Ngày 10 tháng 2 vừa qua, tại Bảo Tàng Viện Vatican, nhân kỷ niệm 80 năm ngày Đài Phát Thánh Vatican bắt đầu hoạt động, Đức Ông Peter Bryan Wells, thứ trưởng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là phủ giám sát hoạt động của Đài này, đã đọc một bài tham luận về vai trò hiện nay của nó.

Theo đức ông, hiện ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong thế giới truyền thông ngày nay, như Đức Thánh Cha vừa nhắn nhủ trong Thông Điệp Ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới ngày 24 tháng Giêng rằng: “Các kỹ thuật mới đang thay đổi không những phương cách truyền thông của ta, mà chính ngành truyền thông nữa, đến độ có thể nói rằng ta đang sống trong một thời kỳ có những biến đổi rộng lớn về văn hóa. Phương tiện truyền bá tín liệu và kiến thức này đang phát sinh ra một phương thức mới cho học thuật và tư duy, với những cơ may chưa từng có để ta thiết lập các mối tương quan và xây dựng sự hiệp thông”. Biến động vừa có tính kỹ thuật vừa có tính văn hóa này đang tác động trực tiếp lên ngành truyền thanh cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn khía cạnh nội dung. Các phương tiện truyền thông cổ điển, trong đó có ngành truyền thanh, không thể làm ngơ sức mạnh và tính phổ thông của các phương tiện truyền thông mới. Ta nên biết điều này: một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy điện thoại di động đang tạo ra hiện tượng “ghiền di động” (mobile addiction): đến độ có người thà chịu đói chứ không chịu bỏ thứ phương tiện giúp họ gửi và nhận các cú điện đàm và tin nhắn (xem http://www.digitaltrends.com/mobile/top-10-signs-of-cell-phone-addiction). Còn cơ quan thăm dò Nielsen thì cho biết trong các quốc gia Phương Tây, những người dưới 35 tuổi đã dành nhiều giờ cho internet hơn là cho truyền hình (xem http://www.nielsen.com/us/en/insights/press-room/ 2008/ nielsen_reports_tv.html). Ta cũng không nên quên rằng các phương tiện truyền thông mới đã là chất xúc tác gây ra những biến động lớn lao như “Biểu Tình Chống Xỉ Nhục” ở Pháp và Bỉ (1) và “Cách Mạng Hoa Nhài” (2) ở Tunisia.

Các biến cố trên cho thấy ngành truyền thanh không thể không xem sét đến việc xuất hiện hàng loạt những phương tiện kỹ thuật mới, từ “podcast” tới “iPad”, từ các hệ thống xã hội như “Facebook” tới các diễn đàn “tiểu” blogging như Twitter. Các phương tiện truyền thông mới phải được coi như những người cùng truyền thông (interlocutors) chứ không phải như những người cạnh tranh. Ngành truyền thanh phải coi các phương tiện truyền thông mới như một cơ may, chứ không phải một đe dọa. Chính ở đây, ta thấy tinh thần “hội tụ” giữa các phương tiện truyền thông, điều được Đức Thánh Cha nhắc đến trong Diễn Văn với Các Quản Trị Viên và Nhân Viên Trung Tâm Truyền Hình Vatican ngày 18 tháng 12 năm 2008. Nhận định về cách thức trong đó biên giới giữa các phương tiện truyền thông ngày một mờ nhạt đi và, đồng thời, mỗi ngày chúng một hành động chung với nhau (synergies) nhiều hơn, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: “Ngày nay, Liên Mạng đòi phải có sự tích nhập mỗi ngày một gia tăng giữa các phương thức truyền thông chữ viết, âm thanh và hình ảnh, và đó là thách thức đòi ta phải mở rộng và tăng cường các hình thức hợp tác giữa các phương tiện truyền thông đang phục vụ Tòa Thánh”. Để thành công trong trách vụ này, điều cần thiết là phải phá bỏ não trạng đóng khung: để nhìn truyền thanh, truyền hình, liên mạng và báo chí không như những dụng cụ biệt lập với những khả năng riêng rẽ, mà đúng hơn như những vòng tròn cắt nhau và nối kết với nhau.

Đối với Đài Truyền Thanh Vatican, sự hội tụ trên có lợi đầu tiên về phương diện kinh tế: thực vậy, việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới cho phép ta tối đa hóa năng xuất. Chắc chắn, hiện nay, tại Đài Truyền Thanh Vatican, đang diễn ra diễn trình tích nhập tín liệu, tức diễn trình sử dụng các phương tiện truyền thông mới và tất cả những gì chúng đem lại. Các phương tiện truyền thông mới này, nếu sử dụng một cách thông minh và tích nhập một cách khôn ngoan vào các cơ cấu hiện có, sẽ là những cỗ xe quan trọng chuyên chở được các sứ điệp truyền thanh, giúp chúng được quảng bá rộng rãi với phí tổn thật thấp. Tuy nhiên, lý do chính khiến Đài Truyền Thanh Vatican phải tiếp nhận các dụng cụ và kỹ thuật mới chủ yếu là hiệu năng kinh tế mà chúng hứa hẹn. Hiện tượng tổng hợp các phương tiện truyền thông cổ điển với các phương tiện truyền thông mới, nhất là việc hội nhập truyền thanh và liên mạng, phải được coi như một biến đổi tất yếu phát sinh ra vai trò đặc trưng mới cho dịch vụ truyền thanh, trong bối cảnh một hệ thống thông tin hoàn toàn đổi mới. Ta không nói đến việc loại bỏ chức năng chuyên biệt của truyền thanh, tức việc vươn tới người nghe. Đúng hơn, ta đang nói đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới giúp truyền thanh có khả năng thoả mãn hoài mong của các thính giả vốn mỗi ngày một nhạy cảm hơn đối với việc thông tin. Người ta thấy một quan niệm mới về truyền thanh đang ra đời. Do ba yếu tố sau: Thứ nhất, truyền thanh mềm dẻo hơn các phương tiện truyền thông khác, và có thể dễ dàng tìm được diễn đàn phân phối. Thứ hai, truyền thanh là một phương tiện truyền thông có mặt ở khắp nơi nhưng lại có tính không quá xâm phạm: không như hình ảnh, tiếng nói bao bọc và làm thính giả chìm hẳn vào một môi trường âm thanh nhưng lại không chiếm ngự không gian của người nghe. Thứ ba, truyền thanh là một phương tiện truyền thông thân mật, tương giao, một không gian để nội tâm hóa, nhận trách nhiệm, chứ không dành cho những điều ngoại vi, bề ngoài như hình ảnh.

Sự hội tụ của truyền thanh và các phương tiện truyền thông mới sẽ không hủy diệt yếu tính của truyền thanh. Đứng hơn, sự hội tụ này sẽ làm vững mạnh việc truyền thông bằng truyền thanh. Trong trường hợp đặc trưng của Đài Truyền Thanh Vatican, việc hội tụ này sẽ bao gồm hai diễn trình bổ túc cho nhau. Diễn trình thứ nhất liên quan tới việc hòa hợp hóa công việc của Đài Truyền Thanh Vatican với các phương tiện truyền thông khác của Vatican. Diễn trình thứ hai liên quan tới mối tương quan giữa đài truyền thanh của Tòa Thánh với các đài truyền thanh khác khắp thế giới. Các cơ sở phát tuyến của truyền thông Vatican đang thực hiện diễn trình thứ nhất một cách đầy quyết tâm: các phạm vi hợp tác giữa Trung Tâm Truyền Hình Vatican, Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội và Đài Truyền ThanhVatican là một bằng chứng hùng hồn. Tuy thế, những khai triển này mới là giai đoạn thứ nhất của một hiện tượng lớn hơn, bao quát hơn nhằm thiết lập được một sự hiện diện thường xuyên của Tòa Thánh trong thế giới các phương tiện truyền thông mới.

Diễn trình thứ hai có tính đặc trưng hơn: Đài Truyền Thanh Vatican vốn có vai trò làm gương, làm đuốc sáng, hướng dẫn mọi đài truyền thanh Công Giáo khác. Như thế, việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới sẽ giúp Đài Vatican trở thành nguồn cung cấp tư tưởng và dịch vụ cho các đài đàn em, và đồng thời là phương tiện nhờ đó các đài truyền thanh Công Giáo cấp địa phương có thể chia sẻ với nhau trên bình diện hoàn cầu. Muốn thành công trong thách đố khó khăn này, ta cần phải tiếp tục chiều hướng tương quan hữu cơ, vốn đã được khởi đầu lâu nay, giữa Đài Truyền Thanh Vatican và các đài truyền thanh Công Giáo khác trên toàn thế giới, một mối tương quan nay càng có thể thực hiện được nhờ các kỹ thuật mới.

Bản chất mối tương quan mới này bắt nguồn từ chính vai trò đặc trưng vốn được trao cho Đài Truyền Thanh Vatican, tức trở thành yếu tố chủ yếu trong các phương tiện phúc âm hóa mà Tòa Thánh hiện có, như lời Đức Bênêđíctô XVI từng giải thích ngày 20 tháng 6 năm 2008 trong Diễn Văn với Hội Nghị Quốc Tế Các Nhân Viên Truyền Thanh Công Giáo: “Vì mối liên kết của nó với ngôn từ, truyền thanh tham dự vào sứ mệnh và tính hữu hình của Giáo Hội. Nhưng nó cũng tạo ra một phương cách mới trong lối sống, trong lối làm và trong lối tạo nên Giáo Hội”.

Vì Giáo Hội tự bản chất là phổ quát, nên Đài Truyền Thanh Vatican cũng có một sứ mệnh phổ quát. Nó truyền thanh bằng hơn 40 ngôn ngữ và tự coi mình như phương tiện tuyệt hảo để đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Chính vì lý do này, Đức Ông Wells cho rằng: các nhân viên của Đài cần luôn tự giúp mình cập nhật hóa không ngừng về mọi phương diện: kỹ thuật, chuyên nghiệp, văn hóa.

Vì mục tiêu này, ta cần có những phương tiện truyền thông mới, bởi vì thành công của việc vươn tới thính giả hoàn cầu tùy thuộc các phương tiện này: hãy tưởng tượng tới khả năng gửi một mẩu tin trực tiếp tới điện thoại di động của hàng triệu người hay khả năng gửi các tin nhắn đúng lúc cho những người sống trong các vùng có chiến tranh hay dưới các chế độ hà khắc.

Phúc âm hóa có nghĩa là đề cập tới những khó khăn mà Giáo Hội đang phải chịu đựng. Đài Truyền Thanh Vatican phải là tiếng nói của Giáo Hội để thách thức bất cứ ai cho rằng Giáo Hội không có khả năng canh tân nội bộ, để chứng tỏ cho họ thấy ước vọng không mệt mỏi của Giáo Hội muốn thanh tẩy chính mình như lời phát biểu của Vị Mục Tử Tối Cao. Đài Truyền Thanh Vatican phải là tiếng nói phát huy tự do tôn giáo trên thế giới. Nó phải là tiếng nói kêu gọi đối thoại và hoà hợp trong một thế giới đang mỗi ngày mỗi hướng về hận thù và bạo lực để giải quyết các tranh chấp.

Ai cũng biết rằng các phương tiện truyền thông mới là điều tuyệt đối chủ yếu, nếu Đài Truyền Thanh Vatican muốn thành công trở thành tiếng nói đó. Ngày nay, các bài viết của các thông tấn cũng như báo chí và cả trực thoại (talk shows) nữa đã nhường chỗ cho các “blogs”, e-mail, nhắn tin trên điện thoại… Ngay cả trước khi tới tay các phương tiện truyền thông cổ truyền, một mẩu tin đã bị chỉnh sửa, thay đổi, và một then máy mới đã lên khuôn và ảnh hưởng tới công luận trước rồi để hoặc làm cho mẩu tin ấy trở nên quan trọng hơn hai là giết luôn mẩu tin ấy, làm nó biến mất.

Ngày nay, lên tiếng trên đài, công bố, viết lách không còn đủ nữa. Người ta cần hiện diện ở chính thị trường, cập nhật hóa các trang mạng mới hòng vươn tới một thế giới lúc nào cũng thèm khát tin tức. Nói cách khác, không có được những phương tiện kỹ thuật mới để sử dụng hay không biết gì về những phương tiện hiện đại nhất hiện nay sẽ khiến sứ điệp của ta luôn đến sau cùng, luôn đến không đúng lúc, hay trở thành vô dụng. Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Lần Thứ 45 nói trên, Đức Thánh Cha từng nhắc nhở ta nhớ: “các phương tiện truyền thông mới đã đóng góp ra sao vào việc khai triển ra các chân trời trí thức và tâm linh mới và phức tạp hơn, và các hình thức mới của ý thức chung”. Bởi thế, điều chủ yếu là Đài Truyền Thanh Vatican phải tiếp tục thích ứng đối với các phương tiện mới này nếu nó muốn trở thành bộ máy của các hình thức ý thức mới đó: tức nền văn hóa mới. Nên nhớ: việc khai triển ra nền văn hóa mới đặt căn bản trên tương quan tính ấy vốn là đặc trưng của Giáo Hội. Giáo Hội vốn không phải là mạng lưới xã hội đầu tiên có tính hoàn cầu đó sao? Thực vậy, trước khi các phương tiện truyền thông mới ra đời, ngôn ngữ phụng vụ, các giá trị và cách suy nghĩ của Giáo Hội về con người nhân bản vốn đã nối kết người Công Giáo khắp nơi trên thế giới lại với nhau, bất chấp nền văn hóa, ngôn ngữ, tuổi tác, sắc tộc và điều kiện kinh tế của họ. Việc hoàn cầu hóa các phương tiện truyền thông không làm ta sợ hãi, vì ta vốn là tác giả đầu tiên của sự kiện ấy.

Trong phần kết luận, Đức Ông Wells nhắc lại lời đài này quen dùng để mở đầu và kết thúc mọi bản tin của mình, như một biểu thức hy vọng, như một lực đẩy và là cốt lõi sứ mệnh của Đài, một lời chẳng kém ca khúc bất hủ “Christus vincit” (Chúa Kitô chiến thắng) đó là “Laudetur Iesus Christus” (Chúa Giêsu Kitô phải được chúc tụng).

Trích L'Osservatore Romano -- Feb. 16 tháng 2 năm 2011

Ghi chú

(1) Biểu Tình Chống Xỉ Nhục (Manifestation de la Honte) là những cuộc biểu tình của các hiệp hội, đảng phái cánh tả và các tổ chức Kitô Giáo cả ở Pháp lẫn ở Bỉ từ cuối năm ngoài cho tới đầu năm nay, nhằm chống lại các dự luật về di trú và quốc tịch, có tính phản động bất lợi cho người di dân, tị nạn Âu Châu, những dự luật họ coi là sự xỉ nhục của các xã hội văn minh.

(2) Cách mạng tại Tunisia được báo chí gọi là Cách Mạng Hoa Nhài (Jasmine Revolution), theo sáng kiến của ký giả Zied El Hani, một công dân Tunisia. Dù không được nhiều người Tunisia đồng ý, nhưng tên này không hẳn là tình cờ. Hoa nhài, mầu trắng, rất thơm, vốn là biểu tượng của Tunisia, tượng trưng cho sự trong trắng, niềm dịu ngọt vui sống và đức khoan dung. Nó vốn được dùng một cách rộng rãi để cổ vũ du khách tới thăm xứ sở.

Cả hai biến cố trên đều được cổ vũ bằng các phương tiện truyền thông mới.