ta lại càng chờ đợi. Đó là sự chờ đợi những điều tốt đẹp mà đức tin mách bảo: niềm an ủi thiêng liêng khi gặp trắc trở, ơn Chúa để được thánh thiện, được hạnh phúc ngày sau trong đời bất diệt…

Chờ đợi nào, dù vui tươi hay mệt mỏi đều có ý nghĩa: Cho ta sống trong hy vọng. Có khi mong manh, vẫn là hy vọng, vẫn cần thiết cho cuộc đời làm người.

Nhờ hy vọng trong chờ đợi, ta làm mọi cách để giữ và phát triển hy vọng đó, cho nó vươn tới hiện thực. Cách riêng, với hy vọng sống vĩnh cửu, ta càng ra sức bảo vệ bằng một cuộc đời gắn bó với Chúa Kitô, sống trong và như Chúa Kitô.

Chúa Kitô đúc kết cách thức bảo vệ hy vọng vĩnh cửu, một niềm hy vọng lớn không thể tả của đời người trong một bài học ngắn gọn, súc tích: “Hãy tỉnh thức”.

Tỉnh thức luôn là chân lý cần thiết cho những ai chờ đợi. Chờ đợi niềm hy vọng vĩnh cửu càng đòi Kitô hữu phải tỉnh thức. Tỉnh thức luôn, tỉnh thức không lúc nào dừng để không sa hố tội lỗi là cách tốt nhất bảo vệ niềm hy vọng vĩnh cửu.

Một lần nữa bước vào mùa Vọng, Hội Thánh lặp lại chính bài học “tỉnh thức” mà Chúa Kitô dạy để nhắc ta bảo vệ đời vĩnh cửu của mình. Tôi nhìn thấy bài học tỉnh thức này ở nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và tôn giáo, đời sống cá nhân và tập thể, đời sống tinh thần và vật chất, có khi phân biệt, nhưng cũng có khi đan xen vào nhau. Xin kể vài nguy hiểm đang đe dọa, buộc ta phải sống tỉnh thức.

2. Thông tin thời sự từ khắp nơi trên thế giới liên tục cho ta biết những nguy hiểm rình rập đe dọa cả thế giới. Chẳng hạn bất ngờ có những thiên tai như động đất, bão lũ, hạn hán, lở đất, lở núi, trượt bùn… giết chết cùng một lúc, ít thì cũng là vài chục người, nhiều cũng có đến từ vài ngàn người đến vài trăm ngàn người.

Tháng 10.2020 ghi đậm nét những trận thiên - nhân họa liên tiếp tấn công người miền Trung của Đất Việt quê mình. Bão dồn dập bão, lũ đè lên lũ, những thủy điện lớn nhỏ thi nhau cho nước chảy hết công suất, những cánh rừng đã bị kiệt sức từ lâu, những quả núi hay những ngọn đồi tự lúc nào đã không còn sức sống, những dãi đất nằm trơ thân không còn rễ cây chắn giữ... mạnh hơn trời giáng, cùng lúc giáng xuống thân phận, mạng sống, của cải của biết bao người lành, quanh năm chỉ thèm một cuộc sống yên ổn...

Nhiều bệnh lạ, cũng như chẳng còn lạ, nhiều loại dịch tễ nguy hiểm như sác, cúm gia cầm, HIV/AIDS, ung thư… tiếp tục giết chết không biết bao nhiêu người. Thời sự nhất mà cả loài người đang phải đối đầu là cúm Vũ Hán, trong khi vẫn chưa có thuốc chữa hay ngăn ngừa, sau một năm hoành hành (tháng 11.2019-11.2020, khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc), đã khiến khoảng 55 triệu người bị nhiễm, trong đó có đến cả triệu rưỡi người vì nó mà vĩnh viễn rời bỏ trần gian.

Các loại bệnh nguy hiểm ấy, các cái chết tang thương ấy như không có chiều hướng giảm sút, ngược lại còn có vẻ như phát triển mạnh hơn và tăng từng ngày.

Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, nếu không muốn nói là tăng mạnh như: tham ô, hối lộ, trộm cướp, ma túy, mại dâm, các loại cờ bạc, dị đoan, ngừa thai, phá thai, đồng tính luyến ái, nhất là tìm hưởng thụ trên thân xác con người...

Chính những tệ nạn ấy khiến con người khinh thường tư cách làm vợ chồng, làm cha mẹ khi hai người đến với nhau chỉ để thỏa mãn dục tính mà không kể đến sự tổn thương của hôn nhân đúng nghĩa.

Sự khinh thường ấy, kéo đến những thảm trạng kinh khủng khác như: nuôi con nuôi, ly dị, mang thai mướn, trẻ em mồ côi cha mẹ trong khi cha mẹ còn sống, trẻ em lang thang, bụi đời, lạm dụng quyền trẻ em trong các vấn đề về tính dục, lao động, chiến trường…

Những tội ác rùng rợn như: phá hủy môi trường cách vô tội vạ, khủng bố, thù hận, kỳ thị, gieo chiến tranh, buôn người, đánh bom tự sát, nổi loạn phá hoại an ninh… là những nguy hiểm vô cùng, làm tổn thương không chỉ đối với sinh mạng mà còn nơi tinh thần vì phải luôn sống trong cảnh bất an…

Óc hưởng thụ, óc bè phái, chủ nghĩa cá nhân cùng những quan niệm tự do sai lạc dẫn đến sự tìm cách tự giải thoát mình khỏi những ràng buộc đạo đức, chà đạp nhân phẩm mọi người… đang lan rộng vào tâm thức con người, kể cả những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ đạo đức, lẽ ra phải sống nêu gương, cũng bị lây nhiễm.

Lương tâm người thời đại xuống cấp trầm trọng. Bởi chính sự xuống cấp của lương tâm, gây ra không biết bao nhiêu quan niệm về những cái bình thường trở thành không bình thường, những cái bất thường trở thành bình thường.

- Chẳng hạn, chiếm đoạt của cải, bóc lột sức lao động là điều bất thường, nhưng rất nhiều người vẫn sống ung dung nhờ sự cướp của và cướp sức ấy.
- Chẳng hạn, xúc phạm thân thể của người khác không những là điều bất thường, mà còn là điều không bao giờ được phép, lại trở nên bình thường trong các nhà tù, trong những cuộc điều tra của những kẻ có thẩm quyền, thậm chí dùng nhục hình để tra tấn, để bức cung.

Nổi cộm hiện nay tại Việt Nam là thanh niên Hồ Duy Hải. 14 năm ngồi tù, hết lần này đến lần khác, hết tòa án thấp đến tòa án cao, mạng sống bị treo trên đầu sợi tóc như trò đùa, vẫn chưa chứng minh được có tội hay vô tội cách rốt ráo.

- Chẳng hạn, nạn ăn hối lộ, ăn cắp của công, là điều xấu, là tai hại, làm nghiêng cán cân công lý, làm đảo ngược chân lý và làm khổ sở vô cùng cho những người nghèo, người không quyền lực…, lẽ ra bất thường, lại cứ nhan nhãn từ lâu, gần như bình thường.

Không thể kể hết những đảo ngược của những điều bình thường và bất thường. Sự đảo ngược đó đem lại một số giá trị vật chất, một số lợi nhuận cho một số người, nhưng lại là sự tàn nhẫn vì làm cho nhiều người khốn đốn, thậm chí đau khổ; làm cho cả xã hội bị tha hóa; làm băng hoại đạo đức và bôi đen nền văn hóa thời đại; làm cho niềm tin giữa người với người vốn quý giá và cần thiết bị tổn thương, nặng hơn, đã dần dà biến mất…

3. Từ những chứng minh thực tế về những nguy hiểm liên tục xảy đến, gây nhiều cái chết về đời sống vật chất và tinh thần, đòi chúng ta càng phải tỉnh thức hơn bao giờ hết. Đó chính là sự khôn ngoan của ta. Đó chính là sứ điệp khẩn cấp trong mùa Vọng buộc ta phải nắm lấy.

Nhắc lại bài học “Hãy tỉnh thức” của Chúa Giêsu, mùa Vọng hướng ta về sự sống vĩnh cửu, cho ta biết, chờ đợi để đạt tới hy vọng vĩnh cửu không bao giờ là chờ đợi suông, nhưng luôn có phần cộng tác của ta bằng thái độ tỉnh thức.

Thử gợi vài việc đạo đức thực hành bài học tỉnh thức trong mùa Vọng nói riêng, trong sự chờ đợi niềm hy vọng vĩnh cửu suốt cuộc sống gian trần nói chung:

– Thành tâm nhìn nhận mình thật mong manh, yếu đuối, cuộc sống này chỉ tạm bợ, đầy giới hạn. Từ đó ta khiêm tốn hơn, sống có nhân, có nghĩa hơn.
– Sống tâm tình tạ ơn Chúa vì Người luôn tìm mọi cách, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, mọi người anh em xung quanh… để thức tỉnh ta, đưa ta về sống gắn bó với Người.
– Tin vào tình yêu của Chúa, thực tâm nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ. Đồng thời đừng để lương tâm rơi vào sự chai cứng, tàn nhẫn, gây đau khổ cho anh chị em quanh mình.
– Một ý thức cần phải có luôn luôn, đó là ý thức ta có thể chết bất cứ lúc nào. Những nguy hiểm giết hại ta có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ý thức như thế, không phải để hoang mang, nhưng giúp ta bình tỉnh đón nhận thánh ý Chúa, đón nhận những hoàn cảnh lắm khi bất trắc, mà Chúa muốn ta phải đương đầu.
– Biết mọi nguy hiểm có thể đổ ập trên mình, ta sẽ bền vững trong đời sống cầu nguyện để được ở với Chúa, có Chúa đồng hành trong cuộc đời với ta.
– Không quên bổn phận san sẻ mất mát, khổ đau của anh chị em. Tận lực tận tình giúp họ, khi họ bị hiểm nguy đe dọa, hay đã xảy đến gây khốn đốn.

Vài gợi ý nhỏ hầu mong giúp sống mùa Vọng, mùa Vọng của năm 2020 và mùa Vọng của đời mình đang khi tiến về vĩnh cửu, chắc chưa là tất cả của một đời sống đạo đức. Dẫu sao vẫn là những điểm cần cho sự thức tỉnh của bản thân.

Nếu sống là chờ đợi, thì sống hướng về vĩnh cửu là chờ đợi gây không ít mỏi mòn, làm nhiều người lạc lối. Để sự chờ đợi trên đường về vĩnh cửu luôn đúng, luôn hợp ý Chúa, ta thực hành bài học tỉnh thức suốt đời như Chúa dạy và Hội Thánh mời gọi.