Obama ngày nhậm chức: Chúng ta có thể nắm lấy giờ phút này, miễn là biết cùng nhau nắm lấy
Vũ Văn An1/22/2013
________________________________________
Đó là điều nổi bật được ký giả Nick O'Malley, phóng viên tại Mỹ của Fairfax Media, ghi nhận trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ hai của TT Obama. Đứng dưới bóng toà nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, một toà nhà đã trở thành nhà xác đối với hành động tập thể, Tổng Thống Obama sử dụng bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai để kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ, trước khi phác họa một nghị trình khiến những người cấp tiến ủng hộ ông ta nhẩy mừng, nhưng làm cho các người bảo thủ chống đối ông ta hãi hùng.

Nói theo kiểu người Úc, thì đó là một bài diễn văn dành cho những người tin tưởng ông ta thực sự. Ông Obama minh nhiên kêu gọi quyền bình đẳng cho những người đồng tính luyến ái, bác bỏ chủ nghĩa chối từ việc thay đổi thời tiết, nhắc tới cuộc thảm sát ở Newtown và do đó ngầm cho hiểu nhu cầu phải kiểm soát vũ khí, và mạnh mẽ bảo vệ vai trò của chính phủ trong xã hội Hoa Kỳ. Tất cả những vấn đề ấy được ông gói ghém trong một bài diễn văn với thật nhiều lời lẽ dội lại bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của Franklin Roosevelt, tác giả New Deal.

''Chúng ta không thể lầm lẫn chủ nghĩa duy tuyệt đối với nguyên tắc, hay thay thế chính trị bằng làm trò, hoặc coi việc pha tên nhau như là tranh luận hữu lý”. Lời lẽ của Obama quả đã nhắm vào cánh cực hữu của Đảng Cộng Hòa.

Người ta không rõ Tổng Thống Obama sẽ có khả năng thực hiện được bao nhiêu điều trong nghị trình của ông khi Đảng Cộng Hòa vẫn còn nắm được đa số trong Hạ Viện. Nhưng xem ra, sau 4 năm tranh đấu với Đảng Cộng Hòa, ông không còn tin là mình có thể thắng được các đảng viên của Đảng này chỉ bằng thỏa hiệp và thương thuyết.

Chỉ mới tuần trước đây thôi, Ông Obama đã biến bộ máy tranh cử của ông, một bộ máy người ta cho là kho dữ liệu cử tri lớn nhất và tân tiến nhất, thành một cơ quan tranh đấu thường trực. Từ ngày bầu cử, nhiều lần ông đã cho rằng thay đổi chỉ đạt được nếu có sự ủng hộ của công chúng. Hiện nay, điều rõ ràng là ông có dự kiến sẽ qua mặt Quốc Hội mà lên tiếng thẳng với công chúng cử tri, hy vọng rằng những người ủng hộ đảng này sẽ đổi hướng, hay đa số dân cử của đảng này sẽ bị tiêu diệt trong các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Ông trực diện thách thức triết lý chính phủ nhỏ của Paul Ryan, dân biểu Cộng Hòa và là ứng cử viên phó tổng thống, người ngồi gần ông trên khán đài ở Toà Nhà Quốc Hội, đang khi ông đọc diễn văn. Ông bảo: “Cùng nhau, chúng ta đã xác quyết rằng nền kinh tế hiện đại đòi phải có đường rầy xe lửa và xa lộ để việc du hành và buôn bán được nhanh chóng hơn, phải có trường học và cao đẳng để huấn luyện các công nhân của ta. Cùng nhau, chúng ta thấy rằng thị trường tự do chỉ phát triển khi có luật lệ để bảo đảm việc cạnh tranh và làm ăn sòng phẳng”.

Ông nói tiếp: “Các cam kết chúng ta đưa ra với nhau qua Medicare và Medicaid cũng như An Sinh Xã Hội, những điều đó không hút rỉa hết sáng kiến của chúng ta, trái lại chúng tăng cường chúng ta. Chúng không biến chúng ta thành những người chỉ biết lấy; chúng giải thoát để chúng ta sẵn sàng liều thân làm cho quốc gia này trở thành vĩ đại”.

Nếu lời của Roosevelt chỉ được khoan thai nhắc lại, thì lời của Martin Luther King đã vang lên như sấm sét. Một cách tình cờ, buổi nhậm chức hôm nay có dáng dấp của Ngày Martin Luther King, nên sau khi đã thề nhậm chức trên hai cuốn Thánh Kinh, một cuốn của Abraham Lincoln, một cuốn của King, Ông Obama đã vừa đọc diễn văn vừa hướng về hàng triệu cử tọa đang đứng nối đuôi nhau tới tận Đài Kỷ Niệm Lincoln, nơi trước đây King từng đọc một trong các diễn văn thời danh nhất của mình.

Ông Obama nối kết các cuộc phản kháng ở Stonewall từng khai sinh ra phong trào đòi quyền lợi cho người đồng tính vào năm 1969 với nghị hội nữ quyền năm 1848 tại Seneca Falls và phong trào dân quyền. Ông nói: “Hôm nay, nhân dân chúng ta tuyên bố rằng chân lý hiển nhiên nhất, tức chân lý: mọi người chúng ta được tạo nên đều bình đẳng, vẫn là ngôi sao hướng dẫn chúng ta; như nó từng đã hướng dẫn cha ông chúng ta vượt qua Seneca Falls, Selma, và Stonewall; như nó đã hướng dẫn mọi người nam nữ, được ca ngợi hay không, từng để lại dấu chân dọc con đường dạo quanh vĩ đại này, để nghe nhà giảng thuyết nói rằng ta không thể bước đi một mình; để nghe King công bố rằng tự do cá nhân của chúng ta bị cột chặt một cách không thể tháo gỡ được vào tự do của mọi linh hồn sống trên dương gian.

“Cuộc hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới ngày anh chị em đồng tính của chúng ta được đối xử như bất cứ ai khác dưới luật pháp, vì nếu chúng ta được tạo nên bình đẳng thực sự, thì chắc chắn tình yêu chúng ta cam kết cho nhau cũng phải bình đẳng nữa”.

Về việc thời tiết thay đổi, Ông Obama cho hay: “Một số người vẫn còn bác bỏ phán đoán áp đảo của khoa học nhưng không một ai tránh được tác động tàn phá của lửa bùng tỏa, của hạn hán tê liệt, và của bão tố càng ngày càng mạnh hơn”

Ca tụng việc giải quyết bằng thương thuyết chứ không can thiệp bằng quân sự, Ông Obama cho hay: “hoà bình lâu dài và an ninh bền vững không đòi phải chiến tranh liên miên”. Và ông tuyên bố rằng cuộc cải tổ di dân sẽ đem lợi ích lại cho quốc gia: “Cuộc hành trình của chúng ta sẽ không trọn vẹn cho tới lúc chúng ta tìm ra cách chào đón các di dân biết cố gắng, có nhiều triển vọng, những người vẫn coi Hoa Kỳ là mảnh đất của may mắn, cho tới lúc các sinh viên và kỹ sư trẻ được liệt vào lực lượng lao động của chúng ta, thay vì bị trục xuất khỏi xứ sở này”.

Vì tuân thủ cuộc ngừng chiến truyền thống nhân ngày nhậm chức, nên rất ít dân cử Cộng Hòa lên tiếng tỏ thái độ. Những người chịu lên tiếng thì rất cẩn trọng trong việc lựa lời. Jeb Hensarling, thuộc Đảng Cộng Hòa ở Texas, nói với nhật báo trực tuyến Roll Call rằng: “À… tôi rất tự hào nếu tôi là người phát biểu phần lớn bài diễn văn đó. Nhất là phần đầu. Nhưng nhiều phần không được như vậy”.

Các nhà bình luận bảo thủ hàng đầu thì tự do hơn với suy nghĩ của họ. Charles Krauthammer trên đài Fox News, chẳng hạn, cho rằng “tôi nghĩ [bài diễn văn đó] rất quan trọng xét về phương diện lịch sử vì đây quả là một Obama không bị tù túng. Và theo tôi, điều lý thú nhất là Obama, trong căn bản, đã công bố việc kết liễu của chủ nghĩa Reagan… Ngày hôm nay, bài diễn văn này là một tụng ca đối với chính phủ lớn. Nó quả là bài thánh ca ca ngợi chính phủ lớn”

Ngược lại, các người ủng hộ Ông Obama thì lắng nghe giọng nói của người đàn ông mà họ từng bầu lên 4 năm trước đây, một người bị khá đông trong số họ coi là đã lạc đường trong cái mê hồn trận của những thoả hiệp Washington.

Những người phê phán thì cho rằng Ông Obama trượt ván quá nhanh đến quên nhiều vấn đề quan trọng mà Hoa Kỳ hiện vẫn còn đương phải chạm trán, nhất là các khoản nợ nần và thâm thủng. Thay vào đó, Ông đã tiếu lâm mô tả đất nước như đang thoát ra khỏi thời kỳ thử thách.

"Thập niên chiến tranh nay đang kết thúc. Việc phục hồi kinh tế đã và đang bắt đầu. Các khả thể của Hoa Kỳ là vô hạn, vì chúng ta sở hữu mọi đức tính mà thế giới mênh mông này đòi hỏi: trẻ trung và năng nổ; đa dạng và cởi mở; một khả năng liều lĩnh không cùng và một thiên phú tái phát kiến. Đồng bào Hoa Kỳ thân mến, chúng ta được tạo ra cho giờ phút này, và chúng ta sẽ nắm lấy nó, miễn là chúng ta biết cùng nhau nắm lấy”.

Bài diễn văn chắc nịch đến nỗi bỉnh bút tờ The Washington Post là Chris Cillizza nhận định: “Đây là bài diễn văn chỉ có thể được đọc bởi một người biết rằng mình không bao giờ cần phải tranh cử nữa để được tái cử… Cô đọng bài diễn văn của Obama thành một câu duy nhất thì câu đó phải là ‘ta là tổng thống đây, làm gì thì làm đi!’”

Trích từ http://www.smh.com.au ngày 23 tháng 1 năm 2013