Trong những ngày qua, tại TGP Sài Gòn đã có một số hoạt động, bài viết nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng Giáo phận Chánh tòa Sài Gòn, đồng thời kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị Tổng Giám mục tiên khởi của TGP Sài Gòn.

Xem hình ảnh

Buổi sáng ngày hôm nay, 01/9/2010, cũng như nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân khác, tôi đến dự buổi lễ kỷ niệm về Đức Cố TGM Phaolô và hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ngài tại Trung Tâm Mục Vụ. Trong tâm tình của một con chiên đối với vị chủ chăn quá cố, tôi ghi nhận, biểu lộ cảm xúc qua diễn biến của buổi lễ kỷ niệm trên.

Bước vào hội trường, một khung cảnh trang trọng khi đã có đông linh mục và các nữ tu với nhiều tu phục khác nhau ngồi kín các dãy ghế; còn khán đài của hội trường được trang trí đơn sơ mà vẫn đẹp vì có những lẵng hoa tươi, một bức ảnh làm người ta có cảm tưởng hôm nay được gặp gỡ lại vị Tổng giám mục khả kính ngày nào.

Sau phần giới thiệu, tưởng niệm, mở đầu và tuyên bố lý do của buổi hội thảo, mọi người cảm thấy sống động hơn khi một số hình ảnh hoạt động của Đức cố TGM được hiện trên màn hình. Tôi bỗng thầm cảm ơn ai đó đã phát minh ra máy chụp ảnh ghi lại được những khoảnh khắc không gian, thời gian trong quá khứ, để người ta được nhìn lại vóc dáng, công việc của một người, sự việc.

Phần chính của buổi hội thảo là khi Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn ngồi vào bàn chủ tọa và mỗi người được phát một tài liệu để tiện theo dõi ý tưởng Đức Hồng y trao đổi. Tài liệu có tựa đề: “Tổng Giáo phận Sài Gòn qua dòng lịch sử 50 năm”. Ngoài những con số cụ thể cho biết Tổng Giáo phận Sài Gòn tăng trưởng qua những biến động và thăng trầm trong lịch sử, còn có ba phần rõ rệt, gồm: nhìn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng đến tương lai. Tôi nghĩ, xấp tài liệu này tóm gọn trong tám trang, quả là rất thuận tiện cho những giáo dân muốn biết về Tổng giáo phận Sài Gòn trong chặng đường 50 năm, một cách dễ hiểu nhất.

Tôi thích nhất một số đoạn trong phần hướng về tương lai mà ở đó “Người Công giáo tốt là người hết lòng gắn bó với Chúa Giêsu, với Giáo hội của Người, quyết tâm bước theo Người và đồng hành cùng dân Chúa trên con đường yêu thương, cứu độ. Đó là con đường:

- Hội nhập vào đời sống cộng đồng xã hội.

- Dấn thân phục vụ cho sự sống toàn diện của mọi người cùng sự phát triển của đất nước.

- Hy sinh lòng tự kỷ và tự đại để bao dung và vị tha; khắc phục những khó khăn và những hậu quả tiêu cực trong quá trình phát triển xã hội, nhờ đó mà lòng đạo được tỏa sáng.

- Đổi mới tâm trí và hướng lòng đạo đi đến quyết tâm chung sức với mọi người kiến tạo nền văn hóa sự sống…..nhờ đó, ngôi nhà giáo phận với ba gian mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ được mở rộng”.

Trong phút giải lao, sân Trung tâm Mục vụ rộn ràng hẳn lên, quí cha thì tay bắt mặt mừng, quí sơ thì cười cười nói nói. Chắc chắn trong số đông người có mặt ở đây, nhiều vị có được những kỷ niệm đáng nhớ đối với vị cố Tổng giám mục đáng kính này, huống hồ là tôi, một giáo dân, cũng có một hai kỷ niệm nhỏ bé mà xin kể ra đây.

Tôi đứng ở góc sân, tay cầm chai nước, phóng tầm mắt ra xa, quan sát quang cảnh Đại Chủng Viện, lòng như chợt sống lại một vài kỷ niệm với vị cha chung của giáo phận.

Ngày tôi chịu phép thêm sức, trước mặt tôi là Đức Tổng Phaolô, sau lưng tôi là một nữ tu tu hội tận hiến (người đỡ đầu) thế mà tôi không cảm nhận được niềm vui “trăm triệu lời ca” đó mà chỉ lo sợ Đức Cha tát vào má, tôi sẽ bị đau.

Dòng đời đưa đẩy, tôi được học khóa thần học đầu tiên do Đức Tổng Phaolô khởi xướng. Ngày Ngài đến thăm lớp học, xong việc, Ngài đi một mình dọc hành lang, tôi bước đến: “Kính thưa Đức Tổng, con muốn chụp hình với Đức Tổng ạ!” Ngài nhìn tôi, đôi mắt to đen: “Được! Con đứng bên cha đây!” Cử chỉ hiền lành của Ngài làm tôi ấn tượng và bức ảnh này trở thành một trong những tấm hình quí nhất về kỷ niệm cuộc sống của tôi. Cuối khóa học, tôi và các sơ chụp hình với Đức Tổng, một sơ thích đứng sát bên Ngài, tôi cũng muốn thế, hai người lộ ý chen nhau giành chỗ, Ngài nhìn chúng tôi nheo mắt, tôi chột dạ và hiểu rằng Ngài không thích sự tranh chấp.

Ba tôi là ông trùm xứ đạo, thường đại diện giáo xứ lên tòa Giám mục để chúc mừng bổn mạng Đức Tổng, Ngài nói: “Cảm ơn ông trùm và xứ đạo nghen, năm nào cũng nhớ cầu nguyện và chúc mừng cho tôi, dzậy chớ có ai chúc mừng bổn mạng quí ông trùm không?” Ba tôi về nhà, ông rất hạnh phúc về câu hỏi đó. Đáng nhớ nhất là câu chuyện ba tôi kể lại, có lần Đức Tổng Phaolô đến giáo xứ ban bí tích và dùng cơm trưa. Ăn xong, Ngài xuống nhà bếp, cảm ơn những người đã vất vả phục vụ bữa ăn. Đức Tổng đã đi vào lòng giáo dân như thế sao?

Sau giờ giải lao, mọi người sang nhà nguyện Tiểu chủng viện, nơi có phần mộ của Đức Tổng Phaolô, chuẩn bị dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ngài.

Trong bầu khí thật trang nghiêm, tôi thầm nghĩ, một người khi đã qua đời, được an táng tại một nơi mà hằng ngày trên phần mộ của mình đều có dâng thánh lễ, thì thật là hạnh phúc! Đó có phải là phần thưởng của một người đã hai lần nằm xấp trước mặt Chúa và Giáo hội để chết đi cho thế gian không?

Bài giảng của Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Khảm không quá dài, không quá ngắn, đủ để tôi ghi nhớ những ý tưởng này: “Trong truyền thống của Giáo hội, việc cử hành lễ tưởng niệm làm cho quá khứ trở thành hiện tại sinh động và là bệ phóng hướng về tương lai”.

“Có nhiều cách để lý giải về một con người. Con người của Đức Tổng Phaolô được nhiều người đồng cảm, đồng thuận vì đó là con người của hòa bình và loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa ban cho Ngài một cái tên là “Bình”, nên cuộc đời của ngài thật an bình. Sự bình an có nơi Ngài còn được ban phát cho giáo hội.”. “Hòa Bình là sự an nghiêm của trật tự.”

Được nghe định nghĩa về hòa bình như thế cũng có lý, nhưng tôi lại định nghĩa rằng, hòa bình là tìm được điểm chung giữa nhiều con người khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau. Điểm chung đó thật sự mang lại bình an, hạnh phúc. Hay thực hiện những điều trong bài hát Kinh Hòa Bình, vang lên mấy lần trong thánh lễ.

Kết thúc bài giảng, vị giám mục cho rằng Đức Tổng Phaolô là con người “hiền hòa, khả ái, khả kính”. Tôi nghĩ rằng, một người có chức quyền mà đạt được điều đó không phải dễ, vì những người gọi Ngài là chủ chăn không phải đều có những suy nghĩ giống nhau và không phải con chiên nào cũng có cái đầu vuông vức như nhau!

Sau thánh lễ, nhiều người ở lại dùng cơm trưa, nhiều người ra về. Buổi trưa mùa thu mà cái nắng chói chang. Tôi cảm thấy ngột ngạt, nóng nảy trong khi ông trùm giáo xứ Tân Lập dắt cái xe máy của tôi một cách khó khăn ra khỏi bãi giữ xe mà vẫn vui cười; khiến tôi nghĩ rằng: dù là vị chủ chăn hay một giáo dân hễ cứ phục vụ trong yêu thương là tìm thấy hạnh phúc, an bình