Các ấn tượng về lần hiện ra thứ hai

Trong lần hiện ra thứ hai vào ngày 13 tháng Sáu năm 1917, Francisco có ấn tượng đặc biệt về ánh sáng mà, như con đã thuật lại trong trình thuật thứ hai, Đức Mẹ đã tỏ cho chúng con lúc ngài nói với chúng con: “Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ là nơi trú ẩn của các con và là đường dẫn các con tới Thiên Chúa”. Lúc ấy, dường như em không nắm được ý nghĩa của những gì đang diễn ra, có lẽ vì em không nghe được những lời nói kèm theo. Vì thế, sau đó, em hỏi:

“Tại sao Đức Mẹ cầm trái tim ở trong tay, trong khi chiếu ra khắp thế giới ánh sáng vĩ đại vốn là Thiên Chúa ấy? Chị thì ở với Đức Mẹ trong ánh sáng chiếu xuống đất, còn Jacinta và em thì ở với Đức Mẹ trong ánh sáng chiếu lên trời!”

Con trả lời em: “Vì em và Jacinta chẳng bao lâu nữa sẽ lên thiên đàng, trong khi chị, với Trái Tim Vô Nhiễm Maria, sẽ tiếp tục ở lại mặt đất một thời gian lâu hơn nữa”.

Em hỏi: “chị sẽ còn ở lại đây bao lâu nữa?”

“Chị không biết. Khá lâu”.

“Có phải Đức Mẹ nói thế không?”

“Đúng, và chị thấy điều này trong ánh sáng ngài soi thấu trái tim chúng ta”.

Jacinta xác nhận cùng một sự việc; em nói: “Đúng như vậy! Đúng y hệt như em đã thấy!”

Thỉnh thoảng, Francisco nhận xét: “Những người kia thật hạnh phúc chỉ vì chị bảo với họ rằng Đức Mẹ muốn người ta đọc kinh mân côi… Họ còn cảm thấy hạnh phúc biết bao nhiêu nữa nếu họ biết điều ngài tỏ cho chúng ta trong Thiên Chúa, trong Trái Tim Vô Nhiễm của ngài, trong ánh sáng ấy! Nhưng đây là điều bí mật; không được nói tới. Tốt hơn cả nếu không ai biết bí mật này”.

Tuy nhiên, sau lần hiện ra này, mỗi khi người ta hỏi chúng con xem Đức Mẹ có nói gì với chúng con không, thì chúng con bắt đầu trả lời như thế này: “Có, ngài có nói, nhưng đây là một bí mật”. Nếu họ hỏi chúng con tại sao lại là bí mật, thì chúng con chỉ biết nhún vai, cúi đầu và giữ im lặng. Nhưng, sau ngày 13 tháng Bẩy, chúng con nói: “Đức Mẹ dặn chúng cháu không được nói với bất cứ ai”, nghĩa là nói tới bí mật Đức Mẹ bắt chúng con phải giữ kín.

Francisco củng cố lòng can đảm của Lucia

Trong tháng trên, lượng người đổ tới gia tăng đáng kể, và cùng với lượng người này là sự gia tăng về vặn hỏi và mâu thuẫn. Francisco chịu đau khổ khá nhiều vì những vụ việc này, nên đã than thở với em gái rằng:

“Đáng tiếc thay! Nếu hồi ấy em giữ im lặng, thì ai mà biết! Ước chi không phải là nói dối, thì chúng ta đã có thể nói với mọi người là chúng ta không thấy gì, và thế là hết chuyện. Nhưng đã không thể làm như thế được nữa rồi!”

Khi thấy con bối rối và nghi nan, em khóc, và nói: “nhưng làm thế nào chị lại nghĩ đó là ma qủy? Há chị không thấy Đức Mẹ và Thiên Chúa trong ánh sáng vĩ đại ấy sao? Làm sao bọn em đến đó mà không có chị, trong khi chị là người nói?”

Đêm đó, sau khi ăn tối, em trở lại nhà con, gọi con ra sân đạp lúa cũ và nói: “Chị này, ngày mai, chị không đi sao?”

“Chị không đi. Chị đã nói với em rồi là chị sẽ không trở lại đó nữa”.

“Nhưng quả đáng xấu hổ! Tại sao đến bây giờ chị lại nghĩ như thế? Há chị không thấy đây không thể là ma qủy đó sao? Thiên Chúa đã buồn sầu đủ rồi vì quá nhiều tội lỗi, thế mà bây giờ chị lại không đi, Người sẽ còn buồn sầu đến đâu! Này, chị hãy nói chị sẽ đi đi!”

“Chị đã nói với em rồi chị sẽ không đi. Yêu cầu chị chỉ vô ích thôi”. Nói rồi, con đột ngột bỏ về nhà.

Mấy ngày sau, em nói với con: “Chị biết đấy, đêm đó, em không hề ngủ được. Em thức cả đêm khóc lóc và cầu nguyện, cầu xin Đức Mẹ khiến chị đi”.

Các ấn tượng về lần hiện ra thứ ba

Trong lần hiện ra thứ ba, hình như Francisco là người ít có ấn tượng nhất về thị kiến hỏa ngục dù nó gây khá nhiều hậu quả đáng kể đối với em. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất nơi em và cuốn hút em là Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, nhìn thấy trong làn ánh sáng soi thấu linh hồn sâu thẳm của chúng con. Sau đó, em nói:

“Chúng ta bừng lửa trong làn ánh sáng vốn là Thiên Chúa ấy, ấy thế nhưng chúng ta không bị thiêu đốt! Thiên Chúa là Đấng nào? Chúng ta sẽ không bao giờ diễn tả Người bằng lời. Thực vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể phát biểu được! Nhưng đáng tiếc, Người buồn sầu quá! Ước chi em có thể an ủi Người!...”

Một ngày kia, người ta hỏi con có phải Đức Mẹ bảo chúng con phải cầu nguyện cho các người tội lỗi, con nói ngài không bảo thế. Ngay dịp đầu tiên, lúc người ta hỏi han Jacinta, em gọi con qua một bên mà nói: “Chị vừa nói dối! Làm thế nào chị có thể nói Đức Mẹ không bảo chúng ta cầu nguyện cho các người có tội được? Há ngài không bảo chúng ta như thế sao?”

“Cho các người có tội, không! Ngài bảo chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, cho chiến tranh kết thúc. Còn cho kẻ có tội, ngài bảo chúng ta phải làm các việc hy sinh”.

“Ôi, quả đúng. Em bắt đầu nghĩ chị đã nói dối”.

Francisco bị giam

Con đã mô tả Francisco đã cầu nguyện và đã khóc cả ngày ra sao, có khi còn buồn sầu hơn cả con, khi cha con nhận được lệnh phải đem con lên trình diện trước ông quận trưởng ở Vila Nova de Outém. Ở trong tù, em khá can đảm, và đã cố gắng làm Jacinta vui khi Jacinta thấy nhớ nhà. Trong khi chúng con đọc kinh mân côi ở trong tù, em để ý thấy một tù nhân tuy qùy gối nhưng vẫn đội mũ trên đầu.
Francisco bèn bước tới tù nhân này mà nói: “Nếu bác muốn cầu nguyện, bác phải bỏ mũ ra”. Ngay lập tức, tù nhân này đưa chiếc mũ cho em và em đem đặt nó ở chiếc ghế dài trên chiếc mũ của chính em.

Trong khi Jacinta bị tra vấn, em thổ lộ với con, một cách hết sức vui mừng và thanh thản, rằng “Nếu họ giết chúng em như lời họ nói, chẳng bao lâu nữa, chúng em sẽ được lên thiên đàng! Quả là tuyệt diệu! Không còn điều gì đáng kể nữa!” Sau khi im lặng một lúc, em nói thêm: “Thiên Chúa ban ơn để Jacinta không sợ. Em sẽ đọc một kinh Kính Mừng cho em!” Em lập tức bỏ mũ ra và bắt đầu cầu nguyện. Người lính gác thấy em cầu nguyện, hỏi em:

“Em đang đọc gì vậy?”

“Cháu đang đọc một kinh Kính Mừng cho Jacinta đừng sợ”.

Người lính gác tỏ ý tứ giận nhưng để em tiến hành.

Một hôm, sau khi từ Vila Nova de Ourém trở về, chúng con bắt đầu nhật thấy sự hiện diện của siêu nhiên ở quanh chúng con, và cảm thấy chúng con sắp sửa lãnh nhận sự thông đạt nào đó từ trời. Francisco lập tức tỏ ra lo lắng trước sự vắng mặt của Jacinta. Em than:

“Quả thực đáng tiếc, nếu Jacinta không tới đây kịp thời”

Em khẩn khoản xin anh trai mau chóng lên đường đi tìm Jacinta, em bảo: “Hãy nói với Jacinta mau chạy tới đây”.

Sau khi anh trai đi rồi, Francisco mới nói: “Jacinta sẽ rất buồn nếu em không tới đây đúng giờ”.

Sau khi hiện ra, Jacinta muốn ở lại đó cả buổi chiều, nên Francisco bảo: “Không được! Em phải về nhà, vì mẹ không để em ra ngoài với đàn chiên”. Và để khuyến khích em gái, em đã cùng về nhà với Jacinta.

Ở trong tù, khi chúng con để ý đã quá trưa, mà họ chưa cho chúng con tới Cova da Iria, Francisco bảo: “Có lẽ Đức Mẹ sẽ đến và hiện ra với chúng ta ở đây”.

Ngày hôm sau, em không dấu nổi sự buồn bực, và gần như rơi nước mắt, em nghẹn ngào: “Đức Mẹ hẳn phải buồn lắm vì chúng ta không tới Cova de Iria được, và ngài không còn hiện ra với chúng ta nữa. Em muốn thấy ngài quá!”

Khi ở trong tù, Jacinta khóc sướt mướt, vì em rất nhớ mẹ và mọi người trong gia đình. Francisco cố gắng làm em vui, nói rằng: “Cho dù chúng ta không bao giờ được gặp lại mẹ, chúng ta cũng hãy kiên nhẫn! Chúng ta có thể dâng việc này để các người có tội ăn năn trở lại. Điều tệ nhất là Đức Mẹ không bao giờ trở lại! Đó là điều làm em đau đớn hơn cả. Nhưng em cũng dâng hy sinh này cho các người có tội”.

Sau đó, em hỏi con: “Chị cho em hay, có phải Đức Mẹ sẽ không đến và hiện ra với chúng ta nữa không?”

“Chị không biết. Chị nghĩ ngài sẽ đến”.

“Em rất nhớ ngài”.

Do đó, việc Đức Mẹ hiện ra ở Valinhos là niềm vui gấp đôi đối với Francisco. Em bị dằn vặt bởi nỗi sợ cho rằng ngài sẽ không bao giờ trở lại. Sau này, em nói với con: “Phần chắc, ngài không hiện ra vào ngày 13, tránh phải tới nhà ông quận trưởng, có lẽ vì ông này là người xấu”.

Các ấn tượng về lần hiện ra chót

Sau ngày 13 tháng Chín, khi con nói với Francisco rằng tháng Mười, cả Chúa cũng sẽ đến, em hết sức vui mừng. “Ôi, Người tốt lành xiết bao! Em mới chỉ thấy Người hai lần, mà em đã yêu mến Người xiết bao!”

Thỉnh thoảng, em lại hỏi: “Còn bao lâu nữa tới ngày 13? Em mong ngày ấy đến quá, để em lại được thấy Chúa lần nữa”. Em suy nghĩ một lúc, rồi hỏi: “Nhưng này, Người còn buồn nữa không? Em rất buồn thấy Người buồn như thế! Em dâng lên Người mọi hy sinh em có thể nghĩ được. Thỉnh thoảng, em không chạy trốn những người này nữa, chỉ để làm việc hy sinh!”

Sau ngày 13 tháng Mười, em nói với con: “em thích được thấy Chúa, nhưng em thích được thấy Người trong ánh sáng trong đó chúng ta cũng được ở với Người hơn. Bây giờ không còn lâu nữa, khi Chúa đem em đi tới gần Người, và lúc đó, em có thể nhìn vào Người mãi mãi”.

Một hôm, con hỏi em: “Khi em bị tra hỏi, tại sao em cúi đầu xuống và không muốn trả lời?”

“Vì em muốn chị trả lời, và cả Jacinta nữa. Em không nghe thấy gì, em chỉ có thể nói là em trông thấy thôi. Như thế, [chị nghĩ sao] khi giả dụ em nói một điều mà chị không muốn em nói?”

Thỉnh thoảng, em đi khỏi và không nói trước với chúng con. Khi nhớ đến em, chúng con đi tìm em, gọi lớn tên em. Em trả lời từ phía sau bức tường hay một bụi rậm hay khóm mâm xôi, thì ra em đang qùy cầu nguyện ở đó.

“Tại sao em không cho bọn chị hay để bọn chị đến và cầu nguyện với em?”

“Vì em thích cầu nguyện một mình”.

Trong các ghi chú của con trong cuốn sách tựa là “Jacinta”, con đã thuật lại những gì xẩy ra trên mảnh đất có tên là Varzea. Con nghĩ con không cần phải lặp lại ở đây.

Một hôm, trên đường chúng con về nhà con, chúng con phải đi qua nhà mẹ đỡ đầu của con. Mẹ đỡ đầu của con đang làm món rượu mật ong, nên gọi chúng con vào để uống một ly. Chúng con vào và Francisco là người đầu tiên mẹ đỡ đầu con tặng một ly đầy. Em nhận ly rượu, nhưng không uống, mà đưa cho Jacinta, để Jacinta và con uống trước nhất. Trong khi ấy, em quay gót và biến mất.

Mẹ đỡ đầu của con hỏi: “Francisco đâu?”

“Con không biết! Em vừa ở đây mà!”

Francisco không trở lại, nên Jacinta và con cám ơn mẹ đỡ đầu vì chén rượu mật ong, rồi đi tìm Francisco. Chúng con biết chắc trăm phần trăm rằng em đang ngồi ở bờ chiếc giếng mà con đã nhắc đến nhiều lần.

“Francisco, em không uống ly rượu mật ong! Mẹ đỡ đầu của chị gọi em rất nhiều lần, mà em đâu có xuất hiện!”

“Khi nhận ly rượu, em đột nhiên nhớ em có thể dâng hy sinh này để an ủi Chúa của chúng ta, nên khi bọn chị nhận ly rượu, em chạy tới đây”.

Còn tiếp