Thập niên 1970, một số bạn hữu Kitô Giáo vùng Rimini muốn gặp nhau, tìm hiểu nhau và đưa về Rimini mọi điều thiện mỹ của nền văn hóa hiện đại. Đó là nguyên lai của Cuộc Gặp Gỡ Kết Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc, bắt đầu khai sinh năm 1980. Đây là cuộc gặp gỡ giữa những người thuộc các niềm tin và văn hóa khác nhau. Nó là nơi kết tình bằng hữu trong đó hòa bình, việc xã hội hóa giữa các dân tộc được thiết lập.

Từ đó, hàng năm, nhiều chính khách lớn, nhiều quản trị viên, nhiều đại diện các tôn giáo và văn hóa, nhiều trí thức và nghệ sĩ, nhiều thể thao gia và các nhà chủ đạo thế giới đã tham dự cuộc gặp gỡ này trong nhiều hội nghị, nhiều cuộc trưng bày, nhiều màn trình diễn cũng như nhiều biến cố thể thao. Tại đây, văn hóa tự phát biểu về mình như một cảm nghiệm, phát sinh từ ý muốn khám phá ra cái đẹp của thực tại. Tất cả các sự kiện này diễn ra trong 7 ngày. Trong tuần lễ cuối cùng của Tháng Tám này, Rimini trở thành thủ đô quốc tế của văn hóa. Năm ngoái, số người tham dự lên đến 800,000 người đến từ 29 quốc gia, 4 nghìn thiện nguyện viên, tự nguyện trả mọi chi phí di chuyển và ăn ở tới đây giúp việc tổ chức, dàn dựng, quản trị và tháo gỡ cuộc Gặp Gỡ. Họ là Do Thái Giáo, Phật Giáo, vô thần, Chính Thống Giáo, và cả Hồi Giáo nữa… Các chủ đề thay đổi từ kinh tế, qua nghệ thuật, văn chương, chính trị, các vấn đề xã hội, và đủ thứ âm nhạc, được trình bày trong 130 hội nghị với 250 diễn giả, 8 cuộc trưng bày, 35 màn trình diễn, 10 biến cố thể thao, và 1,000 nhà báo chuyên nghiệp. Năm nào Cuộc Gặp Gỡ cũng được đối thoại với nhiều định chế, nhiều sứ bộ ngoại giao, và nhiều đại công ty công và tư. Cuộc gặp gỡ được sự hùn hạp và bảo trợ của hơn 200 cơ quan.

Theo tin Zenit ngày 23 tháng 6, Cuộc Gặp Gỡ Rimini dự trù tổ chức trong các ngày từ 20 tới 27 tháng Tám này đã được giới thiệu tại Lâu Đài Borreomeo vào tuần qua. Chủ đề cuộc gặp gỡ năm nay, đặt dưới sự bảo trợ của Phong Trào Công Giáo Hiệp Thông Và Giải Phóng, là “Và Hiện Hữu Trở Thành Sự Chắc Chắn Mênh Mông”.

Tại cuộc trình bày này, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, là một trong các diễn giả. Các diễn giả khác có Franco Frattini, bộ trưởng ngoại giao Ý; Emilia Guarnieri, chủ tịch Qũy Gặp Gỡ Kết Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc, và Giorgio Vittadini, chủ tịch Qũy Liên Đới.

Đức HY Tauran nói về sự tín thác nơi Thiên Chúa phát sinh từ “niềm xác tín rằng chân lý tối hậu của đời tôi không đến tử chính tôi mà đến từ Một Người Khác; Đấng ấy rọi chiếu đời tôi và cho nó một ý nghĩa”. Ngài cho rằng “đức tin mới chắc chắn, chứ không phải sự an toàn”, vì “đức tin có liên hệ với tôi và sự yếu đuối của tôi”. Theo ngài, “sự chắc chắn vĩ đại mà ta có không phải là một chọn lựa triết học hay một kinh nghiệm huyền nhiệm, hay một kết luận nghiên cứu về chiều kích tôn giáo của con người. Không, sự chắc chắn của ta là một con người có tên là Giêsu Nadarét”.

Nói về cuộc gặp gỡ, Đức HY thổ lộ rằng “đối với tôi… ta phải có khả năng rờ mó được sự kiện này là ta có thể đến với Thiên Chúa qua các thực tại trần gian cũng như các sản phẩm của trí hiểu, văn hóa, kỹ thuật và khoa học của con người”. Theo ngài, “điều đặc thù đối với người giáo dân là phải xác định rõ các nhiệm vụ của họ, đem tới cho các hoạt động thế trần của họ một ý nghĩa tôn giáo… Có thể nói rằng nhiệm vụ của một Kitô hữu đứng trước các cam kết trần gian là thánh hiến chúng”

Chính trị và luân lý

Frattini nói về các liên hệ quốc tế, nhất là vai trò của nước Ý. Theo ông, “Tại Địa Trung Hải, Ý phải khai triển được một vai trò chính trị, nhưng trước hết phải là vai trò luân lý. Trong quá khứ, ta vẫn nghĩ rằng ở Trung Đông, quyền lợi chiến lược của ta là yểm trợ sự ổn định của các chính phủ về phương diện liên quan đến các cột trụ của lịch sử ta, tức nền dân chủ, bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, điều ấy đã thất bại vì sự ổn định của các chế độ độc tài hết sức mỏng manh. Các chính phủ ấy, bề ngoài xem ra rất ổn định, đã sụp đổ chỉ trong vòng một tuần lễ. Sự kiện ấy đã xẩy ra ở Tunisia và Ai Cập và đang xẩy ra ở Syria. Nó chưa xẩy ra tại Lybia vì bản chất đẫm máu của chế độ Ghaddafi và số lượng tiền bạc khổng lồ của nó”.

Vị bộ trưởng này nói rằng “ta đang làm việc với các quốc gia trên trong giai đoạn chuyển tiếp qua dân chủ, nhưng ta sẽ cố tránh không để cho luồng gió dân chủ tích cực bị cuốn hút bởi những tên cực đoan đang sẵn sàng áp đặt một chủ nghĩa toàn trị mới”.

Có gì chắc chắn không?

Guarnieri bắt đầu bài trình bày bằng cách cho rằng “vào thời buổi không có chi chắc chắn này, chắc chắn quả là một từ ngữ đầy nghịch lý; đây là thời được đặc điểm hóa bởi một tình trạng thực sự không có gì chắc chắn cả trong mọi lãnh vực: chính trị, kinh tế, đời sống xã hội và thân phận con người”. Và các điều không chắc chắn lớn nhất chính là “sự không chắc chắn liên quan tới việc nhận thức về chính mình, một sự không chắc chắn có bản chất nhân học; và sự không chắc chắn về khả thể hiện hữu của chân lý, và tệ hơn cả là sự không chắc chắn về việc con người có thể vươn tới sự thật, nghĩa là không chắc chắn có con đường nào, có diễn trình nào dẫn con người tìm ra sự thật”.

Sự không chắc chắn đó thấy rất rõ nơi giới trẻ. Bà trưng con số thống kê cho thấy hàng triệu người trẻ “không học hành, không làm việc, và không tìm việc làm”. Nhưng, Guarnieri nói tiếp, cũng có những loại tin tức khác, như các bác sĩ liều mình chữa trị bệnh thổ tả cho người Haiti, hay các doanh nhân từ bỏ lợi tức để bảo vệ việc làm cho các công nhân của mình. Nói cách khác, theo bà, vẫn đang có những người “có lý tưởng sẵn sàng hy sinh bản thân, và họ biết đó là sự thật. Đó chính là sự chắc chắn mà tôi tin là cuộc gặp gỡ năm nay nhất thiết sẽ bàn tới”.