GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT

Những người luật sĩ và Pharisieu là những người đạo đức và lãnh đạo trong dân Do Thái. Họ đã hiểu rõ những gì mà lề luật qui định. Nhưng bởi vì hơn 600 khoản luật Do Thái được các luật sĩ cắt nghĩa điều nào cũng trở nên là quan trọng, khoản nào cũng là nhất, và rồi cuối cùng thì chính họ không còn thống nhất được với nhau xem là giới răn nào trọng nhất theo một cách tuyệt đối nữa. Vấn đề này đã trở thành đề tài cho nhiều cuộc tranh luận mà không bao giờ đi đến được một điểm nhất quán.

Giới luật sĩ hôm nay đưa ra câu hỏi hóc búa “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22, 36) nhằm đưa Chúa Giêsu vào trong vòng “bùng binh” đó, để dù cho Chúa Giêsu có trả lời bằng cách nào thì Chúa vẫn rơi vào trong số của những nhóm đang tranh luận bất phân thắng bại. Khác với tất cả các câu hỏi mà Chúa Giêsu thường là không trả lời trực tiếp vào các câu hỏi, nhưng Chúa thường dùng những cách giải thích bằng dụ ngôn hay một lối đi rất đặc thù để làm cho những người đặt ra câu hỏi phải sửng sốt và câm miệng. Câu hỏi hôm nay lại được Chúa Giêsu trả lời trực tiếp ngay. Điều răn trọng nhất là “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và điều răn thứ hai cũng trọng như điều răn thứ nhất, đó là “Hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi”(Mt 22, 37-39). Lề luật đến đó là đủ. Qui định đến đó là chấm. Nhưng Chúa Giêsu nói thêm mới là quan trọng: “Toàn thể lề luật và các tiên tri đều tóm về hai giới răn đó” (Mt 22, 40). Qua cung cách và nội dung trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta rút được hai bài học quan trọng sau:

- Bài học thứ nhất, chính những luật sĩ đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Chúa Giêsu đã trả lời một cách kiên định, rõ ràng và dứt khoát “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình ngươi”.

Không có gì phải bàn cãi, có chăng là vì con người thêm ý riêng của mình nên đã làm phức tạp hóa vấn đề. Khi Chúa Giêsu trả lời, chúng ta có cảm giác như là Ngài tuyên bố lại. Ngài tuyên bố lại trước những người luật sĩ, những người Pharisieu một vấn đề đã là chân lý quá rõ ràng trước mắt mọi người, mà những thầy dạy trong dân lại đang cố tình làm cho các vấn đề càng phức tạp hơn. Cũng như thời đại ngày nay, người ta có quá nhiều vấn đề về vật chất, về xã hội, về hưởng thụ, về khoa học kỹ thuật khiến cho quá nhiều bạn trẻ đã rơi vào tình trạng bị rối mù, không biết chọn lựa đâu là đối tượng cần thiết nhất. Nhiều bạn trẻ mắc bệnh Stress mà không hoá giải được. Nhiều bạn đi vào tình trạng trầm cảm, và rồi cuối cùng cũng chẳng rơi vào chân lý mà rơi vào những mối tơ vòng. Các thầy cô giáo, các nhà trường dạy học càng ngày càng đưa nhiều vấn đề lên, thời gian càng trở nên cấp bách đến nỗi, học sáng rồi bắt phải học thêm buổi chiều, đăng ký học cả ngày Chúa nhật. Chúng ta hãy để xem năm nay Việt Nam có bắt học sinh học cả ngày lễ Noel hay không? Thế giới đã coi ngày này là ngày nghỉ lễ. Còn Việt Nam mà bắt các học sinh học cả ngày lễ Noel thì như là sự vi phạm không thành văn về luật trên thế giới. Điều này có một phần nào phản ánh hình ảnh về các luật sĩ ngày xưa. Tự mình làm phức tạp hóa vấn đề, khiến cho mọi người phải chịu những gánh nặng.

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi, như chúng ta đã phân tích ở trên, đó là một lời tuyên bố lại thì chính xác hơn, để cho mọi người thấy rõ ràng rằng: “Hãy tìm sự công chính và Nước Đức Chúa Trời trước, mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho” (Lc 12, 31); “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22, 37). Bởi vì Ngài là Đấng đã yêu mến, đã dựng nên mình và Ngài là Đấng đã yêu thương cứu chuộc chúng ta.

- Bài học thứ hai mà chúng ta nhận ra được là Chúa Giêsu đã cô đọng toàn thể lề luật và các tiên tri qui về giới răn đó, đó là đức bác ái. Đức bác ái làm cho chúng ta đi vào trong mọi ngõ ngách của cuộc đời, và đức bác ái khỏa lấp được tất cả những lồi lõm của cuộc sống, những khiếm khuyết trong nhân loại của chúng ta. Chẳng vậy mà Việt Nam chúng ta nói: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao). Chính tình yêu đã cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và lòng yêu mến trong đức bác ái đó đã trở nên đối tượng cho tất cả mọi lề luật và các tiên tri. Nếu đây là một đúc kết của các luật sĩ hay là của những nhà tư tưởng hoặc là nhà tu đức nào thì chúng ta còn phải xét. Bởi vì nó chỉ làâphnr ánh một phần của chân lý, nhưng khi Đức Giêsu Kitô đã tóm kết thì đây chính là một lời tuyên bố để cho chúng ta tìm ra một bí quyết ngắn gọn nhất, cô đọng nhất, đó là bí quyết để nên thánh. Đức bác ái rất quan trọng, cho nên đến ngày sau hết, Thiên Chúa cũng xét xử con người cách riêng về đức bác ái: “Điều gì các con làm cho người bé mọn nhất của Ta đây là các con làm cho chính Ta, và điều gì các con không làm cho những người bé mọn nhất trong các anh em của Ta đây là các con đã không làm cho chính Ta” (x. t 25, 31-46).

Đức bác ái thực sự vô cùng quan trọng, bao quát và cô đọng. Cho nên ngày hôm nay chúng ta học được những bài học quan trọng để ứng xử với nhau trong gia đình và biết nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình đối với Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta đừng để cho những vấn đề phức tạp của thời đại, văn minh vật chất này làm cho chúng ta luẩn quẩn và mất phương hướng. Chúng ta đừng để cho cái chính yếu của cuộc sống bị chìm xuống, để trăm mối tơ vò của thời đại đem các bạn trẻ đi vào ngõ cụt. Chúng ta cũng đừng nhân gấp những vấn đề của con người mà lại lãng quên điều luật quan trọng của Thiên Chúa. Và vì thế, toàn thể lề luật và các tiên tri lớn tiếng nói cho chúng ta rằng “Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúng con cũng đã hết lòng,
hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn,
chỉ có điều đặt sai đối tượng.
Thay vì dành cho Chúa,
chúng con lại dành cho thế giới vật chất này.
Thay vì yêu anh em như chính mình
thì con bắt tất cả anh em chỉ yêu có mình con.
Ích kỷ và những vấn đề hưởng thụ vật chất
đã khiến cho chúng con mất phương hướng
và rơi vào vòng xoáy của văn minh hiện đại.
Xin Chúa cho chúng con ngày hôm nay
lại được nghe lại Lời Chúa long trọng và lớn tiếng tuyên bố:
“Hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn
và yêu thương anh em như chính mình”. Amen.


Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc