Buổi sáng nhìn các em Rước Lễ Lần Đầu ngây thơ và đẹp như thiên thần bên Chúa Giêsu, tôi nghĩ nhiều đến sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Chính các em được Chúa Giêsu liên kết với Người cũng sẽ thành mối dây liên kết trong cộng đoàn dân Chúa.

Trưa về nhà nghe một cha mới đi du học về rủ mai đến ăn cơm trưa, nghe nói trong bữa ăn các ngài sẽ có một ông linh mục yêu nước nữa, nói theo ngôn ngữ giáo sư Nguyễn Ngọc Lan là ông lờ mờ quốc doanh, tự dưng tôi thấy lòng mình chùng xuống.

Hai hình ảnh khác nhau quá xa. Một bên là các em trong trắng hồn nhiên, một bên là con người đại diện cho nhóm người mà nhiều năm qua đã gây nhiều tai tiếng; một bên là tượng trưng và hy vọng cho sự hiệp nhất, một bên là sự lăm le tàn phá và gây thất vọng cho mối dây liên kết thánh thiêng trong Hội Thánh.

Tôi đọc lại bài mình viết năm ngoái trên website Vietcatholic về một vị Giám mục Việt nam nhân hậu và kiên cường. Trong đoạn nói về mấy ông lờ mờ quốc doanh, theo lời kể của Đức Cha thì “những người có quyền đến gặp ngài và đặt thẳng vấn đề rằng ở nhiều giáo phận đã có cái Uỷ ban này, nhưng trong giáo phận ngài thì không. Họ nói rằng nếu giáo phận tổ chức Uỷ ban ĐK này thì mỗi năm nhà nước sẽ chi cho hai tỷ đồng để tiêu dùng. Ngoài ra khi đi họp ở Hà nội thì các ông “yêu nước” sẽ được ở khách sạn năm sao, sẽ được đi Đồ sơn hay đi đâu đó nghỉ mát. Hai tỷ đồng, số tiền lớn thật, có số tiền ấy ngài tha hồ làm được nhiều việc. (Nghe điều này tôi mới biết tại sao những ông “yêu nước” ở các nơi tích cực dữ dội!).”

Với sự thông minh và can đảm, ngài đã phân tích cho các ông ấy thấy tác hại của việc vì đồng tiền mà làm hại cho xã hội và cho Giáo Hội thế nào. Cuối cùng thì giáo phận ngài đã không có bóng dáng các ông lờ mờ ấy.

Mới đây dư luận xôn xao và cuối cùng hài lòng vì một ông linh mục quốc doanh đã gây bao gương xấu đã không kèn không trống ra đi. (Ông ra đi không kèn không trống nhưng khi ông đi rồi thì dân Chúa trong lòng đánh trống thổi kèn!)

Tôi chỉ thấy lòng mình nặng trĩu vì chính trong ngày Lễ của Tình Yêu và hiệp nhất hôm nay, ngày bổn mạng các em Thiếu Nhi Thánh Thể hồn nhiên trong sáng, mình lại phải nghĩ về những con người đã gây đau khổ nhiều cho Giáo Hội và cho Dân Chúa.

Có lần tôi hỏi một linh mục trẻ về cha bố của ngài, là một linh mục quan chức trong uỷ ban quốc doanh, rằng sao cha bố cao tuổi mà lại đi làm như thế. Cha trẻ trả lời: danh vọng mà! Tôi không nghĩ chỉ vì danh vọng mà những mục tử được ăn cơm nhà Chúa, được đào tạo mấy mươi năm rồi được sống bên Chúa Giêsu mỗi ngày mà lại ra hư đốn. Mà có danh vọng gì khi dân Chúa chẳng ai tin các ông ấy. Còn tiền bạc thì sao?

Hai tỷ đồng một năm chia nhau thì cũng là món tiền lớn hơn ba mươi đồng bạc của Do thái ngày xưa. Đây là một trong những lý do chính, chắc chắn rồi. Còn chuyện “phốt” này bị nắm, “phốt” kia chưa hoá giải đến nỗi phải “bán mình chuộc phốt” thì thiên hình vạn trạng .

Điều mà những người giáo dân vốn mang trong tâm hồn nhiều ưu tư cho tương lại Giáo Hội Việt nam phải băn khoăn dằn vặt, ấy là tại sao có những người mình kính trọng yêu mến và nghĩ họ phải là mối dây liên kết, lại trở thành sự chia rẽ và muốn gây chia rẽ.

Có một điều ít ai biết là các vị lờ mờ ấy có nhiều mặc cảm về những việc mình làm. Không mặc cảm sao được khi mình cũng có ăn học, lẽ ra phải dấn thân cho ơn gọi mà lại đành lòng chia năm sẻ bảy tâm hồn mình. Một anh bạn cùng lớp với tôi đang là linh mục ở miền Trung. Trước ngày anh chịu chức, lúc anh đang nói chuyện vui vẻ với tôi, bỗng tôi tình cờ nhắc đến người nhà anh là giáo dân đang làm việc cho “quốc doanh” ở Sàigòn, anh bỗng đổi hẳn thái độ, sẵn sàng gây hấn.

Trong một buổi họp mặt năm ngoái, một “lờ mờ quốc doanh” ở khu ông Tạ được mời lên nói mấy câu. Cụ lỡ lời dùng cách nói của quốc doanh, nên tôi nhắc khéo cụ. Lập tức cụ to tiếng. Nhưng khi các cha đến hỏi chuyện gì thì cụ cười và bảo “anh em đùa chút thôi”. Cụ sợ lộ chuyện ấy.

Suy nghĩ về những vị được đặt lên làm “thầy dạy muôn dân” mà lại làm cho muôn dân chia rẽ, tôi thấy không thể nào hiểu được. Có lẽ lý do duy nhất mà các ông ấy dựa vào là “tự do theo lương tâm” để làm điều họ thấy là đúng. Nhưng nếu thế thì không biết các ông ấy có nhớ đến Huấn quyền Hội Thánh khi hành xử trong xã hội không. Nếu dùng tự do cá nhân để gây gương xấu, chưa kể đến việc cậy dựa vào quyền lực đối nghịch với Thiên Chúa, thì đã là đáng khiển trách rồi.

Trong Tông Huấn “Christifideles laici” của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết về khuynh hướng duy thế tục nơi các tín hữu giáo dân như sau: “Qua việc sử dụng tự do cách vô giới hạn, con người tự chặt đứt cội rễ tôn giáo sâu xa nhất của họ : quên lãng Thiên Chúa, họ nghĩ rằng Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ, họ từ chối Thiên Chúa để rồi sấp mình thờ lạy những “ngẫu tượng” đủ loại.”

Tôi tự hỏi không biết khi giáo sĩ chọn cộng tác với quyền lực ngoài Thiên Chúa, các ông có phạm vào những điều này không. Tôi chợt nhớ câu thơ của Thế Lữ trong bài “Thiên Thai”: “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn”. Nghĩ về một số vị trong hàng giáo sĩ mà mình phải thấy lòng “xa vắng mênh mông” thì quả là chua chát.

Nhưng thật may mắn, Giáo Hội không phải là những con người ấy. Giáo Hội công giáo, thánh thiện, duy nhất và tông truyền vẫn còn được nhìn thấy rõ nét qua những vị mục tử như Đức Giám Mục mà chúng ta nhắc đến trong bài viết nói trên, qua các vị linh mục can đảm kiên cường và nhất là qua các em bé được rước lấy Chúa Giêsu lần đầu trong cuộc đời các em.

Xin Chúa cho các linh mục Chúa là những người được ưu tuyển, luôn là tấm gương và sức mạnh cho những tín hữu giáo dân chúng con để chúng con tràn đầy hy vọng như trong Tông Huấn “Christifideles laici”, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II viết: “Bất chấp chuyện gì đi nữa, nhân loại vẫn có thể hy vọng và phải hy vọng : chính Đức Giêsu-Kitô, Phúc Âm sống động và có ngôi vị, là “Tin Vui” hoàn toàn mới mẻ, đem lại niềm vui mà Giáo Hội loan báo cho tất cả chúng ta mỗi ngày và làm chứng cho tất cả mọi người.”