YÊU THƯƠNG: QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI

(Chúa Nhật 15 thường niên C 2019)

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước (năm 1978), trong thế giới cọng sản Liên Sô đang thời “vàng son ý thức hệ”, đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nodar Dumbadze người Georgia được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI”, đã trở thành một “hiện tượng văn hoá” khá hi hửu, một “best-seller” thu hút rất đông số độc giả, nhất là giới trí thức trẻ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Bởi chưng, cái kết luận và cũng là “luận đề cơ bản” của cuốn tiểu thuyết nầy đó là: cuộc nhân sinh của kiếp người bị chi phối bởi cái “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI” mà cốt yếu đó là “YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU”[1].

Đối với những con người bị trói buộc lâu ngày trong cái gông cùm “ý thức hệ cọng sản của Mác-Lê”, lấy chủ trương “đấu tranh giai cấp” làm phương hướng hành động, chọn bất cứ phương tiện nào, cho dù là khủng bố, chiến tranh, tiêu diệt… để đạt được mục tiêu “chuyên chính vô sản”…thì quả thật, việc xuất hiện một ấn phẩm mang chủ đề “BÁC ÁI, YÊU THƯƠNG” nhuốm màu nhân sinh quan Kinh Thánh của Kitô giáo, nếu không là “văn hoá phản động”, thì cũng là một chuyện thuộc loại “xưa nay hiếm” !

Nhưng, đối với chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa và được Lời Chúa nuôi dưỡng, hướng dẫn, khải thị…thì “BÁC ÁI YÊU THƯƠNG” chính là “quy luật nền tảng” được khắc ghi rõ ràng trong Kinh Thánh từ mấy ngàn năm trước và lưu truyền cho đến mãi hôm nay và ngàn sau.

Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một tín đồ Do Thái và cũng là một nhà thông luật đã trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" như sau: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". (Lc 10,25-28)

Thực ra, câu trả lời trên đã bao gồm quy luật cốt yếu: MẾN CHÚA-YÊU NGƯỜI, mà trong một hoàn cảnh khác được các Tin Mừng Nhất lãm thuật lại, chính Chúa Giêsu đã trưng ra hai trích đoạn Lời Chúa xác định luật về mến Chúa và yêu người để “bịt miệng” các anh biệt phái đến chất vấn Ngài về luật Mô-sê (Mt 22,34-40) như sau:

- Mến Chúa: Trích sách Đệ Nhị Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” (Đnl 6,5).

- Yêu người: Trích sách Lê-vi: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Lv 19,18).

Bài đọc 1 với trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, nhà lãnh đạo và lập pháp Mô-sê đã nhấn mạnh với cộng đoàn dân Ít-ra-en tầm quan trọng thiết thân của quy luật nền tảng nầy và là một đòi hỏi thực hiện dứt khoát, cụ thể. Đây không là một thứ quy luật mang tính trừu tượng, viễn vông, xa rời cuộc sống, mà là “Lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi"; và chính vì thế, không thể vin vào lý do nầy hay lý do khác để tránh né, loại trừ, mà phải: “tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này, hãy trở về cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi.”.

Thật ra, khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, thì đồng thời, Thiên Chúa cũng đặt để trong chính bản tính con người khả năng yêu thương, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Tuy nhiên, con người đã đánh mất cái bản chất tốt đẹp thiêng thánh đó khi “đứng lên chống lại thánh ý Chúa” để “tự do, tự tung tự tác với cái tôi của mình”. Và từ đó, tội lỗi, sự hận thù, ghen ghét đã nhập vào thế gian mà vụ án “Cain giết em là Abel” như là một chứng từ rõ nét, để tiếp sau đó, máu và nước mắt đã tràn lan khắp địa cầu…

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đã quyết định mở ra “Chương Trình Cứu Độ” mà đích điểm và trọng tâm chính là Con Một yêu dấu của chính Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16).

Vâng, chính Đức Kitô là Đấng đã vâng lệnh Chúa Cha vào đời dạy cho người ý thức bản chất “yêu thương” là của riêng con người và đồng thời chứng thực tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua chính con người, cuộc đời, nhất là cái chết và sự sống lại của Người, như cách xác nhận của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư Côlôsê vừa mới được công bố:

“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; (…). Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.” (Cl 1,15-20).

Đặc biệt, Đức Kitô còn cho thấy rõ: giáo huấn về bác ái yêu thương của Ngài luôn phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ là những kiến thức và khái niệm “hay” nhưng chỉ để trong ngăn kéo, trên các bệ thờ. Không, yêu thương phải là hành động, bác ái phải là cụ thể, như cách Ngài dụ ngôn qua câu chuyện “Người Samari nhân hậu”.

Với “dụ ngôn nầy”, trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn ý thức thân phận “bị cướp giật, bị thương tích đầy mình, bị bỏ rơi bên đường…” của chính chúng ta; và rồi, chính Chúa Giêsu là “Người Samari nhân hậu’ đã tìm gặp, cứu thoát và đem chúng ta vào “quán trọ Hội Thánh” để chăm sóc, chữa lành[2]…! Chúng ta không được quên lãng “hồng ân cứu độ” cao cả nầy. Và một khi đã trở nên “Người Samari nhân lành” theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, chúng ta sẽ nhận ra “ai là người thân cận của mình” để sẵn sàng yêu thương phục vụ.[3]

“Thiên Chúa là tình yêu” và vì thế, "Ðạo Chúa là đạo tình yêu". Thiên Chúa thương chúng ta như người cha thương lo cho con cái. Chúng ta cũng phải yêu mến Người với tình con thảo, và thương mến anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã hiện thực hóa tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người cách trọn hảo qua cuộc nhập thể làm người và nhất là qua cuộc tự hiến trên thập giá.

Hôm nay trên muôn nẻo đường thế giới, đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ…. Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh.

Bài học “trở thành người Samari nhân hậu”, hay bài học “nhận ra người anh em” quả thật, không có điểm dừng. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ mang theo sau khi tham dự “Bàn Tiệc Thánh” sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và đốt nóng trái tim chúng ta để luôn biết sẵn sàng thực thi “quy luật của muôn đời”: “cúi xuống, rửa chân và yêu thương phục vụ”.

Trương Đình Hiền

[1] Nodar Dumbadze, QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI. Bản dịch của Phạm Mạnh Hùng. NXB Văn học tháng 9 năm 1984. Chương 20:

- Hai tháng trong bệnh viện của giáo sư là thời gian tôi có được những khám phá kì lạ!

- Đồng chí khám phá được cái gì kì lạ đến thế kia?

- Một quy luật của muôn đời.

- Hừ...ừm... Nếu vậy thì quy luật đó phải có dạng một công thức nào đó, phải thế không?

- Tất nhiên rồi!

- Có thể đồng chí sẽ cho tôi biết công thức ấy chứ? Tôi cam đoan với đồng chí rằng tôi không có ý định chiếm đoạt nó hay nhận mình là đồng tác giả! - Giáo sư nói đùa.

- Thưa giáo sư Nôđa Grigôriêvits, thực chất của quy luật ấy là thế này... Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống...

Nguồn: https://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2015/08/quy-luat-cua-muon-oi-nodar-dumbadze-ch_3.html

[2] “qua lăng kính thần học, Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ rằng, “Tội lỗi ‘mai phục’ trên đường đi của nhân loại, chực tước đoạt nhân phẩm của chúng ta, trấn lột chúng ta và cướp đi ân điển của Thiên Chúa. Tội đánh đập ta nhừ tử, rồi bỏ mặc ta dở sống dở chết. Chúa Giêsu đến nâng ta dậy, không phải để đặt lên lưng một con vật nào đó, mà là lên vai của Người và đưa ta về nhà Giáo Hội. Nơi đây, chúng ta được chăm sóc cho đến lúc Người lại đến trong vinh quang trong ngày chúng ta được sống lại”. Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta chẳng khác gì người lữ khách đi trên con đường về Trời-Mới-Đất-Mới. Vẫn còn đó, những “bọn cướp” tìm đủ mọi cách để cướp đi cuộc-sống-đức-tin của chúng ta, bằng những chủ thuyết vô thần lừa lọc và dối trá, bằng những thú đam mê dục vọng, bằng tiền tài danh vọng, bằng một nền văn hóa sự chết. Vì thế cho nên, đừng rời xa Giáo Hội, nơi mà “Nhờ máu (Chúa Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an” cho chúng ta, sự bình an đó giúp chúng ta có thể vững tin để trở nên “người Samari nhân lành”. Một khi chúng ta trở nên “người Samria nhân lành”, dù ở một lãnh vực nào, ở một ơn gọi nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra “ai là người thân cận của tôi”. Nói cách khác, dù tôi là Giám Mục hay Linh Mục, là bác sĩ hay kỹ sư, là nông dân hay công nhân, là một người chồng hay người vợ, là sinh viên hay học sinh v.v… tôi vẫn có thể nhận ra “tôi là người thân cận của ai”.

Nguồn: Trang mạng giáo phận Long Xuyên:

http://www.gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20190713110000

[3] Ibid.