MẸ LA VANG CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Chúng ta về bên Mẹ La Vang trong ngày Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010. Giáo Hội Việt Nam và anh chị em giáo dân Việt Nam tại hải ngoại đang cùng hiệp ý với lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta bên Mẹ La Vang trong ngày hôm nay. Bởi vì chúng ta biết cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các vị chủ chăn của chúng ta rất cần sự hiện diện của chúng ta trong thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh. Chúng ta biết, dẫu cho hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện, tất cả chúng ta hãy nắm tay nhau xung quanh các vị chủ chăn của mình tiến về Mẹ để xin Mẹ hướng dẫn Giáo Hội Việt Nam trong những tháng ngày sắp tới. Đến với Mẹ La Vang trong dịp Bế Mạc Năm Thánh này, chúng ta xin Mẹ thương cầu bầu cùng Chúa cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta, biết nhận ra ý Chúa trong suốt một năm cầu nguyện, học hỏi và đặc biệt qua những kết quả đạt được từ Đại Hội Dân Chúa diễn ra từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 11 năm 2010 vừa qua. Đức cha Vincent Nguyễn văn Bản đã dâng lời cầu nguyện: “Xin cho Giáo Hội thực sự là con đường mầu nhiệm của Đức Kitô là đoàn chiên trong tay Ngài dẫn dắt. Xin Mẹ giúp cho mỗi người Kitô hữu Việt Nam, đặc biệt là những người con đã vượt qua bao nhiêu khó khăn được về bên Mẹ trong dịp Bế Mạc Năm Thánh được đón nhận nhiều ơn lành của Chúa, để được trở nên giống như Mẹ, biết khiêm tốn đem Chúa Giêsu đến cho mọi người. Xin Mẹ nâng đỡ, an ủi những người con của Mẹ và xin Mẹ chữa lành những vết thương trong tâm hồn của chúng con.

Đức cha Vincent Nguyễn văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột đã tâm sự với cộng đoàn: “Khi anh chị em đứng trên mảnh đất Mẹ Maria từng hiện ra ở La Vang, anh chị em có cảm nhận thấy điều gì bừng cháy lên trong trái tim của anh chị em không? Tôi tin chắc anh chị em cũng có một cảm giác giống như tôi khi tôi về bên Mẹ La Vang. Một cảm nhận đây là nơi Mẹ đã hiện ra để cứu chữa những người con cái Mẹ đang đau khổ và vì thế, chúng ta đến với Mẹ với tâm tình của những người con thảo, cách riêng là vào dịp Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Anh chị em đến đây với một thời tiết không hề thuận lợi một chút nào. Sáng nay, tôi đi một vòng xung quanh Thánh Địa, tôi thấy cảnh bà con anh chị em từ nơi xa vượt mấy trăm cây số, nhiều anh chị em đi cả ngàn cây số về đây ở bên Mẹ. May là trung tâm đã có sự chuẩn bị trước cho chúng ta những cái lều che nắng. Thế nhưng để che mưa, như anh chị em thấy, mỗi người chúng ta cũng phải đều tự tìm cách xoay sở. Và với thời tiết khắc nghiệt như thế, anh chị em có khám phá ra điều gì không? Đó là lời mời gọi của Mẹ trong dịp Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam. Tôi cảm nhận được sức sống, lòng nhiệt thành đã từng được ban cho tổ tiên cha ông chúng ta, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày xưa vẫn tiếp tục tuôn chảy tràn trào trong tâm hồn mỗi người Công giáo Việt Nam. Chúng ta yêu mến Mẹ, chúng ta yêu mến Chúa không phải chỉ khi chúng ta có điều kiện thuận lợi nhưng ngay cả khi hoàn cảnh không thuận tiện, chúng ta vẫn tiếp tục con đường tổ tiên cha ông chúng ta, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã đi. Chúng ta yêu mến Chúa trên hết tất cả.”

Trong mỗi gia đình của chúng ta ai cũng đều có cha có mẹ, nhưng khi vắng đi người mẹ thì chúng ta mồ côi; thiếu đi người cha, chúng ta không có mái nhà. Giả như có cảnh gà trống nuôi con thì người anh, người chị nào biết thương yêu em thì gia đình đó là gia đình có phúc nhưng mà nếu như các anh chị em lục đục thì một mình người cha không sao dàn xếp được, và việc giáo dục cho con cái một cách êm đềm sâu lắng, dịu dàng, có hiệu quả không thuộc về người cha, đó là quyền của người mẹ mà Chúa đã cho thiên chức của người làm mẹ, đồng thời mẹ là người giáo dục đầu tiên trong tất cả mọi trường học, từ giáo hội ra xã hội hay là cấp quốc gia. Còn người cha giáo dục con theo cách khác, mạnh mẽ, trưởng thành trong xã hội khác với sự dịu dàng, sâu lắng và yêu thương của người mẹ. Vì vậy chúng ta thấy có hai cách giáo dục tuy khác nhau nhưng có chung mục đích trong tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Khi người cha giơ cao roi đánh con, mẹ bao giờ cũng đến can, chữa lỗi cho con ngay. Chúng ta không thể nói bố đúng mẹ sai, mẹ đúng bố sai, nhưng đó là hai cách giáo dục của những người làm cha làm mẹ. Giáo dục của bố là yêu cho roi cho vọt. Cách giáo dục của mẹ là yêu thương giáo dục dần dần. Ở đâu có sự hiện diện của mẹ, ở đấy có sự ấm áp dịu dàng. Bởi vậy vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng. Các nhà thần học gọi Thiên Chúa đã dẫn dắt con người với tư cách là Cha nhưng yêu thương với tấm lòng của người mẹ, vì với tư cách là Cha, Thiên Chúa đã tỏ ra công bằng vô cùng, quyền năng vô cùng, công minh tuyệt đối nhưng bằng tình yêu thương của tấm lòng của người mẹ là yêu thương, tha thứ, kiên nhẫn. Chính vì thế, khi Thiên Chúa chọn cho mình một người mẹ là để nói rằng Thiên Chúa đã ban thiên chức làm mẹ cho con người. Con người phải tôn trọng thiên chức đó. Mọi quyền hành đều thuộc về Chúa và Thiên Chúa ban quyền cho Đức Mẹ là để phục vụ, để yêu thương, để bênh vực, để cứu giúp vì Đức Mẹ hiểu rõ ý Chúa, làm theo ý Chúa. Cho nên chúng ta còn có tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mẹ được đặt lên để làm trạng sư bầu chữa cho con người, cho toàn thể nhân loại. Toàn thể nhân loại sẽ được nhận tình yêu thương của Thiên Chúa là mẹ. Như thế chúng ta hiểu được lòng của Thiên Chúa bao la nơi Đức Mẹ Maria.

Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ. Người Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhờ có Mẹ là Mẹ, Mẹ giúp cho chúng ta nhận biết chúng ta là con cái Nước Trời, chúng ta là anh chị em của nhau. Xin cho mỗi người chúng ta được sống xứng đáng hơn nữa trong tư cách làm con để một khi dần dần trở nên giống Đức Mẹ chúng ta được thêm tình yêu thương, ân cần và sự dịu dàng của Mẹ chăm lo cho các thế hệ mai sau.