BỨC THƯ CHUNG KHÔNG GỞI

LTT: Đây chỉ là một tài liệu giả tưởng, được hư cấu để chuyển tải một sứ điệp tư riêng của cá nhân. Vì thế, nội dung và chủ đích không liên hệ gì tới Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Trần Khánh Hòa

Đồng bào Việt Nam kính mến,

Anh chị em tín hữu Công Giáo Việt Nam thân yêu,

Chúng tôi, toàn thể các thành viên của HĐGMVN, có mặt cũng như vắng mặt trong cuộc Đại Hội lần thứ XI (từ ngày 4-6.10.2010), xin kính chuyển đến toàn thể quốc dân đồng bào Việt Nam và toàn thể anh chị tín hữu Công Giáo Việt Nam lời chào chúc kính mến và đầy thân ái trong tình thương hiệp nhất huynh đệ của Chúa Kitô.

Lời đầu tiên trong Bức Thư Chung đặc biệt nầy, chúng tôi xin được hiệp lời cùng toàn Dân Chúa kính dâng lên Thiên Chúa lời tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân Chúa đã thương ban cho dân tộc và đất nước chúng ta, đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trải qua bao thăng trầm suốt hơn 400 năm kể từ khi cha ông ông chúng ta đón nhận Tin Mừng vẫn tồn tại và không ngừng phát triển mà việc cử hành Năm Thánh 2010 như là một điểm qui chiếu cần thiết và đầy ý nghĩa.

Chúng tôi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một cơ cấu mà cách đây đúng 50 năm (24.11.1960), đã được Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập, như một dụng cụ “thích thời và tối lợi” [1]để phục vụ đồng bào và Dân Chúa Việt Nam thân yêu, xin được đồng thanh dâng lên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ cùng lòng sám hối ăn năn. Cảm tạ vì quảng đường 50 năm đồng hành cùng Dân tộc và Giáo Hội tại Việt Nam trong tư cách là những chủ chăn để chăm sóc và hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của mọi thành phần Dân Chúa; ăn năn sám hối vì bao nhiêu thiếu sót, lỗi lầm mà trong thân phận con người, chúng tôi đã không tránh khỏi, đã khiến làm giảm đi bao nhiêu cơ hội để Dân Chúa được nhờ, Dân tộc được lợi.

Trong lần Đại Hội lần thứ XI quan trọng nầy: cuộc Đại Hội Giám Mục Việt Nam chuẩn bị cho 2 biến cố trọng đại của Năm Thánh 2010: Đại Hội Dân Chúa (cuối tháng 11.2010) và Bế Mạc Năm Thánh (đầu tháng 1.2011), chúng tôi muốn được ngỏ lời với Quốc dân đồng bào và với anh chị em tín hữu Công Giáo Việt Nam những điều hệ trọng đang là mối ưu tư trăn trở của tất cả những ai là những người Việt Nam ái quốc và những tín hữu Công giáo trung thành với căn tính kitô hữu của mình.

1. Trước hết, chúng tôi muốn khẳng định một lần nữa “mệnh lệnh” và “quyền” mà chúng tôi đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, đó là: “dạy dỗ mọi dân nước, thánh hóa mọi người trong chân lý và chăn dắt họ” [2].

Vì mang thân phận con người với những giới hạn và bất toàn, chúng tôi rất ý thức rằng: chúng tôi chưa thực thi đến nơi đến chốn mệnh lệnh và quyền đã được Chúa Kitô trao phó; nhất là trong những giai đoạn và thời điểm mà Đất Nước và Giáo Hội cần được soi sáng và định hướng bởi việc thực thi mệnh lệnh và uy quyền nầy. Vì thế, chúng tôi xứng đáng lãnh nhận những lời trách móc và phàn nàn về thái độ “im lặng khó hiểu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam” đến từ nhiều thành phần trong Dân Chúa và từ những anh chị em thiện chí khác không chia sẻ cùng một niềm tin.

Tuy nhiên, chúng tôi thiết tưởng: sau khi đã lắng nghe và “biện phân” [3] đủ mọi ý kiến và phản ảnh về các vấn đề hệ trọng đến vận mệnh của Đất Nước và Giáo Hội, thời điểm nầy mới thật chín mùi và cần thiết để chúng ta cùng nói lên những quan điểm, tâm tư cùng nguyện vọng chính đáng của những người công dân Việt Nam ái quốc và của những tín hữu Công Giáo Việt Nam trưởng thành và trách nhiệm.

2. Quan điểm và nguyện vọng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sự tồn vong và phát triển của Tổ Quốc.

Đại diện cho cộng đồng tín hữu Công Giáo Việt Nam và liên đới với mọi thành phần công dân Việt Nam trong và ngoài nước, những người đang có chung một ước nguyện và thiện chí xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, dân chủ và độc lập, chúng tôi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tuyên bố:

a/. Đã đến lúc Đất nước Việt Nam cần một thể chế chính trị đa nguyên dân chủ, thể hiện ý chí, ý muốn và nguyện vọng của toàn dân tộc. Chỉ có thể chế nầy mới tạo được một guồng máy lãnh đạo hiệu quả, đẩy lùi tệ hại tham nhũng, tập họp sức mạnh của toàn dân, thoát khỏi áp lực của ngoại bang, gìn giữ sự tồn vong và bảo đảm sự phát triển dài lâu cho Tổ Quốc. Một thể chể chế chính trị độc tài-đảng trị sẽ dẫn Tổ Quốc đến chỗ lầm than, lòng người ly tán, tham nhũng hoành hành và khiếp nhược trước áp lực của ngoại bang.

b/. Đã đến lúc xã hội Việt Nam cần một bầu khí tự do, trong sáng, cởi mở, không bị trói buộc bởi một ý thức hệ, một chủ thuyết hay một tín ngưỡng tôn giáo nào. Hãy trả lại cho môi trường giáo dục-học đường bầu khí lành mạnh, vui tươi, hướng thiện và bồi đắp toàn diện con người mang bản sắc dân tộc và tiếp thu chọn lọc những tiến bộ và văn minh của thế giới. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các tôn giáo phát triển, xích lại gần nhau và cùng tích cực đóng góp vào thiện ích chung. Đưa ý thức hệ Mác-Lê, tư tưởng Bác Hồ vào đúng vị trí trong kho tàng những đóng góp quý báu của tư tưởng nhân loại để tham khảo chứ không phải để áp đặt lên toàn bộ sinh hoạt chính trị-xã hội.

c/. Đã đến lúc người dân Việt Nam cần được hưởng và thực thi những quyền tối thượng của con người đã được nêu trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, quyền được phát biểu và bảy tỏ lập trường, chính kiến, ý kiến phản biện… phải được tôn trọng. Phải trả tự do cho những người thành tâm thiện chí tranh đấu cho lẽ phải, dân chủ, nhân quyền và bênh vực độc lập chủ quyền cho Đất Nước. Văn hóa, văn học, báo chí, sách vở…chỉ có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng trong một môi trường xã hội cởi mở, khoan dung, tự do và dân chủ.

d/. Đã đến lúc môi trường sinh thái của Đất Nước cần được chăm sóc và bảo vệ nghiêm túc. Dừng lại tức khắc những dự án khai thác mang nguy cơ hủy hoại, tàn phá môi trường, đe dọa sự sống, gây hậu quả thiên tai và đại họa cho các thế hệ tương lai…(Như dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, các dự án thủy lợi bất hợp lý, dự án điện hạt nhân không cần thiết…). Cùng với việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, đó là việc bảo vệ chăm sóc đời sống của nông dân và công nhân lao động, môi trường định cư và sinh kế cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Bất cứ chương trình qui hoạch nào cũng phải nhắm đến lợi ích ưu tiên cho người nghèo và sự hưởng dụng công bình tài nguyên, lợi tức trong xã hội.

e/. Đã đến lúc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền và cương quyết bảo vệ hiệu quả lãnh địa, lãnh hải của Tổ Quốc. Quyền lợi và sự tồn vong của Đất Nước, Dân Tộc phải vượt lên mọi mưu đồ quyền lợi của phe đảng và những âm mưu chính trị mang tính ý thức hệ hay đảng phái. Quân đội là sức mạnh của dân tộc và có mục tiêu bảo vệ Đất Nước khỏi ngoại xâm chứ không bao giờ trở thành lực lượng bao che cho sự lộng quyền của phe đảng chính trị. Cần phát huy sức mạnh và sự tự hào dân tộc cho giới trẻ, học sinh, sinh viên, phát triển công nghệ quốc phòng hợp lý, song song với một nền ngoại giao khôn ngoan và uyển chuyển, tranh thủ sự tín nhiệm và hỗ trợ của mọi quốc gia và tổ chức quốc tế.

Khi tuyên bố 5 điều trên, Hội Đồng Giám Mục Việt nam muốn thể hiện cụ thể và tích cực tinh thần đồng hành và hội nhập của Giáo Hội theo đúng giáo huấn của Công Đồng Vatican II[4], theo tinh thần của bức Thư Chung 1980[5] của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và nhất là theo định hướng của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp xã hội Caritas in veritate mới được ban hành ngày 7.7.2009:

“Giáo hội không đưa ra những giải pháp kỹ thuật [10] và cũng không đòi hỏi “nhúng tay vào chính trị của Nhà Nước bằng bất cứ cách nào” [11]. Dù vậy, Giáo hội phải chu toàn trong mọi thời gian và mọi hoàn cảnh sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ.”[6]

3. Định hướng mục vụ cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã khai mạc Năm Thánh 2010 vào ngày 24.11.2009 để long trọng mừng hai biến cố: 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Tòa đầu tiên tại Việt nam (1659-2009) và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960-2010). Và như vậy, cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam đã đi gần tới cuối chặng đường Năm Thánh với hai biến cố quan trọng sắp được cử hành: Đại Hội Dân Chúa tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21-25.11.2010 và đại lễ Bế Mạc năm Thánh là Trung Tâm Đức Mẹ La Vang từ ngày 4-6.1.2011.

Cùng với mọi thành phần tín hữu Công Giáo Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chúng tôi hy vọng rằng, từ kết quả của Năm Thánh, Giáo Hội Việt nam sẽ tìm ra những định hướng mục vụ đúng đắn và thích hợp cho cuộc hành trình sống đạo của những tháng ngày tiếp theo.

Như vậy, để có được những kết quả thiêng liêng và mục vụ như lòng Chúa mong muốn hầu đáp ứng các yêu cầu và khát vọng của mọi thành phần trong và ngoài Giáo Hội, cũng như để góp phần xây dựng một Đất Nước Việt Nam giàu mạnh, một Giáo Hội Việt Nam năng động trưởng thành, điều cần thiết hôm nay và lúc nầy đó chính là:

a/. Sự nỗ lực của tất cả chúng ta, các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và mọi thành phần Dân Chúa, cải biến cuộc sống cho càng ngày nên giống Chúa Kitô, đặc biệt trong đời sống cầu nguyện, khó nghèo và bác ái,[7] để như lời khuyến dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Sứ điệp gửi Đức cha Chủ tịch HĐGMVN nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam:

“…nhằm mang tới cho toàn thể xã hội Việt Nam những giá trị Phúc Âm như bác ái, chân lý, công bằng và ngay thẳng. Nếu chúng ta sống các giá trị này theo gương Chúa Kitô, thì chúng sẽ mang một chiều kích mới mẻ, vượt xa hơn ý nghĩa luân lý theo truyền thống như người ta thường hiểu, khi mà các giá trị ấy bén rễ sâu vào Thiên Chúa là Đấng luôn ước mong điều thiện hảo cho mọi người và muốn cho mọi người được hạnh phúc.”[8]

b/. Tích cực tham gia xây dựng Giáo Hội trong tinh thần trách nhiệm và khoan dung bằng những việc làm cụ thể, những ý kiến xây dựng, những đóng góp quảng đại đáp ứng mọi yêu cầu và mọi sinh hoạt của Giáo Hội Việt Nam. Cuộc Đại Hội Dân Chúa sắp tới sẽ là một cơ hội thuận lợi và thích hợp để tất cả mọi thành phần Dân Chúa thể hiện chiều kích tham gia và hiệp thông như định hướng và ước nguyện của Năm Thánh 2010. Đặc biệt, chúng tôi sẵn sàng đón nhận và lắng nghe những ý kiến góp ý của anh chị em về cơ cấu tổ chức, cách điều hành và hoạt động của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam để trong những ngày sắp tới Hội Đồng Giám Mục Nam có được một cơ cấu tổ chức tốt hơn, một cách điều hành linh hoạt hơn và một chương trình làm việc năng động và hiệu quả hơn. Trong dịp nầy, chúng tôi cũng xin thông báo cùng anh chị em một vài thay đổi nhỏ về nhân sự trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (như danh sách được đính kèm).

c/. Trong khi Bức Thư Chung nầy được gởi đến anh chị em thì cùng lức một số tỉnh Miền Trung thân yêu như Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh, Nghệ An đang đối diện với thiên tai lũ lụt mang theo những thiệt hại to lớn về nhân mạng, nhà cửa, mùa màng. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin được chia sẻ với mỗi gia đình và từng nạn nhân nổi đau thiệt hại và mất mát to lớn; đồng thời sẽ điều động và phối hợp với các Tòa Giám Mục, cùng với tổ chức Caritas của các giáo phận đề xuất các phương án cứu trợ cụ thể.

Tuy nhiên, trong giữa cơn gian nan thử thách, niềm tin luôn dạy chúng ta phải vững lòng cậy trông nơi tình thương Thiên Chúa. Đó là cách sống đã trở thành chứng từ sống động nơi con người của Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Vị Tôi Tớ Chúa sẽ được Tòa Thánh chính thức mở án phong Chân Phước vào ngày 22.10.2010. Chúng ta vui mừng cảm tạ hồng ân bao la Thiên Chúa.

Kính thưa toàn thể đồng bào và cộng đồng Dân Chúa Việt Nam,

Trước khi kết thúc bức Thư chung của Đại Hội lần thứ XI nầy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chúng tôi một lần nữa muốn minh định rằng: sứ mệnh rao truyền chân lý Phúc Âm và hướng dẫn Dân Chúa sống phù hợp với Tin Mừng đó chính là “mệnh lệnh” và “quyền” mà chúng tôi được lãnh nhận từ nơi Chúa Kitô. Cho dù các văn bản định hướng có khác nhau tùy theo những yêu cầu cấp thiết của con người và của Hội Thánh, nhưng nội dung và chủ đích cơ bản vẫn như lời chỉ dẫn của Sắc Lệnh Nhiệm Vụ Giám Mục của Công Đồng Vatican II:

« Các Ngài phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo một cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là đáp ứng những khó khăn và những vấn đề đang làm cho mọi người xao động và khắc khoải nhất. Các ngài cũng phải coi sóc giáo thuyết đó bằng cách dạy cho chính các tín hữu biết bênh vực và phổ biến nó. Trong việc giảng truyền giáo thuyết này, các Ngài phải tỏ lòng ân cần từ mẫu của Giáo Hội đối với hết mọi người, tín hữu cũng như lương dân, và phải đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo khổ, những kẻ hèn kém, mà Chúa đã sai các Ngài rao giảng Phúc Âm cho họ. »[9]

Chúng tôi cũng lượng giá rằng: nội dung bức Thư Chung nầy có thể sẽ làm dị ứng cho một số đối tượng, nhất là đối với chính quyền dân sự trong thể chế chính trị độc tài đảng trị của Việt nam hiện nay, một thể chế luôn bóp ngặt mọi tư tưởng và ý kiến khác biệt để biến tất cả thành một công cụ phục vụ cơ cấu độc tài đó. Tuy nhiên, chúng tôi muốn lặp lại chính lập trường của Giáo Hội Công Giáo được minh thị trong Sắc Lệnh có liên quan đến chính sứ mệnh của chúng tôi như sau:

« Trong việc chu toàn nhiệm vụ tông đồ nhằm cứu rỗi các linh hồn, các Giám Mục tự mình được hưởng quyền tự do đầy đủ và hoàn toàn, cũng như quyền độc lập đối với bất cứ quyền hành dân sự nào. Vì thế, không được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn trở việc thi hành nhiệm vụ thuộc phạm vi Giáo Hội của các ngài, hoặc không cho các ngài tự do liên lạc với Tòa Thánh, với những Thẩm Quyền khác trong Giáo Hội và với những kẻ thuộc quyền. »[10]

Với một chính quyền dân sự chính đáng và hợp pháp, nhiệm vụ của chúng tôi chính là cọng tác và xây dựng đồng thời hướng dẫn Dân Chúa thi hành nhiệm vụ công dân cách ý thức và trách nhiệm.

« Thực ra, các Chủ Chăn Thánh, trong khi chuyên tâm săn sóc việc thiêng liêng cho đoàn chiên, thực sự cũng lo đến công việc thăng tiến và nền thịnh vượng của xã hội trần thế, bằng cách cộng tác hữu hiệu với các chính quyền dân sự để thực hiện mục đích trên trong phạm vi chức vụ và hợp với cương vị Giám Mục; và bằng cách nhắn nhủ đoàn chiên vâng phục các luật lệ chính đáng và tôn trọng các quyền bính hợp pháp. »[11]

Riêng đối với anh chị em trong gia đình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện để Hội Đồng Giám Mục Việt Nam luôn là một khối duy nhất, là dụng cụ hữu hiệu và dấu chỉ cụ thể cho mối hiệp thông giữa lòng Giáo Hội Việt Nam và với Giáo Hội hoàn vũ. Xin cầu nguyện cho mỗi giám mục chúng tôi mỗi ngày trở nên thánh thiện hơn để luôn xứng đáng là những Tông Đồ của Chúa Kitô trong thiên niên kỷ mới.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

BC: Vì bức thư nầy được tìm thấy trong thùng rác của một Tòa Giám Mục dưới dạng viết tay, nên không thấy có chữ ký của vị giám mục nào.

Trần Khánh Hòa

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tông Hiến “Venerabilium Nostrorum” của ĐGH Gioan XXIII về việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.

[2] Sắc lệnh về Nhiệm vụ của Giám Mục trong Giáo Hội (CHRISTUS DOMINUS), số 2.

[3] Diễn từ chào mừng Đức Cha Nhơn nhậm chức Phó Tổng Giám Mục Hà Nội của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh ngày 7.5.2010

[4] Hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng” của Công Đồng Vatican II

[5] Thư chung 1980: Đồng hành cùng Dân Tộc.

[6] Thông điệp Caritas in veritate của ĐGH Bênêđictô XVI, số 9

[7] Bài viết của ĐGM Phêrô Bùi Tuần trên báo CG & DT số 1780: “Truyền giáo tại Việt Nam hôm nay”.

[8] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Đức cha Chủ tịch HĐGMVN nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam.

[9] Sắc lệnh về Nhiệm vụ của Giám Mục trong Giáo Hội (CHRISTUS DOMINUS), số 13.

[10] Sắc lệnh về Nhiệm vụ của Giám Mục trong Giáo Hội (CHRISTUS DOMINUS), số 19.

[11] Sắc lệnh về Nhiệm vụ của Giám Mục trong Giáo Hội (CHRISTUS DOMINUS), số 19.