Phát Triển Các Dân Tộc Và Dân Tộc Việt Nam

50 năm đã trôi qua từ ngày 26.03.1967, khi Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Thông điệp ‘Populorum progressio – Phát triển các dân tộc’, đề ra những đường hướng mới cho xã hội, trong đó tình liên đới là dụng cụ cai trị người dân các nước. Trong nửa thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam đã phát triển thế nào so với chính mình và với các dân tộc láng giềng. Ngày 27.04.2017, Ðức cha Hoàng Đức Oanh đã, với một vọng thật buồn, nói ‘Thảm họa Formosa là thật nghiêm trọng, là đại họa không chỉ cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung mà còn cho cả đất nước Việt Nam, đại họa này không chỉ bây giờ mà còn lâu dài nữa, không chỉ có đại họa Formosa chỉ là một trong những đại họa của Việt Nam mà còn nhiều đại họa khác trên lảnh thổ Việt Nam’… ‘Việt Nam ngày nay không chỉ bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đủ mọi thứ và luôn lương tâm con người cũng bị ô nhiễm. Cuối cùng, mạnh ai lo sống, thành ra cái đó là cái thảm hơn nữa’.

I.- THÔNG ÐIỆP ‘PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC’.

Sau khi khẳng định rằng ‘vấn đề xã hội là vấn đề luân lý’, mục đích Thông điệp ‘POPULORUM PROGRESSIO’ là thăng tiến sự phát triển toàn diện cho con người, khắp nơi trên thế giới. Nó giải thích tại sao lại cần phải phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công tác cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Từ Công đồng chung Vatican II, Giáo Hội ý thức rõ hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc giàu cáo. Ðó là lý do để Tòa Thánh thành lập Hội đồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo. Dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho mọi người tại khắp thế giới. Thật vậy, họ khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho Công ích, thoát khỏi cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.

Phải chăng đó cũng là những ước muốn chính đáng mà người dân nước Việt bị trị đang đòi nhà cầm quyền độc tài cộng sản phải thực thi để mọi người có được một cuộc sống bảo đảm như Thông điệp đã đề cập trên. Thực tế, chỉ trừ những đảng viên cộng sản, mọi người đều đồng ý điều đó. Nhưng để đạt được ước muốn chính đáng đó, mọi người Việt trong nước cần phải dấn thân đồng loạt đòi hỏi đảng cộng sản phải thực những điều Chân phước Phaolô VI đã dạy trong Thông điệp này. Bất hạnh thay, đại đa số công dân Việt nhân danh ‘không làm chính trị’ để mặc ai muốn biểu tình tranh đấu với Việt cộng thì cứ làm và họ chỉ chờ để hưởng… Thật bất công.

II. DÂN TỘC VIỆT NAM 50 NĂM QUA.

A. Trước ngày 30.04.1975.

1. Thời Pháp thuộc.

Ngày 20.07.1954, Pháp và Cộng sản Việt ký Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh Ðông dương (Indochina gồm Việt Miên Lào) và chia đôi Việt Nam. Miền Bắc Quê hương bị nhuộm đỏ bởi Cộng sản. Trước đó, qua cuộc Cách mạng tháng Tám ‘cướp chính quyền’, ngày 02.09.1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Nhưng khi Pháp trở lại, lúc Nhật thất trận, họ phải thành lập các bưng biền để chống Pháp.

Cho đến ngày 20.07.1954, Quốc gia Việt Nam, tên gọi trước khi chúng chia cắt Quê hương, thuộc quyền cai trị của Pháp. Vấn đề này được Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đề cập đến tại số 7 Thông điệp này (xin tóm tắt) : ‘Ðể thực hiện sự cai trị này, tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng nhiều cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, đặc biệt là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, thiết lập giao thông thuận lợi và cải tiến các điều kiện sống. Do giáo dục mở mang, người dân thấm nhuần ý niệm độc lập quốc gia gợi cho họ muốn sống kinh nghiệm các quyền Tự do cá nhân, chính trị, xã hội và kinh tế’.

Xin phép được kể về bản thân chúng tôi lúc đó, những năm đầu của thập niên 1950, khi trận chiến Ðông dương đến hồi quyết liệt. Về giáo dục, chúng tôi, các trẻ trai Việt sống tại Chợ lớn (một tỉnh cận Sài gòn) dều được đi học hoàn toàn miễn phí tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương (thời Việt Nam Cộng hòa, trường được đổi tên là Hùng Vương). Trường khang trang và lớp rộng rãi dành cho khoảng 40 học sinh. Với chủ trương ‘Tiên học lễ, hậu học văn’, thầy cô không phải dạy thêm để lấy tiền cha mẹ, nên rất được học sinh rất kính trọng. Xin lỗi phải dài dòng như vậy để cho chúng ta thấy ‘thời thực dân khá hơn nhiều xã hội chủ nghĩa’ về giáo dục vì họ cần có công, tư chức có học để làm việc cho họ.

2. Thời gian Quê hương bị chia đôi.

Hậu quả đau thương đó là do thỏa thuận giữa thực dân Pháp và cộng sản Việt ngày 20.07.1954. Trước đó, toàn cỏi Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, được đặt dưới vương quyền của Quốc trưởng Bảo Ðại. Vị này trao toàn quyền dân và quân sự cho Thủ tướng Ngô Ðình Diệm nhậm chức ngày 07.07.1954. Trọng trách hàng đầu của tân Chánh phủ là tổ chức cuộc tiếp đón trên 800 ngàn đồng bào từ chối sống với cộng sản, tìm Tự do tại Miền Nam. Ðặc biệt, các sinh viên Hà nội được ông Diệm cho phi cơ đưa ngay vào Sài Gòn để kịp nhập học vào tháng 09/1954. Bên cạnh các phát triển về kinh tế và xã hội, ông Diệm đã chú trọng cách riêng đến việc giáo dục vì, nhờ đó, con người mới được phát triển toàn diện. Ðồng bào di cư được Chánh phủ giúp an cư và lạc nghiệp bằng giúp khai phá đất đai thành các khu trù mật và được hưởng quyền sở hữu.

Từ khởi đầu, Giáo Hội đã luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Ðức Kitô, là Đấng đến để phục vụ. Vì thế, Giáo Hội đem Tin Mừng đến đâu thì cũng cố gắng giúp phát triển con người dân tộc ở đó. Các thừa sai của Giáo Hội trong lúc xây dựng Thánh đường, cũng lo xây dựng dưỡng đường, bệnh viện, và trường học đủ các cấp. Họ dạy cho người bản xứ phương thức khai thác một cách đầy đủ những tài nguyên thiên nhiên của họ, và còn bảo vệ họ khỏi lòng tham của ngoại nhân (Thông điệp số 12).

Nhờ đó, sau khi học hết Tiểu học, bản thân tôi có cơ hội để tiếp tục bậc Trung học tại trường Taberd, do các Sư huynh Dòng Lasan giáo dục bao thế hệ nam sinh từ năm 1866. Nhờ kỷ luật nghiêm minh, kết quả thi cử đạt mức cao và cung cấp rất nhiều nhân tài cho việc Phát triển Quê hương và Dân tộc Việt. Tại nguyện đường trường này, tôi đã nhận Bí tích Thánh Tẩy, lúc vừa trưởng thành.

Dù đạo và đời là hai lãnh vực khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về nhân loại. Bởi thế, sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do. Do đó, họ có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Họ có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp.

Trong khi tại Miền Bắc cộng sản, sinh hoạt Giáo Hội bị giới hạn hay bị cấm đoán như các Ðức cha không được phép đến Rôma để tham dự Công đồng chung Vatican II. Tại Miền Nam tự do, dù trong thời gian chiến tranh xâm lược do cái gọi là ‘chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, cho Trung quốc’ (lời Lê Duẫn), sinh hoạt các tôn giáo được tự do.

3. Sinh viên Công Giáo Hội thảo về Thông điệp.

Năm 1968 là một năm thật đẫm máu cho dân tộc Việt Nam hai miền, tức đi ngược với sự Phát triển Dân tộc mà Ðức Phaolô VI đề nghị:

a. Lợi dụng thời gian hưu chiến mà chính Việt cộng đã cam kết tôn trọng, ngay những giờ phút thiêng liêng của ngày Tết Mậu Thân, chúng tấn công vào các thành phố ở Miền Nam. Hàng ngàn trẻ em xâm mình ‘SBTN’ (sinh Bắc tử Nam) được bị bọn chỉ huy khát máu buộc bắn giết người khác. Sợ quá, chúng khóc và bị bắt. Tại nơi bị giam giữ, các em được Ðức cha Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa thánh đến thăm và ủy lạo. Theo soạn giả Matthew White ghi lại trong sách ‘Tàn khốc: 100 sự kiện tử vong cực cao trong lịch sử nhân loại’ thì vụ thảm sát ở Huế năm 1968 được ông trích dẫn từ các nguồn khác nhau cho rằng ‘đã có 2.800 người bị giết và 3.000 người mất tích do Việt cộng thực hiện’. Phần đông, các nạn nhân bị chôn trong những ngôi mộ tập thể, sau khi bị đập đầu.

b. Ðầu tháng Năm, Việt cộng tấn công lần nữa với quy mô nhỏ hơn.

c. Ngày 13.05.1968, Hội nghị Paris về Việt Nam giữa 2 bên (Hoa kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khai mạc. Ngày 18.01.1969, các phiên họp được dời về trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris. Ngày 25.01.1969, khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Hội nghị bốn bên (thêm Việt Nam Cộng hòa và Cộng hoà miền Nam Việt Nam) về Việt Nam ở Paris. Hội nghị này chấm dứt với Hiệp định Paris ngày 27.01.1973.

Song song với ba biến cố đó, Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Sài gòn đã chuẩn bị cho cuộc Hội thảo về Thông điệp ‘Phát triển các dân tộc’ nào phải tìm tài trợ cho cuộc họp mặt, ấn loát Thông điệp, tìm phương tiện di chuyển rẻ cho ba Ðoàn (Sài gòn, Huế và Cần thơ) đến Ðà Lạt để cùng với Ðoàn ở thành phố này để sinh hoạt, ăn ở tại Viện Ðại học Công Giáo Ðà Lạt, nhân dịp Nghỉ Hè 1968. Năm Linh mục Tuyên úy và khoảng 60 sinh viên nam nữ tham dự. Do tự do suy nghĩ, các cuộc góp ý về việc phát triển dân tộc Việt thật dồi dào và sôi nổi. Làm sao để thoát khỏi cuộc nội chiến tương tàn thì mới có thể phát triển được…

Sau đó, vào tháng Tám, chúng tôi có dịp trở lại Ðà Lạt, ngụ tại Biệt thự Thánh Tâm, với Hiệp hội Thánh Mẫu Sinh viên Việt Nam để vừa tĩnh tâm vừa làm công tác xã hội phụ giúp đồng bào. Hàng ngày, sau Thánh Lễ và nghe Cha Giám đốc Gagnon (Nhân, Dòng Chúa Cứu thế) giảng, Người cùng chúng tôi dùng điểm tâm. Một hôm, Cha có kể một câu chuyện : Lúc cộng sản đánh chiếm Ðà Lạt, một toán bộ đội đi vào Biệt thự Thánh Tâm. Cha ra chào họ và thấy trong túi xách của ông trung úy có một quyển ‘Bóng Thánh giá trên là sóng đỏ’ do chính Cha viết, nhưng đề tên Tố Tâm. Trong đó, Cha viết sự thật về Mặt trận Giải phóng Miền Nam chỉ là con đẻ của cộng sản Hà nội và bị sai vào để khủng bố và giết hại dân lành. Người ngoại quốc và nhiều người Việt không chịu tìm hiểu sự thật đó mà cứ tin đó là một tổ chức chính trị nhằm chống Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nếu các giáo sĩ phụ trách hồ sơ Việt Nam tại Vatican biết điều đó thì chắc Ðức Phaolô VI không tiếp Xuân Thủy năm 1972.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo