Tình yêu nào tiết ra chất hy sinh mới là tình yêu chân chính. Đức Kitô so sánh: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Quá tuyệt vời, tuyệt vời đến nỗi chúng ta thấy có gì đó “bất ổn”, là điên rồ, là “không giống ai”, là ngược đời quá, không hiểu nổi! Thật vậy, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến nỗi chấp nhận chết treo trên Thập giá. Đại văn hào Shakespeare có truyện Romeo và Juliet. Đôi tình nhân này yêu nhau chân thành tha thiết đến nỗi đã dám chết để bảo vệ tình yêu của nhau, dù cha mẹ đôi bên cấm cản do mối thù hai dòng tộ. Tình yêu của họ làm chúng ta khâm phục. Nhưng tình yêu đó vẫn ích kỷ – vì chính mình hơn vì người khác. Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4, 8 & 16) nên Ngài yêu trọn vẹn, hoàn toàn vì chúng ta – dù chúng ta là những con người tội lỗi và xấu xa vô cùng. Chúng ta không xứng đáng và không có quyền đòi hỏi gì ở Ngài, nhưng Ngài vẫn dành cho chúng ta tình yêu cao cả, hoàn toàn là “tình cho không biếu không”, vô điều kiện. Không dễ cảm nghiệm hết nỗi khao khát yêu thương cháy bỏng của Đức Kitô đã, đang và mãi mãi đợi chờ chúng ta đáp lại. Tôi có anh bạn có đứa con bị khuyết tật từ nhỏ. Thời gian gần đây bệnh trở nặng, nó quằn quại trong những cơn đau thể lý. Là người cha, anh thấy con đau một thì mình đau mười. Bất chợt anh cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin xót thương con của con. Nếu con phải mất một phần cơ thể hoặc phải chết để con của con khỏi bệnh thì con xin chấp nhận, chỉ xin Chúa cho con của con được khỏe mạnh”. Anh chia sẻ với tôi rằng có vậy mới khả dĩ hiểu Tình Chúa được phần nào. Có lẽ không nhiều người trong chúng ta chưa có dịp để cảm nhận nên có thể chưa đủ để hiểu hết Lòng Chúa Thương Xót, nhưng với người cha nói trên có thể phần nào cảm nhận “việc hy sinh vì người mình yêu thương”. Đứa con dù tật nguyền thì cha mẹ vẫn hết mực yêu thương và dành cho nó những gì tốt đẹp nhất, không nỡ chối bỏ nó dù nó không trọn vẹn hoặc hư hỏng. Có con thì mới hiểu được tình cha mẹ dành cho con cái. René Bazin nói: “Những trái tim đau khổ và dũng cảm là những tâm hồn cao thượng”. Đau khổ có nhiều mức độ, nhưng chắc hẳn chưa ai đau khổ tột độ như Chúa Giêsu. Ngài không chỉ đau khổ về thể lý (toát mồ hôi lẫn máu trong vườn Cây Dầu, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, bị đóng đinh, bị đâm cạnh sườn để chảy ra hết đến giọt máu và giọt nước cuối cùng), Ngài còn đau khổ về tinh thần vì ngày đêm bị loài người sỉ nhục, bỏ rơi, khinh miệt, làm ngơ,… Thánh Thể hằng ngày ở thánh đường nhưng mấy ai đến truyện vãn với Ngài? Hằng ngày Ngài hiến tế trên bàn thờ làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta nhưng mấy ai đón nhận Ngài qua việc rước lễ? Vậy thì sao Ngài không đau khổ chứ? Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” hay “Người Cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32) cho thấy Tình Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người. Chúng ta dù tội lỗi thế nào thì Chúa vẫn không từ bỏ, sẵn sàng tha thứ ngay nếu chúng ta biết hồi tâm sám hối. Ngài luôn chờ đợi chúng ta nói lời xin lỗi thành tâm. Và lúc đó, Ngài phục hồi nguyên trạng thái và cương vị cho chúng ta. Hồng ân Chúa luôn đủ cho chúng ta, không bao giờ thiếu, chỉ tại chúng ta không màng sử dụng thôi, vì “ở đâu có nhiều tội lỗi thì ở đó có nhiều ân sủng” (Rm 5, 20). Đạo Chúa là đạo yêu thương. Tình yêu chỉ có thể được đáp lại bằng tình yêu. Thật vậy, “ai giữ lời Người dạy thì tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo nơi kẻ ấy” (1 Ga 2, 5). Thánh Phaolô đã xác định: “Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến đều tồn tại, nhưng Đức Mến là cao trọng nhất” (1 Cr 13, 13). Yêu Chúa thì dễ nhưng yêu người thì không dễ, mà thước đo lòng mến Chúa lại chính là lòng yêu người. Không yêu thương thì đừng nói mình là môn đệ Ngài, vì như vậy – nói theo cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận – chỉ là “đạo nhãn hiệu”. Quan yếu hơn, chính Đức Giêsu đã cho “kiểu” đó là giả hình, là mồ mả tô vôi (x. Mt 23, 13-29).

Lạy Chúa, xin thương xót và tha thứ chúng con đã lầm đường lạc lối lâu nay. Xin cho chúng con biết sẵn sàng và mau mắn đáp lại Tình Chúa, thật lòng với tha nhân. Vâng, chỉ có Tình Ngài tuyệt đối và là “đệ nhất tình yêu” vậy!