Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Vọng, Năm A

Tin mừng Matthêu kể câu chuyện truyền tin cho Thánh Giuse:“Bà Maria, mẹ của Đức Giêsu, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”... Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” ( Mt 1, 18 – 21.24).

Tin mừng giới thiệu về những đóng góp của Thánh Giuse vào công trình Nhập Thể. Với sự quãng đại, Thánh Giuse đã bỏ dự định của mình để thi hành chương trình của Chúa. Ngài đã cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Vua Đavit. Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ thời Cựu Ước. Thánh Giuse đặt tên cho Hài Nhi, nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý. Từ nay Thánh Giuse bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngôn sứ Isaia loan báo: “Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7,14). Lời ngôn sứ có một tầm quan trọng trong nhiệm cục cứu rỗi. Lời đó khẳng định "chính Thiên Chúa" sẽ ban cho Đavid một người thuộc dòng dõi, như là "dấu chứng" lòng trung tín của Người. Lời hứa này đã thực hiện: Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Chúa Giêsu. Thánh Giuse đựơc vinh dự tham gia vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu Kitô là Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người là Đấng Cứu Độ, Đấng đến giải thoát và ban bình an cho dân Chúa. Nhưng qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay, Thánh Giuse đã gặp một cú sốc quá lớn. Khi biết Maria bỗng dưng có thai, Giuse đau khổ, rất bối rối, buồn phiền, thậm chí thấy mình bị xúc phạm mãnh liệt. Theo luật dân sự, trong trường hợp này, Giuse có quyền từ hôn. Giuse có thể tố cáo Maria về vụ việc này, và nhà cầm quyền Do Thái có thể xử tử Maria bằng cách ném đá cho đến chết, chiếu theo luật trong Đnl 22,23-24. Giuse âm thầm mang lấy nổi đau riêng mình, dự định “tẩu vi thượng sách”. Dự tính lặng lẽ ra đi không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh(Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8). Giuse được biết là Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình nên toan tính rút lui. Để cũng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ (mầu nhiệm), quyết định rời bỏ bà cách kín đáo”. Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x.Lm Phan Tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).

Là người công chính nên Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Vì vậy, ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

1. Mẫu gương đức tin, công chính và cầu nguyện.

Thánh Giuse, con người đức tin, công chính và cầu nguyện. Đức tin liên kết với sự công chính và sự cầu nguyện, đó là thái độ xứng hợp để gặp “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta".

Tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trổi vượt. Ngài không hề quay lại bản thân mình để cảm thấy bị lừa dối xúc phạm, nhưng chỉ hướng về Maria để tiếp tục tin rằng vị hôn thê của mình vẫn thật sự trong sạch vẹn tuyền. Không hề tra hỏi Maria một lời nào.Vì yêu Maria nên Giuse không muốn làm hại bạn mình. Ngài đã chọn con đường rút lui trong âm thầm, một giải pháp thua thiệt cho bản thân vì sẽ mang tiếng là “sở khanh”. Một quyết định can đảm nói lên tình yêu và tấm lòng quảng đại của ngài. Giuse đúng thật là người công chính. Nơi Thánh Giuse, "sự công chính nội tâm" trùng với "tình yêu". Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và đựơc hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu đựơc lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.

Thánh Giuse là một người mở lòng đón nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết "người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần", theo lời ngôn sứ phán xưa: "Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai", và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người. Ngài sống đức tin đích thực bằng việc lắng nghe và thi hành ý Chúa.

2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa.

Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Trong suốt cuộc đời Giuse hằng luôn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).

Thánh ý Chúa, được sứ thần truyền đạt đến cho Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang. Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa. Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ ngoại bang. Sứ thần xác nhận “Maria mang thai do Chúa Thánh Thần” và bảo ông đừng rút lui mà “hãy đưa Maria về với mình”, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng. Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người.

Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai, và ngài đã cùng bạn mình là Đức Maria, thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.

- Ở Bêlem: “Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi !” Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập.” ( Mt 2, 13 – 14 ).

- Ở Aicập: “Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. ”Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen.” ( Mt 2, 19 – 21 ).

- Ở Giuđê: “Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét.” ( Mt 2, 22 – 23 ).

Sống tỉnh thức nên Thánh Giuse trở thành một vị thánh lớn. Ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động. Thánh Gioan Tẩy Giả đã khiêm tốn rao giảng rằng: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” ( Ga 3, 30 ). Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời nào. Tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria ở Nadarét và tiếng “xin vâng” của Chúa Giêsu ở vườn Ghếtsêmani đã được hòa âm trong trọn vẹn cả cuộc đời Thánh Giuse.

Thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng. Chiêm niệm, thao thức lắng nghe tiếng Chúa, đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời.

Hãy “học trường” Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác.