Wau, Nam Sudan, 20 tháng 8 năm 2017 (CNA/EWTN)Hàng triệu người bỏ nhà chạy ra nước ngoài vì những đụng độ diễn ra ớ Nam Sudan và hàng ngàn người đã đổ xô đến ngôi nhà thờ chính toà St. Mary ớ Wau, thành phố lớn thứ 2 cuả Nam Sudan.

"Người ta tin rằng ngay cả phiến quân cũng còn nể nang Thiên Chúa và sẽ không tàn sát dân thường ở sân nhà thờ," theo lời Cha Moses Peter, một linh mục tại St. Mary.

"Nhiều nhà thờ khác cũng đã có hàng trăm người đến," ngài nói.

Nam Sudan đang ở giữa một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài từ 3 năm rưỡi qua, cuộc chiến nổ ra giữa những người trung thành với tổng thống Salva Kiir và những người trung thành với cựu Phó Tổng thống Reik Machar. Cuộc xung đột còn tạo ra sự chia rẽ giữa các bộ lạc và các nhóm dân quân.

Kể từ lúc khởi đầu chiến tranh, khoảng 4 triệu người đã phải di cư ra nước ngoài để được an bình, tìm thực phẩm và công việc. Tuần qua, nước láng giềng Uganda đã nhận một triệu tị nạn từ Sudan Nam, làm nổi bật cuộc khủng hoảng là một cuộc khủng hoảng lây lan nhanh nhất trên Thế Giới.

Những người không thể chạy trốn khỏi nước được, thì nhiều người tìm kiếm nơi trú ẩn trong những nhà thờ như nhà thờ chánh toà St. Mary, là nhà thờ lớn nhất cuả thành phố Wau. Hiện nay có hơn 10.000 người đang ở̉ đó.

Thành phố Wau, ở phía bắc Nam Sudan, đã không bị ảnh hưởng bởi những tàn bạo của chiến tranh, và thu hút nhiều người di tản đến. Nhưng vào mùa xuân năm nay, thì chiến tranh đã lan tràn đến sát khu vực.

Trong số người tị nạn là nhiều phụ nữ, trẻ em và những người đã mất hầu hết gia đình của họ. Nhiều người quá sợ hãi ở lại quê nhà bởi vì họ có thể bị bị giết, bị tra tấn, cưỡng hiếp, hoặc thậm chí bị bắt lính.

"Binh sĩ đốt nhà của chúng tôi, cướp mất gia súc của chúng tôi, và hầu như giết chết cả làng," bà Maria nói. Bà là một người tàn tật, cao tuổi đã sống tại St. Mary một năm qua.

"Tôi không hiểu tại sao mà tôi thoát chết, tôi bị bỏ một mình và nằm cứng đơ," Maria nói.

Một người mù tên là Juda cũng tạm trú tại St. Mary, nói rằng ông "không còn gì để về, do đó, tôi sẽ chờ ở nhà thờ này."

Trong khi ngôi nhà thờ 61 tuổi vẫn mở cửa chào đón những người tị nạn, thì kho thực phẩm cũng cạn dần. Đã bốn tháng nay nhà thờ chưa được chương trình lương thực thế giới phân phối thêm.

Các giám mục địa phương kêu gọi viện trợ lương thực, đàm phán hòa bình, và tỏ sự thất vọng là lời kêu gọi của họ không được lắng nghe.

"Những người có khả năng thực hiện những thay đổi cho lợi ích của dân tộc đã không lưu tâm đến các lời kêu gọi trước đây cuả chúng tôi," các giám mục Nam Sudan đã ra thông cáo như vậy từ hồi tháng 2.

Mặc dù có quan hệ tốt giữa giáo hội địa phương, các cơ quan viện trợ quốc tế và chính quyền, nhưng những người tị nạn đang vẫn cần một nguồn cung cấp thực phẩm hợp lý. Tuy nhiên, Giáo Hội đã thực hiện nhiều việc nâng cấp gần đây, như đặt thêm máy bơm nước, nhà vệ sinh, phòng học, và phòng y tế, với sự trợ giúp cuả các cơ quan viện trợ quốc tế.

Trong khi tình hình ở nhà thờ St Mary có vẻ an toàn, thì những giao tranh đã bùng phát chỉ cách thành phố 20 dặm. Nhân viên cứu trợ địa phương bị đe dọa nhiều thứ, và việc giữ gìn an ninh tại nhà thờ chỉ gồm có một người bảo vệ.

"Giữa cái đói và mất an ninh, người dân còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực ở đây," Cha Peter nói.

Một doanh nhân địa phương, Hasan, cho rằng nạn đói không phải do tình trạng thiếu lương thực, nhưng là kết quả của tham nhũng, lạm phát và cướp bóc.

"Có lương thực đủ," ông nói, "nếu có tiền, thực phẩm vẫn sẽ có."

Cuộc khủng hoảng tị nạn tồn tại là vì đổ máu và bạo lực trong nước tiếp tục. Nhưng không may, những nỗ lực hoà bình quốc tế đã bị đình trệ và không bên nào trong cuộc xung đột muốn có tiến bộ hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn.

"Tôi không tin sẽ có hòa bình," người đàn ông mù Juda nói. "Nếu nó không đến, tôi không còn biết đến bao giờ thì tôi mới có một nơi để gọi là nhà ngoài ngôi nhà thờ này."