Đọc bài về việc Cha Bề Trên Cả Dòng Tên nói đến biện phân, có vị linh mục gọi cho người giáo dân bình thường này than phiền là tại sao không đề cập gì tới việc Cha Bề Trên Cả nói rằng Thánh Kinh là sách do người phàm viết ra và do những người phàm chấp nhận, mà thực ra là sách linh hứng và tác giả chính là Thiên Chúa mới đúng chứ. Người giáo dân bình thường này chỉ biết thưa lại: có nói thế, chắc Cha Bề Trên Cả, người mà trước đây, người Pháp quen gọi là “pape noir” (giáo hoàng áo đen), cũng sẽ trả lời như Đức Phanxicô (giáo hoàng áo trắng) rằng: khổ quá, nói mãi, tôi là con cái trung thành của Giáo Hội, tôi biết điều đó, nhưng mình cứ nói đến chuyện đó hoài làm chi!

Cha Bề Trên Cả còn nói là thế kỷ vừa qua, trong Giáo Hội Công Giáo có rất nhiều cuộc nghiên cứu xem thực sự Chúa Giêsu đã nói gì. Và kết quả, cuộc nghiên cứu này đẻ ra ông cựu linh mục John Dominic Crossan, người cuối cùng chỉ “khám phá” ra những câu không đính dáng gì tới thần linh hay siêu nhiên là của Chúa Giêsu thôi, dù ông này không hề có máy ghi âm ghi lại lời Chúa nói hồi ấy.

Nhưng có nói với ngài, ngài cũng sẽ bảo: đã đành, nhưng đâu phải ai ai cũng là John Dominic Crossan, lo bò trắng răng làm chi rứa!

Tuy nhiên, như đã hứa mục đích bài này là nói về ý nghĩa của biện phân.

Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, “biện” là xét rõ để phân biệt, là tranh luận điều phải trái; “phân biện” là chia riêng ra mà xét rõ. Cụ Đào còn chua thêm tiếng Pháp cho phân biện là “distinguer, discrimination”. “Distinguer” thì quá chung chung; còn “discrimination” thì không hợp với người thời nay vì, ai cũng biết, từ này hiện nay có nghĩa xấu là kỳ thị.

Vậy thì “biện phân” liên hệ đến việc xét rõ để phân biệt điều phải trái.

Biện phân thần khí

Truyền thống Kitô Giáo không hẳn hiểu biện phân theo nghĩa tổng quát trên đây, dù hiện nay, người ta có khuynh hướng thiên về phía ấy.

Vì Kitô Giáo không khởi đầu nói đến biện phân theo nghĩa tổng quát mà nói tới việc “biện phân thần khí”. Thánh Phaolô là người đầu tiên liệt kê việc biện phân thần khí vào số các đặc sủng: “Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn biện phân thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1Cor 12:10). Sau đó là Thánh Gioan: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4:1).

Thần khí đây, theo Từ Điển Bách Khoa Công Giáo, ấn bản đầu thế kỷ 20, nếu nói đến nghĩa rộng, chỉ một số ảnh hưởng phức tạp, có khả năng thúc đẩy ý chí, người này hướng tới điều tốt, người kia hướng tới điều xấu. Theo nghĩa này, ta có tinh thần thế gian, tinh thần chủng tộc, tinh thần Kitô Giáo… Nhưng nếu nói theo nghĩa hẹp, thần khí chỉ các tác nhân tinh thần khác nhau, qua các gợi ý và thúc đẩy của chúng, có thể ảnh hưởng đến giá trị luân lý của các hành vi của chúng ta.

Bốn thần khí thuộc hai loại tốt xấu

Dĩ nhiên, chúng ta lấy nghĩa thứ hai. Theo nghĩa này, Từ Điển liệt kê 4 tác nhân: a) Linh hồn con người; do hậu quả của tội nguyên tổ, các quan năng hạ cấp của linh hồn không đi cùng đường với các quan năng cao cấp. Có thể nói, tư dục, thứ quấy nhiễu trí tưởng tượng và các lầm lẫn của cảm giới, gây trở ngại hay làm trệch đường các vận hành của trí hiểu và ý chí, khiến người này sao lãng điều thật và người khác sao lãng điều tốt. b) Đối nghịch với bản chất hư hỏng của ta hay có thể nói với xác thịt vốn kéo chúng ta về hướng tội lỗi, Thần Khí Thiên Chúa hành động trong ta bằng ơn thánh, một ơn trợ giúp siêu nhiên cho trí hiểu và ý chí của ta để hướng dẫn ta trở về với điều tốt và tuân giữ luật luân lý. c) Ngoài ra còn có hai tác nhân nữa, đó là thần xấu (ma quỉ) và thần tốt (thiên thần); thần xấu lôi kéo ta về phía nổi loạn với chúng; thần tốt lôi kéo chúng ta về phía vâng lời với các ngài.

Tóm lại có 4 thần khí ảnh hưởng tới tự do của ta: Thiên Chúa và các thiên thần tìm điều tốt cho ta; con người (theo nghĩa trên đây) và ma quỉ tìm điều bất hạnh cho ta. Nói cho gọn, có hai loại là thần khí tốt và thần khí xấu.

Từ Điển cho rằng “biện phân thần khí” là hạn từ chỉ sự phán đoán nhờ đó ta có thể xác định từ thần khí nào các thúc đẩy của linh hồn ta phát xuất ra và ta dễ hiểu tầm quan trọng của sự phán đoán này đối với việc tự hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác.

Nhờ Sách Thánh và truyền thống tu đức

Sự phán đoán trên có thể được huấn luyện bằng hai cách. Cách thứ nhất nhờ ánh sáng trực giác, điều không thể lầm lẫn trong việc khám phá ra phẩm chất của thúc đẩy; như thế, đây là ơn phúc của Thiên Chúa, ơn nhưng không, ban cho, chủ yếu để sinh ích cho người lân cận (1Cor 12:10). Đặc sủng này được ban cho thời Giáo Hội sơ khai và trong đời sống các vị thánh. Cách thứ hai, nhờ học tập và suy nghĩ. Như thế, đây là một kiến thức mà con người tích lũy được, ít nhiều hoàn hảo, nhưng hữu ích để hướng dẫn các linh hồn. Dĩ nhiên, kiến thức này thu tích được nhờ sự trợ giúp của ơn thánh, nhờ đọc Sách Thánh, đọc các tác phẩm thần học và tu đức, các sách tiểu sử, và thư từ của những nhà tu đức thời danh. Sự cần thiết của việc tự hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác, khi mình có nhiệm vụ săn sóc các linh hồn, đã sản sinh ra nhiều văn kiện, được lưu giữ trong các thư viện linh đạo, mà nếu chịu khó sử dụng ta sẽ thấy việc biện phân thần khí là một khoa học vốn nở rộ trong Giáo Hội.

Từ Điển kể ra một số sách tu đức nói trên như “Người Chăn Chiên Hermas”, bài nói của Thánh Antôn với các đan sĩ Ai Cập trong sách Thánh Anathasiô viết về đời ngài; cuốn "De perfectione spirituali" (Về việc hoàn thiện hóa thiêng liêng, các chương 30-33) của Marcus Diadochus; cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô; bài giảng XXIII của Thánh Bernađô "De discretione spirituum" (Về Biện Phân Các Thần Khí); khảo luận của Gerson, "De diversis diaboli tentationibus" (Về các cám dỗ đa dạng của ma quỉ); tự truyện của Thánh Têrêsa và “Lâu Đài Linh Hồn”; các thư linh hướng của Thánh Phanxicô De Sales.

Linh thao của Thánh Inhã

Lẽ dĩ nhiên đặc biệt phải kể đến “Linh Thao” của Thánh Inhã, Đấng sáng lập Dòng Tên, “tổ phụ” Cha Sosa, tân Bề Trên Cả Dòng này, người vừa lên tiếng về biện phân.

Thánh Inhã không những nói tới biện phân thần khí mà còn đưa ra các qui luật cho việc biện phân này. Từ điển cho rằng Thánh Inhã dựa vào ánh sáng Thiên Chúa và kinh nghiệm bản thân có thể sánh với kinh nghiệm của một tâm lý gia uyên bác để đưa ra hai loại thần khí; thần khí tốt và thần khí xấu. Ngài bắt đầu bằng cách nêu lên nguyên tắc rõ ràng này: cả thần khí tốt lẫn thần khí xấu đều hành động trên linh hồn ta tùy theo thái độ của linh hồn ta đối với chúng. Nếu các thần khí xấu giả dạng làm bằng hữu của linh hồn, chúng sẽ ve vãn linh hồn; nhưng hễ linh hồn chống cự chúng, chúng sẽ hành khổ nó. Nhưng thần khí xấu chỉ nói với trí tưởng tượng và các giác quan, trong khi các thần khí tốt thì hành động trên lý trí và lương tâm. Các thần khí xấu nhằm kích thích tư dục, còn các thần khí tốt thì nhằm tăng cường tình yêu đối với Thiên Chúa.

Thánh nhân cũng dạy ta phân biệt các thần khí bằng các hành động và mục đích của các sức mạnh này. Thánh nhân cho rằng nếu không có nguyên nhân trước, nghĩa là bỗng nhiên, không biết hay không cảm trước, một mình Thiên Chúa, bằng quyền tối thượng của Người, có thể đổ tràn ánh sáng và niềm vui vào linh hồn ta. Nhưng nếu có nguyên nhân trước, thần xấu hoặc thần tốt có thể là tác giả của niềm vui (an ủi); điều này phải được phán đoán căn cứ vào các hậu quả. Vì đối tượng của thần tốt là phúc lợi của linh hồn và đối tượng của thần xấu là nỗi bất hạnh của nó, nên nếu, trong diễn biến các suy nghĩ của ta, mọi sự êm đẹp và hướng về điều tốt, thì không có lý do gì để phải lo lắng; trái lại, nếu thấy bất cứ sai lạc nào hướng tới sự xấu hay bất cứ bối rối bất an chớm nở nào, thì đây là lý do phải lo sợ.



Tóm lại, biện phân trong truyền thống Giáo Hội là phân biệt các nguyên động lực tác động trên lý trí và ý chí ta. Và tiêu chuẩn để phân biệt là Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội thể hiện qua các trước tác thần học và tu đức hết sức phong phú trong suốt lịch sử của Giáo Hội.

Thần học hiện đại

Thành thử khi Cha Bề Trên Cả Dòng Tên đòi biện phân cả lời Chúa, dù là lời Chúa như Giáo Hội giảng dậy, vì không biết có phải là lời Chúa hay không, thì không hiểu, ngài có ý nói đến thứ biện phân gì. Cha nhấn mạnh nhiều tới khía cạnh nhân bản của Thánh Kinh và Truyền Thống, mà giảm nhẹ, thậm chí không nhắc gì tới khía cạnh linh hứng của chúng, thì lương tâm bản thân biết dựa vào đâu để chắc chắn là mình đi đúng đường. Đã đành là có Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần há không: “dùng các tiên tri (nhân bản) mà phán dậy” đó sao?

Cũng có thể có người cho rằng các trình bầy trên đã lỗi thời vì căn cứ vào một bài viết từ đầu thế kỷ 20. Vậy thì xin dựa vào Tân Từ Điển Bách Khoa Công Giáo mới xuất bản cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Từ Điển duyệt lại lịch sử diễn biến của việc biện phân thần khí. Như đã biết hai Thánh Phaolô và Gioan là những vị đầu tiên nói tới việc biện phân thần khí. Các ngài mời gọi mỗi Kitô hữu “đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:2); “Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối…” (Eph 5:10,11). “Và điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn…” (Pl 1:9,10). Thánh Phaolô mô tả cảm nghiệm nội tâm về thần khí Thiên Chúa, mà hiệu quả là ánh sáng, bình an, bác ái, và nhìn nhận Chúa Giêsu là Chúa. “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5:22,23). Thánh Gioan thì thêm rằng cảm nghiệm Thần Khí phải y hệt giáo huấn nhận được từ các Tông Đồ (1Ga 2:24; 4:6). Ngài nhấn mạnh tới niềm tin tưởng do cảm nghiệm này đem tới vào ngày phán xét (Đã dẫn, 4:17, 18). Như thế Thánh Phaolô và Thánh Gioan dường như ít quan tâm tới việc xác định các triệu chứng của thần khí xấu hơn là xác định các dấu chỉ của thần khí tốt.

Qua thời các giáo phụ, hạn từ dißkrij, dịch sang tiếng La Tinh là discretio, được sử dụng để chuyển tải truyền thống trên của hai Thánh Phaolô và Gioan. Các giáo phụ quan tâm nhiều hơn tới việc vạch trần các ảo tưởng qủy ma hơn là biện phân Thần Khí Thiên Chúa. Các ngài cũng đặc biệt nói tới nguồn gốc các thúc đẩy, chứ không nói tới hướng đi của chúng. Điều này dẫn tới một sự nhầm lẫn giữa hai vấn đề khác biệt nhau đối với ngày nay: đó là vấn đề “tốt” hay “xấu” của một chuyển động nội tâm, và vấn đề nguồn gốc tự nhiên hay siêu nhiên của nó.

Thời Kinh Viện, Thánh Tôma Aquinô dẫn khởi việc phân biệt giữa discretio (biện phân) đơn thuần, điều ngài ít bàn tới, và đặc sủng discretio spirituum (biện phân thần khí), một ơn đặc biệt cho phép người có nó biết được những điều bất ngờ trong tương lai hay các bí nhiệm của trái tim (Summa theologiae 1a 2ae, 111.4). Như thế, biện phân đơn thuần trở thành một thành phần của nhân đức khôn ngoan. Nó can thiệp mỗi khi bổn phận không được xác định rõ ràng bởi các qui luật hành động thông thường. Lúc đó, người Kitô hữu nên được hướng dẫn bởi các nguyên tắc cao hơn và có tính nội tâm hơn. Qua nhân đức khôn ngoan, ơn thánh ban cho họ kỹ năng thành thạo để phán đoán, nhờ đó, họ biện phân được thánh ý Thiên Chúa phía sau các qui luật chung của lối sống Kitô Giáo. Như thế, Thánh Tôma tránh việc dùng hạn từ “biện phân” và gán cho “nhân đức khôn ngoan” nhiệm vụ duy trì giáo huấn thường hằng của các tác giả thánh (đã dẫn 2a2ae, 51.4).

Tuy nhiên, một số tác giả, kể cả các người theo chủ thuyết Tôma (Thomists), vẫn tiếp tục sử dụng hạn từ cổ điển này. Nổi tiếng hơn có Đức Hồng Y Bona (De discretione spirituum liber unus), tu sĩ Dòng Tên Scaramelli, mà cuốn Discernimento degli spiriti (1753), trở thành nổi tiếng nhờ nhiều ấn bản và bản dịch. Chắc chắn họ chịu ảnh hưởng của Thánh Inhã. Cuốn Linh Thao của Thánh Inhã, dù không bao giờ nhắc tới nhân đức khôn ngoan, đã đưa ra một nền giáo dục về biện phân thần khí. Trong sự phát triển bình thường của đời sống người Kitô hữu, sẽ đến một giai đoạn khi họ không còn hài lòng với việc qui định tác phong của họ bằng luật lệ và các qui định bên ngoài mà trước đây họ vốn chấp nhận mà không đồng hóa vào cõi lòng và yêu mến. Lúc đó, họ sẽ ý thức được trọn vẹn hai thứ ảnh hưởng kình chống nhau trong họ, chen lẫn với nhau như cỏ dại và lúa mì trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: sức mạnh của ơn thánh và sức mạnh của tội lỗi. Họ đề xuất cho mình các trường hợp đích thực theo lương tâm bản thân. Như Thánh Tôma từng nói, họ ở trên và vượt quá bên kia các communes regulas agendorum (các qui luật hành động chung). Không còn vấn đề phải phù hợp với một lề luật khách quan và tổng quát nữa, nhưng phải quyết định bước theo một ơn gọi, như Thánh Gioan, duy nhất trong các Tông Đồ, quyết định theo Thầy cho tới tận chân Thập Giá. Các khảo luận có tính giáo khoa không mời gọi chính lương tâm đảm nhiệm việc huấn luyện này, nhưng lưu tâm tới việc đem lại cho các vị linh hướng một danh mục các dấu hiệu mà các ngài có thể sử dụng để huấn đạo người khác về việc cầu nguyện, linh hứng, và các cố gắng thiêng liêng.

Thánh Inhã là một trong các bậc thầy hiếm hoi giúp người ta đi vào lương tâm họ bằng một sự biện phân năng động, nhờ một loạt các thao luyện bản thân. Nói một cách căn bản, việc thay phiên nhau cảm thấy được an ủi và buồn rầu, rất thường có trong đời sống thiêng liêng, dạy người Kitô hữu đừng chống lại khó khăn, và đừng thư giãn trong những lúc phởn phơ thơ thới. Những thăng trầm này chỉ là những trạng thái mau qua, “những tạo vật” để tín hữu sử dụng mà làm sáng danh Thiên Chúa. Đàng sau chúng, lương tâm cảm thấy sự chắc chắn không thể lung lay của đức tin và sự bình an độc đáo nó mang theo. Ta phải kiểm soát “cơn cám dỗ đội lốt điều tốt" bằng cách xét mối liên hệ của nó với sự chắc chắn và bình an này.

Thánh nhân cho rằng chỉ những người từng cảm nghiệm được sự “bình an của Thiên Chúa, thứ bình an vượt trên mọi hiểu biết” và là thứ bình an “giữ cho tâm trí anh em ở lại trong Chúa Giêsu Kitô” (Pl 4:7), mới có thể chẩn đoán được những cơn cám dỗ như trên. Bởi thế Thánh Inhã nhấn mạnh rằng các thao luyện liên quan tới việc biện phân các cơn cám dỗ kiểu trên không được dành cho mọi người. Nhưng phải có sự hướng dẫn của vị linh hướng.

Qua thời hiện đại, dựa trên lịch sử biện phân thần khí lâu đời của truyền thống Kitô Giáo, cuộc thảo luận hiện nay bàn đến chủ đề này qua việc lượng giá các linh hứng, các trực giác, các thôi thúc và các trạng thái của cảm giới nói chung, phối hợp với việc khảo sát các nguồn của các cảm nghiệm này, và việc đánh giá sự phù hợp của chúng đối với hướng đi nói chung của đời một con người. Diễn trình biện phân, với việc tập chú của nó vào hành động của Thiên Chúa ở trong đời và đáp ứng thích đáng của con người trước hành động này, cho phép một cá nhân trở nên ý thức rõ ràng hơn các yếu tố liên quan tới việc hình thành các quyết định bản thân của họ. Biện phân đem lại cái biết tốt hơn về chính bản thân và cái biết tốt hơn về một số ảnh hưởng tác động lên việc họ hướng về Thiên Chúa. Ngoài việc liên tiếp đánh giá tầm quan trọng của biện phân trong linh đạo và linh hướng, các tác giả hiện đại còn thăm dò các chủ đề như cơ cấu nền tảng đối với việc biện phân của Kitô hữu, mối liên hệ của giải thích và biện phân, và vai trò của biện phân trong đời sống luân lý.



Cơ cấu nền tảng. Jon Sobrino (1) từng ghi nhận rằng các Sách Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu trong trạng thái luôn luôn quay trở về với thánh ý Chúa Cha, song song với một diễn trình không ngừng biện phân. Đối với Chúa Giêsu, trong ý thức nhân bản của Người, biện phân thánh ý Thiên Chúa bao hàm trước nhất việc minh giải với chính Người Thiên Chúa trước nhất là đấng thế nào. Liên tục trở về nghĩa là phải biện phân được thực tại luôn luôn lớn lao hơn của Thiên Chúa. Biện phân việc Chúa Cha là ai được dùng làm nền tảng trên đó mọi biện phân đặc thù của Chúa Giêsu được xây dựng. Chúa Giêsu trình bầy biện phân như là chọn lựa triệt để giữa các giải pháp. Người ta phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và thần tài, giữa sống và chết. Họ phải nói “xin vâng” đối với những gì Thiên Chúa khẳng định trong lịch sử và phải nói “không” đối với những gì Thiên Chúa bác bỏ như là thế giới tội lỗi. Các chọn lựa này xuất phát từ các biện phân sơ nguyên và có tính nền tảng về việc Thiên Chúa là ai và con người là ai trong liên hệ với Thiên Chúa. Đối với Sobrino, việc biện phân của Chúa Giêsu khiến ta lưu ý tới tầm quan trọng của việc biện phân nền tảng liên quan cả với Thiên Chúa lẫn bản thân ta. Các biện phân nền tảng này khai triển trong suốt đời người, trong đó, con người tích cực tìm kiếm vị Thiên Chúa luôn vĩ đại hơn.

Giải thích và phán đoán. Cả trong nền thần học truyền thống lẫn trong nền thần học mới đây, biện phân đều liên kết một cách toàn diện với việc đưa ra các quyết định. Vì thực tại phức tạp của biện phân, S. Schneiders (2) đã đề cập tới 3 loại phán đoán khác biệt nhau nhưng có liên hệ với nhau. Thứ nhất là phán đoán có tính lượng giá, trong đó, một xác định nào đó được đưa ra liên quan tới sự chân hay sự giả của một hiện tượng. Tiếp theo việc lượng giá này, là phán đoán có tính giải thích qua đó, người ta đạt được một giải thích nào đó về hiện tượng. Và sau cùng là phán đoán thực tiễn trong đó một đáp ứng thích đáng nào đó được phát biểu.

Nhờ giải thích, các lớp lang ý nghĩa sâu xa hơn trong đời người được phát hiện. Câu truyện đời người giống như một bản văn có thể phát sinh các giải thích mới mẻ dưới ánh sáng Thánh Kinh và niềm tin vào Thiên Chúa vốn liên hệ mật thiết với đời người. Biện phân, hiểu như một thao tác giải thích, có thể phát hiện nhiều cái hiểu không thỏa đáng hay đã định trước (foreclosed) về bản thân mình và về Thiên Chúa và nhờ thế dẫn tới các hình ảnh mới về cả hai chủ thể này.

Tâm lý học hiện đại đóng góp khá nhiều vào thao tác biện phân bằng cách soi sáng các cái hiểu méo mó về bản thân và về Thiên Chúa vốn phát sinh từ các thăng trầm của việc phát triển nhân bản. Biện phân thần khí, khi trung thực giải thích quá khứ của mình, các thiếu sót cũng như các kinh nghiệm tích cực, sẽ mở đường cho một giải thích mới cho đời mình như đã được cứu chuộc trong Chúa Kitô và mở lòng ra đón nhận ơn thánh trong tương lai.

Đưa ra các quyết định luân lý. Biện phân thỉnh thoảng được thảo luận trong nền thần học luân lý của cả Thệ Phản lẫn của Công Giáo Rôma, trong đó, nó giữ vai trò nổi bật trong việc đưa ra quyết định luân lý. Việc chú ý đến biện phân trong thần học luân lý là điển hình của một phong trào tìm cách vượt quá các phương pháp luận có tính luận lý và diễn dịch để hiểu các phức tạp của đời sống luân lý. Nó nhìn nhận vai trò của óc tưởng tượng và óc sáng tạo trong việc thi hành trách nhiệm luân lý. Đối với các tiêu chuẩn để đánh giá các chọn lựa luân lý thích đáng, biện phân sử dụng các biểu tượng chính của truyền thống Kitô Giáo và các xúc cảm căn bản (basic affections) hay các nhân đức của đời sống Kitô Giáo, như triệt để lệ thuộc vào Thiên Chúa và sự ăn năn. Tác nhân luân lý, lúc này, là một bản ngã biết đáp ứng một vị Thiên Chúa luôn hoạt động trong đời sống bản thân và xã hội của ta. Các biểu tượng và câu truyện của Thánh Kinh ảnh hưởng tới óc tưởng tượng luân lý và làm phát sinh viễn kiến luân lý. Với sự giúp đỡ của các mẫu mực Thánh Kinh, con người nhận ra một cách rõ ràng hơn hành động của Thiên Chúa trong lịch sử bản thân và trong các biến cố của thời đại mình. Các trình thuật và biểu tượng Thánh Kinh cung cấp cho ta sự hướng dẫn có tính qui phạm để ta có thể có được một đáp ứng luân lý thích đáng đối với hành động của Thiên Chúa.

Biện phân mời gọi sự tham gia của toàn bộ trái tim con người, gồm mọi tâm tư, hoài niệm và óc tưởng tượng. Tác nhân luân lý đang biện phân tìm cách tuân theo một diễn trình hành động phù hợp với các xúc cảm và nhân đức được các trình thuật Thánh Kinh nâng đỡ. Dưới ánh sáng các xác tín xúc cảm bắt nguồn trong Tin Mừng, một phán đoán đẹp đẽ sẽ được đưa ra về tính thích đáng của một hoạt động đặc thù. Biện phân đặt căn bản trên cả hai tiêu chuẩn xúc cảm và biểu tượng rút ra từ truyền thống Kitô Giáo hiện vẫn đang được thực hiện trong khuôn khổ các nguyên tắc luân lý tổng quát.

Chúng tôi cố tình trình bầy chi tiết nội dung bài viết của hai tác giả J. Pegon và R. Studzinski trong Tân Bách Khoa Từ Điển Công Giáo để nhấn mạnh rằng biện phân trong truyền thống Kitô Giáo luôn lấy Thánh Kinh và truyền thống làm tiêu chuẩn. Khi mang biện phân áp dụng vào cả Thánh Kinh, nhất là vào luôn những lời nói của Chúa Giêsu mà Giáo Hội vốn coi là chân lý thì người giáo dân bình thường chắc chắn phải kết luận rằng Cha Bề Trên Cả Dòng Tên không những cắt đứt liên hệ với vị sáng lập ra Dòng mình mà còn cắt đứt liên hệ với cả Giáo Hội, thậm chí với cả Đấng Thiên Chúa làm người nữa.

______________________________________________________________________________________________

Chú thích

(1) J. SOBRINO, ‘‘Following Jesus as Discernment’’, Concilium 119 (1978) 14–24.

(2) S. SCHNEIDERS, ‘‘Spiritual Discernment in The Dialogue of Saint Catherine of Siena’’, Horizons. Journal of the College Theology Society 9 (1982) 47–59.