Sáng 18 tháng 11, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đáp trực thăng từ Vatican ra phi trường quốc tế Fiumicino để lên đường sang thăm Benin. Tại đây ngài sẽ công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu Kỳ 2.

Tại phi trường quốc tế Fiumicino, Đức Thánh Cha đã có cuộc tiếp xúc ngắn với tân thủ tướng Italia ông Mario Monti đến chào đón và tiễn biệt. Tiếp theo sau việc từ chức của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi, ông Mario Monti đã được mời thành lập nội các mới. Ngày 16 tháng 11, nội các của ông trình diện trước quốc hội Italia và ông chính thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng.

Lúc 9h 15, chiếc máy bay Airbus A330 của hãng Alitalia chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng, cùng với 50 ký giả, đã cất cánh bay đi phi trường Cotonou.

Trong số 30 vị thuộc đoàn tùy tùng của Đức Thánh Cha, đặc biệt có 3 vị Hồng Y và 1 Giám Mục Phi châu tại Tòa Thánh, trong đó có Đức Hồng Y Arinze, người Nigeria, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Đức Hồng Y Robert Sarah người Guinea Equatoriale, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, và Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình; và Đức Cha Barthélémy Adoukounou, người Benin, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa.

Trên chuyến bay của hãng hàng không Alitalia, Đức Thánh Cha đã có cuộc họp báo ngắn với các ký giả tháp tùng chuyến bay.

Trả lời câu hỏi đâu là sứ điệp mà Đức Thánh Cha muốn gửi đến các vị hữu trách chính trị của Phi châu và đâu là sự đóng góp đặc thù mà Giáo Hội có thể mang lại cho sự kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại đại lục này,” Đức Thánh Cha nói với các ký giả:

“Có ý hướng tốt thôi thì chưa đủ. Cần phải có những hành động cụ thể. Những hành động vượt qua được sự ích kỷ”

Khi được hỏi về sự phát triển nhanh chóng của các giáo phái Tin Lành, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “dù rất thành công, sự ổn định của Kitô Giáo trên đại lục này vẫn còn là vấn đề” Ngài nói:

“Kitô Giáo không thể được xem như một điều gì đó phức tạp và chuyên biệt cho Âu Châu. Giáo Hội phải trình bày một thông điệp đơn giản, cụ thể và dễ hiểu cho tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha đã mô tả Benin như là một quốc gia hiền hòa nơi sự khoan dung tôn giáo đã cho phép sự sống chung hòa bình của các tôn giáo khác nhau.

Sau 6 giờ bay, Đức Thánh Cha đã đến phi trường quốc tế Contonou lúc 3 giờ chiều. Đây là chuyến viếng thăm Phi Châu lần thứ hai và cũng là chuyến tông du thứ 22 của Đức Thánh Cha bên ngoài Phi Châu.

Một trong những lý do Đức Thánh Cha chọn nước Benin để viếng thăm trong chuyến tông du thứ 22 tại hải ngoại, và là nơi ngài công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu kỳ 2 là vì Giáo Hội tại đây đang mừng kỷ niệm 150 năm truyền giáo, với chủ đề “Hỡi người thừa kế và xây dựng tương lai, Kitô hữu, hãy tường trình về niềm hy vọng nơi bạn”.

Ra đón Đức Thánh Cha tại phi trường Cotonou, thủ đô kinh tế của Benin, có tổng thống Thomas Yayo Boni và phu nhân là bà Chantal. Hàng trăm các vũ công với quần áo mầu sắc rực rỡ đã nhảy múa với các điệu nhạc truyền thống của Phi Châu.

Trong bài diễn văn đầu tiên của ngài, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở quốc gia này đừng quên những di sản lịch sử phong phú trong khi tiếp tục kiến tạo tương lai.

“Cần phải thận trọng chú ý đến thiện ích của tất cả mọi người hầu tránh những cạm bẫy đang hiện diện tại Phi Châu cũng như những nơi khác chẳng hạn như việc đầu hàng vô điều kiện các luật lệ thị trường hay tài chính, chủ nghĩa quốc gia hay bộ lạc quá khích”.

Đức Thánh Cha đã nói đến sự hiện diện của Giáo Hội đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục và chăm sóc y tế.

“Giáo Hội muốn gần gũi với những ai đang quẫn bách, và những ai đang tìm kiếm Thiên Chúa. Giáo Hội muốn phản bác luận cứ cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu hay không liên quan gì với chúng ta như nhiều người muốn chúng ta tin như thế. Giáo Hội muốn nói với thế giới rằng Thiên Chúa là bạn của con người.”

Đây là chuyến tông du thứ hai của Đức Thánh Cha đến Phi Châu nhưng là lần đầu tiên Đức Thánh Cha đến Benin. Ba lý do chính cho chuyến tông du này đã được Đức Thánh Cha đề cập trong bài diễn văn.

Lý do thứ nhất là để vinh danh Đức Cố Hồng Y Bernard Gantin ngay tại quê hương của ngài là Benin. Đức Cố Hồng Y Gantin đã từng là niên trưởng Hồng Y Đoàn và hoạt động rất gần gũi với Đức Thánh Cha.

“Cả hai chúng tôi đã từng là những phụ tá của vị tiền nhiệm của tôi là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thừa tác vụ Phêrô của ngài. Chúng tôi đã có nhiều dịp để gặp gỡ, trao đổi sâu xa, và cầu nguyện chung với nhau.”

Ngài cũng nói đến hai lý do khác là việc Đức Thánh Cha sẽ công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu kỳ 2 và mừng kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại Benin. Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ là tài liệu hướng dẫn công việc mục vụ tại Phi Châu.

Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị vài nét về Cotonou và Benin

Cotonou là thành phố lớn nhất của Benin với 800 ngàn dân cư và là nơi có các trụ sở của chính quyền quốc gia, tuy không phải là thủ đô.

Cộng hòa Benin là một nước nhỏ và nghèo, xưa kia được gọi là nước Dahomey, rộng gần 113 ngàn cây số vuông, bằng một phần ba Việt Nam, nhưng dân số chỉ có 9 triệu 400 ngàn người, với thủ đô là Porto-Novo, nhưng trụ sở của chính phủ và các tổ chức chính đặt tại Cotonou, thành phố lớn nhất nước.

Benin được độc lập từ năm 1960, và tiếp theo đó là thời kỳ xáo trộn với nhiều vụ đảo chánh, rồi tới chế độ mác xít của Mathieu Kérékou. Cuối thập niên 1980, Kérékou quyết định từ bỏ chế độ mác xít và dân chủ đa đảng. Trong tiến trình này có sự đóng góp quan trọng của Giáo hội Công Giáo.

Danh hiệu “Benin” được chọn làm tên chính thức của quốc gia này kể từ năm 1975. Tại đây có khoảng 40 bộ tộc khác nhau, trong số này bộ tộc Fon là đông nhất, chiếm 40% dân số toàn quốc. Phần lớn các bộ tộc này có ngôn ngữ riêng, trong khi tiếng Pháp được sử dụng như tiếng chính thức và thường được dân chúng tại các thành phố và vùng phụ cận sử dụng.

Các tín hữu Công Giáo chiếm 34% dân số tức là gần 3 triệu người, Hồi giáo 24%, Tin Lành 5%, trong khi các tôn giáo cổ truyền của Phi châu chiếm 29%. Giáo Hội tại đây được chia làm 10 giáo phận, với 338 giáo xứ, do 810 Linh mục phụ trách, trong số này có 684 linh mục giáo phận. Ngoài ra có 1.250 nữ tu, 500 đại chủng sinh.

Tin mừng được truyền giảng tại Benin cách đây 150 năm, tức là từ ngày 18 tháng 4 năm 1861. Cha Francisco Fernandez người Tây Ban Nha, cùng với cha Francesco Borghero, người Italia, cả hai thuộc dòng Thừa sai Phi châu, quen gọi là các cha dòng Trắng, đổ bộ lên Ouidah. Hai vị được ủy thác nhiệm vụ thành lập giáo hạt đại diện tông tòa Dahomey.

Dịp kỷ niệm này đã được cử hành trọng thể tại thành phố Ouidah, với sự tham dự của đại diện 10 giáo phận toàn quốc, các GM và hơn 400 LM, đông đảo các giáo lý viên và giáo dân dấn thân. Tổng thống Boni Yayi cũng hiện diện tại buổi lễ.

Thứ bẩy 19-11-2011 là ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ ba ngày của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Benin. Lúc 7 giờ rưỡi sáng thứ bẩy 19-11-2011 Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Lúc 8 giờ 45 phút ngài đã đi xe tới Dinh tổng thống, cách đó 3 cây số, để gặp gỡ các giới chức chính quyền, ngoại giao đoàn và đại điện các tôn giáo chính.

Tổng thống Boni đã tiếp đón Đức Thánh Cha tại chân cầu thang dẫn lên Đại thính đường Nhân Dân trong Dinh tổng thống, là một phòng rộng lớn có thể tiếp đón 3.000 người.

Ngỏ lời với giới lãnh đạo đạo đời Benin và ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha đã đề cập tới cuộc sống xã hội chính trị kinh tế của đại lục Phi châu và cuộc đối thoại liên tôn. Ngài mời gọi toàn đại lục Phi châu tin tưởng hy vọng đứng lên và đừng sợ hãi. Đức Thánh Cha cho biết trong các lần nói về Phi chầu ngài thường hay nối liền nó với từ hy vọng. Đây cũng là từ được nhắc tới nhiều lần trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Giám Mục Phi Châu mà ngài sẽ ký và trao cho Giáo Hội tại Phi châu. Khi nói về Phi châu, rất thường khi người ta chỉ có cái nhìn giản lược với nhiều thành kiến tiêu cực và thiếu tôn trọng, chỉ coi Phi châu và người dân Phi châu như một vựa chứa năng lực, quặng mỏ, nông nghiệp và nhân lực có thể khai thác dễ dàng cho các lợi lộc, thường khi không cao qúy.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong diễn văn đọc trước giới lãnh đạo đạo đời và ngoại giao đoàn: Giáo Hội không đem lại giải pháp kỹ thuật nào và không áp đặt giải pháp chình trị nào. Giáo Hội lập lại rằng “Đừng sợ hãi!” Nhân loại không lẻ loi một mình trước các thách đố của thế giới. Thiên Chúa hiện diện. Đó là một sứ điệp hy vọng, một niềm hy vọng làm nảy sinh ra nghị lực khích lệ trí thông minh và ban cho ý chí tất cả năng động của nó.

Cũng như bàn tay có 5 ngón, mỗi ngón đều có một bổn phận sống động, cần phải dậy cho tín hữu các tôn giáo khác nhau biết điều đó. Thù hận là một thất bại, thờ ơ là một bế tắc, và đối thoại là sự rộng mở. Giơ tay ra có nghĩa là hy vọng để tiến tới rồi yêu thương. Thiên Chúa muốn chúng ta giơ tay ra để dâng hiến và nhận lãnh. Thiên Chúa không muốn bàn tay giết chết hay gây ra khổ đau, nhưng Ngài muốn nó săn sóc và trợ giúp sự sống. Bên cạnh con tim và trí thông minh, bàn tay có thể trở thành dụng cụ của sự đối thoại.

Sau bài diễn văn đọc trước các giới chức đạo đời và ngoại giao đoàn Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với tổng thống trên văn phòng của ông ở lầu ba. Tiếp đến hai bên đã trao đổi qùa tặng và Đức Thánh Cha đã ký tên vào sổ vàng lưu niệm. Rồi ngài gặp phu nhân và gia đình của tổng thống.

Vào lúc 10 giờ rưỡi Đức Thánh Cha đã lên xe đi tới thành phố Ouidah, cách đó 43 cây số, để thăm đại chủng viện Saint Gall. Ouidah là nơi buôn bán nô lệ xưa kia. Tại đây có một cổng gọi là “Cổng không trở lại”. Những ai chết trước khi qua cổng này, thì được chôn cất trên đất liền. Còn ai qua cổng rồi mà chết, thì bị ném xuống biển. Năm 2000 các Kitô hữu đã xây thêm một cổng gọi là “Cổng tha thứ”. Ở đây cũng có pháo đài do người Bồ Đào Nha xây năm 1721 và đóng vai trò quan trọng trong việc buôn bán nô lệ.

Chủng viện Saint Gall được khánh thành năm 1914 và là chủng viện cổ xưa nhất của miền Tây Phi châu. Từ năm 1923 chủng viện nhận các ứng sinh linh mục thuộc các nước Togo, Nigeria, Côte d'Ivoire, Trung Phi và Congo.

Vì số chủng sinh ngày càng đông nên phải nới rộng chủng viện. Việc nới rộng được Giám Mục giáo phận Saint Gall bên Thụy Sĩ tài trợ, vì thế chủng viện mang tên gọi này. Trong các năm 1955-1971 các cha Hiệp Hội Saint Sulpice điều hành đại chủng viện, sau đó chủng viện được giao lại cho cho hàng giáo sĩ địa phương. Hiện nay đại chủng viện có 147 thầy, trong đó có 23 thầy ngoại trú thuộc các dòng Capucino và Camilliani.

Sau khi viếng Mình Thánh Chúa, Đức Thánh Cha đã viếng mộ của Đức Hồng Y Bernardin Gantin trong nhà nguyện đại chủng viện dâng kính thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Tại đây cũng có mộ của Đức Cha Louis Parisot, Giám quản tông tòa Dahomey và Ouidah, và là Tổng Giám Mục đầu tiên của giáo phận Cotonou.

Sau khi viếng mộ Đức Hồng Y Gantin, Đức Thánh Cha đã đi xe đến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để gặp gỡ các linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân nam nữ. Buổi gặp gỡ diễn ra tại khu vực gần đại chủng viện. Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người sống niềm tin đích thực, sống động là nền tảng của một cuộc sống kitô thánh thiện, và giúp xây dựng một thế giới mới. Qua Giáo Hội Benin, ngài cám ơn hàng giáo sĩ, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân toàn đại lục Phi châu. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục như sau:

“Cũng như thủy tinh không giữ ánh sáng lại, nhưng phản chiếu nó và tái trao ban nó, linh mục phải để tỏ lộ điều mình cử hành và nhận lãnh.”

Ngài khích lệ các tu sĩ nam nữ triệt để dấn thân sống ơn gọi hoạt động cũng như chiêm niệm, thực thi ba lời khấn phúc âm khiến cho họ hoàn toàn tự do vâng phục Tình Yêu Chúa và giúp họ nên thánh.

“Nếu không có luận lý của việc nên thánh, thừa tác vụ của anh em chỉ đơn thuần là một công việc xã hội. Tương lai anh em ra sao tùy thuộc vào quan hệ cá vị của anh em với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, tùy thuộc vào sự hy sinh của anh em, vào vào sự hội nhập đúng đắn những yêu cầu trong việc đào tạo hiện nay”.

Riêng đối với các giáo dân nam nữ Đức Thánh Cha nhắn nhủ họ đừng quên mình là muối đất và ánh sáng thế gian trong các thực tại cuộc sống thường ngày, và dấn thân cho công lý, hòa bình và hòa giải. Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc cầu nguyện:

“Nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện cá nhân và gia đình cuộc sống chúng ta được chuyển hóa, dần dần được nâng cao và phong phú hoá qua đối thoại, đức tin được truyền lại cho con cháu, gia tăng ước mong được sống chung với nhau và như thế mái ấm gia đình càng thêm hiệp nhất và không ngừng được củng cố”.

Kết luận Đức Thánh Cha nói ngài tin tưởng nơi từng linh mục, chủng sinh, giáo dân và giáo lý viên nam nữ Benin, để làm cho Giáo Hội được sống động và trưởng thành.

Sau khi ban phép lành cho mọi người Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng viếng thăm nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Thánh Cha đã viếng Mình Thánh Chúa rồi nghe lời giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đức Thánh Cha đã ngỏ lời bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp và Bồ Đào Nha. Ngài nói biến cố Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II kết thúc với việc ký Tông huấn Africae munus. Nó đã khiến cho Giáo Hôi tại Phi châu cầu nguyện, suy tư, thảo luận về đề tài hòa giải, công lý và hòa bình và tạo ra sự gần gũi giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô với các Giáo Hội Phi châu.

Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi châu kỳ I “Ecclesia in Africa” đã được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố, trong đó người đã nhấn mạnh rằng không thể tách rời sự cấp thiết rao truyền Tin Mừng cho đại lục này khỏi việc thăng tiến nhân bản.

Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Phi châu kỳ II tập trung vào đề tài hòa giải, công lý và hòa bình, là những điểm quan trọng đối với toàn thế giới, nhưng rất thời sự tại Phi châu, là đại lục đang phải gánh chịu các căng thẳng, bạo lực, chiến tranh, bất công và lạm dụng đủ loại. Hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân. Một Giáo Hội hòa giải trong chính mình và giữa các thành phần với nhau có thể trở thành dấu chỉ ngôn sứ của hòa giải trên bình diện xã hội của mọi nước và của toàn đại lục.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ký vào Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu Kỳ II.