Nepal: Giới trẻ Ấn giáo đọc thông điệp hoà bình trong Lễ hội Ánh sáng

Kathmandu – Giới trẻ Ấn giáo, và một số Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo, cử hành lễ hội Tihar, tức Lễ Hội Ánh Sáng, ca hát thông điệp hoà bình, tình thương, và đối thoại, do ĐTC Biển Đức XVI viết cho cho Ngày Hòa Bình Thế Giới.

Đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau đã lưu hành thông điệp này của Đức Giáo Hoàng, và cầu nguyện cho ngày dành riêng cho "Hành hương sự thật, hành hương hòa bình", diễn ra ở Átxidi (Assisi, Ý) ngày 27-10.

Cho đến năm 2006, Đức Giáo hoàng chưa được biết tiếng ở Nepal, do bản chất bao gồm tất cả của nền văn hóa Ấn giáo và việc cấm người Công giáo cử hành phụng vụ nơi công cộng.

Với sự sụp đổ của chế độ quân chủ và thiết lập một nhà nước thế tục, thanh niên Ấn giáo và Phật tử đã biết tên tuổi ĐTC Biển Đức XVI và đánh giá cao Ngài, công nhận giá trị của các tác phẩm của Ngài và phổ biến các sách này.

Madhav Ghimire, 26 tuổi, một người Ấn giáo trẻ thuộc một nhóm gọi là Sishnopan, nói: “Năm nay, các thông điệp của chúng tôi chủ yếu là về đối thoại, tình yêu, hòa bình, hiến pháp và chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, mặc dầu là người Ấn giáo, thông điệp của Đức Giáo hoàng về Ngày Hòa bình Thế giới đã trở nên rất có ý nghĩa cho Nepal. Vì vậy, chúng tôi sử dụng thông điệp này như là một điểm tham chiếu”.

Mọi người Ấn giáo cử hành lễ hội Tihar dựa vào một thần thoại cổ đại. Còn được gọi là Deepavali (chuỗi đèn), lễ hội này tượng trưng cho chiến thắng của chân lý trên sự dối trá, của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết và của sự lành trên sự dữ.

Lễ hội kéo dài năm ngày và đánh dấu sự khởi đầu của năm mới. Đó là một thời điểm hòa giải trong gia đình, đặc biệt là giữa anh chị em với nhau, và thờ phượng Thượng Đế.

Tại Nepal, lễ hội Tihar bắt đầu vào ngày Chủ nhật 23-10 và sẽ kết thúc vào 28-10. Mỗi ngày dành riêng cho một động vật khác nhau: quạ, chó, bò cái và bò đực. Bò đực tượng trưng cho mối quan hệ giữa nhân loại và các vị thần, và bò được cho ăn ngon và được chúc lành với một Tika, tức một dấu màu đỏ trên trán, và một vòng hoa choàng vào cổ.

Ông Govinda Tondon, chuyên viên văn hoá Ấn giáo, phát biểu: "Lễ hội Tihar đã trở thành một lễ mừng cho toàn dân, một thời gian cho mỗi nhóm tôn giáo mở rộng thông điệp hòa bình của lễ hội với các nhà lãnh đạo của nhóm”.

Đối với ông, thông điệp của ĐTC Biển Đức XVI là quan trọng trong tình hình hiện nay của Nepal, và có thể giúp cổ vũ công tác tái thiết sau nhiều năm nội chiến.

Ông giải thích: "Các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của chúng tôi có nhiều điều học hỏi từ thông điệp này. Một sự trình bày thật sự về Chúa phải là một lời kêu gọi hòa bình cho mọi tôn giáo. Nếu không có hòa bình, họ không thể sống chung với nhau". (AsiaNews 27-10-2011)

Phạm Kim An